Việt sử giai thoại (Tập 5) - Chương 29 - 33

29 - LÊ THÁI TÔNG VỚI VIỆC THƯỞNG PHẠT QUAN LẠI

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 17, tờ 11 và 12) chép rằng:

"Trước đó, Lương Đăng tâu xin việc định ra nghi trượng của vua. Khi vua xuất hành một cách trọng thể thì dùng các loại xe lớn như xe voi, xe ngựa, kiệu chín rồng, kiệu bảy rồng, đi nhanh đi chậm có phân biệt. Vua nghe theo. Xong mọi việc, Đăng được phong làm Đô giám trung thừa.

Bùi Cầm Hồ tâu rằng: Từ khi hệ hạ lên ngôi đến nay, nhiều việc làm của Tiên đế đã bị thay đổi. Ví như quan Lỗ bộ ti đồng giám là Lương Đăng, Tiên đế lúc đầu thấy hắn có chút chữ nghĩa nên cho làm Nội nhân phó chưởng, nhưng sau thấy hắn chỉ là kẻ khúm núm, lòng không ngay thẳng, nên không gần nữa mà cho ra ngoài làm ở Văn Đội, thế mà bây giờ bệ hạ lại cho hắn làm chức quan to. Xin bệ hạ nghĩ lại.

Lúc ấy, có người thợ tên là Cao Liệt tiến dâng hai chiếc mũ cỏ và nhân đó, xin được mộ dân sung vào Sở Làm mũ (Quan Tác Cục). Quan Thị ngự sử là Nguyễn Vĩnh Tích can rằng: Xưa, bậc đế vương không chuộng những vật lạ, chế tác khéo léo. Vua Thuấn chỉ mới dùng đồ sơn mà đã có đến hơn năm chục người can ngăn. Vậy cúi xin bệ hạ hãy nghĩ đến Tiên đế, người từng có công lớn, dãi nắng dầm mưa mà cũng chưa hề dùng đến loại mũ này.

Khi bãi chầu, Vua giơ cái mũ cỏ lên cho các bậc đại thần và Đài quan (quan giữ việc can ngăn, cũng như Ngự sử - ND) xem, rồi nói:

- Của này có gì đáng gọi là kì lạ mà Đài quan phải can ngăn?

(Nguyễn) Vĩnh Tích thưa:

- Thì tôi cũng chỉ muốn cho bệ hạ còn hiến hơn cả vua Nghiêu, vua Thuấn nên mới mạnh dạn can ngăn việc sai quấy khi nó chưa kịp phát ra đó thôi.

Vua nghe xong thì làm thinh.”

"(Lê) Cảnh Xước ăn hối lộ hai mươi lạng bạc. Theo luật, Cảnh Xước đáng phải xử tử. Vua cho rằng Lê Cảnh Xước từng hầu việc ở tòa Kinh Diên đã lâu, nên chỉ bãi chức, cho làm thứ dân. Được hơn một tháng, Vua lại cho dùng lại làm Hàn lâm viện thị giảng, Ngự tiền học sinh cục phó.”

Lời bàn: Lương Đăng là hoạn quan nên luôn được hầu cận vua. Bởi ở trên, vua Lê Thái Tổ thấy rõ Lương Đăng chỉ là tên khúm núm, lòng dạ không ngay thẳng, xảo quyệt khó lường, bèn thôi, không cho hầu cận nữa. Nhưng cũng bởi ở gần, vua Lê Thái Tông luôn được Lương Đăng tâng bốc. Vua tuổi trẻ, lấy đó làm sự đẹp lòng. Nhà vua khen thưởng kẻ nịnh thần là Lương Đăng nhưng thực là khen chính mình vậy.

Cái mũ cỏ quả đúng là chẳng có gì đáng gọi là kì lạ. Nhưng ở đời, sai trái và tội lỗi vẫn thường bắt đầu từ những thứ ngỡ như chẳng đáng gì. Nguyễn Vĩnh Tích sớm nhìn thấy cây lớn khi hạt mới nhú mầm, thật xứng với chức Đài quan, sáng suốt và ngay thẳng. Xa thì nhắc việc vua Nghiêu, vua Thuấn giản dị, gần thì nhắc việc tiên đế là Lê Lợi dãi gió dầm mưa và một lòng vì nước, vì dân. Lê Thái Tông im lặng. Sử không chép thêm gì nữa, nhưng ai mà nhẹ dạ cả tin rằng Lê Thái Tông sẽ làm theo lời can ngăn của Đài quan là Nguyễn Vĩnh Tích?

Định ra phép nước là vua. Bắt bá quan văn võ và trăm họ phải khép mình theo phép nước cũng là vua. Tiếc thay, qua vụ Lê Cảnh Xước ăn hối lộ, Nhà vua đã coi phép nước chẳng ra gì. Thay tội tử hình bằng tội bắt làm dân một tháng. Lê Cảnh Xước chưa kịp nhận ra lỗi lầm đã vội hân hoan trở lại triều đình với áo mũ xênh xang. Mới hay, giữ phép nước đâu có hay bằng lo làm đẹp lòng vua. Và, thay tội tử hình bằng tội bắt làm dân một tháng, chẳng rõ là trăm họ thuở ấy nghĩ gì về thân phận làm dân?

30 - QUAN THAM NGHỊ LÀ NGUYỄN LIỄU BỊ THÍCH CHỮ VÀO MẶT VÀ BỊ ĐÀY VIỄN XỨ

Sau một thời gian khá dài giao cho Lương Đăng soạn thảo, đến tháng 11 năm Đinh Tị (1437), nghi trượng và nhã nhạc mới của triều đình hoàn tất. Vua Lê Thái Tông cho sao chép công trình của Lương Đăng rồi đem yết ở cửa Thừa Thiên để trăm quan được rõ. Nhà vua cũng hạ lệnh đến ngày Vua yết Thái Miếu, triều đình phải làm lễ theo nghi thức mới. Lệnh ấy của Vua đã vấp phải sự kháng cự khá mạnh. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 47 - b) chép rằng:

"Bọn quan Hành khiển là Nguyễn Trãi, quan Tham tri bạ tịch là Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Vãn Huyến và quan Tham nghị là Nguyễn Liễu cùng nhau dâng sớ nói rằng: Lễ nhạc tốt cốt ở người tài, làm như Chu Công thuở xưa mới mong khỏi bị chê trách. Nay, Nhà vua sai bọn hoạn quan là Lương Đăng định ra lễ nhạc, thế chẳng phải là nhục nhã cho xã tắc lắm sao? Vả lại, quy chế lễ nhạc của hắn, trên thì dối Vua, dưới thì lừa quan, không dựa vào đâu cả...”

Sau khi phân tích những cái sai trong phép đánh trống, đánh chuông, khánh, quy chế vào ra của vua mỗi khi chầu triều và những chỗ chưa hợp lí trong nghi trượng về xe và kiệu của vua, tờ tấu viết tiếp:

"Vả lại, Lương Đăng là tên hoạn quan, quanh quẩn chầu hầu bên cạnh Vua, chúng thần trộm lấy làm ngờ vực lắm " (tờ 48 - a).

Cũng sách trên (tờ 48 a - b) viết tiếp:

"Lương Đăng tâu:

- Thần học thức kém cỏi, không biết quy chế cổ, nghi thức soạn ra chỉ dựa vào sự hiểu biết của thần mà thôi. Còn như ban hành hay không ban hành là quyền ở bệ hạ, thần đâu dám chuyên quyền.

Nguyễn Liễu tâu:

- Cổ kim chưa từng có chuyện hoạn quan phá hoại thiên hạ như thế này.

Lúc ấy, có Đinh Thắng (cũng là hoạn quan - ND) từ trong bước ra, mắng thẳng rằng:

- Hoạn quan đã làm gì mà gọi là phá hoại thiên hạ. Nếu nói phá hoại thiên hạ thì tội ấy phải chém đầu ngươi trước.

Sau, (Vua) đành phải giao Nguyễn Liễu cho hình quan xét hỏi. Án xử (Nguyễn Liễu) phải tội chém, nhưng Nhà vua xuống lệnh chỉ bắt thích chữ vào mặt rồi đày đi xa.”

Lời bàn: Lương Đăng là hoạn quan bất tài nhưng đắc chí, hắn làm được tất cả những gì hắn muốn làm là bởi lúc nào hắn cũng được Vua tin dùng. Vua tuổi còn trẻ, chỉ thấy mình là nhất, ai khéo nịnh thì ưa, ai khẳng khái can ngăn thì ghét. Có Vua ấy thì ắt có hoạn quan xảo quyệt ấy, có gì lạ đâu.

Các bậc lương thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến và Nguyễn Liễu, há chẳng biết rằng, lời họ nói sẽ chẳng bao giờ được Vua nghe hay sao? Nhưng, thấy điều sai mà không nói là hèn, họ bị vua đương thời hắt hủi nhưng lại được hậu thế mãi mãi ngợi khen, thế chẳng phải tốt hay sao.

Vua giảm tội mà tha chết cho Nguyễn Liễu nhưng vẫn tiếp tục tin dùng bọn Lương Đăng và Đinh Thắng, vậy thì việc giảm tội xem ra chỉ cốt để Vua tỏ rõ quyền uy hơn là tỏ rõ sự nhân đức và ý muốn thực sự cầu thị. Tiếc thay!

31 - LÊ NGÂN BỊ BỨC TỬ

Lê Ngân người xã Đàm Di, thuộc Lam Sơn (Thanh Hóa), từng theo Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ngay từ khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vừa bùng nổ. Bởi có nhiều công lao, năm 1429, khi Lê Lợi định công ban thưởng và khắc biển ghi tên các bậc công thần khai quốc, tên ông được xếp vào hàng thứ tư, tước Á thượng hầu. Năm 1434, ông giữ chức Tư khấu và đến tháng 6 năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức, ông được phong là Đại đô đốc, Phiêu kị thượng tướng quân, Đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ti, Thượng trụ quốc Quốc thượng hầu. Cùng được hưởng ân sủng đặc biệt này còn có con gái của ông là Chiêu nghi Lê Nhật Lệ. Nhật Lệ được sách phong làm Huệ phi của vua Lê Thái Tông.

Nhưng, vui chưa được nửa năm thì tai họa đã giáng. xuống gia đình ông. Tháng 11 năm 1437, ông bị thất sủng và sau đó bị bức tử bởi lời cáo giác tai hại của những kẻ ghen ghét ông. Chuyện này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 49 a - b) ghi lại như sau:

"Có người cáo giác Đại đô đốc Lê Ngân thờ phật Quan Âm trong nhà để cầu cho con gái mình là Huệ phi (tức Lê Nhật Lệ - ND) được Nhà vua thương yêu hơn. Vua bèn ngự ra rửa Đông Thành, sai bọn thái giám là Đỗ Khuyến, dẫn 50 võ sĩ tới lục soát khắp nhà của Lê Ngân. Họ bắt được ở đấy tượng Phật và các thứ vàng bạc, tơ lụa. Hôm sau, (Lê) Ngân vào chầu, cởi mũ để xin tạ tội. Vua sai bắt bọn tôi tớ nhà (Lê) Ngân ra tra hỏi.”

"Lê Ngân lại cởi mũ tâu rằng: Trước kia, thần theo nghĩa binh ở Lam Kinh (tức Lam Sơn - ND), nay đã già yếu, thầy bói nói rằng, nguyên đất thần làm nhà ở bây giờ, xưa có bàn thờ Phật, vì để ô uế, tai họa khó tránh khỏi. Bởi thế, thần lập bàn thờ Phật để thờ cúng (cho tai qua nạn khỏi). Nhưng, bởi người vợ lẽ mà thần đã bỏ là Nguyễn Thị, lại thêm người vợ lẽ khác là Trần Thị, vốn là vợ lẽ của Lê Sát (được triều đình) ban cho thần, cùng với một đứa gia nô của thần, tính khí điêu ngoa, chúng cùng nhau thêu dệt, dựng chuyện báo hại thần đó thôi. Xưa, Tiên đế biết rõ lòng thần, thường vẫn có lòng bao dung, thương mến. Nay, gân sức của thần đã kiệt, xin cho thần được về quê để sống nốt chút tuổi tàn còn lại. Còn như nếu bệ hạ nghe lời kẻ gièm pha mà tra tấn người nhà của thần thì sợ khi bị đánh đau quá, chúng sẽ khai sai sự thật. Đến lúc đó, thân thần cũng không giữ nổi, xin bệ hạ nghĩ lại cho.”

Bất chấp mọi lời van xin, Nhà vua vẫn giao Lê Ngân cho hình quan xét xử. Rốt cuộc, đến tháng 12 năm 1437, Lê Ngân bị buộc phải uống thuốc độc mà tự tử ở nhà, con gái Lê Ngân là Huệ phi cũng bị giáng làm Tu dung (hàng thấp nhất của vợ vua), gia sản của ông bị tịch thu. Mười sáu năm sau (1453), nhân kì đại xá, vua Lê Nhân Tông mới cấp trả cho con ông 100 mẫu ruộng, rồi đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông mới truy tặng ông là Thái phó hoằng quốc công.

Lời bàn: Thời ấy, triều đình coi Nho giáo là độc tôn, cho nên Phật giáo và Đạo giáo có phần bị bài xích. Giữa thời buổi ấy mà Lê Ngân lập bàn thờ Phật trong nhà, tức là đã tạo cớ cho kẻ ghen ghét mình lập mưu ám hại vậy. Nhưng, trách Lê Ngân thì được, chớ kết án Lê Ngân, buộc ông phải tự tử, tịch thu gia sản và hắt hủi con ông... thì án ấy quả đáng để cho đời đời cười chê. Lê Thái Tông trong vụ án này, xét đạo làm vua thì nông nổi và bất minh, xét phận làm con rể thì thô bạo và bất nghĩa. Mới hay, lấy quyền làm vua mà khiến cho thiên hạ sợ thì dễ, còn như lấy đức lớn của bậc đế vương để khiến cho thiên hạ phục thì khó vô cùng.

32 - DUYÊN PHẬN BÀ DƯƠNG THỊ BÍ

Lúc mới 15, 16 tuổi đầu, vua Lê Thái Tông đã có đến năm người vợ chính thức được sách phong, đó là các bà: Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh, Ngô Thị Ngọc Dao, Lê Ngọc Dao, Lê Nhật Lệ. Trong số năm bà nói trên, Dương Thị Bí là người sinh con trai sớm hơn cả. Con trai đầu của bà là hoàng tử Lê Nghi Dân, sinh tháng 6 năm 1439 và đến ngày 21 tháng 1 năm 1440 thì được phong làm Thái tử. Nhưng, chỉ một năm sau, địa vị của hai mẹ con bà Dương Thị Bí bị sụp đổ. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 53 - b và 54 - a) chép rằng:

"Trước đây, Dương Thị Bí sinh con là Nghi Dân, đã được nhà vua sách phong làm Thái tử. Dương Thị Bí từ đó cậy thế mà kiêu căng, lăng loàn quá lắm. Vua vẫn cố nhịn bao dung, chỉ giáng (Dương Thị Bí) xuống hàng Chiêu nghi (hàng thấp trong thứ bậc của vợ vua) cốt cho thị sửa lỗi, nhưng Dương Thị Bí lại lấy đó làm sự hằn học, chẳng chịu kiêng nể gì nữa. Nhà vua nghĩ rằng, Dương Thị Bí đã quyết làm như vậy thì đứa con do bà đẻ ra chưa hẳn sẽ thành người khá, bèn giáng bà xuống làm thứ nhân, xong, xuống chiếu cho thiên hạ biết là ngôi Thái tử chưa định.”

Sự kiện trên xảy ra vào tháng giêng năm Tân Dậu (1441) thì đến tháng 11 năm đó, Lê Nghi Dân cũng bị giáng làm Lạng Sơn Vương còn ngôi Thái tử lại thuộc về Lê Bang Cơ là Hoàng tử do bà Nguyễn Thị Anh sinh ra, lúc đó vừa mới được 6 tháng tuổi. Năm 1442, vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời, Lê Bang Cơ được lên nối ngôi, đó là Lê Nhân Tông (1442 - 1459). Năm 1459, Lê Nghi Dân nổi loạn, giết chết Lê Nhân Tông cùng bà Thái hậu Nguyễn Thị Anh mà tự lập làm vua. Bà Dương Thị Bí sau lần bị giáng làm thứ thân, không thấy sử chép gì thêm nữa.

Lời bàn: Người mẹ nào mà chẳng tự hào về con cái mình, nhưng, tự hào khác với kiêu căng, ngạo mạn. Lỗi bà Dương Thị Bí mắc phải tuy dễ hiểu nhưng lại khó bỏ qua. Nỗi bực dọc của vua Lê Thái Tông tuy có chỗ có thể cảm thông, nhưng việc làm của Vua chỉ tỏ rõ sự bất lực của chính Nhà vua mà thôi. Bốn năm, ruồng bỏ bốn bà trong số năm bà vợ chính thức được sách phong, lẽ đâu Lê Thái Tông chẳng có lỗi gì trong việc này?

Gia pháp gia phong đổ nát, sự loạn li trong hoàng tộc bắt đấu từ đây chăng?

33 – VỤ ÁN LỆ CHI VIÊN

Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tông đi duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Lúc ấy, đất nước đang hồi thái bình, Nhà vua thì đang ở độ tuổi thanh xuân sung sức, không ai nghĩ rằng đó là chuyến tuần du cuối cùng của Nhà vua, nhưng tiếc thay, sự thực lại như vậy. Vua Lê Thái Tông đã đột ngột qua đời tại Lệ Chi Viên (Gia Lương, Bắc Ninh) vào đêm mồng 4 tháng 8 (1442), khi đang trên đường trở về kinh đô, hưởng dương 19 tuổi. Sau cái chết đột ngột của Nhà vua, một vụ án lớn đã xảy ra và kết quả là cả ba họ của Nguyễn Trãi đã bị tru di một cách thảm khốc. Sử thường gọi đó là vụ án Lệ Chi Viên. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 55 a - b và tờ 56 a - b) chép như sau:

“Ngày 27 (tháng 7 năm 1442 - ND), Vua tuần du về phía Đông, đến thành Chí Linh (Hái Dương - ND) để thân duyệt quân đội. Nguyễn Trãi (lúc này đã nghỉ hưu ở Côn Sơn, Hải Dương - ND) mời Vua về ngự ở chùa Côn Sơn (tức chùa Tư Quốc cũ, do Thiền sư Pháp Loa, người đời Trần dựng lên - ND). Chùa này nằm trong làng của Nguyễn Trãi. Vua đi thuyền từ bến Đông, vào sông Thiên Đức đến khu mộ Bạch Sư thuộc Cầu Bông, xã Đại Toán, huyện Quế Dương thì thuyền ngự không sao đi được nữa. Quan quân lấy hết sức mà kéo, thuyền vẫn nằm yên, cứ y như có người đang níu thuyền lại. Vua bèn sai Trung sứ đi hỏi khắp các vị bô lão quanh vùng, xem đất này có vị thần nào không. Các vị bô lão thưa rằng:

- Xưa, có người là Bạch Sư rất tinh thông pháp thuật. Khi mất, chôn ở bờ sông, thường rất linh hiển, người xứ này vẫn tế thần long trọng lắm.

Trung sứ hỏi:

- Tế thần bằng gì?

Các vị bô lão trả lời:

- Tế bằng bê con.

Trung sứ về tâu vua. Vua sai đem con bê con đến tế thần, tế xong thuyền ngự mới đi được.

Tháng 8, ngày Mồng 4, vua về đến Lệ Chi Viên (tên nôm là Trại Vải - ND), thuộc huyện Gia Định (nay thuộc Gia Lương, Bắc Ninh - ND) thì bỗng bị bạo bệnh rồi mất.

Trước, Vua vẫn thích vợ của quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi, tên là Nguyễn Thị Lộ. Thị Lộ đẹp người lại có tài văn chương, Vua gọi vào cung, cho làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận. Khi đi tuần du miền Đông về, qua Lệ Chi Viên (xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức), Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Các quan bí mật đưa linh cữu về. Ngày mồng sáu thì đến kinh sư, vào đến cung là nửa đêm, lúc ấy mới phát tang. Ai cũng nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.”

"Ngày 16 (tháng 8 năm 1442 - ND), giết quan Hành khiển là Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước kia, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy lấy làm thích, liền cợt nhả với thị. Nay, Vua đi tuần miền Đông, lại ghé nhà Nguyễn Trãi chơi rồi sau mới bị bạo bệnh mà mất, cho nên, khép Nguyễn Trãi vào tội ấy.”

Chuyện này, sách, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 17, tờ 23) chép gọn hơn, nhưng lại có thêm một chi tiết cụ thể hơn về nguyên nhân cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông.

“Trước, vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, đẹp người, hay chữ, Vua nghe tiếng, mời đến, phong làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận, nhân đó mà cợt nhả với Nguyễn Thị Lộ. Đến đây Vua đi tuần du phía Đông, xa giá quay về đến Lệ Chi Viên (làng Đại Lại, huyện Gia Định) thì Vua mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm. Nhà vua mất. Trăm quan đều giấu kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về cung. Nửa đêm, vào đến cung mới phát tang. Người ta nói Thị Lộ giết vua, bèn bắt Thị Lộ.”

Lời bàn: Sau chiến tranh, hàng loạt anh hùng Lam Sơn lẩn lượt bị tha hóa, lo vinh thân phì gia mà sao nhãng việc ích nước lợi dân, người đức độ như Nguyễn Trãi bỗng dưng trở thành cái gai khó chịu trước mắt họ. Nguyễn Trãi đã cáo quan xin về trí sĩ, lùi xa chốn kinh thành hỗn tạp mà nào có được sống yên.

Vua Lê Thái Tông đã loại bỏ bốn trong số năm bà vợ, còn một bà thì đang bận con thơ, nhân đó mà cho Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ là người xinh đẹp, ngày đêm hầu cận, rồi sàm sỡ với Nguyễn Thi Lộ, thiết tưởng, nhân cách Nhà vua ra sao, khỏi bàn cũng rõ rồi.

Sau nhiều ngày tuần du mệt nhọc, Vua lại thức suốt đêm với một người phụ nữ bên bờ sông, nếu sốt rét không giết chết Vua, ắt cũng chẳng thiếu nguyên nhân đủ để giết Vua hoặc giả là làm cho Vua bị bại hoại. Lỗi của Vua rành rành, tiếc là triều đình lúc ấy chẳng ai dám nói đến lỗi của Vua. Mới hay, Vua vẫn được quyền hơn người ở chỗ không có lỗi gì.

Bấy giờ, ai cũng nói là Thị Lộ giết Vua, dẫu chẳng ai thấy bà làm việc thất đức tày trời đó. Sự có vẻ hợp lí này mới nguy hiểm làm sao. Ở đời, thật chẳng còn có gì vừa hài hước vừa xót xa bằng quan niệm: chân lí là điều tôi thích.

Bình sinh, tiếng nói và ngòi bút của Nguyễn Trãi có sức mạnh như hàng vạn tinh binh, biết bao thành trì kiên cố của quân xâm lăng đã sụp đổ bởi tiếng nói và ngòi bút thiên tài ấy. Vậy mà đến đây, ngọn đại bút không cứu nổi thân ông, lời tuyệt vời thuở nào không ngăn nổi tội ác của đồng liêu thiển lậu. Ôi, bị vài ba người bạn phản bội còn nguy hơn cả bị kẻ thù ba bốn mặt bao vây.

Vụ án Lệ Chi Viên là vết nhơ nhục nhã của muôn đời vậy. Triều thần bấy giờ chém được Nguyễn Trãi, tru di được tam tộc của Nguyễn Trãi, có biết đâu tên tuổi của Nguyễn Trãi lại đời đời bất diệt với non sông.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay