Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XVI - Chương 425 - 431
425. Lưu Toàn
Thầy thuốc trâu bò Hầu Mỗ ở huyện Trâu Bình (tỉnh Sơn Đông) mang cơm cho người cày, ra tới đồng thấy một cơn lốc cuộn lên trước mặt. Hầu lập tức lấy chén rót rượu xuống đất khấn khứa, rót mấy chén cơn lốc mới tan đi. Lại có hôm Hầu đi ngang miếu Thành hoàng, rảnh rỗi tạt vào dạo chơi dưới hành lang, thấy trên vách vẽ bức tranh Lưu Toàn dâng bí[1], hình Lưu Toàn bị cứt chim vương vãi cả lên mắt, bèn nói: “Nhơ bẩn thế này làm sao Lưu đại ca chịu được?” rồi lấy móng tay cạy gỡ hết ra.
[1] Lưu Toàn dâng bí: theo truyền thuyết, vua Đường Thái Tông chết xuống âm phủ, được Phán quan Thôi Giác là bạn thừa tướng Ngụy Trưng trong triều sửa sổ sinh tử giúp cho sống lại, trước lúc ra về có hẹn với Thập điện Diêm Vương sẽ tặng bí cho âm phủ trồng. Sau khi sống lại, Thái Tông ra bảng tìm người, có người dân là Lưu Toàn tình nguyện tự tử để mang bí xuống biếu Diêm Vương.
Mấy năm sau Hầu mắc bệnh, đang nằm thì thấy có hai người đội mũ đen tới bắt đi giải tới trước một công thự, hạch sách đòi tiền bạc rất khổ. Đang lúc không biết làm sao, chợt bên trong có một người mặc áo xanh bước ra nhìn thấy ngạc nhiên hỏi: “Ông Hầu sao lại tới đây?” Hầu bèn kể lại mọi chuyện. Người áo xanh lập tức mắng hai người mũ đen: “Đây là Hầu đại gia của các người, sao dám vô lễ như thế?” Hai người mũ đen rối rít vâng dạ, xin lỗi là không biết. Giây lát nghe tiếng trống thúc ầm ầm như sấm sét, người áo xanh nói: “Đến phiên hầu buổi sáng rồi.” Rồi dẫn Hầu cùng vào bảo đứng dưới thềm dặn: “Cứ tạm đứng ở đây, để ta hỏi cho.” Rồi lên thềm chỉ tay gọi một viên lại xuống nói chuyện vài câu, viên lại nhìn thấy Hầu chắp tay nói: “Hầu đại ca tới rồi đấy à? Việc của ông không có gì lớn đâu chỉ là một con ngựa kiện, hỏi qua một lần sẽ được về thôi.”
Lát sau trên thềm gọi tên Hầu, Hầu bước ra quỳ xuống, con ngựa kia cũng quỳ xuống, quan hỏi con ngựa này nói bị ngươi cho uống thuốc mà chết, có đúng hay không?” Hầu thưa: “Nó bị bệnh dịch, ta theo đúng cách mà chữa cho, đã khỏi bệnh rồi, cách một ngày sau thì chết, có dính líu gì tới ta đâu?” Con ngựa nói tiếng người, ra sức tranh cãi. Quan giở sổ xem, trong sổ ghi rõ con ngựa phải chết vào ngày tháng năm ấy, tính lại thì đúng khớp, bèn quát: “Đó là vì số ngươi đã hết, sao dám vu cáo bậy bạ hả?” Rồi thét đuổi nó ra. Lại nói với Hầu rằng: “Ông giữ lòng giúp người nên không bị chết đâu,” rồi gọi hai người mũ đen vào sai đưa Hầu về. Hai người mũ đen lúc nãy vào đưa Hầu ra, quan lại dặn đi dọc đường phải chăm sóc cho Hầu. Hầu hỏi: “Hôm nay ta được đội ơn che chở cho, nhưng nửa đời mới gặp đây là lần đầu, xin ông nói rõ họ tên cho ta cảm tạ.” Viên quan áo xanh ấy nói: “Ba năm trước ta từ Thái Sơn ra, khát gần chết, may gặp ông ngoài đồng được cho uống mấy chén rượu, đến nay vẫn còn nhớ.” Viên lại nói: “Ta là Lưu Toàn, trước đây bị chim ỉa vào mắt, xốn xang không sao chịu nổi, được ông gỡ ra cho mới nhìn rõ được. Có điều rượu thịt cõi âm phủ này không đem ra mời khách được, xin chia tay ở đây thôi.” Hầu mới chợt hiểu mọi chuyện bèn lên đường. Về tới nhà định giữ hai người áo đen lại khoản đãi, nhưng họ không dám uống cả một hớp nước. Hầu sống lại mới biết đã tắt thở hai ngày hai đêm rồi.
Từ đó càng ra sức làm điều lành, mỗi khi gặp chuyện rắc rối thường rót rượu khấn Lưu Toàn giúp. Về sau Hầu sống đến tám mươi tuổi vẫn còn khỏe mạnh, có thể cưỡi ngựa phi nước đại. Một hôm đang đi ngoài đường thấy Lưu Toàn cưỡi ngựa tới như sắp đi xa, chắp tay chào hỏi rồi nói: “Số ông đã hết rồi, âm phủ đã phát công văn ra, bọn quỷ tốt muốn đi bắt nhưng ta cản không cho. Ông nên về nhà lo hậu sự, sau ba ngày ta sẽ tới đón. Ta đã mua cho ông một chức quan nhỏ đang khuyết dưới âm phủ, cũng không cực khổ đâu, rồi chào đi. Hầu về nhà kể chuyện cho vợ con, mời họ hàng tới từ biệt, sắm sửa đủ quan quách khâm liệm. Chiều tối ngày thứ tư nói với mọi người rằng: “Lưu đại ca tới rồi!” Rồi nằm vào quan tài mà chết.
426. Hàn Phương
Cuối thời Minh, từ Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) trở lên mấy châu huyện phía bắc có dịch lớn, nhà nào cũng có người mắc bệnh. Huyện Tế Đông có người nông dân tên Hàn Phương tính rất hiếu thảo, cha mẹ đều mắc bệnh, bèn sắm sửa lễ vật ra miếu thờ Cô Thạch đại phu khóc lóc cầu khẩn. Trên đường về nhà vừa đi vừa khóc, gặp một người áo mũ sạch sẽ hỏi vì sao mà đau thương như thế? Hàn kể lại mọi chuyện, người ấy nói: “Thần Cô Thạch không có ở đó, cầu khẩn có ích gì? Ta có một thuật mọn, có thể chỉ cho ông làm thử.” Hàn mừng rỡ hỏi tên họ, người ấy nói: “Ta không mong được báo đáp, cần gì phải nói tên họ quê quán.” Hàn ân cần mời mọc về nhà, người ấy đáp không cần, chỉ dặn cứ về nhà lấy một tờ giấy vàng đặt lên giường người bệnh rồi lớn tiếng nói “Ngày mai ta sẽ tới kinh bẩm cho Nhạc đế biết” thì cha mẹ sẽ hết bệnh.
Hàn sợ không hiệu nghiệm, cứ năn nỉ mời ghé nhà chơi, người ấy nói: “Thôi nói thật với ông, ta không phải là người đâu. Tuần hoàn sứ giả dưới âm phủ thấy ta ngay thẳng cẩn thận cho nên giữ chức Thổ địa Nam Hương, thấy ông có hiếu nên chỉ cho cách ấy. Hiện nay Nhạc đế đang lựa chọn trong các hồn ma chết bất đắc kỳ tử, ai là dân có công đức hoặc ngay thẳng không quấy nhiễu người thì được cử làm các thần Thành hoàng Thổ địa. Nay có bệnh dịch là vì những hồn ma bị quân Bắc giết trong quận thành đều muốn tới kinh đô nhanh để nộp đơn nên quấy nhiễu trên đường kiếm tiền lộ phí đấy thôi. Cứ nói là tới kinh bẩm cho Nhạc đế biết ắt chúng sợ hãi, sẽ hết bệnh mà.” Hàn rùng mình quỳ xuống ven đường dập đầu lạy tạ, lúc ngẩng lên thì người ấy đã biến mất, ngạc nhiên than thở trở về. Tới nhà làm theo lời thần dạy, quả nhiên cha mẹ đều khỏi bệnh, chỉ cho hàng xóm láng giềng cùng làm, thảy đều hiệu nghiệm.
Dị Sử thị nói: Quấy nhiễu người dọc đường để xin làm thần giúp đỡ người, có khác gì kẻ ruổi ngựa đi mau để dự thi mà không cần thi đỗ đâu! Việc trong thiên hạ phần lớn cũng như thế đấy! Còn nhớ trong khoảng năm Giáp Tuất Ất Hợi, quan lại ra lệnh cho dân lạc quyên thóc lúa, viết sớ dâng lên vua tâu rằng dân đều vui vẻ quyên góp, từ đó các châu huyện cứ chiếu theo số đinh số ruộng mà thu, thôi thúc bắt bớ rất gấp. Lúc ấy bảy huyện phía bắc đều bị lụt mất mùa lớn, quyên góp càng khó khăn. Quan Thái sử họ Đường ở quê ta tình cờ tới huyện Lợi Tân, thấy mười mấy người bị trói giải đi trên đường, hỏi mắc tội gì thì họ đáp: “Quan bắt bọn ta lên huyện để truy thu thuế lạc quyên.” Dân quê có hiểu hai chữ “lạc quyên” là gì đâu, chỉ cho rằng đó là tên một loại thuế má gì đó mà thôi, thật đáng cười ra nước mắt vậy.
427. Vụ án ở Thái Nguyên[1]
[1] Thái Nguyên ngục.
Ở huyện Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) có nhà dân, mẹ chồng nàng dâu đều góa chồng. Mẹ chồng đang tuổi trung niên không giữ gìn được, đi lại với một tên vô lại trong làng. Nàng dâu không thích, cứ lén rình núp ở cổng ngũ hiên vách để cản trở. Mẹ chồng thẹn, kiếm cớ đuổi nàng dâu đi. Nàng dâu không chịu đi, căm tức tranh cãi, mẹ chồng càng ghét, lại vu cáo nàng dâu lang chạ, kiện lên quan. Quan hỏi tên họ kẻ gian phu, bà ta nói: “Cứ tối tới khuya đi, thật không biết là ai, xin cứ hỏi nó sẽ rõ.” Quan gọi nàng dâu lên hỏi, nàng dâu quả biết rõ tên họ kẻ gian phu, nhưng lại nói rằng y tư thông với mẹ chồng, hai bên ra sức cãi vã. Quan sai bắt tên vô lại tới, y lại mồm năm miệng mười nói rằng không tư thông với ai cả, hai mẹ con họ muốn mà không được nên nói bậy để làm nhục y mà thôi. Quan hỏi: “Trong thôn có hàng trăm người, sao họ chỉ vu cáo cho riêng ngươi?” Rồi sai đánh trượng thật nặng. Tên vô lại van lạy xin tha, nhận là có tư thông với nàng dâu. Quan sai tra khảo, nàng dâu vẫn không chịu nhận, quan đành tha về. Nàng dâu uất hận kiện lên quan tỉnh nhưng cũng vẫn như trước, không sao xử được.
Lúc ấy có Tiến sĩ Tôn Liễu Hạ người quê ta làm Tri huyện Lâm Tấn (tỉnh Sơn Tây), nổi tiếng giỏi xử án, quan trên bèn giao vụ án này cho huyện Lâm Tấn xử. Đôi bên thưa kiện được giải tới, ông hỏi qua hết một lượt, xét rõ rồi bèn sai nha lại chuẩn bị đủ gạch đá dao rựa để ngày mai xử án. Đám nha lại đều ngạc nhiên nói: “Hình phạt nặng nề đã có đủ cả gông cùm roi gậy, sao lại còn phải dùng vật khác để xử án?” Chẳng ai hiểu nhưng cũng theo lệnh chuẩn bị đầy đủ. Hôm sau ông ra công đường hỏi lại, thấy đã chuẩn bị đầy đủ bèn sai bày hết trên thềm rồi gọi phạm nhân ra, lại hỏi qua một lượt. Kế nói với hai mẹ con rằng: “Chuyện này không cần phải xét quá kỹ, tuy chưa biết kẻ dâm phụ là ai song gian phu đã rõ rồi. Gia đình các ngươi vốn có tiếng tốt, chẳng qua nhất thời bị kẻ xấu dụ dỗ, chỉ có y là có tội. Vậy trên thềm có đủ cả gạch đá dao rựa, các người cứ mặc ý lấy mà giết chết y đi.” Mẹ chồng nàng dâu đều sợ sệt không dám bước lên, sợ lỡ tay đánh chết người phải đền mạng, ông nói: “Đừng sợ, có ta ở đây mà.” Lúc ấy hai mẹ con đều bước ra, nhặt đá cùng ném. Nàng dâu căm giận đã lâu, cứ hai tay ôm đá lớn ném, chỉ hận không giết chết được tên vô lại ngay lập tức, còn mẹ chồng chỉ nhặt đá nhỏ ném vào vai vào đùi mà thôi. Ông lại bảo cầm dao xông vào chém, bà ta còn ngần ngừ, ông sai dừng lại, nói: “Ta đã biết dâm phụ là ai rồi.” Sai bắt mẹ chồng tra khảo nặng nề, bà ta khai thật, vụ án kết thúc.
Ghi thêm: Một lần ông sai nha lại đi thúc thuế, người thiếu thuế đi vắng chỉ có vợ ra thưa bẩm, đám nha lại đòi tiền hối lộ không được, bèn bắt chị ta về. Ông tức giận nói: “Đàn ông người ta nhất định sẽ trở về, sao lại bắt vợ người ta?” Rồi phạt roi đám nha lại, thả người đàn bà về, lại ra lệnh cho thợ mộc làm sẵn nhiều cùm tay để chờ lúc cần dùng. Hôm sau cả huyện đồn rằng ông nhân đức, những người thiếu thuế nghe thấy đều bảo vợ ra mặt xin khất, ông sai bắt cùm tay hết giải về. Ta vẫn nói ông Tôn rất có tài, nhưng biết chuyện này rồi lại mừng rằng ông không phải là kẻ nhân đạo nhu nhược.
428. Vụ án ở Tân Trịnh[1]
[1] Tân Trịnh ngục.
Tiến sĩ Thạch Tông Ngọc người huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) làm Tri huyện Tân Trịnh (tỉnh Hà Nam). Lúc ấy có người khách họ Trương buôn bán xa nhà, bị bệnh muốn về nhưng không cưỡi ngựa đi bộ gì được nên thuê một chiếc xe tay, ôm năm ngàn đồng vàng, nhờ hai người phu đẩy đi. Tới Tân Trịnh, hai người phu xe vào chợ ăn uống, Trương ôm bọc tiền nằm một mình trong xe. Có tên Giáp đi ngang liếc thấy, nhìn chung quanh thấy không có ai bèn giật tiền chạy. Trương không cản được, gượng bệnh vùng dậy đuổi theo. Thấy Giáp chạy vào một thôn, Trương cũng vào theo, thấy Giáp chạy vào một cổng nhà, Trương không dám vào, chỉ đứng ngoài bức tường thấp nhìn vào. Giáp buông bọc tiền xuống quay nhìn thấy có người nhìn trộm, tức giận bắt Trương bảo là giặc cướp, trói giao giải tới ông Thạch, kể lại sự tình. Ông hỏi Trương, Trương kể lể nỗi oan ức, ông cho rằng không có gì làm bằng chứng, đuổi cả ra ngoài. Hai người bước xuống đều nói ông không biết phân rõ trắng đen, ông thản nhiên như không nghe thấy. Sực nhớ Giáp trước đây từng trốn thuế, ông bèn sai nha lại theo đòi ráo riết. Qua một hôm thì Giáp lập tức đem nộp ba lượng bạc. Ông lập tức gọi lên hỏi tiền này ở đâu mà có, Giáp bẩm là bán áo cầm đồ, đều nói rõ cầm bán những gì cho ai để làm bằng chứng.
Ông Thạch sai nha lại xem lại trong những người tới đóng thuế có ai là người cùng làng với Giáp không. Vừa gặp lúc có người láng giềng của Giáp đang ở đó, đám nha lại gọi vào, ông Thạch hỏi: “Ngươi đã là hàng xóm với tên Giáp thì ắt biết tiền này của y từ đâu mà có.” Người láng giềng đáp không biết, ông nói: “Người láng giềng sát bên nhà cũng không biết thì tiền này có chỗ mờ ám rồi.” Giáp sợ, đưa mắt nhìn người láng giềng nói: “Ta bán vật này cầm vật nọ, chắc anh cũng nghe mà?” Người láng giềng vội nói: “Phải, phải, có nghe.” Ông Thạch tức giận nói: “Thế này thì ắt ngươi và tên Giáp cùng trộm cướp, không trị tới nơi tới chốn không xong,” rồi sai đóng gông tra khảo. Người láng giềng cả sợ bẩm: “Ta là láng giềng nên không dám chuốc oán với y, bây giờ sắp phải chịu hình phạt, đâu dám sợ sệt gì nữa? Quả đúng là y cướp tiền của họ Trương kia đấy ạ,” ông bèn tha cho về. Lúc ấy Trương mất tiền chưa về còn ở đó, ông bèn phạt bắt Giáp trả tiền lại. Những việc xử án của ông Thạch như thế rất nhiều, cũng đủ thấy là người thật tâm lo việc chính sự vậy.
Dị Sử thị nói: Lúc ông Thạch còn là Chư sinh, cứ làm được bài văn nào đưa ra thì người được xem đều chép giấu kín như của báu, mà nhìn tới người thì thấy đường hoàng trang nhã, có phong độ Hàn Phạm[2] tựa hồ không phải là kẻ chỉ có tài văn thư sổ sách[3]. Chỉ đứng trong một hàng quan huyện mà nổi tiếng là quan giỏi, cả vùng Hà Nam biết danh, ai nói văn chương chỉ là đẹp đẽ không thiết thực? Vì vậy chép lại để nêu gương cho những kẻ có địa vị vậy.
[2] Hàn Phạm: tức Hàn Dũ thời Đường và Phạm Trọng Yêm thời Tống, đều là bậc đại thần nổi tiếng văn học.
[3] Tài văn thư sổ sách: chỉ tài làm thư lại và các chức quan thấp, chỉ phụ trách những việc nhỏ mọn vụn vặt.
429. Thư sinh ở Chiết Đông[1]
[1] Chiết Đông sinh.
Thư sinh Phòng Mỗ người Chiết Đông (phía đông tỉnh Chiết Giang), làm khách ở đất Thiểm (vùng Thiểm Tây), nghèo không về quê được mở trường dạy học trò, thường khoe rằng mình gan dạ lắm. Một đêm đang cởi trần ngủ, chợt bị một con thú lông lá trên không rơi xuống đập vào đầu thành tiếng, thấy to như con chó, thở phì phì, bốn chân khua khoắng, sợ hãi vùng dậy định chạy. Con thú lấy hai chân trước vồ sinh ngã xuống, sinh sợ quá ngất đi. Hồi lâu thấy có người lấy vật nhọn chọc chọc vào mũi, hắt hơi tỉnh dậy. Thấy trong phòng đèn lửa leo lét, có một cô gái đẹp ngồi cạnh giường cười nói: “Bậc nam tử vốn gan dạ lắm mà?” Sinh biết là hồ càng sợ. Cô gái dần dần đùa cợt, sinh lấy lại can đảm, bèn ngủ với nhau. Suốt nửa năm sau cô gái ăn ở với sinh như vợ chồng rất hòa thuận đầm ấm. Một hôm cô gái ngủ trên giường, sinh lén lấy lưới săn chụp lên, cô gái tỉnh dậy không dám động đậy, chỉ năn nỉ gỡ lưới ra, sinh chỉ cười ngất.
Chợt cô gái hóa thành một luồng khí trắng thoát ra khỏi lưới bước trên giường xuống giận dữ nói: “Rốt lại cũng không phải là bạn tốt, mau đưa ta về.” Rồi nắm sinh kéo đi, sinh bất giác bước theo, ra tới cổng thì bay vọt lên trời, khoảng ăn xong bữa cơm thì cô gái buông tay, sinh choáng váng rơi xuống. Gặp khu vườn của một nhà thế gia có hầm nuôi cọp, đóng cọc làm rào, căng lưới bên trên. Sinh rơi xuống mặt lưới, tấm lưới nghiêng đi tuột một bên xuống, bụng sinh vướng vào lưới, người treo lơ lửng trên nóc hầm. Nhìn xuống thấy cọp ngồi chồm hỗm ngước cổ nhìn người rồi nhảy lên vồ, chỉ còn cách có một thước, sinh hồn bay phách lạc. Người coi vườn tới cho cọp ăn nhìn thấy lấy làm kỳ quái, đỡ lên thì sinh đã ngất đi, hồi lâu mới tỉnh kể lại mọi chuyện. Nơi ấy gần đất Chiết, chỉ cách nhà sinh hơn bốn trăm dặm. Người coi vườn báo lại, chủ nhà bèn tặng tiền ăn đường cho sinh về. Sinh thường kể lại cho mọi người nghe, nói: “Tuy bị hai phen sợ chết ngất, nhưng nếu không có hồ thì thật không sao về nhà được.”
430. Cô gái ở Bát Hưng[1]
[1] Bát Hưng nữ.
Người dân họ Vương ở Bát Hưng có con gái đến tuổi cập kê. Nhà thế hào Mỗ thấy xinh đẹp, rình lúc cô gái ra khỏi nhà lén bắt về mà không ai hay biết. Về tới nhà, Mỗ toan cưỡng hiếp, cô gái la thét chống cự kịch liệt, Mỗ bóp cổ giết chết. Ngoài cửa vốn có cái vực sâu, bèn buộc đá vào xác cô gái quăng xuống dưới. Vương tìm con gái khắp nơi không thấy, không biết làm sao. Chợt trời đổ mưa, có một tia chớp bay vòng quanh nhà Mỗ, tiếng nổ ầm ầm, rồi một con rồng đáp xuống rút lấy đầu Mỗ đi mất. Không bao lâu trời tạnh, xác cô gái dưới vực nổi lên, tay cầm một cái đầu người nhìn kỹ thì là đầu thế hào Mỗ. Quan hay tin, bắt người nhà Mỗ tra hỏi, mới rõ được mọi chuyện. Rồng kia là cô gái biến hóa ra chăng, làm sao mà làm được như thế chứ? Lạ thật!
431. Một viên quan[1]
[1] Nhất viên quan.
Ông Ngô là Đồng Tri phủ Tế Nam (tỉnh Sơn Đông), tính ngay thẳng cứng cỏi. Thời bấy giờ có cái lệ xấu là nếu quan lại bớt xén của công bị phát giác thì quan trên cứ che chở cho, đem số thiếu hụt ấy chia đều cho liêu thuộc bắt mỗi người chịu một phần, không ai dám trái lệnh. Có lần ông bị bắt chịu một phần, chối từ không nhận, quan trên ép mãi không được tức giận quát mắng. Ông cũng lớn tiếng quát lại rằng: “Ta tuy giữ chức quan nhỏ nhưng cũng là nhận mệnh lệnh của vua, cách chức thì được chứ chửi mắng thì không được đâu. Muốn giết thì cứ giết, chứ ta không thể đem bổng lộc của triều đình đền thay cho kẻ tham lam phạm pháp được,” quan trên bèn dịu nét mặt xuống giọng vỗ về. Người ta cứ nói thời buổi này không thể sống ngay thẳng được, nhưng đó là do người không ngay thẳng thôi, sao lại đổ rằng vì thời buổi nên không thể sống ngay thẳng được?
Lúc ấy Mục Tình Hoài ở huyện Cao Uyển (tỉnh Sơn Đông) có hồ tới nương tựa, vẫn thường cùng người khảng khái bàn luận, chỉ nghe trên chỗ ngồi có tiếng nói chứ không thấy hình bóng đâu cả. Gặp khi tới quận thành, khách khứa tới gặp gỡ trò chuyện, có người hỏi hồ rằng: “Tiên ông vốn biết mọi việc, xin hỏi trong quận có bao nhiêu viên quan?” Hồ đáp ngay “Một viên.” Mọi người cùng cười rộ, lại hỏi vì sao nói thế, hồ đáp: “Toàn quận tuy có cả thảy bảy mươi hai ông quan, nhưng thật ra chỉ có Đồng tri họ Ngô đáng gọi là quan thôi.”
Thời bấy giờ ông Trương là Tri châu Thái An (tỉnh Sơn Đông), vì cứng cỏi nên người ta gọi là khúc gỗ cứng. Phàm các quan to lên hành hương ở Thái Sơn cứ mang theo tôi tớ xe ngựa đông đúc, phí tổn rất nhiều, dân trong châu khổ về việc cung ứng phục dịch, ông sai bãi bỏ hết. Có lần bị đòi dê lợn, ông nói: “Ta là một con dê đây, một con lợn đây, xin cứ mổ thịt để khoản đãi những người tùy tùng,” quan trên cũng không biết làm sao. Ông từ khi làm quan xa nhà, cách biệt vợ con mười hai năm, vừa tới nhậm chức ở Thái An thì phu nhân cùng công tử từ kinh tới thăm, gặp nhau rất mừng rỡ. Được sáu bảy ngày, phu nhân thong thả nói: “Ông không có tiền bạc gì, sao cứ từ chối không nghĩ tới con cháu?” Ông tức giận mắng lớn, gọi lấy gậy bắt phu nhân phải nằm xuống chịu đòn. Công tử nằm phục lên người mẹ kêu khóc xin chịu đòn thay, ông ra sức đánh thẳng tay, hồi lâu mới thôi. Phu nhân tức giận đỡ công tử lên sai sắp xe ngựa trở về, thề rằng cho dù ông có chết ở đây, ta cũng không tới nữa đâu. Qua năm sau quả nhiên ông chết, không thể nói rằng đây không phải là hạng quan cứng cỏi thời nay được. Nhưng vợ chồng xa cách lâu ngày, sao lại chỉ vì một câu nói mà giận dữ tới mức ấy, cũng bất cận nhân tình lắm. Có điều có thể nghiêm khắc với cả vợ con như thế, thì còn lạ lùng hơn cả chuyện quỷ thần vậy.