Đánh Thắng B-52 - Chương 6 - Phần 2

Tại nhiều nước trân thế giới, hàng chục vạn người đã xuống đường. Những tiếng thét căm hờn ở các thủ đô Pa-ri, Xtốc-khôm, Bon, Tô-ki-ô... vang lên: "Chấm dứt ngay ném bom khủng bố", "Ních-xơn giống như Hít-le", "Treo cổ Ních-xơn", "Ních-xơn tên giết người, mày sẽ được ghi vào lịch sử là một tên tổng thống Mỹ xấu xa nhất"...

Tại Mỹ, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình lên án bước leo thang điên rồ của bè lũ Ních-xơn đã nổ ra ở nhiều thành phố như Niu-Y-oóc, Cli-vơ-len, Lốt Ăng-giơ-lét... đòi Ních-xơn phải chấm dứt ném bom, chấm dứt sự lừa bịp. Nhiều thượng nghị sĩ có tên tuổi như Mắc-ga-vơn, Men-xphin, Phun-brai, Ken-nơ-đi và hàng chục hạ nghị sĩ khác đã gay gắt lên án Ních-xơn lừa bịp nhân dân Mỹ, đòi Ních-xơn phải chấm dứt ngay chiến tranh ở Việt Nam.

Ních-xơn ngừng ném bom ngày lễ Nôen còn nhằm mục đích quan trọng nữa là để cho bọn phi công B-52 kịp hoàn hồn và cũng để ngay cả bọn chỉ huy lấy lại tinh thần sau những đòn tổn thất quá nặng nề chưa từng có trong lịch sử của không quân Mỹ. Quá sùng bái kĩ thuật, quá tin vào sự mầu nhiệm của các thiết bị điện tử nên khi bị đòn sét đánh, bọn chúng đã hoang mang đến cực độ. Chúng không thể ngờ, và cũng không thể hiểu tại sao "pháo đài bay" hảo hạng của chúng lại bị tiêu diệt nhiều đến như thế.

Các hãng thông tấn phương Tây đều cho rằng những trận ném bom vừa qua là "dữ dội nhất trong lịch sử chiến tranh, đã làm cho Mỹ bị thiệt hại nặng nề nhất về người và trang bị" (UPI). "Chưa bao giờ lực lượng B-52 của Mỹ lại vấp phải một hệ thống phòng công có hiệu lực đến như thế, bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một khoảng thời gian ngắn đến như thế" (AFP). Các nhà quân sự Oa-sinh-tơn ước tính rằng với mức độ rơi rụng như vậy thì chỉ trong khoảng ba tháng nữa là Mỹ có thể hết nhẵn B-52. Những hiện tượng phản chiến trong hàng ngũ bọn phi công B-52 bắt đầu xuất hiện. Bọn chỉ huy tìm mọi biện pháp để bưng bít tin tức, cấm không cho các nhà báo tiếp xúc với bọn phi công. Nhưng làm sao che giấu được những thiệt hại quá lớn như thế. Ngay cả những người đứng đầu ở Nhà trắng, Lầu năm góc cũng rụng rời chân tay. Ních-xơn, Kít-xinh-giơ tuy ngoài mặt vẫn ra vẻ bình thản, nhưng ruột gan thì rối bời. Sự khủng khiếp của họ không chỉ là số B-52 bị rơi, số phi công bị mất mà chủ yếu là thần tượng mà họ vẫn tôn thờ, tô vẽ đã bị hạ bệ. Liệu rồi đây, biết lấy gì để hù dọa nhân dân thế giới.

Chỉ trong một tuấn chiến đấu, từ 18 giờ ngày 18 tháng 12 đến 24 giờ ngày 24 tháng 12 năm 1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 53 máy bay Mỹ, có 18 chiếc B-52, năm chiếc F-111. Trong đó, lực lượng phòng không địa phương và súng máy của dân quân tự vệ bắn rơi 21 chiếc, có một B-52 và bốn F-111. Bộ đội tên lửa, bộ đội ra-đa lập công xuất sắc. Bộ đội pháo cao xạ đánh tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Bộ đội không quân có nhiều cố gắng. Trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng lớn nhất trong lịch sử chống chiến tranh phá hoại đã diễn ra tuyệt đẹp trên bàu trời Hà Nội, Hải Phòng. Sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đất đối không đã được phát huy đến mức cao nhất. Nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, chiến thuật phòng không được nâng lên một đỉnh cao mới. Đặc biệt cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa được "Hội nghị tháng 10" khẳng định đã được thực tế kiểm nghiệm là hết sức chính xác và sáng tạo.

Bài "B-52 trên bầu trời Hà Nội" đăng trong tạp chí Mỹ Tuần hàng không có đoạn viết: "Đây là một cuộc chiến tranh phản điện tử quy mô lớn đầu tiên giữa phe tiến công ồ ạt và phe phòng thủ cũng ồ ạt. Hà Nội theo dõi các tín hiệu nhiễu trên màn ra-đa do máy bay B-52 phát ra, giao hội các nguồn phát nhiễu, tính toán đường bay rồi phóng hàng loạt quả đạn dọc theo đường bay dự đoán. Thiệt hại B-52 lên đến đỉnh cao vào ngày thứ ba và thứ tư..." Điều mà tạp chí Tuần hàng không nói đến thì chính tài liệu "Cách đánh B-52" đã đề cập từ lâu và "Hội nghị tháng 10" đã tranh luận sôi nổi. Sau "Hội nghị tháng 10", công tác huấn luyện đánh B-52 trở thành phong trào quần chúng rộng khắp tại các tiểu đoàn tên lửa mà trọng tâm là vấn đề phát hiện nhiễu B-52, chọn dải nhiễu để bám sát, xác định cự lý phóng. Các trắc thủ miệt mài học tập, rèn luyện không biết mệt mỏi trong suốt hai tháng trước khi xảy ra trận "quyết chiến chiến lược" đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" vĩ đại.

*

* *

Ngày 25 tháng 12 năm 1972, được sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh triệu tập hội nghị quân chính toàn Quân chủng để rút kinh nghiệm đợt một của chiến dịch và quán triệt tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Từ ngày thành lập Quân chủng đến lúc đó đã gần mười năm, nhưng chưa có một cuộc họp quân chính nào lại tràn đầy niềm tin và phấn chấn đến thế. Các động chí tư lệnh, chính ủy các binh chủng, các sư đoàn từ các hướng chiến dịch đều kịp về dự đầy đủ. Đồng chí Bùi Đăng Tự, Vũ Trọng Cảnh, Tư lệnh và Chính ủy sư đoàn 363 từ mặt trận Hải Phòng lên, mang theo không khí sôi động của những trận đánh cường kích ban đêm chưa từng có trong lịch sử của thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Giáo, Cao Văn Chấn, Tư lệnh và Chính ủy Sư đoàn 365 từ hướng chiến dịch phía nam ra, mang theo nguyện vọng hầu như là của cả sư đoàn muốn được mau chóng hành quân ra chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Các đồng chí Nguyễn Văn Hội, Trần Văn Địch từ đường số 1 bắc về. Các đồng chí ra-đa, không quân, các cơ quan Bộ tư lệnh, đại diện các cơ quan cấp trên đều có mặt đông đủ. Được đón tiếp nông nhiệt nhất là đại diện của bộ đội phòng không Hà Nội. Tư lệnh Trần Quang Hùng, Chính ủy Trần Văn Giang bước vào giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của mọi người. Rõ ràng một tuần qua, bộ đội tên lửa Hà Nội đã làm nên chiến tích có một không hai trong lịch sử, làm chính kẻ thù cũng phải kinh ngạc, bàng hoàng.

Nội dung cuộc họp sáng 25 tháng 12 là hội nghị quân chính với tính chất rút kinh nghiệm chiến đấu, nhưng không khí thì giống như một hội nghị mừng công. Mỗi chúng tôi đều cảm thấy lòng phơi phới. Thật kỳ lạ, gương mặt ai cũng hốc hác, cặp mắt trũng sâu, nhưng tất cả đều toát lên niềm phấn khởi dạt dào.

Mở đầu cuộc họp, trong không khí tràn đầy niềm vui, đồng chí Hoàng Phương, Chính ủy Quân chủng thông báo cho mọi người biết, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương rất hài lòng với những chiến thắng của quân và dân ta vừa giành được, đặc biệt biểu dương các đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân đã lập công xuất sắc và sẽ có khen thưởng xứng đáng. Đồng chí cũng thông báo cho mọi người biết Quân chủng đã nhận được rất nhiều bức điện từ khắp nơi trong nước, kể cả ở chiến trường miền Nam và cả ở nước ngoài gửi đến chúc mừng chiến thắng. Tiếp đó, đồng chí kể lại cho mọi người nghe buổi đến thăm Sở chỉ huy Quân chủng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng nhân ngày thành lập quân đội sáng ngày 22 tháng 12 vừa qua. Tuy ngay buổi tối hôm đó, các đơn vị đã được Cục Chính trị thông báo tỉ mỉ về cuộc đi thăm này nhưng hôm nay nghe kể lại, mọi người vẫn hết sức xúc động. Chỉ riêng sự có mặt của Thủ tướng trong những giờ phút ác liệt của cuộc chiến đấu đã là nguồn cổ vũ đối với chúng tôi. Sau khi thăm Sở chỉ huy Quân chủng, Thủ tướng đã vào thăm Sở chỉ huy Ra-đa, Sở chỉ huy Không quân. Đến đâu, đồng chí cũng nói với các chiến sĩ: "Cảm ơn các đồng chí! Cảm ơn các đồng chí." Đồng chí còn nói: "Trận này ta không thắng thì gay lắm, vì chúng nó đang cố ép ta... Chiến thắng của các đồng chí hay lắm, tốt lắm, quý lắm. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả nước cảm ơn các đồng chí."

Chính trong ngày lễ lịch sử vẻ vang 22 tháng 12 này, bộ đội tên lửa Hà Nội lại đánh thắng một trận xuất sắc. Chỉ trong vòng ba phút, từ 3 giờ 42 phút đến 3 giờ 45 phút, các tiểu đoàn 57, 93, 78 liên tiếp bắn rơi ba B-52, cả ba đều rơi tại chỗ. Chiến thắng này thật có ý nghĩa, vừa là món quà chào mừng sinh nhật quân đội ta, vừa để chào mừng đồng chí Thủ tướng và đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đến thăm Quân chủng.

Tiếp đó, hội nghị chăm chú lắng nghe đồng chí Nguyễn Xuân Mậu kể chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vào ngày 22 tháng 12 đã đến tận trận địa Chèm thăm hỏi và động viên bộ đội. Tại trận địa này, liên tiếp trong ba ngày 19, 20 và 21 tháng 12, tiểu đoàn 77 dưới sự chỉ huy linh hoạt của tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã bắn rơi tại chỗ ba chiếc B-52. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã lần lượt siết chặt tay và ôm hôn kíp chiến đấu gồm sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức và các trắc thủ Mộc, Hà, Tân. Mỗi lần bắt tay, đồng chí để rất lâu bàn tay của các chiến sĩ trong lòng bàn tay mình, nồng nhiệt nói: "Các đồng chí đánh rất xuất sắc, rất xuất sắc." Sau đó, trong lúc nói chuyện thân mật với kíp chiến đấu, đồng chí lại nhắc đến những bàn tay quý báu của các trắc thủ, những bàn tay bình thường đã chiến thắng máy móc điện tử của đế quốc Mỹ. Đồng chí biểu dương sự thành công của công tác huấn luyện, công tác chính trị của bộ đội và nhắc đơn vị chú ý rút kinh nghiệm chiến đấu để sắp tới chiến thắng giòn giã hơn nữa.

Sau những hân hoan, hội nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm chiến đấu. Mọi người đều nhất trí thắng lợi vừa giành được là rất to lớn, toàn diện cả về chính trị, quân sự, cả về chiến dịch, chiến thuật và kĩ thuật. Nhưng nghiêm khắc rút kinh nghiệm, vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm và thiếu sót. Nổi lên là những hạn chế trong nhận định và đánh giá địch nên có sự chi phối sự chuẩn bị của ta. Nhìn chung toàn cục thì tại Hà Nội, mục tiêu chủ yếu của cuộc tập kích chiến lược, lực lượng dự bị của ta chưa đủ. Khí tài, phương tiện và nhất là số lượng đạn tên lửa chưa đáp ứng được yêu cầu. Bước sang ngày thứ ba, có tiểu đoàn tên lửa đã phải đánh "mổ cò" từng viên một. Về sử dụng lực lượng, tuy ta đã tập trung cho Hà Nội, nhưng chưa đáp ứng đúng với tầm vóc một chiến dịch lớn, mức độ tập trung còn có khả năng cao hơn, có thể có lực lượng dự bị để kịp thời tăng cường trong thời cơ quyết định.

Trọng tâm chính của hội nghị là phân tích âm mưu, thủ đoạn của dịch và nhiệm vụ sắp tới của Quân chủng. Hội nghị nhất trí cho rằng, địch tuy bị thất bại nặng nhưng vẫn còn tiếp tục đánh, mục tiêu chủ yếu vẫn nhằm vào Hà Nội. Chúng sẽ tăng cường đánh trận địa tên lửa. Đánh Hà Nội, địch sẽ thay đổi thủ đoạn: tăng cường nhiễu ra-đa, nhiễu thông tin, đổi hướng đánh, đánh cả hướng tây-nam và đông-bắc, sẽ đánh vào nội thành, khu trung ương để gây sức ép tối đa. Trên cơ sở phân tích đó, Bộ tư lệnh Quân chủng chủ trường:

- Tích cực sửa chữa khí tài bảo đảm 100% sẵn sàng chiến đấu.

- Điều chỉnh đội hình, bố trí tập trung, đánh tập trung. Duy trì lực lượng tên lửa để đánh B-52; cao xạ, không quân tích cực bảo vệ tên lửa. Nhanh chóng triển khai thêm hai tiểu đoàn của trung đoàn 274 tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội.

- Khẩn trương điều thêm đạn cho Hà Nội từ Hải Phòng lên, từ Khu 4 ra, mặt khác tăng cường chỉ đạo công tác sản xuất đạn ngay tại Hà Nội, kiên quyết bảo đảm đủ đạn cho bộ đội đánh B-52.

- Tranh thủ tổ chức rút kinh nghiệm. Phổ biến nhanh chóng kinh nghiệm cho tất cả các đơn vị.

- Gấp rút bổ sung phương án tác chiến và tích cực luyện tập theo phương án tác chiến mới.

Ngày 25 tháng 12 là một ngày vô cùng khẩn trương bận rộn đối với tất cả các đơn vị, cơ quan trong toàn Quân chủng, đặc biệt là đối với các đơn vị bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Song song với việc rút kinh nghiệm chiến đấu ở tất cả các cấp, việc điều chỉnh đội hình, đào đắp công sự, sửa chữa khí tài, chuẩn bị đạn... được hoàn thành gấp trong thời gian ngắn nhất.

15 giờ 25 phút ngày 25, đồng chí Nguyễn Bắc trực ban trưởng đưa đến cho tôi bức điện của Bộ Tổng tham mưu, nguyên văn như sau:

"Bộ Tổng tham mưu gửi

Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân

1. Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho toàn Quân chủng từ 19 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1972 tất cả bộ đội, vũ khí, khí tài tên lửa phải sẵn sàng chiến đấu 100 phần trăm.

2. Bộ đội ra-đa phải phân biệt chính xác mục tiêu thật, giả và thông báo kịp thời, chú ý mục tiêu bay thấp.

3. Các loại pháo cao xạ tiểu cao tổ chức đón lõng, đánh tập trung loại F-111. Pháo trung cao tham gia đánh B-52..."

Giờ này các tư lệnh, chính ủy các sư đoàn đang chạy đua với thời gian. Trách nhiệm nặng nề của chúng tôi là phải tiếp tục đánh thắng lớn hơn nữa. Nhưng chắc chắn là sẽ rất gay go. Con thú dữ trước lúc giãy chết bao giờ cũng sẽ vùng lên một lần cuối cùng dữ dội. Và những thủ đoạn mới thâm độc hơn, nham hiểm hơn sẽ được tung ra.

Đêm 25 tháng 12 là một đêm hoàn toàn yên tĩnh trên bầu trời. Còn mặt đất thì vẫn sôi động với những công việc cuối cùng chuẩn bị cho những trận đánh mới. Hàng nghìn dân công không quản đêm đông rét mướt đi sửa chữa sân bay, đào đắp công sự. ở các đơn vị sản xuất đạn, điện sáng suốt đêm, khí thế bừng bừng như một công trường đang thời kỳ cao điểm. Trong các buồng máy ra-đa, trong các xe chỉ huy tên lửa, các kíp trắc thủ chụm đầu bên nhau tìm tòi cách đánh mới nhất, hay nhất. Đêm nay có thể gọi là "đêm hội" của các đơn vị cao xạ. Toàn bộ lực lượng cao xạ ở Hà Nội, Hải Phòng được lệnh rời khỏi chốt, hành quân đến làm "vệ tinh" xung quanh các tiểu đoàn tên lửa, thực hiện chủ trương "Kiên quyết bảo vệ tên lửa để tên lửa đánh B-52".

Suốt đêm tôi ngồi theo dõi tình hình chuẩn bị dưới các đơn vị, các trận địa. Chuông điện thoại réo liên hồi trong Sở chỉ huy. Điện thoại từ Khu 4, từ Hải Phòng, từ đường số 1 bắc thông suốt đến mức lý tưởng. Trong chiến dịch này, các đồng chí thông tin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong các tiếng chuông điện thoại, hình như tiếng chuông điện thoại ở chiếc máy liên lạc với Cục tác chiến có một âm sắc riêng. Mỗi lần tiếng chuông reo lên đều làm mọi người trong Sở chỉ huy phải chú ý. Tưởng rằng trong cái đêm "yên tĩnh" như đêm nay, chiếc máy đó sẽ được nghỉ. Nhưng không, mà hình như nó còn réo lên nhiều hơn ngày thường. Cầm máy lên đã nhận ra giọng nói quen thuộc của đồng chí Vũ Lăng, Cục trưởng, của đồng chí Nguyễn Ninh, trợ lý Cục tác chiến phụ trách phòng không - không quân. Các đồng chí ở Bộ Tổng tham mưu rất quan tâm đến trận đánh sắp tới. Đêm nay các đồng chí phải nắm chắc tình hình các đơn vị, chuẩn bị cho đồng chí Tổng Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân vào ngày mai.

Vào khoảng nửa đêm, đồng chí Nguyễn Văn Giáo, Tư lệnh sư đoàn 365 điện ra cho tôi:

- Vấn đề 267 thế nào anh? Tôi đã báo động cho 267 chuẩn bị rồi đấy. Anh em như mở cờ trong bụng.

Tôi trả lời anh Giáo:

- Trên chưa có ý kiến gì, nhưng cứ nhắc 267 sẵn sàng, khi nào có lệnh là hành quân được ngay.

Như thế đó, khi địch chưa đánh Hà Nội thì vị tư lệnh nào cũng muốn cho khu vực của mình có thêm nhiều lực lượng. Nhưng khi kẻ thù đụng đến Hà Nội thì chính các đồng chí đó lại rất tự nguyện san sẻ lực lượng của mình cho Hà Nội, trái tim của Tổ Quốc.

Cho đến giờ phút này, lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội đã có đến hơn mười tiểu đoàn. Hai tiểu đoàn 71, 72 từ Hải Phòng lên đã sẵn sàng chiến đấu tăng cường hỏa lực cho hướng đông, đông-bắc là hướng mà chúng tôi dự kiến B-52 sẽ đột nhập trong trận đánh sắp tới. Tiểu đoàn 76 khí tài bị địch đánh hỏng vào cuối đợt một cũng đã sửa xong. Như vậy, tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội tên lửa Hà Nội là 100 phần trăm. Lực lượng cao xạ đã được tăng cường đủ các tầm, các cỡ, được bố trí rộng khắp và dày đặc. Trên mâm pháo, bệ phóng, dưới cánh bay, cán bộ chiến sĩ phòng không bảo vệ Thủ đô hiên hang, đĩnh đạc đợi giờ nổ súng. Lực lượng cao xạ, súng máy của dân quân tự vệ Hà Nội cũng được triển khai thêm trên các nhà cao tầng, quanh các trận địa tên lửa, các lõng mà khả năng F-111 có thể bay qua.

Bộ đội không quân tiến hành xong việc rút kinh nghiệm phát hiện B-52, cách tiếp cận và đánh địch. Tổ chức thông tin và hệ thống sở chỉ huy vòng ngoài đã được củng cố. Theo lệnh của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, sắp tới phải kiên quyết tạo điều kiện cho không quân lập công, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả bốn binh chủng trong Quân chủng tạo nên chiến thắng to lớn hơn.

Vào lúc nửa đêm tôi gọi điện thẳng xuống trung đoàn 261, đơn vị có những bệ phóng án ngữ ở phía bắc sông Hồng. Trong phút chờ đợi trước trận đánh này, tôi muốn gặp trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo nói một vài câu chuyện vui để được nghe cái giọng nói Quảng Nam bào giờ cũng sôi nổi với tiếng cười hồ hởi, thoải mái của anh. Tôi hỏi:

- Đã thấm mệt chưa? Liệu còn sức chọi với B-52 một hiệp nữa không? Hiệp này mới là hiệp quyết định!

Nhắc đến "Hội nghị tháng 10", Trần Hữu Tạo phấn khởi nói:

- Đối với chúng tôi nó là nguyên nhân thắng lợi đấy anh ạ! Chúng tôi chưa từng đánh B-52, chưa từng thấy B-52. "Hội nghị tháng 10" đã cho chúng tôi nhìn thấy nó và chỉ cho chúng tôi cách đánh nó.

Tôi nhắc Trần Hữu Tạo phải chú ý đến hai tiểu đoàn 71, 72 mới từ Hải Phòng lên phối thuộc với 261 và cần có kế hoạch phổ biến ngay kinh nghiệm chiến đấu cho hai tiểu đoàn này. Trần Hữu Tạo tâm sự với tôi:

- Đánh giặc hơn hai mươi năm, chưa có lúc nào được hưởng những giờ phút vui sướng, hả hê như lần này.

Tôi hoàn toàn thông cảm với niềm vui của anh. Đánh giặc và thắng giặc là niềm vui của người lính. Nhưng riêng anh, trong trận thắng này, niềm vui của anh được nhân lên gấp nhiều lần. Quê hương anh ở miền Nam. Bảy năm qua, B-52 đã gieo rắc biết bao đau thương cho đồng bào và bà con ruột thịt của anh, nhưng chúng chưa bị trừng trị. Giờ đây, nghe tin B-52 bị bắn rơi hàng loạt trên bầu trời Hà Nội, trong đó có những người con quê hương miền Nam góp phần, ai mà chẳng tự hào. Mấy ngày qua, để trả thù cho Hà Nội, chiến sĩ và đồng bào miền Nam đã phát triển thế tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường, gây cho địch những thiệt hại to lớn.

Trần Hữu Tạo còn kể với tôi là suýt nữa anh không được tham gia trận đánh lịch sử này. Chỉ mới đầu tháng, đơn vị anh được lệnh chuẩn bị hành quân vào phía trong nhận nhiệm vụ mới. Ngày 14 tháng 12, anh và một số cán bộ tiểu đoàn được nghỉ phép trước khi lên đường. Anh không có gia đình ở miền Bắc. Vợ con anh ở miền Nam. Anh về nhà bà chị ở Dâu Keo. Buổi sáng ngày 18 tháng 12, tự nhiên anh thấy ruột gan cồn cào không yên. Anh nghĩ chắc là đơn vị có chuyện gì chăng? Thế là anh chuẩn bị ba lô sẵn sàng. Bà chị dâu ngạc nhiên vì tính ra còn năm ngày nữa anh mới hết phép. Anh chỉ cười là nhớ đơn vị quá. Không ngờ vừa chuẩn bị xong thì ngoài ngõ có tiếng còi ô-tô. Đồng chí lái xe của thủ trưởng trung đoàn hớt hơ, hớt hải chạy vào báo cáo:

- Thủ trưởng về ngay, ở nhà đang chuẩn bị đánh nhau to lắm. Nghe nói đêm nay B-52 sẽ vào đánh Hà Nội.

Thế là quên cả chào bà chị dâu, anh xách ba lô chạy ra xe, phóng một mạch về đơn vị. Kể xong câu chuyện, Trần Hữu Tạo kết thúc:

- Thằng Ních-xơn chỉ chậm đánh khoảng một tuần nữa thôi chắc là chúng tôi đã lên đường. Thật hú vía!

*

* *

Ngày 26 tháng 12.

Sau ba mươi sáu giờ ngừng đánh, từ 13 giờ, địch dùng 56 lần chiếc máy bay chiến thuật vào đánh ngoại vi Hà Nội và lùng sục đánh các trận địa tên lửa. Nắm thời cơ thời tiết xấu, tiểu đoàn tên lửa 72 tranh thủ bắn rơi một F-4.

Đó là màn giáo đầu cho một trận đánh lớn. Sau này, chúng ta được biết bọn địch đã chuẩn bị cho trận đánh này hết sức chu đáo, tỉ mỉ, hơn cả trận mở đầu chiến dịch ngày 18 tháng 12.

Lần trước bọn chúng chủ quan ỷ vào vũ khí kĩ thuật, đánh giá sai đối tượng nên đã chuốc phải thất bại thảm hại. Đến lúc này cả Lầu năm góc và Nhà trắng mới tỉnh người ra. Chúng họp hành liên miên, căng thẳng. “Những bộ óc thông minh nhất của nước Mỹ” được tập hợp lại. Các chủ hãng sản xuất các thiết bị điện tử cũng được mời đến hỏi ý kiến. Bọn tham mưu Mỹ bù đầu vào rút kinh nghiệm, soạn thảo kế hoạch, quyết làm một trận “sống mái” với đối phương để rửa hận. Bản kế hoạch tác chiến của trận đánh này kèm theo bản đồ sử dụng lực lượng, mục tiêu đánh phá… đã được in lại trong tạp chí Không quân của Mỹ.

Theo bản kế hoạch đó thì số lượng B-52 Mỹ tung ra trọng trận này lên tới một trăm hai mươi chín chiếc. Còn theo thống kê của chúng ta là một trăm linh năm chiếc. Dù sao cũng là trận có mật độ B-52 cao nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm.

Đêm 26, lúc 18 giờ, khi tôi bước vào Sở chỉ huy thì tất cả đã sẵn sàng. Đồng chí trực ban trưởng Nguyễn Bắc đã phát lệnh cấp một từ lúc 17 giờ 35 phút, ngay khi nhận được thông báo của Cục 2: “Từ 18 đến 20 giờ có ba mươi đến bốn mươi chiếc B-52 hoạt động.” Bên ngoài trời rất lạnh, nhưng không khí trong căn hầm thật ấm áp.

Trên bảng đèn tín hiệu, những ngọn đèn đỏ bắt đầu bật sáng, nhấp nháy, báo hiệu tất cả các đơn vị trong toàn Quân chủng đã sẵn sàng chiến đấu, kể cả ba trung đoàn tên lửa ở phía Nam.

18 giờ 12 phút, bọn cường kích hải quân bắt đầu hoạt động ở hướng Hải Phòng. Đêm nay B-52 sẽ vào Hải Phòng trước chăng? Tôi bảo đồng chí sĩ quan phương hướng nhắc sư đoàn 363 không được dùng tên lửa đánh cường kích, phải dành đạn để đánh B-52.

18 giờ 50 phút, hai tốp cường kích hoạt động ở hướng tây-nam, vùng Mộc Châu, Hòa Bình.

20 giờ 33 phút, một EB-66 hoạt động ở đông Sầm Nưa, nam Nà Sản.

20 giờ 35 phút, một tốp hai chiếc hoạt động hướng đông-nam, từ đông Ròn đến nam cửa Văn Lý.

21 giờ 48 phút, hai tốp tám chiếc tiêm kích, độ cao bảy ki-lô-mét bay lượng từ Lào, Tây Bắc, Vĩnh Yên, Sơn Tây, dọc theo đường số 6 sang Hòa Bình, vòng lên Nghĩa Lộ, Phú Thọ. Rất dễ dàng nhận thấy bọn này là bọn chặn kích và kết hợp thả nhiễu tiêu cực phủ kín một hành lang dài từ tây lên tây-bắc, cách Hà Nội khoảng bốn mươi đến năm mươi ki-lô-mét.

21 giờ 57 phút, các đài nhìn vòng báo về có nhiễu tích cực xuất hiện ở hướng tây-nam cường độ hai. Trưởng phòng quân báo Lê Tư, trưởng phòng tác chiến Lê Thanh Cảnh, trực ban trưởng Nguyễn Bắc chăm chú theo dõi tình hình địch đều có chung một nhận xét là kẻ địch hôm nay hoạt động khẩn trương và dồn dập. Tất cả đều thông nhất địch hoạt động ở các hướng khác nhau chính là nhằm mục địch dọn đường cho B-52 vào. Như vậy khả năng B-52 sẽ đột nhập cùng một lúc nhiều hướng, làm cho ta lúng túng trong cách đánh. Tình huống chiến đấu này sẽ diễn ra rất phức tạp. Tôi trực tiếp cầm máy giao nhiệm vụ cho sư đoàn 361 phải chú ý cả ba hướng như đã dự kiến và nhắc nên giao nhiệm vụ chính cho các cụm hỏa lực phụ trách từng hướng để bộ đội có thể chủ động, linh hoạt trong cách đánh.

Trận đánh đêm 26 tháng 12 diễn ra đúng như nhận định của ta. Từ 22 giờ 5 phút đến 22 giờ 52 phút, địch đã dùng 105 lần chiếc B-52 vào 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đồng thời vào đánh ba khu vực một lúc. 66 lần chiếc B-52 vào đánh Hà Nội, 21 lần chiếc B-52 vào đánh Thái Nguyên, 18 lần chiếc B-52 vào đánh Hải Phòng.

Đêm hôm đó Hải Phòng bắn rơi hai B-52. Tiểu đoàn tên lửa 81 trung đoàn 238 bắn rơi một máy bay B-52 vào hồi 22 giờ 36 phút. Đại đội 174 pháo cao xạ 100 trung đoàn 252 bắn rơi một B-52 vào hồi 2 giờ 24 phút.

Tại Hà Nội, cuộc chiến đấu diễn ra đặc biệt sôi nổi. Sáu mươi sáu lần chiếc B-52 chia nhau cùng một lúc đột nhập ba hướng: tây-nam, tây và tây-bắc, đông-bắc. Chúng vào hướng nào cũng bị đánh quyết liệt. Bầu trời Hà Nội rực sáng như một đêm hội. Những đám cháy B-52 bùng lên như những chiếc nhà cháy giữa lưng trời. Chuông điện thoại réo liên hồi trong Sở chỉ huy. Nhiều nhất lúc này là điện báo cáo bắn rơi B-52 của sư đoàn 361. Đặc biệt phấn khởi là tin của Bộ tư lệnh Thủ đô cho biết có hai chiếc B-52 rơi ngay tại Hà Nội, một chiếc ở cửa hàng ăn uống Tương Mai, một chiếc ở xã Đình Công ngay phía sau sân bay Bạch Mai. Tôi bảo đồng chí Lê Tư cho trợ lý đến ngay hai địa điểm này để thu thập tài liệu của bọn giặc lái. Thật là một đêm chiến đấu sôi nổi, hào hùng. Chỉ trong vòng 18 phút, từ 22 giờ 29 phút đến 22 giờ 47 phút, bộ đội tên lửa Hà Nội đã liên tiếp bắn rơi năm máy bay B-52, có bốn chiếc rơi tại chỗ. Đây là một trận đánh tiêu diệt, đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm cho đêm cố gắng cao nhất của bọn không quân chiến lược Mỹ trở thành đêm hãi hùng nhất đối với chúng. Cũng trong đêm này, trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy một tiếng đồng hồ của đợt đánh, bộ đội cao xạ Quân khu Việt Bắc cũng được công nhận bắn rơi một B-52.

Như vậy là trong đêm 26 tháng 12 năm 1972, tám chiếc B-52 đã bị diệt, trở thành đêm bị thiệt hại lớn nhất trong cuộc tập kích 12 ngày đêm của kẻ thù. Tỷ lệ suýt soát tám phần trăm B-52 bị diệt trong một trận đánh là một đòn nặng nề có tính chất quyết định, chẳng những làm suy sụp tinh thần và ý chí của bọn không quân chiến lược Mỹ mà cả Nhà trắng và Lầu năm góc cũng không ngờ tới. Trận đánh mang đầy đủ tính chất một trận then chốt. Sau trận này, kết cục của chiến dịch đã được định đoạn. Bị quất một đòn đay, địch như không thể gượng dậy được nữa cho đến ngày bị đánh bại hoàn toàn.