Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển III - Chương 041 - 042

41. Lâm Tứ Nương

Ông Trần Bảo Thược làm quan ở đạo Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) là người đất Mân (tỉnh Phúc Kiến) đêm ngồi một mình, có cô gái vén rèm bước vào. Nhìn ra thì không quen mà rất đẹp, tay áo dài như lối trong cung cười nói: “Đêm thanh ngồi một mình không buồn à?” Ông giật mình hỏi là ai, nàng đáp: “Nhà thiếp không xa, chỉ bên xóm tây.” Ông đoán là ma nhưng lòng yêu thích bèn kéo áo mời ngồi, thấy trò chuyện rất phong nhã. Ông thích lắm ôm lấy, cũng không kháng cự gì lắm, chỉ ngoảnh lại hỏi: “Ở đây không có ai khác sao?” Ông vội khép cửa đáp không. Giục cởi áo xiêm, nàng có vẻ thẹn thùng sợ sệt, ông phải ân cần cởi giúp cho. Nàng nói: “Thiếp nay hai mươi tuổi, vẫn còn là xử nữ, mạnh bạo quá thì không chịu nổi.” Giao hoan xong thấy máu đỏ vấy ra chiếu, kế dựa gối cùng trò chuyện, tự nói là Lâm Tứ Nương. Ông hỏi kỹ, nàng nói: “Một tấm kiên trinh đã để cho chàng khinh bạc mà mất hết, nếu yêu thương thiếp thì chỉ cần tính chuyện lâu dài với nhau là được, hỏi lằng nhằng làm gì?”

Không bao lâu gà gáy, nàng trở dậy ra đi. Từ đó đêm nào cũng tới, thường đóng cửa uống rượu, nói tới âm luật thì nàng hiểu hết cung bậc. Ông đoán chắc hát rất hay, nàng nói: “Lúc còn nhỏ vốn được học.” Ông xin hát cho nghe một khúc, nàng nói: “Đã lâu không đụng tới âm nhạc, cung bậc quên mất quá nửa, sợ người hiểu biết cười cho.” Ông cố nài ép, nàng bèn cúi đầu gõ nhịp, hát khúc châu Y châu Lương, giọng rất thê thiết, hát xong rơi nước mắt. Ông cũng chua xót, ôm nàng an ủi: “Nàng đừng vì cái âm nhạc mất nước ấy mà buồn khiến người ta mất vui.” Cô gái nói: “Âm thanh là để tỏ ý, người buồn không thể bắt vui, cũng như người vui không bắt buồn được.” Hai người thân thiết còn hơn cả vợ chồng, lâu ngày người nhà nghe trộm, nghe thấy tiếng hát đều rơi nước mắt. Phu nhân nhìn trộm dung mạo, nghi là trên đời không có người đẹp đến như thế, không phải ma ắt là hồ, sợ sẽ gieo tai họa bèn khuyên ông dứt tình.

Ông không nghe, chỉ hỏi kỹ gốc tích cô gái. Nàng buồn rầu nói: “Thiếp là Cung nhân trong Hành phủ, gặp tai biến mà chết mười bảy năm rồi. Nghĩ chàng cao nghĩa nên gửi thân kết tình, thật không dám làm hại chàng. Nếu nghi ngờ thì xin giã biệt từ đây.” Ông nói: “Ta không hiềm nghi gì, nhưng đã yêu thương nhau như vậy thì phải biết rõ sự thật thôi.” Bèn hỏi việc trong cung thuở trước, cô gái kể rành rọt nghe rất thú vị, kể tới lúc suy vi thì nức nở nói không nên lời. Cô gái ít ngủ, hàng đêm cứ trở dậy tụng kinh Chuẩn đề, Kim cang. Ông hỏi: “Ở chín suối cũng có thể tự sám hối sao?” Nàng đáp: “Cũng như nhau cả, thiếp nghĩ trọn đời luân lạc nên muốn kiếp sau được giải thoát thôi.”

Lại cùng ông phẩm bình thi từ, chỗ nào dở là chê, gặp câu hay thì cất tiếng ngâm nga, ý khí phong lưu khiến người nghe quên mỏi mệt. Ông hỏi có hay thơ không thì đáp: “Lúc sống ngẫu nhiên cũng có làm.” Ông đòi viết tặng cho mình, nàng cười nói: “Lời thơ của đàn bà con trẻ đâu đủ đến tai bậc cao nhân?” Được ba năm, một đêm chợt nàng buồn rầu từ biệt. Ông giật mình hỏi, nàng cười đáp: “Diêm Vương nói thiếp kiếp trước không có tội mà vẫn không quên tụng kinh nên cho thác sinh làm con vua, đêm nay là vĩnh biệt, không còn gặp lại nhau nữa đâu.”

Nói xong buồn rầu, ông cũng rơi lệ. Bèn bày rượu cùng uống với nhau cho thật say, cô gái ngậm ngùi cất tiếng hát, âm điệu đau xót, mỗi tiếng mỗi tiếng đều thay đổi cung bậc, tới chỗ thương tâm thì nức nở, dừng lại mấy lần mới hát trọn khúc. Rượu cũng không sao uống say, đứng lên bồi hồi định từ biệt. Ông cố giữ lại, nàng ngồi thêm một lúc, chợt nghe tiếng gà gáy bèn nói: “Không thể ở lại lâu nữa rồi. Chàng vẫn trách thiếp không chịu dâng lời thơ dở, nay sắp vĩnh biệt, xin viết qua một bài.” Rồi đòi giấy bút, viết xong nói: “Lòng đau ý loạn, không thể cân nhắc câu chữ, tiếng dở luật sai xin cẩn thận đừng đưa người khác xem,” rồi lấy tay áo che mặt bước ra. Ông tiễn ra tới ngoài cổng, nàng tan đi như làn khói mất dạng. Ông đau xót hồi lâu, nhìn tới bài thơ thấy chữ viết ngay ngắn đẹp đẽ, trân trọng cất đi. Thơ rằng:

“Tĩnh tọa thâm cung thập thất niên,

Thùy tương cố quốc vấn thanh thiên.

Nhàn khan điện vũ phong kiều mộc,

Khấp vọng quân vương hóa đỗ quyên.

Hải quốc ba đào tà tịch chiếu,

Hán gia tiêu cổ tĩnh phong yên.

Hồng nhan lực nhược nan vi lệ.

Huệ chất tâm bi chỉ vấn thiên.

Nhật tụng Bồ đề thiên vạn cú,

Nhàn khan bối diệp lưỡng tam thiên.

Cao xướng Lê viên ca đại khốc,

Thỉnh quân độc thính diệc tàm nhiên.”[1]

[1] Mười bảy năm trời xót nỗi niềm

Lòng đau nước cũ trách trời nghiêng

Rảnh nhìn điện gác buồn cây cỏ

Khóc nhớ quân vương xót đỗ quyên

Sóng vỗ bể xa vầng nhật xế

Nhạc lừng cung Hán khói mây yên

Má hồng sức yếu khôn làm quỷ

Chất huệ lòng đau chỉ hỏi thiền

Ngày đọc Bồ đề ngàn vạn chữ

Nhàn xem Bối diệp mấy mươi thiên

Cất khúc Lê viên thay tiếng khóc

Xin ông giữ kín chút niềm riêng.

Lời thơ trùng lắp sai luật, ngờ là người chép lại bị lầm. Xét bộ Trì bắc ngẫu đàm của tiên sinh Vương Ngư Dương cũng chép truyện này nhưng bài thơ thì là Đường luật, Lư Nhã Vũ tiên sinh ở Đức Châu có đưa vào tập Sơn Tả thi sao, nên chép thêm vào đây để so sánh.

Trần Bảo Thược tự Lục Nhai người đất Mân, làm Quan sát Thanh Châu. Một hôm ngồi trong thư trai, chợt có a hoàn khoảng mười bốn mười lăm tuổi dung mạo rất đẹp vén rèm bước vào nói: “Lâm Tứ Nương yết kiến.” Trần kinh ngạc, không biết nguyên do, đang ngần ngừ thì Tứ Nương đã tới trước mặt nói câu vạn phúc, búi tóc mặc áo đỏ thêu nửa tay áo, mang hài mỏ phượng, lưng đeo song kiếm. Trần ngờ là bậc hiệp khách tiên cô, bất đắc dĩ vái chào mời ngồi. Tứ Nương nói: “Thiếp là cung tần cũ trong phủ Hành, quê ở Kim Lăng. Xưa Hành vương đem ngàn vàng cưới thiếp về cho ở trong hậu cung, sủng ái khác hẳn mọi người, không may chết sớm, chôn ở trong cung. Không đầy vài năm nước mất, vương lên bắc. Hồn thiếp còn lưu luyến mộ cũ, nay cung điện hoang vu, muốn mượn đình quán của ông để tiếp khách, vốn không có ích gì cho ông, nhưng cũng không có gì hại cho ông.” Trần dạ dạ.

Từ đó mỗi ngày tới một lần, mỗi khi bày tiệc, lúc đầu không thấy tân khách, nhưng nghe thấy tiếng cười nói thù tạc. Lâu ngày bày tiệc mời Trần và mấy người Công xa đồng hương với Trần. Mười mấy người trên tiệc chuốc rượu mừng, không khác gì người thường, nhưng cũng không biết là từ đâu tới. Rượu say, Tứ Nương kể lại chuyện cũ trong cung, bi thương khôn xiết, gõ nhịp mà hát, âm thanh rất ai oán, cả tiệc nước mắt đẫm áo mà tan. Như thế hơn năm, một hôm nàng buồn bã như sắp chia tay, nói với Trần: “Thiếp trần duyên đã hết, phải tới núi Chung Nam, vì ông hậu tình, nên tới chia tay một lần.” từ đó không tới nữa. Có một quyển thơ, Tư khấu Lý Ngũ Huyền người Trường Sơn có bản sao, lại có Hội nguyên Trần Chu Lượng ghi được một bài. Thơ rằng:

“Tĩnh tọa thâm cung ức vãng niên,

Lâu đài tiêu cô biến phong yên.

Hồng nhan lực bạc nan vi lệ.

Hắc hải tâm bi chỉ học thiền.

Tế độc Liên hoa thiên bách kệ,

Nhàn khan bối diệp lưỡng tam thiên.

Lê viên cao xướng thăng bình khúc,

Quân thí thinh (thính) chi diệc võng nhiên.”

( Ngồi lặng cung sâu xót nỗi niềm

Lâu đài ngày cũ khói mây nghiêng

Má hồng sức yếu khôn làm quỷ

Biển tối lòng đau chỉ học thiền

Khẽ đọc Liên hoa ngàn vạn chữ

Nhàn xem Bối diệp mấy mươi thiên

Lê viên cao khúc thanh bình trước

Ông nếu nghe xong cũng sẽ quên.)

Phụ: Bài ký về Lâm Tứ Nương của Lâm Tây Trọng (Vân Minh)[2]

[2] Lâm Tây Trọng Vân Minh Lâm Tứ Nương ký.

Ông Ngô Bảo Thược ở Tấn Giang (tỉnh Phúc Kiến) tự Lục Nhai, năm Khang Hy thứ 2 (1663) làm quan Thiêm sự ở đạo Thanh Châu tỉnh Sơn Đông, đêm cứ nghe có tiếng gõ cửa, lên tiếng hỏi thì không ai đáp. Tên đầy tớ tức tối không chịu nổi cầm giáo rình đâm. Đêm ấy chỉ nghe tiếng chửi mắng, xô cửa giữa xông ra thì là một con quỷ mặt xanh nanh dài cởi trần đứng sừng sững, đầu cao tới tận chái nhà, y hoảng sợ vứt giáo ngã lăn ra đất. Trần vội bước ra quát: “Đây là công thự của triều đình, ngươi là yêu quái ở đâu dám tới quấy nhiễu?” Quỷ cười nói: “Nghe quý nô bộc định giết nên tới chịu chết.” Trần tức giận định gọi quân bắt giết, vừa nghĩ thì quỷ đã cười nói: “Gọi quân bắt ta, sao mưu kế kém cỏi thế?”

Trần càng tức giận, sáng ra điều hai ngàn quân tới giữ cổng. Đến đêm quỷ từ trong góc tường nhô ra, cao chừng ba thước, đầu to như cái bánh xe, miệng há to như cái thúng, hai mắt lóe sáng, bò rạp dưới đất, hơi lạnh toát ra gai người. Quân sĩ quát tháo bắn túi bụi, đạn lửa đều không cháy, tên bắn trúng thì không mũi nào cắm vào nó. Quỷ giật cung bắn trả, tên bay như mưa nhưng đều lướt qua đầu chứ không làm ai bị thương, quân sĩ bỏ chạy tán loạn. Trần lại mời thầy pháp về làm phép xua đuổi, đêm đến thầy pháp ngủ lại trong dinh. Lúc ấy là tháng chạp rất lạnh, Trần vừa đi nghỉ thì quỷ tới thẳng chỗ thầy pháp ngủ lột sạch chăn nệm quần áo, thầy pháp sợ hãi kêu cứu, Trần bất đắc dĩ phải tới năn nỉ. Quỷ cười nói: “Nghe nói thầy pháp cao tay lắm, nghĩ là có phép thuật mà tài nghề chỉ có bấy nhiêu thôi sao?” rồi ném trả quần áo. Hôm sau thầy pháp xấu hổ từ biệt ra đi.

Từ đó trong dinh cứ bị ném đá liệng ngói sớm tối không yên, có khi thấy tường sụp cột đổ, mọi người vội tránh xa thì lại không có chuyện gì, Trần lo lắm. Sau ta có người bạn đồng niên là Lưu Vọng Linh lên kinh, đi ngang Thanh Châu hỏi biết chuyện bèn nói với Trần: “Ông tự chuốc lấy tai họa đó thôi. Lý trong thiên hạ có dương ắt có âm, nếu không hấp tấp trừ yểm thì cũng không đến nỗi bị phá phách như vậy,” chưa dứt lời thì quỷ đã hiện ra lạy tạ. Lưu thấy hung ác đáng sợ bèn khuyên nên thay đổi dung mạo, quỷ lập tức bước vào phòng kín, giây lát trở ra thì là một giai nhân tuyệt sắc, tóc mây búi cao, y phục đẹp đẽ tha thướt đi tới. Quần áo của nàng đều bằng thứ lụa long sa trơn láng mềm mại, cũng không thấy đường may, hương thơm sực nức không sao tả xiết. Nàng tự xưng là Lâm Tứ Nương, có một tớ trai tên Quán Đạo, một tỳ nữ tên Đông Cô, đều có bóng không có hình, chỉ Tứ Nương là không khác gì người sống.

Trần hàng ngày cùng nàng uống rượu làm vui, thân cận rất mực, chỉ không có chuyện kia nọ mà thôi. Phàm các công văn trong dinh phần lớn đều do nàng thảo ra, những án ngục khó xét lâu năm thì nàng dò xét rõ cả đầu đuôi, Trần ra xét một lần là ai cũng phục. Trần đi khảo thí thì nàng phẩm bình văn chương, xếp hạng trên dưới đều xứng đáng nên rất nổi tiếng.

Trước kia Trần chờ bổ nhiệm ở Yên Kinh có vay một người nhà buôn hai ngàn quan tiền, lúc ấy người nhà buôn bất ngờ tới đòi không sao trả được, xin trả một nửa nhưng y không chịu. Tứ Nương ra trách, nói: “Trần công há phải là kẻ quỵt nợ sao, chỉ vì nhất thời nên không đủ sức trả hết thôi. Người cứ nằng nặc đòi bằng được để đẩy ông vào chỗ mất danh dự thì có gì hay cho ngươi? Ta là ma đây, nếu không nghe lời thì ta sẽ gieo tai họa cho ngươi đấy.” Người nhà buôn vốn không tin chuyện ma quỷ nên cười nói: “Nàng là người đẹp mà lấy chuyện ma quỷ dọa ta, nếu quả là ma thì phải biết nhà cửa nghề nghiệp của ta ở kinh.” Tứ Nương nói: “Nhà cửa nghề nghiệp của ngươi khó gì mà không biết. Ngươi gần đây có làm một việc nhơ nhuốc ở nơi nọ, ta nói ra chỉ sợ ngươi phải chết thôi.” Người nhà buôn hoảng sợ cáo từ ra về, Trần ngầm hỏi việc y làm nhưng rốt lại Tứ Nương vẫn không chịu nói ra, giấu điều xấu cho người như thế đấy.

Tính nàng ưa ngâm vịnh, thơ phú làm ra phần lớn có âm điệu thê lương cảm khái, người ta không nỡ đọc. Phàm những người ở đất Mân (tỉnh Phúc Kiến) tới thăm Trần thì nàng ắt cùng họ uống rượu vui đùa, khi chia tay là tặng thơ, trong có ẩn ngữ, về sau phần lớn đều nghiệm. Có một người học trò thích nàng xinh đẹp nên động tà niệm, Tứ Nương tức giận nói: “Thằng mán rừng này thật vô lễ.” Rồi ra lệnh: “Phạt gậy!” Người học trò chợt ngã lăn xuống đất kêu gào xin tha, hai mông đít đầy vết gậy đánh. Mọi người xin tha cho y, Tứ Nương bèn gọi tỳ nữ Đông Cô lấy thuốc cho y uống, lập tức không còn đau đớn gì nữa, rồi lại cùng nhau uống rượu vui vẻ như lúc đầu.

Trần hỏi đầu đuôi việc thành ma, Tứ Nương đáp: “Ta là người huyện Bồ Điền (tỉnh Phúc Kiến) trong niên hiệu Sùng Trinh nhà Minh (1628 -1643). Trước cha ta làm quan giữ kho ở phủ Giang Ninh (tỉnh Nam Kinh), ăn cắp của kho bị hạ ngục. Ta cùng người anh con cậu hết sức chạy vạy, suốt nửa năm đi đâu cũng có nhau nhưng không hề có chuyện tư tình. Đến khi cha ta được tha lại nghi ngờ, ta bèn thắt cổ tự tử để chứng tỏ là không có chuyện gì, hồn phách cứng cỏi nên không tan. Vì có tình đồng hương với ông nên tới đây, cũng không phải là ngẫu nhiên đâu. Tính lại nàng ở dinh thự được mười tám tháng thì cáo từ, sau khi chia tay Trần nhớ tiếc mãi. Năm Khang Hy thứ 6 (1667) Trần được bổ làm Truyền dịch đạo ở Giang Nam, kể cho nghe chuyện này, dặn ta ghi lại.

42. Con gái ông Lỗ[1]

[1] Lỗ công nữ.

Trương Ư Đán người huyện Chiêu Viễn (tỉnh Sơn Đông) tính ngang tàng không chịu bị trói buộc, tới học ở chùa Tiêu. Lúc ấy quan Tri huyện là ông Lỗ người Tam Hàn (vùng đất phía nam Triều Tiên) có cô con gái thích đi săn, sinh tình cờ gặp nàng ngoài đồng, thấy phong tư lộng lẫy, mặc áo lông điêu gấm, cưỡi con ngựa câu nhỏ, xinh đẹp như tranh vẽ, trở về nhớ nhung, băn khoăn tơ tưởng. Sau nghe tin nàng mắc bạo bệnh mà chết, vô cùng đau xót.

Lỗ vì nhà ở xa nên gởi quan tài nàng trong chùa, tức nơi sinh ở. Sinh kính cẩn như đối với thần minh, sáng ra thì thắp hương, đến bữa thì cúng vái, cứ rưới rượu khấn rằng: “Thấy mặt một lần mộng hồn vương vấn, không ngờ người ngọc chợt qua đời, nay thì tuy gần gũi trong gang tấc mà xa xôi như núi sông, thật hận làm sao. Nhưng nàng còn sống thì còn có điều trói buộc chứ chết rồi không còn gì ngăn cấm, dưới chín suối có thiêng thì xin nhẹ nhàng về đây cho vơi niềm mong nhớ!” Sớm tối cứ thế khấn khứa suốt nửa năm.

Một đêm khêu đèn đọc sách, chợt ngẩng đầu thì thấy cô gái đang đứng trước đèn tươi cười. Sinh giật mình đứng lên hỏi, nàng đáp: “Cảm vì tình của chàng, không cầm lòng được nên không sợ mang tiếng tư tình.” Sinh cả mừng kéo nàng ngồi xuống rồi cùng nhau ân ái, từ đó đêm nào nàng cũng tới. Cô gái nói với sinh: “Lúc thiếp còn sống thích cung ngựa, lấy việc bắn hươu giết nai làm vui, tội nghiệt rất sâu, chết không có nơi về, nếu chàng thật lòng thương yêu xin phiền tụng kinh Kim cương cho đủ số một tạng[2] thì đời đời kiếp kiếp không dám quên ơn.” Sinh kính cẩn nghe lời, cứ sáng ra là lập tức tới trước quan tài lần tràng hạt đọc kinh.

[2] Đủ số một tạng: tức đủ tám mươi mốt lần. Tám mươi mốt là con số thiêng của nhà Phật.

Gặp lúc cuối năm, muốn cô gái cùng về nhà với mình, cô gái lo chân yếu không thể lặn lội. Sinh xin cõng đi, nàng cười nghe theo, thấy như cõng trẻ con không có chút gì nặng nhọc mỏi mệt. Từ đó lấy thế làm thường, đi khảo thí cũng đưa nàng theo, nhưng chỉ ban đêm mới đi. Sinh sắp đi thi hương, cô gái nói: “Chàng phúc mỏng, vất vả làm gì,” sinh nghe lời bèn thôi.

Được bốn năm năm, Lỗ bãi chức nghèo quá không thể đưa quan tài con gái cùng về quê, định chôn ở đó nhưng ngặt không có đất. Sinh bèn tự trần rằng: “Ta có khoảnh đất xấu gần chùa, xin cứ chôn cất tiểu thư ở đó.” Lỗ mừng lắm, sinh lại hết sức giúp đỡ việc chôn cất, Lỗ rất biết ơn nhưng không hiểu vì sao. Lỗ đi rồi, hai người lại khăng khít như trước.

Một đêm nàng nép vào lòng sinh nước mắt lã chã nói: “Gắn bó được năm năm, nay phải chia tay rồi. Thiếp chịu ơn của chàng mấy kiếp cũng không báo đáp được,” Sinh ngạc nhiên hỏi, nàng đáp: “Đội ơn tới tận suối vàng, kinh sấm đã tròn một tạng, nay được đi đầu thai vào nhà quan Hộ bộ họ Lư ở Hà Bắc. Nếu chàng không quên tình hôm nay thì đúng ngày Trung thu mười lăm năm sau xin tới gặp nhau.” Sinh rơi nước mắt nói: “Ta đã hơn ba mươi tuổi rồi, thêm mười lăm năm nữa thì sắp vào quan tài, gặp nhau có làm được gì?” Cô gái cũng khóc nói: “Thiếp xin làm nô tỳ để đền ơn.” Lát sau lại nói: “Chàng đưa thiếp đi giùm sáu bảy dặm với, từ đây ra đó đường nhiều gai góc, thiếp sợ rách hết quần áo.” Rồi ôm cổ sinh, sinh cõng nàng ra tới đường cái, thấy ven đường có một dãy xe ngựa, trên ngựa hoặc một hoặc hai người, trên xe hoặc ba bốn người hoặc mười mấy người không như nhau.

Có một chiếc xe buông màn thêu treo rèm ngọc, chỉ có một bà già ngồi trên, thấy cô gái tới bèn gọi: “Tới rồi đấy à?” Cô gái đáp: “Tới rồi đây,” rồi ngoảnh nhìn sinh nói: “Tới đây thì thiếp xin đi, đừng quên lời thiếp dặn,” sinh vâng dạ. Cô gái bước tới cạnh xe, bà già đưa tay kéo lên, rồi đó lăn bánh lên đường, xe ngựa rầm rập phóng đi.

Sinh buồn bã trở về, ghi lại ngày hẹn lên vách, nhưng lại nghĩ tới công hiệu của kinh Phật, lại càng chuyên cần tụng niệm. Nằm mơ thấy thần nói: “Lòng thành của ngươi rất đáng khen, nhưng cũng phải tới Nam Hải[3] nữa.” Sinh hỏi: “Nam Hải cách đây xa không?” Thần đáp: “Chỉ trong gang tấc.” Sinh tỉnh dậy hiểu ý, bèn tụng kinh Quan Âm, tu hành càng nghiêm cẩn.

[3] Nam Hải: đây chỉ nơi ở của Quan Thế Âm Bồ Tát.

Ba năm sau con thứ là Minh, con trưởng là Chính nối nhau thi đỗ. Sinh quý hiển nhưng vẫn giữ thiện hạnh, đêm mơ thấy một người áo xanh mời đi, tới một nơi cung điện, trong điện có một người ngồi, hình dáng như Quan Âm Bồ Tát đứng lên đón, nói: “Ông làm điều lành đáng khen, tiếc không được sống lâu, may ta đã xin được Thượng đế cho thêm tuổi thọ rồi.” Sinh lạy rạp dập đầu, Bồ tát gọi đứng lên, cho ngồi uống trà, thấy mùi vị thơm ngát như hoa lan. Lại sai đồng tử dẫn đi, bảo xuống ao tắm, nước ao trong suốt có thể đếm được cá đang bơi, bước xuống thấy ấm áp, vốc lên thấy có mùi hương sen. Lát sau dần ra tới chỗ sâu, hụt thân chìm nghỉm, giật mình tỉnh dậy lấy làm lạ lùng.

Từ đó thân thể càng khỏe mạnh, mắt càng sáng, vuốt râu thì những sợi râu trắng đều lả tả rơi xuống, lâu sau thì râu đen cũng rụng xuống, những nếp nhăn trên mặt cũng giãn ra. Vài tháng sau thì cằm không còn sợi râu nào mà mặt như trẻ con giống lúc mười lăm mười sáu tuổi. Lại thích những trò nghịch ngợm phá phách, có khi làm điều bậy bạ, hai con trai phải xin lỗi che chở cho. Không bao lâu, phu nhân già mắc bệnh chết, hai con trai muốn hỏi cưới vợ kế con nhà thế tộc cho cha, sinh nói: “Chờ ta tới Hà Bắc trở về rồi sẽ cưới vợ.”

Bấm đốt ngón tay tính đã tới ngày hẹn, bèn sai đầy tớ thắng ngựa tới Hà Bắc, hỏi thăm quả có nhà quan Hộ bộ họ Lư. Trước là ông Lư sinh được một con gái, sinh ra đã biết nói, lớn lên càng thông minh xinh đẹp, cha mẹ rất yêu dấu. Các nhà giàu sang tới dạm hỏi thì nàng cứ chối từ không chịu, cha mẹ lấy làm lạ hỏi, nàng kể lại lời hẹn kiếp trước. Cha mẹ cùng tính lại tuổi tác sinh, cười lớn nói: “Con nhãi ngây ngốc, Trương lang tính ra đã gần năm mươi tuổi, nếu việc người thay đổi thì xương đã mục nát, mà nếu còn sống cũng thì đã đầu hói răng rụng rồi.” Cô gái không nghe, mẹ thấy nàng quyết ý bèn bàn với ông Lư sai người giữ cửa không được đưa tin sinh tới, chờ qua kỳ hẹn để nàng không mong đợi nữa.

Không bao lâu sinh tới, người giữ cửa từ chối không cho vào, sinh quay lại nhà trọ buồn bã không biết làm sao. Lúc nhàn rỗi đi dạo ngoài đồng, nhân ngầm tìm cách nghe ngóng tin tức trong nhà họ Lư. Cô gái cho rằng sinh phụ ước, khóc lóc bỏ ăn, mẹ nói: “Y không tới, chắc đã chết rồi, nếu không thì cái lỗi phụ ước không phải là do con.” Nàng không nói gì, chỉ nằm cả ngày. Lư lo sợ, cũng nghĩ muốn gặp sinh một lần xem sao bèn lấy cớ ra ngoài dạo chơi, gặp sinh ngoài đồng, nhìn thấy là một thiếu niên lấy làm kinh ngạc. Bèn trải chiếu xuống đất cùng ngồi trò chuyện, thấy rất hợp ý, mừng rỡ mời về nhà.

Sinh đang định hỏi chuyện, Lư lập tức đứng lên dặn khách ngồi đợi một lúc rồi vội vào nói với con gái. Cô gái vui mừng gượng dậy, ra núp nhìn mặt sinh thấy không giống, rơi lệ quay vào, oán trách cha lừa dối mình. Lư ra sức phân trần đó đúng là sinh, cô gái không nói gì, chỉ rơi lệ không thôi. Lư trở ra, trong lòng chán nản, trò chuyện với khách rất lạt lẽo. Sinh hỏi: “Quý nhân có phải là quan Hộ bộ không?” Lư ngạo mạn gật đầu, ngoảnh nhìn chỗ khác như không muốn tiếp khách. Sinh thấy ngạo mạn vô lễ bèn cáo từ ra về, cô gái khóc lóc mấy ngày rồi chết. Sinh đêm nằm mơ thấy nàng tới nói: “Người tới đó đúng là chàng ư? Tuổi tác cùng dung mạo quá cách biệt, lại nhìn qua rèm nên không thấy rõ mặt, thiếp vì phẫn uất mà chết, xin chàng tới miếu Thổ địa gọi hồn gấp thì thiếp còn có thể sống lại, nếu chậm thì không kịp đâu.”

Sinh tỉnh dậy vội tới cổng nhà họ Lư nghe ngóng, quả nhiên cô gái đã chết hai ngày rồi. Sinh vô cùng đau xót, vào tận nhà trong điếu tang, kế kể lại giấc mơ cho Lư nghe, Lư theo lời lập đàn gọi hồn về rồi mở vải liệm ra vỗ về xác cô gái, kêu gọi khấn khứa. Giây lát nghe trong cổ họng nàng có tiếng thở khò khè, chợt thấy môi son hé mở, nhưng toàn thân vẫn lạnh như băng. Vội bế ra đặt lên giường, giây lát thì nàng rên rỉ, Lư mừng rỡ mời khách ra ngoài, mở tiệc khoản đãi. Hỏi tới gia thế biết sinh là nhà quý hiển, càng thêm mừng rỡ bèn chọn ngày tốt gả con gái cho sinh.

Sinh ở đó nửa tháng rồi đưa cô gái về, Lư cũng tiễn về tới tận nhà, ở lại nửa năm mới đi. Vợ chồng ăn ở với nhau rõ ra là một cặp vợ chồng trẻ, nhiều người không biết cứ lầm tưởng vợ chồng con trai là vợ chồng sinh. Qua năm sau ông Lư chết, con trai còn quá nhỏ nên bị bọn cường hào lấn hiếp, gia sản dần khánh kiệt, sinh bèn đón về nuôi, sau con trai Lư làm nhà ở đó luôn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3