Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển III - Chương 043 - 044 - 045
43. Đạo sĩ
Hàn sinh là con nhà thế gia, tính hiếu khách, có họ Từ cùng thôn thường tới uống rượu. Một lần đang họp mặt thì ngoài cổng có đạo sĩ tới ăn xin, người nhà cho tiền gạo đều không lấy cũng không đi, chúng tức giận bỏ vào không nhìn tới nữa. Hàn nghe tiếng cãi cọ hồi lâu bèn hỏi người nhà, họ thưa lại, chưa dứt lời đạo sĩ đã vào tới. Hàn mời ngồi, đạo sĩ nhìn chủ khách giơ tay một cái rồi ngồi ngay xuống. Hỏi qua mới biết là ngụ trong ngôi miếu nát ở xóm Đông. Hàn nói: “Không biết dấu hạc về quán Đông lúc nào khiến ta thiếu lễ địa chủ.” Đạo sĩ đáp: “Kẻ quê kệch mới tới, không quen biết ai, nghe nói cư sĩ rộng rãi nên rất muốn xin uống rượu.” Hàn sai rót rượu, đạo sĩ uống rất hào, Từ thấy quần áo rách rưới dơ dáy có vẻ nghèo khổ nên không trọng lắm, Hàn cũng coi là loại khách thoáng qua. Đạo sĩ uống cạn hơn hai chục chén rồi chào ra về.
Từ đó cứ mở tiệc mời khách là đạo sĩ tới, gặp lúc ăn thì ăn, gặp lúc uống thì uống, Hàn cũng hơi bực mình. Có lần đang uống rượu, Từ chế nhạo nói: “Đạo trưởng hàng ngày làm khách, sao không làm chủ một phen?” Đạo sĩ cười đáp: “Đạo sĩ với cư sĩ như nhau, chỉ có hai vai mang một cái mồm thôi.” Từ thẹn không sao trả lời được. Đạo sĩ nói: “Tuy nhiên bần đạo có lòng thành đã lâu, cũng phải hết sức làm chén nước để mời,” kế uống xong dặn: “Trưa mai xin mời quá bộ.”
Hôm sau hai người rủ nhau cùng đi, vẫn ngờ là đạo sĩ không đặt tiệc, nhưng ông ta đã đón trên đường. Vào cổng thấy nhà cửa đều mới làm, gác rộng liền mây, vô cùng lạ lùng, nói: “Lâu không tới đây, xây mới lúc nào vậy?” Đạo sĩ đáp: “Cũng vừa làm xong.” Vào tới nhà trong thấy đồ vật bày biện đều sang trọng đẹp đẽ, các nhà thế gia cũng không có, hai người bất giác nảy lòng kính trọng. Mời ngồi xong, những kẻ rót rượu bưng mâm đều là bọn đồng tử đẹp trai khoảng mười sáu tuổi, áo gấm hài đỏ, còn rượu và thức ăn thơm ngon thì ê hề. Ăn xong lại bưng lên thức tráng miệng, có nhiều loại trái cây quý không biết tên, đựng trong khay pha lê ngọc thạch lóng lánh, rượu thì rót vào chén pha lê chu vi cả thước.
Đạo sĩ nói: “Gọi chị em họ Thạch lên đây,” tiểu đồng đi giây lát thì có hai mỹ nhân bước vào. Một nàng mảnh khảnh mà cao như cành liễu, một nàng thấp, tuổi cũng trẻ hơn, cả hai đều xinh đẹp. Đạo sĩ sai hát mời rượu, nàng trẻ tuổi gõ phách mà hát, nàng kia thổi sáo họa lại, âm thanh vi vu trong trẻo. Dứt khúc, đạo sĩ đưa chén ra bảo rót rượu, rồi bảo uống cạn. Lại hỏi người đẹp: “Lâu quá không múa, nay múa được không?” Lập tức có bọn tớ trai đem nệm ra trải dưới tiệc. Hai nàng đối nhau múa, áo dài phất tung, hương thơm bay ngát, múa xong dựa người vào tấm bình phong vẽ. Hai người thần hồn bay mất, bất giác uống tới say mèm.
Đạo sĩ cũng không nhìn ngó gì tới khách nữa, cứ nâng chén uống cạn, kế đứng lên nói: “Xin phiền cứ tự rót rượu, ta đi nghỉ một lúc sẽ trở lại,” rồi bước đi. Vách phía nam có đặt một cái giường khảm xà cừ, hai cô gái đem nệm gấm trải ra rồi đỡ đạo sĩ lên nằm. Đạo sĩ bèn kéo nàng cao lên cùng nằm, sai nàng trẻ đứng ở dưới xoa lưng. Hai người thấy thế bực lắm, Từ bèn gọi lớn: “Đạo sĩ không được vô lễ,” rồi sấn tới phá đám, đạo sĩ vội trở dậy chạy trốn. Từ thấy nàng trẻ tuổi vẫn đứng trước giường, nhân đang say bèn kéo lên chiếc giường ở vách phía bắc, công nhiên ôm ấp. Ngoái lại thấy người đẹp trên giường vẫn nằm yên bèn nói với Hàn: “Sao ông đứng xa thế.” Hàn liền leo lên giường định giao hoan, nhưng người đẹp ngủ say, lay không nhúc nhích bèn ôm nàng cùng ngủ. Trời sáng tỉnh rượu thức giấc, thấy trong lòng có một vật lạnh buốt, nhìn lại thì ra mình ôm một hòn đá dài nằm dưới bậc thềm. Vội nhìn lại Từ thấy vẫn chưa tỉnh, gối đầu vào một viên đá ngủ say trong nhà xí cũ. Tới đá cho tỉnh dậy, cùng lạ lùng kinh sợ, nhìn quanh thì chỉ có một sân cỏ hoang, hai gian nhà nát mà thôi.
44. Họ Hồ[1]
[1] Hồ thị.
Vùng Trục Lệ (tỉnh Hà Bắc) có nhà giàu muốn đón thầy dạy học, chợt có vị Tú tài tới cửa tự giới thiệu. Chủ nhân mời vào, thấy ngôn ngữ hào sảng, quý mến như bạn lâu ngày. Tú tài tự nói mình họ Hồ[2], chủ nhân bèn nộp tiền dạy học, giữ lại ở đó. Hồ dạy học rất chăm chỉ, kiến thức khác hẳn bọn học trò tầm thường, nhưng thường ra ngoài chơi đến khuya mới về, cổng nẻo vẫn đóng chặt, không thấy gõ cửa mà đã vào tới trong phòng rồi. Chủ nhân ngờ là hồ nhưng xét tình ý thấy không có vẻ độc ác nên vẫn đối xử lễ phép, không vì quái dị mà coi thường.
[2] Họ Hồ: chữ “hồ” đây viết là nhục nguyệt đồng âm chứ không phải là chữ “hồ” (con chồn).
Hồ biết chủ nhân có con gái, muốn kết thông gia, mấy lần nói xa nói gần nhưng chủ nhân cứ làm như không hiểu. Hồ bèn lấy cớ có việc đi vắng, hôm sau có khách tới, buộc con lừa đen ở cổng. Chủ nhân ra mời vào, thấy tuổi khoảng năm mươi, áo quần tươm tất sạch sẽ, lời lẽ ý khí phong nhã, ngồi vào trò chuyện mới biết là người mai mối của Hồ. Chủ nhân im lặng hồi lâu rồi nói: “Ta với Hồ tiên sinh quen nhau không có gì trái ý, cần gì phải làm thông gia, vả lại con gái ta đã hứa gả cho người khác rồi, phiền ông tạ lỗi giùm với tiên sinh.” Khách nói: “Ta biết chắc lệnh ái còn chưa hứa gả cho ai, sao ông cự tuyệt nhau quá thế?” Nói đi nói lại mấy lần chủ nhân vẫn không chịu, khách có vẻ thẹn thùng, nói: “Họ Hồ cũng là thế tộc, có chỗ nào không bằng ông?” Chủ nhân nói thẳng rằng: “Thật không có ý gì khác, chỉ vì khác loài mà thôi.”
Khách nghe thấy nổi giận, chủ nhân cũng nổi giận, lớn tiếng sỉ vả nhau. Khách đứng bật dậy đánh chủ nhân, chủ nhân sai người nhà vác gậy đánh đuổi, khách bỏ chạy bỏ cả con lừa lại. Nhìn kỹ lại thì thấy con lừa lông đen tuyền, xua tai vẫy đuôi đúng là con lừa, nhưng kéo đi thì không động đậy, đánh đuổi thì theo tay khuỵu xuống kêu rền rĩ, té ra là một con sâu. Chủ nhân thấy khách căm tức, biết ắt sẽ báo thù nên chuẩn bị đề phòng. Hôm sau quả có quân hồ kéo tới rất đông, người đi ngựa, người đi bộ, hoặc mang giáo hoặc mang cung, người kêu ngựa hí ầm ĩ, chủ nhân không dám ra.
Bọn hồ kêu lớn: “Đốt nhà y đi,” chủ nhân càng sợ. Có người khỏe mạnh dắt gia nhân xông ra ném đá bắn tên, hai bên đánh nhau, bên nào cũng có người bị thương, bọn hồ dần dần yếu thế, nhao nhao bỏ chạy, vứt cả gươm giáo xuống đất, thấy sáng loáng như tuyết, tới gần nhặt lên thì toàn là lá lúa mì. Mọi người cười nói: “Tài nghề bọn chúng chỉ có bấy nhiêu thôi,” nhưng sợ hồ sẽ lại kéo tới nên càng phòng bị nghiêm ngặt. Sáng hôm sau mọi người đang họp lại bàn tán chợt có một người to lớn từ trên trời rơi xuống, mình cao hơn một trượng, vai rộng mấy thước, vung đại đao to bằng cánh cửa đuổi người mà chém. Mọi người bắn tên đạn túi bụi, người ấy ngã lăn ra đất, nhìn lại thì là hình nộm bằng cỏ mà thôi, cùng lấy làm lạ. Ba ngày liền hồ không tới nữa, mọi người hơi lơ là. Vừa lúc chủ nhân vào nhà xí, chợt bọn hồ ào ào kéo tới bắn loạn xạ, bị trúng tên vào mông, cả sợ kêu cứu, mọi người đổ ra đánh dữ dội, bọn hồ mới lui. Nhổ tên ra xem thì đều là cọng cỏ bồng.
Cứ thế hơn tháng, bọn hồ lúc tới lúc không, tuy không bị thiệt hại gì nhiều, nhưng ngày nào cũng phải nơm nớp đề phòng, chủ nhân vô cùng lo lắng. Một hôm Hồ sinh dẫn quân tới, chủ nhân đích thân ra, Hồ thấy mặt bèn lẩn vào đám đông, chủ nhân gọi lớn, bất đắc dĩ Hồ phải ra. Chủ nhân nói: “Ta tự thấy mình không hề thất lễ với tiên sinh, sao tiên sinh lại dấy động binh đao?” Bọn hồ muốn bắn, Hồ ngăn lại, chủ nhân tới gần nắm tay mời vào phòng dạy học cũ, bày rượu khoản đãi rồi ung dung nói: “Tiên sinh là người đạt lý, chắc sẽ tha thứ cho. Ta tuy thân thiết với tiên sinh nhưng không muốn làm thông gia, chỉ vì xe ngựa nhà cửa của tiên sinh phần lớn đều khác với loài người, con gái ta theo về thì tiên sinh cũng biết là không thể được. Vả lại lời ngạn có câu: “Trái dưa mọc ra thì ai hái cũng chỉ để ăn, vậy tiên sinh cưới làm gì?” Hồ cả thẹn, chủ nhân nói: “Không sao, con trai ta còn đây, nếu không chê là ngu hèn, thì thằng nhỏ theo học ông đã mười lăm tuổi, xin cho nó làm rể, không biết ông có đứa con gái nào không?” Hồ mừng rỡ nói: “Ta có đứa em gái kém công tử một tuổi, nếu không chê là thô lậu, xin được hầu hạ khăn lược cho công tử, có được không?” Chủ nhân đứng lên vái lạy, Hồ cũng vái trả, rồi đó thù tạc rất vui vẻ, quên hết thù hiềm cũ. Chủ nhân sai mang rượu thịt ra khao thưởng tất cả bọn hồ đi theo, trên dưới đều hoan hỉ. Lại hỏi tới nơi ở để sai người tới nộp sính lễ nhưng Hồ từ tạ, trời tối lại đốt đuốc uống rượu đến lúc say mới về, từ đó chủ nhân lại được yên ổn.
Hơn năm sau Hồ không tới, có người ngờ là hẹn dối nhưng chủ nhân vẫn kiên tâm chờ. Lại sau nửa năm Hồ chợt tới, hỏi thăm sức khỏe chủ nhân xong, nói: “Em gái ta đã trưởng thành, xin chọn ngày lành tháng tốt cho nó được về thờ cha mẹ chồng.” Chủ nhân mừng rỡ, lập tức đính ước. Kế Hồ ra về, đến ngày hẹn quả nhiên có xe kiệu đưa cô dâu tới, của hồi môn rất nhiều, bày đầy cả phòng. Cô dâu ra mắt cha mẹ chồng, vô cùng lễ phép, chủ nhân cả mừng. Hồ sinh cùng một người em trai đưa cô dâu tới, trò chuyện đều phong nhã, tửu lượng lại cao, uống rượu đến sáng mới về. Cô dâu mới lại có thể biết trước năm nào được mùa năm nào mất mùa, nên việc trồng trọt mưu sinh trong nhà cứ theo đó mà quyết. Anh em Hồ sinh cùng bà mẹ thường tới thăm nàng, mọi người đều biết mặt.
45. Bậc vương công[1]
[1] Vương giả.
Tuần phủ Hồ Nam là ông Mỗ sai quan Châu tá áp tải sáu mươi vạn tiền lương về kinh. Giữa đường gặp mưa, trời tối lỡ đường không có chỗ ngủ, thấy xa xa có một ngôi chùa cổ bèn tới đó nghỉ lại. Sáng ra nhìn tới số tiền thì đã mất hết. Mọi người kinh hãi nhưng không thể quy tội cho ai, bèn về bẩm với Tuần phủ. Tuần phủ cho là bịa đặt định đem trị tội, đến khi tra hỏi các sai dịch đi cùng thì không ai nói gì khác, liền bắt phải trở lại chỗ mất tiền điều tra manh mối.
Tới trước miếu thấy một người mù tướng mạo kỳ dị treo tấm bảng đề “Biết việc trong lòng”, nhân nhờ bói cho. Người mù nói: “Đây là vì việc mất vàng.” Viên Châu tá nói phải rồi kể lể nỗi khổ. Người mù đòi một cỗ kiệu, nói: “Cứ đi theo ta sẽ biết,” mọi người theo lời, các sai dịch cũng đi theo. Người mù nói: “Đi về phía đông,” mọi người đi về phía đông, nói: “Đi về phía bắc,” mọi người đi về phía bắc. Được năm ngày thì vào trong núi sâu, chợt thấy thành quách, người đi lại nhộn nhịp. Vào thành đi một lúc, người mù nói: “Dừng lại,” rồi xuống kiệu, chỉ về hướng nam nói: “Cứ tới cái cổng cao quay về phía tây thì vào mà hỏi,” rồi chắp tay bỏ đi.
Viên Châu tá theo lời, quả tới cái cổng cao liền vào. Có một người ra, ăn mặc theo kiểu thời Hán, không xưng tên họ. Viên Châu tá kể nguyên do mình tới, người ấy nói: “Xin ở lại vài hôm, sẽ đưa ông tới ra mắt người có trách nhiệm.” Rồi đưa viên Châu tá đi, cho ở một nơi riêng, lo đủ cơm nước. Nhân lúc rảnh rỗi, viên Châu tá đi dạo ra sau nhà thấy có cái đình trong khu vườn, tùng già rợp bóng, cỏ mượt như nhung. Qua mấy đoạn hành lang lại tới một cái đình cao, theo bậc thềm bước lên, thấy trên vách treo mấy tấm da người còn đủ cả tai mắt mũi mồm, mùi tanh nồng nặc, bất giác sởn hết gai ốc, vội vàng quay về phòng. Tự nghĩ chắc phải gởi thây nơi đất lạ, không mong gì sống được. Nhưng nghĩ bề nào cũng chết, hãy cứ chờ xem.
Hôm sau người kia tới gọi đi, nói: “Hôm nay có thể gặp được,” viên Châu tá dạ dạ. Người kia cưỡi ngựa phóng như bay, viên Châu tá hộc tốc chạy theo. Lát sau tới một quân dinh oai vệ như dinh Tổng đốc, sai dịch dàn hàng hai bên, không khí nghiêm trang. Người kia xuống ngựa dẫn viên Châu tá vào, qua một lớp cửa nữa, thấy một vị vương giả áo gấm mũ ngọc ngồi quay về hướng nam. Viên Châu tá bước lên lạy chào, vị vương giả hỏi: “Ngươi là quan giải lương ở Hồ Nam phải không?” Viên Châu tá thưa phải. Vị vương giả nói: “Tiền còn đủ ở đây, chẳng đáng bao nhiêu, quan Tuần phủ của ngươi khảng khái dâng nộp chắc cũng được mà.”
Viên Châu tá khóc nói: “Kỳ hạn đã mãn, trở về sẽ bị trị tội, biết lấy gì bẩm lại với quan trên?” Vị vương giả đáp: “Chuyện đó không khó,” rồi đưa cho một cái tráp to, nói: “Đem cái này về đưa lên, chắc chắn vô sự.” Kế hạ lệnh lực sĩ đưa ra, viên Châu tá sợ sệt không dám nói gì, nhận tráp mà về. Đường ra núi sông khác hẳn đường vào, ra khỏi núi người đưa đường quay về. Vài ngày về tới Trường Sa (tỉnh thành Hồ Nam) bẩm lại với Tuần phủ. Tuần phủ càng cho là bịa đặt, nổi giận không thèm nghe nữa, sai ngay tả hữu mang dây ra trói. Viên Châu tá cởi khăn lấy cái tráp đưa lên. Tuần phủ mở ra, vừa nhìn thấy đã tái mặt bảo thôi trói, nói: “Tiền bạc là việc nhỏ, cho ngươi lui.” Kế vội phát văn thư sai các thuộc quan tìm cách bù vào, vài hôm sau thì ốm rồi chết.
Trước đó Tuần phủ cùng người thiếp yêu nằm ngủ, khi tỉnh dậy thì tóc người thiếp bị cắt hết, cả nha môn hoảng sợ không biết vì sao, thì ra tóc ấy được đựng trong cái tráp. Ngoài ra còn có lá thư viết: “Ngươi từ khi làm quan Tuần phủ, chúc vị cao sang, hối lộ tham ô tiền không kể xiết. Khoản tiền sáu mươi vạn kia đã xét thu vào kho, hãy mở túi tham mà nộp cho đủ. Viên quan áp tải không có tội, không được xử bậy. Trước đây cắt tóc người thiếp để cảnh cáo qua loa, nếu không tuân lệnh thì sớm tối sẽ lấy đầu ngươi. Món tóc gởi kèm là để làm tin đấy.” Sau khi Tuần phủ chết, người nhà mới truyền lá thư ra. Về sau các thuộc viên sai người tìm tới chốn nọ thì chỉ thấy núi cao vực sâu, không có đường đi nào.
Dị Sử thị nói: Câu chuyện rất giống với chuyện các hiệp khách đời cổ lấy vàng chia cấp cho người nghèo, thật cũng lạ lùng khoái ý. Nhưng người tránh loạn vào Đào Nguyên thì không đi ăn cướp, mà nếu các bậc kiếm khách tụ họp thì làm sao có được thành quách nha thự như vậy được? Than ôi, đó là vị thần nào chăng? Nhưng nếu có một chỗ như vậy thật, thì chỉ sợ người trong thiên hạ tới tố cáo không lúc nào ngớt thôi.