Đánh Thắng B-52 - Chương 4 - Phần 1

BỐN

TÌM B-52 MÀ ĐÁNH

Sau đòn Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ phải bắt đầu xuống thang chiến tranh và ngày 31 tháng 3 năm 1968 tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.

Thời kỳ này, chiến dịch Khe Sanh đang diễn ra quyết liệt. Giôn-xơn buộc Oét-mo-len phải làm một việc hiếm có trong lịch sử chiến tranh: Cam kết không được để căn cứ Khe Sanh thất thủ.

Tại đây con chủ bài B-52 lại được tung ra làm nhiệm vụ chiến thuật thay thế cho bọn cường kích đang phải căng ra trên các chiến trường. Trên một khu vực hẹp, địch đã sử dụng trung bình ba mươi lần chiếc B-52 mỗi ngày và cao nhất lên tới bảy mươi lần chiếc. Nhưng trước sức mạnh áp đảo của bộ binh ta, ngày 9 tháng 7 năm 1968, bọn lính thủy đánh bộ Mỹ đã buộc phải kéo nhau rút chạy khỏi Khe Sanh. Trong chiến dịch này, chúng ta chưa đưa được tên lửa vào để đánh B-52, nhưng có thể nói chúng ta đã thắng B-52 ở một ý nghĩa khác. Hỏa lực "không thế tưởng tượng nổi" của "siêu pháo đài bay" đã không đè bẹp được ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta. Cũng như hơn hai năm trước, B-52 đã không làm thay đổi được cục diện trên chiến trường. Mặt khác. B-52 hoạt động với mật độ tập trung cao và thường xuyên ở Khe Sanh dã tạo cho chúng ta có thêm điều kiện viết tiếp tập "hồ sơ con ngoáo ộp". Cùng thời gian này một đoàn công tác "bắt B-52" do Binh chủng Rađa cử vào giúp các đại đội ra-đa ở phía trong, trọng điểm là đại đội 12 ở Tân Truyền (Quảng Bình), nhằm xây dựng một quy trình bắt B-52 hoàn chỉnh để phổ biến kinh nghiệm cho toàn binh chủng. Đoàn công tác này được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tư lệnh bộ đội ra-đa Lương Hữu Sắt, sau ba tháng lăn lộn ở trận địa đã đem về Hà Nội một công trình quý báu. Toàn bộ hình thù của con "ngoáo ộp B-52" trên màn hiện sóng cùng với các dạng nhiễu khác nhau đã được thu vào ống kính và phóng thành những tấm ảnh cỡ lớn. Các tấm ảnh này, kèm theo những lời chú thích tỉ mỉ đã trở thành những tài liệu huấn luyện rất quý báu đối với các đơn vị ra-đa ở tuyến ngoài. Năm 1969, đến dự tổng kết bốn năm chống chiến tranh phá hoại của Quân chủng, sau khi xem tài liệu "bắt B-52" cùng với những tấm ảnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khen ngợi: "Công tác tham mưu phải làm như thế mới thắng được kẻ thù có trang bị hiện đại."

Trên cơ sở những kinh nghiệm đánh B-52 của trung đoàn 238 ở Vĩnh Linh, Quảng Bình những năm 1967, 1968 và những tài liệu về B-52 mà các đồng chí ra-đa thu thập được, ngày 7 tháng 1 năm 1969, Bộ tham mưu Quân chủng đã cho ra đời tài liệu "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52".

Trong khi chuẩn bị tư liệu để viết hồi ký "Đánh thắng B-52", tôi đã tìm thấy tài liệu quý báu này ở kho lưu trữ của bảo mật Quân chủng. Bây giờ nó đang nằm ở trước mắt tôi, giản dị, đơn sơ, với hai mươi hai trang giấy, in rô-nê-ô. Các dòng chữ "Dự thảo cách đáng máy bay chiến lược B-52", được viết bằng tay một cách nắn nót và khá đẹp. Đồng chí phụ trách lưu trữ cho biết, trong kho chỉ còn một bản này và đồng thời cũng là bản duy nhất còn lại của toàn Quân chủng. Tôi ngồi ngẩn hồi lâu trước bản tài liệu, lòng tràn đầy xúc động. Để có những trang tài liệu này, biết bao đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh. Trước mắt tôi như hiện ra những ngày chiến đấu gian khổ đánh B-52 trên chiến trường Vĩnh Linh. Tôi nhớ đến Nguyễn Ngọc Tân, Lê Hồng Thịnh, Lê Hữu Dinh và nhiều đồng chí khác đã ngã xuống trong lúc tuổi đời còn rất trẻ vì sự nghiệp đánh thắng B-52.

Tập tài liệu gồm có ba phần lớn: Phần thứ nhất nêu lên những thủ đoạn chiến thuật, kĩ thuật, quy mô sử dụng lực lượng của B-52 trên chiến trường Quân khu 4. Phần thứ hai của tài liệu với đề mục: "Dự kiến đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 để đánh phá Hà Nội - Hải Phòng". Phần thứ ba của bản tài liệu, đồng thời cũng là phần chủ yếu, chiếm đến 13 trang, dành nói về: "Cách đánh máy bay chiến lược B-52 của bộ đội tên lửa ta ở khu vực hà Nội, Hải Phòng."

Tôi nhớ lại những cuộc họp rút kinh nghiệm sôi nổi dưới căn hầm ở Vĩnh Chấp sau trận thắng B-52 đầu tiên. Trong những cuộc họp đó, toàn bộ hình hài của con ngoáo ộp B-52 đã được những người theo dõi nó suốt hơn một năm trời ở chiến trường Vĩnh Linh dựng nên khá rõ nét. Và chính nó đã góp phần quan trọng để các đồng chí ở Bộ tham mưu Quân chủng đúc kết thành bản tài liệu dự thảo cách đánh B-52.

Những năm 1969, 1970, 1971 cuộc chiến đấu đánh trả máy bay địch trên cửa khẩu các tuyến hành lang diễn ra ngày càng quyết liệt. Toàn bộ lực lượng không quân Mỹ trước đây dùng để đánh phá miền Bắc nay hầu như được tập trung vào việc đánh phá giao thông vận chuyển trên tuyến đường Trường Sơn. Tại đây, ngoài các loại máy bay khác địch vẫn thường dùng, B-52 đã được tung ra với cường độ khá lớn. Trong mùa khô năm 1970-1971, B-52 được sử dụng trung bình tới ba mươi lần chiếc mỗi ngày, và mỗi tháng trên dưới một nghìn lần chiếc. Chỉ tính riêng từ ngày 8 tháng 10 năm 1970 đến cuối tháng 1 năm 1971, địch đã sử dụng đến 3.766 lần chiếc B-52 đánh phá tập trung trên bốn cửa khẩu ở bốn tuyến đường số 12, 20, 16, 18. B-52 đã trở thành mối quan tâm lớn của các đồng chí ở Đoàn 559. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh bộ đội 559 nhiều lần điện ra Bộ Tổng tham mưu và trao đổi với đồng chí Đặng Tính về việc đưa tên lửa vào cửa khẩu các tuyến hành lang để đánh B-52. Trong một chuyến công tác kiểm tra tuyến đường Trường Sơn, đồng chí Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã chính thức chỉ thị cho Bộ tư lệnh Đoàn 559 và Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đưa tên lửa vào đánh B-52 ở cửa khẩu, nhằm bảo đảm kế hoạch vận chuyển kịp thời chi viện cho chiến trường.

Thường vụ Đảng ủy Quân chủng đã họp phiên chuyên đề về việc đưa bộ đội tên lửa vào tuyến đường Trường Sơn, tìm B-52 mà đánh. Đay là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, có nhiều khó khăn, phức tạp. Một lần nữa, trung đoàn tên lửa 238 lại được giao nhiệm vụ mở đầu. Khu vực tác chiến đầu tiên được chọn là tuyến đường số 20, tuyến đường quan trọng nhất, thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt nhất trong hệ thống đường Hồ Chí Minh. Rõ ràng quyết tâm đưa tên lửa vào tác chiến ở tuyến đường Trường Sơn là quyết tâm chính xác và cần thiết. Khi kẻ địch dùng uy lực B-52 để ngăn chặn giao thông của ta thì không có lý do gì, khi có vũ khí trong tay, ta lại không tìm để tiêu diệt nó, hoặc ít ra là hạn chế đến mực thấp nhất những thiệt hại do nó gây ra. Mặt khác, tập "hồ sơ" về B-52 vẫn cần phải có thêm những trang mới. Tài liệu "Dự thảo cách đánh B-52" tuy có thể gọi là một công trình nghiên cứu có giá trị nhưng dù sao cũng mới chỉ là bước đầu, cần có sự kiểm nghiệm và bổ sung thêm hoàn chỉnh.

Cuối tháng 10 năm 1969, tôi rời Hà Nội đi vào Trường Sơn. Cũng như lần đi vào Vĩnh Linh hai năm trước, tiễn tôi lên đường, anh Đặng Tính lại siết chặt tay tôi, thân ái:

- Thứ nhất là bắn rơi B-52, thứ hai là có thêm tài liệu mới.

Tôi nhớ trong những lần họp Thường vụ, họp Bộ tư lệnh bàn cách đưa tên lửa vào đánh B-52 ở cửa khẩu các tuyến hành lang, anh Đặng Tính thường nhắc đi nhắc lại một ý là việc chúng ta tìm đánh B-52 lần này vừa là nhiệm vụ quan trọng trước mắt, vừa chuẩn bị cho nhiệm vụ lâu dài. Nếu như các bước leo thang của không quân chiến thuật Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho ta chuẩn bị đánh trả chúng một cách có hiệu quả thì việc leo thang của bọn B-52 cũng thế. Phải tranh thủ thuận lợi này. Đánh B-52 để góp phần bảo vệ giao thông chiến lược. Tìm B-52 mà đánh để tự rèn luyện mình. Vì vậy, không phải chỉ tên lửa mà cả không quân ta cũng được lệnh vào đánh B-52 ở tuyến hành lang 559.

Trên đường số 20, tôi được gặp lại những khuôn mặt quen thuộc. Đó là những cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 238, những người đã cùng tôi trải qua những ngày gian khổ, quyết liệt trên chiến trường Vĩnh Linh mấy năm trước. Đồng chí Lê Thanh Cảnh bây giờ đã là trung đoàn trưởng, Đào Công Thận đã là trung đoàn phó, đón tôi ở cửa rừng, vẫn vui vẻ, lạc quan:

- Chúng ta lại đi tìm diệt con "ngoáo ộp" chứ thủ trưởng?

- Chứ sao! Bộ đội tên lửa chúng ta phải luôn luôn coi con "ngoáo ộp" B-52 là đối thủ chính của mình.

Đội hình ra quân đánh B-52 lần này của 238 khác hẳn với hai năm trước, quy mô và bề thế hơn nhiều. Theo chủ trương của Quân chủng, lực lượng này nằm trong đội hình của cụm "Quyết thắng 1", dưới sự chỉ huy trực tiếp của sư đoàn 367.

Thật thú vị khi lại có dịp sống chung với các chiến sĩ tiểu đoàn 84 tại trận địa đánh B-52. Đại đội trưởng Đoàn Mạnh Dũng hồi ở Vĩnh Linh nay đã là tiểu đoàn trưởng. Các chiến sĩ cũ đã trưởng thành. Nhiều khuôn mặt mới xuất hiện. Nhưng tất cả đều hòa thành một khối, chung một quyết tâm: Đánh thắng B-52.

Ngày 19 tháng 12 năm 1969, tiểu đoàn 84 phóng những quả đạn tên lửa đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn. Trận đánh chưa mang lại kết quả như ý muốn, B-52 chưa rơi, nhưng đã buộc Lầu năm góc phải lúng túng đối phó. Những phi vụ B-52 trên đường mòn Hồ Chí Minh lập tức được lệnh tạm thời đình chỉ. Còn bộ binh, công binh, thanh niên xung phong, đặc biệt là các đơn vị ô tô vận tải thì nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của bộ đội tên lửa. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gửi điện cho Bộ tư lệnh Quân chủng vui mừng báo tin: "Những quả đạn tên lửa phóng lên ở đường số 20 ngày 19 tháng 12 năm 1969 đã giúp cho kế hoạch vận chuyển trên tuyến đường hoàn thành vượt mức. Đề nghị tăng cường hơn nửa cả tên lửa và không quân.

Đối với chúng tôi, tuy chưa bắn rơi được B-52, nhưng những kinh nghiệm bước đầu thu được về hoạt động của bộ đội tên lửa trên tuyến hành lang là hết sức quý báu, làm cơ sở cho những bước phát triển tiếp theo sau này.

*

* *

Ngày 28 tháng 9 năm 1970, chúng tôi nhận được mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu: "Để tăng cường sức chiến đấu cho 559, Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh điều trung đoàn tên lửa 238 gồm hai tiểu đoàn hỏa lực, một tiểu đoàn kĩ thuật rút gọn, hai tiểu đoàn cao xạ, đợt đầu mang theo mười sáu quả đạn tên lửa vào chiến đấu tại địa bàn 559, đi cùng có một đại đội ra-đa, một phân đội nhiễu (Đơn vị kĩ thuật chuyên làm nhiệm vụ báo động B-52), một tiểu đoàn công binh để bảo đảm cho 238 chiến đấu.

1. Nhiệm vụ: Tiêu diệt và khống chế máy bay địch, chủ yếu là B-52 để góp phần tích cực bảo vệ giao thông vận chuyển và chân hàng. Sau sẽ đánh cả C-130.

2. Khu vực bố trí: Vùng Lùm Bùm (cuối đường số 20), Lát Hôn, tây Ta Lao (cuối đường số 18). Khi cần sẽ đi sâu vào nam đường số 9, hoặc ra khu vực Bản Đông sẽ có lệnh của Bộ, nhưng phải nghiên cứu trước trận địa để khi cần cơ động được ngay."

Một hôm vào khoảng đầu tháng 10 năm 1970, anh Đặng Tính (lúc bấy giờ vẫn là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng) gọi tôi vào phòng làm việc. Mở đầu anh hỏi thăm tôi về sức khỏe:

- Dạo này cái dạ dày của anh ra sao?

Tôi đáp:

- Vẫn nhì nhằng thế thôi. Cứ vào khoảng chín giờ sáng lại ngâm ngẩm đau.

Anh Tính nhắc lại mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu rồi nói:

- Vẫn chủ yếu là vấn đề B-52 thôi. Ta quyết theo nó đến cùng. Thấy tên lửa ta xuất hiện ở cửa khẩu, nó lùi sang bên kia tây Trường Sơn. Ta lại vượt Trường Sơn sang tìm nó mà đánh. Trong Bộ tư lệnh Quân chủng, anh là người theo sát nó từ đầu. Lần này chúng tôi bàn nhau là anh lại đi một chuyến nữa. - Rồi anh cười, vui vẻ nói với tôi:

- Thế nào, còn dư sức chứ?

Tôi cũng cười, vui vẻ đáp:

- Không những còn dư sức vượt Trường Sơn mà còn có thể đi tận cùng đất nước cho đến ngày giải phóng miền Nam.

Mấy hôm sau tôi cùng đoàn cán bộ tiền trạm của Quân chủng lên đường đi tìm trận địa và trinh sát đường sá trước. Đó là một chuyến đi có biết bao kỷ niệm. Lại gặp Nguyễn Sinh Huy trong đoàn công tác này. Một buổi chiều dừng chân bên bờ suối phía trên ngã ba Dân

Chủ, nơi gặp nhau giữa con đường số 16 và đường số 10, Nguyễn Sinh Huy tâm sự với tôi:

- Cuộc đời chinh chiến của chúng ta thật đáng tự hào. Đế quốc Mỹ đem B-52 đi hù dọa khắp thế giới. Còn chúng ta thì lại đem tên lửa lên tận đỉnh Trường Sơn để tìm B-52 mà diệt.

Đêm hôm đó, mắc võng ngủ lại giữa rừng, tất cả chúng tôi đều nghĩ đến Bác mà cảm thấy thương nhớ Bác vô cùng. Cách đây gần đúng hai mươi lăn năm, Bác đã nói một câu nói lịch sử: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập. Sự nghiệp cao cả đó chưa hoàn thành thì Bác đã đi xa. Bác đã vĩnh biệt chúng ta mới cách đây hơn một năm. Mỗi chúng tôi đều cảm thấy mình có lỗi. Nhớ lời Bác trong Di chúc: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ nhiều hơn nữa, song nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn." Hôm nay chúng tôi đi tìm đường đưa tên lửa vượt Trường Sơn, chính là để góp phần thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.

*

* *

Cuộc chiến đấu của các trung đoàn tên lửa 237, 238, 275 trên đường Trường Sơn là cả một chiến công thần kỳ, phải có hẳn một cuốn sách dày mới có thể nói hết được. Trong chúng ta, ít ai có thể tưởng tượng được những bệ phóng tên lửa cồng kềnh vẫn thường thấy ở các trận địa xung quanh Hà Nội lại có thể vượt được Cổng Trời trên đường số 12, vượt qua được các trọng điểm Tà Lê, Phu La Nhích... trên đường số 20 để sang tận Lùm Bùm, xuống tận Bản Đông ở Nam Lào rồi lại vòng về đường số 9 qua Lao Bảo, Khe Sanh. Chỉ việc đi thôi đã là khó, huống hồ lại vừa đi vừa chiến đấu, đi dưới sự đánh phá ác liệt ngày đêm của kẻ thù thì lại càng khó khăn biết chừng nào. Nhưng với quyết tâm tìm đánh B-52, các chiến sĩ tên lửa đã bất chấp mọi gian khổ, hy sinh, lập được một số thành tích, tuy vẫn còn rất hạn chế và ít ỏi.

Trong nhưng trận đánh B-52 ở Trường Sơn, trận đánh ngày 18 tháng 3 năm 1971 của tiểu đoàn 69 trung đoàn 237 trên đỉnh Pa Tăng là trận đánh đáng ghi nhớ nhất. Dạo đó, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đang diễn ra hết sức khẩn trương, quyết liệt. B-52 được sử dụng trung bình hàng ngày 28 lần chiếc. Bước sang tháng 3, ngày cao nhất đã lên tới bốn mươi chín lần chiếc tập trung đánh từ sông Sê Băng Hiêng sang phía tây, nhằm mục đích chặn quân ta bao vây Bản Đông. Với cương vị là Phó tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Nam Lao phụ trách phòng không, tôi mang phương án tác chiến phòng không của đợt ba chiến dịch thông qua các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn. Theo kế hoạch thì tiểu đoàn 84 đã vượt sang Lùm Bùm để tham gia chiến đấu trong đội hình quân binh chủng hợp thành, nhưng lúc này tiểu đoàn 84 bị địch đánh hỏng khí tài, tiểu đoàn 81 chưa vượt khẩu, tiểu đoàn 82 thì đang ở đường số 12 chưa xuống kịp. Vì vậy, bộ đội phòng không tham gia đợt ba chiến dịch vẫn chỉ có trung đoàn 241, trung đoàn 230 pháo cao xạ và lực lượng phòng không của Đoàn 559.

Đồng chí Lê Trọng Tấn hỏi:

- Thế các tiểu đoàn của trung đoàn 237 hiện nay đang ở đâu?

- 82 vừa qua Seng Phan, 83 ở đường số 15, 69 ở km 68 đường số 16. - Tôi báo cáo.

Đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ thị:

- Đẩy gấp 69 lên! Hướng bắn là Bản Đông. Đối tượng là B-52. Dứt khoát phải có tên lửa tham gia trong đợt này!

Trở về hầm của mình, tôi cùng các đồng chí Phan Khắc Hy, Nguyễn Văn Thân, Hà Chấp bàn cách thực hiện chỉ thị của Bộ chỉ huy chiến dịch. Kho khăn lớn nhất là vấn đề đường sá. Đường số 16 từ km 40 trở lên km 68 mới mở rộng thêm trước chiến dịch là đường một chiều, toàn lên dốc, nhiều cua hẹp, dốc cao, hẻm sâu, vách đứng cao, tên lửa muốn hành quân được phải mở rộng thêm. Có nhiều đoạn nếu xe ATC đỗ thì xe khác không đi được. Rất ít đoạn có thể quay được đầu xe. Bên kia là tây Trường Sơn. Những hôm trời trong có thể nhìn thấy sông Sê Băng Hiêng. Muốn bố trí trận địa tên lửa bắn được về hướng Bản Đông, nhất thiết phải tìm trận địa ở khu vực đỉnh Trường Sơn này. Nhưng hiện nay chưa có đường đi tới đó. mà muốn có đường cho một tiểu đoàn tên lửa hành quân ở Trường Sơn đâu phải chuyện dễ dàng.

Khó khăn được báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch.

Quyết tâm đưa tên lửa lên đỉnh Trường Sơn để đánh B-52 vãn không thay đổi. Khi giao nhiệm vụ lần cuối cho tôi, đồng chí Văn Tiến Dũng nhấn mạnh:

- Đây không phải là vấn đề quân sự mà còn là vấn đề truyền thống, vấn đề lịch sử. Biết đến bao giờ các anh mới lại có dịp đưa tên lửa lên đỉnh Trường Sơn để đánh B-52.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, với sự nỗ lực phi thường của các đồng chí công binh, thanh niên xung phong và trực tiếp là binh trạm 27, giống như chuyện thần thoại, một con đường mới đã hiện ra giữa núi rừng Trường Sơn trùng điệp. Đó là con đường số 16Đ.

Anh Phan Khắc Hy đi kiểm tra đường về, nét mặt tràn đầy xúc động:

- Vĩ đại quá! Học đến bao nhiêu sách cũng không thể hiểu được sức mạnh vô cùng to lớn của quần chúng.

Anh Hy kể:

- Đường trên đỉnh Trường Sơn sương mù dày đặc hầu như suốt ngày đêm. Bật đèn vàng không thể thấy đường. Bật đèn pha cũng chỉ xuyên thủng được năm đến sáu mét. Nhưng khi bỗng chốc hết mù thì trời lại trong vắt, bọn trinh sát địch có thể trông thấy từng cành cây, ngọn cỏ.

Nhưng bọn địch dù có đầu óc tưởng tượng đến mấy cũng không thể nghĩ được rằng tên lửa lại có thể kéo lên được đỉnh Trường Sơn trong thời điểm đó. Bởi vì trong những tấm ảnh mới nhất về đường mòn Hồ Chí Minh mà Bộ tư lệnh tập đoàn không quan số 7 Mỹ có được cho đến cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1971 vẫn chưa có con đường số 16Đ này. Ngày 8 tháng 3 năm 1971 đường mới bắt đầu thông. Và ngày 18 tháng 3 năm 1971, từ những bệ phóng trên đỉnh Trường Sơn này, những quả đạn của tiểu đoàn 69 đã vạch mây mù bay lên, xuyên thẳng vào đội hình B-52 của giặc, lúc đại quân ta đang ào ạt tràn vào Bản Dông.

Trong sổ vàng "đánh thắng B-52", đây là chiếc B-52 thứ bảy bị đền tội. Kíp chiến đấu gồm tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Sang, sĩ quan điều khiển Lê Đông, trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Đoàn, trắc thủ cự ly Trần Văn Lợi, trắc thủ phương vị Hà Học Định đã cùng với tiểu đoàn của mình thực sự làm nên một chiến thắng lịch sử.

Trung đoàn trưởng trung đoàn 237 Phạm Sơn, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 81 ở chiến trường Vĩnh Linh bốn năm trước, trực tiếp có mặt ở trận địa tiểu đoàn 69 hôm đó đã nói vui với các chiến sĩ:

- Phải mất đúng bốn năm mới trả được cái "hận Cổ Kiềng".