Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XV - Chương 376 - 383
376. Hang núi Tra Nha[1]
[1] Tra Nha sơn động.
Núi Tra Nha ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) có cái hang núi như miệng giếng, sâu xuống mấy thước, phía bắc của hang chạy ngầm theo dãy núi. Gặp lúc có mấy người trong thôn bên cạnh nhân tiết Trùng Dương (ngày chín tháng chín âm lịch) đi chơi, uống rượu ở đó rồi bàn nhau xuống xem thử. Ba người đốt đuốc dong dây leo xuống, thấy hang to như cái nhà, đi được vài chặng thì hẹp dần lại, cuối vách hang lại có một cái huyệt sâu ngoằn ngoèo phải bò mới vào được. Soi đuốc vào thấy tối om om mà sâu không biết tới đâu, hai người lo sợ bỏ ra, một người giật lấy đuốc cười hai người kia là nhát rồi chui vào. Qua khỏi chỗ hẹp lại tới một đoạn rộng rãi có thể đứng thẳng, lại đi tiếp. Trên nóc hang thì đá rủ xuống như sắp rơi mà không rơi, hai bên vách dụng thẳng, đá lô nhô như hình chùa miếu, có cả hình chim thú người quỷ. Chim như đang bay, thú như đang chạy, người thì kẻ đứng kẻ ngồi, quỷ thì đủ dạng như đang tức giận, trông rất kỳ quái xấu xí, y rùng mình sợ hãi.
Qua khỏi một đoạn bằng phẳng, đi thêm vài trăm bước, thấy vách phía tây mở ra một cái thạch thất. Bên trái có một khối đá mặt quỷ hình người đứng trợn mắt ngoác miệng, răng nanh lởm chởm trông rất dữ tợn, tay trái nắm thành quyền đặt ở hông, tay phải vươn năm ngón ra như bắt người. Y vô cùng hoảng sợ, lông tóc dựng đứng cả lên. Nhìn thấy trong cửa có đống tro, như có người từng tới đây, thấy yên tâm trở lại. Bèn bước thẳng vào trong, lại nhìn thấy trên mặt đất có chén bát, trong đầy bụi bặm nhưng đều là những thứ gốm sứ gần đây chứ không phải là đồ cổ. Cạnh đó có bốn cái bầu rượu bằng thiếc, y nảy lòng tham, bèn cởi dây lưng ra buộc đeo lên hông. Kế lại thấy có một cái xác nằm ở góc phía tây, tay chân dang rộng, sợ lắm, nhưng dần dần tới gần nhìn kỹ, thấy chân mang hài nhỏ, vẫn còn vết chỉ thêu hoa mai, biết đó là một thiếu phụ. Không rõ là người ở đâu, chết năm nào, quần áo đã mủn ra không nhận ra màu gì, mớ tóc xõa tung như tơ rối đắp lên đầu lâu. Chỗ mắt và mũi chỉ còn bốn cái hốc, hai hàm răng vẫn còn, trắng phau phau, y biết đó là miệng. Lại nghĩ có thể trên đầu còn vật trang sức bằng vàng ngọc, bèn soi ngọn đuốc tới gần đầu lâu, thì như có hơi trong miệng thổi vào ngọn đuốc, ánh lửa cứ như chập chờn lay động, manh vải áo cũng lay lay. Y cả kinh run tay, ngọn đuốc tắt phụt, nhưng còn nhớ đường vội chạy mau trở ra. Không dám sờ lên vách, sợ đụng vào khối đá hình con quỷ nên húc đầu vào đá ngã lăn ra, vội chồm ngay dậy, thấy trên đầu ươn ướt lành lạnh, biết là máu nhưng không thấy đau, cũng không dám kêu. Ra tới chỗ đáy huyệt, vừa nằm xuống để bò ra thì chợt thấy như có người nắm chặt lấy tóc, y sợ quá ngất đi luôn.
Mọi người bên ngoài chờ lâu quá, lấy làm ngờ vực, lại dòng dây thả hai người xuống. Họ khom người chui vào, thấy y nằm sấp trên mặt đá, máu me bê bết, thân thể cứng đờ. Hai người mất vía không dám tới gần, ngồi đó run rẩy. Lát sau bên trên lại dòng dây thả thêm hai người nữa xuống, trong đó có kẻ gan dạ, mới dám chui hẳn vào kéo y ra đưa lên, nửa ngày mới tỉnh lại, kể rõ mọi việc. Đáng tiếc là y chưa đi tới chỗ tận cùng, nếu đi tới ắt là thấy được nhiều cảnh đẹp chuyện lạ. Sau quan huyện Chương Khâu nghe được chuyện, sai lấy đất đá lấp kín chỗ miệng huyệt, không ai vào được nữa.
Khoảng năm Khang Hy thứ 26, 27 (1677-1678) phía nam động Dương Mẫu bị lở sụt xuống, để lộ ra một cửa hang, nhìn vào thì thấy thạch nhũ san sát như rừng tre, không ai dám vào xem. Chợt có người đạo sĩ tới tự xưng là đệ tử của Chung Ly Quyền[2] nói rằng thầy sai tới trước để dọn dẹp động phủ. Người ở đó đưa cho đèn đuốc, đạo sĩ nhận lấy leo xuống, rơi lên đám thạch nhũ lởm chởm, bị đá đâm xuyên qua bụng mà chết. Báo lên quan, qua cho lấp kín cửa hang. Bên trong ắt có cảnh lạ, tiếc là đạo sĩ đã siêu thăng, không ai biết mà kể lại.
[2] Chung Ly Quyền: người thời Đường, là một trong Bát tiên (tám vị tiên) theo truyền thuyết Trung Quốc, được giới đạo sĩ tu tiên luyện đạo trước kia thờ phụng như sư tổ.
377. Con chó có nghĩa[1]
Thôn Chu có người lái buôn đi buôn bán tới huyện Vu Hồ (tỉnh An Huy), được món lãi lớn, thuê thuyền trở về. Ngang trên đê thấy có người đồ tể trói con chó toan giết, y trả tiền gấp đôi mua lấy, nuôi ở trong thuyền. Chủ thuyền vốn là dân trộm cướp, thấy khách có nhiều tiền, bèn ghé vào bãi lau sậy vắng vẻ, rút đao định giết chết. Y khẩn cầu xin được chết toàn thây, tên cướp bèn lấy chăn bó y lại ném xuống sông. Con chó nhìn thấy, tru lên thảm thiết rồi nhảy theo xuống cắn chặt lấy bó chăn, theo dòng nước trôi mãi không biết bao xa mới dạt lên bờ. Con chó ướt lướt thướt ngoi lên, chạy tới chỗ có người sủa oăng oẳng đau đớn có người lấy làm lạ đi theo nó, thấy bó chăn nổi dập dềnh giữa nước bèn kéo lên, cắt dây buộc. Người khách buôn vốn chưa chết mới kể lại mọi chuyện. Lại năn nỉ một người chủ thuyền ở đó đưa trở lại Vu Hồ, định chờ thuyền tên cướp trở lại. Nhưng thuyền đi thì con chó lạc đâu mất, y rất thương tiếc. Tới chỗ của sông Vu Hồ chờ ba bốn ngày, thấy thuyền bè san sát như rừng mà không thấy thuyền tên cướp đâu.
Vừa gặp người lái buôn cùng quê, đang định theo về, chợt con chó lần tới, nhìn y thở khìn khịt như gọi cùng đi, y bèn theo nó. Con chó chạy mau lên một chiếc thuyền, nhảy chồm cắn vào đùi người chủ, đánh bao nhiêu nó cũng không nhả ra. Người lái buôn tới gần quát nó nhả ra, thì ra đó là tên cướp trước đây, vì y đã thay đổi cả quần áo, sơn sửa lại thuyền nên không tìm ra được. Mọi người trói y lại rồi khám thuyền, thì tiền bạc của y vẫn còn nguyên. Than ôi, một con chó mà còn báo ơn tới như thế, những kẻ không có tâm can trên đời cũng nên xấu hổ với nó mới phải!
378. Dương Đại Hồng
Tiên sinh Dương Liên tự Đại Hồng[1] lúc còn hàn vi là bậc danh nho ở đất Sở (vùng Hồ Nam), tự cho rằng mình không phải là hạng tầm thường. Sau kỳ thi hương, nghe có người báo danh sách thi đỗ, lúc ấy ông đang ăn cơm, vội ngậm miếng cơm hỏi có tên Dương mỗ không? Người kia đáp không có, ông bất giác thất chí nghẹn cổ ho sặc lên, miếng cơm trong miệng rơi xuống dính luôn ở ức, dần vón cục thành bệnh, vướng víu rất khó chịu. Những người quen biết an ủi khuyên ông dự thi khoa Di tài[2] ông lo không có tiền đi đường, họ góp được mười đồng vàng tặng tiễn, ông bèn miễn cưỡng lên đường.
[1] Dương Liên tự Đại Hồng: bản Hương Cảng chú nhân vật này có tên tự là Văn Nhụ, lại tự Đại Hồng, người ứng Sơn Hồ Bắc, thi đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi niên hiệu Vạn Lịch thời Minh, trong niên hiệu Thiên Khải làm quan tới chức Ngự sử, dâng sớ tham hặc hai mươi bốn tội của quyền thần Ngụy Trung Hiền, bị bè đảng của Ngụy giả chiếu chỉ bắt giam, bị hại chết trong ngục.
[2] Khoa Di tài: khoa thi chọn người có tài bị bỏ sót, là hình thức khoa cử đặc biệt tổ chức sau kỳ thi hương thông thường để chiếu cố cho những người có tài mà không may thi rớt. Ở Việt Nam trước đây không thấy có các khoa thi loại này.
Đêm ở nhà trọ nằm mơ thấy một người nói: “Đường phía trước có người chữa được bệnh của ông, nên cố khẩn cầu,” rồi ra đi, lúc chia tay tặng một bài thơ trong có câu “Ba phen giỡn sáo bên bờ liễu, Tiền ném vào sông chớ oán hờn”. Hôm sau ông lên đường đi tiếp, quả gặp một đạo sĩ ngồi dưới gốc liễu, liền tới lạy xin cứu giúp đạo sĩ cười nói: “Anh lầm to rồi! Ta làm sao chữa bệnh được? Xin ta đùa ba lần thì còn được.” Rồi rút sáo ra thổi, ông nhớ lại giấc mơ, càng ra sức năn nỉ, lại dốc hết tiền trong túi dâng lên. Đạo sĩ cầm tiền ném luôn xuống sông. Ông vẫn cho rằng không dễ có được số tiền ấy, nín bặt vừa sợ vừa tiếc, đạo sĩ nói: “Ông còn chưa dứt ra được à? Tiển ở bờ sông kia, xin cứ ra mà nhặt.” Ông quay lại nhìn quả đúng, càng lấy làm lạ, gọi đạo sĩ là thần tiên. Đạo sĩ chỉ ra xa nói! Ta không phải là thần tiên, chỗ kia mới là thần tiên tới kìa!” rồi nhân lúc ông quay nhìn, đập cho một cái rất mạnh vào gáy rồi nói: “Trần tục quá!” Ông bị đập mạnh, ho sặc lên một tiếng, ọe ra một vật, rơi xuống đất như một cục gì đó, cúi xuống vạch ra nhìn, thì thấy giữa mớ chỉ máu là miếng cơm ngày trước vẫn còn nguyên, hết luôn cả bệnh. Quay lên nhìn thì đạo sĩ đã biến mất.
Dị Sử thị nói: Ông sống làm sông núi, chết làm trăng sao, cần gì phải trường sinh mới là bất tử! Có người cho rằng ông vẫn là người trần, không phải là thần tiên, nên tiếc rẻ cho ông. Ta thì nói rằng trên trời có thêm một bậc thần tiên chẳng bằng dưới đời thêm được một bậc thánh hiền, người hiểu điều ấy ắt sẽ không cho là ta thiên lệch vậy.
379. Trương cống sĩ[1]
[1] Cống sĩ họ Trương.
Cống sĩ họ Trương người huyện An Khâu (tỉnh Sơn Đông) bị bệnh, nằm ở giường chợt thấy có một người nhỏ bé từ ngực chui ra, cao khoảng nửa thước, đội mũ mặc áo nhà nho, dáng vẻ như con hát. Hát khúc Côn Sơn, âm thanh trong trẻo, lại nói rõ tên họ quê quán, đều giống hệt với mình. Những khúc người ấy hát đều là bình sinh Trương đã nghe, hát xong ngâm thơ rồi biến mất. Trương còn nhớ được đại khái, kể lại cho người ta nghe. Các ông Cao Tây Viên, Trương Tự Viên đều từng hỏi rõ, Trương kể lại rất rõ ràng, tiếc là không nhớ hết lời ca.
Phụ: Một truyện trong Trì Bắc Ngẫu Đàm
Minh kinh Trương Mỗ người huyện An Khâu đang ngủ trưa, chợt thấy một người nhỏ bé từ ngục chui ra, cao khoảng nửa thước, đội mũ mặc áo nhà nho, dáng như con hát. Hát khúc Côn Sơn khúc điệu rất dễ nghe, lại tự nói tên họ quê quán, đều giống hệt với Trương. Những khúc người ấy hát đều là bình sinh Trương đã nghe qua, hát xong ngâm thơ rồi biến mất. Trương còn nhớ được đại khái, kể lại cho người ta nghe.
380. Tiên ăn mày[1]
[1] Cái tiên.
Cao Ngọc Thành là con nhà thế gia cũ, ở một làng lớn trong huyện Kim Thành (tỉnh Cam Túc), giỏi châm cứu, chữa bệnh không phân biệt kẻ giàu người nghèo. Trong làng có một người ăn mày từ nơi khác tới, ống chân lở loét nằm ngoài đường, máu mủ bê bết, hôi tanh không thể tới gần. Dân làng sợ y chết, mỗi ngày cho ăn một bữa cầm hơi. Cao thấy thế thương xót, sai người dìu về, cho ở chái bếp. Gia nhân chê hôi tanh chỉ bịt mũi đứng xa xa, Cao đem ngải ra, đích thân chữa cho, hàng ngày cho ăn cơm rau. Được vài hôm y đòi ăn canh, tên đầy tớ tức giận quát mắng, Cao nghe thế lập tức sai cho y ăn canh. Chẳng bao lâu, y lại xin rượu thịt. Tên đầy tớ chạy lên báo: “Thằng ăn xin kia thật buồn cười, mới đây còn nằm ngoài đường, chỉ mong mỗi ngày một bữa còn không được, nay thì ngày ba bữa còn chê khó nuốt, cho ăn canh lại đòi rượu thịt. Thứ người tham ăn này chỉ đem bỏ ra ngoài đường là phải!” Cao hỏi chân y ra sao, đáp: “Đã tróc vảy dần dần, xem ra đi đứng được rồi, nhưng vẫn giả rên rỉ làm như đau đỡn lắm.” Cao nói: “Thì có tốn kém bao nhiêu đâu? Cứ cho y rượu thịt đến ngày lành hẳn đi, có khi y không oán giận ta.” Tên đầy tớ giả vâng dạ nhưng rốt lại vẫn không đem rượu thịt cho người ăn mày, mà cứ có dịp kháo chuyện với đám tôi tớ lại cùng nhau cười ông chủ khờ dại.
Hôm sau Cao đích thân xuống thăm người ăn mày. Y khập khiễng đứng lên cảm ơn, nói: “Đội ơn nghĩa cao dày của ông, cứu sống người đã chết, đắp thịt lên xương khô, công ơn như trời che đất chở. Nhưng chỗ lở mới lành, chưa lại sức hẳn nên thèm ăn mặn thôi.” Cao nghe biết tên đầy tớ không tuân lệnh hôm trước, gọi ra đánh cho một trận nên thân rồi lập tức sai dọn rượu thịt cho người ăn mày. Tên đầy tớ căm hận, nửa đêm phóng lửa đốt chái bếp rồi la ầm lên. Cao thức dậy xem, thì chái bếp đã cháy rừng rực, than rằng: “Thôi rồi anh ăn mày!” Rồi đốc thúc mọi người mau mau dập lửa, vào nhìn thì người ăn mày vẫn ngủ say giữa đám lửa, ngáy vang như sấm. Gọi dậy thì y làm ra vẻ kinh ngạc hỏi: “Nhà cửa đâu rồi?” Mọi người mới bắt đầu hoảng sợ. Cao càng kính trọng, cho y lên ngủ trong phòng khách, may cho quần áo mới, hàng ngày trò chuyện. Hỏi họ tên, y nói là Trần Cửu.
Được vài hôm, mặt mày y càng thêm sáng sủa, ăn nói rất phong nhã, lại giỏi đánh cờ, lần nào đánh Cao cũng thua, bèn ngày ngày xin theo học, lĩnh hội được nhiều chỗ hay lạ sâu kín. Như thế nửa năm, người ăn mày không nói xin đi, mà Cao thì vắng y một giờ cũng mất vui, dẫu có khách quý cũng phải có y cùng ngồi uống rượu. Có khi gieo xúc xắc làm tửu lệnh, cứ Trần đánh giùm Cao thì lần nào cũng thắng. Cao lấy làm lạ, nhưng mỗi lần bảo làm phép cho vui thì y đều chối từ, nói là không biết. Một hôm nói với Cao: “Ta định cáo biệt, lâu nay chịu ơn ông đã nhiều, có bữa tiệc mọn muốn mời, xin ông đừng gọi thêm ai khác.” Cao nói: “Quen biết nhau rất vui, sao lại chia tay? Vả lại ông làm sao có tiền mua rượu, nên cũng không dám phiền ông mời tiệc.” Trần cố mời, nói: “Một chén rượu thì có gì là tốn kém.” Cao hỏi: “Uống ở đâu?” Đáp trong vườn. Bấy giờ đang giữa mùa đông, Cao ngại ngoài vườn lạnh lẽo, Trần quả quyết là không sao.
Cao bèn theo vào vườn, chợt thấy không khí ấm áp như vào đầu tháng ba, vào tới trong đình lại càng ấm. Trong vườn chim lạ hàng đàn, líu lo ríu rít, mường tượng như vào lúc cuối xuân. Trong đình thì bàn ghế đều khảm ngọc lưu ly, có một cái bình pha lê trong suốt có thể soi gương, trong có khóm hoa đong đưa, hoa thì đóa nở đóa rụng không đều. Lại có con chim trắng như tuyết nhảy nhót qua lại bên trên, đưa tay vỗ nhẹ thì chợt biến mất hết. Cao ngạc nhiên hồi lâu, ngồi xuống thấy con két đậu trên giá gọi: “Dọn trà ra!” Trong chớp mắt thấy con phượng đỏ từ phía đông ngậm một cái khay ngọc đỏ đặt hai cái chén pha lê đựng trà thơm bay tới đáp xuống, ngẩng cổ đứng thẳng. Uống xong, đặt chén vào khay, chim phượng liền ngậm lấy, cất cánh bay đi. Con két lại gọi: “Dọn rượu ra!” Lập tức có loan xanh hạc vàng từ trong mặt trời chấp chới bay xuống, con ngậm bầu con ngậm chén bày ra khắp bàn. Giây lát có bầy chim vỗ cánh lui tới không ngớt, tấp nập dâng thức ăn lên, món ngon vật lạ trong chớp mắt đầy cả bàn, đồ ăn thức uống đều là những vật phẩm phi thường.
Trần thấy Cao uống rất hào bèn nói: “Tửu lượng của ông rất cao, phải lấy chén lớn mới được.” Con két lại gọi: “Đem chén lớn ra đây!” chợt thấy vành mặt trời chớp chớp, có con bướm lớn bấu một cái cốc anh vũ to bằng cái đấu nhẹ nhàng đáp xuống. Cao nhìn thấy bướm to hơn con nhạn, hai cánh sặc sỡ, dáng vẻ rực rỡ, khen ngợi hết lời. Trần gọi: “Bướm mời rượu đi?” Con bướm xòe cánh bay một vòng biến thành một giai nhân áo thêu phơ phất, bước tới dâng rượu. Trần nói: “Không được mời rượu suông thôi đâu!” Cô gái bèn thướt tha múa lượn. Múa đến lúc say sưa thì chân cách mặt đất hơn thước, ngửa người ra phía sau, uốn đầu xuống chạm gót chân rồi lật người đứng thẳng lên mà toàn thân không hề vương một hạt bụi. Rồi hát rằng:
“Liên phiên tiếu ngũ đạp phương tùng,
Đê á hoa chi phất diện hồng.
Khúc chiết bất tri kim điền lạc,
Cánh tùy hồ điệp quá ly đông.”
(Nói cười múa hát đạp hoa xuân
Cành dịu hoa tươi quét má hồng
Khúc đứt trâm vàng rơi chẳng biết
Lại theo cánh bướm vượt rào đông.)
Dư âm lả lướt ngân dài như không dứt. Cao rất thích thú, kéo lại cùng uống. Trần sai ngồi, rót rượu cho nàng uống. Cao ngà ngà thấy lòng rạo rục, vụt đứng lên ôm chầm lấy nàng, nhưng nhìn lại thì đã biến thành quỷ Dạ Xoa, mắt lồi khỏi mí, răng nhe ngoài miệng, da đen sần sùi, vô cùng xấu xí ghê tởm. Cao mất vía buông tay, núp xuống dưới ghế run lẩy bẩy. Trần cầm đũa đánh vào miệng nó quát: “Đi mau!” Nó lập tức biến lại thành bướm, phấp phới bay đi. Cao hoàn hồn cáo biệt, thấy ánh trăng trong vắt, nói đùa với Trần: “Rượu ngon nhắm tốt của ông từ trên không đưa xuống, chắc nhà ông trên trời, có thể dắt bạn bè lên chơi một chuyến được không?” Trần đáp: “Được.” Liền kéo tay Cao nhảy vọt lên, Cao thấy mình đang giữa không trung mênh mông, dần dần tới gần trời, ngẩng nhìn thấy cổng cao, tròn như miệng giếng. Bước vào thì sáng vằng vặc như ban ngày, lối đi bậc thềm đều lát đá xanh sạch bóng không một mảy bụi.
Có một gốc cây lớn cao mấy trượng, nở đầy hoa đỏ to bằng hoa sen, dưới có một cô gái đang giặt chiếc áo đỏ trên phiến đá, diễm lệ vô song. Cao đứng ngẩn ra nhìn quên cả bước đi. Cô gái thấy thế tức giận nói: “Chàng cuồng ở đâu lại dám tới đây,” rồi lấy chiếc chày đập áo ném trúng lưng Cao. Trần vội kéo nàng ra chỗ vắng trách móc. Cao bị chiếc chày ném trúng, chợt thấy tỉnh rượu hẳn, thẹn toát mồ hôi, bèn theo Trần trở ra, thấy có đám mây trắng cuộn lên dưới chân. Trần nói: “Từ nay xin giã biệt, duy có một điều muốn dặn, xin ông đừng quên. Tuổi thọ của ông không dài, ngày mai phải đi mau vào núi tây mới có thể tránh được.” Cao định giữ lại, y đã quay đi. Cao thấy đám mây dần dần hạ xuống, mình rơi lại vào vườn thì quang cảnh đã khác hẳn.
Về kể chuyện cho vợ con, thảy cùng lạ lùng hoảng sợ, nhìn lại chỗ áo bị chiếc chày ném trúng thấy có sắc đỏ như gấm, lại nghe có mùi hương lạ. Sáng sớm theo lời Trần dặn, mang lương khô đi vào núi, thấy sương mù dày đặc che khuất cả trời, mịt mờ không nhận ra đường sá gì cả, cứ rảo chân đi bừa, thình lình hụt chân rơi xuống một cái hang mờ mịt mây mù, sâu không biết bao nhiêu, nhưng may không bị gì cả. Hồi lâu định thần, ngẩng nhìn thấy hơi mây như lưới bủa bốn bề, bèn than rằng: “Người tiên bảo ta trốn tránh, nhưng rốt lại vẫn không tránh khỏi kiếp số, biết khi nào mới thoát ra khỏi cái hang này được?” Lại ngồi một lúc, thấy xa xa thấp thoáng có ánh sáng, bèn đứng lên đi sâu vào, thì tới một cõi trời đất khác hẳn. Có hai ông già đang đánh cờ, thấy Cao tới cũng không ngó ngàng hỏi han gì cả, cứ tiếp tục đánh, Cao ngồi xổm xuống bên cạnh xem. Xong ván cờ, họ nhặt quân cờ cất vào hộp xong mới hỏi khách làm sao tới được nơi này? Cao đáp vì lạc đường rơi xuống, ông già nói: “Chốn này chẳng phải nhân gian, không nên ở lâu. Để ta đưa ông về.” Rồi dắt Cao ra chỗ đáy hang, Cao thấy mình được mây mù vây bọc nâng lên rồi dừng lại trên đất bằng. Thấy sắc cây trong núi úa vàng, lá rơi cành rụng giống như cuối thu, ngạc nhiên nói: “Ta ra đi giữa mùa đông, sao bây giờ lại biến ra lúc cuối thu?”
Vội vàng về nhà, vợ con đều kinh sợ họp nhau lại cùng khóc. Cao ngạc nhiên hỏi, vợ đáp: “Chàng đi ba năm không về, ai cũng cho rằng đã chết rồi.” Cao nói: “Lạ thật! Ta vừa ra khỏi nhà một lúc thôi mà.” Giở lương khô trong lưng ra xem thì đã mục nát thành tro bụi, mọi người đều cho là chuyện lạ lùng. Vợ nói: “Chàng đi rồi, ta nằm mơ thấy có hai người áo đen đai sáng, dáng như công sai đi đòi thuế, hung hăng xông vào trợn mắt hỏi: “Y đi đâu rồi?” Ta quát lại: “Chồng ta đi vắng rồi, cho dù các người là quan sai cũng đâu được vào thẳng phòng đàn bà nhà người ta thế này?” Hai người bèn quay ra, vừa đi vừa nói lạ thật lạ thật rồi đi mất! Lúc ấy Cao mới sực hiểu ra rằng người mình đã gặp là tiên, hai người vợ mơ thấy là quỷ. Lần nào tiếp khách Cao cũng mặc chiếc áo có vết cái chày của tiên nữ ném trúng bên trong, mọi người đều nghe mùi thơm, không phải mùi xạ cũng không phải mùi lan, mà có mồ hôi lại càng thơm ngát.
381. Người trong lỗ tai[1]
[1] Nhĩ trung nhân.
Đàm Tấn Nguyên là Chư sinh ở huyện, rất tin thuật đạo dẫn, mùa đông mùa hè đều hít thở luyện tập. Được vài tháng, thấy như có kết quả. Một hôm đang ngồi xếp bằng luyện tập, nghe trong lỗ tai có giọng nói nhỏ như tiếng nhặng kêu: “Có thể thấy rồi!” Mở mắt ra thì không nghe thấy gì nữa. Nhắm mắt điều hòa hơi thở, lại nghe như cũ, cho rằng đã thành tựu, mừng thầm. Từ đó cứ lần nào ngồi tập cũng nghe, nhân muốn chờ lúc giọng nói cất lên, sẽ lên tiếng đáp xem ra sao. Một hôm nghe thấy, ứng tiếng khẽ nói: “Có thể thấy rồi!” Liền nghe trong lỗ tai có tiếng rột rẹt như có con gì chui ra, hé mắt nhìn thì thấy một người nhỏ bé dài chừng ba tấc, mặt mày hung dữ như quỷ Dạ Xoa chạy loăng quăng dưới đất, trong lòng lấy làm lạ, bèn ngưng thần chờ xem sao. Chợt có người hàng xóm hỏi mượn vật dùng, đập cửa kêu lớn, người nhỏ bé nghe thấy có vẻ hoảng hốt, chạy vòng trong phòng như con chuột mất hang. Đàm thấy thần hồn đều tan tác, cũng không biết người nhỏ bé ấy chạy đi đâu, rồi bị bệnh điên, kêu gào không ngớt, thuốc men chạy chữa nửa năm mới hơi đỡ.
382. Cắn quỷ[1]
[1] Giảo quỷ.
Thẩm Lân Sinh nói có người bạn là ông Mỗ mùa hè ngủ trưa, đang lúc thiu thiu thấy một người đàn bà vén rèm bước vào nhà, mặt che vải trắng, áo tang quần gai đi thẳng vào nhà trong, nghĩ là đàn bà hàng xóm qua chơi với vợ. Nhưng lại nghĩ chẳng lẽ lại mặc đồ tang vào nhà người ta à? Còn đang ngờ vực lo sợ, người đàn bà đã trở ra, nhìn kỹ thì khoảng hơn ba mươi tuổi, sắc mặt bủng beo vàng vọt, mắt mũi nhăn nhíu, dáng vẻ rất đáng sợ, cứ quanh quẩn không đi, dần dần tới sát giường. Ông bèn giả như ngủ say để chờ xem ra sao. Không bao lâu, người đàn bà vén áo leo lên giường, nằm đè lên bụng ông ta, thấy nặng hàng trăm cân. Đầu óc ông vẫn sáng suốt, nhưng nhấc tay thì tay mềm nhũn, nhấc chân thì chân rã rời, vội la lớn kêu cứu, nhưng không cất thành tiếng được. Người đàn bà lấy miệng hôn hít lên mặt ông, nhìn thấy trán mũi mắt môi đều vẹo vọ, mà môi lạnh như băng, hơi lạnh thấu xương. Ông đang lúc nguy cấp lại nghĩ được kế, định là chờ thị hôn tới cằm sẽ cắn cho một cái. Lát sau quả thị hôn tới cằm, ông thừa cơ lấy hết sức táp luôn vào gò má, cắn ngập cả răng. Người đàn bà đau quá nhảy xuống, vừa giật vừa gào. Ông ra sức cắn, chỉ biết là máu me đầy mặt, ướt đẫm cả gối, đang còn giằng nhau thì nghe tiếng vợ ngoài sân, vội la là có ma, vừa nới răng ra thì người đàn bà đã biến mất. Vợ ông chạy vào không thấy gì, cười là ông nằm mơ la hoảng. Ông kể lại chuyện quái dị, lại nói có vết máu làm chứng đây. Vợ chồng cùng xem lại, thì thấy như là nước mưa dột ướt đẫm cả gối nệm, cúi ngửi thì tanh hôi vô cùng, ông mới nôn mửa một trận. Mấy hôm sau còn thấy lợm giọng.
383. Bắt hồ[1]
[1] Tróc hồ.
Ông họ Hồ anh con bác người thông gia của ta là Thanh Phục, tính vốn gan dạ. Một hôm đang ngủ trưa thì nghe có con vật leo lên giường, kế thấy người đong đưa lâng lâng như bay lên mây, nghĩ thầm chẳng lẽ là hồ quỷ gì sao? Hé mắt nhìn thì thấy con vật to bằng con mèo, đuôi vàng mũi biếc từ cạnh chân rón rẻn bò lên, như sợ ông tỉnh giấc. Nó cứ bò sát vào người ông, tới chân thì thấy chân nhũn ra, tới đùi thì thấy đùi rã rời, vừa bò lên tới bụng thì ông vùng dậy chụp, đè cổ nó xuống. Con vật kêu gào giãy giụa nhưng không sao thoát được. Ông vội gọi vợ ra, lấy thắt lưng thắt ngang bụng nó, rồi giữ chặt hai đầu dây, cười nói: “Nghe nói ngươi giỏi biến hóa lắm, nay ta chống mắt ra xem ngươi biến hóa cách nào?” Vừa nói xong, con vật chợt thót bụng lại chỉ còn nhỏ như cái quản bút, suýt nữa thoát được. Ông ngạc nhiên vội ra sức kéo dây siết lại, nó lại phình bụng ra như cái tô không sao siết được, lúc mệt lại thót lại. Ông sợ nó thoát, kêu vợ giết mau, vợ tìm quanh quất không biết dao để đâu, ông ngoảnh sang chỉ chỗ. Quay nhìn lại thì chiếc thắt lưng vẫn siết như cũ, mà con vật đã mất tăm rồi.