Việt sử giai thoại (Tập 5) - Lời chú cuối sách - Phần 2 (Hết)

MÃ LỘ (27): Tên một loại xe riêng của vua, chỉ dùng để đi trênđường lớn và xa, lấy ngựa để kéo. Đây là kiểu xe bắt chước của Trung Quốc.

MẪN LỆ (60): Chỉ vua Lê Uy Mục. Nhà vua tên thật là Lê Tuấn, lại cũng có tên khác là Lê Huyên, con thứ hai của vua Lê Hiến Tông, sinh năm 1488, lên ngôi năm 1505, mất năm 1509, miếu hiệu là Lê Uy Mục. Nhà vua bị Lê Tương Dực cướp ngôi và giáng xuống làm Mẫn Lệ Công nên người đời sau cũng nhân đó mà gọi Lê Uy Mục là Mẫn Lệ Công hay Mẫn Lệ.

MÔN HẠ HỮU TI LANG TRUNG, KIÊM THAM TRI TÂY ĐẠO (37): Chức Lang trung, làm việc ở cơ quan Hữu ti, thuộc Môn Hạ Sảnh, kiêm quyền đứng đầu Tây Đạo (Tây Đạo là vùng từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên ngày nay).

MŨ CHẦU (27): Loại mũ dùng để đội khi vào chầu triều. Mỗi hàng quan lại có một loại mũ chầu riêng.

MŨ MIỆN (27): Mũ của nhà vua đội lúc thiết triều.

MŨ SA ĐEN (27): Mũ bọc bằng sa màu đen, dành cho quan lại.

MUỐN CHO YÊN LÒNG DÂN MỚI QUY PHỤ (09): Lời dịch của ông Ngô Thể Long. Xin đảo ngược lại cho dễ hiểu hơn: Muốn cho dân mới theo về được yên lòng...

NĂM QUANG THUẬN THỨ NHẤT (47): Sử cũ chép việc theo thứ tự niên hiệu của nhà vua và thứ tự năm âm lịch, chứ không phải là theo thứ tự năm dương lịch như ngày nay. Vua Lê Thánh Tông đã đặt hai niên hiệu là Quang Thuận (1460 - 1469) và Hồng Đức (1470 - 1497). Như vậy, năm Quang Thuận thứ nhất là năm 1460.

NỘI MẬT VIỆN (20): Cũng tức là Khu Mật Viện, cơ quan cao nhất của triều đình về các vấn đề dân sự của quốc gia. Từ thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) trở đi, cơ quan này bị bãi bỏ, đến đời vua Lê Chiêu Thống mới lập lại.

NỘI MẬT VIỆN THAM TRI (34): Chức quan ở hàng thứ năm trong cơ quan Nội Mật Viện, sau chánh sứ, Phó sứ, Tri viện sự và Đồng tri.

NỘI NHÂN PHÓ CHƯỞNG (29): Tên chức quan hầu cận nhà vua, ở sau bậc nội nhân chánh chưởng.

NGHI TRƯỢNG (27): Cách chưng các đồ binh khí.

NGŨ HÌNH VIỆN (35): Cũng tức là Hình Viện. Cơ quan này, cuối thời Trần mới đặt, lúc đó gọi là Tự, đầu thời Lê bị bỏ, đến đời vua Lê Thánh Tông thì tái lập và đổi gọi là Viện. Hình Viện trông coi về án kiện, xét xử và ngục tụng.

NGỰ MÃ (55): Ngựa riêng của vua.

NGỰ TIỀN HỌC SINH CỤC PHÓ (29): Chức quan đứng hàng thứ hai của cơ quan quản lí các chức ngoại ngạch trong triều. Chức này đứng sau chức Chánh sứ.

NGỰ TƯỢNG (55): Voi riêng của vua.

NGOẠI THÍCH Ở HOA LĂNG (55): Hoa Lăng là tên xã, xã này xưa thuộc huyện Thủy Đường, nay là huyện Thủy Nguyên, Quảng Ninh. Ngoại thích nghĩa là họ ngoại, đây chỉ bà con bên ngoại của vua Lê Uy Mục.

NGÀY CHÍNH ĐÁN (27): Ngày mồng một tết. Ngày sinh của các vua cũng gọi là ngày Chính Đán.

NGÀY KHÁNH TIẾT (27): Ngày mừng lễ lớn.

NGỤY TRƯNG (23): Bề tôi xiểm nịnh của Trung Quốc đời Đường Thái Tông.

NHÀ NHUẬN HỒ (15): Tức nhà Hồ (1400 - 1407). Sử cũ coi nhà Hồ là kẻ thoán nghịch, không phải dòng vua chính thống, nên thường chép là nhà nhuận Hồ.

NHÀ TẨM ĐIỆN (53): Nhà ngủ của vua.

NHÃ NHẠC (27): âm nhạc tao nhã, chính đáng.

NHẠC CỬU TẤU (27): Nhạc gồm chín loại nhạc cụ cùng hòa âm. NHẠC THƯỜNG TRIỀU (27): Nhạc cử trong các buổi thiết triều bình thường (thường dùng nhạc ngũ tấu là loại nhạc dùng 5 thứ nhạc cụ càng hòa âm), khác với nhạc cử trong các buổi thiết đại triều (các buổi thiết triều lớn) là nhạc cửu tấu (là loại nhạc dùng 9 loại nhạc cụ cùng hòa âm).

NHÂN MỤC (55): Tên đất. Đất này nay thuộc huyện Từ Liêm, ngoại ô của thành phố Hà Nội.

NHÂN VÔ THẬP TOÀN (17): Người ta không ai được mười phân vẹn mười, nghĩa là không ai được trọn vẹn hoàn hảo cả.

NHẬP NỘI SUY TRUNG TÁN LÝ DƯƠNG VŨ CÔNG THẦN, KIÊM LỖI GIANG

TRẤN PHỦ QUÂN, THƯỢNG TƯỚNG QUÂN (40): Võ quan có công, hàm Tán lí (ngang với Tam thái nhưng được tham dự bàn việc quân cơ) nguyên là công thần khai quốc, hiệu là Thượng tướng quân, kiêm giữ chức đứng đầu trấn Lỗi Giang.

PHÙ CHẨN (55): Tên làng. Xưa, làng này thuộc huyện Đông Ngàn. Nay, làng này thuộc Bắc Ninh.

PHỤ ĐẠO (01): Người đứng đầu một địa phương nào đó.

PHỦ DOÃN PHỦ PHỤNG THIÊN (59): Quan đứng đầu phủ, nếu phủ ấy cũng là đất đóng đô của nhà vua thì gọi là Phủ Doãn. Phủ Phụng Thiên lúc bấy giờ là Hà Nội ngày nay. Phủ này quản lĩnh hai huyện là Quảng Đức và Thọ Xương.

PHỦ HẠ NAM SÁCH (34): Tên đất. Đất Phủ Hạ Nam Sách nay là Hải Dương.

PHIÊU KỊ THƯỢNG TƯỚNG QUÂN (31): Thời Trần, chức này chỉ để phong cho Hoàng tử. Đầu thời Lê, chức này được dùng để phong cho các bậc công thần khai quốc. Trong hàng tướng quân, đây là bậc cao nhất.

PHONG THỦY (02): Nghề coi hướng đất và mạch đất tốt xấu để cất nhà, làm mồ mả...v.v.

MŨ PHỐC ĐẦU (27): Tức mũ cánh chuồn.

PHƯƠNG VẬT (20): Sản vật địa phương, đặc sản.

QUAN HIỆU ÚY (60): Võ quan trông coi một nha hay một vệ quân nào đấy trong số các vệ quân thường trực của triều đình. Quan này thường có tước vị hàng tòng lục phẩm.

QUAN LANG TRUNG (35): chức quan làm việc ở Tả Ti và Hữu Ti của Môn Hạ Sảnh hoặc ở sáu bộ. Lang trung ở dưới Thị lang và Thượng thư. Quan Thượng thư thường có tước tòng Nhị phẩm, Thị lang thường có tước tòng Tam phẩm, trong lúc đó quan Lang trung chỉ có tước Chánh lục phẩm mà thôi.

QUAN NGŨ HÌNH (35): Quan trông coi việc xử phạt tội nhân trong cơ quan Ngũ Hình Viện.

QUAN THÁI BẢO (48): Quan có hàm Thái bảo. Thái bảo là một trong Tam thái, gồm Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Các quan này đều có tước chánh nhất phẩm.

QUAN KIM NGÔ HỮU VỆ (57): Quân lính ở vệ Kim Ngô. Lúc này, quân Kim Ngô chia làm Tả và Hữu Vệ. Vệ là tên đơn vị quân đội thường trực ở kinh đô.

QUAN TÚC VỆ (62): Đội quân thường trực, chuyên lo bảo vệ nhà vua.

QUÁN CHẤN VŨ (60): Tên quán. Quán này nằm trong kinh thành, nay không còn vết tích gì nữa.

QUẬN THƯỢNG HẦU (40): Bậc thứ ba trong tước Hầu, sau Quốc thượng hầu và Quốc Á thượng hầu.

SÁCH QUẦN ĐỘI (02): Sách là đơn vị hành chánh ở vùng trung du và rừng núi hoặc vùng hẻo lánh xa xôi. Quần Đội là tên riêng. Sách Quần Đội ở huyện Lôi Dương. Huyện Lôi Dương nay là huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.

SẮC VĂN (56): Sắc chỉ của vua. Lời văn truyền tải mệnh lệnh của vua.

SÔNG CHÂN PHÚC (53): Tên sông ở Nghệ An.

SÔNG NHỊ (61): Tức sông Hồng.

SƠN ĐÔNG (17): Tên đất. Đất này nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

SUY TRUNG ĐỒNG ĐỨC HIỆP MƯU BẢO CHÍNH LŨNG NHAI CÔNG THẦN (05): Tên vinh hiệu, đại để là: Vị công thần có công dốc lòng bàn mưu tính kế bảo vệ lẽ chính từ ngày dự hội thề ở Lũng Nhai.

SUY TRUNG TÁN TRỊ HIỆP TRUNG MƯU QUỐC CÔNG THẦN, NHẬP NỘI KIÊM HỮU TƯ KHẤU, BÌNH CHƯƠNG QUÂN QUỐC TRỌNG SỰ (28): vị công thần, hiện giữ chức Nhập nội kiểm hiệu tư khấu, từng có công trong thời kì khởi nghĩa giành độc lập, được ban vinh hiệu là Suy trung tán trị hiệp trung mưu quốc công thần, lại được ban thêm vinh hiệu là Bình chương quân quốc trọng sự.

SỨ TI QUỐC OAI (37): Chỉ chung cơ quan cai trị ở Quốc Oai. Cơ quan này nếu đầy đủ thì gồm có: Thừa Ti, Đô Ti và Hiến Ti, mỗi Ti có một Chánh sứ (có khi còn có thêm cả Phó sứ) cầm đầu.

TẢ ĐÔ ĐỐC PHỦ TRUNG QUÂN (59): Chức võ quan cao nhất ở phủ Trung Quân là một trong năm phủ quân thời Lê. Dưới Tả đô đốc là chức Hữu đô đốc.

TẢ HỮU NẠP NGÔN (34): Cũng tức là chức Tả hữu thuyết thư, hàm tòng Ngũ phẩm, ngang với quan Thiêm đô ngự sử hoặc quan Quốc tử giám tư nghiệp...v.v.

TẢ HỮU THỊ LANG BỘ LỄ (46): Đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng thư hàm tòng Nhị phẩm. Dưới quan Thượng thư là các quan Thị lang, hàm tòng Tam phẩm, nhưng chức Tả thị lang bao giờ cũng lớn hơn chức Hữu thị lang một bậc. Sau Tả Hữu thị Lang là các chức Lang trung. Tả Hữu thị lang, đại để cũng như Thứ trưởng thứ nhất và Thứ trưởng thứ hai của một bộ. Triều đình xưa thường có sáu bộ, trong đó, bộ Lễ là bộ thuộc hàng lớn nhất.

TÁN LÍ QUÂN VỤ (62): Chức quan có hàm ngang với Tam thái nhưng có quyền dự bàn việc quân cơ.

TẾ GIAO (27): Tế trời. Điển lễ xưa quy định, chỉ Hoàng đế mới được quyền Tế Giao. Đàn Tế Giao bao giờ cũng đắp ở phía Nam kinh đô nên Tế Giao cũng gọi là Tế Nam Giao.

TẾ MIẾU (27): Đây chỉ tế Thái Miếu, tức tế ở nhà thờ các vị vua đã quá cố.

TẾ NGŨ TỰ (27): Theo thiên Nguyệt lệnh của Kinh Lễ thì tế Ngũ Tự là tế năm vị thần: Trung Lưu (thần trong nhà), Táo (thần bếp), Hộ (thần cửa nhà), Môn (thần cửa ngõ) và Hành (thần đi đường).

TÊN CHỮ, TÊN NÔM (10): Tên chữ là tên để đọc và viết theo chữ Hán, còn tên Nôm là để đọc và viết theo âm Nôm, tức là tên nôm na mà ta thường gọi.

TIẾN SĨ CẬP ĐỆ, ĐỆ NHỊ DANH (43): Người đỗ thứ hai trong kì thi Đình (hay thi Điện) là kì thi phụ được tổ chức ngay sau kì thi Hội.

TÒA KINH DIÊN (29): Nơi vua nghe giảng học, cũng là nơi làm việc của các quan Kinh diên. Nhiệm vụ của các quan Kinh diên là: Giảng sách cho vua nghe, chọn dâng điều hay việc dở để vua biết mà tránh...

TỔNG TRI VỆ BẮC BÌNH (43): Chức võ quan đứng đầu vệ Bắc Bình. Vệ là đơn vị quân đội, Bắc Bình là tên gọi. Xưa, mỗi vệ quân đều có một tên gọi riêng. Võ quan giữ chức Tổng tri thường có hàm tòng Thất phẩm.

TUYẼN CHÍNH SỨ TÂY ĐẠO (45): Tuyên chính là chức, Sứ là người giữ chức, còn Tây Đạo là tên đơn vị hành chính. Quan Tuyên chính cũng tức là quan Tuyên úy, hàm Tam phẩm. Tây Đạo là vùng đất tương ứng với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên

ngày nay.

TUYÊN PHỦ SỨ (20), (24): Quan đứng đầu một phủ.

TƯ KHẤU (31), (34): Tương tự như Thượng thư bộ Hình, chức quan chuyên lo việc xét xử và án kiện.

TƯ KHÔNG (21): Một trong Tam tư (Tư đồ, Tư mã, Tư không) là chức rất lớn, thường có hàm nhất phẩm (trên cả Thượng thư). Từ đời vua Lê Thánh Tông, chức này bị bãi bỏ.

TƯỚC HUYỆN THƯỢNG HẦU (05): Tước vị cao nhất trong hàng Huyện hầu, trên Huyện Á thượng hầu và Huyện hầu. Đặt trong toàn bộ hệ thống 15 bậc của Hầu tước, thì Huyện thượng hầu ở bậc thứ 7.

TƯỢNG LỘ (27): Xe riêng của vua, cỡ lớn, thường dùng để di xa, trên có trang trí nhiều vật dụng làm bằng ngà voi.

THÁI SỬ (18): Chức quan lo việc chép sử.

THÁI SỬ LỆNH (37): Người được giữ chức quan lo việc chép sử.

THAM NGHỊ CHÍNH SỰ (38): Chức quan được dự bàn những việc lớn của triều đình và quốc gia.

THANH CHƯƠNG (08): Tên đất. Nay là huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

THANH HOA (06): Tên đất. Đất này nay là Thanh Hóa. Hai chữ Thanh Hóa vốn có từ đầu đời nhà Lý, nhưng đến cuối đời Trần thì đổi làm phủ Thanh Đô. Thời Lê, đất này gọi là Thanh Hoa. Thời Nguyễn mới dùng lại tên cũ là Thanh Hóa. Sách này kể chuyện đời Lê nên viết là đất Thanh Hoa chứ không viết là đất Thanh Hóa.

THẨM HÌNH VIỆN PHÓ SỨ (34): Tên chức quan. Chức này ở sau chức Thẩm hình viện chánh sứ, và cùng với Thẩm hình viện chánh sứ trông coi cơ quan Thẩm Hình Viện là cơ quan chuyên lo việc xét xử án kiện.

THỊ NGỰ SỬ (29): Tên chức quan. Quan Thị ngự sử là quan làm việc tại Ngự Sử Đài. Chức này, sau đổi là Đô ngự sử.

THIẾT SƠN BÁ (61): Tước Bá, hiệu là Thiết Sơn.

THỜI TAM ĐẠI (35): Thời Hạ, thời Thương (cũng gọi là thời Ân) và thời Chu. Cả ba đều là của Trung Quốc cổ đại.

THÔN NHƯ ÁNG (01): Tên thôn. Thôn này thuộc làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương, nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

THỪA CHỈ LÊ TRÃI (22): Quan Thừa chỉ là Lê Trãi. Lê Trãi cũng tức là Nguyễn Trãi. Ông được ban quốc tính (họ của vua) nên sử chép là Lê Trãi. Theo quan chế đầu đời nhà Lê, người đứng đầu Hàn Lâm Viện gọi là Hàn lâm phụng chỉ. Đến đời Lê Thánh Tông, chức này đổi gọi là Thừa chỉ. Nguyễn Trãi mất khi Lê Thánh Tông vừa mới chào đời được 12 ngày (còn gọi là Hoàng tử Lê Tư Thành), mãi đến 18 năm sau mới lên ngôi, nhưng vì bộ sử này viết sau, chịu ảnh hưởng của quan chế đời Lê Thánh Tông nên mới chép là Thừa chỉ.

THỪA CHÍNH SỨ (53): Chức quan đứng đầu Thừa Ti là cơ quan chuyên lo về hành chính và thuế khóa.

TRỊNH CAO (05): Tên đất. Đất này nay thuộc vùng phía tây của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

TRUNG LỘ AN PHỦ SỨ (37): Chức đứng đầu phủ Trung Lộ.

TRUNG SỨ (56): Người nhận mệnh vua đi làm một công việc cụ thể nào đấy.

TRUNG THƯ HOÀNG MÔN THỊ LANG (20): Quan có hàm Thị lang, làm việc ở Hoàng Môn Sảnh, lo việc chép các tờ sắc phong.

TRUNG THỪA (34): Chức quan làm việc ở Ngự Sử Đài (hay Đài quan) ở dưới quan Thị ngự sử. Chức Trung Thừa cũng có Chánh và Phó.

VIỆT VƯƠNG CÂU TIỄN (17): Vua của nước Việt là Câu Tiễn. Nước Việt ở đây là nước Việt của Trung Quốc thời Xuân - Thu. Nước Việt bị nước Ngô đánh bại, Câu Tiễn bi vua Ngô là Phù Sai bắt làm tù binh, phải chịu bao nỗi đắng cay tủi nhục. Câu Tiễn quyết chí trả thù, ngoài mặt thì ẩn nhẫn chịu đựng, nhưng trong lòng oán hận không nguôi. Sau hai chục năm trời khổ luyện và bí mật chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn đã bất thình lình đánh Ngô Phù Sai. khiến Phù Sai bị bại trận mà thắt cổ tự tử.

VỆ OAI LÔI (46): vệ quân có tên là Oai Lôi. Vệ là đơn vị quân đội

XỨ HOA LĂNG, HUYỆN THỦY ĐƯỜNG (53): Tên đất. Đất này nay thuộc huyện Thủy Nguyên, Quảng Ninh.

XỨ PHẬT HOÀNG (02): Đất này nay thuộc Lam Sơn, Thanh Hóa.

YÊN LÃNG (61): Tên đất. Đất này nay thuộc Vĩnh Phúc.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna – Pô Pô – H.y

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3