Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XII - Chương 219 - 220 - 221
219. Chử Toại Lương
Huyện Trường Sơn (tỉnh Liêu Ninh) có người dân là Triệu Mỗ, thuê nhà của người hào phú, mắc bệnh có khối u không tiêu mà cô đơn, nghèo khổ không đủ ăn, dần dần bệnh càng nặng. Một hôm cố sức lết ra ngoài cho mát, nằm ngủ dưới thềm, khi tỉnh dậy thấy một mỹ nhân tuyệt thế ngồi bên cạnh bèn hỏi. Cô gái đáp: “Ta đến đây để làm vợ ngươi.” Mỗ hoảng sợ nói: “Chưa nói tới chuyện kẻ nghèo không dám mong bậy, chỉ nói tới chuyện đang mắc bệnh sắp chết thì cưới vợ làm gì?” Cô gái tự nói là có thể chữa được, Mỗ nói: “Bệnh của ta không phải một ngày một buổi mà chữa được, mà cho dù có phương thuốc hay cũng không có tiền mà mua.” Cô gái nói: “Ta chữa bệnh không cần dùng thuốc.” Rồi xoa mạnh lên bụng Triệu, Triệu thấy nóng như lửa, hồi lâu khối u trong bụng có tiếng ùng ục, giây lát thấy muốn đi đại tiện, vội vùng dậy chạy ra ngoài tuột quần ngồi xuống ỉa tung tóe, khối u cũng theo ra hết, thấy trong người dễ chịu bèn quay lại nói với cô gái: “Nương tử là người thần ở đâu xin cho biết tên họ để ta thờ cúng.” Cô gái đáp: “Ta là hồ tiên, chàng là Chử Toại Lương thời Đường[1] vốn có ơn với nhà thiếp, thường ghi nhớ muốn báo đáp, từ bấy đến nay tìm khắp nơi, hôm nay mới gặp được, thật là thỏa nguyện.”
[1] Chử Toại Lương thời Đường: tức Chử Toại Lương, tự Thiện Đăng, người Tiền Đường, làm quan dưới các triều Thái tông, Cao tông dần tới chức Lại bộ Thượng thư Đồng Tam phẩm, vì can Cao tông lập Vũ hậu không được nên từ chức, bị giáng làm Đô đốc Đàm Châu, kế làm Thứ sử Ái Châu rồi chết.
Mỗ thẹn mình xấu xí nhơ bẩn, lại lo nhà tranh bếp đất làm bẩn xiêm y nhưng cô gái cứ xin vào. Triệu bèn đưa vào nhà, thì giường đất không có chiếu, bếp lạnh không có lửa, nói: “Chưa nói tới tình cảnh thế này không dám làm nhục nhau, cho dù là nàng cam lòng theo thì xin nhìn trên giường không chiếu, dưới bếp không lửa, ta lấy gì mà nuôi vợ con?” Cô gái chỉ nói đừng lo, nói xong quay nhìn thì thấy trên giường đã đủ cả chăn nệm. Đang còn kinh ngạc hỏi han, thì chớp mắt lại thấy cả phòng sáng quắc rực rỡ, mọi đồ vật đều đổi khác, bàn ghế sạch sẽ, rượu thịt đã bày đầy ra, bèn cùng nhau uống rượu rồi kết làm vợ chồng. Chủ nhân nghe chuyện lạ xin được gặp một lần, cô gái lập tức ra gặp, không có vẻ gì là khó chịu. Vì vậy khắp nơi đồn đại, người tới thăm làm quen đông nghẹt ở cửa, cô gái đều tiếp đón không chối từ một ai, có ai mở tiệc mời nàng cũng theo chồng tới.
Một hôm có viên Cử nhân trong tiệc nảy ý tà dâm, cô gái biết ngay, buông lời mỉa mai, lấy tay xô vào đầu y, y chúi ra ngoài, đầu lọt qua chấn song mà người còn vướng bên trong, giãy giụa lăn lộn không sao thoát ra được, mọi người cùng van xin nàng mới tới kéo ra cho. Hơn một năm khách khứa càng đông đúc phiền nhiễu, cô gái phát chán, những kẻ bị nàng chối từ không gặp đều đổ tội cho Triệu. Đến ngày Đoan Ngọ mọi người đang cùng nhau uống rượu, chợt có một con thỏ nhảy vào, cô gái đứng lên nói: “Ông Thung Dược[2] tới mời.” Rồi nói với con thỏ: “Xin mời cứ đi trước.” Con thỏ phóng nhanh ra xa mất hút, nàng bảo Triệu lấy thang, Triệu ra sau nhà lấy chiếc thang dài lên, thấy cao mấy trượng, trước sân có cây đại thụ bèn gác vào, đầu thang còn cao hơn ngọn cây. Cô gái leo lên trước, Triệu cũng theo sau, nàng quay đầu nói: “Các vị bạn bè khách khứa ai muốn theo xin lập tức bước lên.” Mọi người nhìn nhau không ai dám trèo lên, chỉ có một đứa tiểu đồng của chủ nhân hăm hở leo theo, càng lên chiếc thang càng cao, dần dần vào hẳn trong mây không thấy đâu nữa. Mọi người cùng nhìn lại thì chiếc thang là cánh cửa lâu năm mục nát bỏ đi làm tấm ván. Bèn kéo nhau vào xem thì thấy nhà tranh vách đất như cũ, ngoài ra không có vật gì khác, cũng muốn chờ đứa tiểu đồng quay về hỏi han, nhưng rốt lại vẫn bặt tăm.
[2] Ông Thung Dược: Thần dị ký chép trong mặt trăng có con thỏ ngọc cầm chày giã thuốc, nên “thung dược” (giã thuốc trong cối) đây chỉ con thỏ.
220. Công Tôn Hạ
Huyện Bảo Định (tỉnh Hà Bắc) có viên Giám sinh Mỗ định vào kinh nộp tiền mua chức Tri huyện. Đang sửa soạn hành trang thì bị ốm, hơn một tháng không dậy được. Bỗng đứa tiểu đồng vào thưa: “Có khách tới,” Mỗ cũng quên cả bệnh, rảo bước ra đón. Khách ăn mặc sang trọng như người quyền quý, Mỗ vái chào mấy lần rồi mời vào, hỏi từ đâu tới. Khách đáp: “Ta là Công Tôn Hạ, môn khách của hoàng tử thứ mười một. Nghe nói ông sắp vào kinh mua chức Huyện doãn, đã có ý ấy thì mua hẳn chức Thái thú có hơn không?” Mỗ từ tạ, chỉ nói ít tiền không dám ước vọng quá cao. Khách xin ra sức giúp đỡ, nói chỉ cần đưa trước nửa tiền, xong việc sẽ tới nhiệm sở lấy nốt. Mỗ mừng rỡ hỏi cách thức, khách nói: “Các quan Tổng đốc, Tuần phủ đều là bạn thân của ta, chỉ cần đưa tạm năm ngàn quan là mọi việc sẽ xong. Hiện phủ Chân Định đang khuyết chức Thái thú, phải lo cho gấp.” Mỗ ngại vì ở ngay tỉnh nhà, khách cười nói: “Ông ngây thơ quá, đã có tiền đấy rồi thì ai hỏi chuyện quê quán ở đất Ngô hay đất Việt làm gì.” Mỗ rốt lại vẫn ngần ngừ, ngờ là trái phép, khách nói: “Không cần nghi ngại, xin nói thật đây là chức Thành hoàng dưới âm ty bị khuyết. Ông nay tuổi thọ đã hết, tên họ đã ghi vào sổ ma rồi, phải nhân dịp này chạy chọt mới có thể thành bậc quan lớn dưới cõi âm được.” Kế đứng lên từ biệt, nói: “Ông cứ tính đi, ba ngày nữa sẽ gặp lại,” rồi ra cổng lên ngựa đi.
Mỗ chợt mở mắt tỉnh dậy, vĩnh biệt vợ con, bảo mang tiền bạc cất giấu ra chợ mua một vạn thoi vàng giấy, vét sạch mặt hàng ấy trong quận, chất đống trong sân với ngựa cỏ lo đốt ngày đêm, tro cao như núi. Ba ngày sau khách quả tới, Mỗ đem tiền ra đưa, khách lập tức đưa Mỗ tới công thự. Thấy một vị quan lớn ngồi trên điện, Mỗ bèn sụp lạy, vị quan hỏi qua tên họ, kế khuyên Mỗ phải thanh liêm cẩn thận này nọ rồi lấy văn bằng ra, gọi tới trước án đưa cho. Mỗ lạy tạ trở ra, tự nghĩ chức Giám sinh vốn thấp hèn, nếu không có xe kiệu quần áo rực rỡ thì không đủ để trấn áp bọn thuộc lại. Vì thế mua thêm xe ngựa, lại sai bọn quỷ tốt khiêng kiệu kết hoa về đón người thiếp yêu, vừa sắp đặt xong thì nghi trượng từ Chân Định đã tới đón, kéo dài hơn một dặm, thấy suốt đường đi người ta tranh nhau đưa tiễn, vô cùng đắc ý.
Bỗng toán quân mở đường ngừng chiêng trống, dẹp cờ quạt, đang lúc ngờ sợ thì thấy quân kỵ mã đều xuống ngựa phủ phục cạnh đường, người bé khoảng một thước, ngựa nhỏ như con chồn. Toán quân trước xe kinh hãi nói: “Quan Đế tới.” Mỗ hoảng sợ xuống xe, cũng phủ phục dưới đất, từ xa nhìn thấy Đế quân đi với bốn năm kỵ sĩ buông lỏng dây cương chậm rãi đi tới, râu rậm trùm cả gò má, không giống như trong tranh người ta vẽ nhưng thần thái rất uy nghi dũng mãnh, mắt dài gần tới tai. Đế quân ngồi trên ngựa hỏi đây là quan nào, đám tùy tùng thưa là Thái thú Chân Định. Đế quân nói: “Một chức quận thú nhỏ nhoi sao dám phô trương như thế.” Mỗ nghe thấy sởn gai ốc co rúm người, nhìn lại mình thấy chỉ lớn bằng đứa nhỏ sáu bảy tuổi. Đế quân bảo đứng lên đi bộ theo ngựa, cạnh đường có ngôi đền, Đế quân vào ngồi quay mặt về hướng nam, sai lấy giấy bút đưa Mỗ bảo khai họ tên quê quán. Mỗ viết xong trình lên, Đế quân xem nổi giận nói: “Viết chữ sai bét, nguệch ngoạc không ra chữ, là thằng cò mồi ngoài chợ làm sao coi việc dân!” Lại sai tra lại sổ ghi chép việc làm lúc sinh thời, một người bên cạnh quỳ xuống tâu bày, không rõ nói những gì. Đế quân lớn tiếng nói: “Cầu cạnh tiến thân là tội nhỏ, buôn quan bán tước là tội nặng.” Lập tức thấy người ấy bị thần Kim giáp xích lại giải đi. Lại có hai người bắt Mỗ ra, lột hết mũ áo đánh cho năm chục roi tuột hết thịt ở mông đít rồi tống ra cổng.
Mỗ nhìn quanh thì xe ngựa đâu mất hết, đau quá không đi được, chỉ nằm thở dốc trong đám cỏ. Nhìn kỹ chỗ ấy thì cách nhà chưa xa lắm, may mà thân thể nhẹ như chiếc lá nên mất một ngày một đêm mới về được tới nhà, chợt tỉnh cơn mơ rên rỉ trên giường. Người nhà xúm lại hỏi han, chỉ nói rằng bắp đùi đau lắm, té ra đã mê man như chết suốt bảy ngày, lúc ấy mới tỉnh lại. Lại hỏi sao A Lân không tới, đó là tên tự người thiếp. Trước đó A Lân đang ngồi trò chuyện, chợt nói: “Ông ấy đã làm Thái thú Chân Định, sai lính về đón ta đấy,” rồi vào phòng trang điểm thật đẹp, vừa xong thì chết, cũng mới trong đêm trước. Người nhà kể lại chuyện lạ xong, Mỗ hối hận đấm ngực sai để xác đó đừng chôn, mong rằng nàng tỉnh lại. Nhưng mấy ngày sau vẫn không thấy gì, đành đưa đi chôn cất. Bệnh Mỗ đỡ dần, nhưng vết thương ở đùi lại loét to ra, nửa năm mới dậy được, thường tự nhủ: “Tiền mua chức quan đã hết sạch, lại còn bị hình phạt tai bay vạ gió dưới âm ty, bấy nhiêu còn chịu được, nhưng người thiếp yêu không biết đã đi đâu, những lúc khuya vắng mới là khốn khổ đây!”
Dị Sử thị nói: Than ôi, chuyện mua bán vốn không chỉ trong quan trường trên thế gian sao! Cõi âm đã có chuyện ấy, nếu ngựa của Đế quân không kịp tới, thì kẻ tác oai tác phúc đâu có bị trị tội! Nghe đồn tiên sinh Quách Hoa Dã ở hương ta cũng có một chuyện tương tự, cũng là thần trong đám người vậy. Tiên sinh nhờ trong sạch cứng cỏi được vua biết tới, mấy lần cất nhắc lên tới chức Tống chế Kinh Sở (vùng Hồ Nam, Hồ Bắc), lên đường phó nhiệm hành lý sơ sài, chỉ có bốn năm người theo hầu, quần áo đều xoàng xĩnh, người đi đường không ai biết là bậc quan lớn.
Trên đường gặp viên Tri huyện đi nhậm chức cùng đi một đường, thấy có hơn hai mươi chiếc xe lớn, quân dẹp đường tới vài ngàn kỵ mã, quân tùy tùng cũng có hàng trăm người. Tiên sinh cũng không rõ là quan gì, cứ lúc đi trước, lúc theo sau, lúc lại mấy người cưỡi ngựa chen vào hàng ngũ của họ, bị quân tiền khu giận dữ quát tháo xua đuổi nhưng tiên sinh cũng không sợ hãi. Không bao lâu tới một trấn lớn, hai bên cùng ghé vào nghỉ chân, tiên sinh sai tùy tùng dò hỏi thì ra đó là một viên Giám sinh nộp tiền được làm quan đang tới Hồ Nam phó nhiệm.
Bèn sai một người qua tự giới thiệu, viên Tri huyện nghe xong vừa ngờ vừa sợ, đến khi hỏi lai lịch thì biết đúng là tiên sinh, run rẩy không biết làm sao, mặc áo đội mũ khúm núm tới gặp. Tiên sinh hỏi: “Ngươi là Tri huyện huyện Mỗ phải không?” viên ấy thưa phải. Tiên sinh nói: “Một huyện bé tí tẹo làm sao nuôi nổi bấy nhiêu quân tùy tùng? Ngươi mà tới nơi thì một vùng sẽ phải lầm than, không thể để dân khổ cực được, thôi cứ về đi đừng tới phó nhiệm nữa.” Viên Tri huyện dập đầu nói: “Hạ quan còn có văn bằng bổ nhiệm.” Tiên sinh lập tức bảo đưa văn bằng lên, xem xong nói: “Đây là chuyện vặt, ta có thể xin miễn nhiệm thay cho ngươi,” viên Tri huyện đành lạy chào lui ra. Dọc đường y về người ta đều không hiểu vì sao, nhưng đó là do tiên sinh vậy. Trên đời có nhiều kẻ chưa làm quan đã được thăng chức, nghe rất chướng tai, nhưng tiên sinh là bậc kỳ nhân nên mới có được chuyện khoái ý như thế.
220. Nân Châm
Ngu Tiểu Tư người huyện Đông Xương (tỉnh Sơn Đông), làm nghề buôn bán. Vợ là Hạ thị đi thăm cha mẹ trở về, thấy ngoài cửa có người đàn bà dắt đứa con gái nhỏ khóc lóc rất bi ai. Hạ hỏi thì gạt lệ trả lời, mới biết chồng bà ta tên Vương Tâm Trai, cũng là con cháu nhà quan, nhà sa sút không đủ ăn, nhờ người làng bảo chúng vay tiền nhà giàu họ Hoàng để tập đi buôn, giữa đường gặp cướp, tai bay vạ gió mất sạch cả tiền, may mà không chết. Về tới nhà, Hoàng qua đòi nợ, tính cả vốn lẫn lãi không dưới ba mươi lượng vàng, thật không sao trả nổi. Hoàng thấy con gái là Nân Châm xinh đẹp, định lấy làm thiếp, sai người bảo chứng tới đòi nợ rồi tỏ ý, nếu chịu sẽ tiếp tục cho thiếu, ngoài ra vẫn đúng giá cô gái mà trả tiền. Vương bàn với vợ, vợ khóc nói: “Nhà ta tuy nghèo nhưng vốn là dòng dõi trâm anh, kẻ kia là tiện dân mới giàu lên, sao dám cưới con gái ta làm thiếp? Vả lại Nân Châm vốn đã hứa gả rồi, chàng đâu thể làm chủ được nữa?”
Trước có Cử nhân họ Phó người cùng huyện chơi thân với Vương, sinh được một trai là A Mão, lúc còn bồng ẵm đã hứa làm thông gia với nhau. Sau Phó vào đất Mân (vùng Phúc Kiến) làm quan, hơn năm thì chết, vợ con không về được, tin tức qua lại thưa dần, nhưng vì cớ ấy nên Nân Châm mười lăm tuổi vẫn chưa lấy chồng. Nghe vợ nhắc lại chuyện ấy Vương không biết nói gì, chỉ tính cách làm sao trả nợ. Vợ nói: “Bất đắc dĩ thì thiếp phải bàn với hai đứa em.” Đại khái vợ Vương họ Phạm, ông nội từng làm quan trong kinh, hai cháu trai còn nhiều ruộng vườn. Hôm sau vợ Vương dắt con về nói với hai em trai, hai người mặc cho khóc lóc, không nói một lời an ủi giúp đỡ. Phạm gào khóc trở về, vừa lúc gặp Hạ hỏi han bèn vừa kể vừa khóc.
Hạ thương xót, nhìn tới cô gái thì thấy mặt mũi sáng sủa đáng yêu, càng thêm mủi lòng bèn mời vào nhà cho ăn uống, an ủi rằng: “Hai mẹ con đừng lo, thiếp xin hết sức giúp đỡ.” Phạm còn chưa kịp cám ơn, cô gái đã khóc lớn lạy phục xuống đất, Hạ càng thêm xót xa. Hạ ngẫm nghĩ rồi nói: “Tuy nhà có chút của cải, nhưng ba mươi lượng vàng cũng không phải dễ, phải cầm bán mới có.” Hai mẹ con lạy chào ra về, Hạ hẹn ba ngày sẽ có tiền. Chia tay xong tính toán đủ cách, cũng chưa dám nói với chồng, qua ba ngày cũng vẫn chưa đủ số, sai người qua hỏi mượn mẹ thì mẹ con Phạm đã tới, bèn kể thật rồi hẹn lại hôm sau. Tối mịt thì gia nhân đem tiền mẹ cho mượn về, Hạ dồn cả vào túi đặt dưới gối.
Đến khuya có tên trộm khoét vách theo ánh đèn mò vào, Hạ tỉnh giấc hé mắt nhìn, thấy một người tay cầm đoản đao, mặt mũi hung dữ sợ quá không dám kêu, cứ giả vờ ngủ say. Tên trộm tới gần cái rương, đã toan mở nắp nhưng nhìn thấy bên gối Hạ có cái túi bèn cầm lấy tới cạnh đèn mở ra xem, kế giắt vào lưng rồi không mở rương lục lọi nữa, bỏ đi luôn. Hạ bèn vùng dậy la lớn, trong nhà chỉ có một đứa tớ gái nhỏ đập vách láng giềng báo, láng giềng họp lại đuổi theo thì tên trộm đã chạy xa rồi. Hạ ngồi trước đèn sụt sùi khóc lóc không bao lâu đứa tớ gái thiếp đi, Hạ thắt dây vào song cửa sổ treo cổ tự tử. Đứa tớ gái tỉnh dậy trời đã sáng bạch, mới gọi người vào cởi dây thì thân thể đã lạnh ngắt. Ngu hay tin vội chạy về, hỏi đứa tớ gái mới biết sự tình, sợ hãi khóc lóc lo chôn cất mà thôi.
Lúc ấy mùa hè nhưng xác Hạ không cứng cũng không thối, qua hơn bảy ngày mới liệm. Chôn cất xong, Nân Châm lén ra khóc lóc cạnh mộ, chợt có cơn mưa rào đổ tới, sấm sét ầm ầm đánh xuống vỡ mộ, cô gái cũng bị chấn động chết luôn. Ngu hay tin vội tới xem thì quan tài đã bật nắp, vợ đang rên rỉ ở trong bèn bế ra, thấy xác cô gái không rõ là ai, Hạ nhìn kỹ mới biết, vô cùng kinh ngạc. Không bao lâu Phạm thị tới, thấy con gái đã chết gào khóc nói: “Vốn đã ngờ là nó ở đây, quả đúng thế! Từ hôm nghe phu nhân tự tử, nó cứ kêu khóc suốt ngày đêm, đêm nay mới nói với ta là muốn ra thăm mộ, mà ta chưa cho.” Hạ cảm vì nghĩa bèn nói với chồng, bèn lấy quan tài chôn mình để chôn cất cô gái, Phạm lạy tạ. Ngu cõng vợ về. Phạm cũng về kể với chồng.
Chợt nghe nói phía bắc thôn có một người bị sét đánh chết giữa đường, trên xác có hàng chữ “Thằng giặc trộm tiền của Hạ thị”, kế nghe láng giềng có tiếng đàn bà khóc, mới biết người chết là chồng chị ta, tên Mã Đại. Người trong thôn lên báo quan, quan sai bắt người đàn bà lên hỏi cung, thì ra Phạm thấy Hạ vay tiền giúp mình cứu con gái nên cảm động khóc lóc kể cho người ta nghe, Mã Đại là kẻ cờ bạc vô lại nghe thấy nổi dạ bất lương. Quan bèn sai giải người đàn bà về nhà lục soát, chỉ còn hai mươi lượng, lại tìm trên xác Mã Đại được bốn lượng nữa, quan phán bán người đàn bà đi bù vào chỗ thiếu trả cho Ngu. Hạ càng mừng rỡ, đưa hết số tiền cho Phạm trả nợ. Chôn cô gái được ba ngày, đêm đến mưa gió sấm sét lại nổi lên đánh vỡ mộ, cô gái cũng sống lại nhưng không chạy về nhà mà tới gõ cửa nhà Hạ thị, đại khái vì nhận ra ngôi mộ, ngờ là Hạ đã sống lại. Hạ nghe tiếng gọi hoảng sợ vùng dậy, cách cánh cửa hỏi vọng ra, cô gái nói: “Phu nhân quả nhiên đã sống lại rồi, con là Nân Châm đây.”
Hạ sợ cho rằng là ma, gọi người đàn bà láng giềng cùng ra hỏi han, đến khi biết là nàng sống lại, mừng rỡ mở cửa đưa vào nhà. Cô gái nói xin theo hầu hạ phu nhân, Hạ nói: “Như thế là nói ta mất tiền để mua tớ gái sao? Chôn ngươi rồi thì nợ cũng đã trả xong, đừng ngờ vực gì!” Cô gái càng cảm động khóc lóc, xin thờ như mẹ, Hạ chưa ưng thuận, nàng lại nói: “Con biết làm lụng, cũng không đến nỗi ngồi ăn không đâu.” Sáng ra báo cho Phạm thị biết, Phạm mừng rỡ vội tới, cũng chiều lòng con gái, lập tức gởi gắm luôn cho Hạ. Phạm đi rồi, Hạ ép đưa cô gái về nhà, cô gái cứ khóc lóc nhớ Hạ. Vương Tâm Trai bèn đích thân dắt nàng tới đưa vào cổng rồi về. Hạ nhìn thấy kinh ngạc hỏi han mới biết nguyên do, bèn mới để nàng ở lại. Ngu vừa tới, cô gái vội quỳ lạy, gọi là cha. Ngu vốn không có con, thấy cô gái dịu dàng khiến người ta thương xót, cũng rất vui mừng. Cô gái học kéo sợi vá may, không nề vất vả. Hạ ốm mấy lần suýt chết, nàng sớm tối hầu hạ, Hạ không ăn cũng không ăn, trên mặt lúc nào cũng có ngấn lệ, thường nói với người ta rằng: “Mẹ mà có bề gì thì ta thề không sống nữa,” Hạ hơi đỡ mới thấy nàng cười. Đến khi Hạ khỏi bệnh, nghe kể lại rơi nước mắt nói: “Ta bốn mươi tuổi mà chưa có con, chỉ cần sinh được một đứa con gái như Nân Châm là đủ.” Hạ từ trẻ không sinh nở, nhưng qua năm sau chợt sinh được một con trai, người ta cho là ở hiền gặp lành.
Được hai năm cô gái càng lớn, Ngu bàn với Vương là không thể giữ lời hứa cũ mãi. Vương nói: “Con gái ở nhà ông, việc gả chồng là tùy ý ông.” Cô gái đã mười bảy tuổi, xinh đẹp vô song, nên lời ấy truyền ra thì những kẻ dạm hỏi nối gót nhau tới cổng, song vợ chồng chỉ trả lời qua quýt. Nhà giàu họ Hoàng cũng sai người mối tới, nhưng Ngu ghét giàu mà bất nhân nên ra sức chối từ mà chọn họ Phùng. Phùng là học trò giỏi trong quận, cũng thông minh giỏi văn chương, Ngu báo với Vương thì Vương đi buôn chưa về, bèn cứ ưng thuận. Hoàng vì Ngu từ chối cũng giả đi buôn, tìm tới chỗ Vương trọ bày tiệc mời mọc, lại giúp tiền bạc làm vốn, dần dần quen thuộc thân mật mới nói con trai mình thông minh lanh lợi, xin hỏi cưới Nân Châm, Vương cảm động vì ân cần lại hâm mộ vì giàu có, bèn hẹn ước với nhau. Trở về tới nói với Ngu, thì hôm trước Ngu vừa nhận thư đính ước của họ Phùng, nghe lời Vương nói rất không thích, gọi cô gái ra kể lại mọi việc. Cô gái bực tức nói: “Chủ nợ ấy là kẻ thù, bắt con lấy kẻ thù, thì chỉ còn một cách chết thôi.” Vương tái mặt, nhờ người nói lại với Hoàng là đã hứa gả con gái cho họ Phùng, Hoàng tức giận nói: “Cô kia họ Vương chứ không phải họ Ngu, ta đính ước trước họ Phùng, sao lại bội ước.” Bèn đâm đơn kiện lên quan huyện, quan huyện có ý muốn xử cho người đính ước trước, bắt gả cô gái cho Hoàng. Phùng nói: “Họ Vương đã gởi gắm con cho ông Ngu, lại nói không dự bàn chuyện cưới gả nữa, vả lại ta đã có thư đính ước còn họ Hoàng chẳng qua chỉ là hẹn ước bên chén rượu mà thôi.” Quan huyện đổi ý, phán cho tùy ý cô gái.
Hoàng về đem tiền đút lót xin quan xử cho mình được, vì thế hơn một tháng không xử xong. Một hôm có viên Cử nhân lên kinh, đi ngang Đông Xương sai người hỏi thăm Vương Tâm Trai, tới hỏi đúng Ngu, Ngu hỏi lại thì viên Cử nhân ấy họ Phó, tức là A Mão vậy. Sau khi nhập tịch ở Phúc Kiến, mười tám tuổi thi đỗ Cử nhân, vì đã có đính ước trước đây nên chưa cưới vợ, mẹ dặn tiện đường ghé thăm Vương xem cô gái đã lấy chồng chưa. Ngu cả mừng, mời Phó tới nhà kể hết những chuyện đã qua, nhưng vì cưới gả ngoài ngàn dặm nên sợ không có gì làm bằng. Phó bèn lấy ra tờ đính ước hôn nhân của Vương ngày trước, Ngu mời Vương tới xem lại quả đúng, tất cả cùng mừng rỡ. Hôm ấy chính là ngày xét xử lại, Phó đưa danh thiếp ra mắt quan huyện, vụ kiện mới thôi. Phó hẹn ngày làm lễ cưới rồi đi. Thi hội xong, Phó mua lễ vật quay về, ở trong nhà cũ làm lễ rước dâu xong thì có tin thi đỗ Tiến sĩ từ Phúc Kiến đưa tới té ra Phó lại đỗ luôn kỳ thi hội. Bèn vào kinh nhận chức trở về cô gái không muốn xuống nam, Phó cũng vì nhà cửa mồ mả ông bà còn đó bèn một mình trở về Phúc Kiến bốc mộ cha rồi đón mẹ cùng về. Vài năm sau Ngu chết, con trai mới có bảy tám tuổi, cô gái chăm sóc còn hơn em ruột, cho đi học, thi đỗ vào trường huyện rất sớm, nhà nổi tiếng giàu có, đều là nhờ Phó cả.
Dị Sử thị nói: Trong đám thần long cũng có bậc hiệp khách ư? Trừng trị kẻ ác làm rõ điều thiện, cứu người giết người đều bằng sấm sét, đó là điệu múa Tiền Đường phá trận[1] vậy. Ầm ầm giáng xuống mấy lần, đều vì một người, biết đâu Nân Châm lại chẳng phải là Long nữ bị đày xuống trần?
[1] Tiền Đường phá trận: xem Truyện Long nữ sau truyện Chúc Thành, quyển III.