Việt sử giai thoại (Tập 5) - Chương 16 - 23

16 - PHÉP NƯỚC ĐẦU ĐỜI LÊ THÁI TỔ

Đầu năm 1428, sau khi đất nước sạch bóng quân xâm lăng, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đó là Lê Thái Tổ (1428 - 1433), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lê.

Bấy giờ, trải hai mươi năm bị ngoại xâm và chiến tranh tàn phá, đất nước chìm ngập trong những khó khăn lớn lao: Chính trị đổ nát, kinh tế điêu tàn, xã hội loạn li... Lê Thái Tổ phải dồn hết tâm lực để giải quyết hàng loạt những công việc quốc gia đại sự. Mặc dù vậy, Hoàng đế vẫn luôn canh cánh nỗi lo nghiêm giữ phép nước. Năm 1429, Lê Thái Tổ đã ban hành rất nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có hai sắc lệnh đặc biệt, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10) ghi lại như sau:

"Ngày 26 (tháng 2 năm 1429 - ND), ra lệnh cho các vị đại thần và các quan Hành khiển rằng: Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì phương hại đến việc quân, việc nước, hoặc giả là việc sai dịch không phải lẽ, hoặc giả là cho thu thuế kHóa nặng nề, hay như có việc tà dâm bạo ngược... thì cho tâu xin để trẫm sửa lại" (tờ 65 - b).

“Ngày 18 (tháng 10 năm 1429 - ND), ra lệnh cho các đại thần, Tổng quản và các quan từ Hành khiển trở xuống rằng: Người xưa có câu “Vua không chọn tướng mà dùng thì có khác gì đem dâng nước mình cho giặc.” Trẫm không lúc nào không suy nghĩ đến điều đó. Bởi đêm ngày lo nghĩ nên mới đem việc quân, việc nước quan trọng mà trao cho các khanh. Thế mà các khanh cứ điềm nhiên như không, trên thì phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới thì chẳng chút đoái thương đến quân dân, sao mà biếng nhác việc quan đến thế? Nay, ta ra chiếu này để răn báo, nếu không biết tự mình sửa lỗi, lại còn tái phạm, thì phép nước còn chờ đó, khi ấy đừng nói là trẫm phụ bề tôi cũ có nhiều công lao" (tờ 71 - a).

Lời bàn: Muốn bách quan nghiêm giữ phép nước, trước hết, đấng chí tôn là Hoàng đế phải mẫu mực. Song, phàm là người sống giữa cõi trời đất, ai dám chắc là mình tránh được hết mọi lỗi lầm. Hoàng đế mở rộng lòng mình, bình tâm để lắng nghe lời tâu việc sửa sang chính trị của bá quan văn võ, kính thay!

Muốn trăm họ cũng nghiêm giữ phép nước, thì quan lại, nhất là các bậc khai quốc công thần, trước phải tự làm gương. Lời của cổ nhân mà Lê Thái Tổ nhắc lại: “Vua không chọn tướng mà dùng thì có khác gì đem dâng nước mình cho giặc,” càng nghĩ càng thấy chí lí.

17 - THƯƠNG THAY TRẦN NGUYÊN HÃN!

Trần Nguyên Hãn người đất Sơn Đông huyện Lập Thạch, nay là huyện Lập Thạch, tinh Vĩnh Phúc. Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết là mất vào năm 1429. Trần Nguyên Hãn là cháu nội của Tư đồ Trần Nguyên Đán, nhà thiên văn và lịch pháp nổi tiếng cuối thời Trần. Khi Lê Lợi xướng nghĩa ở Lam Sơn, ông cùng với Nguyễn Trãi (cháu ngoại của Trần Nguyên Đán) đã sớm tìm đến và mau chóng trở thành chỗ dựa tin cậy của Lê Lợi. Cuộc đời và cái chết oan khuất của ông đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 25, tờ 20) chép lại tóm lược như sau:

“Hãn có học thức, giỏi binh pháp, từng giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa, được thương yêu và hậu đãi và dự bàn những chuyện bí mật. (Trần Nguyên Hãn) cùng Vua xông pha trận mạc, đến đâu cũng lập được chiến công.

Năm Mậu Thân, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1428), khi (Lê Thái Tổ) định công ban thưởng cho các bậc công thần, (Trần Nguyên) Hãn được gia phong chức Hữu Tướng quốc, cho mang quốc tính là họ Lê. Công lao và danh vọng của (Trần Nguyên) Hãn kể vào hàng cao nhất. Nhưng sau, Trần Nguyên Hãn có nói riêng với người thân tín rằng:

- Nhà vua có tướng giống như Việt Vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được.

(Nói rồi), Hãn xin về hưu, được Nhà vua ưng thuận. Nhưng, vì (Trần Nguyên Hãn) là dòng dõi họ Trần, nên bị nghi kị. Về đến Sơn Đông, sống trong cảnh quê nhà mà (Trần Nguyên) Hãn vẫn cho xây dựng phủ đệ, đóng thuyền bè, không chịu giữ gìn hình tích. Những kẻ xấu muốn tâng công, bèn thêu dệt gièm pha với Nhà vua, rằng (Trần Nguyên) Hãn có mưu toan phản nghịch. Nhà vua tin lời, bèn ra lệnh cho bọn lực sĩ đến bắt. Khi thuyền chở (Trần Nguyên) Hãn đến bến Sơn Đông (Trần Nguyên) Hãn nhảy xuống sông tự tử.”

Lời bàn: Công trạng của Trần Nguyên Hãn lớn lao đến mức nào, thiết tưởng chẳng cần bàn cũng đã rõ. Tên tuổi Lê Lợi rực rỡ với ngàn thu ra sao, không nói ai cũng tường. Tiếc thay, anh hùng lại chẳng dung tha anh hùng, để đến nỗi Trần Nguyên Hãn không chết vì kẻ thù bạo ngược trong chiến tranh mà lại chết vì sự nghi kị của Vua trong lúc thái bình.

Dẫu đã có hơn mười năm đồng cam cộng khổ, nhưng Trần Nguyên Hãn chỉ xét đoán Lê Lợi qua tướng mạo chứ chẳng phải là qua thực tiễn sinh động của việc làm. Có lẽ cũng vì chỉ xét người qua tướng mạo nên Trần Nguyên Hãn mới nhầm kẻ cơ hội phản trắc ra người thân tín, bộc bạch hết mọi điều thầm kín của mình. Nhưng thôi, nhân vô thập toàn, đó âu cũng là sở đoản của Trần Nguyên Hãn vậy.

Trong chiến tranh, Lê Lợi chỉ thấy Trần Nguyên Hãn là vị dũng tướng có nhiều mưu lược. Nhưng, khi ngồi lên ngai vàng, Lê Lợi lại chợt nhớ ra, đấy từng là chỗ ngồi của Hoàng đế họ Trần, bản thân Lê Lợi cũng vừa phải đẩy “hư vị” của Trần Cảo đi, cho nên, Lê Lợi chỉ thấy Trần Nguyên Hãn là người họ Trần, quên hết mười năm vào sinh ra tử của Trấn Nguyên Hãn. Sự đa nghi của Lê Lợi có thể dễ giải thích nhưng quả là khó tha thứ. Nhưng thôi, đó âu cũng là biểu hiện của sự “nhân vô thập toàn,” nhấn mạnh quá, sợ có tội với cổ nhân.

Mới hay kẻ cầm quyền chỉ cần một chút thiếu bình tâm là đã có thể gây nên tai họa nghiêm trọng. Có ai nghĩ người nổi danh như Trần Nguyên Hãn lại phải chết chìm đâu. Thương thay!

18 - PHẦN THƯỞNG CỦA BÙI THÌ HANH

Ngày 25 tháng 4 năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434), vua Lê Thái Tông tiến hành thăng chức nhất loạt cho cả ngàn quan lại. Ngày hôm đó, quan Nội mật gọi tên để cấp sắc liên tục từ sáng đến trưa mà vẫn chưa hết. Có lẽ vì cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để được ban thưởng, cho nên, quan Thái sử Bùi Thì Hanh đã lập kế được hậu thưởng thêm. Chuyện này xảy ra vào ngày 1 tháng 5 năm Giáp Dần, đã được sách Đại Việt sử kí

toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 9 - a) chép lại như sau:

"Trước đó, Thái sử Bùi Thì Hanh bí mật tâu rằng, ngày mồng 1 tháng 5 sẽ có tinh khí con vượn đen ăn mặt trời nên sẽ có nhật thực, mà có nhật thực thì nhất định trong nước sẽ có tai biến. Nếu bắt được vượn sống đem về giết để trấn yểm thì mới mong tai qua nạn khỏi.

Quan Đại Tư đồ là Lê Sát rất tin, bèn tâu xin cho quan lại ở các trấn như Tuyên Quang, Thái Nguyên phải đốc thúc dân săn lùng vượn khắp núi rừng để đem về kinh. Bởi thế, vượn, khỉ... bị bắt, đóng cũi đưa về nườm nượp, đếm không xuể. Đến ngày ấy (tức ngày 1 tháng 5 - ND), Vua nghỉ chầu, sai làm phép trấn yểm khắp cấm cung, bách quan chẳng ai hay biết. (Bùi) Thì Hanh chỉ nói cho quan Lễ Bộ thị lang là Trịnh Toàn Dương, nguyên là Đạo sĩ, để Trịnh Toàn Dương cùng làm phép với mình. Xong, hai người được thưởng rất hậu.”

Lời bàn: Trước đó, ngành thiên văn và lịch pháp của ta đã rất phát triển, tính toán để biết trước nhật thực và nguyệt thực trong năm, chẳng có gì khó khăn. Với quan Thái sử như Bùi Thì Hanh, chuyện đó lại càng không đáng kể. Cái đáng kể ở đây là dùng cái biết của mình để mê hoặc lòng người. Trên thì từ vua cho đến quan Đại Tư đồ, dưới thì quan biên ải cho đến dân thường, cả nước phải một phen vất vả đi săn vượn, săn khỉ, khổ thay!

19 – ĐỨC ĐỘ CỦA NGUYỄN THIÊN HỰU

Nguyễn Thiên Hựu sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông làm quan trải hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông. Bình sinh Nguyễn Thiên Hựu là người trung trực, có lòng thương đến dân lành. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11) có chép hai mẩu chuyện về ông như sau:

"Ngày 24 (tháng 5 năm 1434 - ND), giờ thìn (tức từ khoảng 7 đến 9 giờ sáng - ND), có khí xanh đỏ như hình cầu vồng nhưng ngắn hơn, xuất hiện ở hướng Đông Bắc, trời có sương nhẹ. (Vua hạ lệnh) chém người thợ của Cục Tả Ban Tất Tác là Cao Sư Đãng. Lúc ấy, (triều đình) điều động thợ ở các Cục Tất Tác đến để lo làm chùa Báo Thiên. Việc thổ mộc rất nặng nề, (Cao) Sư Đãng làm vất vả quá nên có nói vụng trộm rằng: "Thiên tử không có đức để đến nỗi hạn hán, còn như bọn đại thần thì ăn của đút, tiến cử kẻ vô công, có gì đáng gọi là từ thiện đâu mà làm chùa to thế.” Lời ấy bị cáo giác. Quan Đại Tư đồ là Lê Sát nghe được, lấy làm giận lắm, bèn sai quan thẩm hình là Nguyễn Đình Lịch xét xử. Nguyễn Đình Lịch nói:

- Nó dám nói càn đến quốc gia đại sự, chém đi chứ để làm gì.

Lúc ấy, Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hồ đều xin tha tội chết (cho Cao Sư Đãng). Vua đã sắp nghe lời thì (Lê) Sát nói:

- Trước đã nghe theo lời Nguyễn Thiên Hựu mà tha chết cho bọn Nguyễn Đức Minh, khiến chúng bỏ thư nặc danh vu khống cho nhau, nay lại tha thêm thằng này nữa thì lấy gì để răn cho kẻ khác sợ?

Bọn Thiên Hựu không dám nói nữa, (Vua) bèn sai chém (Cao) Sư Đãng. Ngay hôm ấy bỗng có mưa nhỏ, nên hôm sau, (Lê) Sát vào nói giữa triều đình rằng:

- Nếu nghe lời Ngôn quan (chức này cũng tương tự như chức Ngự sử - ND) thì làm gì có trận mưa vừa rồi!

Lê Ngân nói:

- Giết nhiều kẻ ác thì được mưa nhiều, chỉ hiềm một nỗi là xương người chất đầy đường, khó đi lại mà thôi" (tờ 10 a - b).

"Tên đầu bếp ở Thái Miếu là Nguyễn Chú bị đánh 80 trượng, thích chữ vào gáy và đồ làm lính chăn voi vì tội ức hiếp để mua rẻ hàng hóa ở ngoài chợ.

Bấy giờ, bọn đầu bếp các nhà quyền quý thường hay cậy thế là người trong cung để ức hiếp mà mua rẻ hàng hóa ngoài chợ. Dân rất sợ bọn này. (Nguyễn Chú) bị Nguyễn Thiên Hựu bắt được, tâu sự thể lên Vua, Vua bèn trị tội Chú, lại còn cho đem đi rao liền trong ba ngày cho mọi người biết" (tờ 13 - b).

Lời bàn: Lần thứ nhất, vì cảm thương người thợ là Cao Sư Đãng lỡ lời phạm thượng lúc quá khốn khổ mà Nguyễn Thiên Hựu đã liều tâu xin tha mạng cho. Lời ấy dẫu chẳng được vua nghe nhưng dẫu sao thì Nguyễn Thiên Hựu cũng đã tỏ được cái đức sáng của mình. Đó là đức thương dân.

Lần thứ hai, không phải Nguyễn Thiên Hựu can ngăn mà ngược lại, chính Nguyễn Thiên Hựu đã trực tiếp bắt và tâu xin trị tội. Vua y lời. Một mình Nguyễn Chú bị trị nhưng trăm họ lại nhân đó mà được nhờ. Sự thể hai lần khác biệt nhau nhưng cái đức lớn thì vẫn là một.

Người làm quan thường hay nhân danh phép nước, kẻ vô chức nghiệp thường hay nhân danh quần chúng nhân dân. Sáng suốt và bình tâm để gạt bỏ được sự nhân danh vô lối chẳng phải là việc dễ. Việc ấy, học cả đời chưa ắt đã xong. Nhưng, học ở đây chẳng qua cũng chỉ để cho thêm phần sáng suốt, chớ cái chính yếu vẫn là phải có đức. Như Nguyễn Thiên Hựu, ông xử việc bắt đầu bằng đức đó của chính mình đó thôi.

20 - CHUYỆN QUANH TỜ BIỂU VĂN DO NGUYỄN TRÃI SOẠN

Tháng 5 năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ nhất (1434), có một chuyện rắc rối đã xảy ra trong triều đình nhà Lê. Đó là chuyện rắc rối xảy ra quanh tờ biểu văn do quan Hành khiển là Nguyễn Trãi vâng mệnh vua Lê Thái Tông soạn để giao cho sứ giả đem sang triều đình nhà Minh. Chuyện rắc rối đó được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 9 - b và 10 - a) chép lại như sau:

“Ngày 16 (tháng 5 năm 1434 - ND), sai bọn Tuyên phủ sứ là Nguyễn Tông Trụ, Trung thư Hoàng môn Thị lang là Thái Quân Thực và Kì lão là Đái Lương Bật mang tờ biểu cùng các thứ phương vật sang cầu phong nhà Minh. Hành khiển Nguyễn Trãi soạn xong tờ biểu, bọn Nội mật viện là Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ là Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ. Nguyễn Trãi giận lắm, liền nói:

- Bọn các ngươi là hạng bề tôi chỉ biết vơ vét. Bao nhiêu nạn hạn hán đều do các ngươi gây nên cả.

Thúc Huệ liền tố cáo lời này với Đại Tư đồ là (Lê) Sát và Đô đốc là (Lê) Vấn. Sát và Vấn tức lắm, cùng nhau trách Nguyễn Trãi rằng:

- Gây ra thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy mà là lỗi của Vua và Tể tướng. Sao ông nỡ quá lời như thế?

Nguyễn Trãi từ tạ mà nói rằng:

- Bọn Thúc Huệ chỉ cậy có chút tài vét thuế trong dân mà chiếm ngôi vị cao trong thiên hạ. Mỗi khi có sổ sách trình đến, chúng đều tìm cách vơ vét cho quan tham, hòng được lòng Vua và Tể tướng. Tôi nhân việc này mà nói ra thôi chớ đâu có dám bàn gì đến Vua và tể tướng.

(Lê) Sát vẫn không nguôi giận, nhưng tờ biểu thì vẫn cho để y nguyên như Nguyễn Trãi soạn, chẳng sửa chữa gì.”

Lời bàn: Trong chỗ không hẹn, Nguyễn Trái vả Nguyễn Thúc Huệ cùng Lê Cảnh Xước, đã gặp nhau ở chỗ... “văn mình.” Lẽ dĩ nhiên, chút bệnh... “văn mình” của Nguyễn Trãi nếu có nặng hơn người thì cũng phải, bởi đạt đến mức đại bút như ông, cổ kim nào đã có mấy người. Lỗi của Nguyễn Trãi có chăng là ở chỗ, đang từ chuyện này lại nhảy sang chuyện nọ, chẳng ăn nhập gì với nhau cả.

Ở đời chê thì dễ, làm mới khó, làm nên tuyệt tác lại càng khó hơn, Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước nổi danh ở chỗ chê người chứ không phải là nổi danh nhờ những gì do chính mình làm ra. Tuy nhiên, Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước đã tỏ ra nhạy bén và rất thông minh khi quyết nắm lấy sở đoản của Nguyễn Trãi. Ôi, giữa cõi đời này, có gì đáng sợ hơn, khi mà sự thông thái lại được ban phát nhầm lẫn cho bọn tiểu nhân.

Quan Đại Tư đồ và quan Đô đốc chẳng dại mà sửa văn Nguyễn Trãi theo lời tâu của Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước. Văn tài, ai dám sánh với Nguyễn Trãi. Vả chăng, bút sa gà chết, lấy quyền uy mà sửa, ắt Nguyễn Trãi phải chịu, nhưng chữ nghĩa còn đó, làm thế chỉ mua cười cho hậu thế mà thôi.

Lời văn trong tờ biểu Nguyễn Trãi soạn tuy vẫn được giữ y nguyên nhưng vị thế của Nguyễn Trãi trong triều không còn được nguyên vẹn nữa. Dự báo lần đầu cho một tấn bi kịch là đây chăng?

21 – CHUYỆN PHẠM MẤN BỊ ĐI ĐÀY

Phạm Mấn sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông là người cùng làng với quan Tư không là Lê Ngân. Khi Lê Lợi phát động nhân dân nổi dậy chống quân Minh, Phạm Mấn cùng về tụ nghĩa ở Lam Sơn. Nhưng rồi một thời gian sau, vì chịu không nổi gian nan, Phạm Mấn đã đầu hàng quân Minh. Lần ấy, Lê Lợi bí mật đem quân đi đánh Sách Cối (Thanh Hóa). Quân vừa tới, Phạm Mấn đã đi đầu hàng, mật báo mọi điều với quân Minh, cho nên, cuộc tiến công không thành. Sau, Lam Sơn giành được thắng lợi, cũng như nhiều người khác, Phạm Mấn được hưởng lượng khoan hồng, được về quê cũ làm ăn sinh sống.

Tháng 9 năm Giáp Dần (1434), Phạm Mấn tranh chấp ruộng đất với người gia nô cũ của quan Tư không Lê Ngân. Trong lúc nóng giận, Phạm Mấn có nói nhiều lời bất kính, xúc phạm tới Lê Ngân. Chuyện đến tai, Lê Ngân bèn sai các quan coi việc án ngục xét xử Phạm Mấn, nhân thể, xét luôn cả tội trước kia từng đầu hàng quân Minh nữa. Án trình lên, vua Lê Thái Tông y lời, khép Phạm Mấn vào tội chém. Nhưng, đúng lúc đó, một cuộc tranh cãi giữa hai bậc đại thần đã diễn ra. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 16 - a) chép rằng:

“Quan Đại Tư đồ là Lê Sát nói (với Lê Ngân):

- Giờ đây, bọn ta có quyền thế, nhân đó mà báo thù người làng thì muốn sao chẳng được. Nhưng, làm vậy lỡ mai sau ta hết quyền thế, chả lẽ lại bắt con cháu chúng ta phải chịu sự báo oán hay sao?

Lê Ngân tức giận quát:

- Con cháu chúng nó còn biết gây oán, lẽ nào con cháu chúng ta lại không biết báo oán nữa hay sao?

Hai người cứ thế tranh cãi mãi. (Vua nghe) bèn giảm tội cho Phạm Mấn, bắt phải đi đày xa.”

Lời bàn: Không kham nổi gian nan, đành bỏ đồng đội, bỏ đại nghĩa, đó là lỗi. Riêng lo cho tấm thân mà cam lòng phản bội, đó là tội. Lê Thái Tổ mở lượng hải hà mà tha cho, nhưng xem ra, Phạm Mấn vẫn chưa thấm được ơn mưa móc ấy.

Tranh chấp ruộng đất cũng là chuyện thường xảy ra. Nhưng, tranh ruộng với gia nô cũ của Lê Ngân thì cứ tranh, hà cớ gì lại nói lời bất kính với Lê Ngân đang đường đường là bậc đại thần? Xã hội bao giờ cũng có thứ bậc, mơ hồ mà được chăng?

Nhưng thôi, Phạm Mấn chẳng qua cũng chỉ là tên nhút nhát và bất tài, còn như Lê Ngân, quyền cao chức trọng, vậy mà sao cũng hẹp hòi đến thế kia? Ở đời, nếu cứ lấy oán báo oán thì sự báo oán sẽ chẳng bao giờ dứt. Vả chăng, vật đổi sao dời, ai dám nói là đã biết chắc hậu vận của mình? Lời của quan Đại Tư đồ Lê Sát quả đáng suy nghĩ lắm.

Phạm Mấn bị đày đi xa và ông cũng đã khuất, nhưng bài học về chuyện xử thế của ông thì vẫn còn mãi đó.

22 - NGUYỄN TRÃI VỚI BẢY TÊN TRỘM

Đầu đời Lê Sơ, tội trộm cướp bị xử rất nặng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ đang bừng bừng khí thế của một cuộc hồi sinh, khắp cõi, già trẻ gái trai ai ai cũng được nhà nước chia cấp ruộng đất để làm ăn, nhà nhà đều có chút sản nghiệp. Tuy nhiên, thời nào mà chẳng có bọn bất lương. Năm 1434, triều đình Lê Thái Tông đã phải xét xử một lúc bảy tên tái phạm tội trộm cắp. Số lượng khá nhiều ấy đã khiến cho các bậc quan lại có phần bối rối. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 16, tờ 11) chép:

"Có bảy tên cùng tái phạm tội ăn trộm, tất cả đều đáng bị tử hình. Bọn Lê Sát và Lê Ngân lấy làm khó nghĩ vì phải giết một lúc quá nhiều người. Nhà vua (biết vậy) bèn đem việc này để hỏi quan Thừa chỉ là Lê Trãi (tức Nguyễn Trãi - ND). (Lê) Trãi thưa rằng:

- Dùng hình phạt chẳng bằng dùng nhân nghĩa, sự ấy đã quá rõ. Như bây giờ mà đem một lúc đến bảy người ra giết thì sợ đó không phải là việc làm của người có đức lớn. Kinh Thư có nói "An nhữ chỉ,” nghĩa là phải thuận theo chính đạo mà đặt mình đúng chỗ chí thiện. Ví như vua ở trong cung, đấy là đúng chỗ của nhà vua, thảng hoặc có tuần du đây đó thì sự thoải mải thường không như khi ở trong cung. Vua về cung, đấy là về đúng chỗ, ông vua đối với nhân nghĩa cũng vậy. (Vua phải dùng nhân trị, đấy mới đúng là phép trị dân đích thực của vua).

Bọn Sát bèn nới với Lê Trãi:

- Ông thực là người nhân nghĩa, đủ sức để cảm hóa kẻ ác thành kẻ thiện. Đây, xin giao hết cho ông bọn trộm này.

Nói rồi, bọn Sát đem cả bảy tên tội phạm giao cho Lê Trãi bảo quản. Lê Trãi nói:

- Bọn chúng là lũ hung ác, gian xảo. Phép nước còn không răn chúng chừa được. Trãi này có đức độ gì mà cảm hóa nổi chúng?

Sau, triều đình chỉ chém hai tên cầm đầu, còn thì khép vào tội lưu.”

Lời bàn: Thời Lê Thái Tông (1434 - 1442), dân số nước ta có chừng năm triệu rưỡi. Trong năm triệu rưỡi dân mà có bảy tên tái phạm tội trộm cắp, số lượng ấy xem ra chẳng đáng gì, nhưng thời ấy thì đã đủ làm cho triều đình bối rối. Mới hay, sử thần xưa ca ngợi thời ấy là thời thái bình thịnh trị, kể cũng chẳng ngoa.

Xã hội đúng là thái bình, nhưng xem ra, nội bộ triều đình đã có dấu hiệu của sự bất ổn. Các bậc đại thần đá việc cho nhau rồi lại còn mắng xéo lẫn nhau, coi bộ cũng đã trên mức bình thường. Triều đình chém hai tên đấu sỏ và coi là đã đủ để răn thiên hạ, còn triều đình, biết lấy gì răn đây?

23 - CÁC NGÔN QUAN LÀ PHAN THIÊN TƯỚC, LƯƠNG THIÊN PHÚC VÀ NGUYỄN CHIÊU PHỦ VỚI SÁU ĐIỀU CAN VUA

Đầu thời Lê Thái Tông (1434 - 1442), Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ cùng giữ chức Ngôn quan, chuyên lo việc can gián vua và đàn hặc các quan. Họ đã cố gắng làm hết chức phận phải làm, tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng được thuận tiện. Năm Ất Mão (1435) có một chuyện rắc rối đã đến với họ, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 21 - b và tờ 22 a - b) chép lại như sau:

"Ngày 21 (tháng giêng - ND), các Ngôn quan là Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ, cùng dâng sớ can vua rằng: Tiên đế (chỉ Lê Lợi, tức Lê Thái Tổ - ND) dãi dầu sương gió, thân mặc áo giáp, lao tâm khổ trí hơn mười năm trời mới bình định được thiên hạ. Nay, bệ hạ thừa kế cơ nghiệp, lẽ phải chăm học thuật, dốc lồng tìm kiếm nhân tài để chu toàn việc trị nước, vậy mà:

- Đại thần tiến cử chức Thiếu bảo Hữu Bật vào hầu việc giảng sách, bệ hạ đứng dậy bỏ đi không nghe, đó là một điều không nên.

- Tiên đế chọn người làm bảo mẫu, làm thầy để vâng mệnh dạy bảo trong cung mà bệ hạ khinh rẻ, mắng chửi họ, đó là hai điều không nên.

- Đến như Thần phi và Huệ phi đường đường là bậc bệ hạ phải gọi là dì (hai bà là vợ của Lê Lợi. Mẹ của Thái Tông đã mất lúc Thái Tông mới được ba tuổi - ND), cùng vào cung để dạy, mà bệ hạ cũng nỡ sai người ra đóng cửa không cho vào, đó là ba điều không nên.

- Người cầm đầu quân thị vệ thấy bệ hạ không đọc sách mà cầm cung đi bắn chim chơi đùa, họ can ngăn thì bệ hạ đã không nghe, lại còn lấy cung bắn họ, đó là bốn điều không nên.

- Tiên đế chọn lựa con em của các bậc công thần vào hầu bệ hạ đọc sách thì bệ hạ xa lánh họ, chỉ đùa giỡn với bọn hầu cận trong cung, đó là năm điều không nên.

- Bậc đế vương chỉ tìm người tài giỏi, biết nói thẳng, hết lời can ngăn và những người có nhiều công lao để thưởng cho họ, vậy mà bệ hạ chỉ vui đùa với bọn hoạn quan rồi thưởng cho chúng, đó là sáu điều không nên.

Nếu thần không nói là mang trọng tội, cho nên, dám đâu lại chẳng tâu bày? Vậy, trong khi coi chầu hoặc giả là tiếp xúc với các bậc đại thần, hay như khi nghe các quan tấu trình, bệ hạ cần phải ngay ngắn, trang nghiêm, lấy dung nghi thiên tử mà tiếp đãi, ủy lạo người có công, lắng nghe lời nói thẳng, mở lối cho người cương trực, thấu hiểu sự tình ở dưới mình... được như thế thì lời khen bậc đại hiếu có chí nối nghiệp lớn, đâu phải chỉ dành để riêng khen Thành Vương và Thái Giáp? (Thành Vương và Thái Giáp là hai vị vua giỏi của Trung Quốc thời cổ đại, rất được Nho gia tôn sùng - ND).

Vua xem sớ xong, giận lấm, bèn vặn hỏi. Bọn học sĩ Lê Cảnh Xước và hoạn quan Đinh Hối liền đi khắp nhà, chất vấn gia quyến của Thiên Tước, vừa trách mắng vừa bắt phải khai tên người đã tiết lộ các việc nói trong sớ. Thiên Tước khai:

- Những điều đó do Đồng tổng quản Bắc Giang là Hạ vệ Lê Lãnh nói. Bọn tôi cốt sao yêu Vua, làm hết chức phận, cho nên, dù chết cũng không sợ.

Nghe thế, bọn Cảnh Xước mới thôi. Hôm sau, Thiên Tước vào hầu Vua, tâu rằng:

- Ngu Thuấn là bậc thánh nhân mà còn bị bọn Bá Ích lấy sự chơi bời lười biếng để khuyên răn, Đường Thái Tông là bậc vua hiền mà còn bị bọn Ngụy Trưng dâng sớ nhắc mười điều có thể lâu ngày thấm dần thành lỗi lớn. Nay, bọn thần tủi nhục giữ chức Ngôn quan lòng những sợ Nhà vua mắc lỗi lầm nên mới không quản ngu dại mà khuyên can. Bệ hạ nghe cho thì khắp thiên hạ, cho dẫu là kẻ kiếm củi hay kẻ làm nghề mọn cũng đều dốc hết khả năng ra mà làm, thánh đức của bệ hạ càng thêm ngời sáng vậy.

Vua nghe xong, nguôi giận, cho bọn Thiên Tước lại giữ chức như cũ.”

Lời bàn: Lê Thái Tông lên nối ngôi lúc mới 11 tuổi. Tuổi ấy thường thích đánh bi, bắn chim. chơi trò ú tim hoặc mê là nhảy lò cò... cho nên, mắc những lỗi như các Ngôn quan nêu thì cũng chẳng có gì là lạ. Lạ lùng chăng là Học sĩ Lê Cảnh Xước và hoạn quan Đinh Hối. Lê Cảnh Xước đường đường là Học sĩ, nhưng đây là lần thứ hai tự tỏ cho mọi người thấy sự ít học. Hữu danh vô thực là đấy chăng.

Lê Thái Tông có lỗi nhưng đã kịp nhận lỗi. Đáng kính thay! Còn các Ngôn Quan, cương trực, và khẳng khái, lời thành tâm đã được Vua nghe, muôn đời hậu thế cùng nghe, vinh thay!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay