Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XII - Chương 222 - 223

222. Hoàn hầu

Bành Hiếu Sĩ ở Kinh Châu (tỉnh Hồ Nam) uống rượu nơi khác về nhà, dọc đường xuống ngựa đi tiểu. Con ngựa cúi xuống ngoạm cỏ bên đường, có một bụi cỏ nhỏ xanh tốt rất đáng yêu vừa trổ hoa vàng rực rỡ chói mắt, con ngựa ăn mất quá nửa. Bành nhổ chỗ còn lại ngửi thấy có mùi hương lạ bèn cất vào túi lại lên ngựa đi tiếp, thấy ngựa phi như bay thích chí cũng không tính đường về, cứ để mặc cho nó chạy. Chợt thấy mặt trời lặn xuống sau núi mới kéo cương nhìn quanh thì thấy núi non trập trùng, không biết là chỗ nào. Chợt có một người áo xanh tới, thấy con ngựa đang hí vang, bèn nắm dây cương nói: “Trời đã xế rồi, chủ ta mời ông ghé lại.” Bành hỏi đây là nơi nào, người ấy đáp: “Là đất Lãng Trung (tỉnh Tứ Xuyên).” Bành cả sợ té ra trong nửa ngày đã đi hơn ngàn dặm, nhân hỏi chủ nhân là ai, người kia đáp: “Tới nơi sẽ biết.” Lại hỏi nhà ở đâu, đáp cũng gần đây thôi, rồi dắt ngựa kéo đi mau.

Bành thấy người ngựa cùng như bay, qua một rặng núi thì có nhà cửa phòng ốc trùng điệp ở lưng chừng núi che khuất lẫn nhau. Từ xa nhìn thấy một đám người áo mũ chỉnh tề như đang chờ ai, Bành tới nơi xuống ngựa thì họ đều vái chào rất cung kính. Kế chủ nhân bước ra, khí thế oai mãnh, y phục đều khác người trần, chắp tay nhìn khách nói: “Khách hôm nay không có ai xa như Bành quân,” rồi vái chào mời Bành đi trước. Bành từ tạ không chịu bước lên, chủ nhân bèn nắm tay kéo đi, Bành thấy tay như bị cùm siết chặt, đau như sắp gãy, không dám tranh cãi nữa bèn đi. Những người còn lại bèn nhường nhau đi trước, chủ nhân đẩy người này kéo người kia, khách đều xuýt xoa rên rỉ muốn quỵ xuống như không chịu nổi, cùng theo lời chủ nhân vào. Tới sảnh đường thấy trần thiết hoa lệ, cứ hai người vào ngồi một bàn. Bành hỏi nhỏ người ngồi với mình rằng chủ nhân là ai, đáp là Hoàn hầu[1], kinh ngạc không dám ho hắng, mọi người cũng đều ngồi im.

[1] Hoàn hầu: tức Trương Phi, tướng và là em kết nghĩa của Thục chủ Lưu Bị thời Tam quốc, nổi tiếng dũng mãnh, trấn thủ Lãng Trung, bị bộ tướng làm phản ám sát, thụy là Hoàn hầu.

Rượu được vài tuần, Hoàn hầu nói: “Hàng năm cứ quấy quả các vị, nên có tiệc mọn để tỏ lòng. Lại được khách từ xa tới, có thể nói là hạnh ngộ, ta muốn xin một vật, nếu thương thì cho, không thì không dám ép.” Bành đứng dậy hỏi vật gì, chủ nhân đáp: “Con ngựa của ông đã có tiên cốt, không phải người trần cưỡi được, xin đổi con khác cho ông, có được không?” Bành đáp: “Xin kính cẩn dâng lên, không dám đánh đổi,” Hoàn hầu nói: “Ta sẽ đền một con ngựa thật tốt, lại tặng thêm vạn lượng vàng.” Bành rời ghế lạy tạ, Hoàn hầu sai kéo đứng lên. Giây lát rượu thịt bày ra la liệt, mặt trời lặn lại sai thắp đèn uống tiếp. Mọi người đều đứng dậy xin thôi, Bành cũng xin cáo từ. Hoàn hầu hỏi: “Ông từ xa tới, tối nay về đâu?” Bành nhìn người ngồi cùng bàn với mình nói: “Đã xin ông đây cho ngủ nhờ tối nay.” Hoàn hầu bèn sai lấy chén lớn rót rượu tiễn khách, nói với Bành rằng: “Bụi cỏ mà ông cất, tươi thì có thể giúp người ta thành tiên, khô thì có thể dùng để điểm kim, bảy cọng là được một vạn lượng vàng.” Rồi lập tức sai tiểu đồng chỉ cách cho Bành, Bành lại lạy tạ. Hoàn hầu nói: “Ngày mai xin ra chợ tới chỗ bán ngựa tùy ý lựa lấy một con, không cần phải trả giá đưa tiền, ta sẽ tính cho.” Lại nói với mọi người rằng: “Ông khách ở xa, lúc trở về nên giúp đỡ ít nhiều tiền đi đường,” mọi người vâng dạ, cạn chén rồi cáo biệt.

Trên đường Bành hỏi họ tên thì người ngồi cùng bàn với mình tên Lưu Tử Vựng, cùng đi hai ba dặm, qua rặng núi thì thấy thôn xóm, mọi người cùng đưa Bành về nhà Lưu rồi kể cho nghe chuyện lạ. Vốn là trong làng hàng năm có tế Hoàn hầu trong miếu, giết bò múa hát để cúng đã thành lệ. Lưu là người chủ tế, vừa cúng xong ba hôm trước, trưa nay chợt có người tới từng nhà mời mọi người vào núi, hỏi ai mời thì đều trả lời qua quýt nhưng hối thúc rất gấp. Qua khỏi rặng núi thấy lầu gác, mọi người nhìn nhau kinh ngạc, sắp tới cổng người kia mới nói thật, mọi người cũng không ai dám từ chối lui về. Người đi mời nói: “Xin cứ họp lại ở đây chờ ta đi mời một người khách xa,” tức là Bành vậy. Bành nghe kể rất lấy làm lạ lùng. Trong bọn có người bị Hoàn hầu nắm tay đau quá sợ gãy xương, cởi áo thắp đèn lên nhìn thì thấy da thịt bầm tím, Bành nhìn lại mình cũng thấy thế. Mọi người ra về, Lưu liền mang chăn chiếu ra ngủ chung với Bành.

Sáng hôm sau trong làng tranh nhau mời cơm, lại theo Bành vào chợ tìm ngựa, hơn mười ngày chọn qua mấy mươi con mà không có ngựa hay, Bành cũng quyết ý tìm bằng được. Hôm sau lại vào chợ, thấy có một con dáng vẻ rất khỏe mạnh, cưỡi thử thấy đúng là tuấn mã bèn trở vào làng đợi người bán nhưng trở lại thì đã bỏ đi mất. Bành bèn từ biệt người làng trở về, mọi người đều mang tiền tới tiễn tặng, ngựa đi một ngày được gần năm trăm dặm, Bành về tới nhà kể lại chuyện, mọi người đều không tin, đến khi Bành lấy những sản vật ở đất Thục (vùng Tứ Xuyên) ra cho xem mới cùng ngạc nhiên kinh sợ. Mớ cỏ lâu ngày khô dần, còn được bảy cọng, Bành theo cách đã được chỉ dẫn làm phép điểm kim, trong nhà vụt giàu hẳn lên. Bèn tìm tới nơi ấy vào miếu Hoàn hầu cúng tế tạ ơn, chơi với người làng ba ngày rồi về.

Dị Sử thị nói: Xem Hoàn hầu mời khách mới tin rằng việc thần Vũ Di mời khách ở Mạn Đình[2] là có thật. Nhưng chủ nhân kính khách, tỏ tình thân ái mà khiến người ta như bị gãy tay thì có thể biết năm xưa khỏe mạnh tới mức nào.

[2] Việc thần Vũ Di mời khách ở Mạn Đình: Chư tiên ký chép năm Thủy Hoàng thứ hai thần núi Vũ Di là Vũ Di quân mời dân làng tới ăn tiệc vào ngày rằm tháng tám trên đỉnh núi, kết lán giăng màn rực rỡ, người ta nhân thế gọi đất ấy là Mạn Đình.

Ngô Mộc Hân kể có Lý sinh môi không che kín miệng, răng vẩu chìa ra ngoài cả đốt ngón tay. Một hôm tới dự tiệc ở nhà nọ, có hai người khách nhường nhau chỗ trên chỗ dưới đến khổ, một người cứ ra sức đẩy lên, một người cứ hết sức ngăn lại, dùng sức mạnh quá vung khuỷu tay ra, đúng lúc Lý đứng phía sau bị khuỷu tay thúc trúng miệng rơi luôn hai chiếc răng cửa, máu tuôn như suối. Mọi người ngạc nhiên, hai người kia mới thôi không tranh cãi nữa. Chuyện ấy cũng buồn cười như chuyện Hoàn hầu nắm tay làm khách muốn gãy xương vậy.

223. Phấn Điệp

Dương Viết Đán là học trò đất Quỳnh Châu (tỉnh Quảng Đông). Tình cờ qua quận khác về nhà, đi thuyền qua biển gặp bão, thuyền sắp đắm, chợt có chiếc thuyền không giạt tới vội nhảy qua, nhìn lại thì những người cùng thuyền đều đã chìm cả. Bão càng mạnh, sinh đành nhắm mắt phó mặc cho gió thổi, không bao lâu trời lặng, mở mắt ra nhìn chợt thấy một hòn đảo nhà cửa san sát, liền chèo vào bờ, đi thẳng tới cổng làng. Thấy trong làng yên ắng, ngồi đó hồi lâu mà không nghe một tiếng gà kêu chó sủa. Thấy có một cánh cổng quay về hướng bắc, tùng trúc hun hút, lúc ấy đang đầu mùa đông, thấy trong tường có gốc cây không biết tên gì mà hoa nở dày đặc, trong lòng thích lắm, lân la lần vào.

Chợt nghe tiếng đàn cầm văng vẳng bèn dừng bước, có người tỳ nữ từ trong bước ra, khoảng mười bốn mười lăm tuổi, phong tư tiêu sái, dung mạo xinh đẹp, vừa thấy Dương vội quay ngay vào. Kế nghe tiếng đàn ngừng lại, kế có một thiếu niên bước ra ngạc nhiên hỏi khách từ đâu tới, Dương kể lại sự tình. Thiếu niên lại hỏi họ tên quê quán, Dương cũng đáp rõ, thiếu niên mừng rỡ nói: “Hóa ra là họ hàng bên vợ ta,” liền vái chào mời vào, thấy nhà trần thiết rất tinh khiết đẹp đẽ, lại nghe tiếng đàn, vào tới trong phòng thấy một thiếu phụ ngồi trên cao gảy đàn, tuổi khoảng mười tám mười chín, phong tư lộng lẫy, thấy khách vào buông đàn định đi. Thiếu niên ngăn lại nói: “Đừng đi, đây là họ hàng bên nàng đấy!” Rồi kể lại lời sinh. Thiếu phụ nói: “Thì ra là cháu ta!” kế hỏi bà nội có khỏe không, cha mẹ bao nhiêu tuổi rồi. Dương đáp: “Cha mẹ cháu đều hơn bốn mươi, vẫn còn khỏe mạnh, bà nội thì đã sáu mươi, bệnh nặng đã lâu, đi đâu cũng phải có người dìu. Cháu thật không biết cô là thế nào trong gia đình, xin cho biết rõ để về kể lại.” Thiếu phụ nói: “Đường xa diệu vợi, không được tin tức lâu rồi, về cứ nói với cha là cô Thập Nương hỏi thăm, cha cháu sẽ biết.” Dương hỏi dượng họ gì, thiếu niên đáp: “Ta họ Ân tên Hải Dự. Nơi đây có tên là đảo Thần Tiên, cách Quỳnh Châu ba ngàn dặm, ta tới ngụ ở đây cũng chưa lâu lắm.”

Thập Nương vào trong sai tỳ nữ làm cơm đãi khách, thấy rau cỏ tươi ngon, cũng không biết tên gọi là gì. Ăn xong dẫn ra ngắm cảnh, thấy đào mận trong vườn vừa có nụ, Dương lấy làm lạ. Ân nói: “Ở đây mùa hè không quá nóng, mùa đông không quá lạnh nên lúc nào cũng có hoa nở.” Dương mừng nói: “Như thế quả là cõi tiên, cháu về sẽ nói với cha mẹ dời nhà tới đây ở với cô dượng,” Ân chỉ mỉm cười. Trở vào phòng sách thắp đèn lên, Dương thấy chiếc đàn cầm đặt ngang trên bàn, xin được nghe một khúc. Ân bèn vặn phím so dây, Thập Nương từ trong ra, Ân nói: “Lại đây! Lại đây! Nàng gảy cho cháu nó nghe đi.” Thập Nương liền ngồi xuống hỏi: “Cháu muốn nghe khúc nào?” Dương đáp: “Cháu chưa từng học đàn, nên thật không biết khúc nào cả.” Thập Nương nói: “Cháu cứ tùy ý ra đề, ta đều có thể gảy thành điệu.”

Dương cười hỏi: “Thế gió biển xô thuyền, có thể gảy thành một khúc được không?” Thập Nương đáp: “Được!” Rồi búng dây như gảy theo bản đàn có sẵn, tình ý lên xuống theo khúc điệu, Dương ngưng thần lắng nghe, thấy mình như đang trong thuyền, bị gió bão xô đẩy lôi kéo. Dương khâm phục sợ hãi, hỏi có học được không, Thập Nương đưa đàn sai gảy thử rồi nói: “Có thể dạy được, vậy cháu muốn học gì?” Dương nói: “Bản Gió bão cô vừa gảy không biết học mấy ngày thì xong? Xin cho chép lại để học thuộc trước.” Thập Nương nói: “Bản đàn ấy không có văn tự, ta chỉ lấy ý mà phổ thành khúc điệu thôi.” Rồi lấy ra một chiếc đàn khác, chỉ các thế tay bấm phím búng dây bảo Dương tập theo. Dương tập đến hơn canh một thì âm thanh tiết tấu đã hơi thành khúc điệu, vợ chồng Thập Nương mới đi nghỉ.

Dương ngưng thần chăm chú một mình tập gảy trước đèn, hồi lâu chợt hiểu thấu chỗ ảo diệu, bất giác vùng dậy múa may. Chợt ngẩng lên thấy người tỳ nữ đang đứng trước đèn, giật mình hỏi: “Nàng vẫn chưa đi nghỉ sao?” Nàng cười đáp: “Cô Mười sai chờ chàng đi nghỉ rồi thì đóng cửa tắt đèn.” Nhìn kỹ thấy nàng mắt tựa hồ thu, thần thái say người, Dương động lòng khẽ khêu gợi, nàng chỉ cúi đầu mỉm cười. Dương càng say mê, đứng vụt dậy ôm chầm lấy, nàng ngăn lại nói: “Đừng làm thế. Đã qua canh tư chủ nhân sắp dậy rồi. Nếu có lòng với nhau, đêm mai cũng chưa muộn.” Đang lúc ôm ấp nhau chợt nghe Ân gọi Phấn Điệp, nàng biến sắc nói: “Chết rồi,” rồi vội vàng chạy đi. Dương lén vào nghe ngóng, thấy Ân nói: “Ta đã nói đứa tỳ nữ này chưa dứt lòng trần, mà mình cứ nhất định thu nhận, nay thì sao nào? Phải đánh nó ba trăm roi.” Thập Nương nói: “Cái ý ấy đã nảy sinh thì không thể dừng được nữa, chẳng bằng cho luôn thằng cháu ta cho xong.” Dương vô cùng thẹn thùng sợ sệt, trở lại phòng tắt đèn đi ngủ.

Sáng ra có đứa tiểu đồng mang nước rửa mặt tới chứ không thấy Phấn Điệp đâu, trong lòng nơm nớp lo bị quở trách. Lát sau Ân và Thập Nương cùng tới, thái độ bình thường như không có chuyện gì, chỉ khảo khúc đàn mới tập. Dương gảy lại một lượt, Thập Nương nói: “Tuy chưa đạt tới chỗ thần diệu nhưng mười phần đã được chín, cố tập cho thành thục thì hay.” Dương lại xin dạy khúc khác, Ân dạy cho khúc Thiên nữ trích giáng, thủ thức mới lạ khó khăn, tập mất ba ngày mới gảy rõ tiếng. Ân nói: “Những cái khó thế là đã học qua hết, từ nay về sau chỉ cần tập cho thành thục thôi. Nếu thuộc được hai khúc này thì trong nghề đàn không còn khúc nào là khó nữa.” Dương nhớ nhà quá, nói với Thập Nương: “Cháu ở đây được cô chăm sóc dạy dỗ rất vui, nhưng vẫn canh cánh nhớ nhà, có điều đường xa ba ngàn dặm không biết ngày nào mới về tới được.” Thập Nương nói: “Chuyện đó không khó. Thuyền cũ còn đó, chỉ cần giúp cháu một cơn gió đưa buồm về. Cháu không có gia thất, ta đã cho Phấn Điệp rồi.” Rồi lấy chiếc đàn tặng cho, lại trao cho thuốc, dặn: “Về đưa bà nội uống, không những khỏi bệnh mà còn kéo dài được tuổi thọ.” Kế tiễn Dương ra bờ biển lên thuyền, Dương tìm mái chèo, Thập Nương nói: “Không cần đâu!” Rồi cởi xiêm làm buồm, căng lên cho Dương. Dương lo lạc đường, Thập Nương nói: “Đừng lo, cứ để cánh buồm đưa đi.” Căng buồm xong, đẩy thuyền ra, Dương buồn rầu đang định bái biệt thì gió nam thổi mạnh, thuyền đã ra xa bờ rồi.

Nhìn lại thuyền thấy đã sẵn lương khô nhưng chỉ đủ ăn một ngày, thầm oán trách cô bủn xỉn, đói bụng mà không dám ăn nhiều, chỉ sợ mau hết. Nhưng cắn một cái bánh thì thấy vừa ngọt vừa thơm, còn sáu bảy cái cẩn thận cất lại thì cũng không thấy đói nữa. Chợt thấy mặt trời sắp lặn, đang hối là lúc lên đường không hỏi lấy đèn đuốc thì trong chớp mắt đã thấy khói cơm chiều xa xa, nhìn kỹ lại thì đã tới Quỳnh Châu. Dương mừng quá chèo vào bờ, tháo tấm xiêm làm buồm, ôm bọc bánh về nhà. Vào tới cổng, cả nhà vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, té ra đã xa nhà mười sáu năm, lúc ấy Dương mới biết mình đã gặp tiên. Vào thăm bà nội thấy già yếu bệnh tật hơn trước, bèn lấy ra đưa bà uống, chứng bệnh lâu ngày lập tức tiêu tan. Mọi người đều lạ lùng, Dương kể lại chuyện mình đã gặp, bà nội rơi nước mắt nói: “Đó là cô ruột cháu đấy!”

Xưa bà có người con gái út tên Thập Nương, vừa sinh ra đã có phong tư thần tiên, hứa gả cho họ Ân nhưng con rể năm mười tuổi vào núi không trở về. Thập Nương chờ đến năm hơn hai mươi tuổi thì chợt không bệnh mà chết, chôn cất đã hơn ba mươi năm. Mọi người nghe Dương kể chuyện xong đều ngờ là Thập Nương chưa chết. Dương đưa tấm xiêm ra thì đúng là vật trước đây cô vẫn mặc ở nhà. Dương chia bánh cho mọi người, chỉ ăn một cái thôi thì cả ngày không thấy đói, mà tinh thần còn phấn chấn hẳn lên. Bà nội sai đào mộ Thập Nương lên xem thì chỉ có chiếc quan tài không. Trước kia Dương đã dạm hỏi cô gái họ Ngô mà chưa cưới, nhưng mấy năm không về nàng ấy đã lấy người khác. Lúc ấy Dương mới tin lời Thập Nương, chờ Phấn Điệp tới nhưng hơn một năm mà vẫn tuyệt vô âm tín, mới bàn tìm cưới người khác. Tú tài họ Tiền ở huyện Lâm có con gái tên Hà Sinh xinh đẹp nổi tiếng xa gần, mười sáu tuổi chưa lấy chồng vì ba người vừa dạm hỏi chưa cưới đã chết. Dương bèn nhờ mai mối định hôn, chọn ngày tốt cưới về. Nàng vào cổng rồi, thấy xinh đẹp tuyệt thế, nhìn kỹ thì là Phấn Điệp. Dương kinh ngạc hỏi chuyện cũ, nàng quên sạch không biết gì cả, thì ra khi bị đuổi cũng là lúc nàng đầu thai xuống trần. Cứ những lúc Dương đàn khúc Thiên nữ trích giáng cho nghe thì nàng liền chống má trầm tư như có chỗ hiểu được vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3