Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển II - Chương 031 - 032

31. Trương Thành

Họ Trương ở đất Dự (tỉnh Hà Nam), tổ tiên là người đất Tề (tỉnh Sơn Đông). Lúc quân Tĩnh Nạn[1] nổi lên, đất Tề đại loạn, vợ bị bắt đi. Trương vì vẫn lui tới đất Dự bèn ở luôn lại đó lấy vợ người đất Dự, sinh con trai là Nột. Không bao lâu vợ chết, lại lấy vợ kế, sinh con trai là Thành. Vợ kế họ Ngưu tính hung dữ, rất ghét Nột, nuôi như đầy tớ, cho ăn toàn rau, bắt đi đốn củi, mỗi ngày đòi phải đủ một gánh, không đủ thì đánh đập mắng nhiếc không sao chịu nổi. Chỉ cất giấu những thức ngon cho Thành ăn, sai tới trường học chữ.

[1] Quân Tĩnh Nạn: năm Kiến Văn thứ hai (1400), Minh Huệ đế thấy các phiên vương phạm pháp định diệt trừ, Yên vương Chu Đệ là con thứ tư của Minh Thái tổ nhân đó nổi dậy kéo về vây kinh đô, tự xưng là quân dẹp nạn (Tĩnh Nạn binh), đánh đuổi Huệ đế tự lập làm vua, tức Minh Thành tổ.

Thành dần lớn lên, tính hiếu hữu, không nỡ thấy anh vất vả, lén khuyên can mẹ nhưng mẹ không nghe. Một hôm Nột vào núi đốn củi, chưa xong thì gặp mưa to gió lớn phải núp vào dưới vách núi. Mưa tạnh thì trời đã tối, đói quá bèn gánh củi về. Mẹ xem củi thấy ít, tức giận không cho ăn, bụng đói như thiêu vào phòng nằm vật ra. Thành đi học về thấy anh thẫn thờ hỏi ốm à, Nột đáp: “Đói thôi.” Thành hỏi nguyên do, Nột nói rõ sự tình. Thành buồn rầu bước ra, lát sau mang bánh vào cho anh. Anh hỏi bánh ở đâu ra, Thành nói: “Em lấy trộm bột nhờ chị hàng xóm làm bánh giùm, cứ ăn đi đừng nói gì nữa.” Nột ăn xong dặn em rằng: “Từ sau đừng làm thế nữa, lộ ra thì liên lụy đến em. Vả lại ngày nhịn ăn một bữa thì có đói cũng không chết mà.” Thành nói: “Anh vốn yếu sức thì làm sao đốn củi nhiều được?”

Hôm sau ăn xong lén vào núi tới chỗ anh đốn củi. Anh nhìn thấy giật mình hỏi định làm gì, Thành đáp định lấy củi giúp anh. Anh hỏi ai bảo làm thế, Thành đáp: “Em tự tới thôi.” Anh nói: “Không kể là em không biết đốn củi, dẫu biết đi nữa thì cũng không nên!” Rồi giục về ngay. Thành không nghe, cứ tay bẻ chân đạp hái củi giúp anh, lại nói ngày mai phải đem búa theo. Anh lại gần ngăn cản thì thấy ngón tay bị toạc, giày bị rách, buồn rầu nói: “Em không về cho mau thì anh lấy búa tự chặt cổ mà chết đấy.” Thành bèn về, anh đưa tới nửa đường mới quay lại đốn củi tiếp. Khi về ghé vào trường dặn thầy học rằng: “Em ta còn nhỏ, thầy nên răn cấm chứ cọp beo trong núi dữ lắm.” Thầy nói trước giờ Ngọ không biết Thành đi đâu, đã phạt đòn rồi. Nột về nói với Thành: “Không nghe lời anh nên bị phạt đòn đấy.” Thành cười nói không sao.

Hôm sau lại xách búa vào núi, anh hoảng sợ nói: “Anh đã bảo em đừng tới, sao lại còn làm thế.” Thành không đáp, cứ hăm hở chặt củi, mồ hôi chảy ròng ròng xuống mặt vẫn không nghỉ, khoảng đủ một ôm thì im lặng ra về. Thầy lại trách phạt, Thành bèn nói thật. Thầy khen là hiền, cũng không ngăn cấm nữa. Anh nhiều lần bảo thôi nhưng rốt lại Thành vẫn không nghe. Một hôm hai anh em cùng vài người đốn củi trong núi thì chợt có con cọp tới, mọi người sợ hãi nằm mọp xuống, cọp vồ Thành mang đi. Cọp mang người nên đi chậm, bị Nột đuổi kịp, hết sức chém một búa trúng đùi. Cọp đau quá vùng chạy không đuổi tìm được nữa, Nột đau xót kêu khóc quay về. Mọi người an ủi, Nột càng khóc lóc thảm thiết, nói: “Em ta chẳng phải như em người khác, huống chi nó vì ta mà chết, ta làm sao sống được?” Bèn lấy búa tự chặt vào cổ, mọi người vội can thì đã đứt sâu vào thịt một tấc, máu phụt ra lênh láng, hoa mắt ngất đi. Mọi người sợ hãi xé áo buộc vết thương cho rồi xúm lại dìu về. Mẹ khóc chửi: “Ngươi giết con ta, lại muốn chặt cổ để thoát tội à?” Nột rên rỉ nói: “Xin mẹ đừng lo phiền, em chết thì ta quyết không sống đâu.”

Đặt lên giường, vết thương đau đớn không ngủ được, ngày đêm cứ ngồi dựa vào tường mà khóc. Cha sợ Nột cũng chết, lúc lúc tới cạnh giường đút cho ăn uống qua loa, Ngưu thị lại chửi rủa. Nột bèn không chịu ăn nữa, ba ngày thì chết. Trong làng có thầy đồng xuống âm ty về, Nột gặp giữa đường bèn kể lể nỗi khổ trước đây, nhân hỏi chỗ em ở. Thầy đồng nói không biết, rồi quay lại dẫn Nột đi. Tới một nơi đô hội, thấy một người mặc áo đen trong thành ra, thầy đồng giữ lại hỏi thăm giùm, người áo đen xem kỹ lại tập trát trong túi thấy có hơn một trăm đàn ông đàn bà nhưng không có ai họ Trương. Thầy đồng ngờ rằng ở tập trát khác, người áo đen nói: “Con đường này thuộc về ta, làm sao có chuyện bắt lầm?” Nột không tin, ép thầy đồng đưa vào thành. Trong thành ma cũ ma mới đi lại đông đúc, cũng có người quen cũ nhưng tới hỏi đều không ai biết.

Chợt mọi người cùng nhao nhao nói Bồ Tát tới, ngẩng nhìn thấy trong mây có một người to lớn, ánh hào quang rực rỡ khắp trên dưới, chợt cảm thấy trời đất quang đãng. Thầy đồng chúc mừng nói: “Đại Lang có phúc thật! Bồ Tát mấy ngàn năm mới xuống âm ty một lần để rửa sạch khổ não, đúng hôm nay lại được gặp,” rồi kéo Nột quỳ xuống. Bọn quỷ cũng nhao nhao quỳ xuống chắp tay cùng tụng niệm, tiếng “từ bi cứu khổ” vang rền. Bồ Tát lấy cành dương nhúng nước cam lộ rẩy khắp nơi, li ti như bụi sương. Giây lát hơi mù tan đi, hào quang thu lại thì không thấy Bồ Tát ở đó nữa. Nột thấy trên cổ thấm ướt cam lộ, chỗ búa chặt không còn đau nữa. Thầy đồng lại theo đường cũ đưa Nột về, khi nhìn thấy cổng làng mới từ biệt mà đi.

Nột chết đã hai ngày chợt sống lại, kể lại những việc đã gặp, nói Thành chưa chết, mẹ cho là bịa đặt lại mắng chửi. Nột oan ức không biết làm sao giãi bày, sờ tới vết thương thì đã lành, cố gượng đứng dậy chào cha, nói: “Con sẽ băng mây vượt biển tìm em, nếu không thấy thì đừng mong con quay về, xin cha cứ coi như con đã chết.” Cha đưa ra chỗ vắng cùng nhau khóc lóc, không dám giữ lại. Nột bèn ra đi, cứ theo đường lớn hỏi thăm tin tức em. Giữa đường tiền ăn hết sạch, phải ăn mày mà đi. Hơn một năm tới Kim Lăng, áo quần rách rưới lần mò trên đường, chợt thấy hơn mười kỵ mã đi qua liền tránh sang vệ đường. Trong bọn có một người như quan lớn, tuổi khoảng bốn mươi, lính mạnh ngựa khỏe xúm xít trước sau. Có một thiếu niên cưỡi con ngựa nhỏ, mấy lần nhìn Nột. Nột thấy là công tử con quan chưa dám ngẩng nhìn, thiếu niên dừng roi ghìm ngựa, chợt xuống ngựa gọi to: “Có phải anh ta không?” Nột ngước nhìn kỹ thì ra là Thành, nắm tay đau xót khóc lạc cả tiếng. Thành cũng khóc nói: “Sao anh phải lưu lạc đến thế này?” Nột kể sự tình, Thành càng đau xót. Bọn kỵ mã đều xuống hỏi duyên do rồi bẩm lại với quan lớn. Quan sai bớt ra một con ngựa chở Nột, cùng nhau về nhà mới hỏi chuyện tường tận.

Trước là cọp tha Thành đi đặt ở vệ đường lúc nào không biết, nằm giữa đường suốt một đêm. Gặp lúc Trương Thiên hộ từ kinh đô tới đi ngang qua, thấy Thành mặt mày nho nhã, thương xót vực lên vỗ về. Thành dần sống lại, nói nhà cửa quê quán thì đã quá xa, nên chở Thành cùng về bó thuốc cho, vài ngày thì khỏi. Thiên hộ không có con trai nên nhận Thành làm con, đại khái hôm đó là gặp lúc Thành theo ông dạo chơi. Thành kể lại với anh xong thì Thiên hộ vào, Nột lạy tạ không thôi. Thành vào trong lấy áo lụa ra biếu anh rồi bày rượu trò chuyện.

Thiên hộ hỏi quý gia ở đất Dự có đông người không, Nột nói: “Không có mấy người. Cha ta lúc nhỏ là người đất Tề, tới ngụ ở đất Dự.” Thiên hộ: “Ta cũng người Tề, quý quán thuộc hạt nào?” Nột đáp: “Từng nghe cha ta nói thuộc huyện Đông Xương (tỉnh Sơn Đông).” Thiên hộ giật mình hỏi: “Cùng quê với ta rồi, thế tại sao lại tới ở đất Dự?” Nột nói: “Mẹ già bị quân bắt đi, cha ta gặp binh lửa mất sạch cả gia sản, vì trước từng buôn bán ở miền Tây, qua lại đã quen nên ở luôn lại đó. Thiên hộ lại giật mình hỏi lệnh tôn tên gì, Nột đáp rõ. Thiên hộ tròn mắt nhìn rồi cúi đầu như ngờ vực, bước mau vào nhà trong.

Không bao lâu Thái phu nhân ra, mọi người lạy chào xong, bà hỏi Nột: “Ngươi là cháu nội Trương Bính Chi phải không?” Nột thưa: “Phải.” Thái phu nhân khóc lớn nói với Thiên hộ: “Đây là em ngươi đấy!” Anh em Nột không hiểu ra sao. Thái phu nhân nói: “Ta lấy cha các ngươi ba năm, lưu lạc sang Bắc, thuộc về quan Chỉ huy Mỗ, được nửa năm sinh anh ngươi. Lại nửa năm thì Chỉ huy chết, anh ngươi nhờ phụ ấm thăng lên chức quan này, nay giải chức rồi vẫn canh cánh nhớ quê hương, đã lấy lại họ cũ, nhiều lần cho người tới đất Tề hỏi thăm mà không có tin tức gì, có biết đâu là cha ngươi đã dời sang miền Tây!” Rồi nói với Thiên hộ: “Ngươi nuôi em làm con thì giảm phúc mà chết thôi.” Thiên hộ nói: “Trước có hỏi Thành, Thành thưa từng nói là người Tề, chắc là còn nhỏ dại nên không biết.” Bèn theo tuổi xếp đặt lại, Thiên hộ bốn mươi mốt tuổi làm anh lớn, Thành mười sáu tuổi là út, Nột hai mươi thì là anh lớn mà thành anh hai. Thiên hộ được hai em mừng lắm, ăn ngủ đều có nhau, biết hết nguyên do chia lìa lưu lạc, tính chuyện trở về. Thái phu nhân sợ bà vợ kế không dung, Thiên hộ nói: “Dung được thì ở chung, nếu không thì ở riêng, chứ trong thiên hạ có nước nào mà lại không có tình cha con.”

Rồi đó bán nhà đất sắm hành lý lập tức lên đường. Tới đầu làng Nột và Thành chạy về trước báo tin cho cha. Cha từ lúc Nột bỏ đi, vợ cũng chết, chỉ còn một ông già góa vợ một mình một bóng. Chợt thấy Nột vào, mừng đến thảng thốt, đang còn giật mình lại nhìn thấy Thành, mừng quá không nói nên lời, nước mắt giàn giụa. Hai người nói mẹ con Thiên hộ tới, ông nín khóc ngạc nhiên không biết là vui hay buồn, đứng ngẩn người ra.

Không bao lâu Thiên hộ vào, lạy chào xong Thái phu nhân nắm lấy tay ông nhìn nhau cùng khóc. Kế thấy tôi tớ trai gái đứng đầy trong ngoài, người ngồi kẻ đứng, không còn biết làm gì nữa. Thành không thấy mẹ liền hỏi mới biết mẹ đã chết, gào khóc muốn đứt hơi, một lúc mới tỉnh lại. Thiên hộ lấy tiền ra xây dựng lầu gác, đón thầy về dạy hai em học, ngựa hí ran trong tàu, người ồn ào trong nhà, nghiễm nhiên là một đại gia.

Dị Sử thị nói: Ta nghe hết chuyện này, mấy lần sa lệ. Thấy đứa trẻ hơn mười tuổi đốn củi giúp anh, cảm khái nói: “Lại thấy lại Vương Giám[2] chăng?” Đó là một lần. Tới đoạn cọp tha Thành đi không kìm được bật kêu ầm lên: “Đạo trời mịt mờ như thế sao!” Đó là một lần. Tới đoạn anh em bất ngờ gặp nhau thì mừng mà cũng sa lệ. Tới đoạn thêm được một người anh, lại thêm một nỗi đau lòng, thì sa lệ vì Thiên hộ. Tới đoạn một nhà sum họp, kinh ngạc bất ngờ, mừng rỡ bất ngờ, bỗng dưng sa lệ vì người cha. Không biết đời sau có ai mau nước mắt như ta hay không!

[2] Vương Giám: Hậu Hán thư, Vương Tường truyện chép Vương Tường chí hiếu nhưng mẹ kế rất độc ác luôn hành hạ. Em cùng cha khác mẹ của Tường là Giám rất thương anh, lúc nhỏ thấy anh bị đánh đập thì ôm mẹ kêu khóc, khi lớn có lần biết mẹ toan cho anh uống rượu độc thì giành lấy chén rượu toan uống. Mẹ mấy lần toan đầu độc Tường, Giám biết cứ ăn uống chung với anh, mẹ sợ con chết đành thôi.

32. Xảo Nương

Quảng Đông có nhà thế gia họ Phó hơn sáu mươi tuổi sinh được một trai tên Liêm, rất thông minh nhưng bị trời hoạn, mười bảy tuổi mà dương vật chỉ mới bằng con tằm. Xa gần biết chuyện, không nhà nào chịu gả con gái cho, tự nghĩ dòng dõi đã tuyệt, ngày đêm lo lắng nhưng không biết làm sao. Liêm theo thầy đọc sách, thầy ngẫu nhiên đi vắng, gặp lúc ngoài cửa có gánh xiếc khỉ, Liêm ra xem bỏ cả học. Đến chừng đoán thầy sắp về, sợ hãi bèn bỏ trốn.

Rời nhà được mấy dặm thấy một nữ lang áo trắng dắt đứa tỳ nữ nhỏ đi phía trước, một lần nàng quay lại, thấy xinh đẹp không ai sánh được. Nàng đi chậm lại, Liêm đi vượt lên thì nàng quay qua nói với đứa tỳ nữ: “Thử hỏi xem lang quân có tới Quỳnh Châu (huyện thuộc Quang Đông) không.” Đứa tỳ nữ gọi lại hỏi, Liêm hỏi có việc gì. Cô gái đáp: “Nếu đi Quỳnh Châu thì có lá thư phiền chàng tiện đường đưa giúp về nhà. Mẹ già ta ở nhà cũng là người hiếu khách.” Liêm lúc ra đi vốn cũng chưa định đi đâu, nghĩ ra biển cũng hay, bèn nhận lời. Cô gái rút thư đưa tỳ nữ trao cho sinh. Hỏi họ tên quê quán thì nàng đáp là họ Hoa, ở làng gái Tần cách phía bắc thành ba bốn dặm.

Sinh đáp thuyền đi, tới phía bắc huyện thành Quỳnh Châu thì trời đã tối, hỏi thăm thôn gái Tần lại không ai biết. Đi về hướng bắc bốn năm dặm thì trăng sao hiện sáng, cỏ dại ngút mắt, đồng không chẳng có quán trọ, rất là mệt mỏi. Nhìn thấy một ngôi mộ bên đường, muốn nghỉ lại nhưng sợ thú dữ bèn leo lên cây ngồi. Nghe tiếng thông reo xào xạc, côn trùng tỉ tê, trong lòng thảng thốt, hối hận vô cùng. Chợt nghe có tiếng người phía dưới, cúi nhìn thì rõ ràng là một nơi đình viện, có một cô gái xinh đẹp ngồi trên phiến đá, hai tỳ nữ xõa tóc cầm đèn lồng đứng hai bên. Người đẹp quay qua bên trái nói: “Đêm nay trăng sáng sao thưa, gói trà cô Hoa vừa tặng có thể đem pha một ấm uống ngắm cảnh đêm thanh.” Sinh nghĩ là ma quỷ, rùng mình sởn ốc khống dám thở mạnh. Chợt đứa tỳ nữ ngẩng nhìn nói: “Trên cây có người.” Cô gái giật mình đứng vụt dậy nói: “Đứa lớn mật nào dám tới đây nhìn trộm thế!” Sinh cả sợ, không còn chỗ trốn đành tụt xuống, phục xuống đất xin tha. Cô gái tới gần nhìn qua chợt đổi giận làm vui, kéo dậy cùng ngồi. Sinh liếc nhìn, thấy nàng khoảng mười bảy mười tám, vẻ người xinh đẹp có một, nghe giọng nói cũng không phải người ở đây. Nàng hỏi chàng đi đâu, sinh đáp có người nhờ đưa giúp lá thư. Nàng nói: “Đồng hoang nhiều người xấu, nằm sương rất đáng lo, nếu không hiềm nhà tranh, mời vào nghỉ tạm,” rồi đưa sinh vào nhà.

Chỉ có một chiếc giường, nàng sai con hầu sắp hai tấm chăn lên. Sinh thẹn mình xấu xa xin nằm dưới đất, nàng cười đáp: “Khách quý đến nhà, con gái đâu dám nằm cao.” Sinh bất đắc dĩ phải nằm chung giường, nhưng trong lòng sợ sệt không dám trở mình. Giây lát cô gái luồn tay qua chăn xoa nhẹ vào đùi sinh, sinh giả như ngủ say không biết. Lát sau nàng lại mở chăn ra chui qua lay, sinh vẫn nằm yên không động. Nàng bèn sờ xuống chỗ kín rồi dừng tay buồn bã, lặng lẽ giở chăn trở dậy, kế nghe tiếng khóc thút thít. Sinh xấu hổ không sao chịu nổi, chỉ giận trời bắt mình phải khuyết tật mà thôi. Cô gái gọi tỳ nữ thắp đèn, tỳ nữ thấy ngấn lệ kinh ngạc hỏi buồn khổ chuyện gì, nàng lắc đầu đáp: “Ta tự xót phận mình thôi!”

Đứa tỳ nữ đứng trước giường nhìn chằm chằm, nàng nói: “Gọi y dậy bảo đi đi!” Sinh nghe thế càng thêm xấu hổ, lại lo đêm hôm tối tăm không biết đi đâu. Đang nghĩ ngợi thì một người đàn bà đẩy cửa bước vào, đứa tỳ nữ nói: “Cô Hoa đã về.” Sinh hé mắt nhìn trộm thấy bà ta tuổi khoảng năm mươi nhưng còn phong vận. Bà thấy cô gái chưa ngủ liền hỏi duyên cớ, nàng chưa đáp, lại thấy trên giường có người nằm, bèn hỏi ai nằm cùng giường. Đứa tỳ nữ đáp thay là lúc tối có một chàng trai tới xin ngủ nhờ, bà ta cười nói: “Không biết là Xảo Nương vui đuốc hoa.” Chợt thấy cô gái nước mắt chưa khô, bà giật mình nói: “Đêm hợp cẩn mà buồn khóc thì không hợp, không lẽ lang quân thô bạo sao?” Cô gái không đáp, càng thêm buồn bã.

Người đàn bà định kéo áo ra nhìn sinh, vừa kéo thì lá thư rơi ra giường, bà ta cầm lấy nhìn rồi hoảng sợ nói: “Có lẽ là chữ con gái ta,” kế mở đọc rồi thở dài. Cô gái hỏi, bà ta đáp: “Đây là thư của con Ba báo tin chàng Ngô chồng nó đã chết, nay nó trơ trọi không nơi nương tựa, biết làm thế nào.” Cô gái nói: “Y có nói là đưa thư giúp ai đó, may mà ta chưa đuổi đi.” Bà già gọi sinh dậy, hỏi rõ nguyên ủy lá thư, sinh kể rõ, bà nói: “Làm phiền lặn lội xa xôi, biết lấy gì báo đáp.” Lại ngắm kỹ sinh rồi cười hỏi sao lại làm trái ý Xảo Nương, sinh đáp không biết mình có tội gì. Bà lại hỏi cô gái, nàng than: “Chỉ thương cho mình lúc sống lấy phải thằng chồng liệt dương, khi chết lại ngủ với đứa bị thiến, vì thế mà buồn thôi.”

Bà già nhìn sinh nói: “Chú nhỏ thông minh lanh lợi này là trống mà hóa ra lại là mái sao? Đây là khách của ta, không nên làm lụy người ta lâu.” Liền dẫn sinh qua phòng phía đông, sờ xuống đũng quần khám rồi cười nói: “Chẳng trách Xảo Nương lại khóc lóc. Nhưng may vẫn có cuống rễ, còn chữa được.” Bèn khêu đèn tìm khắp rương hòm lấy ra một viên thuốc màu đen trao cho sinh bảo nuốt ngay, lại dặn nhỏ rằng đừng cử động, rồi đi ra. Sinh nằm một mình nghĩ ngợi không biết thuốc chữa bệnh gì. Khoảng canh năm tỉnh dậy, thấy dưới rốn có một luồng hơi nóng xông thẳng vào chỗ kín, lại lủng lẳng như có vật gì treo giữa hai đùi, tự sờ xem thì mình đã là đàn ông hẳn hoi, trong lòng mừng quýnh như vị quan chợt được ban cửu tích[1].

[1] Cửu tích: chín loại vật dụng và nghi thức như xe ngựa, y phục, nhạc khí, cửu được sơn son, ra đường có quân hổ bôn hộ vệ... theo nghi lễ vương giả, ý nói được phong tước vương.

Khi ngoài song cửa sổ đã sáng thì người đàn bà bước vào đem bánh hấp cho sinh, dặn cố ngồi yên rồi khóa cửa ra ngoài nói với Xảo Nương: “Y vất vả mang thư tới, hãy giữ lại gọi Tam Nương về cho nó kết nghĩa chị em, nên phải đóng cửa cho người ta khỏi buồn chán,” kế ra cửa đi. Sinh quanh quẩn trong phòng buồn quá, cứ tới khe cửa nhìn ra như con chim ngóng ra ngoài lồng, nhìn thấy Xảo Nương cũng muốn gọi để nói rõ sự tình, nhưng thẹn vì khó nói lại thôi. Chờ đến khuya người đàn bà mới dẫn con gái về, mở cửa nói: “Để lang quân buồn chết mất rồi. Tam Nương vào cám ơn đi.” Cô gái gặp trên đường trước kia rụt rè bước vào khép nép nhìn sinh, người đàn bà bảo gọi nhau bằng anh em. Xảo Nương cười nói: “Gọi là chị em gái cũng được.” Rồi cùng ra phòng khách ngồi quây quần uống rượu.

Uống được một lúc, Xảo Nương hỏi đùa người hoạn thấy sắc có động lòng không, sinh đáp: “Người què không quên giày, người lòa không quên ngó,” mọi người cười rộ. Xảo Nương vì Tam Nương đi đường mệt nhọc ép phải đi nghỉ. Người đàn bà quay nhìn Tam Nương bảo nằm chung với sinh. Tam Nương đỏ bừng mặt không chịu. Người đàn bà nói: “Đây là trượng phu đội khăn mặc yếm thôi, sợ gì chứ?” Rồi giục hai người đi ngủ, ngầm dặn sinh rằng: “Trong thì làm rể nhưng ngoài làm con ta là được.” Sinh mừng rỡ, nắm tay nàng dắt lên giường, dao sắc mới mài đem thử lần đầu, khoái trá thế nào có thể biết rõ. Kế hỏi Xảo Nương là ai, cô gái đáp: “Là ma đấy. Tài sắc vô song nhưng số mệnh lận đận, lấy tiểu lang nhà họ Mao bị liệt dương, mười tám tuổi đầu vẫn chẳng ra con người nên ấm ức không vui, ôm hận mà chết.” Sinh thất kinh, ngờ Tam Nương cũng là ma. Nàng nói: “Nói thật với chàng, thiếp không phải là ma mà là hồ. Xảo Nương sống lẻ loi một mình mà mẹ con thiếp không có nhà nên tới ở nhờ.” Sinh rất kinh ngạc, nàng nói: “Đừng sợ, tuy là ma là hồ, nhưng không gây họa cho nhau đâu.”

Từ đó hàng ngày thường cùng nhau chuyện trò yến ẩm, sinh tuy biết Xảo Nương không phải là người nhưng lòng vẫn yêu mến nhan sắc, chỉ hận không có dịp tự hiến thân. Sinh học hành uẩn súc, giỏi đùa cợt pha trò, nên Xảo Nương rất thương mến. Một hôm mẹ con họ Hoa đi vắng, lại đóng cửa nhốt sinh trong phòng. Sinh buồn bực đi loanh quanh rồi đứng cách vách gọi Xảo Nương. Xảo Nương sai tỳ nữ lấy chìa khóa thử mấy lần thì cửa mở, sinh ghé tai xin gặp riêng. Xảo Nương bảo tỳ nữ đi ra, sinh liền kéo nàng lên giường nằm sát vào. Nàng đùa đưa tay sờ xuống phía dưới rốn nói: “Tiếc thay, chỗ này lại thiếu mất rồi.” Chưa dứt lời thì tay vớ phải một nắm, giật mình nói: “Sao trước vắng vẻ mà chợt đã bấy nhiêu thế?” Sinh cười đáp: “Trước thấy người xấu hổ nên rụt lại, nay bị phỉ báng không chịu nổi nên làm con ếch tức giận phình ra đấy thôi,” rồi cùng nhau giao hoan.

Xong xuôi nàng căm tức nói: “Nay mới biết vì sao đóng cửa. Trước đây mẹ con họ lênh đênh không nhà, đã nhường nhà cho ở, Tam Nương theo học thêu thùa thiếp cũng không từng giấu giếm gì, mà lại ganh ghét như thế.” Sinh kể thật mọi chuyện để khuyên giải nhưng Xảo Nương vẫn hậm hực. Sinh nói: “Phải giữ kín đấy, Hoa Cô dặn ta kỹ lắm.” Chưa dứt lời thì Hoa Cô đã đẩy cửa bước vào, hai người vội vàng nhỏm dậy. Hoa Cô trừng mắt hỏi ai mở cửa, Xảo Nương cười nhận là mình. Hoa Cô càng tức giận, quát mắng không thôi. Xảo Nương nhếch mép cười nói: “Bà già này thật là buồn cười, là trượng phu đội khăn mặc yếm mà thế à?” Tam Nương thấy mẹ và Xảo Nương cứ khích bác nhau, lấy làm áy náy bèn đứng ra can ngăn, đôi bên mới đổi giận làm lành. Xảo Nương lời lẽ dẫu gay gắt nhưng từ đó đã nhún mình chiều chuộng Tam Nương, chỉ vì Hoa Cô ngày đêm ráo riết canh giữ nên đôi lòng không sao bày tỏ, chỉ biết liếc mắt gởi tình mà thôi.

Một hôm Hoa Cô nói với sinh: “Cả hai chị em nó đều đã hầu hạ chàng, nhưng sống ở đây không phải là hay, chàng nên về trình với cha mẹ để sớm tính chuyện trăm năm,” rồi sắm sửa hành trang giục sinh lên đường. Hai cô gái nhìn nhau buồn rầu, mà Xảo Nương càng như không chịu nổi, nước mắt chảy ròng ròng không dứt. Hoa Cô ngăn họ lại rồi đưa sinh ra, tới ngoài cổng thì nhà cửa đã biến mất cả, chỉ thấy một ngôi mộ hoang. Hoa Cô đưa sinh lên thuyền, nói: “Chàng đi rồi lão thân cũng sẽ dắt hai con gái tới ngụ ở quý huyện, nếu không quên duyên cũ thì xin ở trong khu vườn hoang nhà họ Lý đợi làm lễ nghênh hôn.” Sinh bèn trở về.

Lúc ấy ông Phó tìm kiếm con trai không được đang nóng ruột lo lắng, thấy con về vô cùng mừng rỡ. Sinh kể lại vắn tắt đầu đuôi, nói cả việc họ Hoa hẹn ước. Cha nói: “Lời yêu quái làm sao tin được. Ngươi sở dĩ sống sót về được là nhờ bị tật nguyền, không thì chết rồi.” Sinh đáp: “Họ tuy khác loài nhưng tình nghĩa cũng như người, lại thông minh xinh đẹp, có cưới cũng không sợ họ hàng làng xóm chê cười.” Cha không đáp chỉ cười nhạt, sinh bèn lui ra. Nhưng ngứa nghề không chịu ở yên, bèn tư thông với đứa tỳ nữ, dần dần giữa ban ngày cũng công nhiên hành dâm, cố ý cho cha mẹ biết. Một hôm bị đứa tỳ nữ nhỏ nhìn trộm thấy chạy vào báo với mẹ, mẹ không tin tới xem mới giật mình, gọi đứa tỳ nữ hỏi kỹ mới biết rõ. Bà mừng quá gặp ai cũng rêu rao để tỏ ra là con mình không có tật, định hỏi cưới con nhà thế gia. Sinh thưa riêng với mẹ là không phải nhà họ Hoa thì không cưới, mẹ nói: “Trên đời thiếu gì gái đẹp, cần gì phải cưới yêu ma.” Sinh nói: “Con mà không gặp Hoa Cô thì đâu biết được mùi đời, phụ bạc họ không hay đâu.”

Ông Phó nghe lời, cho một người tớ trai và một vú già tới dò xem. Họ ra khỏi cửa Đông bốn năm dặm tìm được khu vườn hoang của nhà họ Lý, thấy trong đám tre trúc bên chỗ tường thấp đổ nát có làn khói bốc lên. Bà vú trèo qua tường đi thẳng tới cửa thì thấy mẹ con đang quét tước dọn dẹp như có ý chờ ai. Bà vú vái chào thưa lời chủ dặn, nhìn thấy Tam Nương thì giật mình nói: “Đây là bà chủ nhỏ của nhà ta sao? Ta nhìn thấy còn thương, không trách công tử cứ đêm ngày nhớ nhung.” Hỏi tới cô chị, Hoa Cô thở dài than: “Đó là con gái nuôi của ta, ba hôm trước đây bị bạo bệnh chết rồi.” Nhân đem rượu thịt ra thết đãi. Bà vú và người tớ trai về kể rõ dung mạo cử chỉ của Tam Nương, ông bà Phó đều vui mừng. Sau cùng mới báo tin Xảo Nương mất, sinh đau xót rơm rớm nước mắt. Đêm rước dâu sinh gặp Hoa Cô đích thân hỏi lại, Hoa Cô cười đáp: “Đã đầu thai ở đất Bắc rồi,” sinh than thở hồi lâu. Cưới Tam Nương rồi mà vẫn không sao quên được Xảo Nương, cứ nghe có ai ở Quỳnh Châu tới đều cho gọi tới hỏi chuyện.

Có người nói dưới mộ nàng họ Tần đêm đêm có tiếng ma khóc, sinh lấy làm lạ vào nói với Tam Nương. Tam Nương trầm ngâm hồi lâu rồi sa nước mắt nói: “Em phụ chị rồi!” Sinh gạn hỏi, nàng cười đáp: “Lúc mẹ con thiếp đi thật không có nói cho chị ấy biết, tiếng kêu khóc đó chắc là của chị ấy thôi. Trước đã định nói thật với chàng, nhưng lại sợ phơi bày lỗi của mẹ.” Sinh nghe thế buồn xong lại vui, lập tức sai sắp sửa xe kiệu ngày đêm đi gấp tới mộ nàng, gõ vào bia mộ gọi to “Xảo Nương! Xảo Nương! Ta ở đây!” Giây lát thấy cô gái bế một đứa nhỏ từ mộ bước ra, mắt nhìn ai oán không thôi, sinh cũng rơi lệ. Sờ vào bọc hỏi con ai, Xảo Nương đáp: “Đây là cái mầm oan nghiệt của chàng để lại đấy, được ba ngày rồi.” Sinh nói: “Lầm nghe lời Hoa Cô khiến mẹ con phải ôm mối lo dưới đất, tội thật không tha được.”

Rồi cùng lên xe vượt biển về, bế con vào thưa với mẹ. Mẹ nhìn đứa nhỏ thấy khôi ngô khỏe mạnh không giống ma quỷ càng vui mừng. Hai nàng sống hòa thuận, thờ cha mẹ chồng rất có hiếu. Về sau ông Phó bị bệnh, mời thầy thuốc tới, Xảo Nương nói: “Bệnh không làm gì được nữa, vì hồn đã lìa khỏi xác,” rồi đôn đốc lo đồ táng liệm, vừa xong thì ông mất. Đứa nhỏ lớn lên rất giống cha mà còn thông minh hơn, mười bốn tuổi đã vào học trường huyện. Ông Cao Bưu hiệu Tử Hà tới đất Quảng nghe chuyện này, nhưng tên làng xóm thì quên mất và không rõ chung cục ra sao.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3