Viết Dưới Ánh Đèn Dầu - Phần 7 (Hết)
Hơn bốn mươi năm lao động nghệ thuật, Bùi Xuân Phái đã để lại hàng nghìn tác phẩm. Tranh của ông được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nhà sưu tập nổi tiếng Trần Hậu Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tập hợp rất nhiều tranh của Bùi Xuân Phái. Anh cũng là người đứng ra thành lập nhà tượng niệm họa sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1998, nhân kỷ niệm mười năm ngày mất của ông (24-6-1988), Trần Hậu Tuấn cùng gia đình họa sĩ cho ra đời cuốn sách "Bùi Xuân Phái. Cuộc đời và Tác phẩm". Cuốn sách có thể coi là một triển lãm toàn cảnh thu nhỏ mà khi họa sĩ còn sống chưa có điều kiện thực hiện.
Tâm tư nghệ thuật
* Anh có thể giới thiệu qua về cuộc triển lãm tranh Bùi Xuân Phái vào ngày 24-6 này? Tại sao lại chọn tên "Tâm tư nghệ thuật"?
- Tên triển lãm - "Bùi Xuân Phái - Tâm tư nghệ thuật" được lấy từ tên cuốn sách mới nhất về ông do anh Trần Hậu Tuấn và tôi cùng làm. Cuốn sách tập hợp những ghi chép, chiêm nghiệm, suy tư của Bùi Xuân Phái về nghệ thuật nói chung và về hội họa nói riêng. Cha tôi có thói quen ghi chép những ý nghĩ bất chợt đến với ông, những điều ông trăn trở mỗi khi ông không bận với giá vẽ. Ông viết trong sổ tay, trên các mảnh báo, giấy rời, trên lề tranh bất kỳ... Sau này, khi cha tôi mất, gia đình đã gom lại, gìn giữ như kỷ vật quý về ông. Tôi và anh Trần Hậu Tuấn đã quyết định công bố những ghi chép này, chúng tôi nghĩ những trải nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật của Bùi Xuân Phái, những điều từng dằn vặt ông - tới thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị, nó còn giúp cho công chúng hiểu hơn về tinh thần cũng như nhân cách của ông. Triển lãm để tưởng nhớ họa sĩ nhân mười lăm năm ngày giỗ, đồng thời cũng là dịp công bố và ra mắt cuốn sách "Bùi Xuân Phái - Tâm tư nghệ thuật".
* Về các bức tranh sẽ được trưng bày lần này, có gì khác so với những triển lãm đã từng tổ chức?
- Triển lãm gồm khoảng sau mươi tác phẩm, trong đó phần lớn là những tác phẩm của Bùi Xuân Phái mà nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn mới tìm được. Anh Tuấn tìm được nguồn từ Pháp, mua lại của ông cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, các bức tranh chủ yếu vẽ trong khoảng 1979-1981, gồm tranh phố, biển, nông thôn, tự họa. Đặc biệt là những bức tự họa mới tìm thấy có ảnh hưởng tranh Van Gogh - đầy tâm trạng và rất xúc động, hẳn ông rất đơn độc khi vẽ những bức tranh này, xem tranh tôi thấy thương ông...
Gia đình tôi cũng chuyển một ít tranh ở Hà Nội vào. Trần Hậu Tuấn có thể không cần thêm tranh, nhưng anh ấy muốn có sự tham gia của chính gia đình họa sĩ, còn tổ chức và lo liệu cho cuộc trưng bày này chủ yếu vẫn là Tuấn.
* Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn hiện là người đang giữ nhiều nhất tác phẩm của Bùi Xuân Phái, những bộ sách lớn về Bùi Xuân Phái do Trần Hậu Tuấn làm cho thấy Tuấn am hiểu họa sĩ như một nhà "Bùi Xuân Phái học". Anh có thể nói thêm về nhân vật này?
- Tuấn là bạn thân của tôi từ hồi còn bé, Tuấn đến nhà chơi, gặp cha tôi và cậu ấy đã được ông coi như một người bạn trẻ tuổi. Tuấn có một tình yêu mê cuồng với ông và chịu ảnh hưởng đến nỗi nhìn sự vật và cuộc đời bằng cái nhìn Bùi Xuân Phái, căn đo cái đẹp bằng thước đo của ông. Với cả hai chúng tôi - ông là mẫu mực, chúng tôi nhìn vào để ứng xử và sống, Trần Hậu Tuấn thương mến và kính trọng ông như một người cha. Tuấn là người có công lớn trong việc gom tìm tư liệu và tác phẩm, phục dựng chân dung Bùi Xuân Phái một cách có hệ thống. Tuấn làm những công việc ấy trước hết vì tình yêu của Tuấn với ông Phái, và vì nghệ thuật của Bùi Xuân Phái cũng chính là sự nghiệp của Tuấn, tôi cho rằng cuộc gặp gỡ giữa hai người này là một mối duyên lớn.
* Gia đình họa sĩ và nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn có ý định tổ chức những cuộc triển lãm tranh Bùi Xuân Phái trở thành một hoạt động mỹ thuật - thường niên?
- Chúng tôi cũng định từ nay trở đi, mỗi năm sẽ cố gắng tổ chức triển lãm tranh Bùi Xuân Phái một lần. Tôi nghĩ là việc làm này không cũ, không nhàm, mà nó có ý nghĩa với những thế hệ lớn lên sau này, khi họ cần hiểu về Bùi Xuân Phái, về phố cổ Hà Nội... Việc làm này sẽ giúp mọi người nhìn nhận một cách hệ thống về ông, về nhân cách nghệ sĩ, cuộc đời, con người, tác phẩm... đó cũng là việc khẳng định một chân giá trị.
* Cảm ơn họa sĩ Bùi Thanh Phương!
QUỲNH HƯƠNG thực hiện
(Báo Gia đình và Xã hội)
... Nét vẽ cuối đời của họa sĩ Bùi Xuân Phái tự dành cho ông là bàn chân của chính mình. Dòng chữ "trong lúc ốm đau thời gian đi cực kỳ là chậm! Nhất là đêm gần về sáng" được đặt cạnh bàn chân, trên bức kí họa, bày tỏ nhẹ nhàng như hơi thở của kẻ đặt chân ngay ranh giới tử sinh. Bàn chân ấy đi xuyên qua biết bao biến động của thời cuộc, trong đó gồm cả một thời kỳ "không chỉ khó khăn về kinh tế, đe dọa của bom đạn mà còn cả thói đạo đức giả, chủ nghĩa cơ hội, sự ấu trĩ và cả những kẻ ưa chụp mũ lên người khác"- theo lời giới thiệu của nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn trong cuốn sách Tâm tư nghệ thuật.
Cả một thế giới vô thanh nhưng lại "nói" nhiều, nhiều đến tận cùng của sự hiểu biết trong các bức tranh Bùi Xuân Phái được in trong sách Tâm tư nghệ thuật. Những cô gái phường chèo mang khuôn mặt không mắt, không miệng, những con người không khuôn mặt. Những con phố, căn nhà biết nhảy múa, cong võng một sinh lực chịu đựng nhưng dẻo dai bất tận: phố và nhà được quây lại thật ấm, thật hẹp, thật gần gũi, toát lộ tuyệt diệu một tâm thức Việt Nam.
Chữ nghĩa của Bùi Xuân Phái trong Tâm Tư Nghệ Thuật không văn vẻ. Hiển diện sự giản dị của sức mạnh nội tâm. "Không kheo tài, khoe giỏi, khuếch khoác bịp bợm. Nhà nghệ sĩ chân chính phải chịu đựng những không may của cuộc sống, đôi khi chịu đựng những đau khổ do hoàn cảnh tạo nên", ông viết. "Say mê vẽ, giữ lửa liên tục, nguội lạnh là chết", vẽ là viết, viết là vẽ, lập ngôn đi liền với hành động.
Xin dừng lại tâm trí một đỗi mà lắng nghe lời ông. "Nhà phê bình chân chính không vì danh lợi mà làm việc, không để đồng tiền hoặc quyền thế sai khiến. Đối với những kẻ phê bình láo, kể cả những kẻ nịnh hót để kiếm chác chỉ nên giữ một sự lặng lẽ khinh bỉ. Những con người hiểu biết sâu sắc, nhạy cảm sẽ làm rõ vấn đề." Bùi Xuân Phái để lại cho cuộc đời một phong thái điềm tĩnh, một trợ lực tinh thần cho những ai hiểu tận tâm can, rằng bảo vệ cái đẹp là điều gian nan.
Còn gì đáng nói hơn ngoài nhân cách, giữa chốn bụi trần? Nhân cách Bùi Xuân Phái. Với thông điệp chân thật nhất mà khó khăn nhất cho tâm hồn mỗi người và nhân loại - "Không hiểu mình thì dễ nhầm lẫn cái đẹp cái xấu."
Bùi Xuân Phái - Vẽ để mà không vẽ.
Kỷ niệm mười ba năm ngày mất của họa sĩ Bùi Xuân Phái, Gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái cùng nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã tổ chức cuộc triển lãm mang tên "Hà Nội, Phố thứ 37- Phố Phái". Điều đặc biệt là giấy mời của cuộc triển lãm được đính kèm bài viết của nhà phê bình Thái Bá Vân viết sau ngày Bùi Xuân Phái mất. Dưới đây là bài điếu của Thái Bá Vân viết cho Bùi Xuân Phái cách đây mười ba năm.
---
Nói theo nghĩa nào đó, Hà Nội lên đến hai triệu người. Mà nói theo nghĩa nào đó, Hà Nội bao giờ cũng chỉ có dăm ba người, chia nhau trong từng tình yêu và thế kỷ:
Làm sao nói được giản đơn rằng đứng trong số hai triệu người kia, hay đứng trong số dăm ba người này, là hơn hay là thiệt, là rủi hay là may, là sướng hay khổ.
Bùi Xuân Phái ở đâu? Điều đó không quan trọng mấy. Quan trọng và công bằng hơn, an tâm hơn là không ai tự chọn được cho mình thân phận cả. Chỉ biết con cá nhỏ mấy cũng thích tụ về bơi lội giữa những dòng sông lớn, không con nào ưa nước đọng, ao tù.
Hà Nội là một dòng sông lớn và Bùi Xuân Phái là một ý thức trẻ trung.
Nghệ thuật và danh nhân phải có cái hạnh phúc được đầu thai, rồi nuôi cấy và dập vùi, ở những trung tâm và thời đại to tát. Anh Phái bé bỏng thôi. Nhưng là một bé bỏng riêng biệt, không thể nào thay thế. Cuộc rong chơi can đảm, lầm lì của người đó bằng cây bút vẽ và bằng bảng màu của mình là đẹp và có ý nghĩa cho Hà Nội. Cho chúng ta mãi mãi. Làm chứng cứ nhân văn cho một ý thức nghệ thuật.
Ở đám tang Bùi Xuân Phái, tôi rất để ý một vòng hoa lớn, chưa từng thấy ở những cuộc chia tay long trọng khác. Vòng hoa ấy ký tên: "Những người yêu nghệ thuật." Anh Phái thật là sang, Hà Nội thật là sang.
Anh Phái mắc bệnh vẽ. Ngồi đâu vẽ đấy, bạ gì vẽ nấy. Nhìn theo mà vẽ, thuộc lòng mà vẽ. Vẽ thực, vẽ bịa, vẽ cho đến chết. Mảnh giấy cuối cùng không để lại của anh (anh đã vò xé đi) là hình vẽ mấy người bệnh nằm chung phòng ở nhà thương. Sự vẽ của anh chỉ có thể gọi bằng câu nói của chính anh, với tôi một lần, là "Vẽ để mà không vẽ" là đúng hơn cả.
Thế mà Hà Nội - Phố của anh đôi khi lớn, nặng, lâu bền, vượt ra ngoài cuộc đời tác giả. Chúng là giọt máu của cả nền văn hiến Thăng Long mà trong đó anh là một sắc mặt thì đúng hơn. Từ khi có Bùi Xuân Phái, tôi chưa thấy ai vẽ Hà Nội mà không vương vào anh. Con tính hội họa của anh đã đến một mẫu số chung nhỏ nhất rồi.
Làm sao ta biết được một con người, nói chi là nghệ sĩ. Trong nhiều năm được làm bạn với anh, cái may mắn của riêng tôi là đã biết quý mến và chăm chú vào những bâng qươ ngắn ngủi, vào những chi tiết rất nhỏ trong một ngày thường của anh. Tôi tiếc gì những định nghĩa lớn lao mà thật ra tìm đâu cũng thấy. Tôi phải biết ơn anh, những người như anh đã thức tỉnh ở tôi một thức tỉnh dai dẳng, nhẹ nhàng khó tả về nghệ thuật, như cái thế giới buồn buồn đậm đặc trong từng nét vẽ của anh.
Bùi Xuân Phái đã vẽ những bức tranh ngon lành, đẹp đẽ tưởng như trực giác hội họa là nằm ngay trong trí tuệ phát minh. Cái bản năng sinh sản cụ thể ở anh đã nằm ngay trong trí tưởng tượng hồn nhiên, một cuộc hôn nhân chỉ có ở những tài năng lớn.
Bức sơn dầu cuối cùng của anh vẽ một ngày tháng tư năm 1988 đang treo ở bàn thờ anh, là Ngõ Huyện. Ta thấy ngay căn nhà lặng lẽ là nóc Nhà thờ Hà Nội. Hai bức tranh cuối cùng anh cho tôi, giữa tháng sáu năm 1998, là hai cái khoả thân bé bỏng trong lòng bàn tay, một vẽ trên vỏ thuốc lá Gauloises của Pháp và một trên vỏ Gallant của Ấn Độ.
Nhìn vào đời người, hình như có những năm tháng là bó buộc quá cho sự vẽ của Bùi Xuân Phái. Nhưng nhìn vào tác phẩm, Phái là hoàn toàn tự do trong cử chỉ sáng tạo. Anh đã vẽ nhiều bức tranh ngay trước mắt tôi, lơ đãng, hồn nhiên như đứa trẻ nghịch cát. Những khi đó, tôi cứ nghĩ tác phẩm kia nó tự xuất phát trong anh chứ không có can thiệp của một sự đẻ ra nào bởi anh cả. Nghĩ về một tác phẩm ra đời, cũng như đứa con, tôi còn thấy sự có thể ở lại là nằm trong một trái ngược. Là niềm vui hay nỗi khổ. Nó bay đi như tự do hay nó đọng lại như định mệnh cũng là.
Người nghệ sĩ nào cũng chỉ như chiếc sợi phiêu bồng, cố luồn cho lọt vào tấm vải nghệ thuật chung đã chật cứng dọc ngang. Cái nhu cầu phải vào được giữa hài hoà và trật tự chung đó lại chưa dẫn ai thẳng tới kết quả bao giờ. Bởi các ngõ lối đều như ma chơi, khi ẩn, khi hiện, khi chặn đứng mọi nẻo ra vào. Thế cho nên, người có nhân cách tử tế và chân thành (như con nít) và giờ cũng có cái mặc cảm lầm đường hay tha hoá.
Mảnh nhật ký của Bùi Xuân Phái có ghi một câu của nhà điêu khắc hiện đại, Brancusi, bằng tiếng Pháp: "Quand nous ne sommes plus enfrants, nous sommes dèjà morts" (Khi chúng ta không còn là trẻ con nữa, thì chúng ta đã chết rồi). Lại ở một mảnh khác có hình, anh vẽ chân dung họa sĩ Cézanne và ghi một câu của ông này, cũng bằng tiếng Pháp: "Le monde ne me comprend pas. Et moi, Je ne comprends pas le móne. C'est pourquoi je me suis retiré" (Đời không hiểu ta và ta không hiểu đời. Vậy cho nên, ta xin thu mình lại).
Từng thế kỷ có định mệnh của nó. Tôi nghiệm một điều, nhiều lần thấy trong lịch sử nghệ thuật, là cứ vào cuối thế kỷ, lại xảy ra những cuộc chia tay lớn. Đừng hiểu là buồn, cũng đừng hiểu là vui.
Với nhiều cuộc ra đi khác trong vài năm nay, tôi có cái linh cảm đang đứng trước sự kết thúc của một vòng quay tất yếu.
Hà Nội, tháng 7 năm 1988
Thái Bá Vân
Và chỉ sau khi ông mất
Bùi Xuân Phái (1/9/1920 - 24/6/1988) là một trong những họa sĩ lớn của Việt Nam. Ông người làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, tỉnh Hà Đông. Sinh ra tại Hà Nội và trưởng thành từ trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1946), ông được mọi người biết đến nhiều nhất với các tranh sơn dầu vừa và nhỏ về đề tài phố cổ Hà Nội.
Sự thể hiện bề mặt của tranh ông được so sánh với Marquet và chiều sâu trong các tranh về phố Hà Nội làm người ta nhớ đến Mondrian và Klee. Tuy vậy, tâm hồn và phong cách của ông, như được thấy trong các bức tự họa, lại có dáng dấp của Van Gogh. Nhiều tranh của ông vẽ một người đàn ông với đôi mắt buồn và hoảng hốt, như dấu vết của một quá khứ đằng đẵng trong buồn khổ. Cũng như Van Gogh, ông mất đi trước khi tài năng của mình được công nhận. Ông đã sống một cuộc đời nghèo khổ. Tài năng của ông không được phát hiện bởi xã hội đương thời. Và chỉ sau khi ông mất, các tác phẩm của ông mới được biết đến và đã gây tiếng vang lớn.
VUA PHỐ CỔ
Cả cuộc đời sáng tạo của ông gắn bó với những mái nhà, bức tường rêu phong, đường nhỏ, cây đa, ngõ hẹp... của ba mươi sáu phố phường cổ xưa của Hà Nội
Có người nói vui những phố như họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ thuở nào đã và đang mất đi trong cơ chế thị trường. Và điều đó giúp cho chân dung "Phố Phái" ngày càng trở nên độc đáo và đắt giá hơn bao giờ hết. Có thể nói, cả cuộc đời sáng tạo của ông gắn bó với những mái nhà, bức tường rêu phong, đường nhỏ, cây đa, ngõ hẹp... của ba mươi sáu phố phường cổ xưa của Hà Nội.
Ông vẽ như một nỗi ám ảnh lạ kỳ với những đường phố, xóm ngõ. Những mái ngói nghiêng nghiêng, những bức tường xiêu vẹo, những con đường loang những bóng nước mưa như cất lên những áng thơ thâm trầm sâu nặng của một kiếp người. Màu sắc phố của ông giữ vững vẻ đẹp nồng nàn của thời gian. Hình tượng những ngôi nhà mái ngói dù có bị xô nghiêng đi trong bố cục nhưng lại đầy sự sống. ẩn chứa trong cái quãng nâu trầm không một bóng người ấy là cả một tâm hồn đầy rung cảm làm lay động trái tim người. Ngỡ rằng trong cái mảng màu đặc quánh ấy, ở đâu đó trong ngõ vắng, có tiếng người thì thầm và những nụ cười hồn hậu đang âm vang. Người xem có cảm nhận phố của Phái buồn, cô quạnh và lạnh lẽo...Có phải đó là tâm trạng u hoài của một đời người về mảnh đất cố đô xưa đang tàn lụi? Đâu chỉ có vậy, càng về cuối đời, những sáng tác của ông tràn trề ánh sáng và những bảng màu giàu tâm cảm lạc quan hơn đã bừng lên ở sắc tươi và những nét viền càng ngày càng thanh thoát hơn, đã bớt đen trong chấm phá. Các tác phẩm Ô Quan Chưởng, Ven chợ Ngô Sĩ Liên, Trong phân xưởng nhuộm Sông Đà, Trước giờ biểu diễn... đã xôn xao tiếng lòng. ở những tác phẩm đó, người xem hình dung ra đôi mắt ông đã bớt u hoài và một đời sống và con người mới đã ùa vào tâm hồn như một nhu cầu đổi mới trong sáng tạo. Trục vận động cảm xúc của ông ngày càng lung linh sự sống vận động theo thời gian và sự đổi thay mới lạ trong mỹ cảm.Chả vậy mà sau này, ông đụng chạm cả tới những cô đào, anh kép, những làng quê với đống rơm, con bò cùng những cô gái thôn quê. Cũng vẫn với phong cách tạo hình đầy tâm trạng, tranh của ông luôn luôn thể hiện một sắc thái độc đáo gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem qua những bảng màu và đường nét với một tiềm thức xô lệch đột ngột về cảm xúc.
Trong phố của ông có ngôn ngữ riêng của mình. Những phố cổ đầy biểu cảm và có những giai điệu đẹp thầm kín. Ông là một họa sĩ đồng thời ông cũng là một nghệ sĩ đầy lãng mạn về cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 1941 - 1946, họa sĩ Bùi Xuân Phái trở nên một hiện tượng và gây dấu ấn về tài năng như một phong cách, một trường phái. Nhiều họa sĩ trẻ sáng tác theo tư duy nghệ thuật của ông. Đặc biệt, lớp đồng nghiệp đều coi ông là một tấm gương sáng về sự cần cù nhẫn nại và mê say sáng tạo trong lao động nghệ thuật.
Ông mất năm 1988, thọ sáu mươi tám tuổi và là một diện mạo tiêu biểu cho nền hội họa Việt Nam hiện đại. Ông đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật./.
BXP-Utrillo Của Hà Nội
Đi giữa Hà Nội, người ta có thể chỉ tay vào một góc phố nhỏ nào đấy, nhà cửa dồn nép vào nhau, lặng lẽ dưới một đường viền chậm chạp, gập ghềnh của mái rồi bâng qươ đâu đó một bóng người qua đường, hay một chiếc xích lô đợi khách dưới những ô cửa tối sầm, mà bảo rằng: "Trông Bùi Xuân Phái quá!" Cũng như người ta có thể ngắm nhìn ở những nẻo đường Montmartre hay ở ngoại ô Paris một vạt tường già nua bóc vẩy, một giáo đường vắng lặng với vài cây cổ thụ không lá, cô đơn, mà bảo: "Kia là một Utrillo!"
Cả hai, đều là họa sĩ chân dung cái thành phố mà họ đã sống, đã yêu, đã cô đơn trong hy vọng, vào những thời gian và không gian khác nhau. Thành phố của họ vừa cổ kính, vừa dân dã. Cả hai đều có cái ngây thơ can đảm là lắp đi lắp lại trăm ngàn lần xúc cảm hội họa của mình trên cùng một mô típ đứng yên. Và cứ thế, họ vẽ cho tới khi tắt thở.
Tranh của Bùi Xuân Phái có sức mạnh im lặng kỳ lạ. Im lặng đến nín thở, vô tội, của những phố ngõ bình thường Hà Nội vốn đã đẫm phong trần. Chúng là tiếng nói của một tâm hồn độc thoại, được thốt lên bằng cử chỉ hội họa thống thiết, mê cuồng, ở một đời nghệ sĩ. Mà trong đó còn giữ cả một cái gì tươi mát, trẻ thơ.
Tôi đã bỏ lỡ dịp hỏi Bùi Xuân Phái xem ông yêu mến Utrillo đến mức nào. Nhưng tôi biết, có một tình cờ lịch sử, là thời điểm Utrillo qua đời (1955), cũng chính là khi Bùi Xuân Phái đã đổ dồn mọi thương cảm mê man vào phố cổ Hà Nội, mở đầu thời kỳ đẹp nhất của hội họa và cá tính ông. Một gặp gỡ xa xôi nào ở miền vô thức của nghệ thuật chăng?
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Lịch sử mỹ thuật sẽ ghi có một "thời kỳ xám" của Bùi Xuân Phái.Cũng như đã ghi có một "thời kỳ trắng" của Utrillo.
Mầu xám này của đá.
Cái thời kỳ mà những mảnh báo cũ, những tờ bìa, miếng toile nhỏ như bàn tay, đã uống no mầu xám, lắng chìm trong tiếng dội của đáy tâm tư. Đó là thời kỳ Hà Nội Hà Nội nhất, mà Bùi Xuân Phái cũng là Bùi Xuân Phái nhất.
Hà Nội có một cuộc đời máu thịt, không nhất thiết phải phô trương, xa xỉ. Cũng như "thời kỳ xám" của Bùi Xuân Phái, có cuộc đời âm thầm của nó, không cần hớn hở, đua chen.
Ở đây, Hà Nội khuất sau những phố nhỏ, đền chùa, Văn Miếu, và những cây đại thụ lầm lì tuổi tác. Hà Nội như một tấm bia đá bạc phơ, dãi dầu cái đẹp nặng chìm của thời gian, thế sự.
Vào những năm cuối đời, hội họa của ông có nhẹ nhàng, linh hoạt và tươi tắn hơn.
Tôi chưa thấy một ai yêu Hà Nội mà không muốn có bên mình, hoặc mang theo mình, một Bùi Xuân Phái.
Thai Ba Van
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Chim Cụt - vuthungoc - Tiểu Bảo Bình
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)