Việt sử giai thoại (Tập 5) - Chương 54 - 59
54 - CHUYỆN NGUYỄN CHÍ
Tháng 4 năm 1505, Lê Uy Mục vờ truất chức rồi sau đó sai người bức tử Thượng thư bộ Lễ là Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử là Nguyễn Quang Bật vì hai người này trước đó đã không chịu nhận hối lộ của bà Kính Phi để bỏ Túc Tông mà lập Uy Mục. Khi biết chuyện ấy, quan Tri phủ Phú Bình (nay thuộc Bắc Ninh - ND) là Nguyễn Chí không phục. Thân nhân của Khương Trùng là Nguyễn Trọng vì lẽ này mà đem lòng oán giận Nguyễn Chí, bắt ông tống ngục tra khảo cho đến tưởng chết mới thôi.
Bởi tưởng Nguyễn Chí đã chết rồi, Nguyễn Trọng bèn đem xác ông vất ra ngoài thành. Gia đình Nguyễn Chí cũng tưởng ông đã chết thật nên đem xác về chôn, chẳng dè rồi ông sống lại. Vợ con Nguyễn Chí sợ ông lại bị đánh nữa, liền vờ làm đám tang giả, lại còn để tang ông suốt ba năm trời, xóm giềng lúc đó không ai hề hay biết gì cả.
Năm 1509, Lê Uy Mục bị giết, Lê Tương Dực lên nối ngôi, Nguyễn Chí đến triều đình tâu bày mọi sự, được Tương Dực cho làm chức Bí thư giám xá nhân. Sau, Nguyễn Chí theo về với nhà Mạc.
Lời bàn: Không khuất phục Khương Trùng vả Nguyễn Nhữ Vi, chút cương trực ở Nguyễn Chí kể vậy cũng đáng gọi là có. Nguyễn Nhữ Vi chỉ là vật thí thân, còn Khương Trùng là tay chân của Uy Mục, mà Uy Mục với Tương Dực thì tên có khác nhau mà sự xấu xa nào có khác nhau. Mới hay, Nguyễn Chí quả đã trao niềm tin sai địa chỉ.
Bi đánh đến tưởng chết rồi còn bị vất xác ra ngoài thành, vậy mà về sau, Nguyễn Chí vẫn không nguôi nuối tiếc bả hư danh. Ông thích làm quan, miễn được làm quan, còn làm quan cho ai cũng chẳng kể, vua là người thế nào ông cũng chẳng băn khoăn, họ Lê hay họ Mạc đều được cả.
Hóa ra, xem kĩ mới biết chút cương trực của ông cũng có khác với chút cương trực của người đương thời, cũng chẳng giống với lòng cương trực của người ở mọi thời, khác xa lắm.
55 – ĐỨC ĐỘ CỦA VUA LÊ UY MỤC
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 25, tờ 29) chép như sau:
"Tính khí Nhà vua rất ưa vũ lực. Một hôm, nhân đi tế đàn Nam Giao trở về, Vua cưỡi voi vào cửa Đông Hoa, sai các Ti và quân các Vệ trong Ngũ Phủ, đem voi công đến cho Vua tuyển chọn. Sau, Vua lại sai các trấn chọn voi đem về Kinh đô để Vua chọn lựa thêm một lần nữa, cốt sao đủ đặt hai Ti là Ngự Tượng và Ngự Mã. Vua cho bọn quân sĩ ở ti Ngự Tượng đội mũ màu thủy ngân, trên vẽ hoa hồng quỳ. Mỗi ngày, Vua sai hai tên giám quân đấu sức với nhau. Hai tên cầm gậy đánh nhau từ cửa Thanh Dương đến ngoài cửa Thái Miếu cho Vua xem. Vua lấy đó làm thích, ban thưởng tiền lụa cho họ.
Từ khi lên ngôi, Vua chỉ cùng cung nhân uống rượu vui say quá độ. Khi say, liền giết cung nhân đi. Bấy giờ, quyền bính đều về hết ở bọn ngoại thích. Mặt đông thì có bọn ngoại thích ở Hoa Làng. Mặt Nam thì có bọn ngoại thích ở vùng Nhân Mục. Mặt Bắc thì có bọn ngoại thích ở Phù Chẩn. Bọn chúng cậy quyền cậy thế ức hiếp trăm quan, tìm mánh khóe để lấy của báu trong thiên hạ, đã thế lại còn giết hại sinh dân, tước đoạt hết của cải trong dân gian, trăm họ oán hờn mà Vua không biết.
Vua thường đem lòng nghi ngờ ghen ghét bầy tôi, kẻ nào trước không chịu phụ họa cho mình (được lên ngôi) thì bắt giết. Vua bí mật sai người trong cung là Nguyễn Đình Khoa thân đi dò xét hết anh em, chú bác. Bởi thế mà Kính Vương (tên thật là Kiện, con út của Lê Thánh Tông, em của Lê Hiến Tông, chú của Lê Uy Mục - ND) sợ mang vạ mà trốn tránh không tìm ra tông tích, Giản Tu Công Oánh (cháu Lê Thánh Tông, con Kiến Vương Tân, người về sau được làm vua, đó là Lê Tương Dực - ND) là chỗ con chú con bác cũng bị bắt giam vào ngục. Ai ai cũng lo nguy hiểm cho tính mạng của mình, chỉ rắp tâm nổi loạn.”
Lời bàn: Sai người đánh nhau làm trò mua vui ngay trong cung điện, đó là dấu hiệu của kẻ sính vũ lực đang có nguy cơ tiến tới chỗ hiếu sát. Vua hiếu sát, bảo thiên hạ nuôi lòng trung trinh nhân từ làm sao được?
Đam mê tửu sắc thì làm việc gì dầu nhỏ cũng chẳng được, nói chi chuyện làm vua. Vua coi rẻ mạng sống của cung nữ, tất sẽ có ngày thiên hạ coi rẻ mạng Vua. Ở đời nhân nào quả ấy, chẳng có gì là lạ cả.
Vua dùng ngoại thích làm phe đảng bao vây triều đình, nhưng xem ra Vua chẳng có ai là phe đảng cả. Còn ai tin Vua khi Nhà vua mật sai kẻ thân tín đi dò xét người ruột thịt của mình? Còn ai tin vua khi mà chỉ một lời sơ suất cũng đủ để mất mạng sống? Cho nên, những kẻ gọi là phe đảng của Vua chẳng qua cũng chỉ liên minh tạm bợ và giả dối với nhau mà thôi. Khi các phe nhóm khác đã bị tiêu diệt thì chính họ lại xâu xé và chém giết lẫn nhau. Thời loạn, có gì lại không thể xẩy ra được đâu!
56 - CUỘC BẠO LOẠN NĂM KỶ TỊ (1509)
Ngay khi vừa lên ngôi, Lê Uy Mục đã tiến hành một loạt những cuộc thanh trừng đẫm máu, kinh thành Thăng Long chừng như ngày nào cũng có người bị sát hại. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 25, tờ 32) cho biết rằng:
"Bấy giờ, Nhà vua cho đuổi hết tôn thất và công thần về đất Thanh Hóa, khiến cho uy quyền của bọn ngoại thích như Khương Trùng và Nguyễn Bá Thắng lũng đoạn cả triều đình lẫn địa phương, chúng tự cho phép mình quyền tác oai tác phúc, dân khó bề xoay sở tay chân, thiên hạ mất hết cả hi vọng.”
Nhân lòng căm phẫn của quan quân, Nguyễn Văn Lang đã dấy binh chống lại Lê Uy Mục. Quan lại trong triều, số thì về với Nguyễn Văn Lang, số thì ở lại sẵn sàng làm nội ứng. Có người em con chú của Lê Uy Mục là Giản Tu Công Oánh lúc đó đang bị giam trong ngục, biết vậy liền đem của hối lộ cho lính canh rồi chạy thoát. Ông được Nguyễn Văn Lang tôn làm minh chủ. Đến tháng 12 năm Kỉ Tị (1509), quân của Giản Tu Công Oánh và Nguyễn Văn Lang đã mạnh lắm. Cũng sách trên (quyển 25, tờ 35 và 36) đã chép:
“Quân của Oánh tiến đến làng Bảo Đà, phường Hồng Mai (tức Bạch Mai, Hà Nội ngày nay - ND). Nhà vua ra cửa Thanh Dương để ủy lạo tướng sĩ, lấy bảo kiếm trao cho bọn Trình Chí Sâm và Lê Quảng Độ. Vua lại đem tiền bạc, vàng lụa trong kho ban cho người phạm tội đang bị giam mỗi người ba quan, rồi tha cho họ và sai họ ra trận. Tù nhân nhận xong, lạy tạ và chạy về nhà (chứ không đi đánh nhau). Vua vội sai Trung sứ và bọn hoa văn học sinh đem các thứ sắc văn và phù hiệu đến các xứ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và An Bang để điều động mỗi xứ 5000 lính về bảo vệ kinh thành, nhưng bọn họ chưa đi đến bến Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay - ND) thì quân của Oánh đã tiến sát đến kinh thành. Dân sợ hãi bỏ trốn, Hoàng hậu Trần Thị chạy đến núp trong nhà một gia đình ở Hồng Mai rồi thắt cổ tự tử. Bấy giờ, Lê Quảng Độ cùng với Oánh người trong thành kẻ ngoại thành, ứng tiếp cho nhau, bắn pháo làm hiệu cho nhau biết.”
… "Nhà vua chạy đến phường Nhật Chiêu (ngoại thành Hà Nội ngày nay - ND) thì vệ sĩ đuổi theo bắt được, đem trói ở cửa Lệ Cảnh. Oánh cho tên vệ sĩ ấy là người bất nghĩa, bèn sai đem chém, còn Nhà vua thì Oánh bắt uống thuốc độc tự tử. Oánh căm giận về việc Vua đã giết hại mẹ và anh em của mình, liền sai người lấy súng đại bác, đặt thây Vua vào hỏa khẩu mà bắn. Xác Vua tan tành, tro than còn lại thì cho đưa về chôn ở quê ngoại là làng Phù Chẩn.”
Lời bàn: Lê Uy Mục là tên bạo chúa, sống thất đức thì chết thê thảm, có gì lạ đâu. Uy Mục trao bảo kiếm cho Lê Quảng Độ, tưởng được bảo vệ, rốt cuộc chỉ chuốc thêm họa vào thân. Mới hay, trao niềm tin sai địa chỉ là điều rất đáng sợ.
Song, các quan theo Giản Tu Công Oánh cũng chẳng sáng suốt gì hơn Lê Uy Mục. Họ đã đổi sự đau khổ này lấy sự bất hạnh khác đó thôi. Xem việc Giản Tu Công Oánh sai chém người vệ sĩ đã bắt được vua Lê Uy Mục cũng đủ rõ Giản Tu Công Oánh là người thế nào rồi.
Hóa ra, chỉ có những người đang bị giam giữ, nhận tiền của Lê Uy Mục rồi chạy về nhà... là thông minh hơn cả. Tạo hóa vốn công bằng khi chia may mắn cho mọi người. Quan nhất thời sung sướng và mãn nguyện với bả vinh hoa, nhưng sống chết điên đảo khó lường, dân vạn đại đói khổ nhưng dễ giữ được tấm thân hơn. Thời loạn, loạn nhất vẫn là chốn triều đình. Khiếp thay!
57 – TRỊNH DUY SẢN GIẾT VUA LÊ TƯƠNG DỰC
Sau vụ bạo loạn năm Kỉ Tị (1509), Giản Tu Công Oánh được tôn lên ngôi vua, đó là Lê Tương Dực (1510 - 1516). Lê Tương Dực cũng tàn bạo và hoang dâm không thua gì Lê Uy Mục. Năm 1513, sứ giả của nhà Minh sang ta đã nói rằng: Vua mặt đẹp mà thân cong, tướng hiếu dâm như tướng heo, loạn vong tất chẳng còn xa nữa. Quả đúng như đoán định của sứ giả nhà Minh, năm Bính Tí (1516), loạn đã xảy ra. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 26, tờ 28) chép rằng:
"(Trịnh) Duy Sản thường hay can ngăn làm trái ý Vua, bị Vua tức giận, sai lấy gậy đánh. Duy Sản bèn cùng Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm mưu phế lập. Họ chuẩn bị binh thuyền khí giới rồi hội họp ở bến Thái Cực (gần phố Hàng Đào, Hà Nội ngày nay - ND) nói phao là đem quân đi đánh giặc. Nhân đêm tối, họ đem quân Kim Ngô hộ vệ hơn ba ngàn người, tiến vào cửa Bắc Thần phóng lửa đốt. Khi thấy lửa cháy, Vua ngờ là có giặc kéo đến, bèn lẻn ra cửa Bảo Khánh để trốn. Tới tờ mờ sáng, lúc băng qua cửa Thái Học để đến hồ Chu Tước ở phường Bích Câu (nay là khu vực đường Bích Câu, Hà Nội - ND) thì gặp Duy Sản. Nhà vua hỏi là giặc ở đâu, Duy Sản không trả lời mà quay mặt đi nơi khác rồi cười ầm lên. Vua quay ngựa chạy về phía tây, Duy Sản sai võ sĩ tên là Hạnh đâm Vua ngã ngựa rồi giết đi. Khâm Đức Hoàng hậu cũng nhảy vào lửa mà chết. Quân sĩ đem hai thi thể về táng ở lăng Ngự Thiên.”
Lời bàn: Vua sai lấy gậy đánh Trịnh Duy Sản, vì nghĩ mình là vua tất phải có quyền với quần thần, lúc vua giận, bắt quần thần phải tội chết còn được, nói chi chuyện chỉ lấy gậy đánh mà thôi. Song le, Tương Dực được làm vua, chẳng qua chỉ vì Tương Dực là dòng dõi nhà Lê chứ chẳng phải là có công cao đức dày gì. Hạng kém đức bất tài lại bạc nhược như Tương Dực, con cháu nhà Lê còn nhiều lắm. Cho nên, Trịnh Duy Sản hợp mưu với Lê Quảng Độ để lập vua khác, kể cũng như thay cái bung xung này bằng cái bung xung khác, có gì lạ đâu. Vả chăng, trước Lê Quảng Độ từng cùng phe đảng phế Lê Uy Mục mà lập Lê Tương Dực, có gì bảo đảm chắc chắn rằng Lê Quảng Độ sẽ không cùng với người khác để hợp mưu phế bỏ Lê Tương Dực đâu?
Lê Tương Dực mới chợt nghe tiếng hò la và lửa cháy đã vội lẻn bỏ đi, thế là một lần ngớ ngẩn. Gặp kẻ thâm thù và chủ mưu phế lập là Trịnh Duy Sản mà còn hỏi: “Giặc ở đâu?” Thế là hai lần ngớ ngẩn.
Trịnh Duy Sản giết vua, lịch sử có thêm một kẻ tạo phản, nhưng lại mất bớt được một kẻ ngây ngô, chẳng biết nên coi đó là lợi hay hại. Mới hay, thời loạn, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.
58 - SỰ HIỂM ĐỘC CỦA NGUYỄN VĂN LỰ
Sau khi Lê Tương Dực bị giết, triều đình nhà Lê lại phải một phen khủng hoảng khá dài nữa. Sau, Lê Y được tôn lên ngôi, đõ là vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522). Thời Lê Chiêu Tông, quan lại ghen ghét và nghi kị lẫn nhau, luôn tìm cách để hãm hại nhau.
Lê Chiêu Tông sai Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy đem quân đi đánh dẹp. Tháng 7 năm 1517, họ mới về đến kinh sư. Hai tướng chưa kịp báo công đã bị thiên hạ gièm pha, thành ra hiềm khích. Trịnh Tuy cho đóng quân ở ngoài thành Đại La, Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở phường Đông Hà, cả hai chuẩn bị tiến đánh lẫn nhau. Tin dữ đến tai, vua Lê Chiêu Tông cho người ra dụ bảo hai người rằng:
- Giả Phục và Khấu Tuân đều là dũng tướng của Hán Quang Võ. Chỉ vì Khấu Tuân giết mất một tì tướng của Giả Phục mà hai bên hiềm khích toan đánh lẫn nhau. Hán Quang Võ triệu cả hai đến mà bảo: "Thiên hạ chưa bình định xong, hà cớ gì hai con hổ lại sắp đánh nhau.” Vâng mệnh vua, Giả Phục và Khấu Tuân vui vẻ giải hòa, lại còn kết bạn với nhau. Liêm Pha là võ tướng, Lạn Tương Như là văn thần của nước Triệu thời Chiến Quốc. Liêm Pha thường nói xấu và hạ nhục Tương Như, mà Tương Như không giận, lại còn khẳng khái nói: "Nước Tần sở dĩ không dám đánh nước Triệu là vì nước Tần biết nước Triệu có Liêm Pha và Lạn Tương Như. Nay, nếu hai con hổ đánh nhau, tất nhiên khó ai có thể sống. Tôi trọng việc nước mà bỏ thù riêng đó thôi.” Liêm Pha nghe được, lòng lấy làm xấu hổ, bèn đến tạ lỗi mà kết bạn chí thân với Lạn Tương Như.
Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy nghe nhưng vẫn không ai chịu hòa giải. Triều đình lấy đó làm lo. Đứng lúc ấy, có một sự kiện khá đặc biệt đã xảy ra. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 26, tờ 35) chép rằng:
"Nguyễn Văn Lự và Trịnh Duy Đại hẹn nhau cùng vào chầu để tâu Vua xin đứng ra hòa giải cho hai người. Khi đến trước điện, chẳng dè Nguyễn Văn Lự lôi tờ sớ bí mật giấu trong tay áo ra dâng Vua, nói rằng: Trịnh Duy Đại và Trịnh Tuy đã hợp mưu, định lập Nguyễn Tùng là con của Nguyễn Trinh lên ngôi chúa, làm việc đại phản nghịch. Vua liền sai bắt ngay Duy Đại và đồ đảng của hắn là bọn Trịnh Bá Quát đem chém đầu.”
Lời bàn: Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy ngờ vực mà chuẩn bị đánh lẫn nhau, ấy cũng là sự thường. Thời chính trị suy vi ấy, trăm sự trớ trêu có gì lại không thể xảy ra được? Kẻ vâng mệnh vua Lê Chiêu Tông đi hòa giải, kể cũng thông hiểu sử sách, chỉ tiếc là không hiểu gì về hiện tại cả. Trên Giả Phục và Khấu Tuân, dẫu sao thì cũng còn cỏ Hán Quang Võ, nhân vật sáng giá đã khai sinh ra nhà Hậu Hán của Trung Quốc. Trên Liêm Pha và Lạn Tương Như, dẫu sao thì cũng còn có vua nước Triệu là người đang canh cánh nỗi lo bị nước Tần xâm lăng. Còn như trên Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy lúc này chỉ có một triều đình Lê Chiêu Tông đang mục ruỗng mà thôi.
Bấy giờ, xét về chức quyền thì Trịnh Duy Đại hơn Nguyễn Văn Lự nhiều lắm. Nhưng, xét về mưu thâm kế hiểm thì Nguyễn Văn Lự lại xảo quyệt hơn Trinh Duy Đại rất xa. Vua Lê Chiêu Tông là kẻ cả tin lại hiếu sát, mượn tay Nhà vua để giết đồng liêu, kế ấy quả là khó ai lường trước được. Đành gây oán thì chuốc thù, song, dẫu sao cũng thấy xót thương thay cho tướng quân Trịnh Duy Đại. Trịnh Duy Đại cũng là kẻ cả tin, nhưng trách người cả tin với bạn đồng liêu của mình, nghe sao mà ngậm ngùi quá.
Nguyễn Văn Lự, người quả hiểm độc lắm thay!
59 - CHÂN TƯỚNG LÊ QUẢNG ĐỘ
Lê Quảng Độ sinh năm nào, nguyên quán ở đâu, không ai rõ, chỉ biết ông làm quan trải bốn đời vua là Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục và Lê Tương Dực, sau bị vua Lê Chiêu Tông giết vào cuối năm Đinh Sửu (1517).
Thời vua Lê Hiến Tông (1498 - 1504), Lê Quảng Độ được sử nhắc tới vì đã có công tiến cử Trực Nguyên vào giữ chức Phủ Doãn phủ Phụng Thiên (tức Hà Nội ngày nay). Tháng 6 năm 1504, tức vào đầu đời vua Lê Túc Tông, sử lại chép Lê Quảng Độ được giữ chức Tả đô đốc phủ Trung Quân. Năm 1509, năm của đời Lê Uy Mục (1505 - 1509), ông được phong tước Ninh Quận công.
Ân huệ của triều đình, Lê Quảng Độ được hưởng nhiều hơn người, nhưng, cũng chính năm 1509, ông là kẻ nhận làm nội ứng cho Nguyễn Văn Lang và Giản Tu Công Oánh lật đổ vua Lê Uy Mục. Chuyện này tuy khó hiểu nhưng cũng dễ bỏ qua, bởi lẽ, Lê Uy Mục là tên bạo chúa, giết Lê Uy Mục kể cũng như hất bỏ được một đống rác trên vũ đài chính trị đó thôi. Nhờ hành vi này, tháng 1 năm Canh Ngọ (1510) Lê Quảng Độ được tấn phong là Thiệu Quốc công.
Thế nhưng, đến năm 1516 cũng chính Lê Quảng Độ đã hợp mưu với Trịnh Duy Sản để giết chết vua Lê Tương Dực. Lại một lần nữa, chuyện tuy khó hiểu nhưng cũng dễ bỏ qua, bởi xét về nhân cách và phẩm giá, Lê Tương Dực nào có khác gì Lê Uy Mục, chúng sống chỉ tổ làm nhơ nhuốc triều đình mà thôi. Thương hại thay cho Lê Uy Mục cả tin, đích thân đến trao bảo kiếm cho Lê Quảng Độ và Trình Chí Sâm, những mong được sự phò tá đắc lực, dè đâu lại đúng là... nối giáo cho giặc. Tương Dực chết mà chẳng kịp nhận ra Lê Quảng Độ là người thế nào.
Năm 1516, kinh thành Thăng Long bị náo loạn. Trong thì quan lại đại thần và hoàng tộc giết hại lẫn nhau, ngoài thì Trần Cao khởi nghĩa và tấn công dồn dập. Nghĩa quân Trần Cao đánh chiếm được kinh thành Thăng Long mấy ngày liền. Lê Chiêu Tông vừa mới được đưa lên ngôi, chưa kịp yên vị đã phải một phen khốn đốn.
Lúc ấy, Lê Quảng Độ với tư cách là bậc Quốc công, đã xin đầu hàng Trần Cao, được Trần Cao ủy cho việc xếp đặt công việc quốc gia. Nhưng rồi Lê Chiêu Tông đánh dẹp được Trần Cao, Lê Quảng Độ phải tức tốc chạy trốn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 26, tờ 37) cho biết, tháng 12 năm 1517, các tướng là Hà Phi Chuẩn và Nguyễn Lỗ đã bắt được Lê Quảng Độ. Vua Lê Chiêu Tông khép Lê Quảng Độ vào tội tử hình.
Lời bàn: Hai lần hợp mưu phế lập, Lê Quảng Độ không hể tỏ được cái đức của bậc lương thần mà chỉ tỏ được cái tâm của kẻ phản trắc. Với Lê Quảng Độ, giết vua này để thay vua khác mà mình được thêm quyền cao chức trọng, thì đó là việc không thể không làm. Ôi, mảnh sắc phong mà Lê Quảng Độ được nhận sau một lần phản trắc, sao mà tanh tưởi đến thế!
Lê Quảng Độ theo hàng Trần Cao chẳng phải vì cảm phục vị thủ lĩnh của đội quân khuấy nước chọc trời. Cơ may chẳng thể quá tam ba bận. Trần Cao thua, bảo Lê Quảng Độ không hoảng sợ mà chạy làm sao được?
Lê Chiêu Tông chẳng hề là bậc chí nhân, nhưng dẫu sao thì khi giết được Lê Quảng Độ, Chiêu Tông cũng đã bớt cho xã hội đương thời một kẻ cơ hội và phản trắc thuộc loại điển hình. Con voi trong khi đang phá rừng đã giẫm chết được một con rắn, dẫu sao thì như thế cũng bớt được một mối lo cho người ở sơn lâm!