Đánh Thắng B-52 - Chương 3 - Phần 1

BA

CHIẾC B-52 ĐẦU TIÊN

Tôi không còn nhớ ai đã đặt cho đoàn đi công tác Vĩnh Linh của chúng tôi hồi ấy một cái tên hay hay, ngồ ngộ: "Đoàn công tác B". Có lẽ chủ yếu là để giữ bí mật thôi. Nhưng không phải là không có ý nghĩa: "Đoàn công tác chỉ đạo đánh B-52." Theo ngôn ngữ quân sự thông dụng của chúng tôi, B và B-52 là một. B là để phân biệt với F, các loại cường kích.

Chúng tôi lên đường lúc tiếng súng bắn trả máy bay địch còn nổ ran trên bầu trời Hà Nội. Kẻ thù đang tiếp tục leo những nấc thang cao nhất. Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1967, tên lửa bảo vệ Hà Nội phối hợp với các binh chủng bạn đã gây cho địch những tổn thất nặng nề. Sắp tới nhất định chúng cũng sẽ tiếp tục bị thất bại. Mắc Cô-nen, tham mưu trưởng không quân Mỹ đã phải thốt lên: "Vùng Hà Nội, Hải Phòng có một hệ thống phòng không vào loại mạnh nhất thế giới." Nhưng chắc chắn bọn không quân Mỹ sẽ chưa cam tâm chịu thất bại, vì cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam còn đang tiếp diễn, và điều quan trọng nữa là chúng còn nắm trong tay con chủ bài chưa có dịp tung ra: con "ngoáo ộp B-52". Tuy B-52 đã được dùng ở miền Nam, ở Vĩnh Linh, nhưng chỉ mới là phục vụ cho mục đích chiến thuật, kết hợp với phô trương sức mạnh để răn đe. Khi mọi thủ đoạn đều đã không đạt được yêu cầu, đến bước đường cùng thì nhất định con chủ bài sẽ được đưa ra.

Đêm trước hôm lên đường, anh Đặng Tính đến thăm và trao đổi với tôi những suy nghĩ đó. Anh nói:

- Cách đây hai năm, Bác đã nói đến B-52. Năm ngoái, trên quyết định cho 238 vào Vĩnh Linh để đánh B-52. Bây giờ Bác và các anh trên Bộ lại nhắc vấn đề B-52, quyết định cử một đồng chí Phó tư lệnh Binh chủng Tên lửa trực tiếp vào Vĩnh Linh chỉ đạo đánh B-52, không phải là không có lý do. Đây là một tầm nhìn chiến lược.

Đến Nghệ An, theo lời dặn của anh Tính, tôi vào Bộ tư lệnh Quân khu 4 để báo cáo nhiệm vụ và tranh thủ thêm sự chỉ đạo của các anh. Anh Quang Trung đang ở mặt trên B-5. Anh Lê Quang Hòa niềm nở bắt tay tôi:

- Thật trúng khía bọn mình quá! Trong ấy sắp đánh to mà B-52 nó hoành hành dữ lắm. Lần này 238 phải quật ngã ít ra là một thằng để nó bớt hung hăng.

Ngày hôm đó, đoàn chúng tôi nghỉ lại ở "Vườn Hồng" (khu nhà khách Quân khu) lấy thêm xăng, chuẩn bị đến tối vượt Bến Thủy.

Trước lúc lên đường, tôi đã dành hẳn hai ngày để nghe các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kĩ thuật báo cáo tình hình trung đoàn 238 từ khi được lệnh vào Vĩnh Linh đánh B-52 đến nay. Đó là một chặng đường gian nan, vất vả, có nhiều thất bại hơn thành công.

Ngày 28 tháng 7 năm 1966, sau khi đánh thắng một trận xuất sắc trên bầu trời thành phố Vinh, tiểu đoàn 84, tiểu đoàn đầu tiên của trung đoàn 238 dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Lê Quang Thành được lệnh vượt Bến Thủy. Ngay đêm đầu tiên đó, chiếc phà ghép ba chiếc thuyền của công binh đã bị lật nhào và chiếc xe xích cùng với bệ phóng mà nó kéo nặng hơn hai mươi tấn rơi tõm xuống sông Lam. May mà đồng chí lái xe chui khỏi buồng lái ngoi lên được.

Tiếp đó, trên đoạn đường từ Nga Lộc đến thị xã Hà Tĩnh lại gặp một trường hợp hú vía. Chiếc xe xích kéo bệ cuối cùng vừa qua khỏi cầu Đông thì cầu bị gãy làm đôi.

Đến vùng Đất Đỏ thì tiểu đoàn 84 bị địch đánh đúng vào vị trí giấu đạn, bảy quả đạn bị hủy. "Nạn" này chưa qua, "nạn" khác lại đến. Vượt được sông Gianh, xe có dàn ăng-ten đi lạc sang đèo Lý Hòa và bị đổ xuống chân đèo, ngập đầy nước mặn.

Kéo được xe lên, tiếp tục hành quân vào Phủ Định, vừa triển khai chiến đấu xong, chưa kịp phóng đạn thì đã bị sơ-rai địch đánh trúng, hỏng khí tài. Hôm sau địch còn cho gần một trăm năm mươi lần chiếc đánh phá hầu như suốt ngày vào trận địa Phủ Định. Hôm sau nữa, lại hàng trăm lần chiếc đến đánh phá. Kẻ địch quyết tâm chặn đứng không cho tên lửa ta vào đến đất Vĩnh Linh. Chúng muốn bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những phi vụ B-52 trên chiến trường Bắc Quảng Trị.

Thế là tiểu đoàn 84, cánh quân đầu tiên của trung đoàn 238 đành phải "nuốt hận" quay trở lại miền Bắc nhận khí tài mới.

Không hề nao núng trước sự chống trả quyết liệt của kẻ thù, các tiểu đoàn 81, 83 lần lượt vượt sông Lam, sông Gianh tiến vào. Cuộc trường chinh của hai tiểu đoàn này là cả một bài ca tuyệt vời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lòng dũng cảm, trí thông minh, ý thức rõ nhiệm vụ nặng nề "phải vào tận hang để bắt cọp", quyết bắn rơi bằng được B-52 đã giúp các chiến sĩ vượt qua chặng đường dài lửa đạn.

Đưa được đoàn xe hàng trăm chiếc với những bệ phóng cồng kềnh, những xe máy to cao, có cái dài hàng chục mét, vượt qua những chặng đường hiểm trở với biết bao đèo, dốc trong lúc kẻ địch điên cuồng chặn đánh, vào được đất Vĩnh Linh đã là một sự tích anh hùng. Tiếp đó, việc đưa cả một tiểu đoàn tên lửa xuống hầm sâu, khôn khéo che mắt địch, trụ vững ở một chiến trường mà bốc một nắm đất ở bất kỳ chỗ nào cũng thấy có sắt thép của bom đạn địch trộn lẫn vào, thì sự tích anh hùng càng phải được nhân gấp nhiều lần.

Thế nhưng chiến thắng vẫn chưa đến với trung đoàn 238. Ngày 15 tháng 3 năm 1967, một trận đánh khá thuận lợi, tưởng đã có thể được bắt đầu và chiến thắng hầu như đã cầm chắc trong tay nhưng đã bị "tuột" mất vì sự thiếu quyết đoán của người chỉ huy. Hôm đó cả hai tiểu đoàn 81, 83 đều phát sóng và bắt được mục tiêu. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 81 Phạm Sơn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 83 Nguyễn Hồng Quảng đều quyết tâm xin đánh, nhưng một tình huống bất ngờ xảy ra: khí tài của tiểu đoàn 83 không ổn định. Trong tình huống đó và trong giây phút hiếm hoi "nghìn năm có một" ấy, đồng chí trung đoàn trưởng lại chần chừ thiếu quyết đoàn không dám cho tiểu đoàn 81 phóng đạn với lý do "đợi hai tiểu đoàn cùng đánh một lúc cho chắc ăn". Ba tốp B-52 lần lượt bay qua trong nỗi tiếc rẻ và oán trách người chỉ huy của các chiến sĩ ở trận địa. Đêm đó ba lần có cơ hội đánh B-52 như vậy nhưng đều không được đánh chỉ vì lý do "muốn ăn chắc". Biết bao tổn thất, hy sinh, biết bao đồng đội thân yêu đã ngã xuống mới đưa được những bệ phóng vào đây. Ấy thế mà khi những chiếc B-52 đã hiện ra trước mắt, những viên đạn đã nằm trên bệ phóng, chỉ cần ấn nút là sẽ bay lên thiêu cháy kẻ thù thì lại không được thực hiện. Sau này, một số anh em ở trung đoàn 238 có nói, giá như hôm ấy bốn quả đạn của tiểu đoàn 81, 83, hoặc chí ít là hai quả đạn của tiểu đoàn 81 được phóng lên thì không những có thể bắn rơi được B-52 mà còn có khả năng bắn rơi tại chỗ. Vì lúc này yếu tố bất ngờ vẫn còn, thủ đoạn nhiễu của địch chưa phải phức tạp lắm. Trong mọi lĩnh vực, vấn đề thời cơ là vô cùng quan trọng. Riêng trong chiến tranh, trong chiến đấu, thời cơ là thắng lợi và thất bại, là xương máu của chiến sĩ. Trong những trường hợp cần thiết, người chỉ huy phải có tính quyết đoán cao, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước thắng lợi của trận đánh. Do dự, chần chừ sẽ biến thắng lợi thành thất bại và dẫn đến những hậu quả không thể lường hết được.

Chỉ hai hôm sau lần đánh hụt B-52 ấy, địch tổ chức một trận đánh hết sức ác liệt vào tiểu đoàn 83 ở Cổ Kiềng. Với hơn một trăm lần chiếc máy bay, địch đã ném xuống gần năm trăm quả bom phá, hàng vạn bom bi, rốc két. Pháo từ bờ nam, pháo từ ngoài biển còn bắn vào hơn một nghìn quả. Chính ở đây một lần nữa lại biểu hiện thái độ do dự, dựa dẫm, sợ trách nhiệm. Trong lúc tiểu đoàn 83 bị đánh gần suốt một ngày, người chỉ huy trung đoàn không dám ra lệnh cho tiểu đoàn 81 ở bên cạnh đánh chi viện. Chắc chắn khi tiểu đoàn 81 phóng đạn, những quả đạn đầu tiên trên vùng trời Vĩnh Linh thì kẻ địch sẽ phải chùn lại, tiểu đoàn 83 sẽ không phải chịu đựng những tổn thất nặng nề như nó phải chịu. Đồng chí Phạm Sơn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 81 kể lại: "Chúng tôi đã sẵn sàng chỉ còn chờ lệnh là phóng đạn chi viện cho 83." Nhưng lệnh đó đã không được phát ra. Vì ở sở chỉ huy trung đoàn còn họp thường vụ, thường vụ chỉ có hai người nên chẳng đi đến một quyết định nào. Sau đó người ta lại gọi điện lên cấp trên để "xin ý kiến". Làm xong được những "thủ tục" đó thì khí tài của tiểu đoàn 83 đã bị đánh hỏng hoàn toàn.

Tiếp theo "mối hận Phủ Định", "mối hận Cổ Kiềng" là một vết thương nhức nhối trong lòng các chiến sĩ trung đoàn 238. Có nhiều đồng chí đã khóc. Khóc vì phải vĩnh biệt những người bạn chiến đấu đã cùng mình đi suốt chặng đường đầy máu lửa mà chưa được nhìn thấy ngày đánh thắng B-52. Khóc vì căm thù kẻ địch tàn bạo, từ trên chín tầng mây ném bom tàn sát đồng bào, đồng chí, mà ta chưa trừng trị được. Có đồng chí còn khóc vì sau bao khó khăn gian khổ, lẽ ra ta đã có thể đánh thắng B-52 trận đầu để đáp lại sự quan tâm của Bác Hồ, sự đùm bọc của đồng bào Vĩnh Linh... Nhưng chỉ vì một phút do dự, chần chừ của người chỉ huy, chiến thắng đã không đến, lại còn bị tổn thất.

Như vậy, con đường dẫn đến chiến thắng B-52 không phải chỉ là những khó khăn về kĩ thuật, chiến thuật, về cách đánh. Những khó khăn đó là vô cùng lớn, đòi hỏi trí thông minh và lòng dũng cảm để vượt qua. Con đường dẫn đến chiến thắng B-52 còn là quá trình đấu tranh để khắc phục những biểu hiện hữu khuynh dao động, do dự, chần chừ, dựa dẫm, sợ trách nhiệm, mà thực chất là thiếu trách nhiệm trước sự hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ và đồng bào.

Ở một chiến trường ác liệt, cái sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nếu không khắc phục được những biểu hiện này một cách triệt để thì tác hại sẽ vô cùng lớn.

Tô có trao đổi những suy nghĩ này với anh Đặng Tính trước lúc lên đường và đề nghị đồng chí Bí thư Đảng ủy Quân chủng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể. Anh Đặng Tính nói:

- Tôi nhất trí với cách đặt ván đề của anh. Bởi vì, tuy đoàn công tác B được giao nhiệm vụ chỉ đạo đánh B-52, nhưng để đánh thắng B-52 đòi hỏi phải giải quyết tổng hợp nhiều vấn đề, không đơn thuần là vấn đề quân sự. Nhưng hiện nay 238 trực thuộc Quân khu 4. Công tác đảng, công tác chính trị đều do Quân khu trực tiếp nắm. Anh vào trong đó tìm hiểu tình hình cụ thể, trực tiếp báo cáo với các anh trong đó để giải quyết, với nguyên tắc là "Tất cả để đánh thắng B-52".

Sẩm tối, chúng tôi vượt phà Bến Thủy. Từ ngày xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại, đây là lần đầu tiên tôi có mặt ở tuyến lửa Quân khu 4. Tôi có nhận xét đầu tiên là ở Hà Nội tuy có những trận đánh lớn đến hàng trăm lần chiếc máy bay địch, nhưng sau đó cuộc sống lại trở lại bình thường. Còn ở đây thì khác hẳn. Hầu như suốt ngày lúc nào cũng có tiếng máy bay địch ở trên đầu, cũng nghe tiếng bom, tiếng đạn, lúc gần, lúc xa. Còn ban đêm thì thêm một "tiết mục" hết sức quen thuộc là pháo sáng, pháo hạm tàu. Cũng dễ hiểu thôi, khi suốt ngày đêm những dòng xe, dòng người của ta tuôn ra tiền tuyến thì suốt ngày suốt ngày đêm địch cũng tìm cách chặn ta lại. Ngăn chặn và chống ngăn chặn là đặc trưng của cuộc chiến đấu trên vùng trời Quân khu 4.

Tháng 8, sông Lam đang mùa nước to. Con phà nặng nề vượt sông đưa chúng tôi sang bờ nam. Tôi đứng tựa lưng vào thành xe, đưa mắt nhìn những chùm pháo sáng thình thoảng lại bùng lên ở chân trời phía nam, nghĩ đến cuộc chiến đấu ở miền đất lửa Vĩnh Linh sắp tới. Không hiểu hai tiểu đoàn 84 và 82 đã vào đến nơi chưa? Dọc đường có được an toàn không? Anh Lê Quang Hòa cho biết, cả hai tiểu đoàn đều rời Nghệ An từ cuối tháng 7, mà hôm nay đã là mùng 10 tháng 8. Nếu không gặp gì trắc trở dọc đường thì toàn bộ khí tài, bệ đạn chắn đã vào được khu cất giấu an toàn. Vấn đề trước mắt bây giờ là huấn luyện. Tiểu đoàn 84 suốt một năm qua tập trung vào việc củng cố khi tài, công tác huấn luyện hầu như không được chú ý đến. Các trắc thủ được gửi đến các tiểu đoàn bạn để học nhờ, nhưng chủ yếu là làm việc "phụ động", thường được "ưu tiên" đi lấy cơm, lấy là ngụy trang. Vì vậy mà lần này đi, tôi mang theo hai đồng chí trợ lý tên lửa vào loại giỏi của Binh chủng Tên lửa là Lê Đức Khuê và Trần Xuân Khuyến để tiến hành công tác huấn luyện ngay tại chiến trường. Vượt phà Bến Thủy, chẳng bao lâu chiếc Gát 69 của chúng tôi đã bon nhanh trên đường số 15, con đường chiến lược quen thuộc đối với những đoàn quân ra trận trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Tôi rất nóng lòng muốn có mặt ở Vĩnh Linh càng sớm càng tốt, vì nhiệm vụ đánh B-52 lần này nằm trong bối cảnh chiến dịch lớn sắp mở ở bắc đường sô 9 do mặt trận B.5 phụ trách. Anh Lê Quang Hòa cho biết anh Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 4 đã vào trong đó hơn một tháng nay.

Xe chạy suốt đêm, mờ sáng hôm sau chúng tôi đến nông trường Phú Quý, lúc này trở thành sở chỉ huy cơ bản của trung đoàn 238. Người đầu tiên chúng tôi gặp ở đây là đồng chí Phạm Sơn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 81, tay băng trắng, treo lủng lẳng trước ngực. Tôi hỏi:

- Sao thế này? Tiểu đoàn đâu?

Phạm Sơn trả lời, không được vui lắm:

- Báo cáo anh nó đánh hỏng hết khí tài rồi. Sau khi tiểu đoàn 83 bị địch đánh, chỉ còn một mình 81 ở lại trụ bám và đánh thắng liền hai trận. Nhưng rất tiếc là chưa phải đánh B-52. Ngày 6 tháng 7 vừa qua, tiểu đoàn 81 đánh thắng trận thứ ba, bắn rơi một F-4 nhưng lại bị địch đánh trả bằng sơ-rai đúng vào xe điều khiển. Sĩ quan điều khiển Lê Hồng Thịnh đã anh dũng hy sinh ngay tại vị trí chiến đấu của mình. Trung úy kỹ sư Nguyễn Đức Lượng, trợ lý ban kĩ thuật trung đoàn xuống giúp tiểu đoàn 81 hiệu chỉnh khí tài cũng hy sinh ngay trong xe. Quả sơ-rai tai ác ấy còn làm đại đội trưởng Ngô Huynh và một số đồng chí khác bị thương. Đây là một trận đánh dũng cảm tuyệt vời mà mỗi người tham gia xứng đáng là một anh hùng.

Ngày hôm đó, đoàn chúng tôi nghỉ lại nông trường Phú Quý, chờ đến tối lại đi tiếp vào Vĩnh Linh. Tại đây, tôi được nghe câu chuyện cảm động về sự hy sinh của đồng chí trung úy kỹ sư Nguyễn Ngọc Tân. Tốt nghiệp xuất sắc khoa hóa Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tân được tuyển vào quân đội xây dựng Binh chủng Tên lửa. Xông xáo, nhiệt tình, say sưa học hỏi và sáng tạo, anh được đồng đội hết sức quý mến. Vừa đặt chân đến nông trường Phú Quý, quan sát một hạt cây cao su bị vỡ làm đôi, Tân nghĩ ngay đến việc có thể dùng hạt cao su để chế biến thành xà phòng. Nhưng cuộc chiến đấu khẩn trưởng của người lính chưa cho phép anh tập trung vào việc đó. Tân nói với các bạn: "Hết chiến tranh thế nào tớ cũng sẽ quay lại đề tài này." Năm ngoái, vừa cưới vợ được vài hôm, Tân được lệnh cùng đơn vị hành quân vào tuyến lửa đánh B-52. Đôi vợ chồng trẻ lưu luyến chia tay nhau. Vừa qua, Nguyễn Ngọc Tân được cử ra Hà Nội nhận một số linh kiện mới, chuẩn bị cho đơn vị triển khai đánh B-52. Vừa đặt chân về đến Hà Nội, Tân đánh một bức điện "cầu may" cho vợ, một cô giáo dạy học ở trường Nguyễn Văn Trỗi. "Anh về Hà Nội một tuần, làm sao gặp được em!" Không ngờ chiều hôm sau, Tân vừa ăn cơm xong thì một chiếc ô-tô con đỗ ngay trước nhà. Thúy Lan, vợ anh, nét mặt tràn đầy hạnh phúc, từ ô-tô bước ra như "từ trên trời rơi xuống". Quả thật nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được có một chuyện như thế. Mới đánh điện hôm qua, làm sao hôm nay đã có mặt. Đúng là một giấc mơ, nhưng lại là một giấc mơ có thật. Nhận được điện của chồng, Thúy Lan đang tần ngần suy nghĩ thì tình cờ có chuyến bay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé qua. Thúy Lan mạnh dạn trình bày: "Chồng cháu là bộ đội tên lửa, vào khu 4 đánh B-52 được ra Hà Nội công tác một tuần." Đại tướng hiểu ngay cô giáo trẻ này muốn gì và Thúy Lan được lên máy bay về Hà Nội.

Gặp nhau được năm ngày, đôi vợ chồng trẻ lại chia tay nhau. Người chồng ra tuyến lửa cùng đồng đội tìm cách diệt cho bằng được B-52 của giặc Mỹ. Người vợ trở lại với mái trường, góp phần vun xới những mầm non cho thế hệ mai sau. Nhiệm vụ nào cũng đẹp. Chỉ một tuần sau buổi chia tay ở Hà Nội ấy, trên đường đi công tác từ sở chỉ huy ở Mỹ Thủy xuống trạm kĩ thuật của trung đoàn, Nguyễn Ngọc Tân bị hai F-4 đánh chặn. Một viên bi xuyên vào tim và anh tắt thở sau đó hai tiếng đồng hồ. Những giây phút tỉnh táo cuối cùng thường có của một người sắp từ giã cuộc đời, Tân dành tình cảm cho người mẹ già đang sống ở khu tập thể Kim Liên và người vợ trẻ đang ở cách anh hàng nghìn ki-lô-mét. Trung úy kỹ sư Nguyễn Ngọc Tân trở thành một trong những người hy sinh đầu tiên của trung đoàn 238 trong nhiệm vụ vinh quang đánh thắng B-52 của giặc Mỹ. Và trong chiến thắng này, không thể nói đến sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của những người mẹ, những người vợ.

*

* *

Đoàn công tác B của chúng tôi nghỉ ở Phú Quý một ngày, đến sẩm tối lại tiếp tục đi vào. Vừa đến ngầm Đá Mài đã gặp pháo sáng địch bủa vây tứ phía. Rất may, chúng không phát hiện được và chúng tôi chạy một mạch đến Đồng Hới. Thị xã đầu tiên của miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh phá hoại những ngày này chỉ còn là một đống gạch vụn, vắng vẻ đến hoang lạnh. Từ ngày địch đánh phá ác liệt, những đoàn xe lớn, xe tải thường đi đường số 15. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe con có việc gấp mới đi qua đây. Tuy vậy, chúng tôi cũng phải chờ mất một tiếng mới qua được phà Quán Hầu. Tất cả đều an toàn. Mặc dầu pháo địch từ ngoài biển có bắn vào mấy loạt nhưng chỉ là bắn cầm canh. Đến cách Hồ Xá chừng ba ki-lô-mét, chúng tôi rẽ tay phải đi vào Vĩnh Chấp, nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn 238. Có lẽ lúc này đã quá nửa đêm. Ai nấy đều mệt và đói. Công việc đầu tiên là phải đẩy xe vào giấu ở một hẻm núi có cây cối um tùm. Tiếp đó phải chuyển những can xăng dự trữ xuống xe, còn chút xăng nào trong xe cũng phải tháo cho bằng hết rồi đem chôn xuống đất. Cuối cùng phải xem xét ngụy trang thật kỹ con đường mà xe vừa đưa vào chỗ giấu. Tôi tranh thủ đảo một vòng quanh khu vực. Làng xóm lặng yên. Chẳng thấy một ngôi nhà nào. Lác đác một vài chiếc lều lúp xúp ven những quả đồi.

Đồng chí Cơ, trợ lý công tác chính trị của đoàn công tác B nói với tôi:

- Đúng là cuộc sống ở miền đất lửa này đã chuyển xuống lòng đất rồi anh ạ!

Tôi nhất trí với nhận xét ấy và nói:

- Bây giờ phải tìm hầm hố quanh đây nghỉ ngơi qua đêm, sáng mai ta sẽ đi tìm trung đoàn.

Đồng chí công vụ tìm cho tôi một căn hầm khá rộng, có nắp hẳn hoi, phía trong lại có cả một cái hầm chữ A chắc chắn. Tôi bước xuống hầm và tự hỏi: những căn hầm như thế này ai đã đào sẵn từ bao giờ và để làm gì? Có phải là để đón tiếp những đoàn khách thường đến một cách đột ngột như chúng tôi đêm nay không?

Đưa mắt nhìn ra những khoảng sáng mờ mờ của trời đêm, thỉnh thoảng nhấp nhoáng những ánh lửa đạn, tôi nghĩ nhiều đến cuộc chiến đấu quyết liệt sắp tới. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương ở gần ngay đây, và bên kia sông đã là kẻ thù rồi. Vĩ tuyến được gọi là tạm thời này đã tồn tại mười ba năm nay, như một vết thương nhức nhối trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Nó sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Điều này phụ thuộc vào nỗ lực chủ quan của ta. Và chiếc B-52 đầu tiên sẽ là một trong những nỗ lực đó.

Cho đến lúc ấy, nhà cầm quyền nước Mỹ biết rõ rằng không thể thắng nổi dân tộc Việt Nam bằng những thủ đoạn đã được đưa ra thi thố. Họ còn hy vọng ở B-52. Cuộc chiến đấu ở đây sẽ là trận thủ sức đầu tiên giữa "siêu pháo đài bay" của đế quốc Mỹ và bộ đội tên lửa Việt Nam. Và trận đầu bao giờ cũng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Tôi nhớ đến lời anh Tính trước hôm lên đường: "Hôm nào về Hà Nội nhớ mang theo mảnh xác một B-52", càng thấy rõ trách nhiệm hết sức nặng nề của mình.

Thì ra tối hôm qua, trong lúc đi dạo quanh khu vực, tôi đã giẫm lên toàn bộ khu vực sở chỉ huy trung đoàn 238 mà không hề hay biết. Thật khó tưởng tượng được cả cơ quan chỉ huy của trung đoàn tên lửa hiện đại lại khéo léo ẩn kín dưới lòng đất như thế. Cuộc chiến đấu ở đây đòi hỏi không phải chỉ có lòng dũng cảm mà còn phải khôn khéo và thông minh. Trong căn hầm sở chỉ huy chắc chắn và đàng hoàng, chúng tôi tiến hành cuộc gặp gỡ đầu tiên với các cán bộ trung đoàn 238.

Các đồng đồng chí Lê Thanh Cảnh, trung đoàn phó, Nguyễn Sinh Huy, tham mưu trưởng trung đoàn, Nguyễn Huy Nhuận phó chính ủy, Đào Công Thận tham mưu phó đều có mặt. Lúc này trung đoàn trưởng đang ở Hà Nội để nhận khí tài cho các tiểu đoàn 81 và 83.

Điều làm tôi xúc động trước hết là khuôn mặt đồng chí nào cũng gầy hốc hác. Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn ở chiến trường Vĩnh Linh công với việc phải thường xuyên đấu trí căng thẳng với mọi thủ đoạn xảo quyệt của kẻ địch đã làm cho những cán bộ mới trên bốn mươi tuổi này trông già hẳn đi. Tuy vậy, điều đầu tiên các đồng chí báo cáo với đoàn không phải là kêu ca, đề nghị cấp trên cái này, cái khác mà là lo lắng cho Hà Nội.

- Đề nghị thủ trưởng cho biết tình hình chiến đấu của Hà Nội. Ở trong này, nghe tin địch đánh phá Hà Nội, chúng tôi nóng ruột quá.

Nhớ lời đồng chí Đặng Tính căn dặn lúc lên đường, tôi chuyển lời thăm hỏi của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trung đoàn. Tôi cũng thông báo cho các đồng chí 238 biết tình hình cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội, đặc biệt là của các trung đoàn tên lửa ở phía bắc. Một số kinh nghiệm bước đầu trong việc tìm cách đối phó với thủ đoạn nhiễu trong đội hình (Thời kỳ này vấn đề nhiễu trong đội hình, ngoài đội hình đang là vấn đề tranh luận sôi nổi của bộ đội tên lửa) của địch. Nghe tôi nói, cặp mắt của Nguyễn Sinh Huy cứ sáng dần lên. Cuối cùng, không ngăn được niềm vui trong lòng, anh vỗ hai tay vào nhau đánh đét một cái rồi phát biểu:

- Đoàn công tác của Quân chủng vào đúng lúc quá. Những vấn đề thủ trưởng Khánh vừa phát biểu cũng chính là những vấn đề chúng tôi đang phân vân. Bởi vì đặt chân vào đến Vĩnh Linh là gặp ngay nhiễu trong đội hình. Dứt khoát B-52 nhiễu trong đội hình là chủ yếu rồi.

Trung đoàn phó Lê Thanh Cảnh tiếp lời:

- Chúng tôi ở trong này chỉ có một mình, xa sự chỉ đạo của Quân chủng, đôi khi có vấn đề muốn trao đổi với các "bạn chiến đấu" ở ngoài đó nhưng xa quá. Lần này có đoàn của Quân chủng vào chúng tôi rất mừng, tin tưởng là có thể hoàn thành được nhiệm vụ đánh rơi B-52 mà cấp trên giao cho.

Với giọng nói lúc nào cũng sôi nổi, Đào Công Thận đứng dậy trình bày cặn kẽ âm mưu thủ đoạn của địch trong thời gian gần đây, đặc biệt là thủ đoạn nhiễu của B-52 có kèm theo những bản thống kê khá tỉ mỉ, công phu. Có thể nói đây là những trang đầu tiên rất quý báu cho tập "hồ sơ" về "con ngoáo ộp" B-52 mà đoàn công tác B của chúng tôi có nhiệm vụ sưu tầm.

Rất tự nhiên, cuộc họp mặt đầu tiên của chúng tôi biến thành buổi thảo luận sôi nổi về B-52, về cách đánh B-52...