Đánh Thắng B-52 - Chương 2 - Phần 2

Trước khi lên đường vào Nghệ An, tôi đã dành thời gian xuống kiểm tra sư đoàn 361 và sư đoàn 363 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi trong chuyến đi kiểm tra này là hình ảnh các trắc thủ tên lửa đang ngày đêm say sưa luyện tập đánh B-52. Tất cả đều còn rất trẻ. Tuổi của họ phần đông chỉ bằng "tuổi" của B-52. Còn so với bọn giặc lái, đối thủ của họ, thì chỉ bằng một nửa. Khi những tên giặc lái B-52 hàng ngày mang bom rải thảm ở miền Nam Việt Nam những năm 1965, 1967 thì những trắc thủ tên lửa này còn là những thiếu nhi sơ tán theo trường học về các vùng nông thôn.

Tại một trận địa phía bắc sông Hồng, tôi hỏi chuyện một kíp trắc thủ:

- Liệu các cậu có bắn rơi được B-52 ở ngay trên đất Hà Nội này không?

- Báo cáo thủ trưởng, nó mà vào thì nhất định không thoát khỏi tay chúng tôi đâu.

Có tận mắt chứng kiến những buổi tập luyện mới thấy được câu trả lời của các chiến sĩ không phải chỉ là quyết tâm suông, không phải chỉ là ý chí. Tôi đã đứng nhìn rất lâu những vầng trán thông minh và cặp mắt tinh nhanh của họ chăm chú trên màn hiện sóng trong những buổi luyện tập. Và đặc biệt là đôi bàn tay, đôi bàn tay vân vê trên vòng quay nhẹ ngành điêu luyện đến mức nghệ thuật. Những bài tập luôn được thay đổi. Những dạng nhiễu khác nhau với những tình huống phức tạp nhất được đưa ra thử thách đối với những cặp mắt và đôi bàn tay của các chiến sĩ. Hiệu quả chiến đấu của bộ đội tên lửa cuối cùng được thể hiện bởi những đôi bàn tay đó. Và chính những đôi bàn tay đó đêm nay đây, trong trận quyết chiến chiến lược này sẽ góp phần quan trọng, nếu không nói là quyết định, vào thắng lợi của trận đánh.

Đêm nay bộ đội tên lửa Hà Nội sẽ chiến đấu như thế nào? Tiểu đoàn nào sẽ phóng những quả đạn đầu tiên? Chúng tôi nóng lòng chờ tin tức của Hà Nội. Giờ này, trong Sở chỉ huy Quân chủng ở Hà Nội, các đồng chí trong Bộ tư lệnh chắc đang phải sống những giây phút hết sức căng thẳng. Đồng chí Tư lệnh Lê Văn Tri chắc đang nhíu đôi mày rậm, hai tay chắp sau lưng, đi đi lại lại phía sau bàn chỉ huy, chiếu những tia sáng của cặp mắt sâu vào những tốp B-52, trên bảng tiêu đồ. Đồng chí Phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích, người trực tiếp chỉ huy đêm nay với tác phong bao giờ cũng chững chạc, dứt khoát, chắc đang ra những mệnh lệnh quan trọng vào thời điểm quyết định của trận đánh. Tôi hình dung ra thân hình to cao của anh đang chồm lên phía trước, chỉ vào những tốp B-52 như muốn bóp nát chúng trong lòng bàn tay rắn chắc của mình. Các đồng chí Hoàng Phương, Nguyễn Xuân Mậu, Nguyễn Văn Tiên chắc chắn không thể vắng mặt trong trận đánh mở màn đêm nay. Từ lâu, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chúng tôi đã trở thành một tập thể gắn bó. Đặc biệt là từ gần một năm nay, khi "vấn đề B-52" trở thành vấn đề trung tâm của toàn Quân chủng, có thể nói tập thể chúng tôi càng được gắn chặt với nhau hơn. Làm sao kể hết được những cuộc họp của Thường vụ, của Bộ Tư lệnh xung quanh vấn đề B-52. Những cuộc họp đến tận đêm khuya, kéo dài đến quá giờ mà không ai để ý, vẫn cứ say sưa tranh luận.

Chúng tôi đã từng chia nhau niềm vui khi tìm ra được cách giải quyết mới, góp phần thúc đẩy quá trình nghiên cứu cách đánh B-52 lên một bước. Vì vậy mà trong giờ phút này, tôi cảm thấy hơi tiếc là không được có mặt ở Hà Nội để cùng các đồng chí tham dự trận mở màn lịch sử.

Có điện của Hà Nội thông báo: hồi 19 giờ 44 phút, tiểu đoàn 78 trung đoàn 257 sư đoàn 361 đã phóng những quả đạn đầu tiên. Đó là tin làm chúng tôi hết sức phấn chấn. Sau này nghe kể lại, khoảng thời gian bốn phút từ khi B-52 ném bom xuống Hà Nội đến khi những quả đạn đầu tiên được phóng lên là bốn phút cực kỳ căng thẳng, chưa từng có đối với các đơn vị tên lửa Hà Nội. Đây là những đơn vị đầu tiên mặt đối mặt với B-52. Còn các trắc thủ thì chưa từng một lần được tận mắt nhìn thấy B-52, dù chỉ là trên màn hiện sóng.

Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 57 Nguyễn Văn Phiệt, một trong những tiểu đoàn trưởng xuất sắc nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm kể lại: "Đúng là phút đầu tiên chúng tôi có lúng túng, và thú thật là cũng có hoang mang. Nhiễu nhòe nhoẹt cả màn hiện sóng. Các sóng về cố định chìm hết vào nhiễu như một màn sương mù, sáng trắng. Còn các màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển và các trắc thủ thì cứ y như những ô cửa kính màu xanh cả một loạt, có rất nhiều sọc xanh đậm đan chéo nhau, chuyển động với những tốc độ khác thường, dải nọ xen lẫn dải kia, sọc nọ nhập vào sọc kia rồi lại tách ra. Rồi thì hàng trăm, hàng nghìn những chấm sáng lốm đốm như những chùm tín hiệu mục tiêu đang chuyển dịch một cách nhấp nháy như một trận mưa rào, làm sao phân biệt được đâu là nhiễu của F, đâu là nhiễu của B, đâu là nhiễu của EB-66, đâu là nhiễu tiêu cực của kim loại mà bọn F-4 tung xuống phủ kín cả một góc trời... Thế rồi dần dần chúng tôi trấn tĩnh lại được, liên hệ với những điều đã học, nhắc nhau thao tác thật chính xác. Cuối cùng, tuy kẻ thù chưa hiện ra thực sự nhưng chúng tôi đã nhìn thấy bóng dáng của chúng phía sau những dải nhiễu. Chỉ cần thế thôi là chúng tôi có thể phóng đạn theo cách đánh đã được luyện tập thành thục. Phải nói rằng những quả đạn của các đồng chí tiểu đoàn 78 đã có tác dụng thúc giục, động viên chúng tôi rất nhiều."

Về trận chiến đấu của tiểu đoàn 78, đồng chí Hoàng Bảo, nguyên phó ban tác huấn tên lửa, kíp trưởng kíp trực ban trong trận chiến đấu đầu tiên ở Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội kể lại:

"19 giờ 40 phút, khi những loạt bom B-52 đầu tiên ném xuống Hà Nội, Sở chỉ huy sư đoàn liên tiếp giục các đơn vị: Phát hiện được B-52 chưa? Đã chọn được dải nhiễu chưa? Sao chưa phóng đạn? Ở tiểu đoàn 78, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn căng mắt soi tìm kẻ thù trên màn hiện sóng. Từng đám nhiễu giẻ quạt lớn chồng chéo lên nhau xóa mờ cả sóng về cố định, vàng chói đến nhức mắt. Trên bảng tiêu đồ 9x9 của mạng tình báo quốc gia, các tốp B và F xoắn xuýt lấy nhau thành một cục như cuộn chỉ rối. Tuy đã hơn năm năm liên tục ở vị trí chỉ huy tiểu đoàn, được rèn luyện, thử thách nhiều trong các trận chiến đấu với bọn cường kích, nhưng chưa lúc nào anh gặp phải một tình huống gay go, phức tạp như lần này. Trong xe chỉ huy, tiếng quạt máy rung đều đều, hòa nhịp với tiếng máy nổ chạy ầm ầm như tiếng trống trận thôi thúc. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Luyến với bàn tay điêu luyện nhẹ nhàng lăn trên vòng quay, khéo léo điều khiển máy thu của đài, căng mắt xác định các dải nhiễu lúc này như những đám mây bồng bềnh từ khoảng không xa thẳm lần lượt hiện về. Luyến vừa dừng lại giây lát ở phương vị X thì trắc thủ cự ly Đinh Trọng Đức đã đột ngột hô to "B-52". Tiếng hô của Đức làm cho toàn xe như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới. Và mọi người đã nhanh chóng nhận ra sự khác biệt giữa những dải nhiễu đang hiện ra trước mắt với những dải nhiễu của các loại F mà họ thường gặp trước đây trên bầu trời Hà Nội. Một sự khác biệt hết sức ít ỏi mà chỉ những cặp mắt đã trải qua hàng trăm ngày đêm khổ luyện mới có thể nhận ra được. Các hội nghị trắc thủ do sư đoàn tổ chức hồi tháng 8 năm 1972, cuộc tập huấn "bắt B-52" sau hội nghị tháng 10 của Quân chủng và đặc biệt có giá trị là những thước phim, những bức ảnh chụp nhiễu B-52 ở chiến trường Khu 4 gửi ra gần đây... đã giúp các chiến sĩ tiểu đoàn 78 đêm nay trở thành đơn vị đầu tiên của bộ đội tên lửa Hà Nội nhanh chóng nhận ra được kẻ thù.

Sau khi được sĩ quan điều khiển Luyến trao tay quay, Đức nhắc ấp, trắc thủ góc tà, Hiển, trắc thủ phương vị, kẹp chặt dải nhiễu đã chọn vào giữa đường tim đứng. Vệt sáng lớn của dải nhiễu được thu gọn lại sau thao tác điều chỉnh mạch khuếch đại của các trắc thủ góc, tốc độ của dải nhiễu biến đổi đều đặn, nhịp nhàng theo vòng tay quay, giống như tình huống diễn tập hàng ngày. Không kìm được niềm vui, Đức lại reo lên khẳng định: “Đúng B-52 rồi”. Mặc dầu vậy, vốn tính thận trọng, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn vẫn bình tĩnh nhắc anh em: “Chú ý xác định thêm cho chắc chắn.” Và khi toàn kíp trắc thủ đã thống nhất khẳng định đúng là B-52, anh mới báo cáo lên trung đoàn trưởng trung đoàn 257 Nguyễn Điển và ra lệnh phóng. Khi hô khẩu lệnh “phóng” vào giờ phút đó, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn và toàn kíp trắc thủ của tiểu đoàn 78 không hề hay biết rằng đó là khẩu lệnh “phóng” đầu tiên vang lên của một chiến dịch lịch sử. Lúc đó là 19 giờ 44 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972.”

Tuy cách xa Hà Nội 300 km, nhưng cuộc chiến đấu ở Hà Nội đã thu hút toàn bộ tâm trí của chúng tôi. Chúng tôi thức cùng Hà Nội. Mà không phải riêng chúng tôi, tất cả các đơn vị của bộ đội tiền phương Quân chủng ở Nghệ An, Thanh Hóa, từ đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn, sư đoàn đều thức với Hà Nội. Tôi chỉ thị cho các đồng chí sĩ quan tác chiến thường xuyên thông báo tình hình chiến đấu của Hà Nội cho các đơn vị biết. Nhiều lúc thấy vắng tin, các đơn vị lại quay điện lên hỏi tình hình.

Sau khi được tin tên lửa Hà Nội đã phóng đạn, phán đoán trên đường rút chạy, B-52 có thể qua khu vực Nghệ An, Thanh Hóa, tôi lệnh cho tất cả các tiểu đoàn tên lửa mở máy, hướng về phía bắc đón đánh địch. Rất khẩn trương, chỉ ít phút sau, tất cả bảy mươi hai bệ phóng của cả ba trung đoàn tên lửa đều đã sẵn sàng. Đơn vị nào cũng náo nức lập công, cũng đều muốn được chia lửa với Hà Nội.

20 giờ 5 phút, trên bảng tiêu đồ xuất hiện tốp B-52 mang số hiệu 675 từ hướng tây bắc đi thẳng xuống. Mấy phút sau, các tiểu đoàn 51, 52 trung đoàn 267 báo cáo đã thu được nhiễu B-52. Với các đơn vị trong Binh chủng Tên lửa, trung đoàn 267 là đơn vị đàn em nhưng tiến bộ nhanh chóng. Đặc biệt, tiểu đoàn 52 chỉ bảy tháng sau ngày ra quân đã trở thành một đơn vị nổi tiếng đánh giỏi. Vào những ngày này năm 1971, toàn trung đoàn đã đánh thắng một trận xuất sắc trên vùng trời thành phố Vinh, bắn rơi năm máy bay địch. Sau đó, đơn vị được lệnh hành quân vào tham gia chiến dịch Trị - Thiên. Tại đây, trung đoàn lại đánh thắng một trận giòn giã vào ngày 6 tháng 4 năm 1972, ngày Ních-xơn mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc. Trong trận này, riêng trung đoàn 267 được công nhận bắn rơi năm chiếc. Bây giờ, tất cả bốn tiểu đoàn của trung đoàn 267 lại được điều về chiến đấu trên quê hương Bác.

20 giờ 16 phút, sư đoàn 365 báo cáo tiểu đoàn 51, 52 đã phóng liên tiếp bón quả đạn vào tốp B-52 mang số hiệu 675 trên đường từ Hà Nội bay về. Theo báo cáo thì phần tử xạ kích rất tốt, cả hai tiểu đoàn đều bám được dải nhiễu từ xa, rất đàng hoàng, chủ động. Tiểu đoàn 51 phóng trước khoảng mười lăm giây. Như vậy là đánh rất tập trung.

Tôi trực tiếp gặp đồng chí Nguyễn Văn Giáo, Tư lệnh sư đoàn 365:

- Có chắc rơi không?

- Báo cáo! Rơi thì là chắc chắn là rơi rồi. Trận đánh đẹp như thế không rơi sao được nhưng mà...

Tôi cười, ngắt lời anh Giáo:

- Nhưng mà chưa “sờ được đuôi” có phải không? (Trong bộ đội phòng không, “sờ được đuôi” nghĩa là máy bay rơi tại chỗ).

Anh Giáo vẫn chưa hết hy vọng:

- Cũng chưa hẳn thế. Chúng tôi đang cho người đi tìm.

Nhưng anh Giáo không thể tìm được chiếc B-52 đó. Bởi nó không rơi tại chỗ trên miền Bắc mà đã lê được cái xác nặng nề về hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Đà Nẵng. Sau giải phóng, đồng bào xung quanh sân bay Đà Nẵng có kể lại cho chúng tôi nghe chuyện này. Bộ chỉ huy tập đoàn không quân chiến lược số 8 Mỹ đã phải cho người đến tận nơi tháo gỡ máy móc của chiếc B-52 này mang đi để phi tang và để “giải phóng mặt bằng” cho bọn cường kích lên xuống.

Tôi còn nhớ hồi đó việc công nhận bắn rơi chiếc B-52 này cho tiểu đoàn nào cũng khá phức tạp. Hai tiểu đoàn phóng đạn hầu như cùng một lúc. Đạn đều nổ tốt. Cuối cùng, theo đề nghị của Sư đoàn 365, chúng tôi đã công nhận cho tiểu đoàn 52 vì tuy tiểu đoàn 52 chỉ có một quả nổ tốt nhưng xác minh lại phần tử thì xác suất của quả đạn này cao hơn cả. Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Vinh, sĩ quan điều khiển Hoàng Văn Nam và kíp trắc thủ Bách, Khoát, Hay tham gia đánh thắng trận này đã được đề nghị khen thưởng xứng đáng.

Sau này, trong bản thành tích đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dan cho trung đoàn 267 và tiểu đoàn 52, thành tích bắn rơi chiếc B-52 trong đêm mở đầu chiến dịch lịch sử ngày 18 tháng 12 năm 1972 được nhắc đến như là một thành tích xuất sắc nhất trong quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của đơn vị

*

* *

Trận đánh hồi 20 giờ 16 phút ngày 18 tháng 12 thực sự là trận đánh kết thúc đợt một của đêm mở đầu chiến dịch.

Anh Lê Văn Tri trực tiếp gọi điện cho tôi, biểu dương trận đánh phối hợp "rất đẹp" - theo lời anh Tri - của bộ đội tiền phương. Anh Tri cũng phấn khởi báo cho tôi biết, hồi 20 giờ 13 phút, tiểu đoàn 59, trung đoàn 261 tại trận địa Cổ Loa đã bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội. Chiếc máy bay này mang nhãn hiệu B-52G, cất cánh từ Gu-am... Được tin này, tôi như hình dung thấy nụ cười rất tươi trên khuôn mặt đầy đặn của đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn 261 Trần Hữu Tạo. Nếu ở Hà Nội, thế nào tôi cũng sẽ tìm đến siết chặt tay anh, chúc mừng chiến thắng của đơn vị và của riêng anh. Chúng tôi quen nhau từ năm 1957, khi cùng được cử đi học ở Liên Xô. Trận thắng này sẽ được ghi vào lịch sử như là trận thắng mở đầu của một chiến dịch vĩ đại.

Tôi nhớ ở hội nghị tên lửa tháng 10, trong lúc có đồng chí còn phát biểu đánh B-52 trong nhiễu chẳng khác gì "xẩm sờ đường" thì Trần Hữu Tạo đã khẳng định: "Nếu chúng ta luyện tập tốt như tài liệu hướng dẫn thì nhất định sẽ bắn rơi được B-52."

Về trận thắng lịch sử này, cuốn dự thảo "Sơ lược lịch sử sư đoàn phòng không Hà Nội" viết:

"20 giờ, tiểu đoàn 59 hai lần phóng bốn quả đạn vào tốp sáu chiếc B-52 đang men theo sườn Tam Đảo vào đánh Đông Anh. Cùng lúc các tiểu đoàn 57, 93, 94 cũng nổ súng nhưng chưa có chiếc B-52 nào bị hạ. Địch đánh Đông Anh, Uy Nỗ, bom cày đất quanh trận địa tiểu đoàn 59, các xe bị chấn động. Lửa tạt vào ca-bin xe điều khiển nóng bỏng. Mặc, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng mắt vẫn không rời tín hiệu tốp mục tiêu đang từ Tam Đảo bay xuống... Thấy dải nhiễu trên màn hiện sóng tách làm ba, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận lệnh cho trắc thủ góc tà Lê Xuân Linh bắt dải cao, trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Độ bám đúng dải giữa, rồi bình tĩnh ấn nút. Hai quả đạn vừa có điều khiển thì anh phát sóng. Kíp chiến đấu bám sát giữa dải nhiễu đã chọn, kiên quyết tiêu diệt địch bằng phương pháp T (Phương pháp bám sát khi không nhìn thấy mục tiêu trên màn hiện sóng vì nhiễu quá nặng). Quả một vừa nổ, trắc thủ phương vị báo mất một dải thì trắc thủ góc tà cũng nhận thấy dải nhiễu hạ nhanh độ cao. Bên ngoài tiếng hò reo bỗng nổi lên vang động, át cả tiếng bom đạn:

- B-52 rơi tại chỗ rồi!

Các đài quan sát của các đơn vị dồn dập báo cáo về sư đoàn. Ban chỉ huy huyện đội Đông Anh vào tận trung đoàn 261 nói chắc chắn có B-52 rơi…"

Sau chiến thắng của trung đoàn 267, trong đêm địch còn tổ chức hai đợt đánh lớn vào Hà Nội bằng B-52. Nhưng đường bay của chúng lúc vào cũng như lúc ra đều không qua khu vực của bộ đội tiền phương bảo vệ. Chúng đã ngửi hơi thấy lực lượng tên lửa ở phía Nam Hà Nội là một lực lượng đáng gờm. Ngồi ở Sở chỉ huy nhìn những đường bay của B-52 cứ từng đàn, từng lũ kéo nhau vào Hà Nội, lòng chúng tôi sôi lên căm giận. Nhất là vào lúc rạng sáng ngày 19 tháng 12, sau đợt đánh cuối cùng của địch, thấy đài phát thanh ngừng mất mấy phút, tất cả chúng tôi có mặt trong Sở chỉ huy lặng đi hồi lâu. Sau khi lại nghe giọng cô phát thanh viên vang lên báo tin chiến thắng, chúng tôi đã reo lên, làm cho căn hầm chật chội như muốn vỡ ra.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 19 tháng 12, chúng tôi được thông báo cụ thể về trận thắng đầu tiên đêm 18 tháng 12: bắt đầu từ 19 giờ 40 phút đến 4 giờ 35 phút địch đã huy động một lực lượng lớn máy bay gồm 295 lần chiếc, có 90 máy bay B-52, tổ chức thành ba trận, đánh phá một loạt mục tiêu ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng, tập trung chủ yếu vào Hà Nội và xung quanh Hà Nội với toàn bộ lực lượng B-52 sử dụng trong đêm.

Về phía ta, bộ đội được chuyển vào cấp một sớm nên rất chủ động, đàng hoàng. Bộ đội tên lửa, cao xạ và các trận địa bắn máy bay của dân quân tự vệ trên thế trận đã bố trí sẵn kịp thời nổ súng, phát huy hỏa lực các tầng, đánh đúng đối tượng chủ yếu là B-52, giành thắng lợi giòn giã ngay đợt đầu, được Bộ Chính trị nhiệt liệt biểu dương. Tên lửa Hà Nội đã phóng tất cả sáu mươi tư quả đạn, bắn rơi tại chỗ hai B-52. Một số chiếc khác bị thương phải về hạ cánh ở Thái Lan. Đặc biệt trong đợt ba từ 4 giờ đến 5 giờ 30 phút, tiểu đoàn 77 trung đoàn 257 đã đánh thắng một trận xuất sắc, bắn rơi tại chỗ một chiếc B-52D tại Thanh Oai, Hà Tây bằng chế độ bám sát tự động. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn và kíp chiến đấu gồm sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức, trắc thủ cự ly Phạm Hồng Hà, trắc thủ góc tà Lưu Văn Mộc, trắc thủ phương vị Đỗ Văn Tân đã nêu một tấm gương táo bạo, linh hoạt trong cách đánh, góp một kinh nghiệm hết sức quý báu vào thắng lợi chung của chiến dịch. Được tin này, tôi nói với các đồng chí xung quanh:

- Thế là "con chủ bài" hết thiêng rồi!

Thế mới biết, sự sáng tạo trên thực tế chiến trường quan trọng biết chừng nào. Từ trước đến nay khi tiến hành biên soạn tài liệu đánh B-52, hầu như chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc đánh B-52 bằng chế độ tự động. Bởi vì muốn áp dụng chế độ tự động, điều quan trọng trước tiên là phải nhìn thấy rõ được mục tiêu trên màn hiện sóng. Điều này đối với các loại F lâu nay đã là chuyện khó khăn, huống gì đối với B-52 được bao bọc bởi mười bảy chiếc máy gây nhiễu hết sức tinh vi, hiện đại. Ấy vậy mà bây giờ, chỉ mới trong trận đọ sức đầu tiên, "con ngoáo ộp" B-52 đã bị lộ nguyên hình trước mắt các chiến sĩ tài giỏi của chúng ta, giống như tân phù thủy đã bị tước hết phép màu. Kinh nghiệm này có giá trị rất lớn cả về lý luận và thực tiễn. Tài liệu "Cách đánh B-52" được thông qua trong hội nghị tháng 10 năm 1972 chủ yếu lấy từ kinh nghiệm đánh B-52 của các đơn vị ở tuyến trong. Đó là một tài liệu quý, có tính chất cơ bản. Nhưng những chiến trường khác nhau có những đặc điểm khác nhau. Tôi nhớ, trong một buổi họp, đồng chí Trần Xanh, nguyên Phó tư lệnh sư đoàn 361 (sau này là Phó tư lệnh Quân chủng) có nói: "Tên lửa Hà Nội phải có cách đánh của Hà Nội." Câu nói này làm cho một số trợ lý ở Quân chủng lúc đó không vừa ý lắm. Bây giờ thì đã rõ. Nhưng để cho hoàn chỉnh hơn, nên nói thêm: Cách đánh của Hà Nội phải dựa trên những kinh nghiệm đã được đúc rút từ các chiến trường. Và để chặt chẽ hơn, cần thêm một ý nữa: không có kinh nghiệm đánh B-52 ở các chiến trường thì sẽ không có cách đánh B-52 ở Hà Nội.

Vấn đề này tôi sẽ có dịp trở lại với bạn đọc ở phần dưới của hồi ký này.

Thế là trong đêm chiến đấu đầu tiên, chúng ta đã giành thắng lợi giòn giã. Chỉ một đêm chiến đấu thôi, mà là đêm đầu tiên, điều này quan trọng lắm, chúng ta đã bắn rơi ba B-52, trong đó có hai chiếc rơi tại chỗ. Và nếu chỉ tính riêng đợt tập kích đầu tiên diễn ra từ 19 giờ 40 phút đến 20 giờ 30 phút của đêm 18 tháng 12 thì hiệu suất còn đáng kinh ngạc hơn nhiều. Trong đợt này, địch huy động 21 lần chiếc B-52, ta đã bắn rơi hai chiếc, đạt tỷ lệ gần mười phần trăm. Đây là một tỷ lệ hết sức cao trong việc đánh trả một cuộc tập kích đường không trong thời đại ngày nay. Kẻ gây ra cuộc tập kích lại là một cường quốc quân sự có lực lượng không quân hiện đại nhất, những phương tiện kĩ thuật tinh vi vào bậc nhất thế giới, khiến cho dư luận thế giới càng bất ngờ và kinh ngạc.

Trong cuốn sách "Chiến tranh Việt Nam" xuất bản ở Luân Đôn năm 1979, Uchu. T.Creeuwd, một nhà sử học đã từng phục vụ trong bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ viết về trận tập kích đầu tiên như sau:

"Trước khi tốp máy bay B-52 đầu tiên của cụm máy bay lớn gồm 129 chiếc bay tới vùng mục tiêu, các máy bay F-111 đã tấn công vào bốn sân bay địch trước ba mươi phút. Tiếp đó, các máy bay F-4 thả các bó nhiễu kim loại, tạo thành hai dải nhiễu bao bọc đội hình tấn công vào Kim Nỗ (Đông Anh) và Yên Viên ở phía Bắc Hà Nội... Đội hình máy bay B-52 này đã bị hai dàn tên lửa ở tây-bắc Hà Nội bắn lên, một chiếc B-52 bị bắn rơi..." Đây là chiếc đầu tiên bị hạ trong cuộc hành quân "Lai-nơ Bếch-cơ 2". Vào giữa đêm, ba mươi chiếc B-52 cất cánh từ Gu-am đến ném bom vào khu vực Hà Nội. Một số máy bay B-52 khác bị tên lửa bắn bị thương đã phải quay về hạ cánh ở Thái Lan...

Đối phương đã bắn lên khoảng hai trăm tên lửa và hàng nghìn viên đạn pháo, ba máy bay B-52 bị bắn rơi và hai chiếc khác bị thương."

Ở đây phải nói ngay là con số hai trăm tên lửa đã được thổi phồng quá đáng. Có lẽ đây là con số do những tên phi công thần hồn nát thần tính, thoát chết trở về báo cáo. Mỗi lần nhắc đến đêm 18 tháng 12, phi công B-52 thường thốt lên:

"Thật là khủng khiếp! Một chuyến bay đầy lo lắng, sợ hãi. Trong máy bay thỉnh thoảng lại một tiếng thét bật lên: "Chú ý! Míc!" Chưa thấy Míc đâu, đã lại nghe "Chú ý! SAM!" Sĩ quan điện tử phát hiện, lái phụ cũng phát hiện. Nhìn đâu cũng thấy Míc, nhìn đâu cũng thấy SAM."

Trong cơn sợ hãi, hoang mang như vậy, tên lửa Hà Nội chỉ bắn lên đó sáu mươi tư quả đạn mà phi công Mỹ tưởng là hai trăm quả thì cũng là điều dễ hiểu!

Chiều ngày 19 tháng 12, trong căn hầm Sở chỉ huy tiền phương, chúng tôi tổ chức đón mừng thư khen của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phú, Nghệ An, đồng thời quán triệt lời kêu gọi của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng.

Lần này, tiền phương Quân chủng được tổ chức gọn nhẹ, chỉ có khoảng mươi người. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau sung sướng, tự hào về chiến thắng vang dội mà quân và dân ta vừa giành được. Có mấy bao thuốc là Thủ đô do anh Lê Quang Hòa vừa gửi cho, thêm ít kẹo và một gói chè loại một gia đính vừa gửi vào, tôi đưa ra khao tất cả anh em.

Quả là một ngày rất vui. Thật hạnh phúc và may mắn khi được góp phần vào trận chiến thắng B-52 trong đêm đầu tiên của chiến dịch lịch sử này. Hình như tôi có "duyên nợ" với B-52 hay sao mà năm năm qua, B-52 đã "gặp" tôi trên suốt những chặng đường chiến đấu, từ Vĩnh Linh, Đường 9 - Nam Lào đến Trị - Thiên, và bây giờ là Hà Nội.

Khi tất cả mọi người đã trở về lán của mình, chỉ còn Nguyễn Sinh Huy và tôi ngồi lại trong căn hầm, tôi bỗng cảm thấy một điều ngẫu nhiên thú vị. Cách đây hơn năm năm, trên chiến trường Vĩnh Linh, tôi và Nguyễn Sinh Huy cũng có giờ phút ngồi bên nhau như hôm nay. Đó là những vui sau trận đánh rơi chiếc B-52 đầu tiên trên miền Bắc, quân và dân Vĩnh Linh được Bác Hồ gửi thư khen. Chỉ tiếc rằng ngày đó, chúng tôi chưa hạ được B-52 tại chỗ, để có thể mang một mảnh xác B-52 về Hà Nội để kính dâng Người. Bây giờ đây, khi xác B-52 bị bắn tác xác trên bầu trời Hà Nội thì Bác đã đi xa. Đối với chúng tôi, nỗi đau này không gì so sánh được. Nó trở thành nỗi ân hận suốt đời trong lòng mỗi chiến sĩ phòng không chúng tôi. Bởi vì như trên đã nói, chính Bác là người đầu tiên chỉ cho chúng tôi con đường đi đến chiến thắng với câu nói bất hủ: "Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi nữa chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng."

Khi B-52 leo thang ra đến đèo Mụ Giạ, phía tây Quảng Bình, rồi liên tục đánh phá khu vực Vĩnh Linh, Bác thường xuyên dành thời gian để nghe báo cáo tình hình. Biết trung đoàn tên lửa 238 đã vào khu vực Vĩnh Linh để đánh B-52, mỗi lần đồng chí Đặng Tính lên báo cáo với Bác tình hình chiến đấu của Quân chủng, bao giờ Bác cũng hỏi thăm tình hình bộ đọi tên lửa đánh B-52 ở Vĩnh Linh.

Một ngày đầu tháng 8 năm 1967, tôi vừa đi kiểm tra tình hình chiến đấu của một số trung đoàn tên lửa ở phía bắc sông Hồng về thì gặp anh Đặng Tính đang đứng ở trước cửa. Anh vồn vã gọi tôi vào phòng. Tôi tưởng anh sẽ hỏi về công tác chuẩn bị của bộ đội tên lửa trong đợt chiến đấu bảo vệ Hà Nội sắp tới. Nhưng không phải, tôi vừa ngồi xuống ghế, anh Tính hỏi ngay:

- Bên anh dạo này có nắm được cụ thể tình hình 238 thế nào không?

Từ ngày cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội diễn ra quyết liệt, nhất là từ đầu năm 1967 đến nay, có lúc phải tập trung đến tám mươi phần trăm lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội, chúng tôi hầu như "quên" mất trung đoàn 238 đang chiến đấu ở Vĩnh Linh. Tôi báo cáo với anh Đặng Tính về sẽ cho cơ quan nắm lại và tổng hợp báo cáo sau.

- Vừa rồi Bác có nhắc tại sao ta chưa bắn rơi được B-52, - Anh Tính nói với tôi - Các anh trên Bộ chỉ thị cho Quân chủng phải cử một đoàn cán bộ vào trực tiếp chỉ đạo cho 238 đánh rơi B-52. Chúng tôi đã bàn trong Thường vụ. Anh thu xếp vào trong đó một chuyến.

Máy hôm sau tôi lên đường.

Anh Tính siết chặt tay tôi căn dặn:

- Chúng ta có nhiệm vụ thực hiện lời dạy của Bác. Anh đi, nhớ giữ gìn sức khỏe, bảo đảm an toàn. - Anh lắc lắc tay tôi, cặp mắt nheo cười, thân ái. - Khi về, nhớ mang theo một chiếc B-52.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3