Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển IV - Chương 075 - 076
75. Vãn Hà Tiết Đoan Ngọ ở vùng Ngô Việt có trò đua thuyền rồng. Người ta chạm gỗ làm thuyền hình con rồng, vảy rồng sơn son thếp vàng, mạn thuyền đều chạm trổ, lấy gấm thêu làm buồm. Cuối thuyền là đuôi rồng, cao hơn một trượng, dùng dây vải kết làm sạp, có đứa con trai nhỏ ngồi trên đó múa may nhảy nhót diễn các trò khéo, bên dưới là sông sâu rất nguy hiểm. Cho nên thuê đứa trẻ ấy thường đưa nhiều tiền cho cha mẹ trước để dạy nó luyện tập, nếu rơi xuống nước chết cũng không được oán hận. Ở vùng Ngô Môn (Tô Châu) thì cho các ca kỹ xinh đẹp đứng trên đuôi thuyền múa hát, cũng có khác nhau. Ở huyện Trấn Giang (tỉnh Giang Tô) có đứa nhỏ họ Tưởng tên A Đoan, mới bảy tuổi đã giỏi diễn những trò khéo không ai hơn được hết nên rất nổi tiếng. Năm mười sáu tuổi người ta vẫn còn thuê, nhưng thuyền đua tới núi Kim Sơn thì rơi xuống nước chết đuối, bà Tưởng chỉ có đứa con ấy nhưng cũng đành đau xót khóc lóc mà thôi. A Đoan không biết mình đã chết, được hai người tới dẫn đi, thấy dưới nước cũng có một cõi trời đất riêng, ngoái nhìn thì thấy sóng nước vây quanh cao như vách núi. Chợt có cung điện hiện ra, thấy một người mặc giáp trụ ngồi trên điện, hai người kia nói: “Đó là Long Oa quân,” rồi bảo A Đoan vái lạy. Long Oa quân vẻ mặt ôn hòa vui vẻ nói: “Tài khéo có thể cho vào ban Liễu Điều.” Hai người bèn dẫn A Đoan tới một chỗ bốn phía cung điện rộng rãi. Rảo bước lên hành lang phía đông thì có một bọn thiếu niên ra chào hỏi, đều khoảng mười ba mười bốn tuổi, kế có một bà già tới, mọi người gọi là bà Giải, lên ngồi sai diễn trò thử. Kế bèn dạy điệu múa Sấm ran sông Tiền Đường và khúc nhạc Gió dịu hồ Động Đình, chỉ nghe chiêng trống ầm ầm vang rền các cung điện. Khi tiếng chiêng trống đã tắt, bà già sợ A Đoan không thể nhớ hết, cứ dặn đi dặn lại. Nhưng A Đoan học qua một lần đã hiểu rõ cả, bà già mừng rỡ nói: “Được thằng nhỏ này thật chẳng thua kém gì A Hà.” Hôm sau Long Oa quân tổng duyệt các ban ca vũ, các ban đều tập hợp cả lại. Đầu tiên duyệt ban Dạ Xoa, đều là mặt quỷ áo da cá, chiêng lớn chu vi khoảng bốn thước, trống thì khoảng bốn người ôm, tiếng như sấm sét, có gào thét cũng không nghe thấy gì. Ban ấy vừa múa thì sóng lớn nổi cuồn cuộn dâng lên ngang trời, liền có một điểm tinh quang trên trời sa xuống, tới đất thì tắt, Long Oa quân vội sai dừng lại. Sai ban Khổng Oanh ra, đều là mỹ nhân mười sáu tuổi thổi sinh gõ phách dìu dặt, liền có gió mát hây hây, tiếng sóng tắt hẳn, mặt nước êm ả trong suốt như một cõi pha lê nhìn rõ cả trên dưới, diễn xong thì đều lui vào đứng dưới thềm phía tây. Kế tới ban Yến Tử, đều kết bím tóc rũ xuống, trong có một nữ lang tuổi khoảng mười bốn mười lăm trở lại rung tay áo nghiêng búi tóc múa điệu rắc hoa chập chờn qua lại, trên khắp người tung ra những đóa hoa ngũ sắc theo gió lả tả rụng xuống rải khắp trên sân, múa xong thì theo ban cũng lui vào dưới thềm phía tây. A Đoan đứng bên cạnh nhìn trong lòng ưa thích, hỏi người cùng ban thì nàng ấy là Vãn Hà. Không bao lâu lại gọi tới ban Liễu Điều, Long Oa quân đặc biệt thử tài một mình A Đoan. Đoan liền múa theo điệu đã được dạy, vẻ vui mừng giận dữ hiện ra theo điệu nhạc, lui tới qua lại ăn khớp với tiết tấu, Long Oa quân khen là sáng dạ, thưởng cho nhung phục ngũ sắc và trâm cài đầu hình cá trên khảm ngọc dạ quang. A Đoan vái lạy tạ ơn rồi cũng rảo bước về thềm phía tây đứng vào ban. Đoan đứng giữa đám đông cứ nhìn Vãn Hà chằm chằm. Vãn Hà cũng từ xa chăm chú nhìn lại. Giây lát Đoan theo ban từ từ đi về phía bắc, Vãn Hà cũng thong thả theo ban đi về phía nam, cách nhau có mấy quãng đường phép nghiêm không dám làm rối loạn hàng ngũ, chỉ nhìn nhau ngây ngất mà thôi. Kế duyệt tới ban Giáp Điệp, đều là đồng nam đồng nữ từng cặp ra múa, đứa cao đứa thấp, đứa lớn đứa nhỏ nhưng đều mặc áo quần màu trắng màu vàng một loạt như nhau. Các ban duyệt xong xếp hàng đi ra, ban Liễu Điều đi sau ban Yến Tử, Đoan rảo bước lên phía trên thì Vãn Hà đã thong thả lui về phía cuối, ngoảnh lại nhìn Đoan rồi cố ý đánh rơi chiếc trâm bằng san hô, Đoan vội nhặt lấy cho vào tay áo. Về tới chỗ ở tơ tưởng thành bệnh bỏ ăn bỏ ngủ, bà Giải cứ mang thức ăn ngon tới cho, mỗi ngày ba bốn lần vào thăm hỏi, chăm sóc rất ân cần mà bệnh vẫn không hề giảm. Bà Giải lo lắng không biết làm sao, nói: “Đã sắp đến ngày mừng thọ của Ngô Giang vương, làm sao bây giờ?” Chiều tối có một đồng tử tới vào ngồi bên giường trên chuyện với Đoan, tự nói là trong ban Giáp Điệp rồi thong thả hỏi: “Anh bệnh vì Vãn Hà phải không?” Đoan giật mình hỏi sao biết, nó cười đáp: “Chị Vãn Hà cũng như anh thôi.” Đoan buồn rầu ngồi dậy nhờ tìm cách giúp cho, đồng tử hỏi: “Anh đi được không?” Đoan đáp: “Cố gắng thì cũng được,” đồng tử bèn kéo Đoan ra, đi về phía nam, qua một cánh cửa thì vòng qua phía tây, lại mở hai lần cửa nữa thì thấy mấy mươi mẫu sen mọc trên đất bằng, tàu lá to như cái chiếu, cánh hoa to như cái lọng, đài hoa rụng xuống đất chất cao cả thước. Đồng tử dẫn Đoan vào đó, nói: “Cứ ngồi tạm ở đây,” rồi đi. Giây lát một mỹ nhân rẽ hoa sen bước vào, thì là Vãn Hà. Hai người gặp nhau vừa mừng vừa sợ, cùng kể lể nỗi nhớ nhung rồi thuật qua chuyện mình. Kế lấy lá dằn lên lá sen che kín lại, vun đài hoa rụng làm chiếu rồi vui vẻ ân ái với nhau, kế hẹn chiều hôm sau gặp lại rồi chia tay. Đoan về thì bệnh cũng giảm từ đó ngày nào hai người cũng gặp nhau ở bãi sen. Qua vài hôm thì theo Long Oa quân tới chúc thọ Ngô Giang vương, chúc thọ xong các ban đều về, chỉ còn Vãn Hà và một người trong ban Khổng Oanh ở lại dạy múa trong cung Ngô Giang vương, vài tháng không có tin tức gì. Đoan sốt ruột trông ngóng, thì có bà Giải hàng ngày lui tới phủ Ngô Giang vương, bèn bịa rằng Vãn Hà là em họ ngoại của mình, xin bà dẫn đi thăm mong được gặp mặt một lần. Nhưng ở lại trong phủ Ngô Giang vương mấy ngày mà cung cấm thâm nghiêm, Vãn Hà lại không sao ra được đành rầu rĩ trở về, hơn một tháng thì nhớ nhung mỏi mòn sắp chết. Một hôm bà Giải vào, đau xót chia buồn nói: “Tiếc thay, Vãn Hà nhảy xuống sông tự tử rồi.” Đoan kinh sợ chảy nước mắt ròng ròng không sao cầm được, vứt mũ xé áo mang vàng ngọc bỏ ra, định chết theo Vãn Hà, nhưng thấy nước trong sông như bức vách, ra sức lấy đầu húc mà vẫn không vào được cũng muốn quay về song sợ bị hỏi tới mũ áo tội sẽ nặng thêm, trong lòng quẫn bách, mồ hôi toát ra khắp người. Chợt thấy trên vách sóng có một cây đại thụ bèn bám vào trèo lên, dần dần lên tới ngọn cây rồi hết sức nhảy xuống, may không bị ướt mà thấy mình nổi trên mặt nước. Trong lúc bất ngờ lại chợt thấy cõi trần, bèn bì bõm bơi đi. Giây lát vào tới bờ, lên khỏi bến sông nhớ tới mẹ già liền thuê thuyền về. Về tới quê nhìn cảnh vật bốn bề thấy như đã trải qua kiếp khác. Hôm sau về tới nhà, chợt nghe sau cửa sổ có người con gái nói: “Con mẹ tới rồi,” giọng nói rất giống Vãn Hà, kế cùng với mẹ bước ra, quả là Hà thật. Lúc ấy hai người mừng rỡ quên hết nỗi đau xót mà bà mẹ thì đau xót ngờ vực, sợ hãi mừng rỡ xen lẫn. Lúc trước Vãn Hà ở trong phủ Ngô Giang vương thấy trong bụng máy động mà phép tắc dưới Long cung rất nghiêm, sợ một sớm một chiều lâm bồn sẽ bị trừng phạt mà không gặp được A Đoan lần nữa, chỉ muốn tìm cái chết bèn nhảy xuống sông tự tử. Thân thể nổi lên dật dờ trong sóng, được người khách đi thuyền vớt lên, hỏi tới quê quán thì Hà vốn là ca kỹ nổi tiếng ở đất Ngô chết đuối không tìm được xác, tự nghĩ không thể trở lại kỹ viện bèn nói: “Họ Tưởng ở Trấn Giang là chồng ta,” người khách bèn thuê thuyền cho về tới nhà. Bà Tưởng ngở là lầm, nàng nói là không lầm rồi kể rõ tình thật, bà thấy nàng xinh đẹp phong vận nên rất yêu mến. Kế lại nghĩ nàng còn quá trẻ, ắt không phải là kẻ chịu ở góa, nhưng cô gái rất cung kính hiếu thảo, thấy nhà nghèo bèn cởi châu báu trang sức bán được vài vạn đồng mang về, bà Tưởng thấy nàng không có ý gì khác rất mừng. Nhưng vì không có con trai ở nhà nên sợ lúc nàng sinh nở thì họ hàng láng giềng không tin, cô gái nói: “Cốt là mẹ được cháu nội thật chứ cần gì người ta biết,” bà cũng yên lòng. Đến lúc ấy Đoan về, cô gái mừng quýnh, bà mẹ cũng ngờ là con không chết, lén đào mộ con lên thì hài cốt đều còn đó bèn đem chuyện căn vặn Đoan. Đoan mới sực hiểu nhưng sợ Vãn Hà chê mình không phải là người bèn dặn mẹ đừng nói ra, mẹ cho là phải bèn nói với láng giềng rằng cái xác vớt được trước đây không phải là con mình, nhưng rốt lại cũng sợ Đoan không thể sinh được con trai. Không bao lâu Vãn Hà sinh được một con trai, bế thấy không khác gì trẻ con thường mới vui mừng. Lâu dần cô gái biết được A Đoan không phải là người bèn nói: “Sao chàng không nói sớm, phàm là ma mà mặc áo của Long cung qua bốn mươi chín ngày hồn phách sẽ ngưng tụ lại chẳng khác gì người sống. Nếu có keo sừng rồng của Long cung thì có thể nối xương cốt mà sinh da thịt, tiếc là không mua cho sớm.” Đoan bán viên ngọc của mình, có người khách buôn đất Hồ bỏ ra trăm vạn đồng để mua, nhờ đó trở thành giàu có cự vạn. Đến ngày mừng thọ mẹ thì vợ chồng múa hát dâng rượu, chuyện dần truyền tới phủ Hoài vương. Vương muốn chiếm đoạt Vãn Hà, Đoan sợ hãi vào ra mắt vương tự tâu bày rằng hai vợ chồng đều là ma, vương sai xét nghiệm đều thấy không có bóng nên tin lời không bắt Vãn Hà nữa. Nhưng sai cung nhân ra biệt viện cho nàng dạy múa, Vãn Hà lấy nước đái rùa bôi lên mặt loang lổ che giấu dung mạo rồi mới tới ra mắt. Dạy được ba tháng họ cũng không sao học hết được tài múa, kế nàng trở về. 76. Bạch Thu Luyện Ở tỉnh Trực Lệ có Mộ sinh tự Thiềm Cung là con thương gia Mộ Tiểu Hoàn, thông minh ham học. Năm mười sáu tuổi cha cho rằng việc văn chương là viển vông, bắt bỏ học đi buôn. Sinh theo cha tới đất Sở (vùng Hồ Nam, Hồ Bắc), mỗi khi trong thuyền rảnh rỗi lại ngâm nga đọc sách. Tới Vũ Xương (tỉnh thành Hồ Bắc), cha ở lại nhà trọ để giữ hàng, sinh nhân lúc cha đi vắng cầm sách đọc thơ, tiếng ngâm sang sảng, cứ thấy ngoài cửa sổ thấp thoáng như có người nghe trộm nhưng cũng chưa lấy gì làm lạ. Một đêm cha đi uống rượu lâu không về, sinh càng cao giọng ngâm nga, thấy có người quanh quẩn ngoài song, trăng sáng nhìn thấy rất rõ, lấy làm lạ vội bước ra xem thì là một nữ lang tuyệt đẹp khoảng mười lăm mười sáu tuổi, thấy sinh vội vàng tránh đi. Hai ba ngày sau chở hàng về bắc, chiều tối đậu thuyền bên bờ hồ, cha vừa ra khỏi thuyền thì có bà già bước vào nói: “Chàng giết con gái ta rồi.” Sinh ngạc nhiên hỏi, bà đáp: “Ta họ Bạch, có một gái tên Thu Luyện, cũng hơi biết chữ nghĩa, nói rằng lúc ở quận thành được nghe giọng ngâm thanh cao nên đem lòng nhớ nhung đến nỗi bỏ cả ăn ngủ, ý muốn kết duyên, xin đừng chối từ.” Sinh thật lòng rất thích nhưng còn lo cha giận, bèn nói thẳng với bà già, bà già không tin bắt phải thề nguyền, sinh không chịu. Bà giận nói: “Việc nhân duyên ở đời, có kẻ xin mang sính lễ tới mà còn không được, nay già tự đứng ra làm mối cho con lại bị từ chối thì còn gì nhục bằng, vậy xin đừng nghĩ tới chuyện về Bắc nữa,” rồi bỏ đi. Lát sau cha về, sinh khéo léo kể lại, có ý mong cha chấp thuận nhưng cha vì đường sá xa xôi, lại có ý khinh rẻ các cô gái hoài xuân nên cười bỏ qua. Chỗ đậu thuyền nước sâu lút con sào, đến đêm cát sỏi chợt bồi lên, thuyền mắc cạn không xoay trở gì được. Hàng năm thuyền buôn trong hồ vẫn có người ở lại, đến mùa nước hoa đào năm sau hàng hóa nơi khác vẫn chưa kịp chở tới, những hàng trong thuyền đều tăng giá gấp trăm. Cha sinh vì vậy cũng không lo lắng gì lắm, chỉ tính cách làm sao sang năm về Bắc hàng vẫn được giá, bèn để con ở lại còn mình về nhà. Sinh mừng thầm nhưng tiếc là không hỏi rõ nơi ở của bà già. Trời sập tối, bà già cùng một tỳ nữ dìu nữ lang tới, cởi áo khoác đặt nàng lên giường, kế nhìn sinh nói: “Người ta bệnh tới mức này, xin đừng nằm khoèo làm ra vẻ vô sự nữa,” rồi bỏ đi. Sinh vừa nghe thì hoảng sợ, cầm đèn tới nhìn cô gái thấy đang lúc đau ốm vẫn xinh đẹp, ánh mắt vẫn lóng lánh. Lại gần hỏi han, nàng chỉ cười khẽ. Sinh cố ép lên tiếng thì nàng nói: “Câu ‘Vì chàng tiều tụy, thẹn cùng chàng’[1] là vịnh thiếp đấy.” [1] Nguyên văn là “Vị lang tiều tụy khước tu lang”, câu trong bài thơ của Thôi Oanh Oanh thời Đường gởi Trương Quân Thụy. Sinh mừng quýnh muốn thân cận nhưng thương nàng còn yếu nên chỉ sờ tay vào bụng vuốt ve hôn hít làm vui. Cô gái chợt rạng rỡ mặt mày, tươi cười nói: “Hãy ngâm cho thiếp nghe ba lần bài ‘Áo là lớp lớp’ của Vương Kiến[2] thì sẽ khỏi bệnh.” Sinh theo lời, ngâm đến lần thứ hai cô gái đã xốc áo ngồi dậy nói: “Thiếp khỏi rồi,” ngâm tiếp thì nàng cất giọng êm ái thỏ thẻ họa theo, sinh thần trí càng bay bổng bèn tắt đèn cùng ngủ. Trời chưa sáng cô gái đã dậy, nói: “Mẹ già sắp tới rồi.” Không bao lâu quả nhiên bà già tới, thấy con gái đang ngồi tươi tắn trang điểm bất giác mừng rỡ, giục về thì nàng cúi đầu không nói. Bà già lập tức ra về, nói: “Ngươi thích vui đùa với lang quân thì mặc ngươi.” [2] Nguyên văn là “Vương Kiến La y diệp diệp chi tác”, tức bài Cung từ của Vương Kiến thời Đường, mở đầu bằng câu “La y diệp diệp tú trùng trùng” (áo là lớp lớp trập trùng thêu). Sinh nhân hỏi nhà cửa ở đâu, cô gái nói: “Thiếp với chàng chẳng qua là bạn mới quen, việc cưới xin còn chưa chắc chắn, cần gì phải biết nhà cửa, nhưng hai người vẫn yêu thương nồng mặn, thề thốt keo sơn. Một đêm cô gái chợt ngồi dậy, khêu đèn mở sách ra xem rồi buồn bã rơi lệ. Sinh vội dậy hỏi, nàng đáp: “Cha chàng sắp tới đây, chuyện giữa hai ta mới rồi thiếp vừa mở sách bói một quẻ thì được bài Giang Nam khúc của Lý Ích[3], ý bài thơ không phải là điềm hay.” Sinh an ủi nói: “Câu đầu bài thơ là Lấy chàng thương lái Cù Đường thì đại cát có gì là không hay.” Cô gái mới hơi vui vẻ, đứng lên từ biệt, nói: “Xin tạm chia tay, kẻo trời sáng lại nhiều người dòm ngó.” Sinh cầm tay nàng nghẹn ngào hỏi: “Nếu việc tốt đẹp thì báo cho nàng ở đâu?” Cô gái đáp: “Thiếp vẫn sai người dò la, việc tốt đẹp hay không là biết ngay.” Sinh định lên bờ tiễn chân nhưng nàng cố từ chối rồi đi. [3] Bài Giang Nam khúc của Lý Ích: tức bài thơ của Lý Ích thời Đường, nguyên văn là “Giá đắc Cù Đường cổ, Triêu triêu ngộ thiếp kỳ, Tảo tri triều hữu tín, Giá dữ lộng triều nhi” (Lấy chàng thương lái Cù Đường, Sớm hôm chờ đợi xót thương phận mình, Nếu hay con nước đáng tin, Đã theo con nước kết tình phu thê). Không bao lâu quả ông Mộ tới, sinh dần dà thổ lộ tình thật, cha ngờ là dắt kỹ nữ về, nổi giận chửi mắng, đến khi xem kỹ trong thuyền thấy không mất mát chút gì mới thôi. Một đêm ông đi vắng, cô gái chợt tới, hai người buồn rầu nhìn nhau không biết làm sao. Nàng nói: “Thấp cao có số, cứ lo việc trước mắt đã xin chàng ở lại thêm hai tháng rồi sẽ bàn tiếp.” Lúc chia tay hẹn lấy tiếng ngâm thơ làm hiệu gặp nhau. Từ đó cứ cha đi vắng, sinh lại cao giọng ngâm nga thì nàng tới. Sắp hết tháng tư hàng hóa đều mất giá, đám khách buôn không biết làm sao bèn góp tiền sắm lễ vật tới cầu đảo ở miếu thần hồ. Sau tiết Đoan Dương mưa to nước lên, thuyền mới đi được. Sinh về tới nhà tương tư thành bệnh, ông Mộ lo lắng tìm đủ cách cầu cúng thuốc thang. Sinh nói riêng với mẹ: “Bệnh của con chẳng có thuốc men cầu cúng nào chữa được, chỉ có Thu Luyện tới mới xong.” ông Mộ lúc đầu nổi giận nhưng lâu sau thấy sinh ngày càng gầy gò héo hắt thì hoảng sợ, bèn thuê xe chở con trở lại đất Sở, xuống thuyền đậu đúng chỗ cũ. Hỏi người ở đó thì không ai biết bà già họ Bạch, vừa lúc có bà già ghé thuyền vào bờ, bước ra tự nhận là mình. Ông Mộ lên thuyền thấy mặt Thu Luyện mừng thầm, nhưng hỏi tới dòng dõi gia thế thì ra chỉ sống trên thuyền, trôi nổi đây đó mà thôi. Ông nhân nói thật bệnh của con trai, mong nàng tới thuyền mình để con bớt bệnh trước, nhưng bà già lấy cớ chưa định hôn ước nên không chịu. Cô gái ngồi nghiêng chăm chú lắng nghe, thấy hai người tranh cãi thì rưng rưng muốn khóc. Bà già thấy mặt con gái như thế, lại vì ông Mộ năn nỉ quá nên cũng nhận lời. Đến đêm, ông ra ngoài, cô gái quả tới, lại gần giường khóc lóc, nói: “Tình cảnh thiếp năm trước nay lại rơi vào chàng rồi ư? Mùi vị nó thế nào tưởng cũng phải để chàng nếm qua cho biết. Nhưng gầy rộc đi thế này, làm sao chữa khỏi ngay được? Xin vì chàng ngâm một bài thơ vậy.” Sinh cũng mừng rỡ, cô gái bèn ngâm lại bài thơ của Vương Kiến ngày trước. Sinh nói: “Đó là tâm sự của nàng, đem chữa cho cả hai người sao được. Nhưng nghe giọng nàng cũng đã thấy tâm thần khoan khoái, hãy thử ngâm bài Liễu hướng về tây ca vạn cành[4] cho ta nghe xem.” [4] Bài Liễu hướng về tây ca vạn cành: tức bài Xuân oán của Lưu Phương Bình thời Đường, nguyên văn là “Triêu nhật tàn oanh bạn thiếp đề, Khai liêm chỉ kiến thảo thê thê, Đình tiền thời hữu đông phong nhập, Dương liễu thiên điều tận hướng tây” (Sáng sớm quanh mình rộn tiếng oanh, Mở rèm chỉ thấy cỏ xanh xanh, Gió xuân thổi lộng trong đình viện, Liễu hướng về tây cả vạn cành). Cô gái theo lời, sinh thích thú nói: “Khoan khoái quá! Trước đây nàng đọc bài Hái sen trong tập Thi dư có câu Tốt tươi hương tỏa khắp mười gò[5] vẫn chưa quên, nay phiền nàng tốt giọng ngâm lên lần nữa.” Nàng lại theo lời. Vừa dứt tiếng, sinh nhảy ngay dậy nói: “Tiểu sinh có bệnh gì đâu,” rồi ôm ấp nhau như đã khỏi hẳn. Kế hỏi: “Cha gặp mẹ nàng nói những gì? Việc có xong không?” Cô gái đã biết ý ông Mộ, nói thẳng rằng không xong rồi đi. [5] Tốt tươi hương tỏa khắp mười gò: nguyên văn là “Hạm đạm hương liên thập khoảnh pha”, chưa rõ xuất xứ. Cha về thấy sinh đã dậy được mừng lắm nhưng chỉ lựa lời khuyên nhủ, nhân nói: “Con bé rất đẹp, nhưng từ nhỏ đã ôm mái chèo gõ bánh lái ca hát, chưa nói tới chuyện là con nhà hèn mọn, cũng không thể là gái trinh,” sinh im lặng. Cha vừa đi thì cô gái trở lại, sinh kể rõ ý cha. Nàng nói: “Thiếp vừa nhìn đã biết ngay rồi. Việc đời cứ càng đeo đuổi thì càng xa lánh, càng săn đón thì càng cự tuyệt, cứ để ông tự đổi ý quay lại cầu cạnh nhau.” Sinh hỏi kế, nàng đáp: “Kẻ buôn bán thì chỉ mong được lợi thôi. Thiếp có thuật biết được giá cả hàng hóa, mới rồi thấy các hàng hóa trên thuyền chẳng thứ nào có lời chút gì. Hãy nói với cha chàng muốn lãi gấp ba thì mua hàng này, muốn lãi gấp mười thì mua hàng này, về tới nhà nếu đúng thì thiếp đúng là dâu hiền rồi. Lúc trở lại thì chàng mười tám tuổi còn thiếp mười bảy, còn có ngày sum vầy, có gì phải lo.” Sinh đem lời nàng nói lại với cha, cha không tin lắm nên tạm đem nửa số tiền còn thừa mua những hàng nàng dặn. Sau khi về, những hàng ông mua đều lỗ nặng, may có ít hàng mua theo lời cô gái được lãi lón nên bù lại được, vì thế phục Thu Luyện là thần. Sinh còn khoe khoang rằng cô gái tự nói có thể giúp mình thành giàu có, vì thế ông Mộ lại mang thêm nhiều tiền xuống Nam. Tới hồ mấy ngày không thấy bà già họ Bạch, qua mấy hôm nữa mới thấy bà đậu thuyền dưới gốc liễu bèn đem sính lễ tới. Bà không nhận gì cả, chỉ chọn ngày lành đưa con gái qua thuyền sinh, ông Mộ thuê một thuyền khác cho con làm lễ hợp cẩn. Cô gái bèn bảo ông xuống Nam, hàng nào cần mua đều viết ra giấy đưa ông, bà già bèn mời rể qua ở thuyền mình. Ba tháng sau ông Mộ trở lại, hàng hóa mới về tới đất Sở đã tăng giá gấp đôi. Khi sắp về, cô gái xin chở theo một ít nước hồ, về tới nhà mỗi lần ăn cơm lại rưới vào một ít như chan tương. Vì vậy lần nào xuống Nam ông cũng mang về cho vài vò. Ba bốn năm sau nàng sinh một trai. Một hôm cô gái khóc muốn về thăm nhà, ông Mộ bèn dẫn cả con và dâu cùng tới đất Sở. Tới hồ không biết bà già ở đâu, cô gái gõ mạn thuyền gọi mẹ, thất sắc giục sinh theo ven hồ tìm hỏi. Vừa lúc có người câu cá tầm hoàng câu được một con cá ngựa trắng, sinh tới gần xem thì là một con cá lớn hình dáng như người, có đủ cả vú và âm hộ. Sinh về kể lại, cô gái hoảng hốt nói trước kia có lời nguyền phóng sinh, bảo sinh mua thả ra. Sinh tới thương lượng nhưng người câu cá đòi giá rất cao. Cô gái nói: “Thiếp ở nhà chàng nghĩ cách kiếm ra tiền không dưới bạc vạn, mà sao lại khư khư tiếc nhau bấy nhiêu. Nếu không nghe thì thiếp nhảy xuống hồ chết quách cho rồi.” Sinh sợ, không dám nói với cha, lấy trộm tiền mua cá thả ra. Khi quay về không thấy cô gái, tìm mãi không được, đến khuya nàng mới về. Hỏi đi đâu, nàng đáp: “Vừa về nhà mẹ.” Hỏi mẹ ở đâu, nàng nói: “Hôm nay thì không thể không thưa thật, con cá chàng vừa chuộc chính là mẹ thiếp đấy. Trước sống ở hồ Động Đình, được Long quân giao coi việc khách qua lại. Gần đây trong cung muốn tuyển phi tần, nhiều người đồn đại là thiếp xinh đẹp, nên có sắc chỉ trị tội mẹ để đòi thiếp. Mẹ thiếp tâu thật nhưng Long quân không nghe, đày mẹ xuống bến Nam, gần chết đói nên mới mắc nạn. Nay tuy thoát nạn nhưng vẫn chưa được xóa tội. Nếu chàng yêu thiếp thì hãy thay thiếp khẩn cầu với Chân quân, mẹ có thể được yên lành. Còn nếu thấy khác loài mà ghét bỏ thì xin trả con cho chàng, thiếp đi. Hầu hạ ở Long cung chưa chắc đã không gấp trăm lần ở nhà chàng.” Sinh cả sợ, lo không gặp được Chân quân, nàng nói: “Giờ Mùi ngày mai Chân quân sẽ tới, cứ thấy vị đạo sĩ thọt chân thì phải phục xuống lạy ngay, ông ta xuống nước cũng phải xuống theo. Chân quân thích kẻ văn sĩ, ắt sẽ rủ lòng thương xót.” Kế lấy ra một vuông lụa bóng mượt như bụng cá nói: “Nếu Chân quân hỏi muốn xin điều gì thì đưa cái này ra xin ông viết cho một chữ Miễn.” Sinh theo lời chờ, quả có một đạo sĩ khập khiễng đi tới. Sinh lạy phục xuống, đạo sĩ bước mau đi, sinh rảo theo sau. Đạo sĩ ném gậy xuống nước rồi nhảy lên trên, sinh cũng lội xuống nước lên theo, thì không phải gậy mà là một chiếc thuyền. Sinh lại sụp xuống lạy, đạo sĩ hỏi cần gì, sinh đưa vuông lụa ra xin viết chữ. Đạo sĩ giở ra nhìn, nói: “Đây là vẩy cá ngựa trắng, sao ngươi có được?” Thiềm Cung không dám giấu, kể rõ đầu đuôi, đạo sĩ cười nói: “Loài này rất phong nhã, con rồng già làm sao hoang dâm được.” Bèn rút bút ra viết ngoáy một chữ “Miễn” như đạo bùa, rồi quay thuyền ghé bờ bảo sinh lên. Kế thấy đạo sĩ đạp cây gậy rẽ nước mà đi, phút chốc đã mất dạng. Sinh về thuyền, cô gái mừng rỡ, dặn đừng nói lộ cho cha mẹ biết. Sau khi về nhà hai ba năm, ông Mộ xuống nam mấy tháng không về, bình nước hồ cạn dần mà chờ mãi không thấy. Cô gái bỗng lâm bệnh, ngày đêm thở dốc, dặn sinh: “Nếu thiếp chết thì đừng chôn, cứ đúng các giờ Mão, Ngọ, Dậu lại ngâm một lần bài thơ Đỗ Phủ mộng thấy Lý Bạch, thì chết rồi thây vẫn không nát. Chờ khi nước về rót vào bồn rồi đóng cửa, cởi áo thiếp ra, ôm thiếp dầm vào trong nước, thiếp sẽ sống lại.” Thở thoi thóp vài hôm, nàng lịm đi mà chết. Nửa tháng sau ông Mộ về, sinh vội làm theo lời, ngâm nước khoảng một giờ thì nàng dần dần tỉnh lại. Từ đó nàng thường có ý muốn về nam. Sau ông Mộ mất, sinh chiều ý nàng dời nhà xuống sống ở đất Sở.