Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XII - Chương 216 - 217
216. Tiết Ủy Nương
Phong Ngọc Quế là nho sĩ ở Liêu Thành, nghèo khổ không có cách mưu sinh. Trong niên hiệu Sùng Trinh thời Minh (1628-1643) gặp năm mất mùa lớn, lẻ loi đi xa kiếm ăn. Hơn một năm định về, tới huyện Nghi (tỉnh Sơn Đông) thì mắc bệnh, cố sức đi mau được vài dặm, tới một đám mộ hoang phía nam thành thì quá mệt nên nằm xuống cạnh một ngôi mộ. Giây lát mê đi như nằm mơ, thấy tới một nhà nọ, có ông già trong cổng bước ra mời vào, nhà có hai gian đều xoàng xĩnh, trong phòng có một cô gái tuổi khoảng mười sáu mười bảy, dung mạo xinh đẹp ông già sai sắc thuốc, rót vào chén bằng đất đưa lên cho khách rồi hỏi quê quán tuổi tác, sinh đáp xong bèn nói: “Ta là Lý Hồng Đô người huyện Bình Dương (tỉnh Sơn Tây) lưu ngụ ở đây đã ba mươi hai năm rồi. Xin ông nhớ kỹ nhà này, con cháu của ta nếu có tới hỏi xin làm phiền chỉ cho, lão phu không dám quên ơn. Nghĩa nữ đây tên Ủy Nương cũng không xấu xí lắm, xin gả cho bậc quân tử, hôm nào con thứ ba của ta tới sẽ đính ước.”
Sinh mừng rỡ lạy nói: “Thân trâu ngựa đã hai mươi hai tuổi vẫn chưa có vợ, được đội ơn cho làm thân thích thì may lắm, có điều không biết con cháu của cha chỗ nào để tìm tới?” Ông già đáp: “Ông chỉ cần ở lại trong thôn này, chờ hơn một tháng sẽ có người tới, chỉ cần chúng cầu xin gì thì đừng từ chối thôi.” Sinh sợ là bất tín, đòi ông già phải cam kết, nói: “Nói thật với cha, nhà ta chỉ có bốn bức vách, e ngày sau không làm được điều cha mong muốn, nửa chừng bỏ dở không làm được thì cũng không lấy được vợ, nên không dám không xin một lời hứa chắc chắn, chứ không ngại gì chuyện khác.” Ông già cười nói: “Ông muốn lão phu thề phải không? Ta vốn biết ông nghèo, nhờ việc này không phải để trói buộc ông đâu. Ủy Nương mồ côi không nơi nương tựa, ở với ta đã lâu, không nỡ để cho nó phải lưu lạc nên đem dâng cho bậc quân tử thôi, ông đừng nghi ngờ.” Kế cầm tay đưa sinh ra cửa, chắp tay chào rồi đóng cửa quay vào.
Sinh chợt tỉnh dậy, thấy mình đang nằm cạnh ngôi mộ mà trời đã gần trưa bèn gượng dậy lần vào thôn. Người trong thôn nhìn thấy đều hoảng sợ, nói đã chết cạnh đường hơn một ngày rồi, sinh mới sực hiểu ra rằng ông già tức là người chôn trong mộ, giữ kín không nói ra, chỉ xin họ cho ở trọ. Người trong thôn sợ sinh lại chết nên không ai dám cho ở, trong thôn có người Tú tài cùng họ với sinh nghe thấy tới hỏi gia thế, té ra là chú họ của sinh, mừng rỡ dắt về nhà lo cơm nước thuốc thang cho, vài hôm thì khỏi bệnh. Sinh thuật lại chuyện mình gặp, người chú cũng ngạc nhiên lạ lùng, bèn chờ xem ra sao.
Không bao lâu quả có vị quan nhân tới thôn hỏi thăm mộ cha chôn ở đâu, tự nói là Tiến sĩ Lý Thúc Hướng ở huyện Bình Dương. Trước đó Lý Hồng Đô đi buôn xa với người đồng hương là Giáp, chết ở đất Nghi, Giáp bèn chôn chỗ đám mộ hoang, vừa về tới nhà thì cũng chết. Lúc ấy ba con của Hồng Đô đều còn nhỏ, con lớn là Bá Nhân, sau thi đậu Tiến sĩ, làm Tri huyện Hoài Nam, mấy lần sai người tìm hỏi mộ cha nhưng không ai biết. Con kế là Trọng Đạo, sau thi đỗ Cử nhân. Thúc Hướng là con út cũng thi đỗ Tiến sĩ, lúc ấy đích thân đi tìm mộ cha, tới đất Nghi hỏi thăm khắp cả. Hôm ấy hỏi người trong thôn mà không ai biết, sinh bèn đưa tới chỗ ngôi mộ chỉ cho.
Thúc Hướng thấy sinh trẻ tuổi chưa dám tin hẳn, sinh bèn thuật lại chuyện mình đã gặp, Thúc Hướng lấy làm lạ, nhìn kỹ thì có hai ngôi mộ liền nhau, có người nói ba năm trước có vị quan chôn người thiếp ở đó. Thúc Hướng sợ đào nhầm mộ, sinh bèn chỉ chỗ mình đã nằm. Thúc Hướng liền sai đem quan tài tới để bên cạnh rồi mới cho đào, đào lên thì thấy xác một cô gái, quần áo đã mủn nát nhưng mặt mũi vẫn tươi tắn như còn sống. Thúc Hương thấy lầm, sợ quá không biết làm sao nhưng cô gái đã ngồi dậy nhìn quanh nói: “Tam ca tới rồi.” Thúc Hướng ngạc nhiên tới gần hỏi han thì là Ủy Nương, liền cho nàng thay áo đổi giày đưa về nhà trọ, rồi vội đào ngôi mộ bên cạnh, mong cha cũng sống lại, nhưng đào lên thấy da thịt còn nguyên mà vỗ gọi vẫn cứng đờ, thương xót vô cùng, bèn mặc áo mới cho vào quan tài, cúng tế bảy hôm, cô gái cũng chít khăn để tang như con gái ruột.
Chợt nói với Thúc Hướng rằng: “Trước cha có hai nén vàng, từng chia cho em một nén làm của hồi môn nhưng vì em yếu ớt không có chỗ cất giấu nên cha lấy vải màu buộc chặt trong lưng chưa từng rời ra, anh có nhặt được không?” Thúc Hướng không biết, bảo sinh quay lại chỗ ngôi mộ, quả nhiên tìm thấy đúng như lời cô gái nói. Thúc Hướng vẫn theo lời cha, chia tặng Ủy Nương một nén rồi hỏi han gia thế của nàng. Trước đây cha cô gái là Tiết Dần Hầu không có con trai, chỉ sinh được Ủy Nương nên rất thương yêu. Một hôm cô gái từ nhà cậu ở Kim Lăng về, cùng bà vú tới bến dò hỏi thuê thuyền, thì nhà thuyền là một người làm mai ở Kim Lăng.
Lúc ấy có vị quan hết hạn về kinh muốn tìm một người thiếp trẻ nhưng y giới thiệu mấy đám đều không vừa ý, nên định đi thuyền tới Quảng Lăng (huyện Giang Đô). Chợt gặp cô gái y nghĩ ra kế lừa gạt, vội gọi thuyền kia tới bên cạnh. Bà vú vốn quen y bèn đi cùng đường, giữa đường y bày tiệc bỏ thuốc độc vào thức ăn, cô gái và bà vú đều mê man, y bèn xô bà vú xuống sông, chở cô gái trở về bán cho vị quan nọ. Tới nơi, vợ cả hay được vô cùng tức giận, cô gái cũng ngơ ngác không biết làm lễ ra mắt, vợ cả đánh đập nhốt lại. Lên bờ đi được ba ngày cô gái mới tỉnh hẳn, đám tỳ nữ kể lại đầu đuôi, nàng òa lên khóc. Một đêm ngủ lại đất Nghi, nàng tự thắt cổ chết, họ bèn chôn ở đám mộ hoang. Cô gái tới bị đám ma ở đó trêu ghẹo ức hiếp, ông Lý ra quát đuổi chúng đi, nàng bèn nhận ông làm cha. Ông nói: “Số con chưa phải chết, ta sẽ chọn cho một người chồng vừa ý.”
Hôm sinh đã trở ra ông quay vào nói với nàng rằng: “Người này nhân phẩm có thể nương dựa, chờ tam ca của con tới làm chủ hôn cho.” Một hôm lại nói: “Con có thể về, tam ca con sắp tới rồi,” đó là hôm quật mộ vậy. Cô gái thuật lại hết cho Thúc Hướng nghe, Thúc Hướng than thở hồi lâu rồi lập tức nhận nàng làm em gái, đổi theo họ Lý, mua sắm quần áo cho nàng rồi gả cho sinh, nói: “Trên đường không có nhiều tiền bạc, không thể mua sắm đầy đủ cho em, muốn tất cả cùng về cho mẹ vui, em nghĩ sao?” Cô gái cũng vui vẻ, rồi đó vợ chồng theo Thúc Hướng đưa linh cữu về. Tới nhà, bà mẹ hỏi biết đầu đuôi, thương yêu Ủy Nương còn hơn con ruột, cho ở một căn nhà riêng.
Lúc chôn cất, cô gái khóc thương còn hơn cả con cháu trong nhà, mẹ càng thương yêu, không cho về Sơn Đông, bảo các con trai mua nhà cho nàng. Vừa gặp lúc có họ Phùng bán nhà, ra giá sáu trăm đồng vàng, lúc gấp gáp chưa lo được đủ tiền bèn làm giấy tờ hẹn ngày trả đủ. Đến ngày hẹn, Phùng tới sớm, vừa gặp lúc cô gái cũng từ nhà riêng qua hầu mẹ, bất ngờ gặp nhau, thấy rất giống người nhà thuyền năm trước, Phùng cũng như e sợ cô gái, vội vã đi ra. Hai anh vì thấy mẹ khó ở cũng tới thăm hỏi, cô gái hỏi người thong thả đi trước phòng khách là ai, Trọng Đạo nói: “Suýt nữa thì quên, đó ắt là kẻ bán nhà hôm trước.” Rồi lập tức đứng dậy bước ra, cô gái giữ lại nói rõ điều mình nghi ngờ, bảo anh căn vặn thử xem, Trọng Đạo gật đầu bước ra thì Phùng đã đi mất, chỉ còn ông thầy dạy học ở ngõ nam là Tiết tiên sinh ở đó. Nhân hỏi sao lại tới đây, Tiết đáp: “Tối qua họ Phùng nhờ ta tới sớm làm chứng ký tên vào giấy bán nhà, vừa rồi gặp nhau trên đường, y nói là quên một việc ở nhà phải về rồi sẽ quay lại ngay, bảo ta cứ ngồi ở đây đợi.” Giây lát sinh và Thúc Hướng cùng tới, cùng nhau trò chuyện. Ủy Nương vì việc gặp Phùng cũng núp sau bình phong nhìn trộm khách, nhìn kỹ thì té ra là cha mình bèn chạy ngay ra ôm cha khóc lớn.
Tiết kinh ngạc rơi lệ nói: “Con ta sao lại tới đây mọi người mới biết Tiết là Dần Hầu.” Trọng Đạo tuy có gặp mấy lần trên đường nhưng cũng chưa từng hỏi tên ông ta, đến lúc ấy rất mừng bèn kể lại chuyện trước, mở tiệc ăn mừng rồi giữ ở lại đó. Tiết kể lại chuyện mình, đại khái sau khi con gái thất tung thì vợ buồn rầu mà chết, ông ta góa vợ không còn ai để nhờ vả nên du học tới đây. Sinh hẹn mua nhà xong sẽ đón ông về ở cùng. Hôm sau đi dò xem thì Phùng đã dắt gia đình trốn mất, mới biết kẻ giết bà vú bán Ủy Nương là y. Lúc đầu Phùng tới Bình Dương buôn bán trở nên giàu có, năm ấy cờ bạc nên dần dần sa sút mới bán nhà, số tiền bán Ủy Nương kể như mất trắng. Ủy Nương được nhà ở cũng không căm hờn gì lắm, chỉ chọn ngày tới ở chứ không sai người tìm bắt y. Mẹ Lý liên tiếp sai mang đồ đạc qua cho, tất cả những thứ vật dụng thường ngày đều chu cấp đủ, sinh bèn ở lại luôn Bình Dương, chỉ về quê dự thi, lấy làm khổ cực nhưng may mắn thi đỗ Cử nhân khoa ấy.
Ủy Nương giàu có, thường nghĩ tới bà vú chết vì mình, vẫn nghĩ cách đền ơn cho con bà ta. Chồng bà vú họ Ân, có một con trai tên Phú, ưa cờ bạc, nghèo không có miếng đất cắm dùi. Một hôm Phú đánh bạc cãi nhau, lỡ tay giết người, chạy trốn tới Bình Dương, tuy không quen sinh nhưng biết Ủy Nương nên tới xin giúp đỡ. Sinh mừng rỡ giữ lại hỏi han cặn kẽ, Phú nói tên họ người bị mình giết, té ra là Phùng Mỗ. Sinh kinh sợ than thở hồi lâu rồi nói rõ, Phú mới biết Phùng là người giết mẹ mình, càng thêm vui mừng, bèn ở lại làm thuê hầu hạ cho nhà sinh, cũng ở gần đó. Tiết Dần Hầu tới ở nhà con rể, con rể cưới vợ cho, sinh được một trai một gái.
217. Điền Tử Thành
Điền Tử Thành ở huyện Giang Ninh (tỉnh Giang Tô) qua hồ Động Đình, bị đắm thuyền chết. Con là Tiến sĩ Lương Tự cuối thời Minh, lúc ấy còn ẵm ngửa, vợ là Đỗ thị nghe tin uống thuốc độc tự tử. Lương Tự được bà nội thứ nuôi nấng nên người. Sau đi làm quan ở Hồ Bắc, hơn một năm vâng lệnh quan trên đi công vụ tới Hồ Nam. Lương Tự tới hồ Động Đình thì khóc lớn quay về, tự trình là không đủ tài năng, bị giáng làm Huyện thừa huyện Hán Dương, rất không vui bèn chối từ không nhận chức. Các quan trên bắt ép thôi thúc mãi mới chịu đi, nhưng cứ rong chơi trong chốn sông hồ, không vì đang làm quan mà giữ gìn câu nệ. Một đêm ghé thuyền bên bờ sông, nghe thấy tiếng tiêu dìu dặt rất hay, bèn nhân có trăng lên bộ đi khoảng nửa dặm thì thấy giữa bãi đất trống có vài gian nhà tranh lập lòe ánh đèn.
Tới gần nhìn vào cửa sổ thấy ba người đang uống rượu bên trong, ghế trên là một người Tú tài tuổi khoảng ba mươi, ghế dưới là một ông già, ghế bên cạnh chính là người thổi tiêu, trẻ tuổi nhất. Dứt khúc tiêu, ông già vỗ tay khen hay, người Tú tài thì nhìn vào vách trầm tư tựa hồ không hề nghe thấy. Ông già nói: “Lô Thập huynh ắt đã có thơ hay, xin ngâm lớn lên cho ta được nghe với,” người Tú tài bèn ngâm:
“Mãn giang phong nguyệt lãnh thê thê,
Sấu thảo linh hoa hóa tác nê.
Thiên lý vân sơn phi bất đáo,
Mông hồn dạ dạ Trúc Kiều tê (tây).”
(Trăng gió đầy sông lạnh tịch liêu
Hoa rơi cỏ úa cảnh tiêu điều
Quê nhà ngàn dặm bay không tới
Hồn mộng đêm đêm cạnh Trúc Kiều.)
Tiếng ngâm rất ai oán, ông già cười nói: “Lô Thập huynh cứ làm ra vẻ buồn rầu.” Rồi lấy chén lớn rót rượu, nói: “Lão phu không thể họa thơ, xin hát để đưa cay vậy.” Liền hát bài “Rượu ngon Lan Đình”[1], hát xong mọi người đều vui vẻ. Thiếu niên đứng lên nói: “Ta ra xem trăng lặn tới đâu rồi,” rồi sấn sổ bước ra, nhìn thấy khách vỗ tay nói: “Ngoài này có người, bọn ta ngông cuồng bị bắt gặp rồi.” Liền kéo khách vào, Lương Tự chào hỏi mọi người xong, ông già bảo ngồi đối diện với thiếu niên. Lương Tự nâng chén rượu nhắp thử thấy lạnh ngắt, từ chối không uống. Thiếu niên biết ý lập tức đứng dậy, vơ cỏ rơm hâm nóng bưng lên, Lương Tự cũng sai người hầu lấy tiền đi mua rượu nhưng họ cố ngăn lại.
[1] Nguyên văn là “Lan Đình mỹ tửu” tức “Lan Đình mỹ tửu uất kim hương”, câu trong bài Khách trung hành của Lý Bạch thời Đường.
Nhân hỏi tên họ quê quán, Lương Tự nói hết về mình, ông già kính cẩn nói: “Đó là quê cha mẹ ta, ta họ Giang tên Thiếu Quân, sinh trưởng ở đây,” kế chỉ thiếu niên nói: “Đây là Đỗ Dã Hầu ở Giang Tây.” Lại chỉ người Tú tài nói: “Lô Thập huynh đây là đồng hương với ông.” Lô nhìn Lương Tự có vẻ ngạo nghễ vô lễ, Lương Tự nhân hỏi: “Nhà ông ở làng nào, thi tài như thế mà sao ta không được nghe ai nói?” Tú tài đáp: “Xa nhà đã lâu, họ hàng cũng không ai biết, nghĩ thật đáng buồn, không muốn nói ra.” Ông già xua tay rối lên nói: “Gặp được khách quý, không có tửu lệnh thì cứ ăn nói lằng nhằng như thế, nghe chán lắm.” Rồi nâng chén uống một mình, kế nói: “Ta có một cái lệnh xin mọi người cùng làm theo, ai không làm được sẽ bị phạt. Cứ gieo ba hột xúc xắc, lấy chữ “Tương phùng” làm lệnh, lại phải có một khúc hát cổ phù hợp.”
Rồi gieo được ba mặt nhất nhị tam, bèn đọc: “Tam thêm nhị nhất cũng tương đồng. Xôi nếp ba năm hẹn Phạm công[2] mừng bè bạn tương phùng.” Kế tới thiếu niên gieo được hai mặt nhị một mặt tứ, nói: “Người không đọc sách thì chỉ hát khúc dân dã, xin chớ cười. Tứ thêm hai nhị cũng tương đồng, bốn người gặp gỡ ở thành đông[3], mừng huynh đệ tương phùng.” Lô gieo được hai mặt nhất một mặt nhị, đọc: “Nhị thêm hai nhất cũng tương đồng, Lữ Hướng hai tay ôm lão ông[4], mừng phụ tử tương phùng.” Lương Tự gieo cũng được như Lô, đọc: “Nhị thêm hai nhất cũng tương đồng, Mao Dung hai chén đãi Lâm Tông[5] mừng chủ khách tương phùng.”
[2] Xôi nếp ba năm hẹn Phạm công: lấy tích Trương Thiệu thời Hán vào nhà Thái học, chơi thân với Phạm Thúc. Khi về, Thúc hẹn ba năm sẽ tới làm lễ ra mắt mẹ Thiệu. Gần đến ngày hẹn, Thiệu thưa với mẹ xin giết gà đồ xôi để đợi, mẹ nói: “Xa cách ba năm, hẹn nhau ngàn dặm, sao con tin quá thế!” Đến ngày hẹn quả nhiên Thúc tới. Đây ông già có ý nói Lương Tự là bạn quý của mình.
[3] Bốn người gặp gỡ ở thành đông: lấy tích ba anh em kết nghĩa Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi thời Hán thua trận lạc nhau mỗi người một nơi, sau Quan Vũ biết anh còn sống bèn từ giã Tào Tháo đi tìm anh, cuối cùng ba người gặp nhau ở Cổ Thành, lại được thêm Triệu Vân. Đây thiếu niên có ý nói Lương Tự là anh em với mình.
[4] Lữ Hướng hai tay ôm lão ông: lấy tích Lữ Hướng thời Tấn có cha đi xa mấy năm không về, sau nghe đồn cha còn sống nhưng Hướng đi tìm kiếm khắp nơi suốt mấy năm không gặp. Sau Hướng thi đỗ làm quan, một hôm từ triều ra gặp một ông già, nhìn kỹ thì đúng là cha mình, vội xuống ngựa ôm chân cha khóc ròng rồi đón về nhà. Đây Lô có ý nói Lương Tự là con mình.
[5] Mao Dung hai chén đãi Lâm Tông: lấy tích Mao Dung thời Hán chơi với Quách Thái tự Lâm Tông, Thái tới nhà Dung chơi ngủ lại, sáng ra thấy Tông giết gà làm cơm, nghĩ rằng là để đãi mình, kế Dung bưng thịt gà lên mời mẹ, còn mình dọn rau ăn chung với Thái, Thái phục là hiền. Đây Lương Tự có ý nói tuy mình với ba người kia là bạn, nhưng còn có phận sự của kẻ làm con nên phải ra về.
Xong lệnh Lương Tự cáo từ ra về, Lô mới đứng lên nói: “Là người quê cũ, chưa kịp trò chuyện gì nhiều, sao từ biệt sớm thế. Ta còn có chuyện muốn hỏi, xin nán lại thêm một lúc.” Lương Tự bèn ngồi xuống, hỏi chuyện gì, Lô đáp: “Ta có người bạn già chết đuối ở hồ Động Đình, có họ hàng gì với ông không?” Lương Tự đáp: “Đó là cha ta, sao ông biết được?” Lô đáp: “Lúc trẻ chơi thân với nhau, lúc ông ấy chết chỉ có ta nhìn thấy nên đã thu hài cốt chôn ở bờ sông.” Lương Tự rơi lệ quỳ lạy xin chỉ mộ ở đâu, Lô nói: “Sáng mai tới đây ta sẽ chỉ cho, cũng dễ nhận thôi, cứ ra cách đây mấy quãng, cứ thấy trên mộ có khóm lau rậm gồm mười cây là đúng.” Lương Tự khóc ròng cáo từ mọi người, về tới thuyền cả đêm không ngủ được. Lại sực nhớ tới lời lẽ thái độ của Lô như đều có duyên do, sốt ruột không chờ được, mờ sáng trở lại chỗ đó thì không thấy nhà cửa gì cả, vô cùng khiếp sợ.
Kế ra chỗ Lô nói tìm quả nhiên thấy một ngôi mộ trên có khóm lau rậm, đếm thì đúng có mười cây, sực hiểu rằng cái tên Lô Thập huynh là có ngụ ý, người mình gặp chính là hồn cha. Hỏi kỹ dân ở đó thì hai mươi năm trước vùng này có ông họ Cao giàu có hay làm điều lành, ai chết đuối đều tìm vớt thây chôn cất cho, nên có mấy ngôi mộ ở đây. Bèn quật mộ thu lượm hài cốt trở lại thuyền, về nói với bà nội, hỏi lại nét mặt tướng mạo thì đều đúng. Đỗ Dã Hầu ở Giang Tây chính là anh con cô con cậu với Lương Tự, năm mười chín tuổi chết đuối trên sông, sau đó người cha tới lưu ngụ ở Giang Tây. Lại chợt nghĩ ra rằng sau khi Đỗ phu nhân chết thì chôn ở phía tây Trúc Kiều, nên trong bài thơ của cha mới có câu cuối như vậy, chỉ không rõ ông già kia là ai mà thôi.