Đánh Thắng B-52 - Lời nói đầu
LỜI NÓI ĐẦU
Hơn hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ngày 18 tháng 12 năm 1972 đã trở thành ngày lịch sử của nhân dân ta, quân đội ta. Riêng đối với Quân chủng Phòng không, ngày 18 tháng 12 năm 1972 đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của mình.
Sự kiện mười hai ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội đã từng làm chấn động dư luận thế giới. Hàng nghìn bài báo, hàng trăm cuốn sách của nhiều tác giả thuộc các chính kiến khác nhau đã viết về sự kiện lịch sử vĩ đại này.
Sau "sự kiện 12 ngày đêm", nhiều người trên thế giới đã đặt câu hỏi "Giá như Việt Nam bị sụp đổ dưới hàng vạn tấn bom rải thảm của B-52 thì vận mệnh của thế giới sẽ ra sao?" Một câu hỏi mang rất nhiều ý nghĩa. Quả thực, vào những ngày đó, bạn bè của ta và những người có lương tri trên toàn thế giới đã thực sự lo lắng cho ta, liệu nhân dân ta có chịu đựng nổi trận đánh tổng lực của không quân chiến lược Mỹ không?
Từ lâu, con "ngoáo ộp" B-52 đã trở thành mối lo sợ dai dẳng đối với những người yếu bóng vía trên thế giới. Các thứ loa tuyên truyền của Mỹ đã khá thành công trong việc tô vẽ cho con "ngoáo ộp" này. Nào là "pháo đài bay bất khả xâm phạm", "siêu pháo đài bay", loại vũ khí "chống nổi dậy trên ba vạn thước Anh". Nó sẽ "trút bom xuống như mưa với những tiếng rít gào, tiếng xé không khí khủng khiếp như giông bão". Nào là "một phi vụ B.52 có thể hủy diệt cả một vùng rộng lớn, để lại trên đó những hố bom chi chít kéo dài hàng ki-lô-mét như những cảnh tượng trên mặt trăng" và "sẽ không còn một sinh vật nào có thể tồn tại nổi dưới những chận mưa bom kinh khủng của B.52 mà", "... Đối phương sẽ bị hủy diệt về quân sư, bị khiếp đảm về tinh thần vì cảm thấy hoàn toàn bất lực trước sức mạnh tàn phá của B.52 mà họ không có cách gì chống lại nổi...", vân vân và vân vân.
Nhưng Việt Nam đã không sụp đổ. Việt Nam đã chiến thắng. Và một câu hỏi lớn khác cũng được đặt ra ngay sau sự kiện mười hai ngày đêm và suốt hai mươi năm nay, người ta vẫn đang đi tìm câu trả lời. Đó là nguyên nhân gì, sức mạnh nào mà với loại tên lửa SAM.2 cổ lỗ, với một quân đội còn non trẻ, một đất nước có nền công nghiệp lạc hậu so với Mỹ hàng thế kỷ... lại có thể bắn rơi hàng loạt B.52, lập nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử chiến tranh, ít nhất đến thời điểm đó.
Là một người có may mắn được tham gia vào sự kiện đánh thắng B.52, từ chiếc B.52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Vĩnh Linh đến chiếc B.52 cuối cùng bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, tôi tự thấy có trách nhiệm kể lại với bạn đọc, với các thế hệ mai sau về một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Hy vọng tập sách sẽ góp được phần nào cho lời giải đáp mà nhiều người trong và ngoài nước đang quan tâm.
Tập hồi ký này được viết cách đây hơn mười năm, trong dịp kỷ niệm lần thứ mười chiến thắng B-52 và đã được đăng tải nhiều kỳ trên báo Đảng. Năm nay Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho in toàn bộ. Về cơ bản tôi không thêm bớt sửa chữa gì, bởi lịch sử diễn ra như thế nào tôi đã ghi lại một cách trung thực như nó vốn có. Như tên của tập sách, tôi chỉ tập trung vào một sự kiện "Đánh thắng B-52", trong phạm vi những gì tôi hiểu biết, được chứng kiến hoặc tham gia và cảm thấy tâm đắc nhất với cương vị của tôi lúc đó.
Với tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc, tôi xin kính dâng những dòng hồi ức tâm huyết này, như một nén hương tưởng niệm những đồng bào, đồng chí đã hy sinh cao cả vì sự nghiệp "Đánh thắng B-52", góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng.
Cuối cùng, cho phép tôi tỏ lời chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tập sách kịp thời ra mắt bạn đọc.
HOÀNG VĂN KHÁNH