Viết Dưới Ánh Đèn Dầu - Phần 2
Trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, nghệ thuật cũng làm những nhiệm vụ tức thời phục vụ cho đời sống tinh thần của nhân dân. Xu hướng hiện thực trong nghệ thuật phát triển, phù hợp với bối cảnh lịch sử dân tộc. Tuy nhiên sự áp dụng máy móc các quan điểm đó dẫn đến phê bình, đánh giá nghệ thuật khó tránh khỏi định kiến và áp đặt. Là một họa sĩ đích thực Bùi Xuân Phái luôn khao khát được mở rộng, tự do trong sáng tạo. Ông tin tưởng vào sự đổi mới và phát triển của nghệ thuật. Không bao giờ Bùi Xuân Phái chấp nhận việc hạ thấp nghệ thuật cho dễ hiểu tới số đông, trái lại ông đòi hỏi, mong muốn trình độ thẩm mỹ của quần chúng sẽ dần được nâng cao.
Bùi Xuân Phái không bao giờ tự thỏa mãn mình trong nghệ thuật. Một bức tranh bán được, có được ít tiền vẫn làm ông băn khoăn. Ông vẫn muốn làm tốt hơn, vẽ đẹp hơn nữa. Ông thương người yêu nghệ thuật bỏ tiền mua tranh dù chính bản thân và gia đình luôn túng thiếu. Sau những năm 1980 Bùi Xuân Phái là họa sĩ bán tranh được nhiều và ông cũng là người sớm băn khoăn về sự ảnh hưởng của thương mại đối với nghệ thuật. Với ông giá trị bức tranh không phụ thuộc vào đồng tiền và tin rằng nghệ thuật dài lâu cũng cần phải có thời gian dài lâu mới hiểu hết được.
77. Nên chú ý vấn đề tài năng của người nghệ sĩ. Rất có thể người kém tài năng mà có rèn luyện, tương đối có nghề nghiệp (khen có nghề nghiệp chưa phải là câu khen đáng kể).
Phân tích tài năng của một nghệ sĩ thật phức tạp, nó là vấn đề bẩm sinh, vấn đề rèn luyện. Nó ví như cái duyên đặc biệt của một cô gái đẹp.
78. Tôi cảm thấy nhà phê bình phải có một trình độ hiểu biết rất lớn và một tâm hồn nhạy cảm. Ông ta có thể không biết vẽ nhưng rất biết xem tranh (như người biết ăn ngon nhưng không biết làm bếp) để làm người huớng dẫn đáng tin.
79. Nhà phê bình chân chính không vì danh lợi mà làm việc, không để đồng tiền hoặc quyền thế sai khiến. Biết khám phá ra tài năng trước những đồng nghiệp, nhà phê bình đó quả là những bậc thầy.
80. Đừng chấp những lời phê bình mang những ác ý bên trong. Một bức tranh dở được khen (?) cũng vô giá trị (về lời khen) như một bức tranh hay bị chê (về lời chê).
81. Đừng để ý đến lời phê bình vì ngay từ đầu, phê bình dùng một phương tiện khác hẳn hội họa là ngôn ngữ chứ không phải là hình và màu.
82. Quần chúng nghệ thuật cũng có người có mắt thẩm mỹ vững vàng, cũng có người không. Do đó ta cần có nhiều suy nghĩ với những lời phê bình. Đừng vội vàng thấy có người khen đã khoái và cũng đừng vội vàng thấy có người chê đã bi. Lại còn phải cẩn thận trong những câu khen "xã giao" nữa chứ! Không nên hỏi người ta thấy tranh mình thế nào. (Trừ trường hợp thân mật, nói thật không sợ mất lòng).
83. Trong số họa sĩ ta, có ông vẽ cũng nhàng nhàng, kiểu học sinh trung cấp, nhưng lại hay đi vào những đề tài rất ghê. Ông này hễ ai chê tranh của ông thì nguy với ông - ông ta nổi giận và chụp lên đầu người chê một vài cái mũ khá là nguy hiểm. Thành ra ông ta cứ tưởng bở vì trước mặt ông thì người ta khen ông và vắng mặt ông thì người ta lại chê ông.
84. Đối với những kẻ phê bình láo kể cả những kẻ nịnh hót để kiếm chác chỉ nên giữ một sự lặng lẽ khinh bỉ. Những con người hiểu biết sâu sắc, nhạy cảm sẽ làm rõ vấn đề Những người chuyên viết về phê bình sẽ đánh giá nhau, họ sẽ hiểu rằng, kẻ ngu dốt bất tài, kiếm chác không thể kiếm ăn mãi được.
85. Cái đẹp sau hết lại phụ thuộc vào những người "thưởng thức". Hỡi ôi? Những người thưởng thức lại không có trình độ thì thật tai hại cho nghệ thuật.
Nếu những người “thưởng thức” cũng hiểu được sâu sắc cái đẹp thì thúc đẩy được tài năng chân chính thực chất của nhà nghệ sĩ biết bao nhiêu!
86. Có những cặp mắt "cập bà lời" (comme n'a pas l'oeil) xem tranh tất nhiên họ không thể hiểu nổi cái đẹp. Buồn thay một con người tuyệt đẹp gặp phải một anh chàng cận thị không có kính. Nói tinh mắt về hội họa khác với tinh mắt về vệ sinh. Cũng như anh chàng mù chữ. dù mắt nhìn vẫn rõ. Anh chàng mù hội họa tất nhiên không chịu nổi những bức tranh khó hiểu.
87. Xem tranh là xem tác giả. Tác giả càng quen thuộc càng làm ta thích không phải vì cái tên mà vì phong cách vẽ.
88. Có những người xem tranh "không có gì" nên họ xem những tranh không có gì" lấy làm thú!
89. Không nên sợ sự đánh giá lẫn lộn, nếu bị ở trường hợp nhầm lẫn như thế thì hãy tin ở mình và ở tương lai. Chuyện đó là tại chưa có đại đa số những người hiểu biết sáng suốt mà lại bị ngược lại! Những chuyện này ít có lắm vì làm gì không có nổi một số ít công nhận là hay. Mà số ít này giá trị hiểu biết càng lớn bao nhiêu thì mới đáng kể bấy nhiêu và cái số ít ấy sẽ cùng với thời gian nhân lên thành số nhiều.
90. Tôi nghĩ về nghệ thuật phải là vô tư, không nên vì không ưa người ta mà không ưa nốt cả tranh, nếu tranh của người ta đẹp.
91. Khen, chê đều phải có nhiệt tình có thiện chí và cuối cùng cũng phải có trình độ. Nếu không có trình độ, dễ đem cái hiểu biết kém cỏi ra mà khen, chê thì còn giá trị gì?
92. Người nghệ sĩ có những băn khoăn làm ra những cái được hoan nghênh hay làm những cái bị chê trách. Ai hoan nghênh? Ai chê trách? Ở cái đó cần phải suy nghĩ. Đừng tưởng bở khi được hoan nghênh nhất thời! Tương lai sẽ đào thải những kẻ cơ hội kiếm chác.
93. Người ta thích chơi tranh của người nổi danh, cái đó là đúng vì có hay mới nổi danh, mới nhiều người chơi. Tuy vậy cũng nên dè chừng, có những cái tên chỉ nổi tiếng một thời rồi tắt dần, mờ dần cho đến lúc không ai nhắc đến nữa, không ai chơi nữa.
94. Quần chúng khi một cái thật mới ra đời thì thường thấy chối. Nhưng khi cái mới ấy đã quen thì lại rất thích.
Người nghệ sĩ sáng tác cho cuộc đời, không phải là chiều theo ý thích của quần chúng, nếu quần chúng càng ngày càng bắt đầu thích thì mới đúng ý nguyện của anh ta, còn nhất thời có bị bỏ quên, chê trách thì đó không hẳn đã đúng.
95. Người thế nào thì thích tranh thế ấy (người trưởng giả thì lại thích tranh trưởng giả). Vì vậy có những tranh làm cho kẻ này ưa, kẻ kia ghét. Đôi khi có những nghệ sĩ lớn buộc cuộc sống phải công nhận, bởi vì dù sao người ta phải tỏ ra công bằng một chút! Người hiểu biết nghệ thuật nhiều thường là người phát hiện tài năng đem lại cho quần chúng một sự đánh giá công bằng.
96. Cuộc đời nghệ thuật chúng ta đã gặp nhiều vướng mắc. Nhiều lúc thật bực mình.
Xem một bức tranh tồi, khung đắt tiền treo vào một chỗ "quan trọng" trong triển lãm. Lại bán được giá cao nữa chứ!
Một anh bất tài bốc phét! Một anh bắt đầu "giàu sang" học đòi kiến thức, một anh tham lam keo bẩn, coi đồng tiền hơn cả danh dự! vv và vv... Bực mình làm gì, có lẽ nên cười thì hơn!
97. Trong nghệ thuật hội họa phân biệt được cái hay, cái dở, cái xấu thật là khó, nhất là đối với những khuynh hướng mới. Có lẽ con người xem tranh phải có một năng khiếu đặc biệt để cảm thấy chăng. Người ta thường chỉ có thói quen cũ để xem thôi, nên họ rất mù mịt với những cái mới.
98. Hỡi những người chơi tranh, xem tranh, người thưởng thức tranh, nếu quả các người chỉ vì tiền, vì a dua thì các người không thể hiểu được bức tranh thật hay thật mới. Các người chỉ hiểu nổi những cái cũ kỹ nó đã quen với những rung cảm nó cũng cũ kỹ của các người thôi.
99. Đừng tham tiền mà bán rẻ những tranh chưa vừa ý, tai hại, để những tranh dở thì nó sẽ át đi mất những tranh hay. Nhưng than ôi! Làm sao đủ sống nếu "chẳng may" một gánh gia đình đông đúc nặng trĩu trên vai? Đôi khi ta cũng phải kiếm tiền, mà kiếm tiền thế nào để có thể tha thứ được?
Cần có tiền. Cần có nghệ thuật. Phải đặt cái nọ lên cái kia? Hãy đặt nghệ thuật lên trên.
100. Chao ôi đáng thương thay những "bức tranh" dở mà người lại tha thiết chơi. Lỗi tại người vẽ hay lỗi tại người chơi?
101. Buồn thay những lời thú nhận của một anh bạn “Mình kiếm ăn quen thành ra lúc đi vẽ không nhìn ra được cái đẹp và cứ khi vẽ lại nghĩ đến tiền. Để bán để vừa lòng khách hàng. Thật khó mà vô tư cứ lúc vẽ lại băn khoăn rốt cuộc nề nếp kiếm ăn lại đẩy mình vào lối vẽ để kiếm ăn, thành một thói quen, một lối vẽ tầm thường, cứ làm đi làm lại, không sao nhích tới mức nghệ thuật được.” Kể ra anh bạn đã thấy nguy cơ của sự kiếm ăn bằng một thứ "nghệ thuật"! Tai hại biết chừng nào!
102. Con đường nghệ thuật là một con đường gian khổ. Thật đúng vậy nếu bạn muốn làm một nghệ sĩ chân chính.
Tôi thấy một số người mạo danh yêu nghề, yêu nghệ thuật nhưng thực chất là chạy theo đồng tiền. Trông anh ta và nhất là trông tranh của anh ta, ta thấy phảng phất những tờ giấy bạc! Anh la chăm vẽ lắm nghĩa là anh ta chăm làm tiền lắm. Ôi nhìn những anh đếm giấy bạc, một pho tượng vừa mới bán cho một xí nghiệp, một bức tranh lụa bán cho XUNHASABA *! Nghệ thuật! Mỉa mai thay! Nếu nó chỉ khuất phục đồng tiền! (1)
(1) Xuất nhập sách báo - một Công ty cùng với Souverners du Việt Nam duy nhất thời bấy giờ được Nhà nước cho phép bán tranh của họa sĩ, chủ yếu là tranh lụa và sơn mài có tính chất lưu niệm cho du khách.
103. Cùn mòn? Về già có một số nghệ sĩ cùn mòn thật. Họ không thiết gì vẽ nữa. Vẽ đối với họ chỉ là để kiếm tiền một cách bất đắc dĩ!
104. Không phải vì tiền mà chúng ta lao vào nghệ thuật. Nhưng nếu có tiền thì dễ chịu biết bao khi chúng ta lao vào nghệ thuật. Mọi phương tiện tốt đều phải có tiền để tạo ra. Mà không có tiền thì không có phương tiện?
* Bùi Xuân Phái có vẽ một bức tranh vui: ông tự vẽ mình đang ngồi gò lưng vẽ tờ giấy bạc, bà vợ xách làn đứng ngoài cửa giục họa sĩ: "Anh vẽ nhanh lên để em lấy tiền đi chợ kẻo muộn."
Buồn thay! Có khi vì cần làm việc (phải có tiền để làm việc) mà anh phải bán rẻ một cái tranh! - Điều này có đáng trách không? Thật là khó nói.
105. Nghệ thuật làm ra không phải mục đích để bán. Ai làm nghệ thuật với mục đích để bán thì khó có thể có tác phẩm chân thành được, lại càng khó có thể là tuyệt tác được.
Không cần bán rồi về sau có người mua thì cũng tốt thôi, vì có tiền để mà tiếp tục vẽ, để có phương tiện đầy đủ hơn. Nhưng không nên nghĩ rằng vẽ để có nhiều tiền. Nguy hiểm biết mấy. Nghệ thuật càng cao càng khó bán được ngay. Do đó nếu có tiền tất nhiên phải vẽ với sở thích của người mua, người đặt. Như thế còn đâu là hoàn toàn của mình, của sự toàn tâm toàn ý của mình nữa? Biết bao nhiêu tài năng thực chất độc đáo, phải bỏ một bên, để đưa ra một cái "tài" tiểu xảo, tầm thường giả tạo để đánh đổi lấy một chút tiền bảo đảm cho sinh kế! Có đáng buồn không?
(Làm nghệ thuật trong hoàn cảnh nhiều khó khăn kinh tế, con đông, tranh chưa bán được, tình yêu hội họa giúp Bùi Xuân Phái tự động viên bản thân để có nghị lực vượt qua mọi túng thiếu thường nhật. Ông tự khép mình để được sống trung thực và được vẽ. Có màu vẽ màu - không có màu vẽ bút chì, có toan vẽ toan - không có toan vẽ giấy. Thiếu giấy vẽ lên phong bì, bao diêm, vỏ thuốc, bìa sách... Vậy mà qua những trang nhật ký dường như ông không bao giờ than thở, trách móc hoặc đổ cho số phận. Có chăng chỉ trách mình vẽ chưa đẹp, chưa nhiều như các bậc danh họa. Bùi Xuân Phái tự nhủ "Picasso vẽ được 25000 bức tranh... còn ta làm được bao nhiêu?"
Nếu Gauguin* đặt câu hỏi "Ta là ai? Ta từ đâu ra? Ta đi về đâu?" có tính triết học thì Bùi Xuân Phái lấy câu của P. Cézanne* viết vào nhật ký của mình "Đời không hiểu ta và ta không hiểu đời. Vậy cho nên, ta xin thu mình nhỏ lại", nó là một triết lý nhân sinh hơn, đời thường hơn. Cách đặt vấn đề của Bùi Xuân Phái không đi quá xa cuộc sống. Từ một cuộc viếng thăm của người bạn, một lần xem tranh của đồng nghiệp, một lần bán tranh được ít tiền. Bùi Xuân Phái viết thành một vài nhận xét. Người đúng chỗ nào? Mình sai chỗ nào? Và ngược lại. Những đúng sai này có phục vụ cho nghệ thuật không? Nhật ký của ông để nhắc nhở, tự sửa mình, nâng cao mình từng ngày trong nghệ thuật.)
106. Nâng cao chất lượng nghệ thuật bằng cách: Tìm xem những nhược điểm xa nay của mình ra sao? Cần tự nghiêm khắc với một sự hiểu biết sáng suốt, không tự dối mình. Không hoang mang. Sửa chữa mà không làm thay đổi bản sắc, phong cách của mình. Giữ gìn và phát huy ưu điểm. Đi vào con đường có giá trị lâu dài. Xem lại những chặng đường đã qua, suy nghĩ về những cái hay - tại sao? Và cả những cái kém - tại sao?
107. Cứ mỗi cái Tết lại già đi một tuổi. Còn chuyện tâm hồn? Picasso có một câu nói lý thú: Phải thời lâu lắm mới trẻ được?
Thì giờ đi rõ thật nhanh.
Đã đi không thể có phanh nào kìm
Vẽ đi kẻo tiếc con tim
Đập đi đập lại rồi im lúc nào.
108. Nghệ thuật đòi hỏi một kiên trì khá khắc khổ. Hãy làm được điều đó vì là con đường để tiến lên.
Kiên trì mà vẽ cho hay
Vội vàng đi tới quen tay làm bừa.
109. Đối với tôi tình cảm trong lúc vẽ là quan trọng Nghề nghiệp là điều cần thiết nhưng không đáng coi là quan trọng, thí dụ có nghề vững mà không có nhiệt tình thì vẫn là cái đáng chán!
Thoát được nghề mà vẽ vẫn hay? Khó đấy.
Đáng buồn là vẽ y như một cái máy dù là một cái máy tinh xảo.
110. Say mê vẽ giữ lửa liên tục, nguội lạnh là chết. Vẽ là sống là thở. Ngày mai không giống ngày nay. Nghệ thuật không thay đổi tức là không còn sức sống nữa.
111. Vẽ tranh đừng vội hài lòng sớm. Càng vẽ càng tìm thấy cái hay mới hơn hẳn những cái hay cũ, nhưng nhiều khi thất bại.
112. Tôi thích những chiếc toiles trắng tinh chưa vẽ. ồ nó đầy hy vọng. Nó hứa hẹn một cái gì.
113. Phải có nhiều tài năng. Những người có tài phải là một con số đông. Như thế những "lực lượng" tầm thường trong nghệ thuật mới không đủ sức để mà đẩy lùi cái hay được! Thật đáng tiếc khi cái hay khó phát triển.
114. À, nhà trường? Nó cũng cần thiết thôi, là bước đi ban đầu. Có điều nên quên đi những điều đã học ở nhà trường để bay cao hơn.
115. Sự khéo tay đi đến đâu? Đi đến kiếm ăn giỏi? Hay đi đến nghệ thuật cao? Hãy coi chừng. Hỡi ông bạn khéo tay! Ông còn luyện khéo tay đến mức nào nữa? Ông hãy còn thiếu tiền?
116. Một đời người nghệ sĩ không lấy gì làm dài lắm, phần lớn không thọ lắm thì phải. (Toulouse Lautrec*, Modigliani*...). Ở Việt Nam đời anh nghệ sĩ họa không dài, phần lớn thì giờ anh ta phải làm thì than ôi không lấy gì làm đáng kể. Nó không dính dáng gì đến công việc sáng tác tác phẩm. Phần đông họa sĩ Việt Nam không có nhiều tác phẩm để lại. (Tô Ngọc Vân* chẳng hạn)
Đó là một điều đáng buồn!
117. Tôi thấy thì giờ đi nhanh nhất là trong những lúc say sưa vẽ. Lúc đó tôi muốn thì giờ đi chậm lại, thật chậm để khỏi phải dừng vẽ.
118. Những hiện tượng lố lăng: Anh bất tài ngông nghênh hơn cả người có tài! Những người rỗi rãi thường cứ tưởng người nào cũng rỗi rãi! Những tay nói nhiều thường vẽ ít vì thì giờ còn dùng để nói. Có khi họ còn thiếu giờ để nói!
Nói hay mà để người nghe nhiều quá phát ngấy đã không được rồi. Huống chi lại nói dở mà bắt người ta nghe nhiều thì có quả là làm tội người nghe không?
119. Cứ cãi nhau về cái đẹp thì vô cùng thật! Nhưng thời gian, thời gian sẽ công bằng với những cái đẹp chưa được công nhận.
120. Thật ra bao nhiêu suy nghĩ tìm tòi, bao nhiêu thất bại, bao nhiêu cái đã qua mới có thể nhích lên được một tí. Một tí đã là đáng kể rồi. Trong sự nghiệp của một nghệ sĩ sự làm việc liên tục, sự lìm tòi liên tục mới đẩy anh ta lên được.
Một tác phẩm hội họa hay, không phải chỉ trông vào sự chịu khó, sự kiên trì! Nó còn phải là kết quả của bao năm làm việc, bao năm qua với những kinh nghiệm quý báu, những hiểu biết sâu sắc về cuộc đời, những cái tóm lại là vốn sống, là tài năng là sự hiểu biết phong phú.