Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển I - Chương 001 - 002 - 003 - 004

Quyển I

1. Thi Thành Hoàng[1]

[1] Khảo Thành Hoàng.

Ông nội người anh rể của ta họ Tống húy Đạo, là Lẫm sinh[2] trong huyện. Một hôm ông bệnh nằm trong nhà, thấy có viên lại cầm công văn dắt một con ngựa bờm trắng tới nói: “Mời ông đi thi.” Ông nói: “Quan chấm thi chưa tới, làm sao mà thi?” Viên lại không đáp, chỉ giục đi mau. Ông ra sức cưỡi ngựa chạy nhanh theo, đường đi rất lạ, tới một nơi thành quách như kinh đô của bậc vương giả.

[2] Lẫm sinh: học trò trường phủ học ở Trung Quốc thời Thanh, được hưởng học bổng và miễn một số nghĩa vụ thuế má giao dịch.

Lát sau vào một công thự, cung thất tráng lệ, ở trên có mười người ngồi, đều không biết là ai, chỉ nhận ra là có Quan Đế[3]. Dưới thềm bày hai cái bàn hai cái ghế, đã có một vị Tú tài ngồi trước, ông cũng tới ngồi cạnh. Bàn nào cũng có sẵn giấy bút, ngay sau đó đề thi đưa xuống, nhìn vào thấy có tám chữ “Nhất nhân nhị nhân, hữu tâm vô tâm” (Một người với hai người, hữu ý hay vô ý). Hai người làm bài xong trình lên, bài của ông có câu “Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng, vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt” (Có ý làm điều thiện, dù thiện cũng không thưởng, vô ý làm điều ác, dù ác cũng không phạt).

[3] Quan Đế. tức Quan Vũ, còn gọi là Quan Công, tự Vân Trường, em kết nghĩa và là tướng của Lưu Bị, Tiên chủ nhà Thục Hán thời Tam quốc, nổi tiếng nghĩa khí, được nhân dân Trung Quốc thờ là thần, thời Tống phong tặng là Quan Thánh Đế quân.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Các thần chuyền tay nhau xem, khen ngợi không thôi, gọi ông lên dụ rằng: “Ở Hà Nam khuyết một chỗ Thành hoàng, ông xứng đáng giữ chức ấy.” Ông mới hiểu ra, lạy phục xuống khóc nói: “Được ban mệnh lệnh, đâu dám chối từ! Nhưng còn có mẹ già bảy mươi tuổi không người phụng dưỡng, xin chờ khi đã trọn tuổi trời sẽ vâng mệnh giữ chức.” Ở trên có một vị dáng mạo như bậc đế vương lập tức ra lệnh: “Tra sổ xem mẹ ông ta thọ được bao nhiêu.” Có một viên lại râu dài giở sổ ra xem lại một lượt bẩm rằng: “Còn thọ chín năm nữa.” Mọi người đang ngần ngừ, Quan Đế nói: “Không sao, cứ sai Trương sinh thay, đủ hạn chín năm sẽ giao cho ông ta giữ chức cũng được.” Rồi nói với ông rằng: “Lẽ ra phải đi nhận chức ngay, nhưng nay nghĩ tới lòng hiếu thảo nên cho hoãn chín năm, đến hạn sẽ lại triệu.”

Lại khuyến dụ vị Tú tài kia mấy câu, hai người cùng lạy lui ra. Vị Tú tài nắm tay ông đưa ra tới ngoài thành, tự nói là họ Trương ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông), có thơ đưa tiễn nhưng ông quên cả, chỉ nhớ được hai câu “Hữu hoa hữu tửu xuân thường tại, Vô nguyệt vô đăng dạ tự minh” (Có hoa có rượu xuân thường cạnh, Không nến không trăng tối tự soi).

Ông đã lên ngựa, bèn chia tay rồi đi, về tới làng mới giật mình tỉnh dậy. Lúc ấy ông đã chết ba ngày rồi, mẹ ông nghe trong quan tài có tiếng rên rỉ bèn tới đỡ ra, nửa ngày sau mới nói được. Hỏi thăm thì hôm ấy ở Trường Sơn quả có Trương sinh chết.

Chín năm sau quả nhiên mẹ ông mất, ông lo liệu tang ma xong, tắm gội vào phòng nằm rồi tắt hơi. Cha vợ ông ở cửa tây trong thành, chợt thấy ông tới, nghi vệ lộng lẫy, tùy tùng rất đông, vào nhà lên thềm lạy một lạy rồi đi. Người nhà thảy đều ngờ sợ, không biết ông đã làm thần, vội tới làng để hỏi mới hay ông đã chết rồi. Ông có tự viết lại tiểu truyện của mình, tiếc là sau loạn đã mất, trên đây chỉ là tóm tắt lại mà thôi.

2. Người trong con ngươi trò chuyện[1]

[1] Đồng nhân ngữ.

Người học trò ở Trường An là Phương Đống, cũng có tài danh nhưng tính khinh bạc không giữ lễ nghi, cứ ra đồng gặp con gái đi chơi là lập tức theo tán tỉnh.

Một hôm trước tiết Thanh Minh đi chơi ngoài thành thấy một chiếc xe nhỏ mui gấm rèm thêu, có vài người tỳ nữ cưỡi ngựa thong thả theo sau, trong đó có một nàng cưỡi con ngựa tốt, dung mạo rất đẹp. Bèn tới gần nhìn, thấy rèm xe đang vén lên, bên trong có một nữ lang trạc mười sáu tuổi, trang sức lộng lẫy, bình sinh chưa thấy ai đẹp như vậy nên mắt hoa đầu váng cứ đuổi theo nhìn, khi thì chạy lên trước, lúc thì tụt lại sau, theo suốt mấy dặm.

Chợt nữ lang gọi người tỳ nữ tới cạnh xe nói: “Buông rèm xuống cho ta! Gã tiểu tử ngông cuồng kia ở đâu dám lại đây nhìn ngó?” Người tỳ nữ buông rèm xe xong ngoái nhìn sinh giận dữ nói: “Đây là vợ mới cưới của Thất lang ở thành Phù Dung về nhà thăm cha mẹ, không phải như các cô gái nhà quê, phải dạy cho học trò hỗn láo nhà ngươi mới được.” Dứt lời cầm một cục đất dính ở bánh xe ném vào mặt sinh, sinh tối cả mắt lại. Đến khi gỡ được bùn đất ra nhìn thì đoàn xe ngựa đã đi xa, sợ hãi trở về.

Thấy con mắt xốn xang rất khó chịu, nhờ người khác vạch mi mắt ra xem thì trong con ngươi có một cái màng, qua một đêm càng cộm thêm, nước mắt chảy giàn giụa không ngừng. Cái màng ấy ngày càng to, qua vài ngày dày như đồng tiền, mắt trái cũng bị sưng như vậy, thuốc thang gì cũng không khỏi, buồn rầu muốn chết, tự lấy làm hối hận.

Nghe nói kinh Phật có thể giải ách bèn tìm một quyển, nhờ người đọc cho để học thuộc lòng mà tụng. Buổi đầu còn thấy lo lắng phiền não, sau dần thấy tinh thần thư thái, ban tối rảnh rỗi thì ngồi xếp bằng lần tràng hạt mà niệm, được một năm thì thấy hoàn toàn yên ổn.

Chợt nghe trong con mắt bên trái có một giọng nói nhỏ như tiếng nhặng vo ve rằng: “Tối tăm như ban đêm thế này, ai mà chịu nổi.” Trong con mắt bên phải cũng có một giọng đáp: “Hay chúng ta cùng ra ngoài chơi một lúc đi, cho đỡ buồn bực.” Kế sinh dần dần thấy trong mũi có cái gì cọ quậy rất ngứa ngáy, như có con vật bò ra, một lúc lâu thì trở lại, lại theo lỗ mũi mà vào. Vào tới trong lại nói: “Lâu quá không ra vườn chơi, giò lan trân châu đã chết khô rồi.”

Sinh vốn rất thích lan, trong vườn trồng rất nhiều, hàng ngày vẫn ra tưới bón, nhưng từ khi bị lòa thì lâu không hỏi tới. Lúc bấy giờ chợt nghe thấy thế, bèn căn vặn vợ: “Sao lại để lan chết khô như vậy?” Vợ hỏi sao biết, sinh kể lại nguyên do, vợ ra vườn nhìn xem thì giò lan quả đã khô quắt rất lấy làm lạ lùng. Bèn lặng lẽ núp lại trong phòng, thấy có hai người bé tí nhỏ hơn hạt đậu từ trong lỗ mũi sinh bò ra thoắt cái đã ra khỏi cửa, nhìn theo thì đã mất dạng. Loáng sau lại sóng đôi bay về, đáp xuống mặt sinh, lại như con ong về tổ chui trở vào, cứ như thế suốt hai ba hôm.

Chợt sinh nghe người bên mắt trái nói: “Đường hầm quanh co khuất khúc, ra vào qua lại bất tiện quá, chẳng bằng mở lấy một cái cửa.” Người bên mắt phải nói: “Vách bên ta rất dày, không dễ đâu.” Người bên mắt trái nói: “Để ta phá thử xem, nếu được sẽ cùng ngươi dùng chung.” Kế thấy trong con mắt trái như có cái gì xé toạc ra, giây lát mở mắt ra nhìn, thì lại thấy mọi vật như thường.

Sinh mừng rỡ nói với vợ, vợ tới xem thì thấy cái màng trong mắt trái đã vỡ ra một lỗ, tròng đen di động như hạt tiêu. Qua một đêm thì lớp màng mất sạch, nhìn kỹ vào thì thấy mắt có hai con ngươi nhưng mắt phải vẫn bị sưng phồng lên như cũ, mới biết hai người trong mắt đã sang ở chung một chỗ. Sinh tuy chỉ có một mắt, nhưng sáng chẳng kém người còn đủ hai mắt, nhìn gì cũng thấy. Từ đó ngày càng tự kiểm thúc, người làng khen là có nết tốt.

Dị Sử thị nói: Làng ta có người học trò cùng hai người bạn đi trên đường, thấy xa xa có một thiếu phụ bèn thúc lừa chạy vượt lên ngâm đùa rằng: “Có người đẹp chừ.”[2] Rồi nhìn hai người bạn nói: “Đuổi theo mau”, định trêu ghẹo đùa bỡn. Giây lát đuổi kịp thì là vợ con trai, mất cả khí thế, ngậm tăm không nói gì. Hai người bạn lại làm ra vẻ không biết, cứ bô bô bình luận này nọ. Người học trò sượng ngắt, ấp a ấp úng nói: “Đây là con dâu lớn của ta”, họ mới nhịn cười mà thôi đi. Kẻ tính hạnh khinh bạc thành ra tự làm nhục mình, thật đáng cười vậy. Đến như mù mắt hết thấy đường, thì đó là quỷ thần báo oán đấy. Thành chủ thành Phù Dung không rõ là thần nào, hay là Bồ Tát hiện thân chăng? Nhưng lang quân bé tí phá vách mở cửa, thì quỷ thần tuy ghét kẻ xấu nết cũng đâu không cho người ta tự sửa mình.

[2] “Có người đẹp chừ”: nguyên văn là “Hữu mỹ nhân hề”, chữ trong bài Phượng cầu hoàng của Tư Mã Tương Như hát khi khêu gợi Trác Văn Quân: “Hữu mỹ nhân hề, kiến chi bất vương (vong), Nhất nhật bất kiến hề, tư chi như cuồng...” (Có người đẹp chừ, gặp rồi không quên, Một ngày không gặp chừ, nhớ như điên cuồng), ở đây người học trò đọc để trêu gái.

3. Bức tường vẽ tranh[1]

[1] Họa bích.

Mạnh Long Đàm người Giang Tây cùng Hiếu liêm họ Chu lên trọ ở kinh đô, tình cờ tới chơi chùa nọ. Thấy điện Phật, hành lang, thiền phòng đều không có gì to lớn rộng rãi, chỉ có một nhà sư già trú ngụ.

Sư thấy có khách tới, xốc áo ra đón, dẫn đi xem khắp nơi. Trong điện có tượng thần sư Chí Công, hai vách vẽ tranh rất tinh xảo, nhân vật đều như thật, tường bên đông vẽ bức tranh thiên nữ rắc hoa, trong có một người tóc xõa cầm hoa mỉm cười, môi son như động, sóng mắt như đưa.

Chu chăm chú nhìn một lúc lâu, bất giác thần trí tiêu tan, chợt thấy thân thể phơi phới như đằng vân giá vũ, đã lên tới trên vách. Thấy điện gác chập chồng không phải như ở cõi trần, có một vị sư già đang ngồi trên tòa giảng kinh, những người khoác áo hở vai đứng nghe rất đông,

Chu cũng trà trộn vào đứng trong đó. Giây lát thấy như có người ngầm kéo áo mình, quay nhìn thì thấy thiên nữ xõa tóc cười tủm tỉm quay đi bèn lập tức đi theo qua hành lang quanh co thì tới một gian phòng nhỏ, ngần ngừ không dám bước tới. Cô gái quay đầu giơ cành hoa trong tay vẫy vẫy ra hiệu gọi, bèn bước theo vào, thấy trong phòng không có một ai. Chu sấn tới ôm, nàng cũng không chống cự gì lắm bèn cùng nhau giao hoan. Xong rồi nàng đóng cửa đi, dặn Chu đừng ho hắng, đến đêm lại trở lại, như thế hai ngày.

Chị em bạn biết, cùng nhau kéo tới tìm được sinh, đùa nói với cô gái rằng: “Tiểu lang trong bụng đã lớn, mà còn để tóc bồng bồng học làm gái chưa chồng à?” Rồi cùng đưa trâm cài tóc và hoa tai bảo búi tóc cao lên, cô gái thẹn thùng không nói năng gì. Một nàng nói: “Chị em ơi, đừng ở đây lâu, e người ta không vui,” mọi người cười rộ kéo đi.

Sinh thấy cô gái tóc mây búi cao, trâm phụng rủ thấp, so ra còn đẹp hơn nhiều so với lúc còn xõa tóc. Nhìn quanh không có ai bèn cùng nhau lên giường, mùi lan xạ thơm ngát ngây ngất lòng người. Còn đang vui vầy chợt nghe tiếng ủng da cồm cộp, khóa sắt loảng xoảng, lại có tiếng tranh cãi huyên náo.

Cô gái hoảng sợ vùng dậy cùng Chu ra nhìn trộm thì thấy một sứ giả giáp vàng mặt đen như sơn, tay khóa tay chùy, các thiên nữ đứng chung quanh. Sứ giả hỏi: “Đã đủ cả chưa?” Họ trả lời đã đủ cả. Sứ giả nói: “Nếu có giấu giếm người dưới trần thì phải khai ngay ra, đừng để phải chịu tội,” mọi người lại đồng thanh nói không có. Sứ giả quay người ngạc nhiên nhìn quanh như tìm kẻ trốn lánh, cô gái cả sợ mặt xám như tro, hớt hải nói với Chu: “Trốn xuống gầm giường mau,” rồi mở cánh cửa nhỏ bên vách trốn đi.

Chu nằm im không dám thở mạnh, kế nghe tiếng ủng da bước vào trong phòng rồi trở ra, không bao lâu tiếng ồn ào xa dần, trong lòng hơi yên nhưng ngoài cửa vẫn có người qua lại bàn bạc. Chu thấp thỏm hồi lâu, thấy ù tai hoa mắt không sao chịu nổi nữa, chỉ im lặng nghe ngóng chờ cô gái quay lại, cũng không nhớ được rằng mình vốn từ đâu tới đây.

Lúc ấy Mạnh Long Đàm ở trong điện, chớp mắt không thấy Chu đâu, ngờ vực hỏi sư, sư cười nói: “Đi nghe giảng kinh rồi.” Hỏi ở đâu, sư đáp không xa, kế lấy ngón tay búng lên tường gọi: “Chu đàn việt, sao đi chơi lâu không về thế?” liền thấy trong búc tranh trên vách có hình Chu đang nghiêng tai nhón chân như nghe ngóng.

Sư lại gọi nói: “Ông bạn đi cùng đợi lâu rồi!” Chu bèn lãng đãng trên vách bước xuống, lòng lạnh người ngây, mắt hoa chân nhũn. Mạnh cả sợ, từ từ hỏi han thì là Chu đang nằm dưới gầm giường nghe tiếng gõ cửa như sấm bèn ra khỏi phòng nghe trộm. Cùng nhìn tới cô gái cầm hoa thì thấy tóc đã búi cao chứ không buông xuống như trước. Chu hốt hoảng vái lạy sư già hỏi duyên cớ, sư cười nói: “Ảo giác từ lòng người sinh ra, lão tăng làm sao giải thích được?” Chu lo lắng không nói ra, Mạnh sợ sệt không kìm được, lập tức đứng lên lần theo bậc thềm ra về.

Dị Sử thị nói: Ảo giác từ lòng người sinh ra, lời ấy giống như của kẻ có đạo. Người có lòng dâm tà sẽ sinh ra cảnh bậy bạ, người có lòng bậy bạ sẽ sinh ra cảnh đáng sợ. Bồ Tát điểm hóa kẻ mê muội, làm ra ngàn muôn ảo giác, đều do lòng người động mà nhìn thấy thôi. Sư già thiết tha điểm hóa, tiếc là không thấy hai người kia nghe xong chợt giác ngộ, xõa tóc vào núi vậy.

4. Trồng lê[1]

[1] Chủng lê.

Có người nhà quê bán lê ở chợ, ngon ngọt thơm tho, bán giá rất đắt. Có một đạo sĩ khăn rách áo cũ đứng xin trước xe, người nhà quê đuổi không chịu đi, tức giận chửi mắng. Đạo sĩ nói: “Một xe lê hàng vài trăm quả, lão nạp chỉ xin một quả, đối với cư sĩ có mất mát bao nhiêu, sao lại tức giận?”

Người chung quanh khuyên nên lựa một quả nhỏ cho để đạo sĩ đi, nhưng người nhà quê nhất quyết không chịu. Có người làm công trong phố thấy cãi vã bực mình bèn trả tiền mua một quả đưa cho đạo sĩ, đạo sĩ cảm tạ rồi nói với mọi người rằng: “Người tu hành không được keo bẩn, ta có trái lê ngon, xin đưa ra mời khách.”

Có người nói: “Ông đã có được, sao không ăn?” Đạo sĩ đáp: “Ta chỉ cần cái hạt làm giống thôi.” Rồi bóp vỡ quả lê, lấy hạt ra cầm trong tay, rút cái xẻng nhỏ trên vai đào đất sâu xuống mấy tấc, thả cái hạt lê vào rồi lấp lại, xin người trong chợ cho nước sôi tưới. Có kẻ hiếu sự chạy vào quán cơm cạnh đường xin được nước sôi, đạo sĩ bèn cầm lấy rót lên cái hố. Mọi con mắt đổ dồn vào, đều thấy cái mầm nhú lên, giây lát lớn thành cây lê, cành lá thưa thớt, chợt nảy hoa, chợt thành quả, to lớn thơm tho, kĩu kịt đầy cây.

Đạo sĩ bèn đứng ở trước cây hái chia cho mọi người đứng xem, trong giây lát hết sạch, rồi lấy cái xẻng chặt, cây lê kêu răng rắc hồi lâu đổ xuống, đạo sĩ bèn vác lên lấy cành lá che đầu, ung dung bỏ đi.

Lúc đạo sĩ bắt đầu làm phép, người nhà quê kia cũng đứng lẫn trong đám đông xem, vươn cổ nhướng mắt quên cả xe lê. Khi đạo sĩ bỏ đi mới nhìn lại xe thì lê đã hết sạch, mới biết vừa rồi ông ta phân phát đều là lê của mình. Lại nhìn kỹ thì thấy trong xe mất một cái cuốc, dấu gãy còn mới tinh, trong lòng tức giận. Vội vàng đuổi theo, qua khỏi góc tường thì thấy cái cuốc gãy vứt lại trên mặt đất, mới biết đó là đạo sĩ lấy làm thân cây lê. Đạo sĩ thì chẳng biết ở đâu, cả chợ cứ tủm tỉm cười.

Dị Sử thị nói: Người nhà quê khư khư tiếc của, sự ngây ngốc có thể thấy rõ, đến nỗi bị người trong chợ cười, có lạ gì. Từng thấy trong làng có người vốn nổi tiếng giàu có, mà bạn thân tới xin gạo thì tiếc của, kể lể rằng: “Đây là mấy ngày ăn đấy.” Có người giúp đỡ được một kẻ hoạn nạn, nuôi được một bữa cơm, thì tức tối kể lể rằng: “Ăn bằng năm bằng mười người thường.” Thậm chí đối với cả cha con anh em cũng so kè từng ly từng tí. Thế mà tới lúc máu đỏ đen nổi lên thì dốc rương cờ bạc không nuối tiếc, kẻ cướp kề dao vào cổ thì vét tiền chuộc mạng không nề hà. Như hạng người ấy mới là nói không hết, chứ người nhà quê ngu ngốc kia đâu đã đủ để lạ lùng?