Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển IX - Chương 149
Quyển IX
149. Vân La công chúa
An Đại Nghiệp người Lư Long (huyện Vĩnh Bình tỉnh Hà Bắc), sinh ra đã biết nói, mẹ phải đổ máu chó cho uống mới hết. Lớn lên đẹp trai chẳng ai bằng, lại thông minh học giỏi, các nhà thế gia tranh nhau hứa gả con gái cho. Lúc đầu mẹ nằm mộng thấy thần báo: “Con bà sẽ lấy công chúa,” rất tin. Nhưng khi An đã mười lăm mười sáu tuổi vẫn chưa thấy linh nghiệm, bà dần dần ăn năn mình tin mộng mị quàng xiên. Một hôm, An đang ngồi một mình, chợt nghe thấy mùi hương lạ, kế có một tỳ nữ xinh đẹp chạy vào nói: “Công chúa tới.” Rồi lập tức trải thảm trên đất, suốt từ ngoài cổng vào thẳng trong nhà tới cạnh giường sinh ngồi. An còn kinh ngạc hốt hoảng, đã thấy một nữ lang vịn vai tỳ nữ bước vào, y phục dung nhan sáng rực cả nhà. Người tỳ nữ lót gối thêu nệm gấm lên giường rồi đỡ nữ lang ngồi xuống. An kinh hoàng không biết làm sao, khom lưng nói: “Người là thần tiên nơi nào giáng lâm?” Nữ lang mỉm cười lấy tay áo che miệng không đáp, người thị nữ nói: “Đây là công chúa Vân La trong phủ Thánh hậu. Vì Thánh hậu để ý tới lang quân, muốn cho công chúa kết duyên, nên công chúa tự tới xem nhà cửa đó.”
An vừa mừng vừa sợ không biết nói gì, nữ lang cũng cúi đầu, ngồi đối diện nhau im lặng. An vốn thích đánh cờ vây, bàn cờ thường để bên cạnh. Một tỳ nữ lấy khăn hồng lau bụi, đặt lên bàn nói: “Thường ngày công chúa thích trò chơi này, không biết so với Phò mã thì ai hơn?” An dời ghế tới gần bàn. Công chúa cười ưng thuận, đi được độ ba chục nước, tỳ nữ xóa bàn cờ nói: “Thôi Phò mã thua rồi.” Rồi nhặt con cờ cất vào hộp, nói: “Phò mã đúng là tay cao cờ ở phàm trần, công chúa chỉ nhường được sáu con thôi.” Liền bỏ sáu con cờ đen ra khỏi bàn, công chúa cũng ưng thuận. Lúc công chúa ngồi đánh cờ, sai tỳ nữ ngồi dưới đưa lưng cho nàng gác chân, chân trái thòng xuống đất thì một tỳ nữ khác phục xuống đỡ, lại có hai a hoàn nhỏ đứng hầu. Lúc An ngẫm nghĩ nước cờ thì nàng co tay gác lên vai ngồi đợi. Ván cờ chưa phân thắng phụ, a hoàn nhỏ cười nói: “Phò mã thua một con.” Người tỳ nữ bước lên nói: “Công chúa đã mệt, nên nghỉ thôi.”
Công chúa nghiêng mình ghé vào tai tỳ nữ nói nhỏ, tỳ nữ bước ra, chốc lát quay vào, đặt ngàn đồng vàng lên giường nói với sinh rằng: “Mới rồi Công chúa nói nhà cửa ẩm thấp chật chội, phiền lang quân dùng số tiền mọn này sửa sang, lúc nào xong sẽ gặp nhau.” Một tỳ nữ nói: “Tháng này phạm vào sao Thiên hình, không nên xây cất, tháng sau thì tốt.” Công chúa đứng dậy, sinh ngăn lại đóng cổng, tỳ nữ lấy ra một vật như cái túi bằng da, đặt xuống đất gõ vào, chợt có hơi mây tỏa ra, trong khoảnh khắc tụ lại che kín bốn bề không nhìn thấy gì cả, khi tan thì mọi người đã biến mất. Mẹ sinh biết chuyện, ngờ là yêu quái. Nhưng sinh mơ tưởng không khuây, vội lo sửa sang nhà cửa không nề việc kiêng kỵ, thúc giục ngày đêm, phòng ốc cổng nẻo mới hẳn.
Trước đó có người học trò ở huyện Loan Châu (tỉnh Hà Bắc) tên Viên Đại Dụng tối ngụ ở xóm bên, đưa danh thiếp tới nhà xin ra mắt. Sinh vốn ít giao du nên nói thác là đi vắng, lại chờ lúc Viên không có ở nhà trọ qua thăm đáp lễ. Hơn tháng sau, tình cờ gặp nhau ngoài cổng, thấy là một thiếu niên hơn hai mươi tuổi, áo mỏng giày đen, phong thái nhàn nhã. An trò chuyện qua loa, thấy ôn hòa lễ độ thích lắm bèn mời vào nhà chơi cờ, ván được ván thua. Kế dọn rượu giữ chân, trò chuyện rất vui vẻ. Hôm sau Viên mời sinh tới chỗ mình trọ, dọn đủ thức ngon vật lạ, tiếp đãi ân cần, có đứa tiểu đồng khoảng mười hai mười ba tuổi gõ nhịp ca hát và nhảy múa giúp vui. Sinh say quá đi không nổi, Viên sai nó cõng về. Sinh cho rằng nó nhỏ yếu, sợ không cõng nổi, nhưng Viên cứ ép bảo để nó cõng, quả nhiên nó cõng sinh về tới nhà rất nhẹ nhàng. Sinh lấy làm lạ, hôm sau đem tiền qua thưởng, nó từ chối mấy lần mới nhận.
Từ đó An cùng Viên ngày càng thân thiết, vài ngày lại gặp nhau một lần. Viên là người giản dị kín đáo nhưng khảng khái thích giúp người. Ở chợ có kẻ thiếu tiền phải đem con gái gán nợ, Viên trút túi trả thay không chút tiếc rẻ, sinh vì thế càng thêm kính trọng. Vài hôm sau, Viên tới từ giã sinh, tặng cho các loại đũa ngà chén ngọc, tất cả hơn mười món, lại thêm năm trăm đồng vàng giúp vào việc sửa nhà. Sinh trả vàng nhận vật, rồi đưa vải lụa tặng lại. Hơn tháng sau, huyện Lạc Đình (tỉnh Hà Bắc) có người làm quan về hưu mang theo rất nhiều tiền của, nửa đêm bị cướp vào nhà bắt trói, nung sắt tra khảo cướp sạch cả. Người nhà biết là Viên, báo quan phát lệnh đi khắp nơi tróc nã. Láng giềng có họ Đồ vốn xích mích với nhà sinh, thấy sinh xây nhà dựng cửa, bụng thầm ghen tức. Nhân có đứa tiểu đồng của sinh lấy trộm đũa ngà đem tới bán, y biết là vật của Viên tặng liền báo quan huyện. Quan huyện sai lính về vây gặp lúc chủ tớ sinh đều vắng nhà, bèn trói mẹ sinh giải đi. Bà mẹ đã già yếu lại bị cơn hoảng sợ, chỉ còn thở thoi thóp, hai ba ngày liền không ăn uống gì, quan bèn thả về. Sinh nghe tin vội về nhà thì bệnh mẹ đã trở nặng, qua đêm thì mất. Vừa liệm xác xong thì sai dịch đã tới bắt sinh đi.
Quan huyện thấy sinh tuổi trẻ văn nhã, thầm nghĩ là bị vu oan, bèn cố ý quát nạt, sinh cũng thật tình khai hết đầu đuôi chuyện kết bạn với Viên. Quan hỏi tại sao đột nhiên trở nên giàu có, sinh đáp: “Mẹ ta có ít nhiều tiền của chôn giấu, nay ta sắp lấy vợ nên xây nhà để làm đám cưới thôi.” Quan huyện tin lời, viết tờ bẩm sai giải sinh lên quận. Gã họ Đồ biết là sinh sẽ vô sự, đem nhiều tiền đút lót cho lính áp giải để chúng giết sinh trên đường đi. Đường lên quận phải qua núi vắng, chúng kéo sinh tới bờ vực sâu toan xô xuống. Đang lúc nguy cấp chợt có một con cọp trong bụi rậm nhảy ra, vồ chết hai tên lính rồi tha sinh đi. Tới một nơi lâu đài nguy nga, cọp đem sinh vào đặt xuống, thấy công chúa Vân La vịn vai thị nữ ra đón, buồn rầu an ủi, nói: “Thiếp muốn giữ chàng ở lại nhưng việc tang lễ của mẹ chưa xong, chàng nên đem tờ bẩm lên quận tự nộp mình, chắc chắn là vô sự.” Rồi cầm lấy sợi đai lưng trước bụng sinh, thắt lại hơn mười nút, dặn: “Lúc gặp quan, cứ nắm lấy những cái nút này mở ra, tai nạn sẽ tiêu tan.” Sinh theo lời, tới quận nộp mình. Quan Thái thú vui vì sinh thành tín, lại xem tờ bẩm, biết là bị oan, bèn tha cho sinh về.
Sinh về được nửa đường thì gặp Viên, xuống ngựa cầm tay, kể lể tình cảnh, Viên nổi giận biến sắc im lặng không nói câu nào. Sinh nói: “Phong thái như ông sao lại tự làm chuyện nhơ danh như vậy?” Viên đáp: “Ta giết toàn là hạng bất nhân, ta cướp toàn là của phi nghĩa, nếu không thì dù là tiền rơi trên đường cũng không nhặt đâu. Lời ông dạy ta đó vốn rất hay, nhưng hạng người như gã hàng xóm của ông há lại có thể để cho sống trên đời sao?” Nói xong lên ngựa đi thẳng. Sinh về chôn cất mẹ xong, đóng cửa tạ khách. Bỗng một đêm cướp vào nhà hàng xóm, giết sạch hơn mười cha con, chỉ chừa lại một người tớ gái, lấy hết tiền của, chia cho đứa tiểu đồng cùng xách. Lúc ra đi còn cầm đèn nói với người tớ gái: “Ngươi nhìn cho rõ nhé! Kẻ giết người là ta đây, không dính líu gì tới ai cả.” Rồi không mở cửa, phi thân nhảy lên mái nhà, vượt qua tường đi mất. Hôm sau tin báo lên quan, quan ngờ sinh biết chuyện, lại bắt lên quát tháo căn vặn rất dữ tợn. Sinh ra trước công đường nắm lấy sợi đai lưng thắt nút, vừa phân trần vừa mở nút ra, quan không vặn vẹo được gì, lại tha cho về. Về tới nhà sinh lại càng náu hơi kín tiếng, cứ ở nhà đọc sách không ra khỏi cửa, chỉ có một bà già khập khiễng lo việc cơm nước mà thôi. Mãn tang xong, ngày ngày sinh quét dọn nhà cửa để đợi tin vui.
Một hôm, nghe có mùi hương lạ thơm ngát cả nhà, lên gác xem thì thấy trong ngoài đều trần thiết rực rỡ, cuốn rèm lên thì công chúa đã trang điểm lộng lẫy ngồi đó rồi. Sinh vội vái chào, nàng giữ tay lại nói: “Chàng không tin số mệnh, khiến việc xây nhà gây ra tai vạ, lại thêm tang mẹ, làm trễ duyên cầm sắt của chúng ta mất ba năm, đó là gấp gáp lại phải muộn màng, việc đời đại để đều như thế.” Sinh toan lấy tiền đi chợ, nàng nói: “Không cần đâu.” Thị nữ lấy trân hào mỹ tửu trong rương ra bày lên, thức ăn còn nóng như vừa nấu nướng xong, rượu cũng thơm lừng nóng hổi. Uống rượu một lúc thì trời tối, đám thị nữ hầu hạ đều lui ra hết. Nàng nằm soãi hết tay chân, đong đưa vế đùi, như không che đậy gì cả, sinh liền ôm lấy nàng. Nàng nói: “Chàng buông tay ra đã. Bây giờ có hai cách, tùy chàng chọn lựa.” Sinh ôm cổ nàng hỏi hai cách nào, nàng đáp: “Nếu hai ta làm bạn chén rượu cuộc cờ thì được sum vầy ba mươi năm, còn nếu vui thú chăn loan gối phụng thì chỉ được sum họp sáu năm thôi, chàng chọn cách nào?” Sinh đáp: “Sáu năm nữa sẽ bàn tiếp.” Nàng im lặng, rồi cùng sinh vui thú. Nàng nói: “Thiếp vốn biết chàng không thể tránh được thói trần tục, cũng là số vậy.”
Rồi bảo sinh nuôi thêm vú già tớ gái, cho ở riêng gian nhà phía nam, nấu cơm hầu chủ, dệt vải nuôi thân. Trong gian nhà phía bắc tịnh không bếp núc, chỉ có bàn cờ bình rượu, cửa thường đóng kín. Sinh đẩy thì tự mở, người khác thì không vào được. Những người ở gian nhà phía nam siêng năng lười nhác ra sao nàng đều biết rõ, mỗi khi bảo sinh qua quở trách thì ai cũng phải nhận lỗi. Nàng không nói nhiều lời, không cười lớn tiếng, cùng sinh nói chuyện chỉ cúi đầu cười khẽ, những khi cùng ngồi, thì thích dựa vào sinh. Có lần sinh bế nàng đặt lên đầu gối, thấy nhẹ như trẻ nít, bèn nói: “Nàng nhẹ thế này, có thể đứng trên bàn tay mà múa được.” Nàng đáp: “Chuyện đó có gì khó, có điều chỉ là việc của đám gái hầu, thiếp không thèm làm thôi. Như Phi Yến[1] nguyên là thị nữ của chị Chín thiếp, hay lẳng lơ mà có tội, bị đày xuống trần gian, lại không giữ trinh tiết, nên hiện đang bị giam trong ngục tối.”
[1] Phi Yến: tức Triệu Phi Yến, mỹ nhân trong hậu cung của Đường Minh hoàng, vóc người nhỏ nhắn mềm mại, tương truyền có thể đứng trên bàn tay người ta mà múa.
Trên gác trải đầy đệm gấm, mùa đông không mấy lạnh, mùa hè chẳng mấy nóng, cô gái thì ngay giữa mùa đông lạnh buốt cũng mặc áo nhẹ. Sinh may áo mới ép nàng mặc thì chốc lát lại cởi ra, nói: “Vật phàm ô trọc, mặc nữa thì đè vào xương thành bệnh lao mất.” Một hôm sinh bế nàng lên gối thấy nặng khác hẳn mọi khi, lấy làm lạ. Nàng cười chỉ vào bụng nói: “Trong này có giống phàm tục rồi.” Cách mấy hôm sau, nàng cau mày bỏ ăn, nói: “Gần đây trong người khó chịu, cứ thèm những thức nấu nướng.” Sinh bèn tìm những thức ngon về, từ đó nàng ăn uống không khác gì người thường. Một hôm nàng nói: “Thiếp vốn yếu ớt, không thể sinh nở, con thị nữ Phàn Anh khỏe mạnh, vậy để nó thay.” Rồi cởi áo lót mặc cho Phàn Anh, đẩy vào phòng. Giây lát nghe tiếng trẻ con khóc mở cửa vào xem thì là con trai, mừng nói: “Thằng nhỏ này có phúc tướng, là vật quý đây,” nhân đó đặt tên là Đại Khí.
Nàng trao cho sinh bế, bảo đưa người tỳ nữ về ở chung với bà vú ở gian nhà phía nam. Nàng sinh nở xong, eo lưng lại nhỏ lại như trước, không ăn những thức nấu nướng nữa. Bỗng từ biệt sinh về thăm nhà, hỏi đi bao lâu, nàng đáp ba ngày, rồi gõ vào cái túi da tuôn mây biến mất như lần trước. Đến kỳ hẹn không thấy về, hơn năm liền bặt luôn tin tức, sinh đã tuyệt vọng, bèn đóng cửa đọc sách, kế thi đỗ Cử nhân nhưng vẫn không chịu lấy vợ, hàng đêm vẫn ngủ một mình ở gian nhà phía bắc, ôm ấp hương thừa. Một đêm đang trằn trọc trên giường chợt có ánh đèn soi qua cửa sổ, cửa phòng cũng tự mở, bọn thị nữ xúm xít đỡ công chúa vào. Sinh mừng rỡ vùng dậy trách móc sai hẹn, nàng nói: “Thiếp còn chưa đến hẹn đâu, mới ở trên trời có hai ngày rưỡi thôi.” Sinh đắc ý khoe chuyện thi đỗ, cho rằng công chúa ắt mừng, nhưng nàng buồn bã nói: “Cái danh vọng thoảng qua đó thì có đáng gì? Chẳng đủ bàn chuyện nhục vinh mà còn làm người ta tổn thọ.” Mới ba ngày không gặp mà chàng đã sa vào tục lụy sâu thêm một tầng nữa rồi,” sinh vì thế không thi cử gì nữa.
Vài tháng sau nàng lại định về thăm nhà, sinh buồn rầu không muốn, nàng nói: “Chuyến này nhất định thiếp sẽ về sớm, không để chàng phải mỏi mắt trông chờ đâu. Vả lại kiếp người tan hợp đều có định số, tính toán thì thấy dài, lơ là thì thấy ngắn thôi.” Rồi đi, hơn một tháng trở về, từ đó cứ sáu tháng một năm lại đi một lần, vài tháng lại về, sinh quen lệ cũng không thấy lạ nữa. Kế nàng lại sinh thêm một đứa con trai, bế lên nhìn, nói: “Thằng này sài lang,” bảo nên vứt đi lập tức, nhưng vì sinh không nỡ nên vẫn giữ lại nuôi, đặt tên là Khả Khí. Vừa mới đầy năm nàng đã vội tìm hỏi vợ cho nó, các bà mai mối lui tới nườm nượp, nhưng nàng hỏi ngày sinh tháng đẻ đều cho là không hợp, nói: “Ta muốn làm sẵn một cái chuồng sắt cho thằng con sài lang này mà không được, phải để nó ăn tàn phá hại sáu bảy năm, âu cũng là số.” Rồi dặn sinh rằng: “Chàng nhớ bốn năm nữa họ Hầu sẽ sinh một đứa con gái, sườn bên trái có cái bớt nhỏ thì đúng là vợ của thằng nhỏ này đấy, phải hỏi cưới cho nó, đừng so đo chuyện môn đăng hộ đối gì cả,” nói xong bắt viết ngay vào giấy cho khỏi quên.
Sau nàng về thăm nhà, đi luôn không trở lại nữa. Sinh thường đem lời vợ dặn cậy nhờ bạn bè thân thích dò hỏi, quả có đứa con gái họ Hầu sinh ra đã có cái bớt ở sườn, họ Hầu là người hèn hạ mà hành vi xấu xa, mọi người đều coi thường, nhưng sinh vẫn nhờ người mối lái hỏi cưới đứa con gái ấy cho Khả Khí. Đại Khí mười bảy tuổi đã thi đỗ, cưới vợ họ Vân, vợ chồng đều hiếu hạnh, cha rất yêu thương. Còn Khả Khí thì lớn lên không thích học hành, chỉ lén lút rong chơi cờ bạc với bọn vô lại, dần dà lấy trộm cả đồ vật đem bán để chơi bời. Cha giận đánh nhưng vẫn không chừa, bèn dặn người nhà để ý giữ gìn, Khả Khí không lấy gì được bèn nửa đêm ra khỏi nhà trộm cắp lặt vặt, bị chủ nhà bắt trói dẫn lên huyện. Quan huyện hỏi họ tên, viết danh thiếp cho về nhà, cha và anh cùng trói lại, cha đánh cho một trận gần chết, anh phải lạy lục năn nỉ hộ mới được tha. Cha tức giận sinh bệnh, ăn không thấy ngon, bèn làm giấy tờ chia của cho hai con, những nhà lầu ruộng tốt đều về phần Đại Khí.
Khả Khí căm tức nửa đêm cầm dao vào phòng toan giết anh, nhưng chém lầm phải chị dâu. Trước công chúa có để lại chiếc áo rất nhẹ và mềm, Vân thị lấy làm áo ngủ, Khả Khí chém trúng nảy lửa tung tóe nên hoảng sợ bỏ chạy. Cha biết chuyện, bệnh càng nặng thêm, vài tháng thì chết. Khả Khí nghe tin cha mất mới mò về, anh vẫn đối xử rất tốt nhưng Khả Khí ngày càng buông thả, hơn một năm ruộng vườn nhà cửa được chia cho đã phá tán gần hết, rồi lên phủ kiện anh. Quan hỏi biết là người ra sao nên đuổi về, anh em từ đó dứt hết tình nghĩa. Được hơn năm, Khả Khí hai mươi ba tuổi, con gái họ Hầu thì mười lăm. Anh nhớ lời mẹ, muốn cưới gấp cho em, liền gọi Khả Khí tới cắt gian nhà đẹp cho ở. Khi đón dâu về, lại đem tất cả văn tự những ruộng tốt cha để lại giao cho, nói: “Mấy đám ruộng xấu này, bấy lâu ta sống chết cố giữ cho thím, nay giao cả cho đấy. Em ta mất nết, cho nó một cọng cỏ cũng uổng phí. Từ nay về sau, nên hư là do em dâu. Nếu giúp nó sửa nết được thì không lo gì đói rét, bằng không thì anh cũng không thể nào lấp đầy cái vực sâu không đáy kia được.”
Hầu nữ tuy là con nhà hèn mọn, nhưng thông minh có sắc. Khả Khí vừa yêu vừa sợ, nàng bảo làm gì cũng không dám trái ý, đi đâu về không đúng giờ thì nàng nhiếc mắng, không thèm ngồi ăn chung, Khả Khí vì vậy cũng bớt lêu lổng. Hơn một năm sinh được một trai, vợ nói: “Từ nay chẳng phải cầu cạnh gì ai nữa. Có mấy đám ruộng tốt, mẹ con lo gì không no ấm, không có chồng cũng chẳng sao.” Có lần Khả Khí trộm lúa đi đánh bạc, vợ biết được, cầm cung tên chặn ở cổng. Khả Khí sợ quá núp trốn, rình lúc vợ vào nhà rồi, lại mon men trở vào. Vợ vung dao xông ra, Khả Khí bỏ chạy, vợ đuổi theo chém trúng mông, máu tuôn ướt cả giày tất, uất quá tới mách anh, nhưng anh tỏ vẻ khinh bỉ, đành hổ thẹn tức tối đi ra. Qua đêm lại tới, quỳ trước mặt chị dâu khóc lóc, nhờ nói giùm với vợ, nhưng vợ vẫn nhất định không cho vào nhà. Khả Khí nổi giận đòi giết vợ, anh im lặng, Khả Khí uất ức chồm dậy xách mác đi thẳng ra cửa. Chị dâu sững sờ, định đuổi theo ngăn lại, nhưng anh đưa mắt ra hiệu bảo đừng, chờ đi khuất mới nói: “Nó làm ra vẻ thế thôi, chứ thật ra không dám về đâu.”
Sai người theo xem thì Khả Khí đã vào cổng rồi. Anh hơi biến sắc, vội chạy mau theo thì Khả Khí đã lặng ngắt đi ra. Té ra Khả Khí vào tới nhà thì vợ đang đùa với con, nhìn thấy chồng liền thảy con xuống giường, vớ con dao bổ củi lao ra. Khả Khí sợ hãi kéo lê ngọn mác bỏ chạy, vợ đuổi ra tới ngoài ngõ mới quay vào. Anh biết rõ sự tình nhưng vẫn cố ý hỏi han, Khả Khí chỉ quay đi mà khóc, hai mắt sưng húp. Anh động lòng thương, tự dắt Khả Khí vào nhà, vợ mới chịu cho vào ở. Chờ anh về rồi, phạt Khả Khí phải quỳ, bắt phải thề độc rồi bắt ăn cơm bằng tô sành, từ đó mới bỏ nết cũ làm điều lành. Vợ lại biết tính toán làm ăn, trong nhà ngày càng dư dật, Khả Khí chỉ có việc ngồi ăn mà thôi. Về sau đến năm bảy mươi tuổi, con cháu đầy nhà mà có khi vợ vẫn nắm râu bắt quỳ.
Dị Sử thị nói: Gặp phải thứ vợ hung dữ ghen tuông thì như có ghẻ trong xương, chết rồi mới hết nợ, thứ đó há không độc sao? Nhưng thạch tín là vị thuốc độc nhất trên đời mà dùng đúng bệnh thì nhân sâm phục linh cũng không bằng được. Có điều nếu không phải là người tiên nhìn thấu gan ruột, thì lại dám lưu thuốc độc lại cho con cháu ư?