Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XIV - Chương 314 - 328
314. Quan giữ kho[1]
[1] Khố quan.
Ông Trương Hoa Đông ở huyện Trâu Bình (tỉnh Sơn Đông) phụng chỉ ra tế Nam Nhạc, đi theo đường Giang Hoài. Định nghỉ lại ở dịch trạm, đội tiền khu mở đường bẩm rằng trong trạm có chuyện quái dị, ngủ lại thế nào cũng có chuyện rắc rối. Trương không nghe cứ nghỉ lại, nửa đêm đang đội mũ đeo kiếm ngồi, chợt nghe có tiếng giày bước vào. Nhìn ra thì là một ông già tóc bạc, mũ đen đai đen, lấy làm lạ hỏi. Ông già dập đầu nói: “Ta là quan giữ kho, giám thủ kho tàng của đại nhân đã lâu rồi, may gặp ấn kiếm quang lâm, hạ quan xin được thôi giữ trách nhiệm nặng nề này.” Trương hỏi trong kho còn bao nhiêu, ông già nói còn hai mươi ba ngàn năm trăm lượng vàng. Trương nghĩ vàng nhiều dễ thiếu, hẹn lúc trở về sẽ kiểm lại, ông già vâng dạ lui ra.
Trương tới Nam Trung, được biếu xén rất hậu, đến khi trở về nghỉ lại ở dịch trạm. Ông già lại tới yết kiến, Trương hỏi về tiền bạc trong kho, ông ta đáp: “Đã điều hết qua Liêu Đông lo việc binh lương rồi.” Trương thấy lời nói trước sau trái ngược rất ngạc nhiên, ông già nói: “Lộc mệnh của đời người đều đã có số nhất định, thêm bớt một chút cũng không được. Đại nhân đi chuyến này muốn có bao nhiêu đã được bấy nhiêu, còn muốn gì nữa?” nói xong ra đi. Trương kiểm lại số tiền được biếu xén, so với số trong kho ông già nói lần trước thì vừa đúng khớp mới than thở miếng cơm hớp nước cũng là tiền định, không thể mong cầu quá phận được.
315. Chàng rể họ Kim[1]
[1] Kim cô phu.
Ở Cối Kê (huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang) có đền thờ Mai Cô. Thần vốn họ Mã, gia đình cư ngụ ở Đông Uyển, chưa làm đám cưới thì chồng đã chết, bèn thề ở vậy không lấy chồng, đến ba mươi tuổi thì chết. Người trong họ lập đền thờ, gọi là Mai Cô. Năm Bính thân có Kim sinh ở huyện Thượng Ngu (tỉnh Chiết Giang) đi thi ghé lại, vào miếu rồi ngẩn ngơ, ra về cứ tơ tưởng. Đến đêm, nằm mơ thấy một người tỳ nữ tới, truyền lệnh Mai Cô gọi. Sinh đi theo, vào tới miếu thấy Mai Cô đứng chờ dưới thềm cười nói: “Được chàng có lòng đoái tưởng, tình rất quyến luyến nên không hiềm thô vụng, xin được nâng khăn sửa túi, Sinh líu ríu vâng dạ, Mai Cô đưa ra cửa, nói: “Chàng cứ về, khi nào sắp đặt nhà cửa xong, sẽ xin tới đón,” sinh tỉnh dậy sợ lắm.
Đêm ấy người trong vùng nằm mơ thấy Mai Cô nói: “Kim sinh ở Thượng Ngu nay là chồng ta, phải đắp tượng chàng.” Đến sáng, người trong thôn kể lại thì đều nằm mơ thấy thế, người tộc trưởng sợ nhơ bẩn danh tiếng trinh tiết, nên không chịu nghe theo. Không bao lâu thì cả nhà mắc bệnh, sợ hãi vội đắp tượng Kim sinh đặt bên trái tượng Mai Cô. Khi đã làm xong, Kim sinh nói với vợ con rằng: “Mai Cô đón ta rồi!” Rồi mặc áo đội mũ mà chết. Vợ sinh đau xót căm hận, tới miếu chỉ vào tượng Mai Cô chửi mắng, lại lên điện thờ vả vào mặt tượng bốn cái rồi bỏ đi. Đến nay họ Mã gọi sinh là chàng rể họ Kim.
Dị Sử thị nói: Không lấy chồng mà thủ tiết, không thể nói là bất trinh được. Nhưng làm ma mấy trăm năm rồi, lại thay đổi tiết tháo, sao mà vô sỉ thế. Đại khái là những hồn trinh phách liệt chưa chắc đã cần phải dựa vào tượng đất, cho nên miếu mạo kia có linh thiêng làm người ta sợ hãi cũng chỉ như loại hồ quỷ mà thôi.
316. Sâu rượu[1]
[1] Tửu trùng.
Họ Lưu ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông), thân thể to béo, tính hay rượu, thường một mình uống sạch một vò. Có ba trăm mẫu ruộng ở cạnh huyện thành, cứ một nửa là trồng lúa nếp, nhưng nhà vẫn giàu có, không vì uống rượu mà sa sút. Có nhà sư Tây Vực gặp Lưu, nói là trong người có tật lạ, Lưu đáp là không. Nhà sư nói: “Có phải ông uống rượu thường không say phải không?” Lưu đáp: “Đúng thế.” Nhà sư nói: “Đó là vì có con sâu rượu.” Lưu ngạc nhiên xin nhà sư chữa cho. Nhà sư đáp: “Dễ thôi.” Hỏi phải dùng thuốc gì, nhà sư đáp không cần, chỉ bảo Lưu nằm sấp trên giường, trói cả chân tay lại. Rồi đặt một chậu rượu cách đầu Lưu một thước, giây lát Lưu thấy thèm rượu lắm, mùi rượu thơm ngát lại xông lên mũi, cổ khô như lửa đốt nhưng không làm sao uống được. Chợt thấy trong cổ họng ngứa ngáy, ọe ra một con vật rơi đúng vào chậu rượu. Nhà sư cởi dây trói cho Lưu tới xem, thấy con vật như cục thịt đỏ dài ba tấc, ngo ngoe như cá, có đủ cả mắt miệng. Lư hoảng sợ đem tiền ra tạ ơn, nhà sư không nhận, chỉ xin con sâu ấy mà thôi. Lưu hỏi dùng làm gì, nhà sư đáp: “Đây là tinh hoa của rượu, đổ nước vào vò cho con sâu vào thì sẽ lập tức trở thành rượu ngon.” Lưu bảo làm thử thì đúng như thế. Từ đó Lưu rất ghét uống rượu, thân thể dần dần gầy bớt, nhà cũng sa sút dần, về sau không đủ cơm áo.
Dị sử thị nói: Một ngày uống một thạch mà vẫn giàu có, không uống một hớp lại thành nghèo khổ, có phải là một miếng cơm một hớp nước đều có số không? Có người nói con sâu rượu ấy là phúc của Lưu, nhà sư lừa lấy để làm trọn vẹn y thuật của mình, không biết đúng hay sai.
317. Con chó có nghĩa[1]
[1] Nghĩa khuyển.
Mỗ Giáp ở huyện Lộ An (tỉnh Sơn Tây) có cha bị giam giữ trong ngục sắp chết, bèn vét hết rương hòm được trăm đồng vàng lên huyện chạy chọt cứu cha. Lên ngựa ra đi có con chó đen trong nhà cứ chạy theo, đánh cũng không chịu về. Cứ thế được vài mươi dặm, Giáp xuống ngựa ghé vào bên đường đi tiểu, nhân đó nhặt đá ném, con chó mới bỏ chạy. Y lên đường đi tiếp thì con chó lại đuổi theo cắn vào đuôi vào chân ngựa, y tức giận lấy roi đánh, con chó tru lên thảm thiết chạy vượt lên trước cản đầu ngựa, như không cho đi. Y cho là điều không hay, tức giận quay ngựa lại đuổi. Nhìn thấy con chó đã đi xa, mới ra roi phóng ngựa thật nhanh. Tới huyện thì trời đã tối, sờ lại thắt lưng thì tiền đã rơi mất một nửa, sợ toát mồ hôi, hồn bay phách lạc. Thao thức cả đêm, chợt nghĩ tới việc con chó cản mình là có nguyên nhân. Trời sáng vội ra thành tìm kỹ trên đường, nhưng cũng biết đường cái lớn chạy suốt nam bắc, người đi như kiến, tiền đánh rơi làm sao còn được. Lần hồi tìm đến nơi xuống ngựa, thấy con chó nằm chết gục trong đám cỏ, mồ hôi ướt đẫm cả lông như tắm, nắm tai kéo lên thì bọc tiền rơi còn nguyên dưới ngực nó. Y cảm vì con chó có nghĩa bèn mua quan tài chôn, người ta nhân gọi chỗ đó là mộ con chó có nghĩa (Nghĩa khuyển trủng).
318. Thần Núi Thái Sơn[1]
[1] Nhạc thần.
Quan Đồng Tri phủ Dương Châu (tỉnh Giang Tô) đêm nằm mơ thấy Nhạc thần triệu tới, sắc mặt lời lẽ rất giận dữ. Ngẩng đầu thấy có một người đứng hầu cạnh thần, thái độ rất ôn hòa, tỉnh dậy sợ lắm. Sáng ra tới làm lễ ở Nhạc miếu, lạy phục xuống khấn khứa. Khi trở về ngang tiệm thuốc thấy một người giống hệt như người đứng cạnh thần trong giấc mơ, hỏi thăm thì là thầy thuốc. Về tới dinh chợt mắc bệnh nặng, bèn sai người đi mời người thầy thuốc ấy tới cắt thuốc, buổi tối uống thì nửa đêm chết.
Có người nói Diêm Vương và vua Đông Nhạc[2] thường sai mười vạn tám ngàn sứ giả nam nữ đi khắp thiên hạ giả làm thầy bói thầy thuốc, gọi là Sứ giả bắt hồn (Câu hồn Sứ giả), cho nên những người uống thuốc không thể không cẩn thận vậy.
[2] Đông Nhạc: tức Thái Sơn. Nhạc thần trong tên truyện này tức thần núi Thái Sơn theo tín ngưỡng Trung Hoa.
319. Thần ưng hổ[1]
[1] Ưng hổ thần.
Miếu Đông Nhạc ở quận nằm ngoài cửa nam thành, hai bên có tượng thần cao hơn một trượng, tục gọi là thần Ưng hổ, dáng vẻ dữ tợn rất đáng sợ. Đạo sĩ trong miếu họ Nhiệm, cứ gà gáy là dậy thắp hương niệm kinh. Có tên trộm núp dưới hành lang, chờ đạo sĩ lên điện đọc kinh, lẻn vào trong phòng lục lọi tìm tiền bạc. Nhưng trong phòng không có gì đáng giá, chỉ có ba trăm đồng dưới đệm giường, y bèn giắt vào lưng, mở cổng bỏ đi. Chạy qua núi Thiên Phật trốn về phía nam, vừa xuống tới dưới núi thì thấy một người đàn ông cao hơn một trượng trên núi đi xuống, vai trái có một con chim ưng đậu, vừa khéo gặp nhau. Tới gần nhìn thì thấy người ấy mặt xanh như đồng sắt, rõ ràng là tượng thần vẫn thấy ở cổng miếu. Y hoảng sợ, lạy phục xuống đất run rẩy. Thần quát: “Tiền ăn trộm được để đâu?” Tên trộm càng sợ, lạy lục không thôi. Thần bắt y trở về miếu, dốc hết tiền ăn trộm ra trả lại rồi quỳ xuống đó. Đạo sĩ đọc kinh xong, trở về phòng nhìn thấy vô cùng ngạc nhiên, tên trộm thuật lại mọi việc, đạo sĩ lấy lại tiền rồi tha cho y đi.
320. Ăn đá[1]
[1] Hột thạch.
Nhà Thái công Vương Khâm Văn ở huyện Tân Thành (tỉnh Sơn Đông) có người mã phu họ Vương lúc nhỏ vào học đạo ở núi Lao Sơn, lâu sau thì không ăn cơm, chỉ ăn quả tùng và đá trắng, lông mọc khắp người. Được mấy năm nghĩ tới mẹ đã già nên trở về làng, dần dần lại ăn những thức nấu nướng, nhưngvẫn ăn đá như cũ. Cứ cầm đá soi lên mặt trời là biết mùi vị ngọt đắng chua mặn thế nào, như là khoai vậy. Khi mẹ chết lại trở vào núi, đến nay đã mười tám năm rồi.
Phụ: Một truyện trong Trì Bắc Ngẫu Đàm
Việc người tiên nấu đá ăn, người đời vẫn truyền. Người đầy tớ Vương Gia Lộc nhà ta lúc trẻ ở trong núi Lao Sơn, ngồi tĩnh tọa mấy năm, không ăn những thức nấu nướng, chỉ lấy đá làm cơm, khát thì uống nước suối, khắp người mọc lông dài hơn tấc. Sau vì có mẹ già nên trở về nhà, dần dần ăn những thức nấu nướng, lông trên người rụng hết. Nhưng vẫn thỉnh thoảng ăn đá thay cơm, cứ cầm viên đá soi lên mặt trời thì biết mùi vị ngọt mặn cay đắng thế nào. Sau mẹ chết, không biết đi đâu.
321. Quỷ trong miếu[1]
[1] Miếu quỷ.
Chư sinh Vương Khải Hậu ở huyện Tân Thành (tỉnh Sơn Đông) là cháu cố của quan Cha chánh Trung Vũ công Vương Tượng Khôn. Một hôm thấy có người đàn bà bước vào phòng, to béo đen đủi chẳng có gì đẹp, cười bước tới gần giường, thái độ rất lả lơi. Vương cự tuyệt cũng không đi. Từ đó cứ nằm ngồi trong phòng đều thấy, nhưng vẫn cương quyết như trước, không hề động tâm. Người đàn bà tức giận tát vào mặt Vương thành tiếng nhưng không đau lắm. Kế lấy dây lưng quàng lên xà nhà, thắt lại thành cái vòng treo cổ, Vương bất giác tự treo mình dưới xà nhà, đưa cổ ra như tự ải. Người nhà nhìn thấy đôi giày dưới chân Vương tự nhiên lơ lửng trên không, tuy không chết nhưng từ đó bị điên, chợt nói: “Ngươi nhảy xuống sông với ta nào!” Rồi chạy thẳng ra sông. Người nhà níu kéo giữ lại mới thôi, cứ hàng trăm chuyện như thế, mỗi ngày vài lần, thuốc men bùa chú đều vô hiệu.
Một hôm, chợt thấy có võ sĩ mang xiềng khóa bước vào nhà giận dữ quát: “Kẻ thành thật chất phác như vậy mà ngươi dám quấy nhiễu à?” Rồi trói người đàn bà lại dẫn đi. Từ cửa trong ra tới ngoài cửa sổ thì người đàn bà biến ra hình dáng khác, mắt sáng như điện chớp, miệng đỏ như chậu máu. Mọi người nhớ lại bốn pho tượng đất ngoài cổng miếu Thành hoàng, thấy giống hệt một trong bốn pho tượng ấy. Từ đó Vương khỏi bệnh.
322. Động đất[1]
[1] Địa chấn.
Ngày mười bảy tháng sáu năm Khang Hy thứ 7 (1668) vào giờ Tuất có động đất lớn. Lúc ấy ta đang ở huyện Tắc Hạ (tỉnh Sơn Đông) vừa mới cùng người anh họ là Lý Đốc Chi thắp đèn uống rượu, chợt nghe có tiếng ầm ầm như sấm sét, từ phía đông nam vang về phía tây bắc. Mọi người cả sợ, không biết việc gì. Giây lát bàn ghế đổ lỏng chỏng, chén bát rơi vỡ, cột kèo mái nhà kêu răng rắc, mọi người thất sắc nhìn nhau. Hồi lâu mới biết là động đất, ai nấy đều vội vàng chạy mau ra ngoài. Thấy lầu gác nhà cửa sụt xuống rồi lại nhô lên, tiếng tường sập ngói đổ cùng tiếng đàn bà trẻ con kêu khóc vang lên ầm ầm huyên náo. Người thì chóng mặt không đứng được, ngồi bệt cả xuống đất, lăn lóc theo mặt đất rung lên. Nước sông dâng lên hơn một trượng, tiếng gà kêu chó sủa ầm ĩ khắp thành. Hơn một giờ sau mới yên ắng trở lại, nhìn ra đường phố thì đàn ông đàn bà trần truồng tụm ba tụm bảy tranh nhau kể lể hỏi han, quên cả là chưa mặc quần áo. Về sau nghe nói chỗ nọ giếng sập không múc nước được, nhà kia bị dời phía trước thành phía sau, núi Thê Hà bị xé toác, đáy sông Nghi Thủy sụt xuống một chỗ rộng mấy mẫu, thật là tai biến phi thường.
323. Tướng công họ Trương[1]
[1] Trương lão tướng công.
Tướng công họ Trương người đất Tấn (vùng Sơn Tây) sắp gả con gái, đưa gia quyến về Giang Nam để mua sắm. Thuyền tới núi Kim Sơn (huyện Trấn Giang tỉnh Giang Tô) thì ông lên bờ, dặn người nhà chờ dưới thuyền, đừng nấu nướng gì. Đại khái dưới sông có con thuồng luồng ăn thịt người, cứ nghe mùi thơm là tới phá thuyền nuốt người, làm hại đã lâu. Ông đi khỏi, người nhà lại quên lời dặn, nướng thịt trong thuyền, chợt có làn sóng lớn lật úp thuyền, vợ con đều chết hết. Trương quay về đau đớn căm hận vô cùng, nhân lên Kim Sơn gặp sư trong chùa trên núi hỏi về con thuồng luồng, định bụng báo thù.
Nhà sư nghe chuyện, hoảng sợ nói: “Ta ở gần đây đã lâu, vẫn sợ nó gây họa nên thờ phụng như thần minh, cầu khấn xin đừng tức giận hại người, thường vẫn giết trâu bò ném xuống sông, vừa chìm được một nửa thì thuồng luồng đã nhảy lên nuốt gọn rồi bỏ đi, ai mà trả thù được nó?” Trương nghe thế chợt nghĩ ra kế, bèn gọi thợ rèn đắp lò ở lưng núi, nung đỏ một khối sắt nặng hơn trăm cân rồi dò xét xem thuồng luồng thường ở đâu, sai hai ba người khỏe mạnh lấy kìm lớn kẹp khối sắt ném xuống sông. Thuồng luồng nhảy lên đớp nuốt mau rồi lặn xuống, trong chớp mắt thấy sóng dậy lên như núi, chờ khi sóng lặng thì thấy thuồng luồng chết nổi trên mặt nước. Người qua lại trên sông và sư trên chùa đều mừng rỡ, xây đền thờ tướng công họ Trương, vẽ tượng để thờ, Tôn làm thủy thần, ai vào cầu khấn cũng thấy linh nghiệm.
324. Biến người thành súc vật[1]
[1] Tạo súc.
Việc dùng yêu thuật để làm người ta mê man có nhiều lối, có khi dùng thuốc bỏ vào thức ăn cho người ta mê man đi theo, tục danh là đánh thuốc mê (đả dự ba), Giang Nam gọi là bỏ thuốc (xả dự). Trẻ con không biết gì, nhiều đứa bị hại. Lại có kẻ biến người thành súc vật, gọi là “tạo súc”, thuật ấy ở Giang Bắc ít có, từ Hoàng Hà về nam mới có nhiều. Nhà trọ nọ ở Dương Châu, có người dắt năm con lừa tới, buộc tạm sau chuồng, nói ta đi một lúc nữa sẽ về ngay, lại dặn đừng cho ăn uống gì cả, rồi đi. Lừa bị phơi nắng, giẫm chân hí ran, chủ nhà trọ bèn dắt vào chỗ mát. Lừa thấy nước, chạy ào tới, chủ nhà trọ bèn cho chúng uống, lập tức đều lăn ra đất, hóa thành đàn bà. Lấy làm lạ, hỏi họ vì sao mà biến ra như vậy, đều lưỡi cứng đơ không nói được, bèn đem giấu họ vào trong phòng. Đến khi chủ lừa về, xua năm con dê vào sân, hoảng hốt hỏi lừa ở đâu. Chủ nhà trọ mời ngồi, mang cơm rượu lên, nói khách cứ ăn uống, lừa sẽ có ngay. Rổi ra ngoài, cho năm con dê uống nước, đều nhào lăn ra hóa thành trẻ con. Bèn ngầm báo quan, quan sai lính tới vây bắt người kia, đóng gông đem giết.
325. Tay đao mau lẹ[1]
[1] Khoái đao.
Cuối đời Minh, đất Tề (vùng Sơn Đông) có nhiều trộm cướp, các làng đều đặt hương binh giữ gìn, bắt được cướp là giết ngay. Huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) vốn nhiều trộm cướp, có một người hương binh mang lưỡi đao rất bén, giết gần hết sạch. Một hôm bắt được hơn mười tên, áp giải ra chợ, trong bọn có một tên biết người hương binh, lân la nói: “Nghe nói tay đao của ông rất mau lẹ, chặt đầu người không bao giờ cần tới nhát thứ hai, xin ông giết ta.” Người hương binh nói: “Được, cứ đi sát vào ta, đừng rời xa.” Tới nơi xử chém rút đao vung tay, cái đầu tên cướp rơi xuống liền, lăn ra ngoài mấy bước còn quay lại khen ngợi: “Tay đao mau lẹ thật.”
326. Con hồ ở Phần Châu[1]
[1] Phần Châu hồ.
Quan huyện Phần Châu (tỉnh Sơn Đông) họ Chu, ở một căn nhà có nhiều hồ. Có đêm ông đang ngồi một mình, chợt có cô gái qua lại trước đèn, lúc đầu cho là người trong nhà nên không để ý, tới khi nhìn ra thì là người lạ, nhưng dung mạo rất xinh đẹp. Trong lòng biết là hồ, nhưng thấy đẹp đẽ nên ưa thích, lớn tiếng gọi lại. Cô gái dừng chân cười nói: “Lớn tiếng ra lệnh, ai là tỳ nữ của chàng đấy?” Chu cười đứng lên, mời ngồi tạ lỗi, rồi ngủ với nhau, lâu ngày thương yêu nhau như vợ chồng. Một hôm chợt nói với Chu: “Chàng sắp được thăng chức, sắp phải xa nhau rồi.” Hỏi còn bao lâu, đáp: “Sắp rồi, nhưng người tới mừng ở cửa thì người điếu tang tới cổng, không nhậm chức được.” Ba ngày sau, quả nhiên Chu nhận được lệnh thăng chức, ngay hôm sau lại được tin mẹ mất, bèn xin nghỉ về[2]. Muốn hồ cùng đi, hồ nói là không được, chỉ đưa tới bến sông. Chu lại ép lên thuyền, hồ nói: “Chàng vốn không biết, hồ thì không thể qua sông.” Chu không nỡ chia tay, bịn rịn mãi ở bên sông, cô gái chợt bỏ đi, nói là sẽ tìm một người quen, lát sau quay về, lập tức có người khách tới chào hỏi. Cô gái cùng khách cách mặt chuyện trò, khách về bèn ra, nói: “Mời lên thuyền, thiếp cùng chàng qua sông.” Chu hỏi: “Vừa nói không qua sông được, sao giờ lại nói thế,” hồ đáp: “Người vừa gặp không phải ai khác, chính là Hà bá sông này. Thiếp vì chàng thương mến nên cố xin, ông ta hẹn trong mười ngày phải về, nên có thể đi cùng nhau ít hôm.” Bèn cùng qua sông, đến ngày thứ mười, quả nhiên từ biệt mà đi.
[2] Xin nghỉ về: nguyên văn là “giải nhiệm” (thôi giữ chức). Lệ ngày xưa quan lại có tang cha mẹ phải tạm nghỉ chức về cư tang.
327. Ba chuyện về rồng[1]
[1] Long tam tắc.
I
Ở địa giới Bắc Trực có con rồng rơi vào làng. Vất vả nặng nề bò lê vào nhà người thân hào nọ, lọt được vào cửa, nằm chắn ở đó người trong nhà chạy hết lên lầu kêu la, bắn súng vang trời. Rồng bèn ra ngoài cổng, dừng lại ở cái rãnh nước sâu không quá một thước, xuống đó quẫy lộn, toàn thân dính bùn bê bết, hết sức bay lên, nhưng được một thước lại rơi xuống. Sâu bọ lúc nhúc ba ngày, ruồi nhặng bám đầy trên vẩy, chợt trời mưa lớn, ầm ầm bay thẳng lên không đi mất.
II
Phòng sinh cùng bạn lên Ngưu Sơn (thuộc tỉnh Sơn Đông), vào chùa viếng cảnh, chợt thấy trên giá gác chuông có một viên ngói vàng rơi xuống, trên có con rắn nhỏ, bé tí như con giun đất bò quanh một vòng đã to bằng chiếc dây lưng. Mọi người đều hoảng sợ, biết đó là rồng, vội chạy xuống núi. Vừa tới lưng núi, nghe trong chùa vang lên một tiếng sét nổ chấn động cả sơn cốc, trên trời xuất hiện một đám mây đen như cái lọng, trong có một con rồng lớn đang uốn lượn, giây lát thì mất hút.
III
Trang trại tiểu tướng công ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) có người đàn bà đi ngoài đồng, gặp cơn gió lớn tạt bụi đầy mặt, thấy một con mắt tối sầm lại, như bị cái vỏ trấu lọt vào, hết dụi tới thổi cũng không hết. Lật mi mắt lên nhìn kỹ, thì tròng mắt không bị gì, nhưng có một sợi chỉ đỏ chạy ngoằn ngoèo trong thịt. Có người nói: “Đó là trập long,” người đàn bà lo sợ chờ chết. Hơn ba tháng sau trời đổ mưa lớn, chợt một tiếng sấm lớn vang lên, rồng vạch mi mắt bay ra, người đàn bà không bị gì.
328. Trên sông[1]
[1] Giang trung.
Vương Thánh Du đi chơi ở Giang Nam, neo thuyền giữa sông. Chập tối đi nằm, thấy trăng sáng vằng vặc không ngủ được, sai đứa tiểu đồng đấm bóp. Chợt nghe thấy nóc thuyền như có tiếng chân trẻ con bước, đạp lên mui thành tiếng, từ cuối thuyền dần dần đi tới cửa khoang thuyền, ngờ là kẻ trộm, vội nhỏm dậy hỏi đứa tiểu đồng thì nó cũng nghe thấy như vậy. Còn đang thì thào hỏi nhau, chợt thấy một người nằm trên nóc thò đầu nhìn vào khoang thuyền. Vương cả kinh tuốt kiếm gọi đám người hầu, cả thuyền đều tỉnh dậy. Vương kể chuyện mình vừa thấy, có người ngờ là hoa mắt nhìn lầm. Chợt có tiếng thanh la nổi vang, mọi người đổ ra nhìn khắp bốn phía đều chẳng thấy một ai, chỉ có trăng sáng sao thưa, sóng sông gờn gợn mà thôi. Mọi người xúm xít ngồi sát nhau trên thuyền, chợt thấy ánh lửa xanh như ngọn đèn lồng xuất hiện trên mặt nước, trôi tới cạnh thuyền thì tắt, lập tức có một người đen thui bật dậy, đứng thẳng trên mặt nước, lấy tay vịn thuyền mà đi. Mọi người vội nói: “Đúng là vật ấy đấy,” toan bắn ra nhưng vừa giương cung lên thì người ấy vội hụp luôn xuống nước, không sao thấy được nữa. Hỏi những người chèo thuyền, họ nói: “Đây là nơi chiến trường ngày xưa, thường có ma quỷ xuất hiện, chẳng có gì lạ.”