Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển I - Chương 005 - 006 - 007

5. Đạo sĩ núi Lao[1]

[1] Lao Sơn đạo sĩ.

Huyện ta có Vương sinh, bày hàng thứ bảy, là con nhà thế gia cũ. Lúc trẻ mộ đạo, nghe nói núi Lao (ở huyện Túc Mặc tỉnh Sơn Đông) có nhiều thần tiên, bèn khăn gói tới tìm, lên tới một ngọn núi, thấy có đạo quán rất tịch mịch u nhã. Thấy có một đạo sĩ ngồi trên nệm cỏ tròn, tóc trắng xõa tới vai nhưng dung mạo tráng kiện. Lạy chào bắt chuyện, thấy rất tinh thông đạo lý huyền diệu, xin nhận làm thầy.

Đạo sĩ nói: “Sợ sức vóc mảnh dẻ không chịu nổi cực khổ.” Thưa rằng: “Chịu được.” Học trò của đạo sĩ rất đông, chiều tối kéo hết về, Vương đều vái chào làm lễ ra mắt rồi ở lại trong đạo quán. Mờ sáng đạo sĩ gọi Vương đi, đưa búa sai theo mọi người đốn củi, Vương kính cẩn nghe theo. Hơn một tháng tay chân nổi chai, không chịu nổi khổ cực ngầm có ý muốn về.

Một chiều hái củi về, thấy hai người đang cùng thầy uống rượu, trời đã tối vẫn không có đèn đuốc gì, thầy bèn cắt giấy thành hình tấm gương dán lên vách, trong chốc lát như vầng trăng sáng vằng vặc trên vách, chiếu rõ từng sợi tóc, đám học trò xúm quanh lui tới hầu hạ. Một người khách nói: “Đêm đẹp vui vẻ không nên riêng hưởng”, bèn cầm bầu rượu trên bàn chia cho bọn học trò, lại nói cứ uống thật say. Vương tự nhủ: “Có bảy tám người, một bầu rượu làm sao mà đủ?”

Ai nấy đều đi tìm tô chén tranh nhau rót trước, chỉ sợ hết rượu nhưng rót đi rót lại mà rượu trong bầu vẫn không vơi, thầm lấy làm lạ. Giây lát một vị khách nói: “Đã được ơn ban cho trăng sáng, nhưng vắng vẻ quá, sao không gọi Thường Nga tới?” Đạo sĩ bèn lấy đũa ném vào vầng trăng, thì thấy một mỹ nhân từ trong vầng ánh sáng bước ra, lúc đầu cao chưa đầy một thước, tới đất thì cao bằng người thường, lưng thon cổ đẹp, phấp phới múa khúc Nghê thường, múa xong hát rằng:

“Tiên tiên ơi, về đi thôi

Chốn Quảng Hàn đây ta lẻ loi.”

Âm thanh trong trẻo cao vút sánh với tiếng tiêu. Hát xong lại múa vòng rồi nhảy lên bàn, trong chớp mát lại trở thành chiếc đũa. Ba người cười rộ, lại một vị khách nói: “Đêm nay vui quá nhưng tửu lượng có hạn, xin tiễn bọn ta ở cung trăng được không?” Ba người rời bàn rượu dần dần vào vầng trăng, mọi người nhìn thấy ba người ngồi trong vầng trăng uống rượu, râu tóc đều rõ mồn một như nhìn vào trong gương.

Lát sau vần trăng tối dần, học trò đốt đuốc tới thì chỉ có đạo sĩ ngồi một mình ở bàn, mà khách đã đi mất rồi. Thức ăn trên bàn hãy còn mà vầng trăng trên vách chỉ còn là một mảnh giấy tròn như tấm gương mà thôi. Đạo sĩ hỏi mọi người: “Đã uống đủ chưa?” Thưa: “Đã đủ rồi.” “Đủ rồi thì đi ngủ cho sớm, đừng để lỡ việc kiếm củi sáng mai,” mọi người vâng dạ lui ra. Vương thầm thích thú hâm mộ, không muốn về nữa.

Lại đến một hôm thấy khổ cực không thể chịu nổi mà đạo sĩ vẫn không dạy cho một phép thuật nào, không chờ được nữa bèn cáo từ nói: “Đệ tử từ mấy trăm dặm tới học đạo, giả như không được dạy phép trường sinh thì cũng mong được dạy chút thuật nhỏ cho thỏa lòng cầu đạo. Thế nhưng đã hai ba tháng, chẳng qua chỉ sáng đi hái củi chiều trở về, lúc đệ tử ở nhà chưa quen khổ cực thế này bao giờ.” Đạo sĩ cười nói: “Ta đã nói rằng ngươi không chịu nổi cực khổ, nay quả đúng thế, sáng mai sẽ đưa ngươi về.” Vương nói: “Đệ tử làm lụng nhiều ngày, xin thầy dạy qua một thuật nhỏ để không phụ công tới đây.” Đạo sĩ hỏi muốn học thuật gì, Vương nói: “Thường thấy thầy đi đâu, tường vách đều không ngăn cản được, nếu học được phép ấy cũng là đủ rồi.”

Đạo sĩ cười nhận lời rồi truyền cho khẩu quyết, sai tự niệm lấy xong, hô lớn: “Vào đi!” Vương thấy vách không dám bước vào, đạo sĩ lại nói: “Thử vào xem!” Vương lại thong thả bước vào vách, nhưng gặp tường lại bị ngăn lại. Đạo sĩ nói: “Cúi đầu vào mau, đừng chần chừ,” Vương lại tránh ra mấy bước rồi chạy mau vào, tới tường thấy trống không như không có gì, quay lại nhìn thì đã ở phía ngoài rồi. Cả mừng trở vào tạ ơn, đạo sĩ nói: “Về tới nhà nên giữ mình trong sạch, không thì phép không nghiệm đâu,” rồi cấp cho lộ phí về nhà.

Vương về tới nhà khoe là đã học qua phép tiên, tường vách cứng rắn cũng không ngăn cản được. Vợ không tin, Vương bèn làm như trước, đứng cách tường mấy thước rồi lao nhanh vào, đầu va phải tường ngã quay ra. Vợ tới đỡ dậy nhìn, thì trên trán nổi cục u to bằng quả trứng. Vợ cười nhạo, Vương thẹn thùng tức tối, chỉ còn cách chửi đạo sĩ già bất lương mà thôi.

Dị Sử thị nói: Nghe chuyện này không ai không cười lớn, nhưng không biết rằng những kẻ như Vương sinh trên đời lại có rất nhiều. Nay có kẻ ngu xuẩn ưa chất ngọt có độc mà sợ thuốc đắng châm đau, lại có kẻ hút mủ liếm trĩ[2] dâng cái thuật khoe oai sính bạo để đón ý, khinh suất nói đem thuật này có thể hoành hành không ai cản trở nổi. Buổi đầu làm thử thì chưa từng không có chút ít kết quả, bèn cho rằng thiên hạ to lớn cũng có thể theo đó mà làm, nếu không húc đầu vào tường cứng mà ngã quay ra thì không chịu thôi đâu.

[2] Hút mủ liếm trĩ: nguyên văn là “thỉ ung tuấn trĩ”, chữ trong Nam hoa kinh, Liệt Ngự Khấu, chỉ hành động nịnh hót hèn hạ để tiến thân của kẻ vô sỉ.

6. Nhà sư ở Trường Thanh[1]

[1] Trường Thanh tăng.

Có nhà sư ở Trường Thanh (tỉnh Sơn Đông) đạo hạnh cao khiết, tuổi đã hơn tám mươi vẫn còn khỏe mạnh. Một hôm chợt ngã chúi xuống, các sư trong chùa chạy tới đỡ dậy thì đã viên tịch rồi. Nhưng nhà sư không biết mình đã chết, hồn cứ bay đi, tới địa giới tỉnh Hà Nam.

Ở Hà Nam có con nhà thân hào dẫn hơn mười người cưỡi ngựa thả ưng săn thỏ, ngựa lồng lên rơi xuống đất chết, hồn nhà sư vừa tới đó bèn nhập luôn vào, dần dần tỉnh lại. Đám đầy tớ xúm lại hỏi han thì cứ giương mắt nói: “Sao ta lại tới đây?” Mọi người bèn đỡ về nhà, vào cửa thì đám thê thiếp môi son má phấn xúm lại thăm hỏi, phát hoảng nói: “Ta là sư mà, sao lại tới đây?” Mọi người cho là còn choáng váng, ghé vào tai nhắc cho mà sư cũng chẳng hiểu nổi, bèn nhắm mắt không nói gì nữa. Cơm đưa tới nếu gạo xấu thì ăn, rượu thịt thì chối từ, đêm ngủ một mình, không cho thê thiếp hầu hạ.

Sau vài hôm chợt muốn dạo chơi, mọi người đều mừng rỡ. Ra tới bên ngoài, vừa dừng bước thì đám tôi tớ xúm tới, sổ sách tiền gạo tranh nhau đưa trình, nhao nhao xin lệnh. Công tử lấy cớ có bệnh còn mệt, nhất nhất chối từ, chỉ hỏi: “Có biết huyện Trường Thanh tỉnh Sơn Đông ở đâu không?” Mọi người cùng thưa có biết. Công tử bèn nói: “Ta thấy buồn bực không vui, muốn tới đó chơi, mau sắp sửa hành trang.” Mọi người nói vừa khỏi bệnh chưa nên đi xa, công tử không nghe.

Hôm sau lên đường, tới huyện Trường Thanh thấy phong cảnh vẫn như cũ, không phải hỏi đường một ai, đi thẳng tới chùa. Các sư đệ tử thấy khách sang tới, đón tiếp rất cung kính. Công tử hỏi: “Sư già ở đâu?” Họ đáp: “Thầy bọn ta vừa mất.” Hỏi mộ ở đâu, các sư bèn đưa tới, thì thấy ba thước mộ lẻ loi, cỏ hoang còn chưa phủ kín, các sư đều không biết khách có ý gì. Đến khi lên ngựa ra về, dặn rằng: “Thầy của các ngươi là sư giữ gìn đạo hạnh, những vật còn để lại nên giữ cho kỹ, đừng để hư hỏng chút gì.” Các sư vâng dạ, công tử bèn lên đường.

Về tới nhà ngơ ngác thẫn thờ, chẳng nhìn ngó gì tới việc gia đình. Được vài tháng ra cửa trốn đi một mình, về thẳng chùa cũ nói với đệ tử rằng: “Ta là thầy các ngươi đây.” Mọi người ngờ là nói đùa, nhìn nhau mà cười. Sư bèn kể lại chuyện nhập hồn vào xác lạ, lại nhắc lại việc làm lúc bình sinh, thảy thảy đều đúng, mọi người mới tin bèn đưa vào ở chỗ cũ, hầu hạ như ngày trước.

Sau gia đình công tử mấy lần đem xe kiệu tới năn nỉ xin trở về nhưng sư không ngó ngàng gì tới. Hơn một năm sau phu nhân sai đầy tớ tới thăm, đem rất nhiều quà cáp nhưng sư trả lại hết vàng lụa, chỉ nhận một chiếc áo vải mà thôi. Bạn ta có người tới đó kính cẩn xin gặp, thấy sư im lặng dốc lòng tu hành, tuổi chỉ trạc ba mươi mà học đạo hơn tám mươi năm rồi.

Dị Sử thị nói: Người chết thì hồn tan, mà hồn sư đi ngàn dặm chưa tan, là nhờ tính đã định vậy. Ta không lạ về việc sư sống lại mà lạ về chỗ bước vào nơi hương thơm sắc đẹp lại có thể dứt lòng trốn đi. Chứ nếu ánh mắt một phen lay động mà trong lòng sinh hương sắc thì có kẻ muốn chết còn không được kia, huống hồ là sư ư?

7. Hồ gả con gái[1]

[1] Hồ giá nữ.

Thượng thư bộ Lại họ Ân [2] người Lịch Thành (tỉnh Sơn Đông) lúc trẻ nhà nghèo, có can đảm. Trong làng có phủ đệ của nhà thế gia cũ, rộng vài mươi mẫu, lầu gác san sát nhưng thường thấy sự quái dị, vì vậy bỏ trống không ai ở. Lâu ngày cỏ hoa mọc đầy, ban ngày cũng không người nào dám vào. Có lần ông cùng các bạn bè học trò uống rượu, có người nói đùa: “Có ai dám vào đó ngủ lại một đêm, thì cả bọn góp tiền đãi một bữa rượu.” Ông nhảy phắt dậy nói: “Chuyện đó có khó gì?” Bèn ôm một cái chiếu đi, mọi người đưa tới tận cổng, đùa nói: “Bọn ta chờ ở đây, nếu thấy có gì lạ, cứ kêu to lên.” Ông cười nói: “Nếu có ma quỷ hồ tinh, sẽ bắt về làm chứng.”

[2] Thượng thư bộ Lại họ Ân: bản Hương Cảng chú nhân vật này tên Sĩ Chiêm, tự Đường Xuyên, đỗ Cử nhân năm Canh Tý (1540), đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi (1547) niên hiệu Gia Tĩnh thời Minh, làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại.

Bèn bước vào trong, thấy gai góc khuất lối, cỏ dại um tùm. Lúc ấy là đầu tháng, trăng non mờ mờ có thể nhìn thấy cổng nẻo, bèn lần theo vách đi một lúc mới tới lầu phía sau, lên hiên ngắm trăng thấy quang quẻ sạch sẽ đáng yêu liền dừng lại, trông về vầng trăng phía tây chỉ thấy như núi ngậm một sợi dây sáng mà thôi. Ngồi một lúc lâu chẳng thấy gì lạ, cười thầm lời đồn đãi hão huyền rồi trải chiếu xuống đất, gối đầu lên hòn đá nằm ngắm sao Ngưu lang Chức nữ, một lúc thì thiu thiu ngủ.

Chợt dưới lầu có tiếng giày lẹp kẹp đi lên, ông bèn giả ngủ hé mắt nhìn, thấy là một tỳ nữ cầm chiếc đèn lồng hình hoa sen, chợt trông thấy ông giật mình lui lại nói với người đi sau: “Có người lạ ở đây.” Người đi sau hỏi: “Ai vậy?” Trả lời: “Không biết nữa.” Giây lát có một ông già lên tới, tới sát ghé mắt nhìn ông rồi nói: “Đây là quan Thượng thư họ Ân, nhưng đã ngủ say, cứ làm việc của ta đi, tướng công là ngươi không câu nệ, chắc không lấy làm lạ mà quát nạt đâu.”

Bèn kéo nhau lên cả trên lầu, mở hết cửa nẻo ra. Một lúc sau người qua lại càng đông, trên lầu đèn đuốc sáng như ban ngày, ông bèn khe khẽ trở mình, cất tiếng ho hắng. Ông già thấy ông tỉnh dậy bèn bước ra quỳ gối xuống nói: “Tiểu nhân có đứa con gái gả chồng đêm nay làm lễ rước dâu, không ngờ làm kinh động quý nhân mong ông bỏ qua.” Ông đứng dậy đỡ ông già lên nói: “Không biết đêm nay gia đình có việc vui mừng, thật thẹn không có lễ vật để tặng.” Ông già nói: “Được quý nhân quang lâm, trấn áp sự hung hiểm là may lắm rồi. Xin ông cảm phiền ngồi chơi thì càng quý hóa lắm.” Ông vui vẻ nhận lời, bước vào trong lầu nhìn, thấy bày biện đẹp đẽ, lại có người đàn bà tới vái lạy, tuổi khoảng hơn bốn mươi, ông già nói: “Đây là vợ quê của ta,” ông bèn đáp lễ.

Chợt nghe tiếng đàn sáo inh tai, có người chạy mau từ dưới lên nói: “Tới rồi.” Ông già vội ra đón, ông cũng đứng chờ. Phút chốc có ngửơi cầm chiếc đèn lồng bằng sa đưa chàng rể vào, thấy tuổi khoảng mười bảy mười tám, dáng vẻ tuấn tú, ông già bảo làm lễ chào khách quý trước. Thiếu niên nhìn ông, ông như người giữ việc tiếp khách, bèn nhận nửa lễ chủ nhân, kế cha vợ chàng rể làm lễ với nhau, rồi ngồi vào bàn. Giây lát đám phụ nữ kéo lên đông đúc, rượu thịt bày ra la liệt, chén ngọc bình vàng sáng rực bàn ghế. Rượu được vài tuần, ông già gọi tỳ nữ mời tiểu thư ra, hồi lâu không thấy tới. Ông già đứng dậy vén màn hối thúc, giây lát một đám bà vú tỳ nữ đưa cô dâu ra, tiếng vòng ngọc lanh canh, mùi lan xạ thơm phức. Ông già bảo lạy người trên, nàng lạy xong đứng dậy tới ngồi cạnh mẹ, ông liếc nhìn thấy trâm phượng dát ngọc biếc, vòng tai khảm minh châu, dung mạo đẹp tuyệt trần. Kế đó rót rượu vào chén vàng lớn chứa được vài đấu, ông nghĩ vật này có thể lấy để làm chứng với bạn bè bèn lén bỏ vào tay áo rồi giả say nằm phục lên bàn ngủ vùi. Mọi người đều nói: “Tướng công say rồi.”

Không bao lâu nghe chàng rể xin rước dâu về, tiếng đàn sáo lại trỗi vang, nhộn nhịp xuống lầu ra đi. Kế chủ nhân dọn dẹp mâm chén thấy thiếu một cái chén uống rượu, tìm mãi không được, có người nói trộm là ông khách đang ngủ lấy, ông già vội bảo im, sợ ông nghe được. Lát sau trong ngoài yên ắng, ông mới trở dậy, thấy tối om không có đèn đuốc gì, chỉ còn mùi hương hơi rượu vẫn sực nức cả bốn bên.

Nhìn ra phía đông thấy trời đã rạng bèn thong thả bước ra, mò trong tay áo thì cái chén vàng vẫn còn, ra tới cổng thì các bạn bè học trò đã chờ sẵn, ngờ là ông đang đêm trở ra rồi gần sáng mới vào. Ông bèn đưa cái chén ra cho họ xem, mọi người kinh ngạc hỏi thăm, ông bèn kể lại mọi việc. Bạn bè đều nghĩ rằng học trò nghèo không thể có được vật này mới tin lời.

Về sau ông đỗ Tiến sĩ, làm quan ở huyện Phì Khâu (tỉnh Sơn Đông). Có nhà thế gia họ Chu mời ông ăn tiệc, sai lấy chén lớn uống rượu, lâu không thấy đem ra. Có đứa hầu nhỏ nói thầm với chủ nhân, chủ nhân có dáng tức giận. Giây lát mang chén vàng ra rót rượu mời khách uống, ông nhìn thì kiểu chén nét chạm giống hệt với cái thén của hồ, lấy làm ngờ vục bèn hỏi ở đâu chế tạo, chủ nhân đáp: “Bộ chén này có cả thảy tám cái, đời cha ta làm quan khanh trong kinh tìm thợ giỏi chế ra, là vật gia bảo truyền đời, cất kỹ đã lâu. Nay được phủ quân hạ cố mới cho lấy trong hòm ra, thì chỉ còn có bảy cái. Ngờ là người nhà ăn trộm, nhưng dấu niêm phong mười năm vẫn còn nguyên, thật là không sao hiểu nổi.” Ông cười nói: “Chén vàng mọc cánh bay rồi, nhưng vật báu truyền đời không nên để mất, ta có một cái cũng hơi giống, xin đưa lại tặng.”

Xong tiệc về dinh, lấy cái chén rượu sai người đưa tới, chủ nhân xem kỹ rất hoảng sợ, đích thân qua cám ơn ông, hỏi từ đâu mà có. Ông bèn kể rõ đầu đuôi, mới biết vật trong vòng ngàn dặm thì hồ vẫn có thể lấy được, chỉ không dám giữ luôn mà thôi.