Viết Dưới Ánh Đèn Dầu - Phần 6

Bùi Xuân Phái-Utrillo Của Hà Nội

Đi giữa Hà Nội, người ta có thể chỉ tay vào một góc phố nhỏ nào đấy, nhà cửa dồn nép vào nhau, lặng lẽ dưới một đường viền chậm chạp, gập ghềnh của mái rồi bâng quơ đâu đó một bóng người qua đường, hay một chiếc xích lô đợi khách dưới những ô cửa tối sầm, mà bảo rằng: "Trông Bùi Xuân Phái quá!" Cũng như người ta có thể ngắm nhìn ở những nẻo đường Montmartre hay ở ngoại ô Paris một vạt tường già nua bóc vẩy, một giáo đường vắng lặng với vài cây cổ thụ không lá, cô đơn, mà bảo: "Kia là một Utrillo!"

Cả hai, đều là họa sĩ chân dung cái thành phố mà họ đã sống, đã yêu, đã cô đơn trong hy vọng, vào những thời gian và không gian khác nhau. Thành phố của họ vừa cổ kính, vừa dân dã. Cả hai đều có cái ngây thơ can đảm là lắp đi lắp lại trăm ngàn lần xúc cảm hội họa của mình trên cùng một mô típ đứng yên. Và cứ thế, họ vẽ cho tới khi tắt thở.

Tranh của Bùi Xuân Phái có sức mạnh im lặng kỳ lạ. Im lặng đến nín thở, vô tội, của những phố ngõ bình thường Hà Nội vốn đã đẫm phong trần.Chúng là tiếng nói của một tâm hồn độc thoại, được thốt lên bằng cử chỉ hội họa thống thiết, mê cuồng, ở một đời nghệ sĩ. Mà trong đó còn giữ cả một cái gì tươi mát, trẻ thơ.

Tôi đã bỏ lỡ dịp hỏi Bùi Xuân Phái xem ông yêu mến Utrillo đến mức nào.Nhưng tôi biết, có một tình cờ lịch sử, là thời điểm Utrillo qua đời (1955), cũng chính là khi Bùi Xuân Phái đã đổ dồn mọi thương cảm mê man vào phố cổ Hà Nội, mở đầu thời kỳ đẹp nhất của hội họa và cá tính ông. Một gặp gỡ xa xôi nào ở miền vô thức của nghệ thuật chăng?

Lịch sử mỹ thuật sẽ ghi có một "thời kỳ xám" của Bùi Xuân Phái.Cũng như đã ghi có một "thời kỳ trắng" của Utrillo.

Mầu xám này của đá.

Cái thời kỳ mà những mảnh báo cũ, những tờ bìa, miếng toile nhỏ như bàn tay, đã uống no mầu xám, lắng chìm trong tiếng dội của đáy tâm tư. Đó là thời kỳ Hà Nội Hà Nội nhất, mà Bùi Xuân Phái cũng là Bùi Xuân Phái nhất.

Hà Nội có một cuộc đời máu thịt, không nhất thiết phải phô trương, xa xỉ. Cũng như "thời kỳ xám" của Bùi Xuân Phái, có cuộc đời âm thầm của nó, không cần hớn hở, đua chen.

Ở đây, Hà Nội khuất sau những phố nhỏ, đền chùa, Văn Miếu, và những cây đại thụ lầm lì tuổi tác. Hà Nội như một tấm bia đá bạc phơ, dãi dầu cái đẹp nặng chìm của thời gian, thế sự.

Vào những năm cuối đời, hội họa của ông có nhẹ nhàng, linh hoạt và tươi tắn hơn.

Tôi chưa thấy một ai yêu Hà Nội mà không muốn có bên mình, hoặc mang theo mình, một Bùi Xuân Phái.

Triển lãm tranh Bùi Xuân Phái tại Thụy Điển

Bùi Xuân Phái đã trở thành họa sĩ Việt Nam có cuộc trưng bày tranh dài ngày nhất tại Thụy Điển. Mang tên “Phái” và được tiến hành tại Bảo tàng Ostasiatiska ở thủ đô Stockholm, cuộc triển lãm kéo dài gần bốn tháng, vừa kết thúc mới đây.

Điều thú vị là tất cả những bức tranh trong cuộc triển lãm này đều thuộc sở hữu của những người chơi tranh Thụy Điển. Giám đốc Bảo tàng Ostasiatiska cho biết, tại Thụy Điển, hiện có hai trăm tác phẩm lớn nhỏ của họa sĩ này. Ông mượn một trăm hai mươi bức và chỉ chọn bày tám mươi bức trong cuộc triển lãm trên. Những bức tranh này do chuyên gia Thụy Điển công tác tại Việt Nam mua về trong thập niên tám mươi. Theo đánh giá của Giám đốc thì triển lãm thành công ngoài sự mong đợi. Sau khi trả các bức tranh về với chủ sở hữu của chúng, vẫn có người đến Bảo tàng bày tỏ mong muốn được xem các tác phẩm của người họa sĩ tài hoa này.

Theo VnExpress

Tiểu Sử Bùi Xuân Phái

Bùi Xuân Phái (1920 - 1988)

Sinh và mất tại Hà Nội: 1/9/1920 – 24/6/1988

Quê: Làng Kim Hoàng, xã Vân Cảnh, tỉnh Hà Đông

Tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 1941 – 1946

1996 - Giải thưởng Hồ Chí Minh

Triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất lúc còn sống tại Hà Nội năm 1984

Chín triển lãm cá nhân sau khi mất tại Hà Nội: 1998 “Kháng chiến và thân thể nữ” – Hà Nội; 1990 “Bùi Xuân Phái - Tác phẩm chưa trưng bày” tại TP.HCM; 1992 “Phái không phố”; 1993 “Chân dung”; 1998 “Mầu thời gian tại TP.HCM”; 2000 “Những chuyến đi thực tế” (Hà Nội); 2003 “Tâm tư nghệ thuật” – TP.HCM.

Tám đầu sách: Bùi Xuân Phái trong sưu tập của Trần Hậu Tuấn - Hội họa Việt Nam đương đại trong sưu tập của THT (1995); BXP - Phố cổ - Trừu tượng - Tự họa (1996); BXP - Cuộc đời và tác phẩm (1998); BXP -Viết dưới anh đèn dầu – 2000; BXP - Những chuyến đi thực tế (2002) và BXP – Tâm tư nghệ thuật (2003).

Bùi Xuân Phái - một nhân cách, một tâm hồn.

... Vào những năm 1976-1982 chúng tôi thường được gặp Họa sĩ Bùi Xuân Phái, gần như gặp gỡ hàng ngày. Qua những năm tháng sóng gió, ông Phái vẫn tồn tại với nghệ thuật của mình như một thiền sư đắc đạo. Nghệ thuật Bùi Xuân Phái với tính nhân đạo, đầy ắp tình thương, trong trẻo, gột rửa những nhọc nhằn, những cường bạo, đem tình yêu tha thiết an ủi từ những con người bình dân nhỏ nhoi đến những người danh tiếng quanh ông. Lạ thay, những người bình dị giản đơn cũng hiểu, cũng quý nghệ thuật Bùi Xuân Phái.

Ông Phái là người Hà Nội "nguyên chất". Trong tranh ông người ta nhận thấy chất tinh túy, thanh nhã, sang trọng của văn hiến Thăng Long. Con người nổi tiếng ấy rất giản dị trong bộ áo sơ-mi màu xám nhạt, đạp chiếc xe đạp Đức cũ kỹ lọc xọc dạo quanh các đường phố nhỏ có những mái ngói mũi hài rêu phong mốc thếch ở Hàng Thiếc, Hàng Mắm, ngõ Phất Lộc... Dáng người cao mỏng manh, mớ tóc thưa dài lất phất khuôn mặt thanh thoát, đôi mắt lớn sâu thẳm đượm buồn như ánh nhìn luôn trong trẻo như mắt trẻ thơ. Cái mũi dọc dừa, râu ria muối tiêu đóng khung quanh cái miệng luôn mỉm cười hóm hỉnh.

Căn phòng nhỏ cũ ở 87 phố Thuốc Bắc.

Qua một ngõ ngăn hẹp, một bên là ủy ban Phường, một vòi nước rỉ luôn nhỏ tí tách, đến mảnh sân ẩm rêu là thấy cửa sổ nhà ông bà Phái. Nơi đây như một điểm gặp gỡ của các tên tuổi ghi nên trang sử cho nền văn học Việt Nam như nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ nữ Xuân Quỳnh, các danh họa khác như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên và nhà báo Lê Chính.

Có lần ông Phái nói với tôi: "Bác Nghiêm với tôi là bạn thân từ khi học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương." Nhiều Tết Nguyên Đán, hai ông tặng nhau tranh Tết còn ướt mầu vẽ các con giống, nhẹ nhàng như người ta cho nhau một quyển sách hay một tấm bưu ảnh. Những tác phẩm đó hiện nay đang được đấu giá tại các hãng Christie's hoặc Sotherby's từ châu Âu đến châu Á.

Những người bạn của Phái.

Các họa sĩ đó hay đến thăm nhau, họ không nói to, không tán tụng nhau và không tranh luận, kỵ nhất là nói về nghệ thuật. Họ thường chậm rãi nhấp chén trà đặc sánh, thỉnh thoảng mời nhau cút rượu Làng Vân. Lạ thay, trừ họa sĩ Nguyễn Sáng có cuộc đời rất bi kịch, ông Nghiêm và ông Phái chỉ uống để tiếp bạn chứ không say sưa. Họ lặng lẽ thưởng thức các tác phẩm mới còn ướt sơn của nhau. Như thế là đủ. Tình bạn của họ còn mãi cho tới khi một người vĩnh viễn ra đi, để lại cho những người còn lại một khoảng trống đau đớn.

Tranh chân dung và người bạn đời của ông Phái.

Ký họa chân dung Văn Dương Thành của Bùi Xuân Phái.

Vào những năm 1967 ông Phái vẽ rất nhiều chân dung. Nói đến Bùi Xuân Phái là nói đến "Phố - Phái". Mỹ từ PHÁI gắn liền sự xưng tụng phố cổ Hà Nội. Nhưng khá nhiều người biết rằng ông Phái là một bậc thầy trong nghệ thuật vẽ chân dung. Ông Phái nghiền vẽ, ông vẽ như ta hít thở. Ngồi đâu ông cũng vẽ và vẽ bất cứ mẫu vật gì. Con người dịu dàng hiền lành đến thế, nể vợ chiều con, nhường bạn, nhưng khi ghi lại một bức chân dung, người ta mới hiểu một Bùi Xuân Phái sắc sảo thông thái, mổ xẻ soi thấu tâm hồn hoặc tâm địa sâu kín, phơi bày tính cách của từng con người, từ một bác nông dân mù chữ, một cô gái dân quân mập mạp, một bà bán rau toét mắt bên hè phố, những cây đại thụ Làng Văn như nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Văn Cao, tính cách sôi sục, cặp mắt rực lửa của Nguyễn Sáng, những khuôn mặt muôn vẻ của các nhà sưu tầm như Đức Minh, ông Đạm, ông Bổng.

Đặc biệt một chuỗi ghi chép chân dung của người bạn đời của ông Phái, có nhũ danh là bà Sính, và năm người con ông là Ý Lan, Phương, Kỳ Anh, Trâm, Nhung. Từ năm 1951 khi bà Phái đang mang thai đứa con đầu lòng của họ, đến năm 1952 khi bà Phái bế ấp bé Ý Lan trong lòng bú sữa. Rồi hàng nghìn bức chân dung bè bạn thân - sơ của ông. Từ những năm 1974, 1975, Viện Bảo tàng Mỹ thuật có sưu tập những bức tranh sơn dầu nửa trừu tượng của tôi - Một khi Viện Bảo tàng Nhà nước đã mua tranh, là họa sĩ có thể đãi các bạn bè chút tiệc rượu và cảm thấy mình khá "giầu" để mua sơn và vải mà mời nhau vẽ.

Đương nhiên tôi mua sơn, bút, ít bao thuốc lá Trường Sơn, cân đường cát đến biếu ông Phái. Dù bận mấy, tôi cũng phải qua nhà ông vài lần trong tuần. Thời đó không ai có điện thoại, nên khi muốn đến thăm nhau vài ba người cứ việc xồng xộc kéo đến. Nếu có ông ở nhà, thể nào sau khi chào hỏi, ông lấy bút ra vẽ. Nếu ông đi uống cà-phê đâu đó, thì tôi uống trà chuyện trò với bà Phái hoặc các con họ, nhiều khi dùng cơm luôn với gia đình. Mười năm sau, tôi có dịp đi nhiều nước, có lúc được mời đãi yến tiệc, nhưng hương vị độc đáo của những món ăn đơn giản như rau cà, hay món cầu kỳ như măng lưỡi lợn, hoặc bò bắp ướp gừng cuốn lại hầm khô, do bàn tay đảm khéo của bà Phái nấu, cứ làm tôi nuốt nước miếng khi nhớ lại. Khi ông Phái đã qua đời, bà Phái còn làm món đặc biệt đó gửi sang Tây cho tôi.*

Bạn bè năng đến nhà ông Phái là do bà Phái, người vợ rất chiều quý bạn chồng. Nhiều khi tôi sửng sốt vì những suy nghĩ rất thông thái, chu đáo, giản dị của bà Phái. Bà Sính luôn nghĩ tới các bạn của chồng. Sau khi ông Phái qua đời ngày 24 tháng 6 năm 1988, bà Sính soạn lại các di vật của ông và tặng lại cho từng người. Năm 1990, khi tôi về Hà Nội đến thăm bà cùng dâng hoa cho ông, bà Phái trao vào tay tôi hai vật kỷ niệm. Đó là chiếc kính viễn của Đức mà bà đã mua cho ông hai mươi năm trước, gọng kính nhỏ nâu có gắn viên đá nhỏ. Vật thứ hai là chiếc tẩu thuốc gỗ vẫn còn tàn tro thuốc cháy dở, đầu tẩu có khắc một khuôn mặt mà lạ thay giống hệt chân dung ông Phái. Hai vật đó ông đã thường dùng cho đến khi qua đời. Bà nói: "Có bao nhiêu người xin hai vật này, nhưng tôi nói để dành cho Văn Dương Thành, còn chiếc xe đạp thì cho anh Thái Bá Vân."

Hai tác phẩm trên một mặt vải đã tan biến.

Tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái.

Trở lại thời năm 1976, ông Phái luôn đến thăm chúng tôi tại nhà ở 118C Quán Thánh, nơi ông đã vẽ hơn mấy trăm bức chân dung Văn Dương Thành, đã ký họa chì than, màu nước đến sơn dầu. Ông Phái không đến một mình mà luôn có một người đồng hành là anh Trần Trung Tín. Anh Tín vốn là tài tử điện ảnh khóa I, cùng khóa với nữ nghệ sĩ Trà Giang. Khi đó anh đang chán đời và làm thơ, nhưng ngoài anh ra, không một ai hâm mộ thơ anh! Anh Tín cao lớn quắc thước, khuôn mặt biểu hiện một cá tính sâu sắc bướng bỉnh, gan lì. Khi đó anh đã ly hôn, không ai nhắc nhở anh thay giặt quần áo, nên tứ thời anh đánh một chiếc quần đen mốc thếch và một áo sơ-mi nhung kẻ đỏ bụi bặm, chiếc xe đạp Phượng Hoàng nặng trịch tróc sơn của anh cũ kỹ rạo rệch quá lại hay thủng lốp nên anh thường cuốc bộ.

Anh Tín không bao giờ biết mệt mỏi khi ngồi chầu bên cạnh ông Phái và xem ông vẽ. Anh từng chứng kiến hàng trăm bức tranh từ khi ông Phái phác nét đầu tiên đến khi nét ký tên chấm dứt. Anh Tín say sưa theo đuổi từng rung động, từng nét bút run rẩy của ông Phái. Đôi khi anh reo lên, hồi hộp, đau khổ, kêu ca y như người mê bóng đá theo dõi cuộc đấu nảy lửa vậy. Rồi anh Tín vẽ. Trong căn hầm nhỏ mười hai mét vuông ở số 6 Đặng Dung, anh chỉ có giấy báo cũ, một chai dầu hỏa, chúng tôi chia xẻ cho một tuýp sơn dầu, đôi khi đã khô gần hết mầu, anh rạch bụng tuýp sơn ra, đổ dầu hỏa vào và bôi lên mặt báo cũ. Do sơn quá ít nên ta có thể đọc cả bài báo lờ mờ dưới lớp sơn. Hàng trăm bức "mẹ đất", "mẹ con", "nude" đã ra đời như thế.

Tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái.

Phần đông cho rằng, anh Tín thần kinh mất thăng bằng, tranh giấy báo cũ của anh cũng bị dửng dưng như thơ của anh. Chỉ riêng ông Phái là hết sức chăm chú xem và coi anh như một đồng nghiệp. Chính tâm hồn cao quý của Phái đã nâng niu trân trọng Tín trong bước đầu cầm cọ, đã góp phần thúc đẩy Tín tìm ra mình và tìm ra một phương tiện nghệ thuật để giải thoát. Tuy nhiên, những bức tranh trên báo cũ vàng ố, nếu có cho cũng ít người hiểu nên anh Tín chỉ bỏ chất đống dưới gầm giường, mặc cho gián, chuột chạy qua. Sau đó, năm 1976, anh Tín vào thành phố Hồ Chí Minh làm "lơ xe" rồi vẽ và vẽ.*

Anh Tín rất ngưỡng mộ Phái. Dù khi đó rất nghèo và thiếu ăn, anh sẵn lòng chia sẻ với ông những tác phẩm rút ruột ra của mình. Bằng chứng là đôi khi, trong lúc ông Phái đến nhà tôi chơi, toan và giấy đã hết, anh Tín chạy bộ về căn hầm nhỏ của anh và hùng hục vác lên một bức tranh lớn cỡ 150cm x110cm anh đã vẽ lên vải bao tải gạo. Ông Phái cương quyết từ chối vẽ đè lên đứa con tinh thần của anh Tín, nhưng Tín say sưa cầm chổi lông tự tay xóa tranh mình đi cho Phái vẽ. Đó là bức tranh "Văn Dương Thành chải tóc bên đèn", một trong những tác phẩm khổ lớn của danh họa Bùi Xuân Phái. Tiếc thay ta chỉ còn được xem qua những bức ảnh còn lại. Bức tranh đã thất lạc năm 1982. Một người có lẽ vì quá mến tôi nên đã xóa bức tranh quý giá đó đi để khỏi nhìn thấy hình ảnh Văn Dương Thành, dù người đó cũng rất quý trọng ông Phái và anh Tín! Đã hai mươi năm qua.*

Mười bốn năm qua, Hà Nội vắng Bùi Xuân Phái, nhưng với chúng tôi, ông Phái chỉ đang đi rong chơi đâu đó chốc lát, vì tâm hồn ông và nghệ thuật của ông luôn luôn tồn tại với chúng ta, trong tim chúng ta, mãi mãi.

Văn Dương Thành

(Văn nghệ)

Phố Phái

Bùi Xuân Phái là một họa sĩ bậc thầy của hội họa hiện đại Việt Nam. Tranh vẽ về phố phường và cảnh sinh hoạt hàng ngày của Hà Nội là bộ phận đáng kể nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của ông. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết: "Bùi Xuân Phái vẫn là một họa sĩ gây ấn tượng nhất trong đời sống tình cảm của người Việt Nam. Đó là tình cảm về cố hương, cố nhân và đời sống thường nhật mà chúng ta hay lãng quên. Đối với Bùi Xuân Phái, vẽ cũng là hơi thở, cũng như nhu cầu ăn uống, cần liên tục và hàng ngày... Khó đếm chính xác số lượng tranh của Bùi Xuân Phái, cũng như khó đoán định tâm trạng ẩn nhẫn của họa sĩ qua từng bức tranh." Họa sĩ Việt Hải nhận định: "Bùi Xuân Phái vẽ để sáng tỏ ba điều: Tôi là người tốt. Tôi là người yêu nước. Tôi là người có tài."

Bùi Xuân Phái sinh ngày 1-9-1921 tại Hà Nội. Ông vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa cuối cùng 1941-1946. Khi còn là học sinh trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Bùi Xuân Phái đã vẽ phố và đã đi dự triển lãm ở Tokyo. Năm 1946, ông đã nhận giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Ngày 10-9-1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Quyết định số 911KT/CTN tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho bảy mươi bảy công trình, cụm công trình xuất sắc thuộc các lĩnh vực, trong đó có tám bức tranh sơn dầu của Bùi Xuân Phái đã mang đến vinh dự lớn lao cho cả cuộc đời sáng tác của ông - Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trước đó, Bùi Xuân Phái đã từng nhận được nhiều giải thưởng khác (Mỹ thuật toàn quốc 1980, Mỹ thuật Thủ đô 1969, 1981, 1983, 1984; Giải thưởng đồ họa Leipzig...). Nhưng sự ghi nhận lớn nhất mà ông giành được không chỉ ở các giải thưởng, mà ở cái tên cả nước Việt Nam đều biết: "Phố Phái". Mỗi con đường, mỗi phố đều mang tên một danh nhân, còn những phố, đường mang tên "Phố Phái" thì nhiều không ai đếm được. Nó tồn tại trong hoài niệm của rất nhiều người, dù thành phố có đổi thay. Những nơi gợi lại bóng hình "Phố Phái" vẫn là những nơi chứa chan nhiều cảm xúc.

Suốt trong bốn mươi năm lao động nghệ thuật, Bùi Xuân Phái dành cho Hà Nội tất cả tình yêu của mình. Ông sống là để vẽ, vẽ vào bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào có thể vẽ được. Những tranh phố của ông đủ dựng nên một thành phố thật, thân thiết với những Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Rươi, nhưng là một thành phố của ký ức. Đó là những mảng tường vôi lở, những mái ngói rêu phong, những ô cửa nhỏ đợi chờ, những đám mây trắng ngần, những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo... Một bút pháp vừa thực vừa hư, gây ấn tượng sâu sắc. Nó làm người ta không ngờ những nơi bình dị mắt ta quen nhìn hàng ngày lại có thể đẹp một cách giản dị và mãnh liệt. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân viết: "Hà Nội rất hội họa ở những phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo cách của nghệ thuật rằng, Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Là người Hà Nội, hình như ông được sinh ra để gắn bó, để cảm hóa chúng ta về một thế giới thể hình và màu sắc của riêng đây. "Phố Phái" là phố của chung tất cả mọi người, ông chỉ là người đầu tiên phát hiện ra nó - người đầu tiên và sau ông, hình như vẫn chưa có ai, dù đã có rất rất nhiều họa sĩ say mê đi tìm vẻ đẹp nơi rêu phong phố cổ."

Một mảng tranh nữa mà Bùi Xuân Phái được coi là độc quyền - mảng về nghệ thuật chèo. Ông đã vẽ được rất nhiều bức tranh về nghệ thuật chèo, lớn và nhỏ. Những bức tranh chèo của Bùi Xuân Phái chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh của làng xã Việt Nam. Những hề say, hề gậy, những đào lệch, đào thương... được làm sống động bằng một ngôn ngữ hội họa. Các nhà phê bình cho rằng ứng xử thẩm mỹ của Bùi Xuân Phái với sân khấu chèo của mình là thân thiện và nhân tình. Những bức tranh của ông làm nên một ngôn ngữ chèo. Nhân vật người nông dân đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện đầy chất thơ, sâu sắc và nhẹ nhõm. Năm 1960, Bùi Xuân Phái làm trang trí cho vở chèo "Sợi tơ vàng". Ông phát hiện ra chèo từ đấy, tạo ra một thế giới riêng cho mình và cho chèo. Khác hẳn với phố cổ, mảng tranh chèo khiến cho người xem phát hiện ra một Bùi Xuân Phái trẻ trung, dí dỏm.

Không chỉ có phố cổ, không chỉ có chèo, không chỉ có chân dung, Bùi Xuân Phái còn có những bức tranh đẹp về nhiều miền khác nhau của Tổ quốc: "Mỏ than", "Xúc than vào lò" "Phân xưởng nhuộm", "Hòa bình", "Cảng Đà Nẵng", "Phố cổ Hội An"... Bùi Xuân Phái vẽ tranh giản dị. Người ta nhận ra tranh của ông ở từng nét vẽ, từng mảng màu, không thể nhầm lẫn với ai.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3