Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XVI - Chương 418 - 424

418. Oan nghiệt bài t[1]

[1] Thi nghiệt.

Phạm Tiểu Sơn người huyện Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) làm nghề buôn bút, đi buôn vắng nhà. Vào tháng tư, vợ là Hạ thị đêm ngủ một mình bị cướp giết chết. Đêm ấy có mưa nhỏ, trên mặt đất còn rơi lại một chếc quạt đề thơ của Vương Thạnh tặng Ngô Phỉ Khanh. Không biết Thạnh là ai, còn Ngô là một người giàu có ở huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông), cùng làng với Phạm, thường ngày vẫn làm những việc khinh bạc nên xóm làng đều chắc là Ngô. Quận huyện bắt lên tra hỏi, Ngô vẫn một mực không nhận, bị tra khảo nặng nề rồi kết án. Tra đi xét lại, trải hơn mười vị quan cũng không ai nói khác. Ngô cũng nghĩ số mình ắt chết bèn dặn vợ dốc hết của nhà ra trợ giúp những người cô đơn nghèo khổ. Ai hướng vào cổng niệm Phật một ngàn câu thì được quần bông, niệm một vạn câu thì được áo bông, nên những kẻ ăn xin kéo đến đông như chợ, tiếng niệm Phật vang xa hơn chục dặm. Nhà vì vậy nghèo đi rất nhanh, hàng ngày cứ phải bán ruộng đất để đãi khách. Ngô lại hối lộ người coi ngục nhờ ngầm mua giùm thuốc độc.

Đêm nằm mơ thấy thần nói: “Ngươi chớ vội chết, hôm trước ở ngoài hung thì nay bên trong cát rồi!” Ngủ lại vẫn nằm mơ như thế, vì vậy không quyết tự tử nữa. Không bao lâu tiên sinh Chu Nguyên Lượng đi tuần sát tới, xét lại án tù, tới Ngô thì có vẻ nghĩ ngợi, nhân hỏi Ngô giết người có bằng chứng nào không, Phạm thưa rằng có cái quạt. Ông xem kỹ cái quạt rồi hỏi Vương Thạnh là ai, mọi người đều thưa là không biết. Ông lấy án văn xem kỹ lại một lượt rồi lập tức ra lệnh tháo gông cùm cho Ngô, cho chuyển từ nhà ngục ra nhà kho. Phạm cố biện luận, ông tức giận nói: “Ngươi muốn giết oan một người cho xong chuyện hay muốn tìm ra kẻ thù mới cam lòng.” Mọi người ngờ là ông riêng tây với Ngô nhưng không ai dám nói. Ông bèn ném thẻ bài đỏ sai đi bắt ngay người chủ quán nọ ở Nam Quách. Chủ quán sợ hãi không biết vì sao, tới thì ông hỏi: “Trên vách quán ngươi có bài thơ của Lý Tú người huyện Đông Quan (tỉnh Sơn Đông), viết lúc nào vậy?” Chủ quán thưa: “Năm trước quan Đốc học về ghé ngang, có hai ba người Tú tài uống rượu say đề thơ, không biết họ ở làng nào.”

Ông sai nha dịch tới huyện Nhật Chiếu (tỉnh Sơn Đông) bắt Lý Tú. Mấy hôm sau Tú tới, ông giận dữ hỏi: “Đã là Tú tài, sao còn mưu giết người?” Tú dập đầu kinh ngạc, chỉ nói là không hề làm chuyện ấy. Ông ném cái quạt xuống bảo Tú xem rồi nói: “Rõ ràng là thơ của ngươi, sao dám bịa đặt đổ cho Vương Thạnh!” Tú xem kỹ rồi thưa: “Thơ thì đúng do ta làm, nhưng chữ thì thật không phải do ta viết.Ông nói: “Đã biết thơ của ngươi thì ắt là bạn ngươi, vậy ai viết chữ?” Tú thưa: “Nét chữ giống như của Vương Tá ở huyện Nghi (tỉnh Sơn Đông).” Ông bèn sai bắt Vương Tá, Tá tới, ông cũng quát hỏi như lúc hỏi Tú. Tá nói: “Ấy là do người lái buôn sát ở huyện Ích Đô là Trương Thành nhờ ta viết, y là em họ Vương Thạnh.” Ông nói: “Thằng cướp ở đây rồi!” Cho bắt Thành tới, vừa tra hỏi đã nhận tội ngay.

Trước là Thành trộm thấy Hạ thị đẹp, muốn khêu gợi nhưng sợ không xong, mới nghĩ cách giả danh Ngô thì ắt mọi người đều tin nên mới làm giả chiếc quạt của Ngô cầm theo, nếu được thì tự nhận là mình, không được thì đổ cho Ngô, nhưng thực lòng không định giết người. Y leo tường vào nhà cưỡng bức người đàn bà, người đàn bà ở nhà một mình nên thường để sẵn dao tự vệ, lúc tỉnh giấc nắm áo Thành rồi rút dao vùng dậy. Thành hoảng sợ giật dao, nhưng người đàn bà cứ ra sức giữ chặt lấy hắn, lại kêu ầm lên, Thành cùng đường nên đâm chết rồi vứt chiếc quạt lại bỏ đi. Vụ án oan khuất ba năm chỉ một buổi mà xử xong, ai cũng ca ngọi ông sáng suốt như thần.

Ngô lúc bấy giờ mới sực hiểu lời thần nói “bên trong cát là chữ Chu[2] song vẫn không hiểu vì sao ông Chu biết mình oan. Sau có một người thân hào ở huyện gặp dịp hỏi, ông cười đáp: “Điều ấy dễ biết lắm! Đọc kỹ văn án thì Hạ thị bị giết vào thượng tuần tháng tư. Đêm ấy mưa phùn, khí trời còn lạnh, quạt là thứ không cần thiết, thủ phạm há vào lúc gấp rút còn mang theo cho bận thêm sao? Rõ ràng là nhằm giá họa vậy. Trước đây ta trú mưa ở Nam Quách, thấy có bài thơ đề trên vách quán lời lẽ tương tự bài thơ trên chiếc quạt nên đoán lầm là Lý sinh, quả nhân đó mà tìm ra tên cướp thật, cũng là may thôi,” người nghe chuyện đều thán phục.

[2] “Bên trong cát” là chữ Chu: trong Hán tự, chữ “Chu” có phần bên trong là chữ “Cát”, đây ý nói Ngô Phỉ Khanh may mắn gặp được ông Chu Nguyên Lượng.

Dị Sử thị nói: Việc trong thiên hạ nếu biết tới nơi tới chốn, thì từ chỗ không có cũng có thể thành có mà hữu dụng. Văn chương thơ phú là cái làm đẹp cho nước, tiên sinh lấy đó xem xét kẻ sĩ trong thiên hạ, người ta đều ca ngợi, há chẳng phải là tới nơi tới chốn sao. Nhưng chẳng ai nói tới việc đem đạo xem xét kẻ sĩ mà xử án. Kinh Dịch nói: “Biết cơ là thần”, tiên sinh là người như thế vậy.

419. Mao Đại Phúc

Mao Đại Phúc ở huyện Thái Hàng (tỉnh Sơn Đông) làm nghề trị bệnh ghẻ lở. Một đêm chữa bệnh về, gặp một con sói ngậm cái bọc vải nhả xuống rồi lui lại ngồi bên đường. Mao nhặt lên xem, thấy trong cái bọc có mấy món đồ trang sức bằng vàng. Đang còn lạ lùng thì con sói đã nhảy cỡn tới trước mặt, cắn nhẹ vào áo kéo rồi lại nhả ra bỏ đi. Mao bước đi thì nó lại cắn áo kéo, thấy ý tứ không có vẻ gì là hung dữ bèn đi theo. Tới cửa hang thì thấy một con sói bệnh nằm, trên đầu có một vết loét to giòi bọ lúc nhúc. Mao hiểu ra, bèn cắt bỏ hết thịt thối, rắc thuốc cho nó rồi về. Trời đã tối, con sói tiễn ra tới ba bốn dặm, chợt thấy có mấy con sói kéo tới gầm thét định cắn xé, Mao sợ lắm. Con sói kia vội xông vào đám sói như kể lại chuyện, đám sói tan đi, Mao bèn trở về. Trước đó trong huyện có người đi buôn bạc là Ninh Thái bị cướp giết trên đường, không sao tìm ra thủ phạm. Gặp lúc Mao bán các vật trang sức, bị vợ Ninh bắt gặp, kêu người trói lại dắt lên quan. Mao kể lại mọi chuyện, quan không tin, sai đóng gông. Mao oan ức mà không biết làm sao giãi bày, chỉ xin cho dắt đi để hỏi sói. Quan sai hai người lính áp giải Mao vào núi, tới thẳng chỗ hang sói. Gặp lúc sói chưa về, chờ đến tối cũng không thấy đâu, ba người trở về. Được nửa đường thì gặp hai con sói, một con còn cái sẹo lớn trên đầu.

Mao nhận ra bèn vái khấn rằng: “Trước đây được tặng vật quý, nay lại vì thế mà bị bắt bớ, nếu không giải oan cho, thì lần này ta về chỉ có nước chết mà thôi.” Sói thấy Mao bị trói, tức giận xông lại, hai người lính rút dao chĩa ra, sói chúi mũi xuống đất hú lên. Hú được hai ba tiếng thì cả trăm con sói trong núi đổ tới vây chặt, hai người lính hoảng sợ. Con sói chen lên nhe răng cắn dây trói, hai người lính hiểu ý vội cởi trói cho Mao, bầy sói mới tan đi. Về huyện bẩm lại mọi chuyện, quan huyện lấy làm lạ nhưng cũng chưa thả Mao ra. Mấy ngày sau, quan vi hành trên đường, thấy một con sói ngậm chiếc giày rách vứt giữa đường. Quan cũng chưa lấy làm lạ, đi qua rồi thì con sói lại ngậm chiếc giày chạy lên phía trước đặt xuống. Quan sai lính hầu nhặt lấy, con sói bèn bỏ đi. Quan về sai người ngầm tìm chủ nhân chiếc giày, có người đồn rằng Tùng Tân ở thôn nọ bị một con sói đuổi riết cướp lấy giày mang đi, quan bèn sai bắt, giải lên nhận giày, thì đúng là giày của Tân. Quan ngờ ràng Tân là kẻ giết Ninh, bèn tra hỏi quả đúng. Đại khái là Tân giết Ninh cướp lấy món tiền lớn, nhưng dưới đáy túi Ninh còn sót mấy món trang sức, bị sói tha đi.

Trước có một bà mụ đi đỡ đẻ về, gặp một con sói chặn đường cắn áo như muốn mời thỉnh, bà ta đi theo. Thấy có một con sói cái đang đẻ chưa được bà ta bèn tới đỡ giúp, xong rồi con sói đực để bà ta về. Sáng hôm sau thấy nó tha một con nai tới đặt ở sân. Mới biết là chuyện như của Mao, từ xưa đã có vậy.

420. Thần làm mưa đá[1]

[1] Bốc thần.

Thái sử Đường Tế Vũ qua huyện Nhật Chiêu (tỉnh Sơn Đông) viếng đám tang họ An, trên đường đi ngang đền thờ Thần làm mưa đá Lý Tả Xa, bèn ghé vào chơi. Trước đền có cái ao nước trong leo lẻo, có vài con cá đỏ bơi lội tung tăng, trong có một con vẫy đuôi đớp bọt trên mặt nước, thấy người không hề tỏ vẻ sợ hãi. Thái sử nhặt viên đá nhỏ định ném đùa, đạo sĩ bên cạnh vội ngăn lại bảo đừng ném. Thái sư hỏi vì sao, đạo sĩ đáp: “Tôm cá trong ao đều là rồng, xúc phạm sẽ có mưa đá.” Thái sử cười là theo đuôi những người tin nhảm, không nghe lời can, cứ ném đá vào con cá. Đến khi ra xe lên đường, thấy có đám mây đen tròn như cái lọng đuổi theo xe, kế có mưa đá ào ào rơi xuống, to như quả trứng, đi hơn một dặm mới tạnh. Em Thái sử là Lương Vũ đi sau chỉ cách một tầm tên, lát sau lên tới gặp nhau hỏi chuyện, thì chẳng thấy có mưa đá gì cả. Hỏi những người đi trước Thái sử cũng thế. Thái sử cười nói: “Chẳng lẽ đó là Quảng Vũ quân[2] tác quái à?” nhưng cũng chưa lấy làm lạ lắm.

[2] Quảng Vũ quân: tức Lý Tả Xa, được phong là Quảng Vũ quân của nước Triệu thời Hán Sở tranh hùng.

Ngoài thôn họ An có đền thờ Quan Đế, có người buôn dạo vừa đặt gánh xuống ngoài cửa, vứt bỏ quang gánh rảo bước vào đền, rút thanh đại đao trên giá múa tít, nói: “Ta là Lý Tả Xa đây. Sáng mai sẽ xin theo hầu Thái sử họ Đường ở huyện Truy Xuyên đi đưa đám, kính báo cho chủ nhân biết trước.” Nói mấy lượt như thế thì tỉnh lại, không nhớ rằng mình vừa nói gì, cũng không biết Thái sử họ Đường là ai. Nhà họ An nghe chuyện cả sợ, thôn cách đền thần hơn bốn mươi dặm cũng vội vàng sắm sửa lễ vật tới cầu khẩn xin thương cho, không dám làm phiền xa giá. Thái sử lấy làm lạ về việc quá tin tưởng như thế bèn hỏi, chủ nhân đáp rằng thần làm mưa đá rất linh thiêng, thường mượn người sống để nhắn lời, điều gì cũng ứng nghiệm. Nếu không tới cầu khấn để xin thần bỏ qua, sáng mai đám tang sẽ gặp mưa đá ngay.

Dị Sử thị nói: Quảng Vũ quân lúc sinh thời cũng là hạng người quen tính việc lớn. Dù là làm thần làm mưa đá ở Sơn Đông cũng có lẽ không chịu ẩn nhẫn, nên mới nhận mệnh ở trời. Nhưng đã làm thần rồi, thì cần gì phải tỏ ra linh dị chứ? Có lẽ Thái sử là người văn chương đạo nghĩa, trời người cùng khâm phục đã lâu, nên quỷ thần vì vậy muốn được bậc quân tử tin tưởng chăng?

421. Ông Lý tám vò[1]

[1] bát hàng.

Giám sinh Lý Nguyệt Sinh là con thứ của ông Lý. Ông rất giàu, dùng vò để đựng vàng, người làng gọi là “bát hàng (tám vò). Lúc ông bệnh nặng gọi con tới chia gia tài, con trưởng được tám phần, con thứ được hai phần, Nguyệt Sinh không giấu được vẻ thất vọng. Ông nói: “Ta không phải là thương đứa này ghét đứa khác đâu, còn có vàng chôn chỗ khác, chờ lúc nào không có nhiều người sẽ nói cho con biết, đừng nóng ruột.” Qua vài hôm, ông chỉ còn thoi thóp, Nguyệt Sinh sợ ông qua đời lúc nào không biết, bèn chờ lúc vắng người tới cạnh giường hỏi khẽ. Ông đáp: “Đời người ta sung sướng hay khổ cực đều có số cả rồi, ngươi có phúc có được vợ hiền, thì không nên cho thêm nhiều vàng, chỉ thêm hoạn nạn thôi.” Đại khái Nguyệt Sinh có vợ họ Xa, rất hiền thục, có đức độ như Hoàn Thiếu quân, Mạnh Quang[2] nên ông mới nói thế. Nguyệt Sinh cứ nài nỉ hỏi mãi, ông tức giận nói: “Ngươi còn phải vất vả hai mươi năm nữa, dù có cho ngàn vàng cũng sẽ hết sạch, nếu chưa đến lúc cùng đường thì đừng trông mong ta sẽ cho thêm.” Nguyệt Sinh là người hiếu đễ thuần hậu nên cũng không dám nói gì nữa, chỉ mong cho cha khỏe lại thì có lúc sẽ nói ra.

[2] Hoàn Thiếu quân, Mạnh Quang: Hoàn Thiếu quân là vợ Bào Tuyên, Mạnh Quang là vợ Lương Hồng, cùng là người thời Hán, đều nổi tiếng là vợ hiền.

Không bao lâu, ông Lý bệnh càng nặng, kế chết. May là người anh hiền, nên việc chôn cất không hề so đo với Nguyệt Sinh. Nhưng Nguyệt Sinh tính tình phóng khoáng, không tính toán lặt vặt, lại hiếu khách hay rượu. Có ngày bắt vợ làm cơm dọn rượu ba bốn lần đãi khách, lại không biết coi sóc người nhà làm ăn. Bọn vô lại trong làng thấy hiền lành nhu nhược cứ xúm vào bòn rút, được vài năm dần dần sa sút, song những lúc ngặt nghèo lại sang nhờ vả anh nên cũng không tới nỗi cùng khốn. Không bao lâu người anh già bệnh chết, không còn ai để nương tựa, tới nỗi trong nhà hết cả thóc ăn, cứ mùa xuân vay mùa thu trả, gặt xong trả nợ là hết sạch, từ đó cứ bán ruộng ăn dần. Được vài năm thì con trai lớn và vợ nối nhau chết, lại càng cực khổ. Kế tục huyền với vợ người buôn dê họ Từ nên được nhờ vả đôi chút, song tính Từ cứng rắn nóng nảy, hàng ngày vẫn xỉa xói làm nhục, Nguyệt Sinh vì vậy thậm chí không dám đi lại thăm hỏi với bè bạn.

Chợt một đêm nằm mơ thấy cha về nói: “Nay thì ngươi đã đến lúc có thể nói là cùng đường rồi, trước ta có nói sẽ cho ngươi số vàng còn chôn, bây giờ thì được rồi.” Nguyệt Sinh hỏi chỗ, ông Lý đáp: “Sáng mai ta chỉ cho.” Nguyệt Sinh tỉnh dậy lấy làm lạ, còn nghĩ rằng vì mình nghèo mong muốn có tiền nên sinh ra mộng mị hão huyền. Hôm sau giẫy cỏ ở chân tường, cuốc được hũ vàng lớn, mới sực hiểu ra rằng trước kia ông Lý nói chờ lúc không có nhiều người, là ý nói chờ lúc người thân đã chết một nửa vậy.

Dị Sử thị nói: Nguyệt Sinh là bạn nghèo với ta, tính tình thành thực chất phác không có chút nào là giả trá, anh em ta giao du với ông rất thân, chuyện vui buồn đều có nhau. Mấy năm nay chỉ ở cách nhau hơn mười dặm mà không được tin sống chết ra sao, mỗi lần ta đi ngang cũng không dám ghé thăm, thì đủ biết Nguyệt Sinh rơi vào hoàn cảnh khổ cực tới mức nào rồi. Chợt nghe ông bất ngờ có được ngàn vàng, bất giác vỗ tay reo mừng cho ông. Than ôi! ông Lý lúc lâm chung nói mệnh, trước đây vẫn được nghe kể, nhưng vẫn không nghĩ rằng đó là lời sấm báo trước, hay ông là thần chăng?

422. Nhà đò bến Lão Long[1]

[1] Lão Long thuyền h.

Lúc ông Chu Huy Ấm làm Tổng chế Việt Đông (tỉnh Quảng Đông), có nhiều người buôn bán đi đường tới kêu về việc người chết không có nguyên do. Cứ có việc người đi ngàn dặm bị chết mất xác, thậm chí có mấy người cùng đi mà không ai có tin tức gì, đơn từ chất chồng không sao tra xét được. Buổi đầu nhận đơn các quan địa phương còn phát công văn sai tìm bắt hung thủ, nhưng về sau đơn bẩm ngày càng nhiều, cũng đành để đó không hỏi tới nữa. Ông Chu tới nơi làm quan, xem xét đơn từ đọng lại, trong đó những người bị coi là đã chết có tới hàng trăm, nhưng người chết trên ngàn dặm không ai tố cáo thì không biết là còn bao nhiêu nữa. Ông kinh sợ đau xót, lo lắng bỏ ăn bỏ ngủ, hỏi han khắp liêu thuộc tìm ra một cách. Rồi đó ông ăn chay tắm gội, đốt hịch văn cáo với thần Thành hoàng, kế đó vào trai phòng chờ.

Trong lúc mơ màng thấy có một viên quan cài trâm cầm hốt bước vào. Ông hỏi là quan ở đâu, viên quan ấy đáp là thần Thành hoàng họ Lưu. Ông hỏi là định nói gì, viên quan ấy đáp: “Mái tóc rũ tuyết, Chân trời sinh mây, Gỗ trôi nước nọ, Cửa mở tường này,” nói xong bước ra. Ông tỉnh dậy nghĩ ngợi không hiểu, trằn trọc tới sáng chợt nghĩ rằng: “Mái tóc rũ tuyết là Lão (người già), Chân trời sinh mây là Long (rồng), Gỗ trôi trong nước là Thuyền (chiếc thuyền), Cửa mở trên tường là Hộ (cửa), hợp lại là bốn chữ Lão Long thuyền hộ (nhà đò bến Lão Long) chăng?” Đại khái ở phía đông bắc tỉnh gọi là Tiểu Lĩnh, Lam Quan, phát nguồn từ bến Lão Long chảy ra tới Nam Hải, những nhà buôn lớn ở tỉnh ngoài đều theo đường ấy vào đất Việt. Ông vội điều động binh lính, ngầm trao mưu kế sai bắt hết những nhà đò ở bến Lão Long, lần lượt bắt được hơn năm mươi người, đều không phải tra khảo đã cúi đầu chịu tội. Đại khái đám cướp này giả danh chở thuê, dụ khách lên thuyền rồi thì hoặc bỏ thuốc, hoặc xông hương cho họ ngất đi rồi mổ bụng nhét đá vào ném xuống nước, rất là thê thảm. Vụ án kết thúc, xa gần người ta đều mừng rỡ, làm thơ đặt vè ca ngợi rất nhiều.

Dị Sử thị nói: Mổ bụng nhận chìm xác, quá sức oan khốc thê thảm, thế mà các quan như tượng gỗ chỉ coi là ghẻ ngứa ngoài da, để đất Việt hơi oan che khuất mặt trời đã lâu. Ông tới nơi thì quỷ thần hiển linh nghe lệnh, nỗi oan trong chậu úp được soi tỏ, sao mà lạ thế? Nhưng ông cũng chẳng phải có ba đầu sáu tay gì, chẳng qua chỉ là tỏ tình thương xót kẻ vô tội dồn lại trong lòng mà được như thế thôi. Nếu cứ nghênh ngang ngồi cao, ra thì kiếm kích bày hàng, vào thì lan xạ xông thơm, oai vệ cho lắm vào thì làm sao có thể cảm thông với quỷ thần được?

423. Tiên sinh Nguyên Thiếu[1]

[1] Nguyên Thiếu tiên sinh.

Tiên sinh Hàn Nguyên Thiếu khi còn là Chư sinh, một hôm thấy một người bước vào phòng nói là chủ nhân mời về dạy học, nhưng không thấy đưa danh thiếp. Hỏi về gia thế nơi chốn người kia chỉ trả lời ậm ừ, nhưng đưa lễ vật mời thầy rất hậu. Tiên sinh ưng thuận, hẹn ngày tới dạy. Đến hẹn quả có chiếc xe tới đón, lối đi quanh co, đường sá rất lạ. Chợt thấy một nơi điện gác, xuống xe vào thấy khí tượng như là phủ đệ của bậc tiên vương. Vào nơi ở, thấy bày đủ rượu thịt mời khách ăn uống một mình chứ không thấy chủ nhân đâu. Tiên sinh ăn uống xong thì công tử ra lạy chào, mười lăm mười sáu tuổi, phong tư anh tuấn hơn người. Làm lễ xong công tử về ở nơi khác, lúc nào học mới tới chỗ thầy. Công tử rất thông minh, nghe giảng qua là hiểu ngay nhưng tiên sinh vì không rõ chủ nhân là ai nên vẫn ngờ vực lo lắng. Chỗ tiên sinh ở có hai đứa tiểu đồng hầu hạ, tiên sinh hỏi han cật vấn đều không nói. Hỏi chủ nhân ở đâu, chúng đáp là bận việc. Bảo dắt tới xem trộm chủ nhân làm việc, chúng đáp là không được, nài nỉ mấy lần chúng mới ưng thuận.

Kế dắt tiên sinh tới một chỗ, nghe có tiếng tra khảo đánh đập, ghé mắt nhìn vào khe cửa thấy một vị vương giả ngồi trên điện, dưới thềm bày đủ núi kiếm vạc dầu, toàn Ià công việc của âm phủ. Tiên sinh hoảng sợ, đang định trở lui thì bên trong đã biết có người, bèn ra lệnh tạm nghỉ. Diêm Vương quát đuổi bọn quỷ tốt lui xuống rồi lớn tiếng gọi hai đứa tiểu đồng, chúng biến sắc nói: “Bọn ta vì tiên sinh mà mang họa vào thân rồi!” Rồi run rẩy bước vào. Diêm Vương tức giận nói: “Sao các người dám dắt người lạ tới nhìn trộm?” Rồi ra lệnh phạt đánh roi hai đứa, sai triệu tiên sinh vào nói: “Sở dĩ ta không cho ông gặp là vì âm dương khác nẻo. Nay ông đã biết ta là ai, thì khó lòng ở đây được nữa.” Rồi đưa vàng bạc tiễn tặng bảo về, lại nói: “Ông là bậc văn nhân đứng đầu thiên hạ, nhưng còn long đong chưa thành đạt đâu,” kế sai người hầu dong ngựa đưa về. Tiên sinh ngờ mình đã chết, người hầu nói: “Làm gì có chuyện ấy, tất cả thức ăn vật dùng của tiên sinh đều là mua trên trần gian đấy, không phải của âm phủ đâu?” Tiên sinh trở về, lận đận vài năm thì đỗ Trạng nguyên, lời Diêm Vương nói đều đúng cả.

424. Chu sinh

Chu sinh là mạc khách của Tri huyện. Quan có việc đi vắng, phu nhân họ Từ vẫn muốn tới chiêm bái nữ thần Bích Hà Nguyên quân nhưng vì đường xa sai gia nhân đem lễ vật đi thay, sai Chu làm bài văn khấn. Chu làm bài văn biền ngẫu, kể lại hành trạng của phu nhân, có nhiều lời đùa cợt khiếm nhã. Trong có đoạn như “Trồng hoa đào khắp cõi Lạc Dương, xót người cắt áo. Cấy cỏ thơm khắp nơi hoang vắng, thương trái đào thừa” để nói lên tâm sự uất ức của phu nhân[1], những câu như vậy rất nhiều. Đem bản thảo đưa cho người bạn mạc khách là Lăng sinh xem, Lăng cho là không kính cẩn, khuyên chớ nên dùng nhưng Chu không nghe, cứ đưa người gia nhân mang đi. Không bao lâu Chu chết ở công thự, kế đó người gia nhân cũng chết, ít lâu sau phu nhân họ Từ mắc bệnh sản hậu cũng chết, nhưng mọi người đều chưa lấy làm lạ. Con trai Chu từ kinh đô tới đưa linh cữu cha về đêm nằm ngủ với Lăng sinh, nằm mơ thấy cha khuyên răn rằng: “Trong chuyện văn chương chữ nghĩa không thể không thận trọng. Ta không nghe lời ông Lăng nên bị thần giận về tội viết văn sỗ sàng, phải chết yểu mà còn làm lụy cả Từ phu nhân, hại lây cả tới người gia nhân đem bài văn đi tế, sợ không khỏi bị âm phủ trừng phạt.” Lúc tỉnh dậy kể lại với Lăng, Lăng cũng nằm mơ thấy thế bèn đọc lại bài văn. Con Chu nghe xong mới biết chuyện, rất kính phục Lăng.

[1] Cắt áo và đào thừa nguyên văn là “đoạn tụ” và “dư đào”, lấy tích Hán Ai đế sủng ái Đổng Hiền và Vệ Linh công sủng ái Di Tử Hà, đều là những kẻ mắc bệnh long dương (đàn ông yêu đàn ông). Theo văn cảnh, đây có lẽ chỉ viên Tri huyện thích đàn ông không ngó ngàng gì tới vợ. Xem thêm chú thích truyện Hoàng Cửu Lang, quyển V.

Dị Sử thị nói: Phóng tình múa bút, nghênh ngang tự đắc là chuyện thường của kẻ văn nhân, nhưng sao lại dám đem lời lẽ sỗ sàng khấn cáo với thần minh như vậy chứ! Gã cuồng sinh ngông nghênh không biết gì để tới nỗi bị âm phủ trừng phạt, lại làm cả phu nhân hiền thục lẫn người gia nhân lặn lội ngàn dặm phải chết mà không biết có tội gì, chẳng cũng khiến cho hình luật ở thế gian chia ra thủ phạm tòng phạm trở thành đáng thẹn sao? Oan thay!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3