Viết Dưới Ánh Đèn Dầu - Phần 3
121. Nếu hội họa chỉ đơn thuần chủ yếu là khéo tay thì những chú vụng tay nguy to. Nếu thế thì vấn đề gia công sẽ phát triển và "họa sĩ" chỉ cần có luyện tay cho nhiều! Thế nhưng, và cũng là may thay, bàn tay tuy cần nhưng chỉ là phương tiện cho khối óc và trái tim.
Thật thế, bàn tay chỉ là một dụng cụ tốt nhưng biết xử dụng như thế nào mới đáng kể. Nếu chỉ có chuyện thi chép, thì khối người có tài thua điểm. Mấy ngài khéo tay tha hồ mà lên râu!
Tôi có nhớ một vài ông bạn ở cái thủa xa xôi, hồi còn đi học ở trường Mỹ thuật, sao mà mấy ông ấy vẽ giỏi đến thế? Thế mà rồi thời gian cho biết càng xa nhà trường thì các ông ấy càng đuối dần, yếu dần. Thậm chí có ông gần như giải nghệ!
Nghệ thuật có phải chỉ cần đi học năm, mười năm là thành tài không? Nó còn khó hơn thế nhiều, phải nhìn ra cái đẹp, phải rung cảm được cái đẹp thì mới có hướng đi.
122. Làm nghề "phổ biến cái đẹp" mà vô tài thì thật là tai hại. Như thế có khác gì phổ biến cái xấu! Bi đát thay và đáng trách thay!
Lưu lại cái dở, cái xấu không khác gì những tên hại dân, hại nước lưu lại cái tên tuổi, xấu xa!
Hãy vì tương lai đất nước vì lợi ích cho con cháu, hãy làm những cái đẹp chân chính.
123. Theo tôi nghĩ, tài nào tranh nấy. Đừng lạm dụng tài năng nghĩa là chủ quan cho rằng mình cũng có thể làm được như ai. Không hay đâu, sức có hạn. Con ễnh ương muốn to bằng con bò thì kết quả là vỡ bụng mà thôi!
Tôi thấy một vài bạn trẻ có tham vọng là làm những cái "đáng kể" làm chef d'oeuvre! Làm tranh bố cục lớn, tranh thật to v.v... Cái ý muốn, cái dám làm thật đáng khen nhưng kết quả không ra gì thì cũng phải chịu trách nhiệm. Hãy làm với sức của mình, đừng vội làm quá sức.
124. Cái gì là nghệ thuật? Cái gì không là nghệ thuật? Như Picasso đã từng hỏi. Và nhiều người bàn cãi không biết mỏi. Tôi thấy cái đẹp thật khó cắt nghĩa. Thí dụ tôi bảo: tôi yêu cái đẹp "không đẹp" Tôi yêu nghệ thuật không "nghệ thuật" thế thì anh có thấy vớ vẩn không? Và cả thơ nữa tôi thích thơ không ra thơ nhưng rất thơ. Và cái đẹp là cái tôi ước mơ.
125. Theo tôi nghĩ, lời khuyên này rất đúng: "Không có tài không nên làm văn nghệ." Đúng quá? Cái này nhà nghề với nhau không giấu nổi đâu, bất tài thì rõ, rõ từ cái lặt vặt rõ đi.
126. Không phải tất cả đều là người am hiểu (connaisseur) nhưng những người này bênh vực những người có tài. Không thì làm sao mà phân biệt được. Thế rồi quần chúng lâu ngày cũng nhìn ra. Vì thế nên uy tín của tài năng lớn là do đại đa số những người hiểu biết sáng suốt công nhận.
127. Có lúc nản lòng, hình như tài năng bé nhỏ quá. Không, tài năng là chuyện lâu dài, là quá trình làm việc cộng với một thiên bẩm.
128. Đôi khi ở cái tranh đẹp, phần tôn giá trị nó lên là cái chữ ký. Không phải chữ ký đẹp mà chính là cái tên, cái người đã vẽ ra bức đó.
129. Cái chán trong nghệ thuật là cứ phải xem đi xem lại mãi (dù là hay) những cái đã mòn, đã cũ rồi, cái đã gặp nhiều trong sách báo. Hình như người vẽ cố tạo cho mình bằng ông nọ ông kia chăng?
130. Vẽ trúng ý thích cao độ của mình không phải chuyện dễ.
131. Không lẫn những cái thoải mái có bề sâu với những cái dễ dãi hời hợt.
132. Nghệ thuật không đủ sức xao động nếu nó tầm thường và không có sự chân thành.
133. Muốn xem được tranh tất nhiên phải có năng khiếu thẩm mỹ và tất nhiên phải hiểu biết phong phú về hội họa và cuộc sống.
134. Những họa sĩ lớn làm việc nhiều vô kể. Không thể có một họa sĩ làm việc lơ mơ mà lại có tài năng lớn bao giờ cả.
135. Không phải cứ nhảy bừa vào làng thơ, làng họa là thành nhà thơ, nhà họa một cách dễ dàng đâu. Những con mắt tinh đời, sành sỏi, uyên bác sẽ đánh giá vị trí của anh ở chỗ nào.
136. Được lắm, anh cứ làm việc, cứ vẽ, cứ nghiên cứu rồi anh sẽ vẽ ra lắm điều mới mẻ, rồi anh sẽ hiểu người, hiểu mình. Không hiểu mình thì dễ nhầm lẫn cái đẹp cái xấu.
137. Nếu quả bạn không làm được cái tranh nào hay cả thì hỡi ơi bạn vẫn đủ thời giờ mà đi sang một con đường thích hợp hơn, tài năng hơn. Đừng bỏ phí cái tài bạn có mà cứ cố, cứ cố chạy theo một cái tài mình không có, để rồi đi đến đâu?
138. Khó tính là tốt. Nhưng nên khó tính như thế nào? Cái kết quả khó tính của bạn có hay không? Đừng khó tính như một ông già lẩm cẩm.
139. Thôi cứ đành là mình với tất cả những cái "kém" của nó, như thế còn dám làm và trong số kém đó, ta hãy chọn lọc, rất bất ngờ ta đã làm được những cái đẹp, ngoài cả ý muốn nữa kia?
140. Cái đẹp là đáng kể. Có cái sai lại đi vào hướng đẹp, cái sai ấy vẫn cứ đáng kể, nhưng không phải cái sai nào cũng đi vào hướng đẹp. Đó là điều ta cần nhìn thấy.
141. Cứ phải đọc phải xem, tìm hiểu nhiều các nghệ sĩ lớn Họ giúp mình khiêm tốn và tiến lên.
142. Nghệ thuật là gồm nhiều yếu tố phong phú tạo nên. Một họa sĩ có tài, là trong đó nhiều mặt anh ta đã đủ phong phú. Phải rèn luyện nhiều mặt, để đủ sức sáng tác nổi những tác phẩm có giá trị. Nếu không anh chỉ làm nổi những cái lặt vặt nho nhỏ mà thôi.
143. Không khoe tài, khoe giỏi, khuếch khoác bịp bợm. Nhà nghệ sĩ chân chính phải chịu đựng những không may của cuộc sống, đôi khi chịu đựng những đau khổ do hoàn cảnh tạo nên.
144. Đáng buồn cho những đầu óc buôn bán, nó làm hỏng dần những cái quý giá trong nghề nghiệp.
145. Tìm tòi cái mới đó là điều đáng khuyến khích nhưng hỡi những con người thèm khát danh vọng kia, nếu quả anh thiếu khiêm tốn lại bất tài bất lực thì cái chuyện tìm tòi của anh chẳng đi đến đâu hết. Anh chỉ mất thì giờ và để lại những cái bã vô ích.
146. Xem một cái tranh của một anh bất tài ẩn nấp dưới những cái vỏ mới lạ của nước ngoài thật đáng chán.
147. Đúng là nên theo gương những bậc vĩ nhân, theo gương đây không có nghĩa là bắt chước giống hệt họ, mà bắt chước làm sao nổi! Cần không kém gì các bậc vĩ nhân mà vẫn là mình.
148. Trong nghệ thuật mỗi nghệ sĩ có cách riêng, phương pháp riêng để làm việc. Điều đáng chú ý là nhờ có cách riêng nên họ mới đạt được trong nghệ thuật.
149. Có những người "đòi hỏi" những cái "mới". Chao ôi, tưởng chừng như tốt biết bao nhiêu? Nhưng thử xem những cái mới họ đòi hỏi như thế nào? Chẳng qua lại chỉ là những cái cũ rích, những cái già cỗi thay đổi đi chút ít. Thay đổi chút ít đối với họ là mới đấy, thế mà cũng có nhiều người lại sợ cả cái thay đổi chút ít ấy nữa.
150. Do cái nhìn mà ra cả. Phải, vì những cái nhìn cũ rích, làm sao mà tiếp thu nổi những cái hay mới mẻ: Tôi nhớ Fernand Léger* có khuyên không nên lui tới nhiều những bảo tàng cũ vì sợ cái nhìn làm quen quá nhiều với những cái cũ và vì như vậy nên cái mới khó vào. Biết bao cái mới lúc đầu bị chê bai chửi rủa, ấy thế mà chẳng bao lâu người ta lại ca ngợi hoan nghênh nó.
151. Picasso không bao giờ muốn dừng lại ở một chặng đường nào cả, ông ta thích những sự bắt đầu ở một con đường mới. Và vì thế cho nên lúc nào ông ta cũng trẻ.
152. Làm nghệ thuật không thể hời hợt, cẩu thả nhưng cũng chẳng nên khô khan kỹ lưỡng chán phèo. Thay đổi một thói quen không phải là một chuyện dễ. Vì vậy biết bao nhà nghệ sĩ của chúng ta cứ đứng yên tại chỗ hoặc dẫm chân tại chỗ. Không phải họ muốn thế mà thói quen đã kìm họ lại.
153. Cứ phải hiểu biết nhiều, học nhiều, thì hãy đi vào con đường nghệ thuật. Đó là một con đường gian khổ.
154. Vẽ nhiều tốt hay là không tốt? Đó là một vấn đề. Phải vẽ như thế nào thì vẽ nhiều mới tốt chứ, còn vẽ chẳng ra sao thì vẽ nhiều chỉ phí thì giờ, phí vật liệu mà vật liệu thì phải tốn tiền mua.
155. Hôm nay xem soie tranh (lụa) của ông bạn tôi thấy ông ta vẽ kỹ quá, và như thế không thoát và không tình cảm. Tôi có khuyên ông ta nên nghiên cứu kỹ, thật kỹ, hết sức kỹ cũng như lấy tài liệu cho kỹ, càng kỹ càng tốt, nhưng lúc vẽ thì hồn nhiên như chơi. Nhưng lời khuyên thật vô ích vì ông ta làm để bán, và như thế dễ bán. Có thể ông ta nghe theo tôi thì lại khó bán chăng? Chịu không thể "bảo" được những con người sinh ra không phải để đi vào nghệ thuật.
156. Và anh sẽ lười biết bao nếu chỉ biết con đường mòn, con đường đã qua hàng bao thế kỷ. Những cái đó trong thời đại này chỉ có những ông già lẩm cẩm là muốn cho nó phục hồi?
157. Nghệ thuật hội họa phải tổng hợp những cái hay, cái tốt. Ở đây có vấn đề chất liệu, đồ dùng vv... không thể chỉ trông vào tài năng. Tôi rất tiếc có những bức tranh đẹp bị thời gian làm hư hỏng dần. Nếu nhà nghệ sĩ thận trọng thì đâu có những chuyện đáng tiếc đó.
158. Đừng thỏa mãn cái say mê bằng cách dùng cả những cái "toiles" tồi, những cái "toiles" đáng lẽ không nên có, những loại sơn nghiền lấy vội vàng với những bột màu loại xấu và dầu lanh thiếu bảo đảm. Dù có được những bức tranh đẹp, nhưng rồi bạn sẽ khó chịu dần về những hư hỏng tai hại của nó.
159. Có những trường hợp quá thiếu thốn mà lại thiết tha nghệ thuật. Tôi nghĩ, hãy làm những cái không bị cái thiếu thốn hạn chế. Lúc này tôi thiếu sơn dầu vậy thì tôi vẽ sơn dầu làm sao cho hay được! Tôi nghĩ đã đến lúc đừng chịu đựng những cái thiếu thốn trong công việc nghệ thuật.
160. Tại sao càng ngày càng thêm nhiều người thích tranh của Van Gogh*? Phải thấy rằng Van Gogh cảm xúc rất mạnh trong lúc vẽ. Cái đẹp trong tranh Van Gogh chính là những cảm xúc chân thực của ông ta.
161. Có người nói xem tranh là xem con người vẽ chứ không phải xem cái tranh. Đúng vậy Người vẽ hay rất khác người vẽ không hay. Vì thế nên mới có chữ có tài hay không có tài. Tuy vậy cũng không phải cứ có tài là vẽ tranh nào cũng hay đâu, nhất là cái "ông" có tài ấy lại lười. Tôi thấy những cái hay đến là kết quả của những sự lao động dù là một thứ lao động trừu tượng.
Người vẽ hay thường là có một quá trình lao động nghệ thuật đáng kể. Học tập, vẽ nhiều, với những người có năng khiếu, làm gì không làm được những cái tranh đẹp?
162. Tôi là tôi với tất cả những cái kém và cái hay? Nhiều khi chính những cái kém lại là những cái hay hoặc ngược lại!
163. Tôi không thích trong nghệ thuật nhưng chất tầm thường, những chất dễ dãi, những chất bịa vô duyên.
164. Hãy vứt đi không thương tiếc những cái "bã", những cái vì tiền, những cái mà tình cảm thực của anh cứ vương vướng.
165. Luôn luôn có tinh thần lao vào công việc. Vẽ đi, vẽ nhiều, vẽ nữa.
166. Cái chính không phải là tranh được bày, được đăng báo, hoặc bán được. Một cái tranh đẹp vẫn cứ có giá trị thật của nó dù nó không được bày, không được đăng báo hoặc không bán được.
Con người hiếu danh, hám lợi mà muốn thành một nghệ sĩ? Chao ôi?
167. Thường xuyên làm việc (vẽ). Vẽ để thấy mình, thấy rõ mình. Cái còn kém của mình ở những chỗ nào? Có thể làm hơn được không? Sao không làm? Khi vẽ không có hào hứng cần xem lại những phần chuẩn bị, nghiên cứu có được phong phú không? Bức tranh còn những phần thiếu bề sâu, màu sắc chưa đạt... không thể khó tính hơn nữa ư?
168. Bản nhạc hay mê hồn. Bức tranh hay cũng vậy. Không thể rung được mối thứ nghệ thuật chán phèo và chẳng gây một cảm giác quái gì.
169. Được, cứ để anh chàng ấy tuyên bố: "Vẽ là thở, vẽ là sống, hôm nay mà vẽ giống hôm qua thì bẻ bút đi! Một bức tranh là một lít máu! vv và vv..." Tuyên bố suông hoặc quá đáng thì chỉ làm trò cười. Đừng quan trọng hóa cái tôi nhiều thế. Quần chúng có phải cứ nghe anh tuyên bố lớn, mà "phục" anh đâu. Vấn đề tác phẩm mới là quan trọng.
170. Tất nhiên một nghệ sĩ có tài là chuyện phú bẩm. Nhưng rất cần rèn luyện để nâng cao trình độ. Xem tranh của người thiếu trình độ nó vẫn cứ thế nào ấy.
171. Tự do sáng tác đó là một sự cần thiết. Đó là vấn đề thành thực. Đó là vấn đề của nghệ thuật. Đó là vấn đề của tài năng.
Buồn cho những thứ tự do "vớ vẩn", bất tài lại thích trổ tài? Theo tôi cứ để họ "sáng tạo" không rồi họ lại kêu lên là bị hạn chế!
Người xem tranh đòi hỏi họ vẽ cho hay, cho nghệ thuật. Đấy, nếu tự do sáng tác đẩy họ làm được thế, thì chúng ta sẵn sàng hoan nghênh.
172. Cái háo hức, sôi nổi của tuổi trẻ thật là hay, nó đẩy vào những say mê sáng tác. Nó đem cho những nhà nghệ sĩ những ngọn lửa làm việc không biết mệt mỏi. Khi đã vẽ thì không muốn ngừng nữa.
173. Nghệ thuật rất ghét sự bịp bợm dối trá. Nếu có thành công thì cũng chỉ đạt tới một thứ nghệ thuật giả đánh lừa nhất thời được một số người nào đó. Hãy nghĩ tới tương lai, những tranh cho tương lai càng ngày càng sáng rõ và những kẻ kiếm chác cơ hội sẽ hết thời, kẻ vô tài sau này ai cũng thấy rõ. Lúc đó ai là đáng quý cũng sẽ rõ.
174. Hãy quý trọng nhân tài một cách thực sự. Đừng để họ khổ sở kéo dài, chính những con người này sẽ làm vẻ vang cho đất nước.
Không quý trọng nhân tài thì sẽ không có nhân tài.
175. Theo đuổi cái đẹp không phải đơn thuần trong tranh mà còn phải luôn luôn trau dồi tư cách đạo đức của một con người nghệ sĩ chân chính.
176. Nếu cứ vẽ cho những người kém cỏi xem, chiều họ nữa thì anh sẽ cứ kém cỏi mãi.
177. Theo tôi không có một kỹ thuật nhất định nào trong hội họa. Nó có những đòi hỏi riêng của từng thể loại, của từng tác giả. Vả lại quan niệm nghệ thuật nào cũng cùng một mục đích đem được cái mới nhất của thời đại đóng góp vào vườn hoa nghệ thuật chung của thế giới.
178. Hãy vẽ cho đến nơi tức là vẽ cho đẹp.
179. Lương tâm nhà nghề không cho phép hài lòng một cái gì chưa đẹp, hoặc xấu. Có khi chỉ vì một lý do tầm thường mà phải đưa ra một cái tầm thường, lý do tầm thường đó nhiều khi chỉ vì một sự nể nang, hoặc chỉ vì đồng tiền!
* Ngày 22/12/1984 họa sĩ Bùi Xuân Phái mới được phép tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên và cũng là duy nhất (do Hội NSTHVN bảo trợ và tổ chức). Trong thời gian chuẩn bị cho triển lãm Bùi Xuân Phái đã tâm sự với bạn hữu: "Sự kiện này làm tôi vừa vui mừng, vừa lo sợ, tôi đã mất ngủ hàng đêm.” Cuộc triển lãm có một trăm linh tám bức (bột màu và sơn dầu) bán được hai tư bức sơn dầu cỡ lớn, tám bức bột màu (BTMTVN mua bốn bức sơn dầu, HMTVN mua hai bức sơn dầu - Riêng buổi khai mạc, ông Jorland tuỳ viên văn hoá đại sứ quán Pháp tại Hà Nội mua mười hai bức sơn dầu). Hàng năm đến ngày 22/12 gia đình Bùi Xuân Phái lại mời bạn bè thân hữu đến nhà tổ chức tiệc rượu kỷ niệm sự kiện quan trọng đó. Tiếc rằng Bùi Xuân Phái chỉ mời bạn bè đến dự thêm được ba lần, ông mất vào tháng sáu năm 1988.
180. Xem tranh thì biết "cái nhìn" của tác giả. Người nghệ sĩ hay phải duy trì cái nhìn riêng của mình. Đó là lòng chân thành.
181. Phải chăng cái nhìn của chúng ta hãy còn cũ kỹ quá chăng? Bởi vì thế nên ta không đánh giá nổi cái mới. Bởi vì thế nên ta vẫn suy tôn những cái cũ, những quan niệm nghệ thuật cũ!
Tôi nhớ Fernand Léger có lần khuyên “không nên lui tới quá nhiều những bảo tàng, chúng ta sẽ quen với những quan niệm cũ kỹ về cái đẹp.”
182. Nếu đỉnh cao của nghệ thuật chỉ cần những tranh loại Raphael, Leonardo da Vinci thì làm gì có Picasso, Matisse và tôi chắc sau Picasso, Matisse còn nhiều những người mới hơn nữa chứ.
Không, những thiên tài không bắt chước những cái tuyệt đỉnh đâu, họ muốn những cái tuyệt đỉnh mới của họ cơ. Nếu Picasso hệt Vinci thì làm gì có Picasso nữa.
183. Thói quen trở thành một nhu cầu. Có người có thói quen uống cà fê buổi sáng, sáng nào anh ta không uống thì cứ thấy nhớ nhớ và cái thói quen ấy kéo anh ta đi uống! Tôi nói thế để liên tưởng đến vấn đề vẽ. Đúng vậy, có người không vẽ không chịu được, hình như anh ta (hay cụ ta, hay cô ta v.v) sống là để vẽ vậy. Có người bỏ mất cái thói quen quý báu ấy, không thiết gì vẽ. Đó là một điều rất đáng tiếc. Hãy vẽ nhiều đi ông bạn ơi, dù lúc này chả ra được cái gì đáng kể, nhưng ít nhất ông bạn sẽ có cái thói quen là thích vẽ. Nhiều người thành công chỉ do ham mê, say mê, kiên trì làm việc. Đừng để thì giờ trôi đi mà không làm gì.
184. Phải có một lòng tin tuyệt đối để đi đến đích. Những người mất lòng tin là những người mất phương hướng, những người bỏ cuộc không đủ sức để mà làm việc.
185. Sức mạnh vật chất với sức mạnh tinh thần thường là đi với nhau. Cái nọ ảnh hưởng sang cái kia. Muốn làm việc khỏe không biết mỏi mệt thì tất nhiên chúng ta phải có một thể chất khỏe mạnh. Chúng ta phải có tinh thần lao vào công việc với một sức khỏe thật sự.
186. Tai hại thay cho một nghệ sĩ là để lại nhiều cái tầm thường, nhiều cái xoàng? Đáng lý ra thì những cái tồi, cái kém, cái chưa ra sao nên hủy đi thì vẫn hơn. Điều này có người phản đối, họ còn cho là như vậy làm thiệt thòi cho những người yêu nghệ thuật (?) Theo họ thì người xóa tranh đã thật xóa đúng cái xoàng chưa? đã thật hủy bỏ cái dở hay lại đi hủy bỏ cái hay.
Cézanne cũng có "tật" không hài lòng tranh của mình. Thật cũng khó nói là nên hay không nên. Tôi thiết tưởng người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm tên tuổi mình với cuộc sống ngày nay và cả ngày mai nữa.
Có những cái dở làm hại tên tuổi anh ta, vì vậy nếu có hủy, anh cũng cứ phải biết nó có dở không.
Trường hợp thiên tài vứt ra cái gì đều hay cả thì sao? Cũng chưa chắc đâu.
187. Con người nhiều khi thật là phức tạp. Con người nghệ sĩ lại càng phức tạp. Khó mà đánh giá một tác phẩm thành công sớm. Nghĩa là vừa mới ra đời đã được công nhận là tuyệt vời! Dù sao ta cũng phải chờ thời gian nhưng kẻ biết trước (tiên tri) đã một phần nào hiểu được số phận của tác phẩm.
188. Những kẻ huyênh hoang trong lĩnh vực nghệ thuật thường là rỗng tuếch. Tôi sắp bắt tay vào "xây dựng" "một tác phẩm vĩ đại". Tác phẩm của tôi sẽ làm cả thế giới phải kinh ngạc? vv... và vv... thật là đáng thương hại với một cái "tài năng" như thế.
189. Sao lại không thích vẽ? Không sửa chữa nổi, cùn mòn rồi chăng? Bất tài chăng và không nhích được chút nào cả, chán đời chăng? Vì cuộc sống bần hàn phải mưu sinh chăng? Nêu lý do cũng có thể đúng đấy, nhưng vẫn cứ đáng trách: Anh không vẽ là vì thực ra anh không có lý tưởng và mất lòng tin.
190. Con người nói chung là quá yếu đuối. Họ không nói thật cũng chỉ vì họ yếu. Họ hám danh hám lợi cũng chỉ vì họ yếu. Con người nghệ sĩ đáng kể là họ có một sức mạnh phi thường trong con người họ. Đừng tưởng họ hám danh cầu lợi, tùy người thôi. Không phải ai cũng như ai đâu. Nghệ sĩ cũng có nhiều cái xấu thậm chí hơn cả ai nữa. Có gì phải phàn nàn vì họ có lừa dối ai đâu, họ cũng bị chi phối bởi một xã hội nào đó chứ? Nhưng lại sao không nhìn thấy cái tuyệt vời của họ. Cái đẹp lý tưởng họ đang theo. Họ phức tạp đến nỗi vừa là một con quỷ và vừa là một thiên thần.
191. Triết lý suông? Đó là thứ nói mà không làm hoặc không làm nổi. Đó là một thứ vẹt tự phụ nên làm người ta tin, và đó cũng có thể là một thứ "thuộc bài". Nếu bảo giỏi thì âu cũng là một thứ giỏi! Ở lĩnh vực hội họa, biết bao lay hợm hĩnh, cuối cùng xứng đáng với con zero. Người đời không thèm nhắc đến tên!
192. Tài năng? Nếu cứ như thế là tài năng thì ra tài năng phải như thế à? Được thì cứ cho là tài năng đi vì nó hợp khẩu vị mấy ngài? Người ta vẫn cứ sờ sờ những tài năng không có công thức và như thế họ cứ chê bừa đi là hỏng, là kém. Để cho đỡ phiền toái mấy tay "modeme" ở Pháp, lúc đầu khi không hiểu, mấy cụ Hàn lâm phải kêu lên: Bọn nổi loạn? Chả trách bọn phong kiến sợ Cách Mạng là phải.
193. Cái danh đẹp và có cả cái danh xấu nữa. Có nhiều người muốn lưu danh lại cho người đời. Cái danh nào thế?