Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XI - Chương 203 - 204
203. Chử sinh
Cử nhân họ Trần ở phủ Thuận Thiên, năm mười sáu mười bảy tuổi thường theo thầy học tới đọc sách ở chùa. Ở chùa có rất nhiều người, trong đó có Chử sinh, tự nói là người Đông Sơn (tỉnh Chiết Giang), học hành rất chăm chỉ, không hề nghỉ ngơi, lại ngủ nhờ luôn trong chùa, ít khi thấy về nhà. Trần chơi thân với Chử nhất, nhân hỏi han, Chử đáp: “Nhà ta nghèo, lo tiền ăn học không dễ, nếu không bỏ phí thời giờ mà học tới nửa đêm, thì hai ngày của ta bằng ba ngày của người khác.” Trần cảm động vì lời ấy, muốn đem giường tới ở cùng, Chử ngăn lại nói: “Khoan đã, khoan đã, ta thấy thầy ở đây không phải là thầy chúng ta được. Ở cửa thành có Lữ tiên sinh tuy già nhưng giỏi, xin cùng tới đó.”
Đại khái những người mở trường dạy học ở kinh đô phần lớn đều thu tiền từng tháng, hết tháng thì hết tiền, ai muốn học nữa hay thôi là tùy. Rồi đó hai người tới chỗ Lữ. Lữ là bậc túc nho ở đất Việt (tỉnh Chiết Giang) lưu lạc không về quê được nên ở đó dạy trẻ con, thật ra không phải là bản ý, nên được hai người làm học trò thì mừng lắm. Mà Chử lại rất thông minh, sách vở đọc qua là không quên, nên Lữ càng quý mến. Hai người ngày càng thân thiết, ban ngày học cùng bàn, ban đêm ngủ cùng giường, vừa hết tháng chợt Chử chào về nhà, hơn mười ngày không quay lại, hai thầy trò đều ngờ vực. Một hôm Trần có việc tới chùa Thiên Ninh, thấy Chử ở hành lang, đang xe dây gai làm bấc đèn. Chử gặp Trần có vẻ áy náy thẹn thùng, Trần hỏi: “Sao lại bỏ không học nữa thế?” Chử cầm tay ngắt lời, buồn rầu nói: “Nhà nghèo không có tiền đóng cho thầy, phải làm nửa tháng mới học được một tháng.” Trần ngậm ngùi hồi lâu rồi nói: “Cứ tới học đi, ta xin hết sức lo cho.” Chử cảm động vì lời ấy bèn cùng Trần trở lại trường của Lữ, nhưng dặn Trần đừng nói lộ ra, tìm cớ để thưa lại với thầy.
Cha Trần vốn là nhà buôn nên giàu có, Trần cứ lén trộm tiền của cha đóng tiền học cho Chử. Cha thấy mất tiền chửi Trần, Trần kể thật lại, cha cho là ngây ngốc, bèn bắt thôi học. Chử xấu hổ quá, chào thầy định đi, Lữ biết chuyện trách rằng: “Ngươi đã nghèo, sao không nói sớm.” Rồi lấy hết tiền đã đóng trả lại cho cha Trần, giữ Chử ở lại dạy dỗ như cũ, cho ăn uống như con mình. Trần tuy không vào trường nữa nhưng vẫn tới mời Chử ra quán rượu thết đãi. Chử vì tỵ hiềm không tới, nhưng Trần cứ nằng nặc mời mọc, lần nào cũng khóc, Chử không nỡ dứt tình nên vẫn qua lại với nhau. Qua hai năm cha Trần chết, Trần lại tới xin học. Lữ cảm động vì chân thành bèn nhận cho học. Nhưng Trần bỏ học lâu quá nên học kém xa Chử. Được nửa năm, con trai lớn của Lữ từ đất Việt tới, phải xin ăn tìm cha.
Học trò góp tiền giúp thầy trở về, Lữ chỉ biết rơi lệ lưu luyến mà thôi. Lúc Lữ lên đường, dặn Trần coi Chử như thầy. Trần nghe theo, đưa Chử về nhà ở. Không bao lâu được vào học trường huyện, dự khoa thi Di tài, Trần lo không viết đủ quyển nổi, Chử xin thi thay. Đến ngày thi, Chử đưa một người tới, nói là biểu huynh tên Lưu Thiên Nhược, bảo Trần tạm đi theo. Trần vừa bước ra, Chử phía sau chợt kéo mạnh, lảo đảo suýt ngã. Lưu vội đỡ rồi cùng đi. Đi một chặng xa, Lưu đưa vào nhà mình, trong nhà không có phụ nữ nên cho khách ngủ nhà trong. Ở đó vài hôm, chợt đã đến ngày Trung thu, Lưu nói: “Hôm nay trong vườn của Hoàng thân họ Lý có nhiều người tới du ngoạn, tới đó chơi một phen cho đỡ buồn rồi sẽ đưa ông về,” rồi sai người gánh lò trà bình rượu cùng đi.
Tới đó thì bến nước đình mai đông đúc ồn ào không chen vào được, qua khỏi bến nước thấy dưới gốc liễu già có con thuyền nằm ngang bèn dắt nhau lên. Uống được mấy chén, thấy vắng vẻ quá, Lưu ngoái lại nói với tiểu đồng: “Quán mai hoa gần đây có một ca kỹ mới, không biết có nhà không?” Tiểu đồng đi một lát thì đưa nàng ấy về, té ra là nàng Lý Át Vân. Lý là danh kỹ ở kinh đô, làm thơ giỏi, ca hát hay, Trần từng đi với bạn uống rượu chỗ nàng một lần nên có quen. Gặp nhau chuyện trò thăm hỏi, nàng có vẻ buồn rầu lo lắng, Lưu bảo hát thì hát khúc Cảo lý[1]. Trần không vui nói: “Cho dù chủ khách không hợp nhau, nhưng sao nàng lại hát khúc điệu vong trước người còn sống?” Nàng bèn đứng lên gượng cười nói, hát khúc diễm tình, Trần vui vẻ nắm cổ tay nàng nói: “Lần trước nàng hát khúc Cán sa khê, ta đã nhẩm lại mấy lần nhưng nay quên cả rồi,” nàng bèn ngâm rằng:
[1] Cảo lý: tên khúc hát cổ, ngày xưa dùng làm bài hát lúc đưa tang.
“Lệ nhãn doanh doanh đối kính đài,
Khai liêm hốt kiến tiểu cô lai.
Đê đầu chuyển trắc khán cung hài,
Cưỡng giải lục nga khai tiếu yểm.
Tần tương hồng tụ thí hương tai,
Tiểu tâm do khủng bị nhân xai.”
(Mắt lệ rưng rưng đứng trước gương
Mở rèm chợt thấy bóng cô nương
Cúi đầu ngoảnh lại nhìn xiêm áo
Nhoẻn miệng buồn tênh với phấn hương
Tay áo mấy lần lau nước mắt
Còn e khách giận vẻ sầu thương.)
Trần ngâm đi ngâm lại mấy lần rồi ghé thuyền vào bờ, bước lên hành lang thủy đình, thấy trên vách có rất nhiều thơ đề vịnh, lập tức lấy bút ghi bài từ lên đó. Trời đã xế chiều, Lưu nói: “Người trong trường thi sắp ra rồi.” Bèn đưa Trần về, tới cổng là chào đi ngay. Trần thấy trong nhà tối tăm không có ai, đang định cất tiếng hỏi thì Chử sinh đã bước vào, nhìn kỹ lại thì không phải Chử sinh. Đang còn kinh ngạc thì người kia đã tới sát bên ngã chúi vào, bọn người nhà nói: “Công tử mệt quá rồi,” rồi xúm lại đỡ lên, Trần chợt biết người vừa ngã không phải ai khác mà chính là mình. Choàng dậy nhìn thấy Chử sinh bên cạnh, bàng hoàng như vừa tỉnh mộng, ngồi yên ngẫm nghĩ, Chử nói: “Nói thật ông đừng sợ, chứ thật ra ta là ma đây, lẽ ra đã đầu thai lâu rồi, sỡ dĩ còn nấn ná ở đây là vì không quên được bạn tốt, nên mới nhập vào xác ông để thi thay, nay xong cả ba kỳ, đã thỏa nguyện rồi.”
Trần lại xin thi hội giùm, Chử nói: “Kiếp trước ông ít phúc đức, tính keo kiệt, sợ kiếp này khó thi đỗ làm quan.” Trần hỏi sắp tới sẽ đi đâu, Chử đáp: “Lữ tiên sinh với ta có duyên phận cha con, vẫn nghĩ ngợi mà không làm được, biểu huynh coi việc sổ sách dưới âm ty nên ta đã nhờ thưa giùm với Diêm Vương, may ra thì được,” rồi chào đi, Trần lấy làm lạ lùng. Sáng ra tới thăm nàng ca kỹ họ Lý, định hỏi han về việc chơi thuyền hôm qua, thì nàng đã chết mấy hôm rồi. Lại tới khu vườn của hoàng thân xem thì bài thơ đề trên vách vẫn còn, nhưng nét mực mờ mờ như sắp phai hết, mới biết kẻ đề là hồn, kẻ làm là ma. Đến đêm Lữ mừng rỡ tới nói: “Chuyện ta tính toán may quá đã xong rồi, xin kính cẩn từ biệt ông.” Rồi xòe hai bàn tay ra bảo Trần ghi chữ: “Chử” vào để ghi nhớ. Trần định sai bày rượu tiễn, Chử xua tay nói: “Không cần đâu, nếu ông không quên bạn cũ thì sau khi ra bảng rồi đừng ngại xa xôi.”
Trần gạt lệ đưa ra, thấy một người đang chờ ở cổng. Chử đang còn chần chừ, người ấy đã đưa tay nắm vào đầu, Chử theo tay thu người lại còn bé tí, người ấy liền bỏ vào túi vác đi. Qua mấy hôm sau, quả nhiên có tin Trần thi đỗ, bèn thu xếp hành lý tới đất Việt. Vợ Lữ không sinh đẻ gì đã mười năm, đã hơn năm mươi tuổi chợt sinh một con trai, hai tay cứ nắm chặt vào nhau không sao mở ra được. Trần tới xin cho nhìn đứa nhỏ, lại nói trong tay nó phải có chữ “Chử” không. Lữ chưa tin lắm, nhưng khi đứa nhỏ nhìn thấy Trần chợt xòe mười ngón tay ra, nhìn vào quả đúng. Lữ ngạc nhiên hỏi duyên do, Trần kể lại hết mọi chuyện, mọi người đều kinh ngạc sợ hãi, Trần tặng biếu Lữ rất hậu rồi trở về. Sau Lữ nhờ chân Cống sĩ lên kinh thi đình, tới ở nhà Trần thì đứa nhỏ được mười ba tuổi, đã được vào học ở trường huyện rồi.
Dị Sử thị nói: Già Lữ dạy môn sinh mà không biết đó chính là dạy con mình. Than ôi, làm điều lành cho người thì được điều hay cho mình, chỉ trong chốc lát thôi. Như Chử sinh sau cùng đem thân báo ơn thầy, mà trước tiên đem hồn đền nghĩa bạn, tâm ý cùng hành động đều rạng rỡ với mặt trăng mặt trời, há vì là ma mà lấy làm kỳ dị sao!
204. Cô gái họ Hoắc[1]
[1] Hoắc nữ.
Chu Đại Hưng là người huyện Chương Đức (tỉnh Hà Nam), nhà giàu có nhưng rất keo kiệt bủn xỉn, ngoài lễ cưới hỏi cho con thì trên bàn không có khách, dưới bếp không có thịt. Nhưng tính tình lại bợm bãi thích nữ sắc, có gái bên cạnh thì tiêu bao nhiêu cũng không tiếc, cứ đêm đến là trèo tường qua thôn bên cạnh ngủ với đám đàn bà phóng đãng. Một đêm gặp người thiếu phụ đi một mình, biết là kẻ trốn nhà bỏ đi, bèn ép dẫn về, thắp đèn lên nhìn thì vô cùng xinh đẹp. Nàng tự nói là họ Hoắc, Chu hỏi kỹ lai lịch thì tỏ vẻ không bằng lòng, nói: “Nếu đã thu dung nhau được thì cần gì phải hỏi kỹ. Còn nếu sợ làm lụy cho nhau thì chẳng bằng xin đi ngay.” Chu không dám hỏi nữa, giữ lại trong phòng ngủ. Cô gái không thể ăn uống kham khổ, lại rất ghét thịt cá, phải là yến sào, tim gà, bóng cá nấu thang mới chịu ăn nhưng Chu không tiếc, cứ ra sức cung phụng.
Cô gái lại hay bệnh, nói mỗi ngày phải uống một chén sâm, ban đầu Chu không chịu nhưng nàng cứ rên rỉ như sắp chết, Chu bất đắc dĩ phải cắt thuốc cho thì lại như khỏi bệnh khỏe mạnh như thường. Cô gái mặc quần áo phải là gấm vóc, cứ vài ngày lại bỏ thứ cũ sắm thứ mới. Cứ thế hơn tháng, Chu chịu không xiết, dần dần không cung đốn được, cô gái rơi lệ bỏ ăn, nằng nặc xin đi. Chu sợ lại dịu ngọt khuyên lơn chiều chuộng như cũ. Cô gái lại hay buồn rầu, cứ mỗi ngày lại gọi ban hát tới nhà diễn tuồng, lúc diễn Chu đặt chõng bế con ngồi ngoài nhìn, cô gái vì không có khách cứ chửi mắng, Chu cũng ít khi phân biện. Được hai năm, nhà cửa dần dần sa sút, Chu lựa lời nói với cô gái xin nàng chi tiêu dè sẻn hơn, cô gái ưng thuận, từ đó chi dùng chỉ bằng một nửa lúc trước.
Ít lâu sau vẫn không thể cung đốn được, cô gái bất đắc dĩ phải ăn cháo thịt, kế dần dần cũng phải chịu ăn những món thông thường. Chu mừng thầm, chợt một đêm nàng mở cửa bỏ đi mất. Chu rầu rĩ như mất của, tìm hỏi khắp nơi mới biết nàng tới nhà họ Hà ở thôn bên. Hà là con nhà vọng tộc, tính phóng khoáng hiếu khách, thường đốt đèn yến tiệc đến sáng. Hôm ấy chợt có cô gái đẹp nửa đêm bước vào phòng, hỏi ra thì là người thiếp của Chu bỏ trốn. Hà vốn biết rõ Chu là người thế nào, lại thích cô gái xinh đẹp bèn thu nạp, ăn ở được vài ngày càng thêm si mê, cứ để nàng mặc tình hoang phí, cung phụng như Chu trước kia. Chu được tin qua đòi nhưng Hà không hề quan tâm, Chu liền kiện lên quan. Quan hỏi tên họ lai lịch cô gái, Chu đều không biết rõ, quan bèn để đó không xét xử gì nữa.
Chu bán gia sản đút lót mới được xét xử, cô gái nói với Hà: “Thiếp về với họ Chu vốn không có mai mối cưới hỏi, có gì phải sợ.” Hà mừng rỡ, kế đối chất xong trong bọn tân khách có Cố sinh cho là không thể làm như vậy, nói với Hà rằng: “Thu nạp kẻ trốn nhà bỏ đi là đã phạm pháp, huống chi cô gái này vào nhà hoang phí quá độ, cho dù là gia sản ngàn vàng cũng đã chắc lâu dài được chưa?” Hà chợt tỉnh ngộ xin thôi kiện, đưa trả cô gái về cho Chu, nhưng được hai ba hôm thì nàng lại trốn đi. Có Hoàng sinh vốn là học trò nghèo, không có vợ. Cô gái gõ cửa vào nhà, nói rõ mình ở đâu tới. Hoàng sợ phạm pháp vì đột nhiên có người đẹp tới nhà, sợ hãi không biết làm sao, chỉ cố từ chối nhưng cô gái vẫn không chịu đi. Trong lúc đối đáp nàng tỏ vẻ rất nhu mì trong trắng, Hoàng xiêu lòng bèn giữ lại, nhưng sợ nàng không chịu yên phận nghèo hèn. Cô gái dậy sớm làm lụng việc nhà, vất vả còn hơn vợ thật.
Hoàng là người hiểu nhiều biết rộng, phóng khoáng đa tình mà cô gái lại giỏi chiều chuộng, vì thế hận gặp nhau quá muộn, chỉ sợ tin tức lộ ra không được chung sống lâu dài. Nhưng Chu từ sau vụ kiện càng nghèo, lại cho rằng cô gái nhất định không chịu yên phận nên cũng bỏ qua không tìm nữa. Cô gái ở với Hoàng được vài năm, tình nghĩa rất thắm thiết, một hôm chợt nói muốn về thăm nhà, xin Hoàng đưa tiễn. Hoàng nói: “Trước nàng nói rằng không có nhà cửa, tại sao trước sau bất nhất như vậy?” Cô gái đáp: “Lúc trước là thiếp nói dối, chứ thiếp là người huyện Trấn Giang (tỉnh Giang Tô) trước theo kẻ phóng đãng lưu lạc giang hồ nên mới đến nông nỗi này. Nhà thiếp cũng giàu có, chàng cứ cố tìm tới, ắt có báo đáp.” Hoàng theo lời, thuê kiệu cùng đi, tới địa phận Dương Châu ghé thuyền vào bờ sông. Cô gái ngồi trong thuyền nhìn ra, có người nhà buôn lớn nhìn thấy ngạc nhiên vì nàng quá đẹp, quay thuyền lại đuổi theo mà Hoàng không hề biết.
Cô gái chợt nói: “Nhà chàng nghèo quá, nay có một cách chữa bệnh nghèo, không biết chàng có chịu không?” Hoàng hỏi cách gì, nàng đáp: “Thiếp theo chàng mấy năm chưa từng sinh đẻ, đó cũng là một điều không hay. Thiếp tuy quê mùa nhưng may cũng chưa già, nếu có ai đem ngàn lượng vàng mua thiếp đi, thì bấy nhiêu đủ cho chàng có vợ đẹp ruộng tốt, cách đó thế nào?” Hoàng biến sắc không biết vì sao nàng nói thế, cô gái cười nói: “Chàng đừng vội, trên đời vốn có nhiều người đẹp, ai mà chịu bỏ ngàn vàng mua thiếp? Nhưng nói đùa biết đâu cũng có thật, chứ bán hay không bán là tùy chàng thôi.” Cô gái bèn nói với vợ người nhà thuyền, người đàn bà nhìn Hoàng, Hoàng ngần ngại chưa lên tiếng, người đàn bà liền đi, giây lát quay về nói thuyền bên có người nhà buôn lớn xin bỏ ra tám trăm lượng. Hoàng cố ý xua tay làm ra vẻ không được, không bao lâu người đàn bà quay lại nói người nhà buôn ưng thuận, xin mời qua ngay thuyền để giao tiền.
Hoàng cười khẽ, cô gái nói: “Người ta mời qua làm giấy ký tên đấy, đi hay không thì tùy chàng thôi.” Hoàng không chịu, cô gái cứ hối thúc, Hoàng bất đắc dĩ phải qua. Trong giây lát giấy tờ làm xong, tiền bạc giao đủ, Hoàng bảo gói kín lại, nói: “Chỉ vì nghèo nên phải dứt tình, nếu vợ ta không chịu theo, thì vẫn có đủ tiền trả lại.” Vừa chở tiền về thuyền thì thấy cô gái đã theo người vợ nhà thuyền từ đuôi thuyền leo qua thuyền người nhà buôn, từ xa vẫy tay chào, không hề tỏ vẻ lưu luyến gì cả. Hoàng buồn rầu vì biệt ly, thổn thức không nói nên lời. Giây lát thuyền kia nhổ neo lướt đi như tên bắn, Hoàng gào lớn muốn đuổi theo, nhà thuyền không chịu, nhổ neo đi về phía nam. Trong nháy mắt đã tới Trấn Giang, Hoàng đem tiền lên bờ xong, nhà thuyền vội nhổ neo rời bến. Hoàng ôm hành lý ngồi buồn rầu, không biết về đâu, nhìn sóng nước lăn tăn trên sông thấy như có hàng vạn mũi kim châm vào lòng. Đang còn gạt lệ chợt có tiếng êm ái gọi Hoàng lang, ngạc nhiên nhìn quanh thì cô gái đã đứng trên con đường trước mặt, Hoàng mừng quá xách hành lý đi theo.
Hỏi sao nàng tới mau thế, cô gái cười đáp: “Nếu chậm vài khắc nữa chắc chàng sẽ sinh nghi.” Hoàng lại ngờ rằng nàng là người phi thường, hết sức gạn hỏi, cô gái cười nói: “Thiếp bình sinh gặp kẻ keo kiệt thì phá của, gặp kẻ dâm tà thì lừa bịp, nếu bàn thật ắt chàng sẽ không chịu, thì làm sao có được ngàn vàng? Bây giờ túi đã đầy tiền, lại còn châu về Hiệp Phố, chàng có được đủ cả tiền cả vợ, còn hỏi làm gì?” Bèn cầm giúp hành lý đưa nhau đi, khỏi cửa sông có một căn nhà quay mặt về hướng nam bèn vào. Giây lát cha mẹ anh trai chị dâu nhao nhao ra đón, đều nói: “Hoàng lang tới rồi.” Hoàng vào lạy ra mắt cha mẹ vợ, thấy có hai thiếu niên bèn vái chào rồi cùng ngồi trò chuyện, đó là anh trai và em trai của cô gái là Đại lang và Tam lang. Trong bàn tiệc không có nhiều món, chỉ bày có bốn đĩa mà chật cả bàn, gồm gà cua ngỗng cá đầy vun lên. Hai thiếu niên lấy chén lớn mời rượu, trò chuyện phóng khoáng.
Kế dẫn Hoàng vào một gian nhà riêng cho vợ chồng cùng ở, nệm gối đều tinh khiết sạch sẽ nhưng trên giường thì lót da thay nệm, hàng ngày có tớ gái đưa cơm tới ba bữa, nhưng cô gái có khi cả ngày không thấy tới. Hoàng ở một mình thấy buồn khổ quá, mấy lần đòi về, nhưng cô gái cố giữ lại. Một hôm nàng nói với Hoàng: “Nay tính toán cho chàng thì xin nên cưới một người vợ để có con nối dõi, nhưng cưới vợ lẽ thì giá cao, chàng nên giả làm anh thiếp, nói cha lo cưới vợ cho thì tìm con nhà lương dân không khó lắm,” Hoàng không chịu nhưng nàng không nghe. Có con gái Cống sĩ họ Trương vừa góa chồng, đòi sính lễ trăm quan tiền, cô gái ép Hoàng cưới về. Người vợ mới tên A Mỹ, cũng xinh đẹp, cô gái gọi là chị dâu. Hoàng áy náy không yên lòng nhưng nàng vẫn thản nhiên. Ngày khác nàng nói với Hoàng: “Thiếp sắp theo chị cả tới Nam Hải thăm bà dì một lần, hơn một tháng sẽ về, xin hai vợ chồng cứ ở đây,” rồi đi.
Hai vợ chồng ở riêng một gian, nhà cô gái vẫn đưa đồ ăn thức uống qua cho, lại càng đầy đủ chu tất. Nhưng từ khi Hoàng tới đó thì không ai bước vào phòng, mỗi sáng A Mỹ qua hầu mẹ chỉ nói một đôi câu là về, chị gái em dâu ngồi cạnh cũng chỉ nhìn nhau cười một cái, cho dù ngồi lâu hơn cũng chẳng trò chuyện gì nhiều. Hoàng thấy cha cô gái cũng vậy, có khi đang ngồi trò chuyện với các con trai, nhưng Hoàng tới thì tất cả đều im lặng. Hoàng nghi ngờ buồn bực nhưng không nói ra được, A Mỹ biết ý hỏi rằng: “Chàng là anh em với mấy người kia, tại sao cả tháng nay thấy đối xử với nhau cứ như khách lạ thế?” Hoàng thảng thốt không sao đáp được, ấp úng nói: “Ta xa nhà mười năm, nay mới trở về.” A Mỹ lại hỏi kỹ từ gia thế cha mẹ chồng tới quê quán các chị em dâu, Hoàng quýnh quáng không thể giấu giếm bèn kể thật hết. Nàng khóc nói: “Nhà thiếp tuy nghèo nhưng không ai làm lẽ mọn, chẳng lạ gì các chị em dâu khinh rẻ không coi ngang hàng.”
Hoàng sợ hãi lúng túng không biết tính sao, chỉ quỳ rạp trước mặt xin nhất nhất tuân lời, A Mỹ gạt lệ kéo đứng lên, hỏi qua việc định xử sự thế nào. Hoàng đáp: “Ta đâu dám có ý gì khác, chỉ còn tùy ý nàng muốn bỏ thì bỏ thôi.” Nàng nói: “Đã lấy chồng lại bỏ về, nỡ lòng nào làm thế? Người kia tuy theo chàng trước nhưng là do ý riêng, thiếp tuy tới sau nhưng đúng lễ chung, chẳng bằng cứ chờ nàng về hỏi xem đã bày ra cách này thì sẽ đặt thiếp vào đâu?” Được vài tháng cô gái vẫn không về, một đêm nghe ngoài phòng khách có tiếng người uống rượu ồn ào, Hoàng lén dậy ra nhìn xem, thấy hai người khách mặc nhung phục ngồi trên, một người đội khăn da báo, oai mãnh như thiên thần, phía đông là một người lấy da đầu cọp làm mũ đâu mâu, miệng cọp ngoạm vào đỉnh đầu, tai mũi đều còn đủ. Hoàng kinh sợ trở về kể cho A Mỹ, càng không biết cha con họ Hoắc là hạng người nào. Vợ chồng ngờ vực sợ hãi bàn nhau tìm chỗ khác ở, nhưng lại sợ sinh chuyện ngang trái. Hoàng nói: “Nói thật với nàng nếu người từ Nam Hải về thì chuyện chia tay nhau cũng đã định rồi, ta cũng không thể ở đây được. Nay muốn đưa nàng đi, lại sợ nhạc phụ đại nhân nói này khác, chẳng bằng cứ tạm chia tay, trong vòng hai năm ta sẽ trở lại, nếu nàng đợi được thì đợi, nếu có ai cưới thì tùy ý nàng.” A Mỹ muốn nói cho cha mẹ biết để đi theo, Hoàng không chịu, A Mỹ gạt lệ đòi Hoàng phải thề thốt, sau đó chia tay trở về.
Hoàng vào từ giã cha mẹ cô gái, lúc ấy hai người con trai đi vắng. Ông Hoắc giữ lại bảo chờ họ về, Hoàng không nghe cứ ra đi, buồn rầu lên thuyền, lòng dạ tan nát. Đến Qua Châu (thuộc tỉnh Giang Tô) chợt quay nhìn thấy một cánh buồm đuổi tới, lướt nhanh như bay, dần dần tới gần thì người chống kiếm ngồi đầu thuyền là Hoắc Đại lang, từ xa đã nói vọng tới: “Ông muốn trở về sao không bàn kỹ lần nữa? Để phu nhân lại mà bỏ đi, hai ba năm thì ai mà chờ được.” Nói xong thì thuyền đã tới sát, A Mỹ từ trong bước ra, Đại lang kéo lên thuyền của Hoàng, rồi nhảy trở lại đi mất. Trước là A Mỹ vừa về tới nhà khóc kể cho cha mẹ, chợt Đại lang đem kiệu tới cổng, chống kiếm uy hiếp bắt nàng đi ngay, cả nhà run sợ nín thở không dám nói một câu cản trở. Nghe nàng kể như thế, Hoàng không hiểu họ Hoắc có ý gì, nhưng được A Mỹ cũng rất mừng, bèn nhổ neo lên đường. Về tới nhà đem tiền ra mua sắm ruộng vườn, nổi tiếng giàu có.
A Mỹ nhớ cha mẹ, muốn Hoàng đi thăm một lần, nhưng lại sợ cô gái họ Hoắc tới thì lại có chuyện tranh giành ngôi thứ. Không bao lâu ông Trương tới thăm, thấy nhà cửa cao ráo cũng được an ủi, nói với con gái rằng: “Sau khi con đi, ta cho người tới nhà họ Hoắc hỏi dò nhưng chỉ thấy cửa đóng chặt, chủ nhà cũng chẳng biết gì, nửa năm sau cũng không có tin tức. Mẹ con ngày nào cũng khóc, cho rằng con bị kẻ gian bắt đi bán rồi, không biết lưu lạc tới nơi đâu, nay vẫn may không sao chứ?” Hoàng kể thật lại sự tình, mọi người vì vậy cho rằng họ Hoắc là thần. Về sau A Mỹ sinh con trai, đặt tên là Tiên Tứ, năm hơn mười tuổi mẹ sai đi Trấn Giang.
Tới địa giới Dương Châu vào nghỉ ở nhà trọ, bọn gia nhân đi theo đều ra ngoài, chợt có cô gái tới kéo đứa nhỏ vào phòng khác, buông rèm rồi bế ngồi lên đầu gối, cười hỏi tên gì, đứa nhỏ nói tên. Cô gái lại hỏi tên ấy có ý nghĩa là gì, đứa nhỏ nói không biết, cô gái nói cứ về hỏi cha thì sẽ biết. Rồi búi tóc cho, lấy cành thoa trên đầu cắm vào thay trâm, tháo vòng vàng đeo vào cổ tay, lại lấy vàng cho vào túi áo đứa nhỏ nói: “Về rồi mua sách mà đọc.” Đứa nhỏ hỏi bà là ai, nàng đáp: “Con không biết là còn có một mẹ khác à? Về nói với cha rằng Chu Đại Hưng chết không có quan tài, nên giúp đỡ cho y, đừng có quên đấy.” Người lão bộc quay trở về phòng không thấy thiếu chủ đâu, tìm tới phòng ấy nghe đang nói chuyện với người khác bèn nhìn vào thì ra là chủ mẫu cũ, khẽ hắng giọng định chào hỏi thì cô gái đặt đứa nhỏ lên giường rồi biến mất. Hỏi tới người thuê phòng ấy thì không biết là ai. Mấy hôm sau từ Trấn Giang trở về kể lại với Hoàng, lại đưa những thứ cô gái tặng ra cho xem, Hoàng thở than không thôi, khi hỏi tới Chu thì đã chết ba ngày, xác còn đó chưa chôn được, bèn giúp đỡ cho rất hậu.
Dị Sử thị nói: Cô gái là tiên chăng? Ba lần thay chồng quả không thể gọi là trinh, nhưng gặp kẻ keo kiệt thì phá của, gặp kẻ dâm tà thì kìm chế, cô gái không phải là người vô tâm đâu. Nhưng đã phá của thì không cần thương xót nữa, bọn người tham dâm keo kiệt mà chết ở ngòi rãnh thì có gì đáng tiếc chứ?