Đánh Thắng B-52 - Chương 3 - Phần 3

Rất may trong đống giấy tờ còn lại, tôi còn tìm thấy một cuốn sổ ghi chép khá đầy đủ những sự kiện chính liên quan đến chiếc B-52 đầu tiên.

"... Ngày 23 tháng 8 năm 1967.

Tiểu đoàn 84 chiếm lĩnh trận địa T3, đội 6 nông trường Quyết Thắng. Tất cả đều trót lọt. Thức với anh em trọn một đêm. Siết chặt tay các đồng chí lái xe, các đồng chí công binh anh hùng.

Ngày 25 tháng 8 năm 1967

Chuẩn bị chiến đấu xong, hai rãnh, ba bệ, hai đạn. Chưa có đài một (Ra-đa được trang bị cho tiểu đoàn tên lửa để phát hiện địch từ xa) vì máy nổ còn để ở nông trường Phú Quý. Hỏi đồng chí Cảng tại sao lại như thế. Đồng chí Cảnh trả lời: Nhiều việc quá, mụ người đi quên mất. 3 giờ 15 phút, trên thông báo có B ra.

Đợt một: ăng-ten đài hai (Bộ phận phát sóng cực mạnh để bắt mục tiêu, chuẩn bị trực tiếp cho việc phóng đạn tiêu diệt địch) bắt được cự ly 25 km bay ra.

Đợt hai: ăng ten đài hai bắt được cự ly 35 km bay ra, hai chiếc, nhiễu nặng.

Tại sao lại hai chiếc? B-52 thường đi ba chiếc kia mà? Phải kiểm tra lại việc này. Phát sóng tất cả mười lần, mỗi lần từ mười bốn đến mười sáu giây. Nhắc Khuyến và Khuê phải thường xuyên có mặt ở trong xe để trực tiếp hướng dẫn anh em quy trình chống sơ-rai.

Ngày 26 tháng 8 năm 1967.

Một ngày đáng buồn. Địch tọa độ vào trận địa, tất cả mười bảy lần. Một viên đạn thủng cánh lái, một viên bẻ gãy ăng-ten. Rất may là các xe an toàn. Cũng là nhờ cao xa bảo vệ tên lửa đánh tốt, bắn rơi tại chỗ một F-105.

Họp đoàn công tác B rút kinh nghiệm. Biểu dương các đồng chí xuất sắc: Tụy, Lịch, Phúc, Khuyến. Nhiều đồng chí tham gia trực tiếp vào công việc như người của đơn vị.

Tối, điện báo cáo về hà Nội cho anh Tính, hứa dù khó khăn đến mấy cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 30 tháng 8 năm 1967.

Mười chín giờ chiếm lĩnh trận địa T4, cũng vẫn ở đội 6, nông trường Quyết Thắng. Lại thức trọn với anh em một đêm nữa. Anh em vất vả quá, đầu tóc rối bù, mặt mũi hốc hác. Không một ai kêu ca. Ai cũng nói: Tất cả để đánh thắng B-52. Nhắc đồng chí Cơ theo dõi sát thành tích của anh em để hôm về báo cáo với Quân chủng.

Bảy giờ sáng mới triển khai xong.

Ngày 31 tháng 8 năm 1967.

Sáu giờ sáng, mười chiếc B-52 ném bom ở bắc Cù Đinh, khí tài hỏng không đánh được. Nhắc đồng chí Khuyến, đồng chí Khuyến bám sát khí tài, chữa xong là tổ chức huấn luyện ngay.

8 giờ 30 phút, khí tài sẵn sàng chiến đấu.

18 giờ, B52 tiếp tục ra, phát sóng đài hai bắt được hai lần, nhưng đều bay ra. Đài một đã làm việc nhưng không bắt được mục tiêu. Lại thêm một vấn đề cần giải quyết: Huấn luyện cho trắc thủ đài một. Nhắc Lê Đức Khuê chú ý việc này. Không huấn luyện là không làm ăn gì được. Lại được báo cáo: đạn vẫn chỉ có một viên tốt. Nhắc đồng chí Cảnh: Bằng mọi cách bảo đảm đủ đạn chiến đấu. 21 giờ 30 phút, bốn đạn ba rãnh sẵn sàng chiến đấu. Kể ra hơi nóng với đồng chí Cảnh. Nhưng chắc các đồng chí cũng thông cảm. Đánh B-52 mà chỉ có một đạn thì đánh gì.

Ngày 1 tháng 9 năm 1967.

3 giờ 15 phút, B-52 ba tốp, chín chiếc.

84 vào cấp một xong thì đã nghe tiếng bom.

Đối 74 báo cáo có một tốp ba chiếc có đền ở hướng B-52 vừa xuất hiện. Lại mọt thủ đoạn mới gì chăng? Trung đoàn hạ lệnh cho 84 phát sóng, 84 khẳng định không phải là B, nhưng cũng vẫn cứ phát sóng sục sạo, một phần do tư tưởng nôn nóng sau quá nhiều lần lỡ thời cơ, một mặt do chấp hành mệnh lệnh máy móc, lại thêm yếu lĩnh chống rơ-rai chưa tốt, nên cuối cùng đã bị sơ-rai đánh trúng.

Nghe tin đau đớn đến bàng hoàng: Tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn cùng mười đồng chí khác bị thương. Trắc thủ phương vị Nguyễn Đình Chuyên hy sinh. Trần Xuân Khuyến, một cán bộ xông xáo của đoàn công tác B cũng bị thương trọng trận này. Suốt đêm, 84 rút khỏi trận địa.

Ngày 2 tháng 9 năm 1967.

Quốc khánh lần thứ hai mươi hai. Vĩnh Linh rực cờ đỏ. Cờ đỏ cắm trên cả những nóc hầm. Một biểu hiện mạnh mẽ của ý chí, của quyết tâm. Thật cảm động.

Họp với thường vụ và ban chỉ huy trung đoàn. Có ý kiến chuyển nhiệm vụ đánh B-52 chi 82 (Tiểu đoàn 82 đang được giấu kín ở khu đông làm lực lượng dự bị). Có ý kiến rút 84 ra, điều 82 lên khu tây. Phân tích tranh luận mãi, cuối cùng đều nhất trí ý kiến của đoàn công tác B: Xốc lại hai tiểu đoàn, tiếp tục đánh.

Vẫn để nguyên 84 ở khu tây, điều xe Y (Xe điều khiển. Các màn hiện sóng của tiểu đoàn trưởng, của sĩ quan điều khiển và của ba trắc thủ lái đạn đều ở trong xe này) lên, nhập vào bộ khí tài của 84. Như vậy toàn bộ kíp chiến đấu của xe Y gồm tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển và ba trắc thủ là của tiểu đoàn 82. Còn toàn bộ vẫn là của 84.

Ngày 3 tháng 9 năm 1967.

Lại được tin buồn. Xe Y cùng kíp chiến đấu của tiểu đoàn 82 đi đến ngã ba Hạ Cờ thì bị bom tọa độ phải quay lại. Trắc thủ góc tà Lê Hữu Dinh hy sinh. Lúc sắp thở hơi cuối cùng, Lê Hữu Dinh còn hỏi khí tài có việc gì không và chúc đồng đội ở lại đánh thắng B-52. Thật xúc động! Phải làm sao đánh thắng B-52 để trả thù cho anh em. Bảo đồng chí Cơ ghi vào danh sách đề nghị huân chương. Tối, xe Y của 82 tiếp tục lên đường.

Ngày 4 tháng 9 năm 1967.

Đang gọi điện báo cáo tình hình với B5 thì Lê Hỷ, sĩ quan điều khiển tiểu đoàn 82 bước vào. Mừng quá. Lê Hỷ đã từng nổi tiếng dũng cảm trong trận đánh ở Hà Bắc ngày 17 tháng 10 năm 1965. Trao đổi với Lê Hỷ cách đánh. Động viên Lê Hỷ cố gắng lập công để giành danh hiệu sĩ quan điều khiển đánh thắng B52 đầu tiên của bộ đội tên lửa. Câu ta cười rất tươi với hàm răng trắng bóng.

Ngày 6 tháng 9 năm 1967.

Ba giờ sáng, được báo cáo toàn bộ khí tài đã sẵn sàng chiến đấu. Một cố gắng phi thường. Chiều qua xuống trận địa, thấy anh em cắt mảnh xác máy bay, cắt vải, rồi dùng keo 88 chắp lại lỗ thủng ăng-ten (Từ đây sóng điện từ được phát lên không trung tìm địch). Thật là tuyệt, tinh thần khắc phục khó khăn, trí thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ ta.

Ngày 7 tháng 9 năm 1967

9 giờ, một F-100F lùng sục khu vực trận địa rồi cho F-4 đánh xăm. Ngồi với Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Sinh Huy ở sở chỉ huy mà ruột như có lửa đốt. Liệu lần này có việc gì không. Lẽ nào lại bị đánh lần thứ ba?

15 giờ, địch đánh trúng vào trận địa do đường vào cỏ đã bị úa vàng chưa kịp thay. Biểu hiện của sự chủ quan đơn giản đây. Đôi khi chỉ vì một sơ xuất nhỏ mà làm hỏng cả việc lớn. Lại phải kéo khí tài ra, chuẩn bị một trận chiến đấu mới.

Ngày 8 tháng 9 năm 1967.

Họp rút kinh nghiệm với trung đoàn 238.

Mới ra quân 15 ngày mà đã ba lần bị đánh. Kẻ địch tàn bạo, xảo quyệt thì rõ rồi, nhưng có vấn đề trách nhiệm ở đây không? Phải chăng tư tưởng mệt mỏi đã xuất hiện? Đám cỏ vàng trên đường vào trận địa! Tại sao không kiểm tra kỹ? Trách nhiệm ở đấy chứ còn ở đâu? Hoặc đã thấy, đã biết nhưng sao không cho đào cỏ mới về ngụy trang? Sợ bộ đội mệt ư? Suốt đêm nghe tiếng xe xích kéo khí tài rút khỏi trận địa mà lòng quặn đau. Ôi! Những chiến sĩ của chúng ta! Anh em thức biết bao đêm rồi. Biết bao nhiêu máu đã đổ vì chiếc B-52 đầu tiên? Sẽ còn biết bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu máu đổ xuống? Chưa bao giờ thấy trách nhiệm nặng nề bằng lúc này. Liệu có vượt qua được của ải này không? Đừng bi quan! Hãy tin vào quần chúng.

Ngày 10 tháng 9 năm 1967.

Trung đoàn tập trung hai đại đội công binh, hai đại đội cao xạ làm trận địa mới. Số anh em ở trung đoàn bộ cũng xuống tham gia. Nông trường Quyết Thắng vẫn tiếp tục chi viện một lực lượng đáng kể. Không thể thống kê hết được bao nhiêu mét khối đất đã được đào lên, lấp xuống, bao nhiêu nghìn cây gỗ đã được dùng để làm nắp hầm cho trận đánh B-52 đầu tiên này. Nghe nói có cái xẻng đã mòn vẹt đến quá nửa. Hôm nào về Hà Nội phải mang theo cái xẻng đó để đưa vào bảo tàng Quân chủng.

Sau ba ngày đêm nỗ lực với cường độ 24 trên 24 giờ, trận địa T5 đã hoàn thành. Một kỷ lục chưa từng có.

18 giờ, 84 vào chiếm lĩnh. Trời mửa rất to. Đường mới làm, bùn nhão nhoét, trơn như mỡ. Hai ba xe xích đấu vào không kéo nổi một bệ. Thế là toàn bộ khí tài kéo đến đành phải quay lại vị trí cất giấu. Đây là tình huống không được lường trước. Chiến sĩ lại thêm một đêm thức trắng. Ôi! Chiến sĩ của chúng ta! Sức mạnh gì giúp họ chịu đựng như vậy? Trong lúc bữa cơm hàng ngày chủ yếu là mắm muối, thiếu thịt, thiếu rau. Bây giờ lại thêm thiếu ngủ nữa. Anh Đặng Tính nói: Những đơn vị vào đến Vĩnh Linh xúng đáng được phong ba lần anh hùng. Những người chỉ huy phải làm sao xứng đáng với họ. Một sai sót nhỏ của người chỉ huy có thể làm tổn hại đến xương máu của biết bao chiến sĩ. Chỉ riêng việc không dự kiến tình huống trời mưa, đường trơn đã làm hàng trăm con người, hàng chục chiếc xe phải vất vả suốt một đêm, đó là chưa kể kẻ địch có thể đánh phá.

Ngày 11 tháng 9 năm 1967.

8 giờ 30 phút, RF-100F chỉ điểm cho F-4 oanh tạc khu vực cất giấu khí tài. Cũng chỉ vì tối hôm qua mưa to, bánh xe đi hằn rõ trên đường nên bọn chúng cứ nhè đường cụt mà đánh. Thiệt hại cũng đáng kể. Một bệ phóng bị hỏng lá chắn lửa, hai xe ATC bị vỡ kính, một xe Zil bị hỏng, ống dẫn sóng bị móp, ba đồng chí C2 bị thương, một đồng chí hy sinh.

Ngày 12 tháng 9 năm 1967.

Toàn bộ lực lượng kĩ thuật của trung đoàn, của đoàn công tác B được tung xuống đơn vị để sửa chữa, điều chỉnh khí tài.

Lại thêm một tai họa mới. Bếp anh nuôi vô ý để khói lộ ra ngoài, lập tức mấy chiếc F-4 lao xuống cắt bom. Một quả đúng vào hầm có sáu đồng chí thông tin đang nấp. Cả sáu đồng chí hy sinh. Đồng chí Phùng, trắc thủ đài một vào lấy cơm bị thương nặng. Cô y tá Lê Thị Thái không quản nguy hiểm chạy đến băng bó cho Phùng và các đồng chí bị thương khác. Máy bay địch quay lại cắt bom lần thứ hai, Lê Thị Thái đã hy sinh anh dũng.

Danh sách những đồng chí hy sinh vì nhiệm vụ đánh B-52 cứ kéo dài thêm. Lễ an táng những người đồng chí đến nơi yên nghỉ cuối cùng được tổ chức trọng thể. Các đồng chí 238 đã kết hợp phát động căm thù và củng cố thêm quyết tâm đánh thắng B-52 để trả thù cho đồng chí, đồng bào.

Sau biết bao tổn thất hy sinh như vậy, khí thế của bộ đội vẫn không hề giảm sút mà còn bốc cao hơn.

Đề nghị lên trên tặng thưởng huân chương cho nữ y tá Lê Thị Thái của nông trường Quyết Thắng.

Ngày 15 tháng 9 năm 1967.

Tiểu đoàn 84 trở lại chiếm lĩnh trận địa T5 an toàn. Suốt đêm mưa rất to. Đơn vị báo cáo: "Các hầm ngập nước. Có hầm nước lên đến sàn xe". Thật là tai họa. Sao nhiều khó khăn đến thế! Lại thêm ông trời muốn thứ thách "gan vàng, dạ sắt" của các chiến sĩ trung đoàn 238 chăng? Nhất định phải chiến thắng. Không thắng trận này thì sẽ có lỗi lớn đối với đồng bào, chiến sĩ, nhất là đối với những đồng chí, đồng bào đã hy sinh. Họp đến nửa đêm để rút kinh nghiệm. tại sao khi bắt được B là nó đã quay ra? Phải cải tiến hệ thống thông tin, thông báo như thế nào? Phải ra lại quy trình bắt B-52 từ đài một đến đài hai và tăng cường luyện tập. Phải tăng cường luyện tập cả sở chỉ huy hai cấp.

Quá nửa đêm mới từ chỗ họp trở về căn hầm của mình. Nước mưa cũng đã tràn vào trong hầm, bùn lép nhép. Một ngọn đèn dầu hỏa vặn nhỏ ở góc hầm. Một thỏi lương khô để trong cái bát sắt. Một bi-đông nước còn ấm nóng. Cảm ơn đồng chí công vụ. Cái phích nước đã bị vỡ sau mấy lầm bom. Thế mà hầu như lúc nào cũng có nước nóng. Bụng đang râm rẩm đau, có tý lương khô vào là đỡ ngay. Mệt quá, lấy chiếc khăn lau qua bùn dưới chân rồi ngả xuống giường thiếp đi lúc nào không biết.

Tháng 9 năm 1967.

10 giờ 5 phút, cấp một, hãi rãnh, ba đạn. Trên thông báo có B. Nguồn thông báo của trên ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Thường là chính xác.

Đài 1 của 81 (Lúc này đã điều thêm đài một của tiểu đoàn 81 vào bố trí ở trận địa T3, cách T5 gần 10 km nhằm mục đích phát hiện địch sớm để chỉ thị cho đài một của đỡ mất thời gian sục sạo, bảo đảm an toàn hơn cho trận đánh chính) phát hiện được sáu tốp, mười sáu chiếc. Tại sao lại là mười sáu chiếc nhỉ? hay là chúng có đội hình mới? Phải bảo đồng chí Huệ xác minh lại vấn đề này. Cự ly bắt được xa nhất là 178 km. Từ tốp thứ hai nhiễu nhẹ và giảm dần.

Đài một của 84, đợt 10 giờ, bắt được tốp thứ ba, cự ly 42. nhưng đài hai phát sóng mười lăm giây vẫn không thấy mục tiêu. Nhưng ba giây tiếp tục phát sóng. Nhưng PA (NA) cháy cầu chì, ăn-ten phương vị không quay.

Đợt hai, lúc 1 giờ 30 sáng, đài một của 84 không theo dõi được mục tiêu, sục sạo theo phần tử đài một của 81. Đài hai phát sóng phương vị 160 đến 180, thời gian từ tám đến mười giây, sang trái, sang phải 10 đến 12 độ vẫn không bắt được mục tiêu.

Dài một của 84 bắt được tốp thứ ba ở phương vị 170, cự ly 38. Đài hai phát sóng 15 giây. Vẫn không bắt được mục tiêu. Như vậy tất cả tám lần phát sóng, mỗi lần từ 8 đến 15 giây đều không bắt được mục tiêu..."

Đọc những trang ghi chép trên đây chắc hẳn bạn đọc cũng hình dung được phần nào con đường đi đến đánh thắng chiếc B-52 đầu tiên của các chiến sĩ trung đoàn 238 gian nan vất vả biết nhường nào. Hành quân được đến nơi, xây dựng được trận địa, giữ gìn được lực lượng, bảo đảm được khí tài... là những cửa ải tưởng như không thể vượt qua được, đều đã vượt qua. Giờ đây cửa ải cuối cùng đang hiện ra trước mắt. Có thể nói cửa ải cuối cùng này đã bắt đầu hiện ra từ ngày 23 tháng 8 năm 1967, khi toàn bộ khí tài của tiểu đoàn 84 triển khai sẵn sàng chiến đấu ở trận địa T3, đội 6 nông trường Quyết Thắng. Và kẻ thù đã chống trả một cách quyết liệt, rồi thiên nhiên cũng góp sức gây thêm những khó khăn. Những trận mưa cuối mùa thật dữ dội. Ba hôm nay, từ tiểu đoàn trưởng đến chiến sĩ thay nhau tát nước suốt ngày đêm, bởi vì chỉ ngừng một tiếng là nước có thể dâng lên quá sàn xe. Nhiều đồng chí đang ốm cũng ra tát nước. Đồng chí Nguyễn Bá Việt, trắc thủ xe A đang tát nước thì ngất đi, anh em phải dìu vào. Mặc dù gặp tất cả những khó khăn đó, các chiến sĩ tiểu đoàn 84 vẫn không hề nao núng. Vấn đề bây giờ là làm sao nhìn thấy được mục tiêu và phóng được đạn lên. Đây chính là cửa ải cuối cùng cần phải vượt qua. Nếu không vượt được cửa ải này thì những cố gắng trước đây dù to lớn đến mấy cũng trở thành vô nghĩa.

Ngày 17 tháng 9 năm 1967.

Tôi xuống tiểu đoàn 84 dự rút kinh nghiệm chiến đấu. Đường vào trận địa lầy lội. Đi đến đâu cũng thấy cán bộ, chiến sĩ đang khẩn trương tát nước. Đủ các thứ dụng cụ được đưa ra dùng: gầu, chậu, mũ sắt và cả nồi, niêu, xoong chảo... Tôi nghĩ những chiếc gầu này sẽ đi vào lịch sử như những hiện vật quý báu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta (Hiện nay trong phòng truyền thống của trung đoàn 238 còn giữ lại một trong những chiếc gầu tát nước trong trận đánh B-52 đầu tiên).

Đường hào đến xe Y giống như trong địa đạo. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên đón tôi ở cửa xe, tươi cười nói vui với tôi:

- Đề nghị thủ trưởng phải làm sao cho chân thật sạch mới được bước lên xe của chúng tôi đấy.

Tôi vừa chùi chân vào đống giẻ vừa nói:

- Trong hoàn cảnh này mà các cậu vẫn cười được, vẫn sạch sẽ đàng hoàng thế này thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.

Nguyễn Sinh Huy đang cùng anh em tát nước ở cuối hầm cũng chạy ra đón tôi, báo cáo:

- Nếu trời không tạnh mưa thì gay lắm thủ trưởng ạ. Địch vào cũng khó mà đánh được. Nếu mưa to hơn còn có nguy cơ hầm bị sụt.

Tôi đề nghị nhanh chóng tổ chức cho hai đại đội công binh vào đào rãnh thoát nước cho khu trung tâm, một đại đội đào hầm cho bệ, đạn. Sau đó, chúng tôi tập trung vào việc rút kinh nghiệm bắt mục tiêu.

Đại đội trưởng đại đội 1 Đoàn Mạnh Dũng báo cáo lại diễn biến những "trận đánh hụt" thời gian qua. Hình thù các dải nhiễu được đưa ra phân tích so sánh. Các đồng chí trắc thủ Nguyễn Văn Ngận, Trần Hồng Thính, Phạm Văn Ngoạn phát biểu sôi nổi, nghiêm khắc tự nhận những sai sót của mình trong thao tác. Qua nhiều ý kiến trao đổi, phân tích, cuối cùng đã sơ bộ rút ra được một số kết luận về địch, về ta và phương hướng khắc phục.

Trong những kỷ niệm về sự kiện bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên, buổi họp rút kinh nghiệm hôm đó để lại trong tôi những ấn tượng thật sâu sắc. Bên ngoài mưa vẫn rơi. Bầu trời xám xịt. Trong chiếc xe được giấu kín dưới hầm sâu, những người được giao trách nhiệm hoàn thành phần việc cuối cùng của một trận đánh đang tập trung trí tuệ để chuẩn bị cho cuộc đọ sức mới với B-52. Ngắm nhìn những khuôn mặt trẻ của kíp chiến đấu Hỷ, Thính, Ngận, Ngoạn, chăm chú lắng nghe những lời phát biểu của họ, tôi thực sự cảm thấy sung sướng và tự hào. Chính thế hệ này, thế hệ được nhà trưởng xã hội chủ nghĩa giáo dục và rèn luyện sẽ đảm đương nhiệm vụ lịch sử đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Thật là đẹp trong sự gặp gỡ tình cờ giữa ba thế hệ Cách mạng tháng Tám, thế hệ kháng chiến chống Pháp và thế hệ chống Mỹ, cứu nước trong một căn hầm dưới lòng đất Vĩnh Linh hôm nay. Sức mạnh tổng hợp của cả ba thế hệ dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ đánh thắng mọi kẻ thù dám động đến nền độc lập của dân tộc ta, sẽ đánh thắng B-52 và mọi thứ vũ khí hiện đại khác của đế quốc Mỹ.

Buổi trưa, chúng tôi rời trận địa trở về sở chỉ huy trung đoàn. Đồng chí Nguyễn Sinh Huy ở lại trực tiếp tham gia chiến đấu với đơn vị. Tôi siết chặt tay tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên, sĩ quan điều khiển Lê Hỷ và tất cả các đồng chí trong kíp chiến đấu của tiểu đoàn. Chúc các đồng chí thành công.

Về đến nhà với tâm trạng hết sức phấn chấn, tôi bước ngay vào sở chỉ huy. Không hiểu sao tôi lại có cảm giác là trận đánh sắp xảy ra và tin là sẽ thắng lợi.

Trung đoàn phó Lê Thanh Cảnh đang tập trung theo dõi tình hình địch trên bảng tiêu đồ. Còn tham mưu phó Đào Công Thận thì đang như hét vào ống nghe:

- Chú ý cả hướng đông-nam và tây-nam.

Tôi hỏi:

- Mặt trận có thông báo B ra à?

Đào Công Thận đặt ống nghe xuống báo cáo:

- Từ sáng đến giờ mặt trận không có thông báo gì thêm. Nhưng căn cứ vào thông báo hôm qua, chúng tôi quyết định cho hai đài một của 81 và 84 thay nhau mở máy trực.

Đêm qua, lúc 23 giờ, chúng tôi nhận thông báo có B ra vào lúc hai giờ và mười chín giờ. Nhưng đợt hai giờ không có. Sau đó do mưa quá to, phải ngừng lại để tát nước nên khi B ra, bị lỡ thời cơ không đánh được. Còn đợt mười chín giờ thì sắp đến. Nhưng sự thông báo của trên không phải lúc nào cũng chính xác một trăm phần trăm. Ví dụ như thông báo đợt hai giờ có B ra thì hơn ba giờ B mới ra. Còn đợt mười chín giờ sắp đến thì sao?

Tôi bảo đồng chí Cảnh:

- Lệnh cho đơn vị sẵn sàng. Chiều nay có khả năng B-52 ra sớm.

Ý định của tôi là cữ sẵn sàng sớm đi để bảo đảm chủ động, nếu B-52 ra thì đánh được kịp thời. Còn nếu không thì để anh em tiếp tục luyện tập, nhất là luyện tập theo phương hướng của cuộc họp rút kinh nghiệm sáng nay.

16 giờ, đài một của 81 báo cáo nhiễu nặng 360 độ.

Tôi nhắc đồng chí Cảnh:

- Cho thêm đài một của 84 mở máy.

16 giờ 40 phút, sở chỉ huy trung đoàn lệnh cho 84 vào cấp một. Khí tài bảo đảm sẵn sàng chiến đấu tốt. Ba rãnh, ba bệ, ba đạn.

17 giờ, đài quan sát trên đồi 74 báo về: Có tiếng động cơ F-102 ở hướng đông và đông-bắc. Tôi nhắc đồng chí Thận thông báo ngay cho 84 biết tin này.

F102 xuất hiện là một triệu chứng hầu như tất yếu phải có trước khi B-52 ra, nó giúp cho người chỉ hu có thêm cơ sở để xử trí tình huống.

Tôi gặp máy đồng chí Nguyễn Sinh Huy đang ở 84.

- Tình hình thế nào? Tốt cả chứ?

- Báo cáo tốt! Vi-cô (Màn hiện sóng của tiểu đoàn trưởng) của tiểu đoàn trưởng đang có phần tử đài một của 84. Một tốp ba B-52, phương vị 180, cự lý 120, tín hiệu rất rõ.

Tôi chỉ thị:

- Cho thông báo ngược lên ngay.

Khi trên bảng tiêu đồ của sở chỉ huy trung đoàn xuất hiện tốp B-52 đầu tiên mang ký hiệu 01, tôi cảm thấy tim mình như nghẹn lại vì sung sướng. Chính "nó" đấy ư? Bao nhiêu lâu nay nghe tiếng "mày", bây giờ ta mới gặp. Bao nhiêu tổn thất, hy sinh, bao nhiêu cố gắng phi thường mới có được giây phút này đây!

Căn hầm sở chỉ huy lõng bõng bùn nước. Đồng chí Đào Công Thận chân đi ủng, thường xuyên cầm máy trực tiếp liên lạc với hai đài ra đa 81 và 84. Đồng chí Lê Thanh Cảnh ngồi trên chiếc ghế trước bảng tiêu đồ, chăm chú theo dõi tình hình địch, hai chân gác lên một chiếc ghế khác. Còn tôi thì ngồi trên chiếc võng căng ở ngay sau bàn chỉ huy. Một biện pháp "chống úng" tốt nhất.

Ngay khi tốp B-52 mang số hiệu 01 xuất hiện, đồng chí Lê Thanh Cảnh hạ lệnh cho 84 tiêu diệt.

Chỉ mấy phút sau, sở chỉ huy trung đoàn nhận được báo cáo: Tiểu đoàn 84 đã phóng đạn. hai quả, giãn cách 10 giây.

Nhanh quá, tuyệt quá, hoan hô Nguyễn Đình Phiên, hoan hô Lê Hỷ, hoan hô kíp trắc thủ Thính, Ngận, Ngoạn! Hoan hô tất cả các đồng chí tiểu đoàn 84, các đồng chí trung đoàn 238 đã tham gia trận đánh lịch sử hôm nay!

Nhưng kết quả trận đánh như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Phóng được đạn lên đã là một thắng lợi, nhưng chúng tôi không muốn dừng lại đó. Từ trận địa đã bắt đầu báo cáo lên những phần tử ban đầu của trận đánh.

Cả hai quả đều có tính hiệu K3 (Tín hiệu ngòi nổ vô tuyến ở đầu quả đạn).

Tất cả những yếu tố trên hoàn toàn có thể kết luận là mục tiêu đã bị tiêu diệt. Nhưng để chắc chắn hơn, tôi gặp máy Nguyễn Sinh Huy:

- Chắc chắn rơi không?

Giọng nguyễn Sinh Huy phấn chấn:

- Nhất định rơi anh ạ! Rất tiếc là trời mưa, mây mù nhiều, đài quan sát không nhìn thấy được. Nhưng chiến tranh điện tủ mà anh - Nguyễn Sinh Huy cười to đầy vẻ tin tưởng - Cần gì phải trời quang mây tạnh chúng ta mới nhìn thấy kẻ thù bốc cháy. Trên màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển tôi nhìn rõ tín hiệu tên lửa và sóng chờ đi giữa mục tiêu, mờ dân qua vạch ngang hai km thì lệch về trái.

- Thế thì chắc chắn là rơi rồi.

Tôi bỏ máy xuống, vui mừng siết chặt tay các đồng chí Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Huy Nhuận, Đào Công Thận và tất cả những đồng chí có mặt trong sở chỉ huy hôm đó. Căn hầm nhỏ, ẩm ướt do mấy ngày mưa kéo dài bỗng như bừng sáng lên bởi những gương mặt, những cặp mắt long lanh trước một niềm vui lớn. Có ở chiến trường mới thấy hết được niềm vui chân chính của người lính, nó kỳ diệu biết nhường nào. Tôi như muốn ôm hôn tất cả.

Tôi ngả mình trên cánh võng và cảm thấy niềm vui sướng dâng trào. Và tự nhiên, tôi nghĩ đến Bác. Ngày mai, nhất định Bác sẽ được tin này. Chắc chắn là Bác sẽ vui. Nhiệm vụ Bác giao cho chúng tôi cách đây hai năm, mãi đến bây giờ chúng tôi mới thực hiện được, tuy mới chỉ là bước đầu.

Tôi cũng nghĩ đến anh Tính và các anh ở nhà. Chắc các anh cũng đang nóng lòng muốn biết tình hình cụ thể của trận đánh. Tôi nhắc đồng chí Thận thu thập thêm số liệu, làm gấp báo cáo trận đánh gửi lên trên.

Ngồi trên võng, tôi thảo bức điện gửi anh Đặng Tính: "Hồi 17 giờ 05 phút ngày 17 tháng 9 năm 1967, tiểu đoàn 84 đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên..."

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3