Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển II - Chương 029 - 030

29. A Bảo

Tôn Tử Sở người Việt Tây là danh sĩ, sinh ra có ngón tay thừa, tính viển vông thật thà, ai lừa cũng tin là thật, ai mời dự tiệc mà có ca kỹ thì nhìn thấy từ xa đã bỏ chạy. Có người biết thế dụ tới, cho kỹ nữ ôm ấp thì mặt đỏ tới cổ, mồ hôi ròng ròng. Họ vì vậy buồn cười, nhại lại dáng vẻ ngây ngốc của sinh đặt lời chế nhạo, gọi là “Tôn ngây”.

Nhà buôn lớn trong huyện là ông Mỗ, giàu ngang bậc vương hầu, thông gia họ hàng đều là nhà quý hiển, có con gái tên A Bảo rất xinh đẹp đến tuổi gả chồng. Các nhà đại gia tranh nhau đưa sính lễ tới dạm hỏi nhưng ông đều không vừa ý. Tôn bấy giờ góa vợ, có người đùa khuyên nên cậy mối đến hỏi. Sinh hoàn toàn không xét mình, quả nhiên theo lời. Ông vốn nghe tiếng sinh nhưng chê nghèo, bà mối ra thì gặp A Bảo hỏi, bà ta kể lại. Cô gái đùa nói: “Y chặt bỏ ngón tay thừa đi thì ta sẽ về theo.” Bà mối kể lại, sinh nói: “Không khó.” Bà ta về rồi, sinh lấy búa chặt ngón tay thừa, đau thấu cả ruột, máu chảy lênh láng suýt chết, qua mấy ngày mới dậy được, qua nhà bà mối cho xem. Bà ta hoảng sợ chạy qua nói với cô gái. Nàng cũng lấy làm lạ, nhưng đùa nói ráng xin bỏ cái ngây đi. Sinh nghe thế cãi ầm lên, nói mình không ngây, nhưng không sao làm rõ cho được. Bèn đổi sang nghĩ rằng A Bảo chưa chắc đã đẹp như tiên, sao tự đánh giá mình quá cao như thế, từ đó lòng mong ước cũng nguội lạnh.

Gặp tiết Thanh Minh, theo tục lệ thì hôm ấy phụ nữ ra ngoài đi chơi, đám thiếu niên khinh bạc cũng họp bọn đi theo mặc tình bình phẩm. Có đám bạn học lôi kéo sinh đi, có kẻ đùa nói: “Lại không muốn xem mặt người mình thích sao?” Sinh cũng biết là nói đùa, nhưng vì đã bị cô gái coi thường nên cũng muốn biết mặt một lần, bèn vui vẻ theo họ đi tìm. Thấy xa xa có một cô gái nghỉ dưới gốc cây, đám trai trẻ suồng sã vây quanh như bức tường, mọi người nói: “Đó ắt là A Bảo.” Rảo bước tới xem thì quả là Bảo, nhìn kỹ thấy xinh đẹp có một không hai. Một lát người xem càng đông, cô gái đứng dậy vội vàng bỏ đi. Mọi người đều say mê khen tóc khen chân, nhao nhao như điên, chỉ riêng sinh im lặng. Đến lúc cả bọn đã tan đi, ngoái nhìn thấy sinh vẫn đứng ngây ra ở chỗ cũ, gọi thì không đáp. Mọi người kéo đi nói: “Hồn theo A Bảo rồi à?” Cũng không đáp. Họ biết tính sinh vốn lẩn thẩn nên cũng không lấy làm lạ, người xô kẻ kéo dẫn về.

Đến nhà sinh lên ngay giường nằm, cả ngày không dậy, thiêm thiếp như say rượu, gọi cũng không tỉnh. Người nhà ngờ là hồn đi lạc, ra gọi hồn ngoài đồng trống song vô hiệu, đập mạnh hỏi thì ú ớ nói: “Ta ở nhà cô Bảo,” hỏi kỹ thì lại im lặng không đáp, người nhà phát hoảng không hiểu thế nào. Vốn khi sinh thấy cô gái bỏ đi thì lòng không nỡ dứt, thấy mình đi theo, dần dần sát tới vạt áo dây lưng cũng không ai la mắng, bèn theo nàng về nhà, ngồi nằm đều dựa kề một bên, đêm về lại ôm ấp vuốt ve, rất lấy làm thích, nhưng thấy trong bụng đói quá, muốn trở về nhà mà quên mất cả đường. Cô gái cứ nằm mơ thấy giao hoan với một người, hỏi tên thì đáp: “Ta là Tôn Tử Sở,” lấy làm lạ nhưng không thể nói ra với ai. Sinh nằm ba ngày, hơi thở chỉ còn thoi thóp, người nhà hoảng sợ nhờ người tới lấy lời mềm mỏng nói với cha cô gái xin tới nhà để gọi hồn sinh. Ông Mỗ cười nói: “Trước nay không từng qua lại, làm sao mất hồn ở nhà ta được?” Năn nỉ mãi ông mới chịu.

Thầy đồng cầm áo mặc và chiếu nằm của sinh qua, cô gái gặp hỏi biết chuyện, hoảng sợ không cho đi tìm chỗ khác mà dẫn thẳng vào phòng mình, cho mặc ý kêu gọi rồi ra. Thầy đồng vừa về tới cổng thì ở sinh trên giường đã rên lên. Khi tỉnh dậy thì đồ vật hộp phấn trong phòng cô gái màu gì tên gì đều kể ra vanh vách. Cô gái nghe chuyện lại càng hoảng sợ, thầm cảm thâm tình của sinh. Sinh khi đi lại được rồi thì đứng ngồi đều trầm tư như đãng trí, cứ dò tin tức A Bảo, chỉ mong gặp lại.

Đến ngày Phật đản nghe tin nàng sẽ dâng hương ở chùa Thủy Nguyệt, sinh dậy thật sớm ra đợi bên đường, mỏi mòn trông ngóng, đến giữa trưa cô gái mới tới. Nàng ngồi trong nhìn ra thấy sinh, lấy bàn tay búp măng vén rèm nhìn đăm đăm, sinh càng xao xuyến bèn đi theo. Nàng bỗng sai tỳ nữ tới hỏi tên họ, sinh nói rõ cả, lòng càng say mê. Xe đi rồi mới quay về, tới nhà lại mắc bệnh trở lại, nằm thiêm thiếp không ăn không uống, trong giấc mơ cứ gọi tên A Bảo, thường giận vì hồn mình không thiêng nữa.

Trong nhà vốn có nuôi một con vẹt, bỗng lăn ra chết, đứa nhỏ cầm chơi trên giường. Sinh nghĩ nếu mình được làm con vẹt thì có thể vỗ cánh bay đến phòng cô gái ngay. Lòng đang mơ tưởng thì thấy mình đã là con vẹt, liền bay thẳng tới phòng A Bảo. Cô gái mừng rỡ bắt lấy, buộc cánh lại lấy hạt vừng cho ăn. Vẹt kêu to: “Đừng buộc, ta là Tôn Tử Sở đây!” Cô gái kinh hãi, mở dây cũng không bay, bèn khấn: “Tình sâu đã khắc trong lòng, nhưng nay người và chim khác loài, làm sao tròn được nhân duyên?” Chim nói: “Được gần vóc thơm là đủ mãn nguyện rồi.” Người khác cho mồi thì không ăn, cô gái cho mới ăn, nàng ngồi thì đậu trên gối, nàng nằm thì đậu cạnh giường. Như thế ba ngày, cô gái rất thương, lén sai người qua thăm dò thì sinh đã nằm cứng đờ tắt thở đã ba ngày, chỉ trên ngực còn hơi ấm thôi. Nàng lại khấn rằng: “Nếu chàng trở lại làm người thì xin theo đến chết.” Chim nói: “Lừa ta đấy!” Cô gái bèn thề thốt, chim nghiêng đầu nhìn như suy nghĩ. Lát sau nàng bó chân, cởi giày để dưới giường. Vẹt sà xuống ngậm giày bay đi, nàng vội gọi lại thì đã bay xa rồi. Nàng sai bà đầy tớ qua thăm dò thì sinh đã tỉnh. Người nhà thấy con vẹt ngậm chiếc giày thêu bay về rơi xuống đất chết, đều đang lạ lùng. Sinh vừa tỉnh là hỏi ngay tới chiếc giày, mọi người đều không biết vì sao. Vừa lúc bà đầy tớ tới, vào thăm sinh, hỏi chiếc giày đâu, sinh nói: “Đó là vật làm tin của A Bảo, nhờ về nhắn hộ rằng tiểu sinh không dám quên lời vàng đá.”

Bà già về thưa lại, cô gái càng lấy làm lạ bèn bảo tỳ nữ kể lại sự tình cho mẹ. Mẹ hỏi lại thấy đúng bèn nói: “Y tài danh cũng không tệ, có điều nghèo quá. Kén chọn mấy năm lại được rể như thế, e các nhà quý hiển cười cho.” Cô gái lấy cớ chiếc giày thề không lấy người khác. Ông bà chiều lòng, cho người báo với sinh, sinh mừng khỏi bệnh ngay. Ông bàn cho sinh ở rể, nàng nói: “Con rể không thể ở lâu tại nhà cha vợ, huống chàng lại nghèo, càng ở lâu càng bị coi thường. Con đã theo chàng thì ở nhà tranh nhà lá cũng cam lòng, ăn rau lê rau hoắc cũng không oán trách.” Sinh bèn làm lễ cưới, vui mừng như qua kiếp khác được gặp lại nhau.

Từ đó nhà sinh nhờ có của hồi môn của nàng cũng hơi dư dật, mua thêm ruộng đất. Nhưng sinh mê sách, không biết sai bảo người nhà làm lụng, được cô gái khéo buôn bán nên cũng không phiền sinh phải lo tới việc nhà. Được ba năm nhà giàu thêm, bỗng sinh mắc bệnh tiêu khát mà chết. Cô gái khóc lóc rất đau thương, bỏ ăn bỏ ngủ, không sao khuyên giải được. Nhân lúc đêm khuya nàng thắt cổ tự tử, đứa tỳ nữ biết được vội cứu nên tỉnh lại, nhưng vẫn không chịu ăn uống. Ba hôm sau mời họ hàng tới để liệm sinh, nghe trong quan tài có tiếng rên, mở ra thì sinh đã sống lại. Sinh kể khi ra mắt Diêm Vương, vì bình sinh thành thật chất phác nên được cho làm Bộ tào. Chợt có người bẩm vợ Bộ tào họ Tôn sắp tới, Diêm Vương tra sổ rồi nói người ấy chưa đáng chết, người kia lại bẩm đã bỏ ăn ba ngày rồi, Diêm Vương ngoảnh lại nói cảm vì vợ ngươi tiết nghĩa nên cho sống lại rồi sai lính thắng ngựa đưa về. Từ đó bình phục dần.

Gặp năm có kỳ thi hương, trước khi vào trường bọn thiếu niên đùa cợt, cùng nghĩ ra bảy đề bài hiểm hóc, kéo sinh ra chỗ vắng nói riêng là nhờ quen biết với nhà đại gia nọ, xin đưa kín cho nhau. Sinh tưởng thật, đêm ngày mài miệt làm thành bảy bài, mọi người cười thầm. Năm ấy quan chủ khảo nghĩ rằng ra đề quen thuộc thì thường có cái tệ sao chép văn cũ, bèn cố sức thay đổi cho khác hẳn. Giấy đầu bài phát ra đều đúng bảy đề nọ, nhờ vậy sinh đỗ Thủ khoa. Năm sau đỗ Tiến sĩ, được bổ chức Hàn lâm. Vua nghe chuyện lạ triệu vào hỏi, sinh khải tấu, vua rất khen ngợi, lập tức triệu A Bảo vào bệ kiến, tặng thưởng rất nhiều.

Dị Sử thị nói: Tính ngây thì chí ngưng, nên kẻ mê sách thì văn ắt hay, kẻ mê nghề thì tài ắt khéo. Những người lận đận không thành công trên đời đều tự cho rằng mình không ngây, nhưng những kẻ ham sắc đẹp mất nghiệp, mê cờ bạc khuynh gia thì là ngây việc người chăng? Từ đó đủ biết kẻ trí tuệ khôn lanh mà phạm lỗi mới đúng là ngây thật, chứ Tôn Tử Sở kia thì có gì ngây đâu!

30. Nhiệm Tú

Nhiệm Kiến Chi ngươi đất Ngư Đài (tỉnh Sơn Đông), làm nghề buôn áo lông chiên, mang hết tiền bạc tới Thiểm Tây. Trên đường gặp một người tự xưng là Thân Trúc Đình quê ở Túc Thiên (tỉnh Giang Tô), trò chuyện rất hợp ý bèn kết làm anh em, cùng đi với nhau. Tới đất Thiểm Nhiệm mắc bệnh không dậy nổi, Thân chăm sóc rất chu đáo, nhưng hơn mười hôm thì bệnh càng nặng, bèn nói với Thân: “Nhà ta vốn không giàu có, tám miệng ăn đều trông vào một người dãi nắng dầm sương. Nay ta bất hạnh chết ở quê người, chỉ có ông là anh em, chứ ngoài hai ngàn dặm có ai đâu. Trong túi ta còn hơn hai trăm lượng vàng, ông lấy một nửa mua quan tài khâm liệm cho ta và làm tiền đi đường, còn một nửa để lại cho vợ con ta, chở giúp quan tài về quê cho. Nếu nắm xương tàn về được tới quê nhà, thì tất cả những hành lý khác không nói tới nữa.” Rồi gượng ngồi dậy viết thư đưa Thân, đến đêm thì chết.

Thân lấy năm sáu lượng bạc mua chiếc quan tài xấu, tẫn liệm xong chủ trọ cứ hối thúc đưa đi. Thân nói thác là để tìm nơi chùa quán xin quàn tạm rồi trốn luôn không quay lại. Hơn năm sau gia đình Nhiệm mới được tin đích xác. Con trai Nhiệm tên Tú, năm ấy mười bảy tuổi, đang còn đi học nhưng vì cha mất phải thôi, muốn đi tìm quan tài cha. Mẹ thương con còn nhỏ, Tú khóc lóc muốn chết đi, mẹ bèn cầm bán đồ dùng lấy tiền, sai lão bộc đi cùng Tú, nửa năm mới về tới. Sau khi chôn cất xong, nhà nghèo không còn chút gì, may là Tú thông minh, hết tang xong được vào học trường huyện Ngư Đài.

Nhưng Tú tính lêu lổng thích cờ bạc, mẹ răn dạy rất nghiêm mà chứng nào tật ấy. Một hôm quan Học sứ về khảo hạch, Tú bị xếp hạng chót, mẹ uất ức khóc lóc bỏ ăn. Tú sợ hãi thẹn thùng, vào thề trước mặt mẹ, từ đó đóng cửa học tập hơn một năm, liền được xếp hạng ưu, cấp cho tiền gạo. Mẹ bảo Tú mở trường dạy học, nhưng rốt lại người ta vẫn dè bỉu vì việc Tú lêu lổng trước kia. Có người chú họ là Trương Mỗ buôn bán ở kinh tới rủ cùng đi, xin đưa Tú theo làm bạn, bao nhiêu phí tổn xin chịu hết, Tú mừng rỡ đi theo.

Tới Lâm Thanh (thuộc tỉnh Sơn Đông) ghé thuyền ngoài cửa quan. Lúc ấy thuyền buôn muối khắp nơi về tụ họp ở đó, cột buồm san sát như rừng. Tú đi nằm mà nghe tiếng nước vỗ, tiếng người nói cứ ì oạp râm ran, không sao ngủ được. Đến khuya chợt nghe thuyền bên cạnh có tiếng gieo xúc xắc rào rào, đâm ra ngứa nghề. Lắng nghe khách khứa trong thuyền đều đã ngủ say, lục túi lấy ra một ngàn đồng tiền định qua thuyền kia chơi một phen. Nhưng rón rén đứng lên mở túi cầm tới tiền rồi lại ngần ngừ, nhớ lời mẹ răn dạy lại thắt túi lại.

Vào giường nằm ngủ mà trong dạ bồn chồn không sao ngủ được, lại ngồi dậy cởi túi ra, cứ thế mấy lần, chợt thấy hăng lên không sao nhịn được nữa bèn cầm tiền qua thẳng thuyền kia. Vào tới khoang thì thấy hai người đang đánh bạc với nhau, tiền bạc đầy cả chiếu, bèn đặt tiền lên ghế ngồi vào cùng chơi. Hai người kia vui mừng, liền cùng gieo xúc xắc. Tú thắng lớn, một người khách hết sạch cả tiền bèn lấy đĩnh vàng lớn cầm cho chủ thuyền lấy hơn mười quan chơi tiếp. Đang lúc say máu sát phạt lại có một người bước vào thuyền, đứng nhìn hồi lâu rồi dốc túi ra trăm lượng vàng cầm cho chủ thuyền lấy tiền, ngồi vào cùng chơi.

Nửa đêm Trương tỉnh dậy, không thấy Tú trên thuyền, nghe tiếng gieo xúc xắc thì biết ngay, bèn qua thuyền bên cạnh, định gây sự để cản cháu. Tới nơi thì thấy dưới chân cháu tiền bạc chất đống như núi bèn không nói gì nữa, chỉ mang vài ngàn đồng quay về, gọi mọi người thức dậy qua vác tiền, chỉ để lại hơn mười ngàn trên chiếu bạc. Không bao lâu cả ba người khách đều thua, tiền bạc trong cả thuyền đều hết sạch. Khách muốn chơi bằng vàng, nhưng Tú thấy đã thắng nhiều rồi, bèn lấy cớ phải chơi bằng tiền để từ chối. Trương đứng bên cạnh lại cứ giục về.

Ba người khách cay cú, chủ thuyền tham món tiền xâu bèn qua thuyền khác vay giùm hơn một trăm ngàn đồng tiền. Khách có tiền đánh càng lớn, không bao lâu lại mất sạch về tay Tú. Trời đã sáng, chèo qua cửa quan rồi bèn cùng nhau vác tiền về thuyền, ba người khách cũng ra đi. Chủ thuyền nhìn lại số vàng hơn hai trăm lượng họ cầm thì đều là tro tàn, cả kinh tìm qua thuyền Tú kể lại, ý muốn Tú bồi thường, đến khi hỏi họ tên quê quán, biết là con trai Nhiệm Kiến Chi thì rụt cổ toát mồ hôi trở về.

Tú hỏi người chung quanh mới biết chủ thuyền chính là Thân Trúc Đình. Lúc Tú tới Thiểm Tây đã biết rõ tên họ y, đến đây vì ma quỷ đã rửa hờn nên cũng không hỏi tới oán cũ nữa. Bèn lấy số tiền ấy chung vốn cùng Trương lên kinh buôn bán, tròn năm thì thu lãi gấp mười. Bèn theo lệ nộp tiền mua chức Giám sinh, lại càng buôn may bán đắt, trong vòng mười năm trở nên giàu có đứng đầu một vùng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3