Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XV - Chương 384 - 391
384. Chém Trăn[1]
[1] Trảm mãng.
Thôn Hồ Điền có hai anh em nọ Hồ đi hái củi, vào trong núi sâu, gặp con trăn lớn. Người anh đi trước bị nó nuốt, người em đi sau lúc đầu hoảng sợ định chạy, nhưng thấy anh bị nuốt lại nổi giận, rút búa chặt củi ra chém vào đầu trăn, con trăn bị thương không nuốt được nữa. Nhưng đầu người anh đã bị nuốt, còn từ vai trở xuống vẫn còn ở ngoài. Người em lúc gấp rút không còn cách nào, bèn nắm chặt hai chân anh, hết sức giành giật với con trăn mới kéo được anh ra, con trăn cũng mang vết thương bỏ đi. Nhìn lại thì người anh đã mất cả tai và mũi, không còn thở nữa, bèn ghé vai cõng về, dọc đường phải dừng lại nghỉ hơn chục lần mới về được tới nhà, chữa chạy nửa năm mới khỏi. Đến nay trên mặt toàn là sẹo, chỗ tai và mũi chỉ còn có lỗ không mà thôi. Ôi, trong những người làm ruộng lại có người em yêu thương anh tới như thế sao! Có người nói sở dĩ con trăn không làm hại bởi bị cảm hóa vì đại nghĩa, kể ra cũng đúng.
385. Chó ma[1]
[1] Dã cẩu.
Trong loạn Vu Thất, người chết như rạ. Có người dân là Lý Hóa Long từ trong núi trốn về, vừa gặp đại binh kéo tới. Lý sợ bị vạ lây nhưng gấp quá không có nơi ẩn núp, bèn nằm lăn vào giữa đám xác người giả chết. Đại binh đã kéo qua hết Lý vẫn chưa dám chui ra, chợt thấy đám xác chết mất đầu cụt tay nhao nhao đứng thẳng cả lên, một cái xác bị chém đầu nhưng đầu còn dính trên vai cất tiếng nói: “Chó ma tới rồi, làm sao bây giờ.” Đám xác chết cũng rầm rộ ứng tiếng “Làm sao bây giờ,” giây lát chợt đổ vật cả xuống, tất cả lại yên ắng. Lý run bần bật định đứng lên, chợt có con vật quái lạ tới, đầu thú mình người, bò xuống cắn đầu xác chết, nhưng chỉ hút óc mà thôi. Lý sợ nằm rúc vào đám xác chết, con vật tới nắm vai Lý muốn cắn vào đầu. Lý nằm sấp ép sát xuống đất nên không cắn được, nó bèn lật đống xác chết lại, đầu Lý lộ ra. Lý cả sợ, quờ tay xuống lưng vớ được hòn đá to bằng cái chén bèn nắm lấy. Con vật bò xuống toan cắn, Lý vụt chồm dậy la lớn quăng luôn hòn đá vào đầu nó, trúng giữa mõm, con vật gào lên như tiếng cú kêu, ôm mệng bỏ chạy, khạc máu ra đường, Lý tới nhìn thấy trong bãi máu có hai cái răng, giữa thì cong mà trên thì nhọn sắc, dài hơn bốn tấc. Bèn nhặt lấy mang về, đưa cho người ta xem, nhưng chẳng ai biết đó là con gì.
386. Hồ vào vò[1]
[1] Hồ nhập bình.
Vợ người họ Thạch ở thôn Vạn bị hồ ám, lo sợ mà không biết làm sao. Phía sau cánh cổng có cái vò đất, mỗi khi nghe người cha chồng tới, hồ lập tức chui tọt vào đó núp, người đàn bà thấy nó đã quen như vậy, bèn ngầm tính kế mà không nói ra. Một hôm hồ vừa chui vào vò, người đàn bà vội lấy chăn bông nút miệng vò lại, đem đặt lên bếp, quạt lửa rang. Cái vò nóng lên, hồ kêu rằng: “Nóng quá. Đừng đùa ác như thế.” Người đàn bà không nói gì, hồ lại càng kêu to hơn, lát sau thì im bặt. Gỡ cái chăn nút miệng vò ra xem, chỉ thấy còn một nhúm lông, vài giọt máu mà thôi.
387. Vu Giang
Người làng nọ là Vu Giang, cha ngủ ngoài ruộng bị sói ăn thịt. Lúc ấy Giang mười sáu tuổi, nhặt được chiếc giày của cha rơi lại, vô cùng đau xót căm hờn. Đêm tới chờ mẹ ngủ rồi, lén cắp chùy sắt đi, ra nằm ở chỗ cha ngủ đợi trả thù. Không bao lâu, một con sói mò tới quanh quẩn đánh hơi, Giang nằm yên không động đậy. Giây lát con sói lại lấy đuôi quét lên mặt, lại cúi xuống liếm vào chân, Giang vẫn không động đậy. Kế con sói mừng rỡ nhảy lên định cắn vào cổ, Giang vùng dậy vung chùy đập nó vỡ sọ chết ngay tại chỗ, rồi giấu xác vào bãi cỏ rậm cạnh đó. Không bao lâu lại có một con sói mò tới, cũng làm như con trước, lại bị Giang đánh chết. Giang nằm đến nửa đêm không có con nào tới nữa, chợt chợp mắt ngủ đi, mơ thấy cha nói: “Giết hai con sói ấy đủ rửa hận cho ta rồi, nhưng con kéo bầy giết ta thì mõm trắng chứ không phải là hai con này.” Giang tỉnh dậy nằm chờ mãi đến sáng nhưng không đánh thêm được con nào, muốn kéo hai con sói về nhưng sợ mẹ lo lắng, bèn vứt xuống cái giếng cạn rồi về. Đêm sau lại ra nằm chỗ đó, nhưng không có con sói nào tới. Ba bốn đêm liền như thế mới chợt có một con sói tới cắn vào chân Giang lôi đi mấy chặng, Giang bị gai góc đá sỏi đâm cào trầy xước cả người vẫn nằm yên như chết. Con sói bèn dừng lại toan móc ruột Giang, Giang vùng dậy đập một chùy, con sói lăn ra, lại đập thêm mấy chùy cho chết hẳn, nhìn kỹ lại thì đúng là mõm trắng, cả mừng vác về, lúc ấy mới nói cho mẹ biết. Mẹ khóc lóc đi theo, tới chỗ giếng cạn thì xác hai con sói kia vẫn còn.
Dị Sử thị nói: Trong những người làm ruộng lại có kẻ anh tuấn như thế sao? Nghĩa khí sinh ra từ lòng thành, không những là can đảm mà mưu trí cũng lạ lùng nữa.
388. Đứa con gái ở Chân Định[1]
[1] Chân Định nữ.
Ở vùng huyện Chân Định (tỉnh Sơn Đông) có một đứa con gái mồ côi cha, được nhà chồng đưa về nuôi nấng. Ở được một hai năm thì có thai, bụng to ra, nghĩ là có bệnh, về nói với mẹ. Mẹ hỏi: “Có động đậy không?” Đáp: “Có.” Người mẹ rất lạ lùng, nhưng thấy con còn quá nhỏ tuổi, không dám quyết định. Ít lâu sau sinh được con trai. Người mẹ khen ngợi nói: “Không ngờ mẹ bằng nắm tay lại sinh được thằng cu con.”
389. Tiêu Minh
Thị độc Đổng Mặc Am trong nhà bị hồ quấy phá, ném đá liệng ngói, cứ bất chợt lại ào ào như mưa đá. Gia nhân kéo nhau chạy núp, chờ đến lúc yên ắng mới dám trở ra làm việc. Ông lo lắng, mượn nhà quan Tư mã Tôn Tộ Đình, dời gia đình sang ở để tránh, mà hồ vẫn theo quấy phá như trước. Một hôm đang lúc ngồi chờ vào chầu, kể lại chuyện lạ cho các quan nghe. Đại thần có người nói đạo sĩ Tiêu Minh ở huyện Quan Đông (tỉnh Liêu Ninh) đang ngụ trong kinh thành, biết hết các loại bùa chú, rất cao tay. Ông tìm tới xin giúp, đạo sĩ vẽ bùa bằng mực son, bảo đem về dán trên vách. Nhưng hồ vẫn không sợ, ném đá liệng ngói còn quá trước. Ông lại tới kể với đạo sĩ, đạo sĩ tức giận, đích thân tới nhà ông lập đàn làm phép. Lát sau thấy một con hồ lớn nằm phục trước đàn. Đám gia nhân bị khổ cực đã nhiều, tức giận đầy ruột đổ ra, một người tỳ nữ vừa tới gần đánh vào nó thì ngã lăn ra đất, tắt hơi chết luôn. Đạo sĩ nói: “Con vật này hung hãn lắm, ta đây còn chưa hàng phục được lập tức, đàn bà con gái sao lại coi thường mà đụng vào nó?” Kế lại nói: “Thôi mượn xác lấy lời khai của nó cũng được.” Rồi chĩa hai ngón tay đọc thần chú một lúc, người tỳ nữ chợt sống dậy, bò lạy. Đạo sĩ hỏi hồ vốn ở đâu, người tỳ nữ nói lời hồ rằng: “Bọn ta vốn ở Tây Vực, tới kinh đô cả thảy có mười tám đứa.” Đạo sĩ nói: “Chốn kinh sư này làm sao cho các ngươi ở lâu được? Phải đi ngay đi,” hồ không đáp. Đạo sĩ đập bàn giận dữ quát: “Ngươi muốn cưỡng lệnh ta à? Nếu còn chần chừ, ta sẽ làm phép không tha cho đâu!” Hồ mới tỏ vẻ sợ sệt, xin vâng lời, đạo sĩ lại thúc đi cho mau. Người tỳ nữ lại ngã vật ra đất tắt hơi, hồi lâu mới dần dần tỉnh lại. Giây lát thấy có một đám những khối màu trắng xoay tròn như quả cầu men theo thềm mà đi, lần lượt theo nhau, trong chớp mắt đã đi hết. Từ đó mới được ở yên.
390. Yêu quái trong nhà[1]
[1] Trạch yêu.
Ông Lý ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) là cháu quan Đại Tư khấu, trong nhà có nhiều sự quái dị. Có lần thấy dưới chái nhà có cái giường màu đỏ như thịt, rất tươi nhuận. Lý vì trong nhà không có vật ấy, tới gần lấy tay vỗ vào thử, nó lập tức cong lại, mềm như thịt, Lý hoảng hốt bỏ chạy. Lúc sau trở lại nhìn, thì thấy bốn chân nó di động, rúc dần vào trong vách. Lại thấy có cây gậy trắng dựng dựa vào vách, bóng láng dài dài, tới gần nhấc lên thì thấy mềm mại rơi xuống ngoằn ngoèo bò vào vách, trong chớp mắt đã mất hút.
Năm Khang Hy thứ 17 (1678), Vương Tuấn Thăng dạy học trong nhà ấy, chặp tối vừa lên đèn, Vương cởi giày lên giường nằm. Chợt thấy một người bé nhỏ cao khoảng ba tấc từ ngoài đi vào, dạo một vòng rồi trở ra. Giây lát vác hai cái giường nhỏ vào bày trong nhà, mềm mại như lưng trẻ con, kết bằng cành đay. Giây lát lại có hai người bé nhỏ vác một cái quan tài vào, chỉ dài khoảng bốn tấc, đặt ở trên giường. Sắp đặt chưa xong, một người đàn bà dắt mấy tỳ nữ vào, cũng đều bé nhỏ như mấy người trước. Người đàn bà mặc áo tang, thắt dây gai ở lưng, đeo mạng vải che mặt, lấy tay áo bịt miệng nức nở khóc, tiếng như nhặng kêu. Sinh hé mắt nhìn trộm hồi lâu, lông tóc dựng cả lên, khắp người lạnh toát. Bèn la lớn định chạy, nhưng nhảy xuống giường rồi run sợ quá không đứng lên nổi. Người trong nhà nghe tiếng la đổ cả tới, thì đám người nhỏ bé kia đã không thấy đâu nữa.
391. Thần tướng[1]
[1] Linh quan.
Đạo sĩ Mỗ ở quán Triều Thiên thích thuật luyện khí. Có ông già tới ngụ ở quán cũng có cùng sở thích, bèn kết làm đạo hữu. Được vài năm, cứ đến ngày tế Giao thì ông già đã ra đi từ tuần trước, tế xong lại trở về. Đạo sĩ ngờ hỏi, ông già đáp: “Chúng ta không thù ghét gì nhau, nên xin nói thật, ta là hồ đây. Sắp tới ngày tế Giao thì phải trừ tà uế, ta không ở được nên phải đi trốn thôi.” Một năm kia đến kỳ lại ra đi, nhưng lâu quá không thấy trở lại. Đạo sĩ đang còn ngờ thì một hôm ông ta chợt về, bèn hỏi vì sao lần này đi lâu thế. Ông ta đáp: “Suýt nữa ta không được gặp lại ông rồi! Hôm trước muốn trốn xa mà lười nên ngại đi, thấy nhà tắm rất kín đáo bèn tới núp dưới khạp nước. Không ngờ thần tướng tới đó dọn dẹp, giở ra trông thấy, giận dữ định đánh, ta sợ bỏ chạy. Thần tướng đuổi theo rất gấp, tới sông Hoàng Hà thì dần dần đuổi kịp, ta túng thế không biết làm sao núp luôn vào dưới hầm xí, thần thấy ở đó nhơ bẩn quá mới bỏ đi. Ta trở ra thì bị nhiễm mùi hôi thối, không thể đi đâu cả, mới xuống sông tắm rửa, náu mình trong hang, mấy trăm ngày mới hết hôi thối. Hôm nay tới đây để từ biệt và có lời dặn ông. ông cũng nên đi chỗ khác, kiếp nạn sắp tới rồi, đây không phải là chỗ yên ổn đâu. Nói xong từ biệt ra đi. Đạo sĩ theo lời đi nơi khác, không bao lâu thì có biến cố năm Giáp Thân[2].
[2] Biến cố năm Gíáp Thân: tức năm Giáp Thân 1644, năm quân Thanh vào chiếm Bắc Kinh, bắt đầu thay nhà Minh cai trị Trung Quốc.