Viết Dưới Ánh Đèn Dầu - Phần 4

194. Tại sao người ta không muốn những người tài giỏi một số phận tốt đẹp mà cứ mong cho người ta một số phận hẩm hiu, rủi ro. Đó là tại lòng đố kỵ, ghen tức... thấy người hơn mình thì tức tối!

Đau khổ thay những người chỉ có tài mà rơi vào những long đong vất vả. Tôi nghĩ đó cũng là một bất công. Những con người ngay thẳng có một tâm hồn tốt đẹp có dám bênh vực những người bị đối xử bất công như vậy không? Loại người này quá ít lại không có thế lực gì cả nên sự bênh vực không đi đến đâu cả!

195. Nên có những trả lời bằng tác phẩm, đó là điều tốt nhất. Người họa sĩ chỉ có tranh, tranh và tranh, (tranh đẹp).

196. Phong cách là một sự chân thành. Người thế nào thì phong cách thế ấy. Vì vậy thật là dở nếu bắt chước một phong cách nào. Cái nhìn (tựa như cái kính) của mình chứ không phải cái nhìn đi mượn!

197. Nguồn vui chính của người nghệ sĩ là sáng tác, là xây dựng tác phẩm. Đừng để thời gian trôi đi, và ân hận rằng mình chưa làm được mấy.

Hãy cố gắng giữ lại những tranh thật đẹp. Có thể vì chóng chán, vì khiêm tốn quá đáng mà anh đã không quý tranh của anh, để nó rơi vào nhiều người, kể cả những người không quý tranh.

198. Đừng nghĩ gì đến danh, lợi khi vẽ. Vẽ tranh không phải để bán, không phải để khoe tài với ai. Khi ông bạn muốn khoe tài, trổ tài thì tức là ông bạn buộc phải đi vào những công thức để người xem phục tài?

199. Hãy vẽ cho chính mình, vẽ cho chính mình cảm thấy được, thấy hay. Vẽ với ý nghĩa gửi gắm anh cảm. Vẽ là nói lên quan niệm của mình.

200. Đã từ lâu người ta trở thành những máy vẽ. Vẽ cho khéo, cho người ta mua để được nhiều tiền. Người ta hãnh diện khi có tên tuổi (!) khi có nhiều tiền (!) và điều ngu xuẩn là người ta coi thường những người không có danh và có tiền. Coi loại người này là kém tài tuy nghệ thuật của người này đã vượt xa người ta.

201. Một họa sĩ hay không phải là cứ hay mãi, nếu anh la không biết giữ gìn và phát triển. Có thể cùn mòn đi chứ?

202. Rất có nhiều thú nghệ thuật khác hấp dẫn. Thí dụ âm nhạc. Tôi biết có ông bạn đồng nghiệp say mê nhạc hơn họa. ông ta chỉ thú nghe nhạc. Tôi buồn cho ông ta vì nghề nghiệp của ông ta không làm sao phát triển được. Hỡi ôi, đừng tưởng rồi đây lại vẽ say mê chứ! Bao giờ?

203. Có những người không vẽ nữa mà vẫn không sao. Họ hỏng dần rồi đấy. Đối với họ ngay cả chuyện xem tranh cũng không còn hứng thú?

204. Giữ gìn sức khỏe để sáng tác, những người ốm yếu bệnh tật thường là không làm việc được. Mà có cố gắng làm chút ít nhưng bị kiệt sức không thiết gì hơn là nằm nghỉ.

Đáng buồn thay là tuổi già sức yếu! Vẽ cũng chẳng ham nữa! Chao ôi người ta thấy đấy là cái chết hoặc sắp chết! Đó là dấu hiệu của sự sắp sửa ra đi? (không phải là ra đi vẽ các nơi xa lạ!)*

* Giai đoạn này (1970) sức khoẻ của Bùi Xuân Phái dã bắt dầu suy giảm, đặc biệt ông đang ở cái tuổi "bốn chín chưa qua năm ba đã tới" ông thường ám ảnh về sự ra đi của mình.

205. Picasso một lần có nói là hội họa mạnh hơn cả ông ta. Nó (hội họa) làm cho ông ta phải theo nó! Theo ý muốn của nó (la painture).

206. Đừng tưởng là không có một cái gì ở "đâu' đến, ở "xa" đến trong lúc anh vẽ. Mà cũng có thể không có gì đến với anh cả và đúng là anh hoàn toàn chủ động và cũng có thể anh vẽ được một bức tranh thật tình anh sẽ chán.

207. Chagal* là một họa sĩ rất tài năng rất độc đáo. Người ta rất nhớ những bức tranh đầy chất thơ mộng của Chagall, có người nói đó là một nhà thơ hội họa, làm thơ bằng tranh.

Chagall trả lời một người muốn ông ta cắt nghĩa về cái Đẹp:

- Cái Đẹp không thể cắt nghĩa được.

208. Phải trân trọng với việc anh làm dù là nhỏ bé thí dụ như vẽ một cái vignette chẳng hạn. Lương tâm nghề nghiệp là ở chỗ đó. Đừng làm ẩu, làm dối. Đôi khi còn đem cái lạ cái "mới" dễ dãi ra để trổ đời! Làm như mình là tài năng, là người đi đầu vê nghệ thuật mới! Nghệ thuật hiện đại!

209. Không trụ nổi thời đại đâu. Biết bao nhiêu người am hiểu nghệ thuật mà ít người biết tới. Không phải là những "ông" đi đặt tranh, những "ông" duyệt tranh, những "ông" trả tiền đều là những người am hiểu nghệ thuật! Có thể có một hai người và đó là cái may mắn cho người nghệ sĩ thật sự.

210. Xưa nay như ta thấy, những nghệ sĩ giả, sống lại lắm tiền hơn những nghệ sĩ thực!

Đó là một điều mỉa mai? Người nghệ sĩ sống có lý tưởng của họ. Không phải họ vẽ là chỉ vì đồng tiền. Đừng ai nhầm là họ cũng vì tiền như ai chẳng qua là "kém tài" nên phải nghèo! Không, chính họ hơn những kẻ vì tiền ở chỗ họ nghèo. Họ không bán nổi tranh. Kẻ có tiền chê tranh họ xấu và họ mỉm cười trước cuộc sống buôn bán. Họ hiểu rằng đã đi vào con đường nghệ thuật thì phải thế nào rồi, thiếu thốn, nghèo túng còn nhiều gian khổ sóng gió hơn thế nữa. Những con cháu, những người đời sau sẽ quý họ, sẽ nâng niu những tác phẩm họ để lại. Ngay trong thời đại họ còn sống, vẫn có một số người am hiểu, quý họ, bằng một thái độ kính trọng khi nhắc đến họ.

211. Phải làm việc mà làm việc liên tục. Chỉ có cách đó mới giữ được tài năng và phát triển nó lên. Không phải chỉ hiểu biết đơn thuần là làm được, biết mà vẫn không làm nổi đấy vì có rèn luyện gì đâu. Cứ ngắm cái ông thợ mộc giỏi kia, sao ông ấy bào dễ thế, tưởng chừng như mình cũng làm được. Ấy thế đưa cái bào cho mình bào xem sao?

Vấn đề nghệ thuật còn khó hơn nhiều. Chính vì thế vấn đề rèn luyện, vấn đề làm việc đòi hỏi rất cần thiết. Không thể xem thường được.

212. Picasso đã sáng tác khoảng 25.000 bức tranh, để lại gia tài trị giá năm tỷ phăng. Đó là một cái gương lớn về lao động nghệ thuật. Chúng ta đã làm được bao nhiêu?

213. Cuối cùng chính cái tên của anh làm tăng hay giảm giá trị bức tranh và cái tên càng lớn thì giá trị bức tranh càng lớn.

214. Người nghệ sĩ lớn là thế nào? Vẽ được nhiều tranh lớn? Có nhiều tranh lớn trong các viện bảo tàng? Nổi tiếng trên thế giới, trong nước? Được nhiều người ca ngợi?... Chao ôi, thế người nghệ sĩ nhỏ là ngược lại?

Người nghệ sĩ lớn sẽ được thêm, càng ngày càng thêm những người hâm mộ. Điều này là cần vì đó là sự thật. Hữu xạ tự nhiên hương. Điều đó cũng phải có thời gian.

215. Có những người cứ hay quảng cáo cho mình nhiều quá, mà ít cũng không hay rồi. Có họa sĩ nói: tranh của tôi không thích được bày trong triển lãm - những lời phê bình, những lời khen chê làm cho tôi kém tự do đi. Lôi thôi thật - tùy từng người - có người lại thích được chê để làm việc (trả lời) ghê hơn? Có người thích được khen để phấn khởi làm việc.

Không nên chủ quan quá trong lúc làm việc. Phải hiểu rõ sức mình. Hiểu rõ tài nghệ của mình. Chỗ nào hay, không hay đều thấy. Nhưng cũng có khi phải nghi ngờ, vì mình đã có chuyển biến mới.

216. Những người nghệ sĩ phải chăng là những người đi tìm những giấc mơ đẹp ngay trong cuộc sống.

217. Tôi thích một vẻ đẹp chân thật và kín đáo. Cái lộng lẫy, huy hoàng, chói lọi hình như làm tôi sợ.

218. Sức sống - một điều kiện quan trọng để làm nghệ thuật.

219. Lòng say mê - một sức mạnh ghê gớm.

220. Vì người khác mà ta hay nhưng cũng có thể vì người khác mà ta dở.

221. Đúng là môi trường là cần. Nó tạo ra con người. Môi trường giả dối chỉ tạo ra những con người đạo đức giả, nghệ thuật giả.

222. Cái hay chỉ có thể bật ra trong lúc làm việc. Muốn hay trong chốc lát chỉ có điều hý họa.

223. Chính vì sự thiếu vững vàng mà ta có thiên tài Gauguin - Van Gogh - Soutine và có thể Matisse.

224. Vẽ sai? Vẽ đúng? Đều dở. Chỉ có vẽ cho đẹp mà thôi.

225. Đừng sợ "kém", cái kém chẳng qua là quan niệm chung, là công thức cứng nhắc.

226. Cái tiếng có hại cho cái tài không? Có tiếng, người nghệ sĩ không dám đi tìm cái mới mạnh bạo, sợ mất tiếng chăng?

Người ta sợ mất tiếng nên cứ phải "bảo vệ" nó bằng một cái "tài năng cùn dở"! Đó là điều đáng tiếc. Có những họa sĩ chỉ vì bất chấp dư luận mà có được một sự nghiệp đẹp đẽ. Ví dụ: Van Gogh.

227. Thận trọng là tốt nhưng thận trọng quá dễ đi tới rụt rè, nhút nhát mà nghệ thuật không thể chấp nhận.

228. Người ta muốn nói đến chữ thoát trong nghệ thuật. Phải cao tay thế nào để thoát ra khỏi cái chất "đi thi sợ trượt". Thoát ra khỏi cái chất dự triển lãm sợ bị loại, thoát ra khỏi cái chất muốn bán sợ không bán được.

229. Nghệ thuật đến bất ngờ. Nhưng cứ phải vẽ đi, hỏng thì xóa đi, bỏ đi.

230. Người họa sĩ lúc nào cũng vẽ, ngay cả lúc không làm gì vì họ vẽ ở trong đầu.

231. Tham lam trong nghệ thuật là điều tai hại. Không phải cứ nhồi nhét đủ vị thì thành một món ngon. Cái thừa cũng như cái thiếu làm hỏng nghệ thuật.

232. Ở đời thiếu gì kẻ bất tài (theo nghĩa đúng của nghệ thuật). Tốt hơn cả là đừng nhắc đến họ, vì có nói họ cũng không tin, không chuyển nổi, không học hỏi người hay mà lại đem lòng thù oán, gây cho mình thêm những chuyện bực mình.

233. Sự chê bai đôi khi rất cần cho người làm nghệ thuật. Hình như nó là chất nóng, chất đẩy. Nó kích động người làm nghệ thuật chịu tìm thêm, hiểu thêm, say mê hơn. Cái toại nguyện làm hết say mê.

234. Có những tay quả thực là tài năng không có gì. Thế mà ăn to nói lớn khiếp lên được Có gì đâu, mấy tay đó gặp may thế thôi. May hơn khôn và vừa may vừa khôn càng lợi. Họ gặp thời. Và đáp ứng tương đối được kịp thời.

235. Buồn thay cho kẻ bất tài. Nhưng giá hắn lương thiện hơn và theo một nghề gì hợp với hắn thì hơn. Đằng này hắn lại giở trò bịp bợm thì thật là khó chịu.

236. Hãy suy nghĩ nhiều về nghề, về cái đẹp, về quan niệm nghệ thuật của mình. Tâm hồn không rung động thì tự mình cảm thấy thôi. Hãy rung động lên mà vẽ, nếu không rung động nổi thì vẽ những gì anh rung được.

Không ngại khó nhưng ngại dở.

Trong thực tế lộn xộn rất nhiều thứ cả cái đẹp cạnh cái xấu. Nhìn cho ra cái đẹp không phải chuyện đơn thuần dễ dàng như chuyện ghi chép.

237. Không lẫn những cái thoải mái có bề sâu với những cái dễ dãi hời hợt. Nghệ thuật không đủ sức xáo động nếu nó tầm thường và không có sự chân thành.

238. Thực tế cốt cho ta nắm được sự thật. Sự thật cốt cho ta nắm được cái đẹp. Và từ cái đẹp ta mới đủ vốn để "nói chuyện" nghệ thuật.

239. Một nghệ sĩ có tài là một người vẽ tranh có chất lượng cao, không rẻ tiền - không nhàm - không cũ - không bắt chước người khác, không rập theo khuôn nhà trường không dễ được khen - không sợ bị loại - không sợ bị "chửi".

240. Rồi những cái chân chính phải sáng tỏ. Hết rồi, sắp hết rồi những ấm ớ, khuếch khoác, bất tài, thành công v.v...

241. Nói chuyện nghệ thuật mãi cũng sốt ruột, hãy lao mình vào công việc cụ thể là vẽ.

Vì nếu vẽ ít hoặc không vẽ thì anh còn chuyên nghiệp cái gì nữa. Vậy nói ít, để thì giờ mà vẽ, nghề của anh không phải là nghề nói mà là nghề vẽ. Đó là một nghệ thuật câm, một nghệ thuật để người ta xem chứ không nghe.

242. Cứ làm việc đi, dù chính bản thân mình không hài lòng với những tranh làm ra, hãy đi xa thêm, tăng thêm chất lượng. Khó tính là một điều đáng quý trong công việc nghệ thuật, khó tính thì mới đòi hỏi cao. Nghệ thuật không vào với những tranh tầm thường dễ dãi.

Chịu khó, nghiên cứu đi nghiên cứu lại, làm đi làm lại bao giờ vừa ý thì xong, nếu cần thì xóa bỏ, cái lợi vẫn có là rút được thêm kinh nghiệm. Có những ký họa dở nhưng là những tài liệu quý, cũng không nên bỏ.

Tôi có những trường hợp sử dụng ký họa dở để vẽ tranh, tranh khá và tôi xé bỏ ký họa.

243. Cứ thong thả mà vẽ. Không nhất định vẽ thật nhanh mới thoát!

244. Đi thực tế vẽ lấy tài liệu vẫn cứ tốt. Tài liệu anh bị hạn chế, nhiều chỗ nhìn không rõ. Bất đắc dĩ mới phải dùng tài liệu ảnh, mà cũng luôn phải chỉnh sửa, thay đổi. Nếu không sẽ biến thành anh thợ truyền thần? Vẽ như anh thì thật là thừa.

245. Ngành minh họa sách báo đôi khi cũng làm khổ người vẽ không chuyên. Phải đọc truyện, phải có tài liệu, có vốn sống, có trí nhớ.

Có khi phải vẽ "bịa" rất nguy hiểm cho nghệ thuật. Phải coi chừng.

246. Đừng để mất thì giờ vô ích. Hãy say mê mà vẽ. Hãy vui trong công việc nghệ thuật.

247. Không, một họa sĩ có tài không thể giải nghệ được. Anh ta đầy hứa hẹn, đầy triển vọng. Tranh của anh ta càng ngày càng nhiều người thích. Tên tuổi anh ta càng ngày càng nhiều người nhắc tới.

248. Tranh phải có thời gian mới định được giá trị, nhưng cũng có khi tranh nó có số phận của nó, cũng có khi vì sự gặp may hoặc không gặp may của nó - Y như con người mà thôi. Dù sao những cặp mắt tinh đời vẫn cứ nhìn ra những giá trị thật của nghệ thuật.

249. Không thể có Nghệ sĩ lớn nếu xung quanh anh ta không hiểu "lớn" là thế nào cả. Và người nghệ sĩ, nếu không hiểu được những tài năng lớn thì anh ta cũng chỉ là những tài năng nhỏ mà thôi.

250. Hiểu được cái nhạy cảm trong tranh có phải đơn thuần là chuyện dễ đâu, có lẽ phải nói cảm được cái nhạy cảm. Nhiều bức tranh đẹp ít người nhận thấy là vì nó có cái mới (người xem chưa hiểu) và có cái nhạy cảm (người xem chưa cảm thấy)

251. Danh từ Việt Nam chưa có những chữ để chỉ rõ những chuyên môn khác nhau trong hội họa. Thường là cứ gọi chung là họa sĩ cho tiện. Cứ vẽ là họa sĩ, bất cứ là vẽ bằng gì, vẽ cái gì. Mà khi gọi là "họa sĩ" thì hình như cái gì cũng làm được, mà cái gì cũng vẽ được thì cũng khó mà có cái gì hay lắm.

Có phải chăng nghề họa ở nước ta chưa được quý trọng như nhiều nghề khác, ở ngoại quốc người ta thường chú ý nhiều đến những tài năng độc đáo. Bởi vì những tài năng thông thường thì có quá nhiều nếu chú ý thì cũng không... xuể!

252. Cái quý trong nghệ sĩ là chất nhạy cảm. Nếu không có chất ấy thì khó mà thành một nghệ sĩ lớn. Một thứ chịu khó chưa đủ, một thứ khéo tay chưa đủ. Không phải hơn nhau ở đôi tay khéo léo mà chính là ở một tâm hồn phong phú nhạy cảm.

253. Hồn nhiên mà vẽ. Tôi nói hồn nhiên có nghĩa là đừng tỏ ra, đừng lên gân! Cái hay phải là của mình. Của chính mình đẻ ra. Buồn thay, bức tranh của ta lại phủ một lợt "rêu"! (nói theo Chagall) Rêu có nghĩa là những thứ không phải của mình. Có thể là một thứ mạ lại cho đẹp!

254. Một vấn đề cực kỳ quan trọng mà nhiều nghệ sĩ coi thường đó là vấn đề sức khỏe. Phải giữ gìn sức khỏe, phải Luôn luôn khỏe mạnh đừng như "ai" cứ năm ngày ba tật! Điều đó nhất định sẽ hạn chế ông bạn sáng tác.

* Vài giờ trước khi mất, Bùi Xuân Phái có vẽ một bức chân dung tự họa, bên dưới họa sĩ viết dòng chữ: "Bây giờ chỉ cần nhất là sức khoẻ, và không có bệnh gì."

Thời gian cứ trôi. Cái hôm nay chẳng mấy chốc đã thành quá khứ. Cái hay, đẹp sẽ tồn tại và ngược lại. Hỡi ông bạn ông đừng tự hào vội, tác phẩm của ông đã có mấy? Mà đã tuyệt tác chưa?

Tốt nhất là đừng đánh giá mình "ghê" quá. Hãy chịu khó làm việc, làm việc nhiều hơn nữa.

Không thể tự mãn với những bức tranh đã vẽ. Không, ông bạn thân mến ạ, phải nhiều hơn và hay hơn nữa chứ!

Một câu nói khiêm tốn: "Tôi chưa có một tác phẩm nào đáng kể!"

Nói thế để tiếp tục cố gắng làm việc nhiều nữa chứ không phải đành bỏ cuộc.

Họa sĩ Việt Hải kể: Vào thập niên năm mươi, trong một buổi họp "phê và tự phê" Bùi Xuân Phái đã nói: "Tôi nghi là tôi có tài.” Câu nói đó dã gây ấn tượng cho Việt Hải có nhắc lại câu đó và hỏi: "Nếu bây giờ phải tự nhận xét về mình ông sẽ nói thế nào?" Bùi Xuân Phái trả lời: "Tôi ngờ là tôi có tài."

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3