Việt sử giai thoại (Tập 5) - Chương 46 - 53
46 – CUỘC ĐỐI ĐÁP GIỮA THÁM HOA LƯƠNG NHƯ HỘC VỚI VĂN LƯ
Lương Như Hộc người Hải Dương, đỗ Thám hoa năm Nhâm Tuất (1442), làm quan trải hai triều là Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, chức Tả thị lang bộ Lễ. Ông từng đi sứ sang Trung Quốc, và tương truyền, ông là người đã đưa nghề khắc in bản gỗ vào nước ta, cho nên, dân làm nghề khắc in bản gỗ vẫn tôn ông là Tổ sư của nghề mình. Như vậy, xét về danh vọng và địa vị xã hội, ông thuộc lớp cao sang của người đương thời.
Văn Lư là tên của một người lính ở vệ Oai Lôi thời Lê Thánh Tông. Thân phận của Văn Lư nếu đem so với Lương Như Hộc thì hiển nhiên là rất thấp kém. Tuy nhiên, vào năm Đinh Hợi (1467), giữa hai người có địa vị rất cách biệt này đã có một cuộc đối đáp khá thú vị, được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 20, tờ 22) ghi lại như sau:
"Bấy giờ, Vua hạ lệnh lính Ngũ Phủ chế tạo binh khí theo kiểu mới, nhưng chưa được bao lâu lại sai chế tạo theo kiểu khác, quân lính vì vậy mà phàn nàn. Một quân nhân ở vệ Oai Lôi tên là Văn Lư dâng thư nói rằng:
- Tháng giêng năm nay, hệ hạ đã ban hình dạng mới về vũ khí, khiến cho quân nhân theo đó mà chế tạo. Nay, bệ hạ cho thay đổi hình dạng vũ khí theo kiểu khác, như thế là chính lệnh bất thường.
Nhà vua sai các quan ở bộ Lại đến dụ bảo Văn Lư rằng:
- Binh khí cùng một dạng ấy cả chứ có khác gì? Nhà ngươi chỉ được cái nói càn mà thôi.
Quan Thị lang là Lương Như Hộc nói riêng với Văn Lư rằng:
- Nhà ngươi không phải người giữ chức Ngôn quan, hà cớ gì lại nói càn đến việc quốc gia đại sự?
Văn Lư trả lời:
- Nước lấy dân làm gốc rễ, còn như lính là để bảo vệ dân. Nay, chính lệnh trước sau bất nhất, quân dân ai oán, ông là cận thần của Nhà vua, thế mà cam ngậm miệng không nói. Giờ đây, Lư này nói lời ấy chính là vì yêu Vua đó thôi.
Bọn Như Hộc nghe lời Văn Lư nói, đều im lặng.
Lời bàn: Dân gian có chuyện kể rằng, có nhà quyển thế nọ muốn tỏ rõ uy quyền đặc biệt của mình, bèn chỉ con vịt mà bảo tôi tớ rằng đó là con gà, tôi tớ của hắn vì sợn mà từ ấy, cứ thấy con vịt là nói ngay rằng đấy là con gà. Chuyện nhà vua thay đổi kiểu dáng vũ khí nhưng vẫn khăng khăng rằng không thay đổi, ắt cũng gần giống với chuyện của nhà quyền thế kể trên. Thế mới biết là có quyền thế bao giờ cũng dễ ăn dễ nói.
Thân phận những người lính như Văn Lư, thấp hèn là quả rõ. Tuy nhiên, lời anh nói lại chẳng thấp kém một chút nào. Dám dâng thư can vua, ấy là người có dũng khí. Can vua vì chút lòng thành với quân dân, vì sự nhất quán của chính lệnh chứ chẳng hề vì lợi ích riêng, ấy là người có đức trung.
Cuộc đối đáp giữa quan Tả thi lang là Lương Như Hộc với Văn Lư cho thấy sự khác biệt của hai phép xử thế. Khi sống, mỗi người có quyền chọn cho mình một phép xử thế riêng, có điều khi chết rồi, hậu thế có quyền khen người này, chê người nọ. Bạn hãy nói cho tôi biết, bạn thích lời của Lương Như Hộc hay lời của Văn Lư, tôi sẽ nói ngay rằng bạn là người như thế nào.
47 - VUA LÊ THÁNH TÔNG ĐÒI ĐỌC NHẬT LỊCH
Trong triều đình xưa thường có chức Sử quan. Chức này chuyên lo việc ghi chép việc làm và lời nói hàng ngày của vua vào một cuốn sổ riêng, gọi là nhật lịch. Sau, Sử quan lại dựa vào nhật lịch để viết chính sử cho nước nhà, sử ấy gọi là thực lục. Điển lễ xưa quy định, vua không bao giờ được xem nhật lịch cũng không được xem thực lục về triều đại của mình. Lễ ấy đặt ra cốt để khiến cho Sử quan có thể dễ dàng viết cả việc xấu, lời dở của vua một cách trung thực và tự nhiên. Điển lễ ấy đúng sai thế nào, xin hãy miễn bàn, chỉ biết người xưa hiển nhiên là tuân thủ điển lễ xưa.
Thế nhưng, năm 1467, vua Lê Thánh Tông lại đòi xem nhật lịch. Việc làm trái lễ này của Nhà vua đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 20, tờ 27) chép lại kèm theo hai lời phê khá nặng như sau:
"Nhà vua muốn Xem xét công việc của Sử quan, bèn sai Trung sứ (người nhận mệnh Vua đi làm một việc cụ thể gì đó - ND) đến Hàn Lâm Viện, dụ bảo Sử quan là Lê Nghĩa rằng:
- Ngày xưa, Phòng Huyền Linh giữ chức Sử quan dưới thời Đường Thái Tông, Thái Tông muốn xem thực lục, Huyền Linh không cho. Nay nhà ngươi nếu đem so với Phòng Huyền Linh thì ai giỏi hơn?
Lê Nghĩa trả lời:
- Sự biến xảy ra ở cửa Huyền Vũ (nơi ba anh em Đường Thái Tông chém giết lẫn nhau - ND), sau Huyền Linh mới chép chứ không dám chép ngay lúc đó, vì có lệnh của Đường Thái Tông. Xem thế thì đủ biết Huyền Linh chưa chắc đã giỏi.
Trung sứ nói:
- Ý Nhà vua là muốn đọc nhật lịch từ năm Quang Thuận thứ nhất (1460 - ND) đến nay.
(Lê) Nghĩa nói:
- Làm Vua mà đọc nhật lịch như Đường Thái Tông đọc nhật lịch do Phòng Huyền Linh chép thì sẽ bị đời sau chê cười đấy.
Trung sứ nói:
- Vua cho là đọc nhật lịch để biết trước kia nếu làm điều gì lầm lỗi thì nay có thể tự xét mà sửa đổi.
(Lê) Nghĩa nói:
- Thì bệ hạ cứ gắng làm điều tốt, hà cớ gì phải xem nhật lịch.
Vua sai Trung sứ dụ bảo mấy lần, Lê Nghĩa liền nói:
- Nếu thánh thượng thực lòng muốn tự sửa lỗi, đó là may mắn lớn lao không cùng cho xã tắc. Vậy thì đọc nhật lịch cũng là nghe thêm lời can ngăn trong khi ngỡ như không có ai can ngăn vậy.
(Nói rồi, Lê Nghla) bèn dâng nhật lịch.
Lời phê: Lòng hiếu danh của Lê Thánh Tông cũng chẳng khác gì Đường Thái Tông nên mới đòi xem nhật lịch.
Lời phê: Lê Nghĩa giữ đạo không nghiêm.”
Lời bàn: Vua tự biết việc đòi xem nhật lịch là trái phép nên mới sai trung sứ đến Hàn Lâm Viện gặp Lê Nghĩa, dẫn chuyện Đường Thái Tông với Phòng Huyền Linh để lung lạc lòng cương trực vốn có của Sử quan. Bị Lê Nghĩa phản đối, Vua buộc phải nói rằng, đọc nhật lịch là để biết lỗi trước mà tự sửa. Ý xa và lời gần của Vua. xem ra đều không chính đáng. Đã biết việc của Đường Thái Tông và Phòng Huyền Linh là sai mà còn noi theo, ấy là đã bị tập nhiễm cái xấu. Lỗi mình gây ra, tự mình, mình phải biết. Người đã quên lỗi của mình, đâu dễ đọc lại nhật lịch là tự sửa được?
Lê Thánh Tông hiếu danh chăng? Lời phê của các sử gia thời Nguyễn. trong trường hợp cụ thể này, có lẽ là chưa xác đáng. Còn như Lê Nghĩa giữ đạo không nghiêm thì rõ rồi. Song, nghiêm với kẻ dưới thì được, chớ nghiêm với người trên, nhất lại là người ở trên ngai vàng, chẳng phải dễ đâu.
48 - THÁI BẢO NGUYỄN LỖI CAN VUA
Năm 1467, một võ tướng của triều đình Lê Thánh Tông là Khuất Đả, chẳng may phạm tội trễ nải việc quân rồi bị bại trận khi đi đánh dẹp ở An Bang (vùng Quảng Ninh ngày nay). Các quan nhân đó hặc tội Khuất Đả và đem ông ra xét xử. Nhưng, ngay khi triều đình đang xét án thì có một sự kiện đã xảy ra. Sách Đại Việt sử kí toàn thứ (bản kỉ, quyển 12, tờ 42 - b và 43 - a) chép rằng:
"Mùa đông, tháng 11, ngày mồng 5, khi vừa tan buổi chầu, Vua có hỏi các bậc đại thần và bá quan văn võ rằng:
- Đô đốc Khuất Đả tuy có làm trái quân luật, các quan ở bộ Hình đang xét xử, nhưng trẫm muốn gọi hắn, cho hắn làm Tổng binh để trấn thủ Bắc Bình (thuộc Việt Bắc ngày nay – ND) liệu có nên không?
Thái bảo Nguyễn Lỗi tâu vua:
- Cho ai sống, buộc ai chết hoặc giả là ban chức cho ai, bãi miễn chức của ai, tất cả đều thuộc quyền của bệ hạ, bọn bề tôi không dám lạm bàn. Song, Khuất Đả phụng mệnh Nhà vua đi đánh dẹp đã không làm nên công trạng gì, các quan ở Lục Khoa hặc tấu và các quan ở bộ Hình đang xét hỏi, thiết tưởng hãy đợi án xét xong, nếu qủa ông ta không có tội thì bổ dụng cũng không muộn.
(Ai cũng đồng tình), Chỉ huy quan Binh bộ thượng thư là Lê Bá Trù có lời tâu rằng:
- Khuất Đả tuy có tội, nhưng (Nhà vua) cứ lấy quyền nghi mà dùng thì có sao đâu?
Vua nghe theo lời của (Nguyễn) Lỗi, bèn thôi (không nói chuyện bổ dụng Khuất Đả nữa).”
Lời bàn: Đành Khuất Đả mắc tội trong chỗ không ngờ và cái tâm của ông không ai dám bảo là xấu, song, Nhà vua tính cất nhắc Khuất Đả ngay khi ông đang bị triều đình xét hỏi, thì việc ấy, dẫu chỉ mới là ý định không thôi cũng đã đủ để dự báo đều chẳng lành rồi.
May thay, Nhà vua đã biết nghe lời can ngăn của Thái bảo Nguyễn Lỗi. Ở đời, nhiều khi người ta chỉ hơn nhau ở chỗ biết nghe ấy. Làm cha mẹ mà không biết nghe, gia giáo sẽ bại hoại. Làm quan mà không biết nghe, chính sự một phương sẽ đổ nát. Làm vua mà không biết nghe, phép nước sẽ bị rẻ rúng ngay ở chỗ tôn nghiêm nhất và thời loạn lạc ắt sẽ đến gần. Lời vàng ngọc của quan Thái bảo Nguyễn Lỗi đến thật đúng lúc.
Đọc đoạn sử này, chỉ thấy tiếc cho Binh bộ thượng thư Lê Bá Trù. Việc chính của mình mà mình không nghiêm xét, thì thử hỏi, các việc khác sẽ ra sao? Hẳn Lê Bá Trù muốn lựa theo ý Vua để nói, mượn cớ cứu Khuất Đả để cốt được lòng Vua, hòng củng cố địa vị cho mình. Sinh thời, nhờ khôn khéo mà ông được yên thân, nhưng, với hậu thế, chẳng ai để cho ông yên được. Lịch sử cổ kim nào có thiên vị bao giờ.
49 - VUA LÊ THÁNH TÔNG XIN LỖI QUAN ĐÔ NGỰ SỬ TRẦN XÁC
Năm 1467, vùng Bắc Bình và An Bang (Đông Bắc nước ta ngày nay) bị náo loạn. Tổng binh Bắc Bình lúc ấy là Lê Hối đánh dẹp mãi mà không được, triều đình buộc phải sai Đô đốc Khuất Đả đem quân đến để phối hợp tiễu trừ. Nhưng, chẳng may cả hai bị bại trận, Khuất Đả và Lê Hối cùng bị đem ra xét xử. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 12, tờ 4a - b) chép:
"Quan Hình bộ thượng thư là Trần Phong lo việc xét hỏi quan Tổng binh Bắc Bình là Lê Hối, có ý cho Lê Hối được hưởng lệ bát nghị vì thấy Lê Hối vốn là người cũng có chút công lao. Quan Đô ngư sử là Trần Xác nói:
- Việc của Lê Hối đã giao cho Pháp ti xét hỏi, cho hưởng lệ bát nghị là phải lắm. Xưa nay, chỉ có tội đại ác và tội phản nghịch là không được hưởng lệ bát nghị thôi, chưa từng thấy quan phạm tội thường mà không cho hưởng lệ này.
Vua dụ bảo Xác, nói rằng:
- Quân pháp chỉ có một chứ không có hai. Nói như lời của Xác là đã tách làm hai rồi. Đó không phải là lời bàn về quân pháp mà chỉ là lời biện bác để mê hoặc người mà thôi, phải nên trị Xác về tội này mới được.
Chẳng bao lâu sau, Vua lại dụ bảo Xác rằng:
- Ta vu oan nhà ngươi là kẻ biện bác để mê hoặc người, đó là ta lỡ lời. Nay, ngươi có mưu kế gì hay cứ nói với ta, ấy cũng như cơn mưa ngọt đến khi trời hạn, như có con thuyền đến lúc ta cần đi qua sông. Ngươi hãy kính nhớ lấy.”
Lời bàn: Theo luật thời ấy, nếu mắc tội không phải là đại ác và phản nghịch, thì tám hạng người sau đây được cứu xét để được hưởng ân giảm: Thân thích, cố cựu, hiền thần, người tài cán, công thần, bậc sang trọng, kẻ siêng năng, tân khách. Lệ ấy gọi là bát nghị. Lệ ấy đúng sai hay dở ra sao, khoan hãy bàn, chỉ biết rằng lời của quan Đô ngự sử Trần Xác tỏ rõ ông nắm rất vững lệ này. Đã cương trực lại có hiểu biết, lời ông nói ra, dẫu có bị quyền uy thiên tử che khuất nhất thời, rốt cuộc, vẫn khó mà nghiêng đổ được.
Trong chỗ nóng vội, Nhà vua đã không giữ được phép xử thường. Lẽ ấy cũng dễ hiểu. Song, Vua nói rồi còn biết nghĩ lại, nghĩ rồi còn dũng cảm nhận lỗi và thành khẩn xin được nghe tiếp những lời thẳng thắn. Đáng kính lắm thay!
Đô ngự sử Trần Xác đã hiểu phép nước, lại còn rất hiểu Vua, nên cố sức làm hết chức trách phải làm. Vua đặt ra chức Đô ngự sử không phải để trang điểm cho triều đình mà thực là rất cần phải có chức ấy. Ôi, vua sáng tôi hiền gặp nhau, thời thịnh trị sao mà chẳng có được?
50 - HOÀNG TỬ TRIỆU VƯƠNG THOAN ĐÁNH CHẾT NGƯỜI
Chuyện kể rằng, có một lần trên đường Nam chinh, vua Lê Thánh Tông dừng lại nghĩ chân ở xã Hòa Thược, huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong (nay thuộc Quảng Trị). Hôm ấy là một ngày trời trong gió mát, Vua chợt trông thấy một cô thôn nữ đi gánh nước ngang qua. Thấy cô có nhan sắc mặn mà, Nhà vua trẻ tuổi đã đem lòng thương mến, cho đón vào hành tại để hầu cận, chia sẻ những nỗi vui buồn cho khuây khỏa. Thắng trận trở về, Nhà vua lại cho đón cô vào hậu cung. Sách Đại Việt thông sử (trang 133) cho biết, cô thôn nữ ấy người họ Nguyễn, sau dần được sách phong đến hàng Quý phi, sử cũ vì thế mà thường gọi bà là Nguyễn Quý Phi. Trong số những người con do bà sinh hạ, có Triệu Vương Thoan, đó chính là Hoàng tử thứ 13 của vua Lê Thánh Tông. Triệu vương Thoan là người khí khái và can đảm. Cũng sách Đại Việt thông sử (trang 151) chép rằng:
“Có người ở quê mẹ ông tới kinh làm việc, đi đến ngoài cửa Đại Hưng, một viên tiểu hoàng môn vừa đi đến, thấy người ấy áo quần lam lũ, lại tranh đường, bèn hỏi rằng: "Mày ở đâu?” Người ấy đáp: "Ở Thuận Hóa.” Viên hoàng môn ấy mắng rằng: "Loại sâu bọ này lại dám vô lễ à?” Lúc ấy Vương từ chỗ cửa cung cấm đi ra, nghe thấy thế, chợt nổi cơn giận, lấy gậy đánh chết viên ấy. Rồi ông đi tắt vào tâu Vua rằng: "Tôi là con của Thiên tử, mẹ tôi là người Thuận Hóa. (Phủ Triệu Phong thuộc về Thuận Hóa - NKT). Viên tiểu hoàng môn nói phạm đến tôi, tôi không nén được cơn giận, trót đã giết mất nó rồi. Như thế là đã mắc tội tự tiện giết người, xin nạp tiền riêng để đền mạng nó.” Nhà vua thương hại tấm lòng của ông, lại cho là có nghĩa khí, cuối cùng không bắt tội.”
Lời bàn: Triệu Vương Thoan tự tiện giết người, tội ấy chẳng cần bàn cũng đã rõ. Giết xong, Triệu Vương Thoan lại xin được lấy tiền riêng của mình để đền mạng kẻ bị giết, thế cũng có nghĩ là Triệu Vương Thoan cho rằng, mạng người bất quá chỉ đáng mấy quan tiền riêng. Ôi, giá Triệu Vương Thoan không phải là Hoàng tử, ắt chẳng bao giờ dám có ý nghĩ như thế.
Viên tiểu hoàng môn phách lối đã phải trả một cái giá quá đắt. Cứ cái kiểu phách lối ấy, nếu không bị Triệu Vương Thoan đánh thì cũng bị người khác đánh mà thôi. Đánh chết thì chưa dám nói chớ đánh đau là chắc chắn rồi.
Vua khen Triệu Vương Thoan là người có nghĩa khí, điều ấy rất dễ hiểu, nhưng Vua tha tội cho Triệu Vương Thoan, việc ấy chẳng dễ hiểu chút nào.
Mới hay, phép nước chông chênh, ai dám cả gan bắc ghế ngồi lên đó thì chẳng thể thấu đáo mọi việc được.
51 - VÌ SAO HOẠN QUAN PHAN TÔNG TRINH BỊ GIẾT
Tháng 11 năm Mậu Tí (1468), hoạn quan Phan Tông Trinh bị kết án tử hình. Đầu đuôi vụ án này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 21, tờ 13 và 14) chép như sau:
“Bấy giờ, bọn hoạn quan là Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át và Phan (Tông) Trinh can tội ăn hối lộ. Pháp ti khép Phan (Tông) Trinh vào tội tử hình, còn bọn Nguyễn Thư đều được hưởng khoan hồng, cho giảm nhẹ tội. Quan Đô ngự sử là Trần Xác và Nguyễn Văn Chất nói:
- Bọn Nguyễn Thư, Phan (Tông) Trinh đều là kẻ gần vua mà ăn của đút, quan xét án lẽ phải cầm cân cho công bằng, phải cho tất cả bị tử hình, nay hà cớ gì bọn Nguyễn Thư được giảm nhẹ tội, còn Phan (Tông) Trinh thì phải lãnh án tử hình một mình? Phép nước như thế, bảo thiên hạ tin là có sự công bằng làm sao được?
Nhà vua nói:
- Bọn Nguyễn Thư ăn của đút, tội chúng đáng phải tử hình, ta không nỡ giết là còn mong chúng biết tự sửa lỗi, để đến một lúc nào đó, ta có thể dùng mà sai khiến. Còn như Phan (Tông) Trinh, con nuôi của hoạn quan là Hiền, Hiền chết, Trinh cướp vợ của Hiền. Năm trước, Trinh còn giở trò giao hợp bỡn cợt với một cung nữ, hai tội đều nặng, khép vào tội tử hình là phải lắm.”
Lời bàn: Tham khảo bản dịch của Nhà Xuất bản Văn - Sử - Địa (Hà Nội, 1957 - tập 11) thì thấy các dịch giả chú rằng: đã là hoạn giả hoặc hoạn quan, thì sao lại có vợ? Thiển nghĩ, các dịch giả đã nhầm. Hoạn quan cũng có vợ, cũng có cuộc sống gia đình, cũng có ghen tương đa sự lắm, chỉ khác là họ không thể có con mà thôi. Nay xin dịch là hoạn quan cho đúng với nguyên bản.
Phan Tông Trinh là hoạn quan mà còn phạm tội cướp vợ của cha nuôi, lại còn giở trò giao hợp bỡn cợt với cung nữ, tội ấy, nay cho là đáng khinh, xưa cho là phá hoại luân thường, bị đem ra trị thật nặng cũng dễ hiểu.
Kẻ hầu cận bên vua mà ăn hối lộ, chính sự rối ren bắt đầu có mầm mống từ đây có tránh cũng khó mà tránh được. Bọn Nguyễn Thư được tha, điều ấy cũng có nghĩa là nạn ăn hối lộ vẫn còn, khác chăng thì cũng chỉ là ăn tinh vi hơn trước mà thôi.
52 - LÊ UY MỤC VÀ CUỘC THANH TRỪNG LẦN THỨ NHẤT
Lê Uy Mục húy là Tấn, Hoàng tử thứ hai của vua Lê Hiến Tông. Lê Hiến Tông có tất cả sáu hoàng tử. Tháng 12 năm Kỉ Mùi (1499), nhân có các quan là Lê Vĩnh và Lê Năng Nhượng tâu xin lập ngôi Thái tử, vua Lê Hiến Tông đã nhận xét khái quát về đức độ của con mình. Lời nhận xét ấy được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 24, tờ 42) ghi lại như sau:
"Trẫm xem trong các Hoàng tử, thì con trưởng là Tuân, thích mặc áo đàn bà, lại cả gan dám đầu độc cả mẹ; con thứ hai là Tấn thì không có đức, sợ không đương nổi ngôi báu; chỉ có con thứ ba là Thuần (tức sau này là vua Lê Túc Tông - ND) là rất ham đọc Thi Thư lại dốc lòng hiếu kính, trẫm thân lo vỗ về, dạy bảo, nay cũng đã trưởng thành, vậy lấy công minh mà quyết, trẫm lập Thuần làm ngôi Hoàng trừ (tức Thái tử hay ngôi vua dự bị - ND).”
Tháng 5 năm 1504, vua Lê Hiến Tông mất, triều thần lập con thứ là Thái tử Thuần lên ngôi, đó là vua Lê Túc Tông. Tiếc thay, vua Lê Túc Tông chỉ ở ngôi được sáu tháng thì qua đời. Hoàng tử thứ hai nhờ đó mà được lên ngôi, đó là vua Lê Uy Mục. Thân mẫu của Lê Uy Mục có một lí lịch xuất thân khá độc đáo. Cũng sách trên (tờ 18 quyển 25) viết rằng:
"Hoàng thái hậu người họ Nguyễn, quán xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (Bắc Ninh - ND). Thuở bé, bà mồ côi và nghèo đói, phải tự bán mình cho một gia đình ở phủ Phụng Thiên (Hà Nội ngày nay - ND). Sau, vì gia đình ấy phạm tội, bà cũng bị đẩy vào làm nô tì trong cung, nhân đó, được vào hầu Hoàng thái hậu ở cung Trường Lạc. Lúc Hiến Tông làm Thái tử, vào chầu Hoàng thái hậu, trông thấy bà thì lấy làm ưa, mới lấy làm thiếp.”
Việc Lê Uy Mục lên ngôi khiến cho bà Thái hoàng thái hậu (thân mẫu của Lê Hiến Tông) không bằng lòng, vì bà cho rằng mẹ của Uy Mục là người thấp hèn thì sinh và nuôi dạy con làm sao tử tế được. Chuyện không dè đến tai Lê Uy Mục, cho nên, Lê Uy Mục lấy đó làm mối thâm thù. Lại cũng sách trên (quyển 25, tờ 19) viết tiếp:
“Đến nay (tháng 3 năm Ất Sửu, 1505 - ND), Nhà vua bèn sai người bí mật giết Thái hoàng thái hậu, rồi hạ lệnh nghỉ thiết triều bảy ngày.”
Tháng 4 năm 1505, Lê Uy Mục cho truy phong bà là Gia Tĩnh Mục Ôn Cung Nhu Thuận Thái hoàng thái hậu, đồng thời, sai đựng điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên huyện Quảng Đức để thờ tổ tiên của bà.
Chép xong đoạn sử này, các tác giả của bộ sử cũ nói trên đã có lời phê như sau:
"Giấu giếm thế nào được tội ác? Bọn gian xảo lừa dối đều như vậy cả. Đáng chê thay!"
Lời bàn: Lúc đầu, xét lời của bà Thái hoàng thái hậu có chút gì đó, nửa như vu vơ mơ hồ, nửa như cũng có lí. Song, xem hành.trạng của Lê Uy Mục sau này thì quả lời của Thái hoàng thái hậu chẳng ngoa.
Thời mà kẻ cương trực bị đày dọa là thời loạn. Thời mà cả đến lời thẳng thắn của Thái hoàng thái hậu cũng bị Nhà vua oán giận và thâm thù là thời đại loạn. Không rõ là sinh thời, Uy Mục có hay là uy đã mục rồi chăng?
Năm 1507, sứ giả nhà Minh sang nước ta đã phải kinh ngạc mà thốt lên rằng: "Chẳng hay con tạo trớ trêu làm gì để sinh ra tên vua quỷ sứ thế này!.” Trăm họ thời ấy bèn nhân đó mà gọi Lê Uy Mục là vua Quỷ.
Đúng lắm thay!
53 - LÊ UY MỤC VÀ CUỘC THANH TRỪNG LẦN THỨ HAI
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 25, tờ 21) chép rằng:
"Khi Hiến Tông đau nặng, bà Kính Phi (người họ Nguyễn, quán xã Hoa Lăng, huyện Thủy Đường. Thân mẫu của Uy Mục mất sớm, bà nhận Uy Mục làm con nuôi - ND) có ý muốn lập vua, nhưng sợ quan đại thần không theo, bèn đem vàng bạc đút lót cho Đàm Văn Lễ (là một trong hai cận thần của vua Lê Hiến Tông - ND) nhưng Lễ không chịu nhận. Kịp khi Hiến Tông lâm bệnh quá nguy kịch, Văn Lễ cùng với Quang Bật nhận di chiếu lập Thái tử lên ngôi. Lúc ấy, các vị Hoàng tử tranh nhau để được làm vua, Văn Lễ sợ biến loạn có thể xảy ra cấp kì, bèn vào nhà tẩm điện lấy ấn truyền quốc đem về nhà mình cất, rồi cùng các đại thần lập vua Túc Tông. Nhà vua (chỉ Lê Uy Mục - ND) rất oán giận.
Đến đây (tháng 4 năm 1505 - ND) Nhà vua dùng mưu kế của bọn Khương Trùng và Nguyễn Nhữ Vi, vờ truất chức Văn Lễ và Quang Bật, cho họ đi làm chức Thừa chính sứ ở đạo Quảng Nam, rồi nhân khi cả hai đang trên đường đi nhận chức, Nhà vua sai người đuổi theo, đến bờ sông Chân Phúc thì kịp, bắt cả hai phải uống thuốc độc mà chết.
Bầy tôi trong triều cho rằng, hai người ấy vô tội mà chết nên dâng lời can ngăn. Vua đổ lỗi cho Nhữ Vi, giết luôn cả Nhữ Vi nữa.”
Lời bàn: Dã tâm của Uy Mục ra sao, khỏi nói thêm cũng đã quá rõ. Khương Trùng là thân thích của Nhà vua, muốn vì Vua mà ám hại Đàm Văn Lễ và Nguyễn Quang Bật, nên xảo trá mượn lời dâng kế của Nguyễn Nhữ Vi, Nhữ Vi ngây thơ, tưởng đâu hại người thì mình sẽ được vinh hoa phú quý, chẳng dè cũng bị giết thảm thương. Hỡi Nhữ Vi, chả lẽ bao sách vở không đủ cho người thấy được rằng, xưa nay, kẻ tàn bạo có bao giờ chỉ tàn bạo một lần đâu! Lê Uy Mục đâu có phải là một ngoại lệ.
Ôi chết thảm mà chẳng ai thương là đấy chăng? Còn bà Kính Phi, bà húy là gì, sử không chép rõ nhưng điều hậu thế rất rõ lại là mưu hối lộ nhơ bẩn của bà. Nhục thay!