Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển VI - Chương 101 - 102 - 103

101. Uông Sĩ Tú

(Uông Sĩ Tú)

Uông Sĩ Tú người đất Lô Châu (huyện Hợp Phì tỉnh An Huy), tính gan dạ khỏe mạnh, có thể nhấc được cái cối đá. Cha con đều giỏi đá cầu, năm cha hơn bốn mươi tuổi qua sông Tiền Đường bị chết đuối. Tám chín năm sau, Uông có việc đi Hồ Nam, đêm đậu thuyền trên hồ Động Đình. Lúc ấy trăng rằm mọc ở phía đông, mặt nước phẳng lặng như tấm lụa. Uông đang ngắm cảnh chợt có năm người dưới hồ nhô lên, cắp theo chiếc chiếu to trải lên mặt hồ, rộng chừng nửa mẫu, rồi lăng xăng bày rượu thịt, cốc chén va nhau thành tiếng nhưng không vang như tiếng sành sứ. Bày xong, ba người ngồi xuống, hai người hầu rượu.

Trong ba người ngồi có một mặc áo vàng, hai mặc áo trắng, đều đội khăn đen cao vót, phía dưới liền luôn với vai áo, kiểu dáng rất kỳ lạ nhưng ánh trăng chập chờn không sao nhìn rõ. Hai người hầu đều mặc áo đen, một người tựa tiểu đồng, một người tựa ông già. Chỉ nghe người áo vàng nói: “Đêm nay trăng đẹp quá, phải uống thật say” Người áo trắng nói: “Phong cảnh đêm nay giống hệt hôm Quảng Lợi vương thết tiệc ở đảo Lê Hoa”. Ba người chuốc rượu lẫn nhau, uống rất ngon lành nhưng nói hơi khẽ nên không nghe thấy gì nữa. Người lái thuyền nép mình, không dám thở mạnh. Uông nhìn kỹ người hầu già thấy rất giống cha nhưng nghe giọng nói lại không phải. Sắp hết canh hai, chợt một người nói: “Nhân lúc trăng sáng thế này, nên đá cầu một lúc cho vui”. Lập tức thấy đứa tiểu đồng nhảy xuống nước mang lên một vật hình tròn to đầy một ôm, bên trong như chứa thủy ngân, trong ngoài sáng quắc. Ba người ngồi đứng cả dậy, người áo vàng gọi ông già cùng đá, quả cầu bay cao hơn trượng, lấp loáng chói mắt. Chợt nghe: “bình” một tiếng, quả cầu bay ra xa lọt vào thuyền.

Uông ngứa nghề lấy hết sức đá trả, thấy mềm nhẹ lạ thường. Cú đá mạnh như phá vỡ, quả cầu vọt lên gần một trượng, chất sáng bên trong bắn ra rót xuống như cầu vồng rồi rơi mau xuống, quả cầu cũng như ngôi sao chổi lao thẳng xuống nước, kêu ùng ục rồi mất tăm. Mấy người trên tiệc đều nổi giận nói: “Thằng tục tử nào làm bọn ta mất hứng thế?” Người hầu già cười nói: “Không kém không kém, đó là ngón Quặt sao băng của nhà ta đấy” Người áo trắng bực giọng bỡn cọt ấy, túc giận nói: “Ta đang bực mình, thằng hầu già lại dám đùa hả? Mau cùng thằng nhỏ qua bắt tên ngông cuồng lại đây, không thì đầu gối sẽ được ăn chùy đấy”. Uông thấy không còn chỗ nào trốn được nên cũng không sợ nữa, xách đao ra đứng giữa thuyền.

Thấy ông già và đứa tiểu đồng cầm binh khí tới, nhìn kỹ thì đúng là cha mình, vội gọi lớn: “Cha ơi! Con đây mà!”. Ông già cả sợ nhìn con buồn thảm, đứa tiểu đồng thấy vậy quay về ngay. Ông già nói: “Con trốn ngay đi, nếu không thì chết cả hai cha con bây giờ”. Chưa dứt lời thì cả ba người kia đã lên tới trên thuyền, người nào cũng mặt mũi đen sì, mắt to hơn trái lựu, túm lấy ông già lôi đi. Uông cố sức giằng lại, thuyền chòng chành đứt cả dây neo. Uông dùng đao chém vào tay họ, một cánh tay rơi xuống, người áo vàng bỏ chạy. Một người áo trắng sấn vào Uông, Uông chém sả vào đầu, y rơi tõm xuống nước, cả bọn biến mất. Uông định giong thuyền đi luôn trong đêm thì thấy có cái mõm to nhô lên mặt nước, sâu rộng như cái giếng, nước hồ bốn bên rót vào, réo lên ào ào. Lát sau nó phun nước ra, sóng cao tận sao trời, hàng vạn chiếc thuyền cùng chòng chành, người trên hồ đều khiếp đảm.

Trên thuyền có hai cái trống đá đều nặng cả trăm cân, Uông nhấc một cái ném xuống đánh ầm như sét, sóng nước êm dần, ném luôn cái nữa thì sóng gió tắt hết. Uông ngờ cha là ma, ông già nói: “Số ta chưa chết, mười chín người cùng đắm thuyền đều bị yêu quái ăn thịt, ta nhờ biết đá cầu nên được toàn tính mạng. Bọn yêu đắc tội với Long quân sông Tiền Đường nên trốn qua hồ Động Đình này, cả ba đều là cá thành tinh, quả cầu kia là bong bóng cá”. Cha con vui mừng, đang đêm chèo thuyền đi ngay. Trời sáng thấy trong thuyền có cái vây cá đường kính tới bốn năm thước, chợt nghĩ ra đó là cánh tay chặt đứt được đêm qua.

102. Tiểu Nhị

(Tiểu Nhị)

Triệu Vượng người huyện Đằng (tỉnh Sơn Đông), vợ chồng đều thờ Phật, không ăn mặn, người trong vùng xếp vào hạng thiện nhân. Nhà cũng khá giả, có một con gái tên là Tiểu Nhị rất thông minh xinh đẹp, Triệu rất thương yêu. Năm nàng sáu tuổi, được cho theo anh là Trường Xuân cùng đi học, qua năm năm thì thuộc làu cả Ngũ kinh. Có Đinh sinh là bạn học, lớn hơn ba tuổi, dáng người nho nhã phong lưu rất say mê nàng, nói với mẹ tới cầu hôn với họ Triệu, nhưng Triệu muốn gả nàng cho nhà đại gia nên chối từ. Không bao lâu Triệu bị Bạch Liên giáo mê hoặc, khi Từ Hồng Nho làm phản, cả nhà đều theo giặc.

Tiểu Nhị học giỏi thông minh, phàm những phép thuật cắt giấy làm quân, rải đậu làm ngựa cho qua là hiểu ngay. Có sáu cô gái nhỏ theo làm đồ đệ của Từ thì nàng giỏi nhất, nhờ vậy họa được hết phép thuật của Từ. Triệu nhờ có con gái như vậy nên được Từ trọng dụng. Năm ấy Đinh mười tám tuổi, đã vào học trường huyện nhưng không chịu cưới vợ vì không quên Triệu Nhị, bèn ngầm trốn đi tới xin làm quan của Từ. Cô gái gặp Đinh rất mừng rỡ, đối xử trọng hậu khác hẳn người thường. Cô gái vì là học trò giỏi của Từ, được coi sóc việc cơ nên đi đêm về hôm cha mẹ cũng không ngăn cấm được. Đêm nào nàng cũng gặp Đinh, thường đuổi hết những người hầu đi, đến canh ba mới về.

Đinh nói riêng với nàng rằng: “Tiểu sinh tới đây, nàng có biết ý mọn là gì không?”, cô gái đáp không biết. Đinh đáp: “Ta không phải muốn cầu danh vị, sở dĩ tới đây thật ra cũng vì nàng mà thôi. Bọn tả đạo chẳng làm được chuyện gì đâu, chỉ chuốc lấy diệt vong thôi, nàng là người thông tuệ mà không nghĩ tới điều đó sao? Nếu trốn đi với ta, thì quyết không phụ nhau”. Cô gái sực nghĩ ra, chợt như tỉnh mộng, nói: “Bỏ cha mẹ mà đi thì bất nghĩa, xin để ta nói với hai người đã”. Rồi vào trình bày lợi hại, Triệu không nghe, nói: “Thầy ta là bậc thần nhân, há lại lầm lẫn sao?”. Nàng biết không thể can ngăn, bèn búi tóc lại lấy ra hai con diều bằng giấy rồi cùng Đinh mỗi người cưỡi lên một con, diều vỗ cánh phành phạch như gọi nhau rồi sát cánh bay lên. Đến sáng tới địa giới huyện Lai Vu (tỉnh Sơn Đông), nàng lấy ngón tay búng vào cổ diều, hai con diều xếp cánh hạ xuống. Cô gái cất diều đi, lấy ra hai cỗ lừa rồi cùng tới làng Sơn âm, nói thác là người chạy loạn, thuê nhà ở lại đó.

Hai người vội vã ra đi nên không mang theo bao nhiêu tiền bạc, củi nước không đủ, Đinh rất lo lắng, nhưng hỏi láng giềng chẳng ai chịu cho vay mượn. Cô gái lại không hề tỏ vẻ lo buồn, cứ cầm bán vòng xuyến, đóng cửa ở yên với nhau. Đêm đến vặn nhỏ đèn ngồi nhớ lại những sách đã học. Láng giềng bên tây họ Ông, là kẻ kiệt hiệt trong bọn lục lâm, một hôm về nhà, cô gái nói: “Có láng giềng như thế ta còn lo gì nữa. Hãy mượn ngàn vàng, liệu y cho không?”. Đinh cho là khó, cô gái nói: “Ta sẽ bắt y tình nguyện đưa chứ”. Rồi cắt giấy làm hình Phán quan âm ty đặt dưới đất, lấy cái lồng gà úp lên rồi kéo Đinh lên giường hâm rượu uống.

Lấy sách Chu lễ làm tửu lệnh, cứ nói quyển ấy trang nào dòng nào rồi cùng mở ra xem, ai được chữ có bộ thực (ăn), bộ thủy (nước), bộ dậu (như chữ tửu) thì phải uống, được chữ tửu (rượu) thì phải uống gấp đôi. Kế cô gái được chữ tửu, Đinh lấy chén lớn rót đầy rượu bắt uống ngay, nàng bèn khấn: “Nếu mượn được vàng về thì chàng phải được bộ ẩm”. Đinh giở sách được chữ miết (ba ba), cô gái cười lớn nói: “Chàng được chữ miết, phải uống say như con ba ba”. Đang tranh cãi ầm lên chợt nghe trong cái lồng gà có tiếng lạch cạch, cô gái bước xuống nói: “Tới rồi”, rồi mở ra xem thì thấy vàng nén chất đống, Đinh vô cùng kinh ngạc mừng rỡ. Về sau bà vú nhà họ Ông bế trẻ qua chơi, nói vụng rằng: “Chủ nhân vừa về tới nhà, đang đốt đèn ngồi chợt mặt đất xé ra sâu không biết là bao nhiêu, có một vị Phán quan từ dưới bước lên nói ‘Ta là sai dịch dưới âm ty. Thái Sơn Đế quân hội các ty tào ở âm phủ làm quyển sách ghi chép tội ác của bọn trộm cướp, làm một ngàn ngọn đèn mỗi ngọn nặng mười lượng vàng, người nào cúng một trăm ngọn thì dược xóa hết tội lỗi’. Chủ ta sợ quá thắp hương khấn khứa rồi cúng một ngàn lượng vàng. Phán quan cầm lấy bước xuống dưới, mặt đất lại khép lại”. Hai vợ chồng nghe thế cố ý tặc lưỡi tỏ vẻ kinh ngạc.

Từ đó dần dần mua trâu ngựa, nuôi đầy tớ, xây nhà cửa. Bọn vô lại trong làng thấy giàu có bèn họp đảng nhân đêm tới đánh cướp nhà Đinh. Vợ chồng Đinh vừa tỉnh giấc thì thấy đèn đuốc sáng rực, bọn cướp đã đứng đầy trong nhà. Hai tên bắt lấy Đinh, lại một tên khác thò tay vào bụng cô gái, cô gái vùng ra chỉ tay quát: “Đứng im”, tất cả mười ba tên cướp đều trợn mắt đớ lưỡi đứng sững ra như tượng gỗ. Cô gái mới mặc áo bước xuống giường gọi gia nhân, trói cả bọn lại hỏi cung rõ ràng xong bèn nói: “Người ở phương xa tới nương náu, lẽ ra phải giúp đỡ, sao lại bất nhân như thế? Người ta ai cũng có lúc này lúc khác, các ngươi cùng quẫn thì cứ nói rõ, ta há lại nỡ giàu có đủ ăn một mình sao? Cái thói sài lang lẽ ra phải giết hết, nhưng ta không nỡ, hãy tạm tha cho một lần, nếu tái phạm sẽ không tha đâu”, bọn cướp dập đầu lạy tạ rồi đi.

Không bao lâu Từ Hồng Nho bị bắt, vợ chồng và con trai họ Triệu đều bị chém, sinh bỏ tiền tới xin chuộc đứa con nhỏ của Trường Xuân mang về. Đứa nhỏ lúc ấy ba tuổi, Đinh nuôi nấng như con ruột, cho lấy họ Đinh, đặt tên là Thừa Triệu, từ đó người làng dần dần biết nó là hậu duệ của Bạch Liên giáo. Gặp lúc có cào cào phá lúa, cô gái lấy giấy cắt làm mấy trăm con ó thả trên ruộng, cào cào đều tránh xa không dám vào ruộng nhà, nhờ thế không bị tổn hại gì. Người làng đều ghen ghét kéo nhau lên thưa quan rằng nàng là dư đảng của Từ Hồng Nho, quan thấy nhà Đinh giàu cũng muốn làm tiền, bèn bắt Đinh. Đinh đem nhiều tiền lo lót với quan mới được thả. Cô gái nói: “Lui tới buôn bán là kế tạm bợ, thế nào cũng bị tổn thất, mà đây là nơi làng xóm rắn rết, không thể ở lâu được”. Nhân bán hết cơ nghiệp dời đi, tới ở ngoài cửa Tây huyện thành.

Cô gái là người lanh lợi khéo léo, giỏi buôn bán, làm ăn còn hơn cả đàn ông. Mở xưởng làm đồ pha lê, chỉ vẽ cho thợ cách làm, hàng làm ra đều tinh xảo đẹp đẽ những xưởng khác không sao bằng được, vì vậy bán giá cao mà vẫn chạy. Được vài năm càng thêm giàu có, nhưng cô gái đốc thúc tôi tớ rất nghiêm, nhà có hàng trăm người ăn nhưng không ai dám lười biếng. Lúc rảnh thường cùng Đinh pha trà đánh cờ hoặc đọc sách làm vui. Từ tiền gạo thu chi cho tới công việc tôi tớ cứ năm ngày lại xem xét một lần, cô gái cầm thẻ, Đinh thì ghi sổ, đọc rõ từng việc. Người siêng năng thì thưởng theo thứ bậc, người lười biếng thì đánh roi bắt quỳ, ngày hôm ấy thì không làm việc ban đêm, vợ chồng dọn rượu thịt gọi gia nhân vào ăn uống hò hát làm vui.

Cô gái xét việc sáng suốt như thần, mọi người không ai dám lừa dối nhưng nàng thường công xứng đáng nên công việc đều trót lọt. Trong làng có hơn hai trăm nhà, nhà nào nghèo thì giúp vốn cho làm ăn, nhờ thế vùng ấy không có ai lười biếng rong chơi. Gặp lúc đại hạn, nàng bảo người trong thôn đắp đàn ngoài ruộng, đang đêm ngồi kiệu ra đó lên đàn làm phép đảo vũ, lập tức mưa ngọt đổ xuống, trong năm dặm đều ngập bàn chân, mọi người càng cho là thần. Cô gái ra ngoài ít khi che mặt, người trong làng đều nhìn thấy, có bọn thiếu niên tụ tập bàn vụng rằng nàng đẹp nhưng khi gặp nàng đều kính cẩn không dám nhìn thẳng mặt. Cứ tới mùa thu lại cho tiền bọn trẻ con chưa đủ sức làm ruộng trong thôn thuê cắt cỏ đồ tô, qua hai mươi năm chất đống đầy trong nhà, người ta trộm chê cười. Gặp lúc Sơn Đông đói kém, người ta phải ăn thịt nhau, cô gái đem cỏ nấu cháo cấp cho kẻ đói, các thôn chung quanh đều nhờ vào đó mà sống, không ai phải bỏ đi.

Dị Sử thị nói: Những điều Tiểu Nhị làm đều là nhờ sức trời chứ không phải là sức người làm được. Nhưng nếu không có một lời nói của Đinh sinh làm cho tỉnh ngộ, thì đã chết lâu rồi. Từ đó mà xem thì những người ôm cái tài phi thường trên đời song lầm lẫn nhập đảng với bọn xấu mà chết chắc cũng không ít. Biết đâu trong sáu người bạn cùng học với Tiểu Nhị cũng có người như nàng, khiến người ta phải hận vì họ không gặp được người như Đinh sinh vậy.

103. Canh Nương

(Canh Nương)

Kim Đại Dụng là con nhà thế gia cũ ở Trung Châu (tỉnh Hà Nam), cưới con gái quan Thái thú họ Vưu tên Canh Nương, xinh đẹp mà hiền đức, vợ chồng rất thương yêu nhau. Vì có bọn giặc nổi loạn, mọi người đều bỏ nhà tìm nơi trốn tránh, Kim dẫn gia quyến đi về miền nam. Giữa đường gặp một thiếu niên cũng dắt vợ chạy loạn, tự nói là Vương Thập Bát ở đất Quảng Lăng (huyện Giang Đô tỉnh Giang Tô), tình nguyện dẫn đường. Kim vui mừng, lúc đi lúc nghỉ đều có nhau. Tới Hà Thượng, Canh Nương nói thầm với chồng: “Đừng đi chung thuyền với người này. Y đã mấy lần nhìn thiếp, ánh mắt láo liêng mà sắc mặt thay đổi, là người tâm địa khó lường”, Kim ưng thuận.

Nhưng Vương đã ân cần đi tìm thuê một chiếc thuyền lớn, lăng xăng khiêng vác hành lý lên giúp, rất là sốt sắng nên Kim không nỡ từ chối để đi riêng. Lại nghĩ y có đem vợ theo, chắc cũng không có ý gì khác. Vợ Vương cùng ngồi với Canh Nương trong thuyền, thấy ý tứ cũng hiền hậu dịu dàng, Vương thì ngồi trên mũi thuyền trò chuyện rì rầm với chủ thuyền như quen biết thân thiết với nhau từ lâu. Không bao lâu mặt trời lặn mà đường sông quanh co dần dần không còn nhận ra phương hướng, Kim nhìn quanh thấy vắng vẻ hiểm hóc đã hơi ngờ sợ, lát sau trăng mọc, chỉ thấy lau sậy ngút ngàn. Kế thuyền đậu lại, Vương mời cha con Kim ra ngoài ngắm cảnh, thừa cơ xô Kim xuống sông. Cha Kim nhìn thấy định la lên thì bị người chủ thuyền cầm sào gạt xuống nước, cũng chìm luôn. Mẹ Kim nghe tiếng bước ra xem, lại bị gạt rơi xuống nốt, bấy giờ Vương mới kêu cứu. Lúc mẹ bước ra, Canh Nương ở phía sau đã rình thấy mọi việc, kế nghe nói cả nhà chết đuối cũng không có vẻ sợ hãi, chỉ khóc nói: “Cha mẹ chồng đều chết, ta biết về đâu?”.

Vương vào thuyền khuyên: “Nương tử đừng lo, xin theo ta về Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô), nhà ta có ruộng đất đủ sống, quyết không có gì đáng ngại”. Nàng nín khóc nói: “Nếu được như vậy là ta thỏa nguyện rồi”, Vương cả mừng, đối xử với nàng hết sức ân cần. Tối đến kéo nàng đòi giao hoan, nàng nói thác là đang kỳ kinh, Vương bèn về chỗ vợ nằm. Đến hết canh một, hai vợ chồng cãi nhau ầm lên, không biết vì chuyện gì, chỉ nghe vợ nói: “Ngươi làm như thế thì e sấm sét đánh nát đầu ra”. Vương đánh vợ, vợ la lớn: “Chết thì thôi chứ ta quyết không làm vợ thằng giặc giết người”. Vương tức giận gầm lên, túm lấy vợ lôi ra ngoài, nghe một tiếng ùm, rồi Vương kêu lên là vợ mình ngã xuống sông chết đuối rồi.

Không bao lâu tới Kim Lăng, Vương dẫn Canh Nương về nhà, lên sảnh đường ra mắt mẹ. Mẹ ngạc nhiên vì không phải là con dâu cũ, Vương nói: “Vợ con chết đuối, mới lấy người này”. Về tới phòng riêng, Vương lại muốn giở trò này nọ, Canh Nương cười nói: “Đàn ông ngót ba chục tuổi mà còn chưa biết xử sự. Cho dù là mua tỳ thiếp thì đêm thành thân cũng phải có chén rượu nhạt, nhà anh giàu có thì chuyện ấy cũng không khó, chứ lặng ngắt nhìn nhau thì còn ra thể thống gì?”. Vương mừng rỡ bèn dọn tiệc đối ẩm, Canh Nương nâng chén mời rất ân cần. Vương dần say, chối từ không uống nữa, nàng bèn rót một chén lớn gượng lả lơi mời mọc, Vương không nỡ chối từ liền uống cạn, lúc ấy say mèm, cởi tuột quần áo ra hối đi ngủ. Canh Nương dọn mâm tắt đèn rồi nói thác là đi tiểu, ra ngoài phòng cầm dao trở vào, trong bóng tối lấy tay mò lên cổ Vương. Vương còn vuốt tay nàng lè nhè lả lơi, Canh Nương ra sức cứa mạnh một nhát nhưng Vương không chết ngay, rú lên vùng dậy, nàng bồi thêm nhát nữa mới chết.

Mẹ Vương nghe có tiếng chạy qua hỏi, nàng cũng giết nốt. Em trai Vương là Thập Cửu biết chuyện chạy tới, Canh Nương tự biết không thoát được vội tự tử nhưng lưỡi dao đã cùn không cứa sâu được, vội mở cửa bỏ chạy. Thập Cửu đuổi tới thì nàng đã nhảy xuống ao rồi. Thập Cửu gọi láng giềng cứu lên thì nàng đã chết nhưng dung mạo vẫn tươi đẹp như khi còn sống. Mọi người cùng vào xem xác Vương, thấy có bức thư trên cửa sổ, mở ra xem thì là thư của nàng kể rõ sự oan khổ, đều cho rằng nàng trinh liệt, bàn nhau góp tiền chôn cất. Sáng ra có mấy ngàn người tới xem, nhìn thấy dung mạo nàng đều vái lạy. Trọn ngày thì quyên được trăm lượng vàng, chôn nàng ở phía nam thành, những kẻ hiếu sự còn đem mão ngọc áo bào liệm cho nàng, xây mộ rất to cao.

Lúc trước Kim sinh rơi xuống sông bám được tấm ván trôi trên sông nên không chết, chiều hôm sau trôi tới Hoài Thượng thì gặp một chiếc thuyền nhỏ vớt lên. Thuyền này là của nhà phú hộ họ Doãn đặt trên sông để cứu người chết đuối, Kim tỉnh lại rồi bèn tới tạ ơn ông Doãn, ông đối xử rất tử tế, giữ Kim ở lại nhờ dạy con mình học. Kim không rõ cha mẹ sống chết ra sao, đang còn ngần ngại chưa quyết thì có người tới thưa ông Doãn rằng vừa vớt được xác hai ông bà già. Kim ngờ là cha mẹ mình, chạy tới nhìn mặt quả đúng. Ông Doãn sắm quan tài chôn cất cho, sinh đang đau đón khóc lóc, lại nghe báo vớt được một người đàn bà, tự nói chồng mình là Kim sinh. Kim giật mình gạt lệ ra xem thì người đàn bà đã tới, không phải Canh Nương mà là vợ Vương Thập Bát. Nàng nhìn Kim khóc lớn, nói xin đừng bỏ nhau. Kim nói: “Ta đang lúc lòng dạ rối bời, còn rảnh đâu mà lo cho vợ người khác?”, nàng càng đau xót. Doãn hỏi rõ đầu đuôi, mừng là đạo trời báo ứng, khuyên Kim lấy nàng làm vợ. Kim chối từ nói đang có tang, vả lại đang định báo thù cho cha mẹ, sợ nàng yếu ớt sẽ bị liên lụy. Nàng nói: “Nói như chàng thì giả như Canh Nương còn sống chàng cũng vì việc cư tang và báo thù mà bỏ hay sao?”. Doãn khen lời ấy, xin tạm thu dưỡng nàng thay, Kim mới ưng thuận. Hôm chôn cất cha mẹ Kim nàng cũng mặc tang phục khóc lóc như là cha mẹ chồng thật.

Chôn cất xong, Kim định giắt dao đeo bị xin ăn tìm tới Quảng Lăng, nàng ngăn lại nói: “Thiếp họ Đường, tổ tiên vốn ở Kim Lăng, cùng làng với gã lang sói ấy, lúc trước y nói ở Quảng Lăng là dối trá. Vả lại bọn thủy khấu chốn sông hồ có một nửa là đồng đảng của y, coi chừng thù không trả được mà rước vạ vào thân”. Kim ngần ngừ không biết tính sao, chợt có tin đồn về chuyện cô gái giết chết kẻ thù, khắp một vùng sông hồ đều xôn xao, nói rõ ràng cả tên họ. Kim nghe được một phen hả dạ nhưng càng đau đớn, chối từ không lấy Đường thị, nói: “May mà ta không bị mang nhục, nhưng trong nhà có người vợ trinh liệt như thế thì đâu nỡ phụ lòng mà cưới vợ nữa”. Đường thị nói đã bàn bạc thành chuyện rồi, không chịu giữa đường chia tay, nguyện làm nàng hầu vợ lẽ.

Gặp lúc có Phó Tướng quân họ Viên quen biết Doãn, nhân lên đường phó nhiệm ở miền tây ghé thăm, gặp Kim rất thích, mời theo làm Ký thất. Không bao lâu sau giặc cướp nổi loạn phạm vào kinh đô, Viên đánh dẹp lập công lớn, Kim cũng tham dự việc quân cơ, được bảo cư phong chức Du kích trở về, lúc ấy vợ chồng mới làm lễ thành thân. Vài hôm sau Kim dắt vợ đi Kim Lăng viếng mộ Canh Nương, ngang huyện Trấn Giang (tỉnh Giang Tô) định lên Kim Sơn ngắm cảnh. Đang xuôi dòng chợt có chiếc thuyền đi ngược chiều, trong có một bà già và một thiếu phụ, ngạc nhiên vì thấy thiếu phụ rất giống Canh Nương. Thuyền Kim lướt mau qua, thiếu phụ nhô ra cửa sổ nhìn Kim, càng thấy thần thái giống nàng. Kim kinh ngạc ngờ vực không dám đuổi theo hỏi, vội gọi lớn: “Nhìn lũ vịt con đang bay trên trời kìa” Thiếu phụ nghe thấy cũng lớn tiếng gọi: “Chó con lại muốn ăn thịt mèo sao?”, đó là lời nói lóng của vợ chồng vẫn đùa nhau trong phòng riêng ngày xưa.

Kim giật mình cho quay chèo đuổi theo, tới gần thì quả là Canh Nương. Con hầu đỡ Canh Nương qua thuyền Kim, vợ chồng ôm nhau khóc nức nở, người trên thuyền đều thương cảm. Đường thị lấy lễ vợ thiếp chào Canh Nương, Canh Nương ngạc nhiên hỏi, Kim bèn kể lại mọi chuyện. Canh Nương cầm tay Đường thị nói: “Trò chuyện một lần với nhau trên thuyền, lòng vẫn không quên, không ngờ nay lại được Hồ Việt một nhà. Đội ơn thay mặt chôn cất cha mẹ chồng, lẽ ra ta phải tạ ơn trước, sao lại làm lễ với nhau như thế?”. Bèn so tuổi tác Đường thị kém một tuổi nên làm em.

Trước là canh Nương đã được chôn cất, cũng không tự biết đã bao lâu, chợt nghe có người gọi nói: “Canh Nương, chồng ngươi không chết đâu, rồi vợ chồng sẽ được sum họp”, liền thấy như vừa tỉnh mộng. Sờ thấy bốn phía đều là vách tường, mới hiểu ra rằng mình chết đi đã được chôn, nhưng chỉ thấy hơi buồn bực chứ cũng không có gì khổ sở. Có bọn thiếu niên bất lương biết nàng có nhiều vật tùy táng quý giá bèn đào mộ phá quan tài, đang định tìm tòi nhặt nhạnh thì thấy Canh Nương vẫn còn sống, cả bọn đều khiếp đảm. Canh Nương sợ chúng làm hại nên năn nỉ, nói: “May có các ông tới nên ta lại được nhìn thấy mặt trời, bao nhiêu trâm vòng xin cứ lấy hết, xin đem bán ta cho chùa làm ni cô thì có thể cũng được thêm ít nhiều, ta không nói lộ ra với ai đâu”

Bọn trộm dập đầu nói: “Nương tử trinh liệt, thần người đều khâm phục. Bọn tiểu nhân chẳng qua vì nghèo túng hết cách sống mà phải làm việc bất nhân này, chỉ cần nương tử không nói lộ ra là may lắm rồi, chứ đâu dám bán nương tử làm ni cô”. Canh Nương đáp: “Đó là tự ta muốn mà”. Một tên nói: “Cảnh phu nhân ở Trấn Giang góa chồng mà không có con, nếu gặp được nương tử ắt là mừng lắm”. Canh Nương tạ ơn rồi tự tháo hết các vật châu báu trang sức ra đưa, bọn trộm không dám nhận. Nàng cố ép, cả bọn cùng lạy tạ nhận lấy rồi chở nàng đi. Tới nhà Cảnh phu nhân, họ nói thác rằng nàng bị gió bạt thuyền lạc tới đây. Cảnh phu nhân nhà giàu có mà lớn tuổi góa chồng vò võ một mình, gặp Canh Nương cả mừng, coi như con đẻ, hôm ấy là hai mẹ con đi chơi Kim Sơn trở về. Canh Nương kể hết đầu đuôi xong, Kim bèn qua thuyền lạy mẹ. Phu nhân tiếp đãi như con rể, mời tới nhà chơi mấy ngày mới cho về từ đó vợ chồng qua lại nhà bà luôn luôn.

Dị Sử thị nói: Trước biến cố lớn, kẻ dâm thì cầu sống mà người trinh thì thà chết, kẻ sống thì khiến người ta xốn mắt, người chết thì khiến người ta rơi lệ vậy. Đến như cười nói không sợ, vung đao báo thù thì các bậc trượng phu nghĩa liệt ngàn xưa cũng có mấy người sánh được? Ai nói đàn bà con gái không thể theo kịp bậc anh hùng.