Việt sử giai thoại (Tập 5) - Chương 34 - 38
34 – LỜI TÂU CỦA QUAN THAM TRI ĐÔNG ĐẠO TRÌNH DỤC
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 63 - b và tờ 64 - a) chép rằng:
"Ở biên giới miền Đông có lời ngoa truyền rằng nhà Minh sai sứ sang để khám xét biên giới. Nghe vậy, Vua liền sai quan Đông Đạo tham tri là Trình Dục đi dò xét thực hư để về cấp báo cho triều đình. Dục đến biên giới nhưng không hề điều tra mà chỉ tin lời đồn của người đi đường, về tâu ngay là có quan của hai ti Khâm sai phương Bắc (tức Trung Quốc - ND) và quan Tổng binh trấn thủ Quảng Đông đem binh mã tới rất đông. Vua sai quan Tư khấu là Lê Khắc Phục, quan Tả hữu nạp ngôn là Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Văn Phú, quan Hữu ti thị lang là Đào Công Soạn, Quan Trung thừa là Hà Lật, cùng bọn Tây Đạo tham tri, Đồng tri là Nguyễn Thúc Huệ, Nguyễn Lan, Bùi Cầm Hồ, Trình Dục, quan Thẩm hình viện phó sứ là Trịnh Mân, quan Nội mật viện tham tri là Lê Văn, cùng đi hội khám. Vua lại sai quan Đồng tri của phủ Hạ Nam Sách là Lê Thiệt, đem hơn một vạn hai ngàn quân, hợp với quân của các phủ ở An Bang để phòng bị biên giới. (Vua) ban tiền cho từng người theo thứ bậc khác nhau, lại còn bắt các quan ở các lộ, trấn và huyện cùng dân phu thuộc Đông Đạo phải đóng góp đầy đủ tiền, gạo, trâu, dê, gà, vịt và rượu thịt các thứ để đợi mà khao quân. Cả miền Đông náo động.
Lúc quan quân đến biên giới, nghỉ lại cả tuần rồi cả tháng mà vẫn không dò la được tin tức gì, bèn đổ hết tiền của ra mà mua hàng của người phương Bắc, kĩu kịt mang về, nói thác là quan Khâm sai của nhà Minh bận việc khác nên không đến. Đài quan (cũng như quan Ngự sử, chuyên lo việc can gián - ND) là bọn Hà Lật cũng vào hùa với họ, không nói một câu nào. Triều đình cũng không ai hỏi đến tội ấy.”
Lời bàn: Tin đồn thất thiệt là chuyện thường, cổ kim đông tây đều có cá. Tin đồn này có can hệ đến vận mệnh an nguy của quốc gia, triều đình sai quan đi thẩm tra là phải lắm. Chuyện sai người đi thẩm tra này xảy ra vào mùa xuân năm 1448, khi Vua vừa mới sáu tuổi, đáng khen lắm thay!
Nhưng, thấy việc và tìm người đáng tin để giao việc là hai điều khác nhau. Quan Tham tri Đông Đạo Trình Dục, quả là trên thì rẻ rúng mệnh vua, dưới thì coi thường cuộc sống an bình của trăm họ, tội thật khó mà dung tha được.
Triều đình xuất quân, binh lính và dân phu thì đổ sức, dân thì đồ của, cả một vùng náo động, hao tổn thật khó mà lường. Tiếc thay, các quan trên dưới đương thời đều hám lợi và biếng nhác, cùng vào hùa với nhau mà dối Vua một lần nữa. Sai tập thể thì có nghĩa là không sai, mỉa mai thay!
Vai các quan đã nặng gánh hàng mua từ phương Bắc, còn hơi sức đâu mà gánh vác việc triều đình. Miệng Đài quan đã ngậm của, nói làm sao được nữa mà nói. Rốt cuộc, hứng chịu mọi tai họa vẫn là dân mà thôi!
35 - TÂM ĐỊA CỦA HÀ LẬT
Năm Mậu Thìn (1448) có đến ba sự kiện rất đáng lo ngại đã xảy ra, và cả ba sự kiện ấy đều liên quan đến chức trách của Đài quan là Hà Lật.
Sự kiện thứ nhất xảy ra vào tháng 2, khởi đầu từ một tin đồn nhảm, khiến triều đình phái lập tức sai quan Tham tri Đông Đạo là Trình Dục đi khám xét thực hư. Tiếc thay, Trình Dục làm ăn tắc trách, triều đình phái một phen mắc lỡm, còn dân thì bị một trận quyên góp hao tổn nặng nề, chỉ có các quan lợi dụng việc ra biên giới để đi buôn là béo bở. Lúc ấy, Đài quan là Hà Lật cũng là một trong những kẻ trục lợi, cho nên cố bưng bít tội lỗi cho các bậc đồng liêu, không dám hặc tội bất cứ ai cả.
Sự kiện thứ hai xảy ra vào tháng ba. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 65 a - b) chép lại như sau:
"Bọn Đài quan là Hà Lật và Đồng Hanh Phát, cùng hặc tấu (bọn hình quan) rằng:
- Án kiện để ứ đọng quá nhiều và quá lâu. Trách nhiệm này là của các hình quan, bọn thần không sao hiểu được.
Các quan Thẩm hình lang trung đại phu là Trình Mân, Nguyễn Văn Kiệt, Lê Bá Viễn, đều cúi đầu tạ tội. Duy có quan giám sát Ngũ hình là Trình Duy Nhất thì cứ kiếm lời bào chữa mãi. Vua im lặng. Sau, (Vua) sai bọn Hà Lật đến Ngũ Hình Viện điều tra. Tới đó mới hay là từ năm Nhâm Tí (có lẽ nguyên bản nhầm, phải là năm Giáp Tí, tức năm 1444 - ND) đến năm Đinh Mão (tức năm 1447 - ND), còn ứ đọng đến 126 vụ. Các đại thần bàn nhau đem chia những án còn tồn đọng ấy cho các quan ở năm đạo cùng Đài quan và quan Ngũ hình xét xử gấp, không được để lâu nữa vì như thế sẽ có hại cho dân. Vả chăng, án tụng quá nhiều, sức Hình quan kham không nổi, nên thể tất mà giảm tội cho họ. (Vua hạ lệnh) biếm các quan Lang trung Nguyễn Văn Kiệt, Đại phu Lê Bá Viễn mỗi người một tư (cũng tương tự như một bậc - ND) đồng thời phạt mỗi người 50 roi. Các quan Lang trung Trình Công Đức, Đại phu Phạm Phúc thì chỉ bị đánh 50 roi vì số vụ án để tồn đọng không nhiều lắm.”
Sự kiện thứ ba xảy ra vào tháng bảy. Cũng sách trên (tờ 69 - b và tờ 70 - a) chép:
"Trước kia, (Lê) Bá Viễn xét kiện, đã có hỏi tới quan Ngự sử trung thừa là Hà Lật. Bởi Bá Viễn vặn hỏi nhiều lần nên Hà Lật để bụng thù hằn. Đến đây, (Hà) Lật bèn cóp nhặt những lời đơm đặt của bọn người bị kiện, làm thành sớ dâng vua để hỏi tội Bá Viễn, nhân thể, hặc tội bọn Phạm Phúc, Nguyễn Doãn Trung vì nhiều lần xét án đã buộc tội cho người ta quá ư hà khắc. (Hà Lật) xin cho thải hết bọn họ ra ngoài, không cho làm việc ở Pháp ti nữa.
Vua sai các quan ở khắp năm đạo xét hỏi. Bọn Bá Viễn và Phạm Phúc không giữ được bình tâm, bèn dâng sớ kể tội (Hà) Lật, đại ý nói (Hà) Lật từng là tội phạm, làm nhơ sảnh đường, lòng người không theo phục và xin được đối chất với (Hà) Lật. Vua giữ tờ sớ lại chứ không giao cho triều đình xét hỏi, nhưng bọn (Hà) Lật vẫn biết được, lấy làm căm giận lắm. (Hà Lật) tâu Vua:
- Thần thấy từ thời Tam đại đến nay, chưa từng có chuyện kẻ bị Ngôn quan đàn hặc mà dám kiện ngược lại với Ngôn quan. Nay, bọn Bá Viễn kiện thần, thế là miệt thị tai mắt của bệ hạ. Bọn thần vì thế mà dẫu có bị bãi miễn cũng chẳng sao, chỉ sợ những người giữ chức này về sau không ai dám mở miệng nữa mà thôi.
Bọn quan Thái úy là (Trịnh) Khả và quan Tư khấu là (Lê) Khắc Phục cũng nhân đó tâu rằng, bọn Bá Viễn dám kiện Đài quan là có tội hèn bãi chức (của bọn Bá Viễn). Vua y theo.”
Lời bàn: Lần thứ nhất, Hà Lật không thể há mừng vì mải lo ngậm của. Lần thứ hai, Hà Lật nói chẳng qua chỉ để tỏ cho mọi người hay là ông thực sự có quyền, có chức. Lần thứ ba, Hà Lật nói là để trả thù. Giữ chức ấy mà nuôi tâm địa ấy, nguy thay!
Song, Lê Bá Viễn kể cũng là người nông cạn. Lẽ đâu, một đời chuyên xét án, ông lại không biết được rằng kẻ dưới không được đi kiện người trên? Búa rìu của phép nước chỉ giáng từ trên xuống, chưa từng giáng từ dưới lên, cho nên, kiện Đài quan thì có khác gì húc đầu vào đá tảng. Khi ấy, Vua mới được bảy tuổi, ông kiện quan trên bằng cách dâng sớ tâu Vua thì phỏng có ích gì?
Hà Lật, tên gọi ấy, tâm địa ấy, hợp làm sao!
36 - HÔN LỄ CỦA VỆ QUỐC TRƯỞNG CÔNG CHÚA
Vệ Quốc Trưởng Công chúa là con gái của vua Lê Thái Tông, chị của vua Lê Nhân Tông. Vệ Quốc Trưởng Công chúa sinh năm 1439, song, đến năm 1448 vẫn bị bệnh câm, không nói được. Tuy tuổi còn nhỏ, lại bị bệnh câm, nhưng đến tháng 11 năm 1448, Vệ Quốc Trưởng Công chúa vẫn bị bắt đem gả cho Lê Quát là con trai của Lê Thụ. Hôn lễ của Vệ Quốc Trưởng Công chúa đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 47 a - b) chép lại như sau:
"Tháng 11, đem chị cả của Vua là Vệ Quốc Trưởng Công chúa gả xuống cho Lê Quát là con trai của quan Thái úy Lê Thụ. Bấy giờ, Công chúa mới lên mười, mắc chứng câm không nói được. Vua xuống chiếu giao cho quan Tư khấu là Trịnh Khắc Phục làm chủ hôn. Khi ấy, Lê Thụ lo sắm lễ cưới, những kẻ ưa cầu cạnh hay tin liền tranh nhau đem nạp của cải để mong được hưởng phú quý. Gấm thêu, lĩnh, là, vóc, lụa... đang bày bán ngoài phố đều bị chúng tranh mua hết cả. Lê Thụ còn bắt quan lại ở khắp các trấn, lộ, phải sắm đủ trâu, bò và các thứ lễ vật khác. Các quan địa phương cũng muốn lấy lòng Lê Thụ nên bắt quân lính và nhân dân đóng góp rất nhiều. Đài quan lúc ấy là (Đồng) Hanh Phát (dâng sớ) tâu hặc. Lê Thụ cởi mũ để tạ tội, nhưng lệnh (của Lê Thụ) đã trót gởi đi khắp nơi rồi, nên các quan địa phương vẫn đưa lễ vật tới nhà Lê Thụ. Lê Thụ không từ chối mà (Đồng) Hanh Phát cũng không nói đến nữa. Sau đó, Hanh Phát cũng mang lễ vật đến nhà Lê Thụ lạy tạ. Kẻ thức giả đều lấy đó mà chê bai.”
Lời bàn: Con gái thứ dân mà mắc bệnh câm thì ôm phận cô đơn suốt đời là điều không sao tránh khỏi, nhưng là Công chúa, số phận của Vệ Quốc khác hẳn: Chẳng những làm dâu quan Thái úy mà còn làm dâu ngay khi mới lên mười!
Thái úy Lê Thụ chắc chẳng mong con mình lấy vợ câm, con trai của Lê Thụ là Lê Quát chắc càng không mong hơn nữa. Nhưng, cơ may vơ vét của cải khắp thiên hạ bỗng dưng mà đến, kẻ tham lam như Lê Thụ chẳng thể bỏ qua. Kẻ xu nịnh cũng đang không mà có cơ may để hối lộ Lê Thụ, Đài quan là Đồng Hanh Phát hặc tội Lê Thụ, rồi sau đó cũng chính ông tự mình đem lẽ vật đến mà lạy tạ Lê Thụ, ông được yên thân nhất thời, song, việc làm ấy mới mỉa mai làm sao. Khi sống, gió chiều nào người ta có thể che chiều ấy, nhưng khi chết, bão táp của miệng thế muôn đời, con cháu họ biết lấy gì để che?
37 - THAM TRI TÂY ĐẠO BÙI THÌ HANH VÀ TRUNG LỘ AN PHỦ SỨ BẠCH KHUÊ BỊ BÃI CHỨC
Ngày 1 tháng 5 năm Giáp Dần (1434), khi còn giữ chức Thái sử Bùi Thì Hanh đã cả gan bịa chuyện tinh khí con vượn đen ăn Mặt Trời, khiến thiên hạ phải một phen cung đốn và cúng tế vất vả. Thế nhưng, nhờ tài luồn lọt, sau, Bùi Thì Hanh đã được thăng tới chức Môn hạ sảnh hữu ti lang trung, kiêm Tham tri Tây Đạo. Nhưng, đến tháng 8 năm Mậu Thìn (1448) bị quan Giám sát ngự sử là Đồng Hanh Phát hặc tội và bị bãi chức. Chuyện này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 71 a - b) chép lại như sau:
"Thì Hanh tâu càn rằng đến ngày 16, vào giờ Mão (tức từ 5 đến 7 giờ sáng - ND) của tháng ấy (tháng 8 - ND) sẽ có nguyệt thực. Vua ra lệnh cho hết thảy các quan đến cửa Thừa Thiên để lo cứu trăng, nhưng hôm ấy không có nguyệt thực. Quan Giám sát ngự sử là Đồng Hanh Phát liền hặc tội ấy, nhưng Thì Hanh không chút tỏ vẻ lo sợ, lại còn nói riêng với người nhà rằng:
- Giỏi lắm thì cũng chỉ đến phạt tiền là cùng chứ gì. Xưa, già đời kinh nghiệm như Mai Trung Thừa mà còn chịu, không sao làm lay chuyển nổi ta, thì nay, bọn Hanh Phát mà ăn thua gì.
Hôm sau, Thì Hanh vẫn thản nhiên lên điện coi sổ sách, Hanh Phát liền tâu Vua:
- Những kẻ làm chức Ngôn quan như thần thì mọi điều hay dở của triều đình, phép dùng người đúng sai ra sao, tất tất đều phải nói rõ. Bởi lẽ ấy mà người xưa từng nói: “Lời động tới xe ngự thì Thiên tử phải đổi sắc mặt, lời động tới miếu đường thì Tể tướng phải nghiêm chờ xét tội.” Nay, Thì Hanh đã không chịu tạ tội lại còn điềm nhiên như không; vậy là vừa coi khinh thần, vừa coi khinh phép nước. Xưa, Phó Dịch và Lý Thuần phong của nhà Đường rất tinh thông thuật số, lại giỏi về thiên văn, người bấy giờ đều nói là cả thiên hạ không ai sánh kịp, nhưng cả hai người cũng chỉ làm đến chức Thái sử lệnh mà thôi. Bây giờ đây, như Thì Hanh thì tài nghệ còn thua kém bọn Thuần Phong tới ngàn lần, vậy mà được làm tới chức Môn hạ sảnh hữu ti lang trung, kiêm Tham tri Tây Đạo; thật là không sao hiểu được. Ấy là chưa kể, Thì Hanh vốn có tâm địa tiểu nhân và gian tà. Thời Lê Thái Tổ, hắn dám chiết tự càn về hai chữ Thuận Thiên (niên hiệu của Lê Thái Tổ - ND). Thời Lê Thái Tông, hắn lại cậy tà thuật ngầm bàn việc sai người giết vượn lấy máu, để trấn yểm, tránh tai dị của trời. Khi bệ hạ đang có tang mà bỗng có thiên tai, Thì Hanh bịa chuyện âm dương xung khắc, dám láo lếu nói rằng, trăm sự đều bởi đang có quốc tang, tâu càn xin giảm bớt ngày tang để trừ thiên tai. Xét những việc hắn làm, tất cả đều là lừa dối. Nếu cứ vậy, thần sợ thiên hạ đời sau sẽ cười triều đình dùng bọn âm dương gia làm Tham tri, bọn thầy bói làm An phủ sứ, mà việc này thì chỉ bắt đầu từ bệ hạ chứ trước kia chưa từng có bao giờ.
Vua nghe xong, lập tức bãi chức Môn hạ hữu ti lang trung tham tri Tây Đạo của Bùi Thì Hanh. Quan Trung lộ an phủ sứ của Sứ ti Quốc Oai là Bạch Khuê nghe tin ấy cũng lo sợ mà xin từ chức. Xưa, bọn Thái sử Thì Hanh và Thái chúc Bạch Khuê đều cậy có phép thuật, ra vào các nhà đại thần, khéo giở trò ton hót nịnh bợ, được các đại thần cho gần gũi, khen là người có tài, nhân đó, bọn Thì Hanh mới xin cho được làm chức Môn hạ hữu ti lang trung tham tri Tây Đạo, và bọn Bạch Khuê mới xin là chức Trung lộ an phủ sứ của Sứ ti ở Quốc Oai. Các đại thần đứng ra bảo lãnh cho chúng nhưng, những ai là người hiền tài thì đều lấy làm xấu hổ vì phải đứng ngang hàng với chứng. Có người đề chữ ở Cầu Kênh, phía ngoài cửa Đông rằng:
Thiên địa bĩ,
Lộ. An Phủ.
Nhật nguyệt khuy
Đạo. Tham Tri.
(Nghĩa là: Trời đất vào vận hội xấu nên các lộ mới có loại An phủ sứ ấy - Ý chỉ Bạch Khuê. Mặt Trời, Mặt Trăng đều đã thiếu hết rồi hay sao mà các đạo lại có loại quan Tham tri đó - Ý chỉ Bùi Thì Hanh - ND).
Châm biếm mai mỉa đến như thế đấy. Đến đây, cả Thì Hanh lẫn Bạch Khuê đều bị bãi chức, ai cũng lấy đó là vui mừng.”
Lời bàn: Hành trạng của Bùi Thì Hanh và Bạch Khuê thế nào, có lẽ khỏi cần bàn cũng đã rõ. Điều đáng suy ngẫm nhất là ở chỗ, cổ kim đông tây, sao mà lắm kẻ nhầm lẫn giữa nịnh hót với trung nghĩa, giữa xảo thuật vặt với hiền tài. Bọn Thì Hanh và Bạch Khuê kể cũng như con kiến, con sâu, khôn ranh co mình chui qua kẽ hở để đục khoét.
Quan Giám sát ngự sử đã nói lời cương trực, kính thay. Vua và các quan trong triều lúc ấy cũng biết trọng lời cương trực, quý thay!
38 – LẠI CHUYỆN BÙI THÌ HANH
Tháng 8 năm Mậu Thìn (1448) bởi bị quan Giám sát ngự sử là Đồng Hanh Phát hặc tội mà Bùi Thì Hanh cùng với Bạch Khuê đều bị bãi chức. Đường danh vọng của Bùi Thì Hanh tưởng đến đó là dứt, nào ngờ, mùa hè năm sau (Ki Tị, 1449), Bùi Thì Hanh lại được cất nhắc giữ chức vụ còn cao hơn trước, dù Gián quan là Đồng Hanh Phát hết lời can ngăn. Cùng được hưởng ân huệ đặc biệt này với Bùi Thì Hanh, còn có Nguyễn Thúc Huệ. Bùi Thì Hanh được trao chức Tham nghị chính sự, còn Nguyễn Thúc Huệ được trao chức Môn hạ hữu nạp ngôn. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 82 a - b) chép:
"Gián quan Đồng Hanh Phát hặc tội Thúc Huệ như sau:
- Chức vụ quan trọng nhất của triều đình chỉ có Tể tướng và Hành khiển mà thôi. Nay, Thúc Huệ vốn đứa tiểu lại, chuyên dùng chính lệnh hà khắc. Xưa, khi làm quan ở Bắc Đạo thì dân nơi đó, hai người mặc chung một cái quần. Khi hắn vâng mệnh đi sứ nước ngoài thì dùng mưu kế xảo quyệt để mong thoát tội. Người nước ngoài vẫn nói hắn là đồ quỷ làm nhục cho xã tắc. Vậy, dùng hắn để làm gì?
(Đồng Hanh Phát) lại hặc tội Bùi Thì Hanh rằng:
- Thì Hanh dùng tà thuật dối vua, xui vua rút ngày để tang, làm cho bệ hạ mang tội thất hiếu với tổ tiên. Vả chăng, việc để tang ba năm thì thời tiên đế cũng đã từng có. Trước đây, thần hặc tội Thì Hanh, khiến hắn bị bãi chức Tham tri Tây Đạo, thế mà nay lại cho hắn được thăng tới chức Chính sự tham nghị. Xét chữ, chính cũng có nghĩa là chính đáng, nếu thân mình đã không chính đáng thì việc làm sao có thể chính đáng dược. Thần nghe nói hào Lục Tam trong quẻ Giai, nguyên văn là Phụ tả thừa, trí khấu chí, có nghĩa là: kẻ tiểu nhân mang tội lại leo lên xe ngồi thì ắt giặc dã sẽ tới. Hào này hẳn đúng với bọn Thúc Huệ và Thì Hanh chăng?
Thái hậu nghe vậy liền hỏi Tể tướng:
- Gián quan hặc tội như vậy, ta nên tính sao?
Bọn Lê Khả tâu:
- Dùng người chẳng nên cầu toàn. Bọn thần đã khảo khắp những người đương chức cũng hết thảy thân thích cố cựu, nhưng không tìm được ai. Bọn thần thấy Thúc Huệ có thể đảm được việc. Còn bọn mới lên thì thần chưa rõ ai hay ai dở thế nào, không sao cất nhắc nổi.
Thái hậu bèn theo lời (bọn Lê Khả).”
Lời bàn: Khổng Tử nói: “Hà chính mãnh ư hổ,” nghĩa là, chính sự hà khắc thì còn ghê gớm hơn cả cọp. Thúc Huệ nhận mệnh Vua đi chăn dân mà để dân cả một đạo phải hai người mặc chung một quần, ấy cũng là thứ “Hà chính mãnh ư hổ” vậy. Cộng với tội đi sứ mà làm nhục quốc thể, Thúc Huệ bị đàn hặc ngay giữa triều đình cũng đáng lắm.
Bùi Thì Hanh chứng nào vẫn tật ấy. Bao nhiêu lần sử chép về Bùi Thì Hanh là bấy nhiêu lần thấy Bùi Thì Hanh gian tà, mượn xảo thuật để làm điều bất chính, vậy mà hắn vẫn được tái dụng, sợ thay!
Tuy nhiên, câu của Lê Khả trả lời Thái hậu có lẽ còn đáng sợ hơn. Đành là nhân vô thập toàn, song, chẳng phải vì thế mà dùng bọn bất nhân thất đức.
Mới hay, đặt chức Gián quan mê không nghiêm cẩn suy xét lời của gián quan, thì Gián quan chẳng qua cũng chỉ là chức trang điểm cho triều đình mà thôi.