Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Dịch Liêu Trai chí dị
Dịch Liêu Trai chí dị
Chưa có bằng chứng để xác định thời điểm Liêu Trai chí dị bắt đầu được phổ biến qua Việt Nam, song căn cứ vào niên đại bản in sớm nhất còn lại đến nay của tác phẩm này (bản in Kha Đình năm Càn Long thứ 31 - 1766) thì có thể đoán định sau khi đất nước thống nhất trở lại đầu thế kỷ XIX, người Việt Nam đã biết tới Liêu Trai chí dị. Tình hình tư liệu hiện nay cũng chưa cho phép trả lời câu hỏi người Việt Nam có dịch Liêu Trai chí dị ra chữ Nôm không, song đã có tình hình một số truyện trong Liêu Trai chí dị được sao chép riêng rời như những truyện kể độc lập trong kho sách Hán Nôm Việt Nam, chẳng hạn tập Thư mục Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (Catalogue des livres en Hán Nôm) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tập II, trang 99 đã kể cả truyện La Tổ trong bản La Tổ truyện ký hiệu A. 2560 vào thư mục sách Hán Nôm Việt Nam, trong khi đó là truyện La Tổ trong Liêu Trai chí dị, quyển IX: có lẽ người soạn mục từ này đã lầm tưởng địa danh “Túc Mặc” thuộc tỉnh Sơn Đông ở Trung Quốc trong truyện là Túc Mặc thuộc tỉnh Nam Định ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra người ta cũng đã thấy trường hợp một số truyện cổ tích Việt Nam lưu truyền đến nay mang dáng dấp cốt truyện, tình tiết một số truyện trong Liêu Trai chí dị như một loại phức thể “song ngữ và song văn hóa”: rõ ràng ngoài việc phổ biến bằng văn bản, tác phẩm này còn được phổ biến với phương thức truyền miệng trong dân gian. Cũng có thể tìm thấy dấu vết ảnh hưởng của Liêu Trai chí dị trong văn học Việt Nam thế kỷ XX qua những câu thơ như “Giấc hồ thơm tóc gái Liêu Trai” của Vũ Hoàng Chương. Tất cả những điều nói trên là kết quả của quá trình tiếp nhận Liêu Trai chí dị ở Việt Nam, quá trình trong đó các bản dịch tác phẩm này ra chữ quốc ngữ La tinh thế kỷ XX đóng vai trò tác nhân quan trọng.
Là khu vực sử dụng chữ quốc ngữ La tinh như chữ viết chính thức đầu tiên ở Việt Nam, Nam Kỳ Lục tỉnh cũng là khu vực mà các bản dịch Liêu Trai chí dị ra chữ quốc ngữ La tinh xuất hiện sớm nhất. Trước Liêu Trai chí dị của nhóm Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Viên Kiều và Ngô Tường Vân (5 quyển, Nhà in J. Viết, Sài Gòn) năm 1916-1918[4], người đọc Lục tỉnh đã được đọc:
[4] Các truyện trong bản dịch Liêu Trai chí dị của Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Viên Kiều và Ngô Tường Vân in năm 1916 - 1918:
Cuốn thứ nhứt (Aout 1916): Chuyện nàng Liên Tỏa (Liên Tỏa), Chuyện nàng Thanh Phụng (Thanh Phượng), Chuyện nàng Ngũ Thu Nguyệt (Ngũ Thu Nguyệt), Chuyện Diệp Sanh (Diệp sinh), Chuyện ăn mày tiên (Cái tiên), Bói tiền (Bốc tiền), Chuyện mồ Tào Tháo (Tào Tháo trủng), Chuyện Tần Cối (Tần Cối), Chuyện nàng Lăng Giác (Lăng Giác), Thay hồn đổi xác (Trường Thanh tăng), Chuyện Trương Hồng Tiệm (Trương Hồng Tiệm).
Cuốn thứ nhì (Septembre 1916): Chuyện Trương Hồng Tiệm (tiếp theo), Chuyện nàng Hồng Ngọc (Hồng Ngọc), Chuyện nàng Hằng Nương (Hằng Nương), Tề Thiên Đại thánh (Tề Thiên Đại Thánh), Chuyện nàng A Bửu (A Bảo), Chuyện ông Lục Phán quan (Lục Phán quan), Chuyện nàng hiệp nữ (Hiệp nữ).
Cuốn thứ ba (Mars 1917): Chuyện nàng hiệp nữ (tiếp theo), Chuyện Mao Đại Phước (Mao Đại Phúc), Chuyện nàng Anh Ninh (Anh Ninh), Chuyện nàng Tiểu Mai (Tiểu Mai), Chuyện Châu nhi (Châu nhi), Quả báo (Chiết lâu nhân), Gươm bén (Khoái đao), Chuyện nàng Nhiếp Tiểu Thiến (Nhiếp Tiểu Thiến), Chuyện họ Đỗ (Đỗ thị).
Cuốn thứ tư (Novembre 1917): Chuyện họ Đỗ (tiếp theo), Chuyện Trần Sanh ở đất Hà Gian (Hà Gian sinh), Con ngươi nói chuyện (Đồng nhãn ngữ) Chuyện nàng Liên Hương (Liên Hương), Chuyện hai anh em Trương Thành (Trương Thành), Chuyện nàng Trần Vân Thê (Trần Vân Thê), Chuyện người Nhạc Trọng (Nhạc Trọng), Chuyện chàng Đại Nam (Đại Nam), Chuyện người Tăng Hữu Vu (Tăng Hữu Vu).
Cuốn thứ năm (Juillet 1918): Chuyện người Tăng Hữu Vu (tiếp theo), Chuyện quan Ngự sử huyện Phong Đô (Phong Đô Ngự sử), Chuyện đám cưới chồn (Hồ giá nữ), Chuyện chàng rể bị ma giấu (Tân lang), Chuyện mưa tiền (Vũ tiền), Chuyện nàng Tiểu Tạ (Tiểu Tạ), Chuyện cỏ Thủy mãng (Thủy mãng thảo), Chuyện nàng Thường Nga (Thường Nga), Chuyện Bành Hải Thu (Bành Hải Thu), Chuyện nàng Trước Thanh (Trúc Thanh).
Bản dịch nhiều truyện trong Liêu Trai chí dị ra tiếng Việt trên báo chí quốc ngữ La tinh, chẳng hạn các bản dịch của Lương Dũ Thúc, Lương Hòa Quý, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Đoan Khai... trên Nông cổ mín đàm từ 1901[5]. Hơn thế nữa, từ Chuyện giải buồn năm 1885, Huỳnh Tịnh Của đã giới thiệu bản dịch một số truyện trong Liêu Trai chí dị, nhưng hàng trăm năm nay nhiều người vẫn tưởng đó là truyện Việt Nam, chẳng hạn truyện Hắc quỷ (Nô lệ da đen) trong Liêu Trai chí dị, quyển XIV: “Giao Châu Lý Tổng trấn mãi nhị hắc quỷ, kỳ hắc như tất, túc cách thô hậu, lập nhẫn vi đồ vãng lai kỳ thượng hào vô sở tổn. Tổng trấn phối dĩ xướng, sinh tử nhi bạch, liêu bộc hý chi, vị phi kỳ chủng. Hắc quy diệc tự nghi, nhân sát tử, cốt tắc tận hắc, thủy hối chi. Công mỗi lệnh lưỡng quỷ đối vũ, thần tình diệc khả quan dã.” (Tổng trấn họ Lý ở Giao Châu mua được hai tên nô da đen, đen bóng như sơn, da chân chai cộm lên, cắm ngược đao đưa mũi nhọn lên cho họ đạp lên đi lại cũng không hề hấn gì. Tổng trấn cưới kỹ nữ cho làm vợ, sinh được con trai da lại trắng, bọn đầy tớ trong nhà đùa giỡn, nói là không phải con y. Tên nô da đen nghi ngờ, giết chết đứa con thì xương đều đen, mới hối hận. Tổng trấn thường sai hai người đối diện với nhau múa hát, thần thái điệu bộ cũng rất dễ nhìn.)
[5] Một số bản dịch Liêu Trai chí dị trên Nông cổ mín đàm:
Lương Dũ Thúc, Thương người khác thể thương thân, ghét người khác thể vun phân cho người, Nông cổ mín đàm, số 5, 6, 7 tháng 8/9/1901, chính là bản dịch truyện Thụy Vân (quyển IV).
Lương Dũ Thúc, Tác thiện thiên giáng chi bá tường, số 19 và 20, ngày 5 và 19/12/1901, chính là bản dịch truyện Thủy mãng thảo, quyển II.
Lương Hòa Quý, Lộng nguyệt thành tiên, số 25, ngày 23/1/1902, chỉnh là bản dịch trưyện Hồ Tử thư, quyển II.
Nguyễn Chánh Sắc, Chuyện Hồng Ngọc, số 51 và 53, ngày 14 và 28/8/1902, chính là bản dịch truyện Hồng Ngọc, quyển III.
Nguyễn Chánh Sắc, Chuyện thần hoa, số 128, ngày 11/1/1904, chính là bản dịch truyện Hoa thần, Phụ lục V, quyển XVI.
Lương Dũ Thúc, Chuột hãy còn có nghĩa, người há chẳng làm nhơn, số 8, ngày 19/9/1901, chính là bản dịch truyện Nghĩa thử, quyển XIII.
Lương Dũ Thúc, Nghĩa khuyển, số 9, ngày 26/9/1901, chính là bản dịch truyện Nghĩa khuyển, quyển XIV. Khuyến Thiện đạo nhân, Hoành tài bất phú, số 49, 50 ngày 31/7 và 7/8/1902 chính là bản dịch truyện Nhiêm Tú, quyển II.
Nguyễn Đoan Khai, Phi ngưu, số 142, ngày 26/5/1904 chính là bản dịch truyện Ngưu phi, quyển XIV.
Nguyễn Chánh Sắc, Chuyện Tần Cối, số 158, ngày 22/9/1904, chính là bản dịch truyện Tần Cối, quyển XVI.
Nguyễn Chánh Sắc, Chuyện mồ Tào Tháo, số 159, ngày 29/9/1904, chính là bản dịch truyện Tào Tháo trung, quyển XVI.
Nguyễn Chánh Sắc, Chuyện Uông Khả Thọ, số 162, ngày 20/10/1904, chính là bản dịch truyện Uông Khả Thụ, quyển XIII.
Nguyễn Chánh Sắc, Chuyện Ngũ Thu Nguyệt, số 163 và 164, ngày 27/10 và 3/11/1904, chính là bản dịch truyện Ngũ Thu Nguyệt, quyển VIII.
Nguyễn Chánh Sắc, Thay hồn đổi xác, số 181, ngày 9/4/1905, chính là bản dịch truyện Trường Thanh tăng, quyển I.
Bản dịch được Huỳnh Tịnh Của giới thiệu trong Chuyện giải buồn, Sài Gòn, 1885 với nhan đề Chuyện Quân Mò Hóng: “Ông Tổng trấn đất Giao Châu mua về hai thằng mọi đen thui như lọ nồi, náng chân nó dày như mo, ngửa lưỡi gươm cho nó đi qua đi lại cũng không động phạm chi cả. Bắt đĩ gả cho nó đĩ sanh con lại ra trắng, bạn tác nó cười nói không phải con nó, nó hồ nghi bắt con mà giết, té ra xương con cũng đen như xương gà ác, mới biết mình lầm. Thường dạy hai đứa múa đánh võ, bộ tịch nó nhảy nhún cũng dễ coi.”
Thật ra “Giao Châu” (huyện thuộc tỉnh Sơn Đông) ở đây không phải là Giao Châu với ý nghĩa là một phần đất đai ở miền Bắc Việt Nam dưới thời Bắc thuộc, song sự trùng hợp về địa danh như vậy đã khiến nhiều người không ngờ rằng đây là chuyện Trung Quốc chứ không phải truyện Việt Nam. Đáng lưu ý là từ cuối thế kỷ XIX, với ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc trong hoàn cảnh Hán học với tư cách là nền cổ học Việt Nam ở Nam Kỳ bị chính quyền xâm lược coi là một đối tượng phải bài trừ, một phong trào dịch thuật văn chương chữ Hán ra tiếng Việt - chữ Nôm đã được dấy lên ở Lục tỉnh[6]. Việc phiên dịch Liêu Trai chí dị của một số người như Lương Dũ Thúc, Lương Hòa Quý, Nguyễn Chánh Sắc là sự nối tiếp phong trào nói trên trong hoàn cảnh mới, với đặc trưng là việc tuân thủ thi pháp văn học truyền thống như chuyển ngữ sát nguyên văn, thậm chí có khi chuyển thể ra thơ lục bát, một thể thơ dân gian truyền thống Việt Nam (khuynh hướng dịch thuật này về sau dường như cũng ít nhiều lặp lại trong bản dịch Liêu Trai của Tản Đà năm 1942). Song bên cạnh đó, việc tiếp xúc toàn diện với phương Tây tư bản cũng đưa tới cho văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX những nguồn lực phát triển mới, tình hình này thể hiện trên phương diện dịch thuật chủ yếu qua lối dịch “phóng tác” mà ngoài Huỳnh Tịnh Của với Chuyện Quân Mò Hóng nói trên còn có thể kể thêm Nguyễn Đoan Khai với bài Phi ngưu tức bản dịch truyện Ngưu phi (Trâu bay) trong Liêu Trai chí dị đăng trên mục Chuyện khôi hài, báo Nông cổ mín đàm số 142, ngày 26/5/1904... Cần nói thêm rằng lối dịch phóng tác ấy về sau sẽ đưa tới cho văn học chịu ảnh hưởng phương Tây ở vùng này một Hồ Biểu Chánh với những Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa phóng tác Sans famille của Hector Malot, Les Misérables của victor Hugo...[7] Hai khuynh hướng bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc và đồng hóa các giá trị văn hóa phương Tây nói trên như vậy đã bổ sung cho nhau trong việc trình hiện bước tiến của văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX trên phương diện dịch thuật văn học, và trong ý nghĩa này, các bản dịch Liêu Trai chí dị đã từng bước trở thành một bộ phận không chỉ của sinh hoạt văn học mà còn cả của sinh hoạt xã hội Việt Nam. Không lạ gì mà tuy có phần muộn hơn văn giới Lục tỉnh, nhưng chẳng phải đến những năm 40 của thế kỷ XX và với những Tản Đà, Nhượng Tống... thì các dịch giả miền Bắc mới dịch Liêu Trai chí dị: mấy chữ triện “Đỗ Văn thư quán” và “Sửa lại và giữ quyền lợi: Phù Văn Librairie” trên trang bìa bản dịch Tân Liêu Trai của Vũ Hi Tô năm 1921-1922 cho thấy bản in này của Nhà sách Phù Văn là bản in lại có sửa chữa bản in của Đỗ Văn thư quán trước đó, nghĩa là trước 1921 người đọc Việt Nam đã có bản dịch một số truyện trong Liêu Trai chí dị theo phương ngữ Bắc in bằng chữ quốc ngữ La tinh.
[6] Xem thêm Cao Tự Thanh, Văn học Hán Nôm ở Gia Định, bài trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập II - Văn học, NXB Thành phố Hổ Chí Minh, 1988, trang 114-115.
[7] Xem thêm Cao Tự Thanh, Vài bản dịch Liêu Trai chí dị đầu thế kỷ XX ở Lục tỉnh, Tạp chí Hán Nôm, số 4, 1996.
Tuy nhiên hoàn cảnh thuộc địa trước 1945 rồi tình trạng chiến tranh và chia cắt đất nước từ 1945 đến 1975 ở Việt Nam đã hạn chế thành tựu phiên dịch Liêu Trai chí dị, mà điểm dễ thấy là việc tuyển dịch vẫn kéo dài đến 1990. Từ các bản dịch vào loại sớm nhất trong Chuyện giải buồn năm 1885 đến nay, những truyện đã được dịch cũng chỉ khoảng trên dưới con số 150, trong đó có khá nhiều là được dịch đi dịch lại. Dĩ nhiên, điều đó cho thấy những truyện ấy là hay, là có giá trị, song như thế không có nghĩa là những truyện khác không hay, không có giá trị. Bên cạnh đó, tạm thời chưa nói tới vấn đề văn bản, thì Liêu Trai chí dị với cái “bản lai chân diện mục” của nó mới được coi là một bộ truyện “chí dị” (ghi chép chuyện lạ) của Bồ Tùng Linh. Chính tính hệ thống của bộ truyện mới làm nên giá trị của tác phẩm vẫn được coi là một trong những ánh phản nghệ thuật độc đáo của cuộc sống xã hội và văn hóa Trung Quốc thời Thanh này. Xuất phát từ quan niệm trên, có thể nghĩ rằng người đọc Việt Nam hiện đang cần có bản dịch trọn bộ Liêu Trai chí dị. Nhưng một bản dịch trọn bộ lại có những khó khăn riêng.
Trước hết, phải nhắc lại vấn đề văn bản. Ngoài chi tiết 431 hay 432 truyện đã nói trên kia, dường như chưa dịch giả Việt Nam nào phiên dịch Liêu Trai chí dị thập di, càng chưa có nhà nghiên cứu nào đặt vấn đề tìm hiểu tác phẩm về mặt văn bản học. Tình hình này thể hiện khá tập trung qua bản dịch Liêu Trai chí dị (tập 1, Nxb. Văn học, 1989), một bản dịch bộc lộ nhiều điểm yếu trí mạng của giới nghiên cứu và dịch thuật Việt Nam trong việc tìm hiểu văn bản Liêu Trai chí dị lúc bấy giờ. Chẳng hạn mặc dù lời giới thiệu có nêu ra nguyên tắc “bám sát bản Hội hiệu hội chú hội bình” của Trương Hữu Hạc (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1962), truyện Mai nữ hòa Phong Vân Đình trong bản dịch này vẫn dịch là “Cô gái họ Mai”, nghĩa là chỉ dịch hai chữ Mai nữ như trong các văn bản truyền thống (?). Hay bản dịch nói trên đã lược bỏ nhiều đoạn “Dị Sử thị nói” trong nguyên bản, trong khi như đã trình bày trên kia, những đoạn “Dị Sử thị” nói ấy chính thể hiện mục đích sáng tác của Bồ Tùng Linh và vì thế cũng bộc lộ ý nghĩa đích thực của tác phẩm. Cần nói thêm rằng lối dịch tùy tiện bớt xén nguyên văn này đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong hoạt động dịch thuật hiện nay, một cung cách góp phần làm cho việc tiếp xúc văn học với thế giới của chúng ta tuy rầm rộ trên bề mặt nhưng chưa đạt được bề sâu văn hóa cần thiết và do đó cũng hàm chứa một nguy cơ tiềm ẩn cho cả hoạt động dịch thuật lẫn sinh hoạt học thuật ở Việt Nam. Cho nên trong bản dịch này chúng tôi giới thiệu toàn văn các truyện trong Liêu Trai chí dị và Liêu Trai chí dị thập di, với mong mỏi được góp phần cung cấp cho người đọc một ý niệm về cái “bản lai chân diện mục” của tác phẩm. Phần Liêu Trai chí dị trong bản dịch này chủ yếu theo bản Hương Cảng, có đối chiếu với bản Đài Bắc để điều chỉnh một số chi tiết cho hợp lý. Phần Thập di thì văn bản chúng tôi sử dụng bị thiếu một truyện trong truyện Quy trấp tứ tắc (Hai mươi bốn truyện ma), nhưng trong điều kiện tư liệu hiện tại chúng tôi chưa thể bổ sung, đây là một thiếu sót mà chúng tôi muốn cáo lỗi trước với người đọc.
Thứ hai, và quan trọng nhất, là việc phiên dịch Liêu Trai chí dị thật rất không dễ dàng. Lời tựa bản dịch Liêu Trai chí dị của nhóm Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Viên Kiều và Ngô Tường Vân năm 1916-1918 từng viết: “Vả lại người mà đặt bộ truyện này đây là có ý nhàm chán việc đời, nên không muốn nói việc người, cứ nói những chuyện hồ chuyện quỷ, mới nghe qua dường như vô lý, chừng xét lại ngẫm cũng hữu tình, tuy là lời nói minh minh, mà kỳ trung cũng có ý thâm minh huyền diệu, rất tiếc vì văn chương từ điệu, dịch ra nôm khó nỗi cho trọn hay”[8].
[8] Liêu Trai chí dị, Traduit en Quốc ngữ par Nguyễn Chánh Sắc (Tân Châu), Rédateur au “Lục tỉnh tân văn”, publié par Phạm Xuân Lẫm, cuốn thứ nhứt, Tour droit réservés, Sài Gòn. Imprimerie J. Viết, Aout 1916.
Mãi đến khi tiếng Việt văn học hiện đại đã thuần thục hơn rất nhiều, ngày 15/5/1958 tạp chí Bách khoa số 33 ở Sài Gòn cũng vẫn phải than thở về những khó khăn trong việc phiên dịch Liêu Trai chí dị:
“... Nhắc đến cổ giai phẩm Trung Hoa, dù có thiên về mấy bộ Tam quốc, Tây sương, mà xưa nay ai đã đành quên Tình sử? Mà đã nhớ Tình sử thì ai nỡ nào quên được Liêu Trai? Cho nên khi bạn Hư Chu, quá bận rộn vì đang mùa thi cử, phải tạm biệt Bách Khoa, thì chúng tôi bèn nhờ một bạn khác đã từng để hai mươi năm học hỏi Hán, Pháp, Anh văn và Thế giới ngữ, vừa làm quen với các bạn qua bản dịch Cuộc thách đố: bạn Kiều Yêu.
Bạn Kiều Yêu đã nhận lời, và đã... khổ sở.
Bởi lẽ trong các tiểu thuyết danh tiếng của Trung Hoa, có lẽ Liêu Trai là khó hiểu hơn hết, lại bởi thêm ngoài cái giá trị văn chương, còn thêm cái giá trị cách mạng; và bởi lẽ bạn Kiều Yêu đã thất vọng với một Tản Đà già dặn, với một Quán Chi khiêm tốn, với một Nhượng Tống tài hoa, lúc ba bậc đàn anh này dịch Liêu Trai chí dị. Văn của Bồ Tùng Linh gãy gọn quá, mà đặc tính này đã xui nên bao sự hiểu lầm cho người đọc ngoại quốc, trong đó có ba nhà văn mà chúng tôi vừa kể.
Cho nên mấy truyện dịch đầu của bạn Kiều Yêu đành phải hơi nhiều lời, quá tân thời, quá rành rọt...”[9]
[9] Một số bản dịch Liêu Trai chí dị của Kiều Yêu trên Bách khoa thời gian 1958 - 1960:
Bạch Thu Luyện (Bạch Thu Luyện) số 33, 15/5/1958
Cát Cân (Cát Cân) số 34, 01/6/1958
Thụy Vân (Thụy Vân) số 35, 15/6/1958
Cô gái đánh sợi (Tích nữ) số 36, 01/7/1958
Vãn Hà (Vãn Hà) số 37, 15/7/1958
Phấn Điệp (Phấn Điệp) số 38, 01/8/1958
Cô bảy họ Tiêu (Tiêu Thất) số 39, 15/8/1958
Vương Quế Am (Vương Quế Am) số 40, 01/9/1958
Cái tiên (Cái tiên) số 41, 15/9/1958
Sen lồng bóng nguyệt (Hàn nguyệt phù cừ) số 42, 01/10/1958
Cẩm Sắt (Cẩm Sắt) số 43, 15/10/1958
Người làm trò rắn (Xà nhân) số 44, 01/11/1958
Ký Sanh con trai Vương Quế Am (Vương Quế Am - Ký Sinh phụ) số 45, 15/11/1958
Xảo kế (Cục trá III) số 46, 01/12/1958
Ái Nô (Ái Nô) số 47, 15/12/1958
Phòng Văn Thục (Phòng Văn Thục) số 49, 15/01/1959
Trương Hồng Tiệm (Trương Hồng Tiệm) số 50, 01/02/1959
Lã Vô Bệnh (Lữ Vô Bệnh) số 52, 01/03/1959
Hai anh em họ Thương (Nhị Thương) số 54, 01/04/1959
Thần ếch (Thanh oa thần) số 67, 15/10/1959
Hằng Nương (Hằng Nương) số 69, 15/11/1959
Lục áp Quan (Lục áp Quan) số 71, 15/12/1959
Tương Quần (Tương Quần) số 74, 01/02/1960
Cô Tiêm (A Tiêm) số 77, 15/3/1960
Ngựa trong tranh (Họa mã) số 81, 15/5/1960.
Phải thừa nhận rằng ở Việt Nam hơn một thế kỷ qua có tình trạng chung là trình độ sử dụng tiếng Việt tăng lên thì trình độ hiểu biết chữ Hán giảm xuống, tuy nhiên vấn đề ở đây không chỉ gói gọn trong phạm vi ngôn ngữ. Chúng tôi không dám quá phận mà phê phán những người đi trước, nhưng quả thật lối dịch bỏ qua các yếu tố hình thức - nghệ thuật của nguyên tác trong các bản dịch Liêu Trai chí dị xuất bản khoảng hai mươi năm gần đây cho thấy chúng ta vẫn chưa xác lập được những chuẩn mực đúng đắn cần thiết trong việc dịch thuật văn học nói chung và dịch thuật văn học chữ Hán trong đó có Liêu Trai chí dị nói riêng. Là một tập hợp các tác phẩm tiểu thuyết - truyện ngắn tự sự, Liêu Trai chí dị nói chung ít dùng điển cố song cũng chứa đựng nhiều yếu tố thi pháp văn học Trung Hoa cổ điển như lối dùng chữ súc tích, đặt câu ngắn gọn, hành văn đăng đối, kết cấu chặt chẽ. Trong một số trường hợp, tác giả còn đưa vào tác phẩm những bài văn biền ngẫu khá dài, chẳng hạn bài sớ của nhân vật Long đồ học sĩ họ Bao trong truyện Tục hoàng lương (quyển V), đoạn “Dị Sử thị nói” cuối truyện Đổ phù (quyển VI), bài “Tục Diệu âm kinh” chép phụ cuối truyện Mã Giới Phủ (quyển X), lời án từ của nhân vật Ngô Nam Đại trong truyện Yên Chi (quyển XIV), hay bài hịch đánh Phong thị (thần gió) trong truyện Hoa thần (quyển XVI)... Xuất phát từ quan niệm những chi tiết hình thức - yếu tố nghệ thuật ấy là một bộ phận hữu cơ góp phần thể hiện nội dung và làm nên giá trị của tác phẩm, chúng tôi đã cố gắng truyền đạt chúng trong bản dịch Liêu Trai chí dị này. Các chú thích từ ngữ, điển cố cần thiết trong bản dịch được trình bày thật ngắn gọn và chủ yếu chỉ chú thích trong lần xuất hiện đầu tiên. Mặc dù khởi sự phiên dịch Liêu Trai chí dị từ mười năm nay và đã học được nhiều điều từ bản dịch của những người đi trước, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa hài lòng về bản dịch này trên nhiều phương diện. Song được sự tán trợ và khuyến khích của Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, chúng tôi cũng mạnh dạn đưa in bản dịch này, với mong mỏi nó có thể ít nhiều góp phần khắc phục những thiếu sót và bất cập của chúng ta trong việc đọc và dịch Liêu Trai chí dị. Tuy nhiên tới lượt nó sự khắc phục ấy cũng có những thiếu sót và bất cập, nên chúng tôi hy vọng nhận được sự chỉ giáo của người đọc gần xa.
Tháng 2.2005
Người dịch.