Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XI - Chương 205 - 206 - 207 - 208 - 209 - 210 - 211

205. Khách buôn vải[1]

[1] Bố thương.

Có người khách buôn vải là Mỗ tới đất Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông), tình cờ ghé thăm ngôi chùa bỏ hoang, thấy chùa thiền đổ nát than thở không thôi. Sư đứng bên cạnh nói: “Nếu thí chủ có lòng thiện tín, xây lại sơn môn thì mặt Phật cũng được rạng rỡ.” Khách khảng khái nhận lời, sư mừng rỡ mời vào phương trượng khoản đãi rất ân cần, kế dắt đi khắp phòng ốc trong ngoài, xin sửa sang hết. Khách từ chối là không đủ sức, sư cố ép buộc, giận dữ quát tháo. Khách sợ xin đưa tiền ngay, rồi dốc túi đưa hết tiền bạc ra. Lúc sắp ra về thì sư chặn lại nói: “Ông hết sạch cả tiền vốn không phải là tình nguyện, nhất định không cam lòng. Chẳng bằng ta phải tính trước,” rồi cầm đao ra. Khách lạy lục năn nỉ cũng không nghe, bèn xin được tự thắt cổ, sư ưng thuận dắt vào phòng kín, ép thắt cổ ngay. Vừa gặp lúc có quan Phòng hải tướng quân đi ngang qua chùa, nhìn vào chỗ tường vỡ thấy có một người con gái áo đỏ chui vào phòng sư lấy làm ngờ vực bèn xuống ngựa vào sai quân tìm kiếm khắp cả trước sau đều không thấy đâu. Tới chỗ phòng kín thấy hai cánh cửa đóng chặt, sư lại không chịu mở, nói thác là bên trong có yêu quái. Tướng quân tức giận sai phá cửa vào, thấy khách đã treo cổ lên xà nhà vội cứu xuống, giây lát thì sống lại. Hỏi han sự tình, lại tra hỏi cô gái ở đâu thì quả thật không có, thắc là thần phật hóa thân ra mà thôi. Bèn giết sư, trả hết tiền bạc lại cho khách. Khách càng dốc lòng sửa sang chùa chiền, từ đó lửa hương không ngớt. Hiếu liêm Triệu Phong Nguyên kể lại chuyện này rất tường tận.

206. Bành Nhị Tranh

Ông Hàn Phủ ở huyện Võ Thành (tỉnh Sơn Đông) kể có lần đi cùng đường với người trong huyện là Bành Nhị Tranh, chợt quay đầu lại thì không thấy đâu, chỉ còn con ngựa theo sau. Nhưng nghe có tiếng kêu gào rất gấp, lắng nghe thì từ cái túi da trên lưng ngựa phát ra. Tới gần xem thì cái túi vẫn như cũ, tuy rất nặng nhưng vẫn không rơi xuống. Muốn cứu ra thì miệng túi đã bị khâu kín, lấy dao cắt chỉ thấy Bành Nhị Tranh nằm co như con chó ở trong. Cứu ra rồi, hỏi tại sao lại vào được trong bao, Bành cũng ngơ ngác không hiểu, chắc là nhà ấy bị hồ quấy phá, những chuyện như thế rất nhiều.

207. Thần nhảy[1]

[1] Khiêu thần.

Tục ở đất Tế (tỉnh Sơn Đông) trong dân gian hễ ai bị bệnh thì vợ con đi bói toán rồi mời bà đồng tới lắc vòng sắt đánh trống con làm như dáng nhảy nhót, gọi là Thần nhảy. Tục ấy ở thành thị lại càng thịnh hành, các thiếu phụ nhà lương dân vẫn thường làm. Trong sảnh đường bày thịt trên giá, chứa rượu trong chậu bày cả lên bàn, đốt đuốc sáng như ban ngày. Bà đồng mặc quần ngắn, đứng co một chân như con cò, có hai người nắm tay đỡ hai bên, miệng lẩm bẩm không ngừng như ca hát mà cũng như khấn khứa. Số người đã có chồng và người góa chồng xấp xỉ như nhau, cùng nhảy nhót theo tiếng kèn. Kế đánh một hồi trống vang rền như sấm điếc cả tai, rồi bà đồng rẽ mọi người ra, vì tiếng trống ầm ĩ nên không nghe rõ là nói gì. Kế bà ta cúi đầu liếc ngang, đứng cả hai chân xuống đất nhưng không có người đỡ nên ngã ngay, chợt lại vươn cổ nhảy dựng lên cách mặt đất cả thước. Đàn bà con gái trong nhà sợ sệt nói với nhau: “Ông bà về ăn uống đấy!” Rồi thổi một hơi tắt hết đèn đuốc. Trong ngoài tối đen như mực, mọi người nín thở đứng trong bóng tối không dám trò chuyện với nhau một câu nhưng có nói cũng không nghe vì có nhiều tiếng động đang rộn lên.

Khoảng xong bữa cơm thì nghe bà đồng lớn tiếng gọi tên tục của cha mẹ vợ chồng chủ nhà, mọi người mới cùng nhau thắp đèn lên khom lưng hỏi chuyện lành dữ. Thấy rượu thịt trên bàn đã hết sạch, cứ nhìn mặt bà đồng xem mừng giận ra sao mà khép nép thưa gởi, còn bà ta đáp nghe vang rền. Có ai thầm dè bỉu thì thần biết ngay, chỉ vào mặt nói ngươi dám cười ta thì thực là đại bất kính, phải lột quần ngươi. Người dè bỉu nhìn lại mình thì quả nhiên đã bị lột truồng, cứ ra cành cây cao nhất ngoài cổng sẽ tìm thấy quần trên đó. Đàn bà con gái cả vùng thờ phụng rất kính cẩn, có điều gì nghi ngờ hỏi tới thì thần quyết cho ngay. Có lúc bà đồng lại ăn mặc nghiêm trang cưỡi cọp giả làm ngựa, cầm binh khí dài múa trên sạp, gọi là Thần cọp nhảy (Khiêu hổ thần). Những người đóng giả cọp thì làm ra vẻ dữ tợn, gầm thét ầm ĩ. Có khi thần xưng là Quan Công Trương Phi hay thần Nguyên Đàn, không có tên gọi nhất định, dáng vẻ khí thế hung dữ làm người ta phải khiếp sợ. Có người đàn ông lẻn vào nhìn trộm, bị binh khí dài đâm qua song cửa xuyên trúng mũ. Khi thần đã nhập thì phụ nữ cả nhà từ mẹ chồng con dâu tới các chị em gái đều kính kính cẩn cẩn đứng xếp hàng ngay ngắn, không dám nghĩ bậy, không dám ngả ngớn.

208. Công phu Thiết bsam[1]

[1] Thiết bsam pháp.

Sa Hồi Tử học được công phu Thiết bố sam, xòe bàn tay ra có thể chém đứt đầu trâu, đâm thủng bụng trâu. Từng ở nhà Cừu công tử và Bành tam gia, treo khúc gỗ trên không, sai hai người đầy tớ khỏe mạnh nắm một đầu hết sức thúc vào bụng, bình một tiếng, khúc gỗ văng ra xa. Lại lấy hết sức thúc vào hạ bộ cũng không hề hấn gì, duy chỉ sợ đao kiếm mà thôi.

209. Đầu mỹ nhân[1]

[1] Mỹ nhân thủ.

Có bọn khách thương ngụ ở kinh, nhà trọ liền với hàng xóm, cách một bức vách, vách ván bị mục thủng một lỗ to bằng cái chậu. Chợt có một cô gái thò đầu vào nhìn, búi tóc cài trâm rất lộng lẫy, kế lại đưa một cánh tay qua, thấy trắng như ngọc. Mọi người hoảng sợ cho là yêu quái, toan nắm lấy thì đã rút ra. Giây lát lại thò vào, cách vách nên không thấy người, chạy mau ra xem thì đã biến mất. Một người bèn cầm dao núp dưới vách, giây lát cái đầu thò vào, y vùng dậy chém, cái đầu theo dao rơi xuống, máu bắn tung tóe lên vách. Mọi người phát hoảng báo cho chủ nhà trọ, chủ nhà trọ sợ hãi đem cái đầu lên báo quan. Quan bắt bọn khách thương tới hỏi cung thấy thưa bẩm rất hoang đường bèn giam giữ suốt nửa năm, họ đều kêu van là không biết gì, kế không thấy ai kiện tụng bèn tha ra, sai chôn cái đầu cô gái.

210. Thần núi[1]

[1] Sơn thần.

Lý Hội Đẩu ở Ích Đô (tỉnh Tứ Xuyên) ngẫu nhiên đi ngang qua núi, gặp vài người đang ngồi dưới đất uống rượu, thấy Lý đều cung kính đứng dậy mời cùng ngồi, rót rượu mời mọc. Nhìn vào mâm thấy đủ thứ rau cỏ, uống với nhau một lúc rất vui vẻ, nhưng rượu rất nhạt. Chợt có một người đi tới, mặt hẹp mà dài khoảng hai ba thước, đội mũ cao mà nhỏ. Cả bọn hoảng sợ nói: “Thần núi tới rồi,” cùng nhao nhao bỏ chạy. Lý cũng nằm rạp xuống núp dưới hố, lát sau dậy xem thì không thấy rượu thịt gì cả chỉ có vài món bát đĩa vỡ đầy cát bụi vứt lăn lóc, trên mảnh ngói có mấy con rắn mối mà thôi.

211. Tướng quân họ Khố[1]

[1] Khố tướng quân.

Khố Đại Hữu tự Quân Thục là người huyện Dương ở Hán Trung (tỉnh Tứ Xuyên) đậu Cử nhân võ, theo làm tướng trong quân Tổ Thuật Vũ[2]. Tổ rất quý trọng, cất nhắc mấy lần, dần thăng tới chức Tổng nhưng của nhà ngụy Chu. Sau thấy thế đã nguy, ngầm đem quân đánh Tổ, chém Tổ bị thương ở tay rồi bắt sống giải về nộp cho Tổng đốc Thái. Tới kinh đô, Khố nằm mơ thấy bị giải tới âm ty, Diêm Vương giận là bất nghĩa, sai quỷ tất lấy dầu sôi đổ vào chân. Tỉnh dậy thì chân đau không sao chịu nổi, kế lở ra máu mủ bê bết, các ngón rụng hết, lại thêm bị mê sảng, cứ gào lớn rằng: “Ta quả là kẻ bất nghĩa, ta quả là kẻ bất nghĩa!” Rồi chết.

[2] Tố Thuật Vũ: tướng của Bình Tây vương Ngô Tam Quế thời Thanh, theo giúp Ngô Tam Quế làm phản chống lại nhà Thanh, chiếm cứ vùng đất phía nam Trung Quốc, xưng quốc hiệu là Chu, sau bị nhà Thanh đánh bại.

Dị Sử thị nói: Thờ ngụy triều thì vốn không thể nói là trung, nhưng được coi như bậc quốc sĩ hay kẻ tầm thường thì chịu ơn cũng phải báo đáp, chỉ là người hào kiệt thì buộc mình phải báo đáp sao cho xứng đáng mà thôi[3]. Chuyện này quả cũng có thể để răn những kẻ bầy tôi ăn ở hai lòng trong thiên hạ vậy.

[3] Dự Nhượng người nước Tấn thời Chiến quốc theo thờ họ Phạm Trung Hàng, họ Phạm không biết tài bèn bỏ theo thờ Trí Bá, được Trí Bá rất kính trọng. Sau Trí Bá bị Triệu Tương tử giết, Dự Nhượng nuốt than sơn mặt đổi giọng nói thay vẻ mặt để hành thích Tương tử nhưng bại lộ bị bắt. Tương tử hỏi: “Trước ông đã thờ họ Phạm Trung Hàng rồi, sao lại liều chết báo thù cho Trí Bá?” Nhượng đáp: “Họ Phạm coi ta là kẻ tầm thường thì ta báo đáp như kẻ tầm thường còn Trí Bá coi ta như bậc quốc sĩ nên ta báo đáp theo kiểu quốc sĩ.” Cả câu ý nói kẻ hào kiệt phải đền ơn theo kiểu hào kiệt chứ không thể tính toán so kè là chịu ơn nhỏ hay lớn được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3