Việt sử giai thoại (Tập 5) - Chương 24 - 28

24 - THÁI QUÂN THỰC VÀ NGUYỄN TÔNG TRỤ LÀM NHỤC QUỐC THỂ

Ngày 16 tháng 5 năm Giáp Dần (1434), Thái Quân Thực đang giữ chức Trung thư hoàng môn thị lang và Nguyễn Tông Trụ đang giữ chức Tuyên phủ sứ, cả hai cùng hàm Tứ phẩm, được triều đình cho sung vào sứ bộ mang biểu văn sang nhà Minh cầu phong cho vua Lê Thái Tông. Trong chuyến đi này, hai ông đã phạm tội lớn, để tiếng xấu đến muôn đời. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 24 a - b) chép rằng:

"Hai người này khi nhận mệnh sang sứ nhà Minh đã phạm tội lớn, Thái Quân Thực bị xử đày viễn xứ, còn Nguyễn Tông Trụ bị đày cận xứ. Khi ấy, Hữu ti làm giấy tờ (cho hai người đi sứ), theo thứ tự mà ghi Nguyễn Tông Trụ là Bồi thần (hàng quan Đại phu - ND) còn Thái Quân Thực là Kì lão (dưới Đại phu một bậc ND). Quân Thực tỏ ý bất bình. Khi đến triều Minh, triều Minh cứ chiếu theo thứ bậc (đã ghi trong giấy tờ của sứ bộ) mà ban áo. (Vì là Kì lão), áo của Quân Thực không có hoa văn kim tuyến. Quân Thực hậm hực bảo với người phương Bắc rằng:

- Ta cũng là quan Tứ phẩm, lại ở dưới Tông Trụ là làm sao?

Đến lúc vào dự yến tiệc, Thực không chịu mặc áo được (triều nhà Minh) ban mà lại mặc áo có thêu kim tuyến của mình mang theo. Thực còn đem cả biểu văn do Nguyễn Trãi soạn ra mà chửi bới, lại còn chửi luôn cả quan Tham tri Đông Đạo là Đào Công Soạn chỉ vì ông này đã tiến cử Nguyễn Tông Trụ cùng đi sứ với mình. Tông Trụ giận dữ, tranh cãi mãi (với Thái Quân Thực). Hai người đánh nhau, Tông Trụ bị vỡ mặt, người đi theo can ngăn cũng không được. Hai người còn kiện nhau ở Hồng Lô Tự (của nhà Minh), nói xấu nhau đủ điều. Tông Trụ lại còn lén tới nhà viên nội quan của Bắc triều ở Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc - ND), nhận riêng lễ vật, lại nói riêng với viên quan của Long Châu đi tiễn là Lã Hồi về chuyện (Thái Quân Thực) khi đi sứ ở Ai Lao đã nói vụng Tiên đế (tức Lê Lợi - ND) nghe lời gièm pha của kẻ xấu mà giết hại nhiều người.

Hai người này đều vì tội đi sứ mà giao thiệp với người nước ngoài, tức giận mà đánh lẫn nhau, làm nhục quốc thể, đáng phải xử tử. Nhưng bởi cả hai đều từng là người có công lao, nên tùy mức độ mà xử bị đi đày.

Tông Trụ còn phạm tội đem nhiều tiền lụa sang mua hàng phương Bắc. Vua ghét Trụ làm liều, bất chấp cả lệnh cấm của triều đình, bèn tịch thu hành trang (của Tông Trụ) mà chia cho các quan.”

Lời bàn: Thái Quân Thực quyết mặc cho bằng được chiếc áo có thêu kim tuyến, nhưng hoa văn lấp lánh của chiếc áo ấy nào có đủ để che nổi một tâm hồn nhỏ nhen và ngang ngược của ông. Mới hay, nhún nhường trong xử thế quả là rất khó.

Bởi nhỏ nhen và ngang ngược, đến nỗi đánh nhau ngay giữa thiên triều, hai thành viên của sứ bộ đã hóa thân thành hai kẻ vũ phu tầm thường. Sử chép Tông Trụ bị đánh vỡ mặt, nhưng xem ra, trước khi họ đánh nhau, hai gương mặt ấy cũng có phải là lành lặn đâu. Họ đem nhau đến kiện cáo ở Hồng Lô Tự nhà Minh, nhưng, thua kiện đau đớn nhất lại chính là những người không hề dính dáng gì đến vụ kiện này, đó là triều đình, là nhân dân Đại Việt. Với họ, quốc thể sao mả rẻ rúng đến thế?

Họ chửi nhau rồi đánh nhau chưa đủ, còn đi bêu riếu đồng liêu và triều đình ở khắp nơi. Điều họ quan tâm chỉ là quà cáp và buôn bán kiếm lời. Hẳn nhiên là với đà ấy, đến một dịp có thể, họ sẵn sàng bản cả giang sơn này.

Triều đình xử họ phải đi đày, kẻ viễn xứ, người cận xứ. Phép nước mỗi thời một khác, chẳng ai dảm bàn sự đúng sai án quyết của triều đình thời ấy, nhưng, sống thêm mà làm gì nữa, hỡi hai con người kia. Giá mà hai người biết được sử viết gì về họ, hậu thế nghĩ gì về họ.

25 - PHAN THIÊN TƯỚC VÀ Ý THỨC VỀ CHỨC PHẬN CỦA MÌNH

Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 29 a - b) có đoạn chép như sau:

"Ngày 18 (tháng 9 năm ất Mão, 1435 - ND), triều đình nghị bàn riêng về các ngạch thuế. (Triều đình định rằng), người có đất bãi trồng dâu và có ruộng cấy lúa, nếu là quân thì cấp cho 5 sào đất bãi dâu, nếu là dân thì cấp cho 4 sào để làm sản nghiệp. Tất cả được miễn thuế, trừ những người không vợ hoặc góa chồng. Phan Thiên Tước nói:

- Người không vợ và góa chồng là hạng người phải được nhà vua thương đến. Nay bệ hạ ban ân huệ cho khắp quân dân mà những hạng đó không được hưởng, thế ra họ không phải là dân của vua ư?

Quan Đại tư đồ là Lê Sát nói:

- Quân và dân là những hạng người dốc sức làm việc, chớ bọn người không vợ hoặc góa chồng thì nhà nước được cậy nhờ gì mà phải miễn thuế cho họ. Vả chăng, khi còn Tiên đế (tức còn Lê Lợi - ND), Tiên đế cũng chưa từng giảm nhẹ cho ai, vậy mà sao ông im lặng, chẳng nói gì, nay nhà nước đã định thành quy chế rõ ràng thì ông lại bàn cãi mãi là sao?

(Phan Thiên) Tước trả lời:

- Khi còn Tiên đế, Tước này chưa phải là Ngôn quan, nay Tước giữ chức này thì phải nói. Mà tôi cũng chỉ nói điều hay cho nhà nước chớ có mưu lợi riêng gì cho tôi đâu.

Bấy giờ, triều đình mới cho những người không vợ hoặc giả là góa chồng được miễn thuế 3 sào.”

Lời bàn: Làm những việc không thuộc chức trách của mình thì nếu không phạm thượng, ắt cũng giẫm phải chân đồng liêu mà những việc thuộc chức phận của mình tất không thể chu toàn tốt đẹp. Ở đời, những người nghiêm cẩn và mực thước, coi vậy mà chẳng có bao nhiêu. Lời Phan Thiên Tước ắt không phải chỉ là lời bàn với bá quan đương thời, mà còn là lời có ích chung cho tất cả những ai sắp bước vào hoạn lộ, cho nên sử mới ghi lại đó thôi.

Việc thuộc chức phận phải làm mà không làm, ấy là kẻ bê trễ. Đôi khi, sự chối từ lại chính là sự che đậy một cách khôn ngoan những mưu toan cơ hội. Không nói thì không mất lòng ai, sự thăng tiến dành cho những hạng người này xưa nay vẫn chiếm một tỉ lệ rất cao. Thà làm đúng chức phận để được yên lòng, không tự thẹn với lương tâm, chứ chẳng phải sự thăng tiến vinh hoa phú quý cho riêng mình mà bỏ qua điều chẳng phải, Ngôn quan Phan Thiên Tước thật đáng kính lắm thay!

Triều đình Lê Thái Tông đặt ra chức Ngôn quan chuyên lo nói lời can gián, lại chọn được người như Phan Thiên Tước để trao chức đặc biệt này, chính sự rành mạch, dân cư an vui cũng là phải lắm.

Mới hay, lo việc quốc gia đại sự chỉ mới là một phần của đại đức, tìm người xứng đáng để trao việc quốc gia đại sự mới là phàn quan trọng nhất của đại đức đế vương. Ngẫm mà xem!

26 – LẠI CHUYỆN CAN NGĂN CỦA NGÔN QUAN PHAN THIÊN TƯỚC

Trong hàng quan lại của thời Lê Thái Tông, hình như phải chịu khổ tâm nhiều hơn cả vẫn là các Ngôn quan. Họ không nói tức là đã không làm hết chức phận, mà nói, nhất là nói lỗi của quan trên, rồi đặc biệt là lỗi của vua, thì có khi, chính họ cũng khó bề giữ yên thân mình. Lời nói thẳng thắn và đúng đắn của họ, cũng phải gian nan lắm mới được triều đình nghe theo. Xin kể thêm một mẩu chuyện về Ngôn quan Phan Thiên Tước để rõ điều này. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 16, tờ 20) chép rằng:

“Lê Thụ, ngay trong khi đang có quốc tang (tang vua Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi - ND) đã lấy vợ lẽ và bắt binh lính về làm việc riêng cho mình như xây nhà và sai vặt. Thụ cất nhà đồ sộ, lại còn giao lưu với người nước ngoài để buôn bán. Bấy giờ, quan giữ việc can ngăn là Phan Thiên Tước đàn hặc các lỗi nói trên của Lê Thụ.

Khi ấy, phần nhiều các quan đại thần đều bắt binh lính làm việc riêng và xây cất nhà cửa cho mình. Vua sai Thiên Tước đi xem xét khắp nơi để xác minh hư thật. Khi Thiên Tước trở về, vua vặn hỏi:

- Các đại thần cũng làm như thế, sao khanh không nói mà chỉ đàn hặc một mình Lê Thụ mà thôi?

Thiên Tước thưa:

- Lê Thụ là đại thần, lại từng nhận lãnh thác mệnh của tiên đế, lẽ ra phải giữ mình cho ngay thẳng để bá quan lấy đó làm gương. Nay xem những việc Lê Thụ đã làm, thấy rõ Lê Thụ coi thường phép nước đã quá lắm, cho nên, thần không dám nín tiếng im hơi. Còn như nay thần vâng mệnh đi xem xét khắp các nhà đại thần thì thần đã làm, đâu dám lơ là chức trách?

Thiên Tước dâng sớ kể rõ những ai làm nhà mới, chẳng hạn như quan Tham tri Đông Đạo là Lê Định cho đến các quan giữ chức Quản lãnh, tổng cộng hơn 20 người. Tất cả đều được Nhà vua bỏ qua, chỉ giao Lê Thụ cho Pháp ti xét hỏi. Nhưng, bọn Lê Vấn và Lê Ngân đều tìm cách bào chữa, bao che cho Lê Thụ. Sau, Nhà vua cũng tha tội cho Thụ, chỉ bắt Thụ phải bỏ người vợ lẽ và phải truy nộp 15 lạng vàng, 100 lạng bạc là số tiền do buôn bán riêng mà có.”

Lời bàn: Phép nước xưa cho việc quan lại tổ chức hát xướng vui chơi hoặc giả là cưới thêm vợ lẽ trong lúc có quốc tang là có tội. Phép nước như thế là đúng hay sai, có lẽ xin được miễn bàn, chỉ biết rằng, phép nước bao giờ cũng là phép nước, người có trách nhiệm làm gương thực hiện trước hết phải là quan.

Cổ kim cho hay, người cố tình làm sai phép nước thường rất ít ai chỉ cố tình làm trái một lần, và một khi đại thần đã cố tình làm sai phép nước thì quan lại lớn nhỏ thế nào cũng có kẻ bắt chước mà hùa theo. Hai mươi người cùng mắc tội giống như Lê Thụ, rồi Lê Vấn và Lê Ngân lại bào chữa cho Lê Thụ, chuyện ấy có gì là lạ đâu.

Vua chỉ cho xét án mỗi mình Lê Thụ, Vua lại chỉ bắt Lê Thụ bỏ người vợ lẽ mới cưới và nộp phạt ít tiền rồi tha tội cho, thế thì phép nước bị gạt bỏ trước hết bởi chính bàn tay của Vua vậy. Cội nguồn của những sự kiện bi thảm thời Lê Thái Tông bắt đầu từ đây chăng? Khi trong thiên hạ có người được ngồi ngoài hoặc ngồi trên phép nước, thì loạn li là điều sẽ không sao mà tránh được.

27 - CUỘC XUNG ĐỘT Ý KIẾN GIỮA NGUYỄN TRÃI VỚI LƯƠNG ĐĂNG

Vừa lên ngôi Hoàng đế được một thời gian, Lê Lợi đã quyết định chế nhã nhạc riêng cho triều đại của mình. Công việc khó khăn này được giao cho quan Hành khiển là Nguyễn Trãi. Nhưng, mãi đến bốn năm sau ngày Lê Lợi mất, Nguyễn Trãi cũng chỉ mới có thể dâng cho vua Lê Thái Tông (1434 - 1442) bản vẽ của những chiếc khánh đá là một trong những nhạc cụ buộc phải có mà thôi. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 35 - b và 36 - a) chép:

“Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ những chiếc khánh đá và tâu Vua (Lê Thái Tông) rằng:

- Kể ra thì đời loạn trọng võ, thời bình trọng văn. Nay quả rất đúng là phải chế ra các loại lễ nhạc. Nhưng, (nhạc) phải có gốc mới đứng, phải có văn mới hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc vậy. Thần vâng chiếu soạn nhạc, dám đâu không dốc hết sức ra mà làm, nhưng vì học thuật thì nông cạn, chỉ sợ thanh luật chẳng được hài hòa. Cúi xin bệ hạ thương yêu và nuôi nấng muôn dân, khiến cho mọi xóm thôn không còn tiếng oán hờn buồn khổ, như thế mới giữ được gốc của nhạc.

Vua khen ngợi và tiếp nhận rồi sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ để làm khánh.”

Nhưng, ngay khi thợ đá đang làm khánh, vua Lê Thái Tông lại sai Lương Đăng cùng hợp sức với Nguyễn Trãi để chế định nhã nhạc Ý kiến của hai người trong lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau. Nguyễn Trãi thấy không thể dung hòa được bèn xin thôi làm công việc vốn rất phức tạp này. Cũng sách trên (tờ 38 a - b và tờ 39 - a) viết:

"Tháng 5 (năm Đinh Tị, 1437 - ND), Hành khiển Nguyễn Trãi tâu vua rằng:

- Mới rồi, bọn thần và Lương Đăng cùng hiệu định nhã nhạc, song, cách của thần không giống với cách của Lương Đăng, nay thần xin trả lại công việc được vua sai làm.

Trước, Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế về mũ áo nhưng chưa kịp thi hành. Đến đây, Lương Đăng dâng thư, đại ý nói như sau:

- Kể về lễ thì có đại triều và thường triều. Đại triều gồm có những lễ như tế trời, tế cáo ở thái miếu, ngày khánh tiết, ngày chính đán... Trong những ngày đó, Hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, ngồi ở ngai báu, còn như trăm quan thì mặc triều phục, đội mũ chầu. (Tuy cũng thuộc đại triều) nhưng những ngày mồng một hoặc ngày rằm thì Hoàng đế mặc áo bào màu vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan cùng mặc công phục, đội mũ phốc đầu, lễ thường triều gồm có những lễ còn lại. Trong những ngày đó Hoàng đế mặc áo bào màu vàng, đội mũ Xung Thiên, ngồi sập vàng, còn như bá quan thì mặc thường phục cổ tròn, đội mũ sa đen. Về nhạc thì nhạc đại triều dùng cho tế Giao, tế Miếu, tế Ngũ Tự hoặc giả là khi cứu Mặt Trời, Mặt Trăng (khỏi nhật thực và nguyệt thực). Nhạc thường triều và nhạc cửu tấu dùng khi đại yến. Đại để nhạc dùng trong cung mỗi lễ một khác, không thể nhất loạt như nhau. Về Lỗ Bộ đại giá cũng vậy. Xe kiệu thì có đại lộ, tượng lộ, mã lộ, kiệu chín rồng và kiệu bảy rồng... nhanh chậm có khác nhau. Về nghi trượng thì có kim qua, phủ, việt, chàng, phướn, tinh kì, mao tiết, chương phiến và long ngũ phượng. Số ngựa đóng vào xe và số người theo hầu cũng đều có quy định cụ thể. Nói chung là nhiều thứ, thần không thể chép ra đây hết được.

Thư ấy dâng lên, Vua lại sai Lương Đăng định ra các quy chế. Đăng vâng mệnh làm và dâng lên những quy chế về mũ, áo và nhạc. Đại để, quy chế của Đăng và của Trãi phần nhiều khác nhau, trọng lượng và số lượng khác nhau đã đành, cả đến cách trình bày cũng khác. Vì lẽ đó, Trãi xin thôi việc này. Vua theo lời tâu của Đăng mà làm.”

Lời bàn: Với Nguyễn Trãi, đến cả nhã nhạc cũng phải hợp với lòng dân và hợp với sức dân, niềm vui của triều đình phải thực sự là niềm vui chung của trăm họ. Khi chép sự kiện này vào bộ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 17, tờ 3) các sử gia thời Nguyễn đã có lời phê rất đúng rằng: “Lời tâu này (của Nguyễn Trãi - ND) tuy đã nói đúng được cái gốc của nhạc nhưng nếu thi hành thì khó đấy.”

Lê Thái Tông và Lương Đăng sợ khó chăng? Dấu ấn của những năm chiến tranh gian khổ trong hai con người này đã mờ nhạt. Gấm vóc nhung lụa đã tạo cho họ một lối nghĩ khác, một cái tình cũng rất khác đối với dân. Nguyễn Trãi xin thôi việc cùng với Lương Đăng soạn nhã nhạc là phải lắm. Một khi Vua đã có ý không tin dùng nữa, bàn thêm phỏng có ích gì?

Nguyễn Trãi không muốn bàn cãi thêm, ắt cũng muốn dành lời bàn cho hậu thế đó thôi.

28 – VỤ ÁN LÊ SÁT

Lê Sát sinh năm nào khang rõ, chỉ biết ông người Lam Sơn, từng theo Lê Lợi nổi dậy đánh đuổi quân Minh ngay từ khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vừa mới bùng nổ. Lê Sát là người lập công lớn trong trận Quan Du (Thanh Hóa) năm 1420, trận Khả Lưu (Nghệ An) năm 1424 và đặc biệt là trận Xương Giang (Bắc Giang) năm 1427. Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, ông được phong là Suy trung tán trị hiệp trung mưu quốc công thần, Nhập nội kiểm hiệu tư khấu, Bình chương quân quốc trọng sự. Đến năm 1429, khi triều đình cho khắc biển ghi tên 93 vị khai quốc công thần, tên ông được xếp ở hàng thứ hai, tước hiệu là Huyện thượng hầu. Năm 1433, Lê Sát được gia phong là Dương vũ tĩnh nạn công thần, chức Đại tư đồ, chịu cố mệnh của Lê Thái Tổ mà phò tá Lê Thái Tông.

Bình sinh, Lê Sát là tướng có tài, quyết đoán nhanh, nhưng là võ tướng ít chữ nghĩa, phép xử sự của ông thường thiếu tế nhị, cho nên, lắm kẻ ghen ghét ông. Có lẽ đó chính là lí do sâu xa dẫn đến vụ án Lê Sát và cái chết thê thảm của ông vào năm Đinh Tị (1437). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11) đã có một vài đoạn chép về ông như sau:

"Bấy giờ, tuổi Vua đã tương đối lớn, đã có thể xét đoán mọi việc một cách sáng suốt, nhưng Lê Sát thì vẫn tham quyền cố vị, cho nên, Vua rất ghét Sát. Ngoài mặt, Vua vẫn tỏ ra điềm nhiên nên Sát không biết sự ghét bỏ này. Đến đây, (tháng 6 năm Đinh Tị, 1437 - ND), Vua bàn với những người hầu cận, cho rằng: thân thích với Sát chỉ có bọn Lê Ê và Lê Hiệu, còn hiềm khích với Sát thì có bọn Trịnh Khả. Bàn xong, bèn cho bọn Lê Ê và Lê Hiệu ra ngoài (cung đình, nhậm chức ở xa) và giao cấm binh cho Trịnh Khả coi giữ. Sát xin Vua cho giữ Lê Hiệu lại, tâu rằng:

- Nếu Khả được hầu trong cung thì sợ thần nguy mất.

Vua (không trả lời, lặng lẽ) trở vào cung. Ngày hôm sau, vua sai người báo cho Đinh Cảnh An rằng:

- Đại tư đồ được ta cho thăng chức mà không nhận. Ta lại muốn dùng Lê Văn An làm Hải Tây đạo đồng Đô đốc tổng quản mà Sát lại ngăn trở.

Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích bèn nhân đó mà hặc tội rằng:

- Lê Sát quen thói chuyên quyền, tội ấy khó lòng dung thứ.

Tờ tâu (của bọn Đinh Cảnh An và Nguyễn Vĩnh Tích) dâng lên. Vua trao cho hình quan xét hỏi. Sát cởi mũ, tâu Vua rằng:

- Nếu ngày nay mà thần bị khép vào tội chuyên quyền, thế thì chẳng phải tội của thần là do Tiên đế sắp đặt mà ra đó sao.

Lúc ấy, bọn Lê Văn Linh và Lê Ngân đều cớ sức gỡ tội cho Sát nhưng Vua không nghe" (tờ 40 - b và 41 - a).

"(Vua) xuống chiếu rằng: Lê Sát chuyên quyền, nắm giữ việc nước, ghét người tài, giết Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả để mong người phục, bãi chức của Ư Đài hòng bịt miệng bá quan, đuổi Cầm Hồ ra biên ải để ngăn lời Ngôn quan... Mọi việc hắn làm đều trái với đạo làm tôi. Nay ta muốn khép hắn vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì hắn là viên cố mệnh đại thần, từng có công với xã tắc nên được đặc cách khoan thứ, nhưng phải tước bỏ hết quan chức" (tờ 41 - b).

"Cho Lê Sát được tự tử ở nhà. (Vua) xuống chiếu rằng: Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, liều chết để hại các bậc trung thần lương tướng, mưu kế thật xảo quyệt, ý định gian phi đã quá rõ, lẽ phải đem chém để rao.

Bọn Lê Ngân và Bùi Cầm Hồ cùng tâu rằng:

- Tội Sát đáng chết, nhưng Sát từng là đại thần, nếu đem xác đi rao thì sợ để tiếng chê cười cho mai sau.

(Vua nghe), bên cho được chết ở nhà. Vợ con và điền sản nhà Sát đều bị tịch thu. (Vua) sai đem đồ đạc của nhà Sát ban cho các quan" (tờ 43 - a).

Lời bàn: Lê Sát một thời xông pha đánh Nam dẹp Bắc, nguy hiểm đến tận cùng mà vẫn toàn được tính mạng, lại còn lập được công to, nếu không phải là người thực tài thật khó mà được vậy. Thế nhưng, giữa thời thái bình thịnh vượng, Lê Sát lại chết tức tưởi vì lời gièm pha, đành Lê Sát cũng có chút lỗi của ông, nhưng nếu phép nước thật công minh, có lẽ ông không phải chết như thế. Bấy giờ, ai cũng nhân danh phép nước, nhân danh chiếu chỉ của Nhà vua, có biết đâu, chính Vua cũng bị hậu cung giằng xé. Quyền bính hậu cung gần như nằm hết trong tay Nguyễn Thị Anh, các bà hoàng đều lần lượt bị bà Nguyễn Thị Anh tìm kế hãm hại. Lê Sát là thân sinh của bà Lê Thi Ngọc Dao. Nguyễn Thị Anh muốn hãm hại bà Ngọc Dao, tất trước phải hãm hại thân sinh của bà là Lê Sát. Sau này cũng vì muốn hãm hại bà Ngô Thị Ngọc Dao, bà Nguyễn Thị Anh đã âm mưu hãm hại Nguyễn Trãi là người đã cưu mang bà Ngô Thị Ngọc Dao đó thôi.

Hại người tất sẽ bị người hại. Sau, Nguyễn Thị Anh bị Lê Nghi Dân giết. Mới hay, cái gốc của vụ án Lê Sát lại ở ngay trong hậu cung bí hiểm này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3