Đánh Thắng B-52 - Chương 7 (Hết)
BẢY
CHIẾC B-52 CUỐI CÙNG
Nhớ lại những ngày chiến đấu sôi động hào hùng của trận "Điện Biên Phủ trên không" năm ấy, tôi không thể nào quên một hình ảnh khá đặc biệt thường diễn ra ở Sở chỉ huy Quân chủng. Đó là, cứ mỗi buổi sáng, cán bộ chiến sĩ lại xúm quanh chiếc đài bán dẫn của đồng chí trực ban chính trị để chờ nghe và nghe một cách say sưa bài xã luận của báo Nhân dân. Những bài xã luận như có lửa ở bên trong, thắp sáng niềm tin, thổi bùng lòng tự hào, tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào và chiến sĩ cả nước vươn lên, tiếp tục lập những chiến công to lớn hơn nữa. Dạo đó, nhiều đồng chí cán bộ đã nói, sau một đêm đánh giặc căng thẳng, mệt nhọc, tưởng như không nhấc nổi mình dậy, nhưng nghe những bài xã luận của báo Đảng qua giọng đọc có sức truyền cảm đặc biệt của người phát thanh lại như được tiếp thêm sức mạnh, như được chắp thêm đôi cánh để bay lên.
Sau này tôi được biết, trong những ngày cuối tháng 12 đó, không chỉ ở Sở chỉ huy Quân chủng mà ở các trận địa tên lửa, cao xạ, ra-đa, không quân cũng đều diễn ra cảnh chờ đón để nghe xã luận của Đảng.
Là người chỉ huy bộ đội, tôi thấy phải cảm ơn báo Đảng về những bài xã luận đó. Có thể được chăng khi tôi muốn nói rằng, chính những bài xã luận đó đã góp phần xứng đáng của mình vào chiến thắng 12 ngày đêm lịch sử.
Đêm 27 tháng 12, trên đường vào Sở chỉ huy, tôi dừng lại một lúc ở cửa hang, đưa mắt nhìn về Hà Nội. Tôi cố hình dung dưới vầng sáng kỳ diệu đó của Hà Nội, đâu là phố Khâm Thiên. Đêm qua nghe tin địch đánh Khâm Thiên và sáng nay nghe đồng chí trợ lý quân bào kể lại, Khâm Thiên đã đổ nát tan hoang bởi nhiều vệt bom B-52 rải thảm suốt dọc khu phố, tôi thấy bần thần cả người. Tuy vẫn biết Ních-xơn là con người tàn bạo, nhưng tôi vẫn không thể nghĩ rằng ông ta lại có những hành động điên cuồng, dã man, hủy diệt dân thường đến mức như thế.
Khâm thiên làm tôi bần thần còn vì ở đó có một kỷ niệm sâu sắc của đời tôi. Cuối năm 1943, bọn mật thám Hà Nội mở một cuộc truy lùng đảng viên cộng sản. Chỗ ở của tôi ở phố Lương Yên bị lộ, buộc tôi phải chuyển đến ở nhà một cơ sở hai người thợ giày giàu lòng yêu nước ở phố Khâm Thiên. Các anh đã không quản nguy hiểm cho tôi nương náu hàng tháng trời. Bây giờ, ngôi nhà lụp xụp, chật chội của các anh có còn không?
Trước khi bước vào trận đánh, không khí trong căn hầm Sở chỉ huy bao giờ cũng sôi nổi, rôm rả, với nhiều nguồn tin mới nhất. Từ căn hầm này, qua thong báo của cơ quan chiến lược, chúng tôi có thể biết được B-52 cất cánh ở U-ta-pao cách đây hàng nghìn ki-lô-mét và cả ở Gu-am, cách đây gần nửa vạn ki-lô-mét. Chính bằng mắt mình, ngay trên bảng tiêu đồ, từ căn hầm này, chúng tôi có thể nhìn thấy B-52 đang bay trên vùng trời sông Mê Kông, trên vùng trời đông Đà Nẵng. Từ đây, lệnh báo động B-52 được phát đi khắp miền Bắc. Và cũng từ đây phát đi tin vui mọi người hằng mong đợi: B-52 bị bắn rơi.
Tôi mong rằng, mai sau căn hầm này sẽ trở thành một bảo tàng quý báu của dân tộc ta, "Bào tàng đánh thắng B-52". Các thế hệ mai sau sẽ tìm đến đây như tìm về một cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Từ đỉnh cao chiến thắng này, bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bắt đầu.
Một điều may mắn lớn cho "khu bảo tàng" tương lai này là Bác Hồ kính yêu đã có lần đến đây. Đó là một ngày mùa hè năm 1966. Bác đến đây ở suốt một ngày để suy ngẫm, chuẩn bị viết lời hịch lịch sử: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Tin mới nhất được mọi người bán luận hết sức sôi nổi sáng nay là số phận bốn chiếc B-52 rơi tại chỗ đêm qua. Hai chiếc rơi ở Tương Mai và Đình Công thì đã rõ. Còn hai chiếc nữa, một chiếc rơi ở Sơn La, một chiếc rơi ở Đèo Khế.
Nhắc đến chuyện máy bay rơi tại chỗ, tôi nêu ý kiến với các đồng chí trong Sở chỉ huy:
- Thời Giôn-xơn, chúng ta đã có xác máy bay Mỹ rơi ngay trong nội thành. Nhưng đó là cường kích. Hôm qua B-52 đã rơi ở Tương Mai, Đình Công, tuy cũng thuộc đất Hà Nội những cũng vẫn còn hơi xa. Đêm nay, nếu chúng ta vít cổ được B-52 xuống ngay trung tâm thành phố thì mới thật tuyệt vời.
*
* *
Đêm nay, đêm thứ mười của cuộc đụng đầu lịch sử, chúng ta vẫn còn sung sức. Riêng mặt trận chính Hà Nội, trừ tiểu đoàn 86 bị cường kích địch đánh hỏng hồi 11 giờ trưa nay, còn tất cả các tiểu đoàn đều sẵn sàng chiến đấu. Sau trận đánh lớn đêm 26 tháng 12, đêm nay số lượng đạn vẫn còn khá dồi dào.
Tôi hỏi đồng chí trực ban kĩ thuật:
- Đạn dự trữ của Hà Nội còn bao nhiêu?
- Báo cáo! ở ba tiểu đoàn kĩ thuật còn hơn một trăm quả, ở tuyến hai có thể sẵn sàng tiếp đạn cho trận địa ngay bốn mươi tám quả.
Tôi biết đó là một cố gắng lớn của công tác bảo đảm. Có thể nói đó là sự nỗ lực vượt bậc chưa từng thấy của các đồng chí hậu cần, kĩ thuật.
Đêm 27, địch dùng tất cả năm mươi tư lần chiếc B-52, có sáu mươi sáu lần chiếc không quân chiến thuật yểm hộ, tập trung đánh lại các khu vực Đông Anh, Yên Viên, Bạch Mai, Văn Điển, Khuyến Lương, Đa Phúc. Trận đánh bắt đầu từ lúc 22 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút. Xen kẽ giữa thời gian hoạt động của B-52 có 17 lần chiếc F-111 thay nhau vào đánh phá. Cùng thời gian đó, máy bay hải quân vào đánh phá khu vực Hải Phòng.
Đêm nay, theo phương án đánh địch đã được Bộ Tổng tham mưu thông qua, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết tâm cho không quân cất cánh đánh địch ở vòng ngoài. Nhờ có dẫn đường tốt, biên đội Phạm Tuân cất cánh và đã bắn rơi B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bộ đội không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi.
Bộ đội tên lửa Hà Nội tiếp tục phát huy khí thế chiến thắng của trận đánh đêm 26, với ba mươi hai quả đạn đã bắn rơi bốn B-52, có hai chiếc rơi tại chỗ. Một chiếc do tiểu đoàn 94 bắn rơi tại Quế Võ, Hà Bắc, một chiếc do tiểu đoàn 72 bắn rơi ngay tại đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Không thể nào quên được những giây phút sôi động trong căn hầm Sở chỉ huy lúc đó. Nếu như có những niềm vui đến nghẹt thở, có những giây phút sung sướng đến bàng hoàng thì chính là lúc này đây.
Đầu tiên nghe Sư đoàn 361 báo cáo B-52 rơi ở Hoàng Hoa Thám, tôi bảo đồng chí trực ban tác chiến hỏi cho rõ là Hoàng Hoa Thám ở tỉnh nào, vì tôi nhơ có một khu rừng ở Việt Bắc cũng có cái tên là Hoàng Hoa Thám. Đồng chí trực ban báo cáo như reo to lên cho tất cả mọi người cùng nghe:
- Báo cáo thủ trưởng, đó là đường Hoàng Hoa Thám ở Hà Nội!
Tình cảm con người có lúc thật kỳ lạ. Khi thì ước mong đến cháy bỏng, mong ngày mong đêm, nhưng khi cái điều hằng ước mong ấy đến thì lại không muốn tin. Tâm trạng của tôi lúc đó thật giống tâm trạng năm 1967 ở chiến trường Vĩnh Linh, khi được tin tiểu đoàn 84 bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên, cứ bàng hoàng, nửa tin nửa ngờ. Và cũng như năm 1967, tôi lại trực tiếp cầm máy hỏi lại các đồng chí 361. Đồng chí Trần Nhẫn, Phó tư lệnh, vốn là một người trầm tĩnh, cũng nói như reo lên trong máy:
- Báo cáo Phó tư lệnh, đúng thật là nó rơi ở đường Hoàng Hoa Thám rời. Xác nó còn rơi lả tả xuống cả vườn Bách Thảo, vào cả làng Ngọc Hà...
Sung sướng quá, trái tim tôi như có bàn tay ai bóp chặt và nơi chân tóc sau gáy, một cảm giác râm ran cứ chạy lan khắp da đầu. Đúng trăm phần trăm là B-52 rơi ngay trong lòng Hà Nội.
Ôi! Sự kiện vĩ đại mà ngày mai đây sẽ theo làn sóng điện truyền đi khắp thế giới, nghìn năm đâu dễ có một lần. Mảnh đất được đón nhận niềm vinh quang đó, trên hành tinh mênh mông này, chỉ có Thủ đô anh hùng của chúng ta, "Thủ đô của phẩm giá con người".
Muôn ngàn lần cảm ơn các chiến sĩ anh hùng đã đánh giỏi, thắng lớn để cho chúng ta có được niềm vui hôm nay. Đây chính là chiếc B-52 bị bắn rơi tại chỗ cuối cùng trên bầu trời Hà Nội. Sau trận này, bọn không quân chiến lược Mỹ đã lâm vào cảnh thế cùng, lực kiệt. Ngày hôm sau, 28 tháng 12, Ních-xơn lại gửi công hàm cho Chính phủ ta xin nối lại Hội nghị Pa-ri để bàn việc ký kết.
Thế là chỉ trong vòng mười ngày, Mỹ đã ba lần gửi công hàm cho ta. Lần đầu, ngày 18 tháng 12 lời lẽ láo xược. Lần thứ hai, ngày 22 tháng 12, tuy còn ra vẻ cứng nhưng cũng đã núng thế. Còn lần này thì rõ ràng là cầu xin. Ta đang ở thế mạnh, thế thắng, nhưng ta đầy thiện chí vì chúng ta bao giờ cũng mong muốn hòa bình. Chính phủ ta chấp nhận lời yêu cầu của họ và hẹn gặp tại Pa-ri ngày 8 tháng 1 năm 1973 với điều kiện là phải lập tức trở lại nguyên trạng trước ngày 18 tháng 12 năm 1972.
Đúng 7 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom, chấm dứt cái mà sau này thế giới phương Tây gọi là "Tấn thảm kịch Lai-nơ bếch-cơ 2".
"Lai-nơ bếch-cơ 2" được dịch ra là "Người cứu trợ chính sách 2" bắt đầu từ ngày 18 tháng 12 và kết thúc ngày 30 tháng 12 năm 1972. Kể cũng buồn cười cho Hoa Kỳ, mang bom đạn đi giết người mà lại đặt ra những cái tên thật hay hớm. Nhưng có thứ vũ khí nào có thể cứu trợ được chính sách xâm lược phi nghĩa của họ. Thời đại ngày nay đâu phải là thời đại ỷ vào sức mạnh rồi muốn làm gì thì làm... Đánh thắng "con chủ bài B-52" của Mỹ, dân tộc Việt Nam đã nêu cho nhân loại tiến bộ một bài học sâu sắc rằng các dân tộc có thể đánh thắng mọi kẻ thù dù chúng có vũ khí tối tân đến mấy, nếu như chúng ta có lòng dũng cảm và trí thông minh, có mục đích chiến đấu chính nghĩa phù hợp với xu thế của thời đại.
Thời điểm này đã là mùa xuân năm 1973.
Những người sống ở Hà Nội vào những năm đầu của thập kỷ bảy mươi sẽ không thể nào quên được mùa xuân này, mùa xuân sau chiến thắng B-52. Một mùa xuân tràn đầy niềm vui và phơi phới tự hào.
Trong những ngày này, người Hà Nội đi đâu, ở đâu, gặp nhau là nhắc đến B-52, kể chuyện chiến thắng B-52. Ai cũng có chung ý nghĩ là chiến thắng B-52 đã làm cho mùa xuân năm nay đến sớm. Ngay từ sáng mùng một Tết Dương lịch, cả Hà Nội đã rực rỡ cờ hoa. Hoa Ngọc Hà năm nay có thêm xác B-52 "tưới bón" nên hình như càng thêm tươi, thêm đẹp. Tấm lịch treo có hình cô gái Ngọc Hà tưới hoa bên xác B-52 trở thành mặt hàng được nhiều người ưa thích. Ai cũng muốn có một tờ lịch như vậy treo ở nhà mình, chỉ vì một điều đơn giản là trong tấm lịch có xác chiếc B-52.
Cả nước dành cho bộ đội phòng không - không quân, đặc biệt là bộ đội tên lửa những tình cảm thắm thiết nhất. Bởi ai cũng biết trong chiến thắng hiển hách vừa qua, bộ đội tên lửa đã góp phần xuất sắc. Trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong 12 ngày đêm lịch sử, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 30 chiếc, trong đó riêng bộ đội tên lửa bắn rơi 25 chiếc. Trong tổng số 68 chiếc B-52 bị quân và dân ta bắn rơi, bộ đội tên lửa đã bắn rơi tất cả 61 chiếc, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.
Đảng và Nhà nước đã dành cho bộ đội phòng không - không quân những phần thưởng cao quý. Binh chủng Ra-đa, Sư đoàn 361 được tặng thưởng Huân chương Quân công. Đặc biệt Binh chủng Tên lửa, Binh chủng đầu tiên của quân đội ta được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Với tâm lòng thương yêu, quan tâm đặc biệt, mặc dù tuổi cao, sức yếu, Bác Tôn vẫn đến tận trận địa tiểu đoàn 77 để thăm hỏi và động viên cán bộ, chiến sĩ tên lửa. Chúng tôi muốn đón Bác ở Sở chỉ huy Quân chủng (lúc này đã chuyển về nội thành Hà Nội) để bác đỡ phải đi xa vất vả, nhưng Bác nhất định đòi xuống trận địa. Hôm ấy, giữa ngày mùng một Tết, nắng vàng rực rỡ, ấm áp, tôi và anh Mậu đón Bác. Bác Tôn rất vui, bắt tay khắp lượt kíp chiến đấu và nói chuyện khá lâu với bộ đội. Các đồng chí đi theo Bác Tôn cho biết, lâu lắm, Bác Tôn mới có dịp đi xa và nói chuyện lâu như thế. Bác còn lên cả xe điều khiển xem các chiến sĩ thao tác và tận mắt nhìn màn hiện sóng. Chắc Bác muốn biết "các cháu chiến sĩ tên lửa yêu quý của Bác" đã chiến đấu như thế nào mà bắn rơi được nhiều B-52 như thế.
Năm đó, Bác Tôn đã yếu lắm. Tôi phải đỡ Bác đi từng bước đến trận địa. nhìn Bác Tôn đứng dưới trời xuân nắng ấm, tại một trận địa còn ngổn ngang đất đã vì những trận đánh ác liệt của kẻ thù, lòng tôi xiết bao xúc động. Người lính thủy tôn kính này đã vượt biết bao sóng gió của cuộc đời để năm mươi ba năm sau ngày kéo cờ phản chiến trên biển Hắc Hải, đến thăm một trận địa đánh B-52 kiên cường nhất của Thủ đô. Chắc hẳn khi hành động như vậy để bảo vệ Cách mạng tháng Mười, thành quả đầu tiên của nhân dân lao động trên toàn thế giới, Bác không nghĩ rằng việc làm đó có liên quan chặt chẽ đến những trận thắng lớn trên bầu trời của Tổ quốc ta hôm nay. Những bệ phóng này, những quả đạn này, những khí tài này, chính chúng ta đã nhận được từ quê hương của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, từ tấm lòng bè bạn sáng ngời tinh thần quốc tế cao cả.
Trung tâm sự kiện mùa xuân năm 1973 ở Hà Nội là bãi xác B-52 ở vườn Bách Thảo. Hàng chục vạn người đã kéo về đây để chiêm ngưỡng chiến công lừng lẫy có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Suốt mấy ngày Tết, người kéo về đây như trẩy hội. Không chỉ có người Hà Nội, mà đồng bào từ các địa phương xa xôi cũng kéo về. Không chỉ có đồng bào ta, mà còn rất đông khách nước ngoài. Những người từ khắp bốn biển năm châu, từng lo lắng cho ta, từng ủng hộ ta, nay đến chia vui chiến thắng với chúng ta. Họ đến để được chính mắt trông thấy "con ngoáo ộp B-52", "thần tượng của không lực Hoa Kỳ" đã phơi xác một cách thảm hại dưới chân người Hà Nội như thế nào. Thì ra đế quốc Mỹ không có gì đáng sợ! Họ lắm súng, nhiều tiền, nhưng hoàn toàn có thể bị đánh bại. Sự khẳng định đó là đóng góp lớn lao của dân tộc ta, và chiến công đánh thắng B-52 lần này là một minh chứng hùng hồn.
Một ngày vào dịp sau Tết, tôi hòa vào dòng người đông đảo đi xem xác B-52. Đối với tôi, đó là một ngày vui với biết bao ấn tượng đẹp đẽ. Chung quanh tôi là những gương mặt phơi phới tự hào. Người ta nói, sau chiến thắng B-52, gương mặt Việt Nam ta đẹp lên gấp nhiều lần. Những cụ già, em bé, những chị phụ nữ, những chàng trai và cô gái... tất cả bước đi, chen nhau như trong một ngày hội. Mỗi người trong họ là một chiến sĩ trong cái tập thể vĩ đại Việt Nam anh hùng. Cùng với đoàn người đi chậm bước, tôi đã đến trước bãi xác B-52. Cái "oai phong" của không lực Hoa Kỹ được phơi ra thành một đống ngổn ngang những mảnh xác kim loại mang nhãn hiệu Mỹ, có những dây thừng Việt Nam giằng níu xung quanh như một cái chuồng thú tạm thời. Một tấm biển được viết vội, nhưng rõ ràng, giới thiệu cho người xem biết "12 ngày đêm liên tục chiến đấu, Hà Nội đã bắn tan xác 25 B-52 của giặc Mỹ".
Rời bãi xác B-52, tôi lại hòa theo dòng người đi vào làng hoa Ngọc Hà - Hữu Tiệp. Tại đây, tôi được thấy một hình ảnh thật đẹp: một cánh hoa nở bung từ trong đống xác B-52. Trên thế giới này, có cảnh nào đẹp hơn thế?
Cũng tại làng hoa Ngọc Hà, tôi bắt gặp một hình ảnh khó quên khác. Đó là ngôi nhà một ông cụ bị xác B-52 rơi xuống làm sụ đổ tan tành. Ngôi nhà đối với một gia đình đâu phải chuyện nhỏ. Đôi khi nó là cả một cuộc đời tần tảo sớm hôm. Những đứng trước ngôi nhà đổ của mình, nét mặt ông cụ lại cứ tươi như hoa. Hơn thế nữa, ông cụ trở thành người thuyết minh cái trận thắng tuyệt vời đêm 27 tháng 12 năm 1972 ấy. Hết đoàn này, đoàn khác đến, ông cụ cứ thuyết minh không biết mệt. Câu kết thúc của ông cụ bao giờ cũng là: "Bộ đội tên lửa ta làm sao mà đánh giỏi thế! Nó bay tận chín tầng mây mà vẫn vít cổ nó xuống tận đây được!"
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Khi tôi trở ra thì đã gần trưa. Dòng người chơi xuân xem xác B-52 vẫn cứ đông vui, tấp nập. Đang triền miên trong những suy nghĩ đẹp, trái tim tôi bỗng như đau thắt lại khi chợt thấy đó đây, trong sắc xuân rực rỡ thoáng hiện một vài vành khăn trắng. Để có chiến thắng này, biết bao nhiêu người đã ngã xuống. Tôi bỗng nghĩ đến biết bao đồng đội của mình đã viễn viễn từ giã cuộc đời, không được hưởng niềm vui lớn, niềm tự hào lớn của dân tộc hôm nay. Tổ quốc và nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ công lao của đồng bào, đồng chí, của các chiến sĩ anh hùng. Mong rằng rồi đây một tượng đài chiến thắng B-52 sẽ được dựng lên trên mảnh đất Hà Nội anh hùng, một tượng đài bề thế, xứng đáng với tầm vóc của một chiến công hiển hách.
Trên đường đi về, đi qua nhà Bác, tôi dừng lại nhìn và tự nhiên nước mắt tôi ứa ra, nghẹn ngào, xúc động. Bác ơi! Chúng con đã hoàn thành nhiệm vụ Bác giao cho. Câu Bác thường hỏi khi thăm bộ đội phòng không "Đã đánh rơi B-52 chưa", nay xin thưa với Bác chúng con đã đánh thắng B-52 của giặc Mỹ, thắng rất oanh liệt. Xác B-52 rơi cách nhà Bác chưa đầy một trăm mét. Chiến thắng B-52 góp phần cùng quân và dân miền Nam bắt đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chịu rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi nước ta. Theo chân Bác, dưới ngọn cờ trăm trận, trăm thắng của Bác, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã thực hiện thắng lợi di chúc thiêng liêng của Người: "Nước ta sẽ có vinh dự là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ..."
Thưa bác, chúng con quyết tiếp tục nắm chắc tay súng, cùng nhân dân cả nước nâng cao cảnh giác để không một kẻ thù nào có thể làm vẩn đục bầu trời yên tĩnh và thiêng liêng nơi Bác đang nằm.
HẾT
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Chim Cụt - vuthungoc - trangchic
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)