Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển VI - Chương 104 - 105

104. Cung Mộng Bật

(Cung Mộng Bật)

Liễu Phương Hoa người Bảo Định (tỉnh thành Hà Bắc), giàu có nhất vùng, tính phóng khoáng hiếu khách, trên tiệc thường có hàng trăm người. Giúp người nguy cấp thì ngàn vàng cũng không tiếc, bạn bè khách khứa vay mượn không trả là thường. Liễu chỉ có một người khách tên Cung Mộng Bật, người Thiểm Tây là không hề nhờ vả xin xỏ gì, mỗi lần tới chơi thì ở lại cả năm, ngôn ngữ trang nhã, phong thái tiêu sái, Liễu cùng ăn ở chuyện trò nhiều nhất. Con trai Liễu tên Hòa, lúc ấy còn nhỏ, gọi Cung là chú, Cung cũng thích đùa giỡn với Hòa. Mỗi lần Hòa ở trường học về thì cùng gỡ gạch lát dưới nền nhà lên vùi đá sỏi xương giả như chôn giấu vàng bạc làm vui. Nhà có năm gian, đào bới chôn giấu khắp cả. Mọi người cười là tính khí trẻ con nhưng Hòa lại rất yêu thích Cung, thân thiết với Cung hơn tất cả mọi người.

Hơn mười năm sau nhà sa sút dần, không thể thỏa mãn lòng mong cầu của nhiều người nên khách thưa dần, nhưng vẫn thường có mười mấy người hội họp chuyện trò đến sáng. Đến lúc Liễu già thì nhà ngày càng sa sút, nhưng còn cắt ruộng đất bán được tiền mà đãi khách. Hòa cũng phung phí, theo gương cha mời thết đám bạn nhỏ, Liễu cũng không ngăn cấm. Không bao lâu Liễu bệnh chết, nhà nghèo đến nỗi không mua được quan tài. Cung bèn bỏ tiền túi ra lo liệu việc tang cho Liễu, Hòa càng biết ơn, việc lớn nhỏ gì cũng nhờ chú Cung. Mỗi lần Cung đi đâu về ắt có cất gạch đá trong tay áo, vào tới nhà thì ném vào những chỗ khuất, chẳng ai hiểu để làm gì. Hòa trò chuyện với Cung thường lo nghèo khổ, Cung nói: “Cháu không biết cái khó nhọc của việc kiếm tiền, đừng nói là không có tiền, dù có ngàn vàng đưa cháu cũng sẽ hết sạch ngay. Kẻ nam nhi chỉ lo không tự lập thân được chứ lo gì nghèo?”.

Một hôm Cung từ giã, Hòa khóc dặn trở lại mau, Cung ừ rồi đi. Hòa nghèo quá không đủ sống, trong nhà còn món gì cứ đem cầm bán, dần dần hết sạch. Hàng ngày mong Cung tới lo toan giúp đỡ cho, nhưng Cung vắng tăm bặt tích như hạc vàng một đi không về lại. Trước kia lúc Liễu còn sống đã hỏi con gái họ Hoàng ở huyện Vô Cực (tỉnh Hà Bắc) cho Hòa, nhà ấy cũng giàu có, sau nghe tin Liễu sa sút nên ngầm có ý hối hôn. Khi Liễu chết Hòa báo tang Hoàng cũng không tới phúng điếu, còn nghĩ vì đường xa nên bỏ qua. Hòa mãn tang xong, mẹ sai tự tới nhà nhạc gia xin hẹn ngày cưới, có ý mong Hoàng thương xót giúp đỡ cho. Hòa tới, Hoàng nghe nói áo cũ giày rách bèn bảo người giữ cổng không cho vào, nhắn: “Trở về lo được trăm lượng vàng hãy tới, nếu không từ nay xin thôi”. Hòa nghe thế khóc lớn, có bà già họ Lưu ở nhà đối diện với Hoàng thương xót đem cơm cho ăn, lại tặng ba trăm đồng tiền, an ủi bảo về.

Mẹ Hòa cũng buồn bã uất ức nhưng không biết làm sao, nhân nhớ tới khách khứa ngày xưa mười người có tới tám chín vay mượn chưa trả, liền bảo Hòa chọn những kẻ giàu có mà tới xin họ giúp đỡ. Hòa nói: “Trước kia họ giao du với nhà ta chỉ vì tiền bạc của nhà ta thôi. Nếu con giong ngựa hay ngồi xe lớn thì dù mượn ngàn lượng vàng cũng không khó, nhưng nay nhà ta nghèo khó thế này, còn ai nhớ ơn xưa nghĩa cũ. Vả lại cha cho người ta vay không hề làm giấy tờ gì, khó có bằng cớ mà đòi nợ”. Mẹ cứ ép, Hòa vâng lời, đi suốt hơn hai mươi ngày không đòi được một đồng, chỉ có người kép hát Lý Tứ xưa thường được Liễu giúp đỡ nghe chuyện tới tặng một đồng vàng. Mẹ con cùng khóc lớn, từ đó thôi không trông mong gì ai nữa. Cô gái họ Hoàng đến tuổi lấy chồng, nghe cha dứt tình với Hòa thầm cho là không phải. Hoàng muốn gả cho người khác, nàng khóc nói: “Liễu lang không phải sinh ra đã nghèo, giả như nay giàu hơn thì kẻ hỏi cưới con có cướp được của chàng không? Nay thấy nghèo lại bỏ thì bất nhân lắm”.

Hoàng không vui, tìm đủ cách khuyên mà rốt lại cũng không làm nàng lay chuyển được. Hai vợ chồng cùng tức giận, sớm tối chửi mắng, cô gái cũng vẫn thế. Không bao lâu, đang đêm có bọn cướp vào nhà, vợ chồng Hoàng bị nướng dùi đốt thịt tra khảo chết đi sống lại, bao nhiêu của cải đều bị cướp sạch. Thấm thoát qua ba năm, nhà càng sa sút. Có nhà buôn nghe tiếng cô gái đẹp, xin nộp sính lễ năm mươi lượng vàng, Hoàng thấy nhiều tiền bèn ưng thuận, định ép con gái bằng được. Cô gái đoán biết, mặc áo rách bôi đen mặt, nhân đêm bỏ trốn, xin ăn dọc đường, trải hai tháng mới tới Bảo Định, hỏi thăm nhà Hòa rồi tìm thẳng vào. Mẹ Hòa ngỡ là vợ kẻ ăn mày bèn xua đuổi, nàng nức nở thưa rõ, bà nắm tay nàng chảy nước mắt nói: “Sao con lại ra nông nổi này”. Cô gái lại khóc lóc kể hết đầu đuôi, mẹ con Hòa đều khóc. Kế múc nước cho nàng tắm rửa, thấy nhan sắc xinh đẹp, mặt mũi sáng sủa, mẹ con cùng mừng rỡ.

Nhưng nhà ba miệng ăn, mỗi ngày chỉ được một bữa, mẹ khóc nói: “Mẹ con ta phải chịu cực khổ đã đành, chỉ thương cho nàng dâu thảo của ta thôi”. Nàng cười an ủi bà rằng: “Con dâu của mẹ lúc trong đám ăn mày đã nếm đủ mùi cực khổ, hôm nay nhìn lại thấy như thiên đường khác với địa ngục vậy”, mẹ mới vui vẻ. Một hôm cô gái vào gian nhà bỏ không thấy cỏ dại mọc lan khắp nơi, tới phòng trong thì bụi bặm phủ đầy. Trong góc tối có vật gì đó chất thành đống, bước vào thấy vướng chân, nhặt lên xem thì toàn là bạc ròng, giật mình chạy về nói với Hòa. Hòa theo nàng vào xem, thì những gạch ngói ngày xưa Cung ném vào đó đều trở thành bạc nén trắng xóa. Nhân nhớ lại lúc còn nhỏ thường cùng Cung chôn gạch đá trong nhà, biết đâu đều là vàng bạc. Nhưng nhà cũ đã đem cầm cho láng giềng, vội qua chuộc lại thì thấy gạch lát nền đã vỡ cả, những chỗ chôn gạch ngói ngày xưa đều lộ cả ra, vô cùng thất vọng. Đến khi đào tìm dưới đất thì thấy toàn là bạc ròng sáng loáng, trong chốc lát trở thành giàu có ức vạn. Nhờ vậy chuộc ruộng vườn thuê tôi tớ, nhà cửa hoa lệ còn hơn ngày xưa.

Hòa vì thế hăng hái tự nhủ: “Nếu không cố gắng lập thân, thật là phụ lòng chú Cung của ta”, rồi ra sức học hành, ba năm sau đỗ Cử nhân. Bèn đích thân đem trăm lượng vàng tới tạ ơn bà Lưu, y phục rực rỡ lóa mắt, mười mấy tùy tùng khỏe mạnh đều cưỡi ngựa đẹp như rồng. Bà Lưu chỉ có một gian nhà, khách phải ngồi cả lên giường, người ngựa ồn ào vang động cả xóm. Hoàng từ khi con gái trốn đi, người nhà buôn đòi lại món tiền sính lễ, nhưng đã tiêu mất một nửa nên phải bán nhà mới trả được. Vì thế trở thành cùng quẫn như Hòa ngày xưa, nay nghe rể cũ giàu có sang trọng chỉ đóng cửa tự thương thân mà thôi. Bà Lưu mua rượu dọn tiệc đãi Hòa, nhân kể con gái Hoàng hiền, tỏ ý tiếc vì nàng bỏ nhà đi mất, rồi hỏi Hòa lấy vợ chưa, Hòa đáp rồi. Ăn uống xong, Hòa cố mời bà đi xem mặt vợ mình, rồi chở cùng về.

Tới nhà, nàng ăn mặc lộng lẫy bước ra, tỳ nữ xúm quanh như tiên, gặp nhau cùng sửng sốt, rồi cùng nhắc lại chuyện cũ, nhân hỏi thăm tin tức cha mẹ. Bà Lưu ở lại vài ngày, được tiếp đãi rất tử tế, may sắm quần áo mới rồi cho đưa về. Bà qua nhà Hoàng, kể lại tin tức cô gái và nhắn lời nàng hỏi thăm, vợ chồng cả kinh. Bà Lưu khuyên tới thăm con gái nhưng Hoàng có vẻ ngần ngại, kế khổ cực quá không chịu nổi nên bất đắc dĩ phải đi Bảo Định. Tới nơi thấy cổng kín tường cao, người giữ cổng trừng mắt nhìn, suốt ngày không nhắn gì được. Mãi sau có một bà già đi ra, Hoàng nhũn nhặn năn nỉ, tự nói họ tên, nhờ lén báo cho con gái biết.

Một lát bà già trở ra dắt Hoàng vào căn nhà phụ, nói: “Nương tử rất muốn gặp ông một lần nhưng sợ lang quân biết nên phải chờ cơ hội thuận tiện. Ông tới đây bao lâu, đã ăn gì chưa?”, Hoàng được dịp kể lể nỗi khổ. Người đàn bà đem một bầu rượu, hai đĩa thức ăn bày ra trước mặt Hoàng, lại đặt lên năm đồng vàng, nói: “Lang quân đang ăn tiệc ở trong phòng, e nương tử không tới được. Sáng mai ông nên đi sớm, chớ để lang quân biết”. Hoàng vâng dạ, sáng dậy mang gói ra thì cổng chưa mở, phải đứng chờ. Chợt có tiếng ồn ào nói ông chủ đi ra, Hoàng định nép mình tránh mặt nhưng Hòa đã nhìn thấy, ngạc nhiên hỏi là ai. Tất cả gia nhân đều im lặng, Hòa giận nói: “Ắt là kẻ gian, cứ bắt giải lên quan!”. Chúng dạ vang đổ ra trói Hoàng vào gốc cây, Hoàng vừa sợ vừa thẹn không biết nói gì. Không bao lâu người đàn bà hôm qua ra quỳ xuống thưa: “Đây là cậu ruột ta, tới lúc chặp tối nên chưa kịp thưa với ông chủ?”, Hòa bèn sai cởi trói. Bà già dẫn Hoàng ra, nói: “Vì ta quên dặn người giữ cổng nên có chuyện rắc rối. Nương tử nhắn rằng lúc nào tưởng nhớ cứ nói bà nhà giả làm người bán hoa đi với bà Lưu tới”.

Hoàng vâng dạ, về nhà kể chuyện với vợ, bà nhớ con gái vội qua nói với bà Lưu, bà Lưu bèn cùng đi, tới nhà Hòa qua hơn mười lớp cửa mới tới chỗ con gái ở. Nàng mặc gấm vóc, đeo châu ngọc khắp mình, hương thơm ngào ngạt, thỏ thẻ kêu một tiếng thì tỳ nữ tớ gái xúm tới nhắc ghế mang gối, pha trà mời khách. Mẹ con nói tiếng lóng chuyện trò, nhìn nhau rưng rưng nước mắt. Đêm tới dọn phòng cho hai bà già nghỉ, thấy nệm ấm gối êm, nhà mình năm xưa tuy giàu có cũng chưa từng dùng qua. Lưu lại năm ba ngày, nàng đối xử rất chu tất, bà dẫn nàng ra chỗ vắng khóc lóc hối hận về việc sai trái ngày trước. Nàng nói: “Mẹ con ta thì có lầm lỗi nào không bỏ qua được, nhưng chồng con tức giận không nguôi, chỉ sợ chàng biết thôi”, nên cứ khi Hòa tới thì bà liền tránh mặt.

Một hôm đang ngồi chơi chợt Hòa bước vào nhìn thấy nổi giận quát: “Mụ nhà quê nào lại dám ngồi ngang hàng với nương tử thế kia? Nắm đầu tống cổ ra cho ta”. Bà Lưu vội bước lên nói: “Đó là Vương tẩu làm nghề bán hoa, có họ với già, xin ông tha lỗi”. Hòa bèn chắp tay tạ lỗi rồi ngồi xuống nói: “Bà đến chơi mấy hôm mà ta bận quá chưa hỏi chuyện được, lão súc sinh họ Hoàng còn sống không?”. Bà Lưu đáp: “Cả hai ông bà vẫn mạnh khỏe, có điều nghèo lắm, quan nhân quá giàu sang sao không nghĩ tình cha vợ chàng rể một chút”. Hòa đập bàn nói: “Năm xưa không có bà thương xót cho bát cháo thì ta làm sao về tới được quê quán, nay còn muốn bắt lão mà lột da ra chứ nghĩ tình cái gì?”, nói tới đó căm giận quá dậm chân đứng dậy chửi mắng. Cô gái bực tức nói: “Họ dẫu bất nhân cũng là cha mẹ ta. Ta từ xa xôi tìm tới đây rách chân nát gót, cũng tự thấy không phụ lòng chàng, sao chàng trước mặt con mà chửi mắng cha, khiến người ta không chịu nổi”, Hòa mới nguôi giận đứng dậy bỏ đi. Vợ Hoàng thẹn tím mặt từ giã ra về, cô gái lấy hai chục đồng vàng đưa riêng cho mẹ. Sau khi bà về, không có tin tức gì nữa.

Cô gái thương nhớ cha mẹ quá, Hòa bèn sai người tới mời, hai vợ chồng tới vẫn có vẻ thẹn thùng áy náy. Hòa xin lỗi nói: “Năm trước ông bà tới chơi lại không nói rõ, khiến ta mắc tội rất nhiều”, Hoàng chỉ dạ dạ. Hòa may sắm quần áo mới cho, lưu lại hơn một tháng. Hoàng vẫn thấy áy náy, mấy lần xin về. Hòa tặng một trăm lượng vàng, nói: “Người nhà buôn trước kia đưa năm mươi lượng, nay ta xin đưa gấp đôi”. Hoàng thẹn toát mồ hôi nhận lấy. Hòa cho xe ngựa đưa về, cuối đời Hoàng sống cũng hơi dư dật.

Dị Sử thị nói: Sau khi Ung Môn* khóc xong thì giày son vắng cổng khiến người ta uất ức đóng cửa tuyệt giao. Thế nhưng bạn tốt chôn cất, đá hóa ra vàng, không thể nói rằng đó không phải là sự báo đáp cho người khẳng khái được. Còn kẻ phòng khuê chỉ ngồi mà hưởng, nghiễm nhiên như phi tần trong cung vua, nếu không phải là người trung trinh kỳ lạ như nàng họ Hoàng thì ai có thể hưởng thụ như vậy mà không xấu hổ? Tạo vật không giáng họa ban phúc sai là như thế đấy.

*Ung Môn: Hoàn đàm tân luận chép Ung Môn Chu cầm đàn tới ra mắt Mạnh Thường quân nói: “Ta trộm cho rằng túc hạ có điều đau buồn. Đạo trời vốn không thường, ngàn vạn năm sau tôn miếu ắt không ai thờ cúng, đài cao đã nghiêng, ao sâu đã lấp, trên mộ đầy gai góc, chồn cáo làm hang bên trong, trẻ chăn trâu giẫm đạp lên ca hát mà nói sự giàu sang của Mạnh Thường quân cũng chỉ thế này thôi sao”. Mạnh Thường quân ngậm ngùi rơi lệ, Ung Môn Chu nhân đó gảy thành khúc đàn. Đây ý nói người giàu sang nhưng đã chết cũng không ai đoái hoài tới nữa.

105. Người Thiếp Hồ

(Hồ Thiếp)

Lưu Động Cửu người huyện Lai Vu (tỉnh Sơn Đông) làm quan ở Phần Châu (tỉnh Sơn Tây), ngồi một mình trong dinh nghe ngoài sân có tiếng cười nói, dần tới gần rồi vào trong phòng. Nhìn ra thì là bốn cô gái, một nàng độ bốn mươi tuổi, một nàng khoảng ba mươi, một nàng chừng hai mươi tư hai mươi lăm, cuối cùng là một nàng còn để tóc xõa. Cả bốn đứng trước kỷ nhìn nhau cười, Lưu vốn biết trong dinh nhiều hồ nên không ngó tới. Giây lát, nàng để tóc xõa rút ra chiếc khăn hồng đùa ném lên mặt Lưu. Lưu nhặt lấy quăng lên cửa sổ, vẫn không thèm nhìn. Bốn nàng cười rồi đi.

Một hôm nàng lớn nhất tới nói với Lưu: “Em gái ta có nhân duyên với ông, xin đừng chê là hèn hạ”. Lưu ừ bừa, nàng ấy liền đi. Lát sau cùng một tỳ nữ dẫn nàng để tóc xõa tới, đặt ngồi sánh vai với Lưu rồi nói: “Thật là đẹp đôi. Đêm nay động phòng hoa chúc, cố mà hầu hạ Lưu lang, ta về đây”. Lưu nhìn kỹ thấy nàng xinh đẹp vô song, bèn cùng vui vầy. Hỏi tới lai lịch, nàng nói: “Thiếp không phải là người, nhưng thật ra cũng là người. Thiếp là con gái quan tiền nhiệm ở đây, bị hồ làm chết, xác chôn trong vườn. Lũ hồ làm phép cho sống lại, cũng biến hóa như hồ vậy”. Lưu thò tay sờ phía sau, nàng hiểu ý cười nói: “Chàng định nói là hồ thì có đuôi chứ gì?”, rồi quay người lại nói: “Thử sờ xem nào”. Từ đó nàng ở lại luôn, đứng ngồi đều có đứa tỳ nữ ở bên, gia nhân đều tôn kính gọi là bà thứ, tôi tớ lên chào ra mắt đều được thưởng rất hậu.

Gặp dịp sinh nhật của Lưu, khách khứa đông đảo, tính ra tới ba chục mâm, phải có nhiều đầu bếp, đã sức gọi từ trước nhưng chỉ có một hai người tới, Lưu bực tức lắm. Cô gái biết được bèn nói: “Đừng lo, số đầu bếp đã không đủ dùng thì cứ cho mấy người tới về luôn cho xong. Thiếp tuy kém cỏi nhưng nấu ba chục mâm cũng chẳng phải khó”. Lưu mừng rỡ, sai mang cá thịt tỏi gừng vào tư thất, gia nhân chỉ nghe tiếng dao thớt khua ran không dứt. Cửa trong đặt một chiếc bàn, những người hầu để mâm lên đó, quay đi quay lại đã đầy thức ăn, bưng xong lại quay lại, hơn mười người đi lại liên tiếp mà lấy bao nhiêu cũng có. Sau cùng người hầu vào gọi lấy bánh canh, bên trong nói: “Ông chủ không dặn trước, gấp gáp thế này làm sao có được?”. Kế lại nói: “Không còn cách nào, đành phải mượn vậy”. Giây lát gọi vào lấy bánh canh, nhìn lại thì thấy đã có hơn ba chục tô bánh canh bốc khói đặt trên bàn. Khách về rồi, nàng nói với Lưu: “Phải đưa tiền trả tiền bánh canh cho nhà nọ”. Lưu sai đem tiền tới nhà ấy thì họ mất bánh canh còn đang kinh ngạc, khi người nhà Lưu tới trả tiền mới hết ngờ vực.

Một hôm uống rượu đêm, Lưu chợt thèm rượu nếp đắng Sơn Đông, nàng xin đi lấy rồi ra cửa đi. Giây lát trở về nói: “Được một vò ngoài cửa, đủ uống mấy ngày rồi”. Lưu ra xem, quả có một vò, đúng là thứ rượu mới cất ở nhà. Qua vài hôm, phu nhân sai hai người đầy tớ tới Phần Châu, giữa đường một người nói: “Nghe nói phu nhân chồn hồ thưởng rộng rãi, chuyến này mà được tiền thưởng ta sẽ mua một cái áo lông chiên”. Nàng ở dinh đã biết cả, nói với Lưu: “Người nhà ở quê sắp tới, đáng giận thằng đầy tớ vô lễ, phải trị mới được”. Hôm sau người đầy tớ vừa vào trong thành, đầu đã đau nhức, tới dinh thì ôm đầu kêu gào, mọi người đều bàn đi tìm thầy thuốc. Lưu cười nói: “Không cần chữa, đến lúc sẽ tự hết”, mọi người ngờ là y phạm tội với bà thứ.

Người đầy tớ tự nghĩ mới tới đây chưa kịp cởi hành lý ra thì đã làm gì nên tội, nhưng không biết kêu van với ai đành phải bò tới năn nỉ. Trong rèm có tiếng nói: “Ngươi gọi phu nhân là đủ rồi, sao còn nói chữ hồ?”. Người đầy tớ sực nhớ ra, lạy lục không thôi. Trong rèm lại nói: “Đã muốn có áo lông chiên sao lại vô lễ thế?”, kế nói tiếp: “Ngươi khỏi rồi đấy”, dứt câu thì người đầy tớ thấy hết đau, lạy tạ định lui ra, chợt trong rèm ném ra một cái bọc, nói: “Đây là một cái áo lông dê non, ngươi cầm đi”, y mở ra xem thì thấy có năm đồng vàng. Lưu hỏi tin nhà, người đầy tớ thưa đều được vô sự chỉ có đang đêm bị mất một vò rượu, tính lại ngày giờ thì đúng vào đêm nàng đi lấy rượu. Mọi người kính sợ nàng có phép thần thông, gọi là Thánh tiên.

Lưu vẽ tranh nàng, lúc ấy Trương Đạo Nhất làm quan Đề học sứ nghe chuyện lạ liền lấy tình đồng hương tới thăm Lưu xin được gặp mặt một lần, nàng từ chối. Lưu đưa bức tranh cho xem, Trương giật lấy đem về treo cạnh chỗ ngồi, đêm ngày khấn khứa: “Xinh đẹp như nàng muốn gì chẳng được, sao lại gởi thân cho lão già râu xồm? Hạ quan không thua kém gì Động Cửu, sao không chiếu cố cho nhau một lần”. Nàng ở dinh chợt nói với Lưu: “Trương công vô lễ phải trừng phạt một chút”. Một hôm Trương đang khấn khứa thấy như có ai cầm thước đánh mạnh vào trán đau điếng, cả sợ cuốn bức tranh sai người đem trả. Lưu hỏi vì sao trả lại, người ấy giấu việc Trương bị đánh mà bịa chuyện trả lời, Lưu cười hỏi: “Trán chủ ngươi có đau không?”, người ấy không dám nói dối phải kể thật.

Không bao lâu sau, rể Lưu là Nguyên sinh tới thăm, xin được ra mắt nhưng nàng từ chối. Nguyên nài nỉ mãi, Lưu hỏi: “Con rể nào phải người ngoài, sao cự tuyệt quá thế?”. Nàng đáp: “Con rể tới ra mắt ắt phải có gì tặng, nhưng y mong cầu quá lắm, ta tự thấy không làm vừa lòng y được nên không muốn gặp đó thôi”. Kế Nguyên lại cố nài nỉ, nàng hứa mười ngày sẽ cho ra mắt. Đến ngày hẹn Nguyên vào, đứng ngoài rèm chắp tay vái rồi hỏi thăm sức khỏe, chỉ thấy loáng thoáng dung mạo nhưng không dám nhìn kỹ. Kế lui ra, đi được mấy bước cứ ngoảnh lại nhìn chằm chằm, chỉ nghe tiếng nàng nói: “Con rể quay lại kìa”, dứt lời cười lớn, lanh lảnh như tiếng cú rúc. Nguyên nghe thấy gân cốt nhũn cả ra, run rẫy tựa mất hồn.

Ra ngoài ngồi hồi lâu mới hơi định thần, bèn nói: “Vừa nghe tiếng cười như nghe tiếng sét, thật không biết mình còn sống hay đã chết” Giây lát người tỳ nữ vâng lệnh nàng đem ra hai mươi lượng vàng tặng Nguyên, Nguyên nhận rồi nói: “Thánh tiên hàng ngày ở với ông chồng, há lại không biết tính ta phung phí chứ không quen dùng món tiền nhỏ sao?” Nàng nghe thế nói: “Ta vẫn biết là thế, nhưng vừa lúc hết tiền, mới rồi cùng bạn bè đi Biện Lương (tỉnh thành Hà Nam) thì thành bị Hà Bá chiếm cứ, kho tàng đều ngập dưới nước, lặn xuống lấy mỗi người chỉ được bấy nhiêu, làm sao đầy được túi tham không đáy của y. Vả lại nếu ta tặng cho thật hậu thì y phúc bạc cũng không thể hưởng được đâu”.

Phàm mọi việc cô gái đều có thể biết trước nên có việc gì nghi ngờ cứ bàn với nàng là quyết được ngay. Một hôm đang cùng ngồi chuyện trò, chợt nàng ngửa mặt lên trời cả kinh nói: “Đại nạn sắp tới, làm sao bây giờ”. Lưu hoảng sợ hỏi người trong nhà lành dữ ra sao, nàng nói: “Tất cả vô sự, chỉ có nhị công tử là đáng lo. Không bao lâu nơi đây sẽ thành chiến trường, chàng nên xin đi công cán nơi xa mới khỏi nạn”. Lưu theo lời, xin quan trên cho đi áp tải lương tiền tới Vân Nam Quý Châu. Đường sá xa xôi, ai nghe cũng thương xót cho Lưu, duy có cô gái lấy làm vui mừng. Không bao lâu Khương Khôi làm phản*, Phần Châu bị giặc chiếm làm sào huyệt, con trai thứ hai của Lưu từ Sơn Đông tới thì vừa gặp loạn, bị giết chết. Thành bị hãm, quan lại đều bị hại, chỉ có Lưu đi công cán nơi xa được thoát, đến khi yên giặc mới trở về.

*Khương Khôi làm phản: Khương Khôi là người cuối thời Minh, giữ chức Tổng binh Đại Đồng, khi Lý Tự Thành đánh tới thì Khôi đem thành đầu hàng, theo Tự Thành chống nhà Minh.

Sau Lưu dính líu vào vụ án lớn bị bãi chức, nghèo túng tới mức ngày không lo đủ hai bữa cơm, quan lại còn đòi hỏi hạch sách rất nhiều nên cùng quẫn lo lắng muốn chết. Nàng nói: “Đừng lo, dưới gầm giường có chôn ba ngàn đồng vàng, cũng đủ chi tiêu”. Lưu mừng rỡ hỏi đánh cắp được ở đâu, nàng đáp: “Của vô chủ trong thiên hạ muốn lấy bao nhiêu cũng có, cần gì phải trộm cắp?”. Lưu dùng số tiền ấy lo lót được thoát tội về quê, cô gái cũng đi theo. Vài năm sau chợt bỏ đi, để lại cái túi giấy chứa mấy vật lại cho Lưu, trong có lá phướn nhỏ treo nhà đám ma dài độ hai tấc, mọi người đều cho là điềm bất tường, kế Lưu chết.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3