Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 06 - Phần 2

Adler tin rằng những con người với những khiếm khuyết nhược tiểu của mình thường có khuynh hướng bù đắp cho những khuyết tật không thuận lợi này. Những khiếm khuyết của cơ thể này sẽ được điều chỉnh từ chính bộ phận cơ thể đó, hoặc từ những bộ phận cơ thể khác. Theo Adler, các bộ phận trong cơ thể sẽ chia sẻ trách nhiệm để giúp cả cơ thể vận hành sao cho có hiệu quả cao nhất. Những bộ phận phát triển tốt hơn sẽ giúp cân bằng lại những khiếm khuyết của cơ thể. Những người này thường có tâm thức não trạng vượt khó, với ý chí kiên quyết phấn đấu. Nhiều người đã vượt qua những rào cản thể lý để đạt được những thành tích mà người bình thường không thể làm được. Ví dụ như một phụ nữ ung thư vú có thể hoàn thành một cuộc chạy marathon. Một em bé què chân đã lập kỷ lục ngồi xe lăn để đi xuyên quốc gia…

Đáng buồn là ta thấy với nhiều người đã không có khả năng vượt khó và bằng lòng với cuộc sống tù túng bó khung, thỏa mãn với giới hạn của những khiếm khuyết từ điều kiện cơ thể. Họ thường thiếu thái độ lạc quan, không nhận ra dáng vẻ sống động nhộn nhịp của xã hội. Họ không nhìn thấy những khả năng vượt khó tiềm ẩn bên trong họ là rất lớn.

Không lâu sau, Adler thấy những khiếm khuyết cơ thể không hoàn toàn phản ánh đầy đủ toàn bộ cục diện bức tranh. Ông nhận ra con người ngoài những khiếm khuyết về cơ thể còn có cả những khiếm khuyết về một tâm lý. Nhiều người rất bình thường về mọi mặt nhưng vì bị người khác nói rằng họ xấu xí, ngu ngốc, đần độn, chẳng được việc gì, vô dụng và bị thịt…. Dần dần một số người đã nhập tâm và tin như thế.

Khi đi học, ta thấy điểm của mình không bằng người khác và tin rằng mình chẳng có khả năng học vấn. Nhiều người chỉ vì mụn trứng cá hoặc một cánh tay bị khoèo (theo lời mô tả của người khác) mà mặc cảm, vô tình đã đánh mất nhiều cơ hội khám phá đời sống tình cảm. Đây là những ví dụ không liên quan gì đến khuyết tật cơ thể – những cá nhân nêu trên không hề ngu độn hay khiếm khuyết – nhưng vì nghe lời người khác nên họ đã tin rằng mình như thế. Người có tâm thức lành mạnh sẽ bù đắp bằng cách cố gắng phát huy những khu vực yếm thế của mình. Một số phát huy những mặt mạnh khác của mình để cân bằng. Tuy nhiên một số không nhỏ đó chẳng có những phát huy bù đắp nào cả, tệ hơn là họ bằng lòng với trạng thái yếm thế của mình.

Nếu ta không bị những điều khiếm khuyết cơ thể và khiếm khuyết tâm lý trên khuynh đảo, ta là những người may mắn: Tuy nhiên theo Adler tất cả chúng ta có vẫn phải chia sẻ với những khiếm khuyết chung khác. Ví dụ, các trẻ em khi so sánh với người lớn sẽ cảm thấy mình yếu hơn, nhỏ hơn, chậm chạp hơn, và kém người lớn về đủ mọi mặt. Và nhìn kỹ, Adler nêu ra rằng trong những trò chơi của trẻ em, chúng luôn muốn mình mau lớn, cao hơn, nhanh nhẹn và khoẻ mạnh hơn. Đây chính là hình thái phấn đấu hoàn thiện cụ thể nhất. Đây chính là kinh nghiệm đầu tiên khi các cá nhân bắt nhận ra mình là người yếm thế.

Nếu như một cá nhân bị khuất phục bởi những cảm giác yếm thế, họ sẽ tin là mình không có khả năng dù là họ tự đánh giá hay từ nhận xét của những người khác, hoặc là từ những hiện tượng khiếm khuyết tự nhiên trong cuộc sống. Khi vấp phải khó khăn thất bại, chúng ta có khuynh hướng phát triển những hội chứng thiếu năng lực. Ví dụ, khi nhìn về quá khứ, chúng ta nhìn thấy những ký ức vụng về của mình vốn bao giờ cũng có những ảnh hưởng tiêu cực. Vì thế nhiều người né tránh những khu vực vụng về của mình và chỉ tập trung vào những khu vực họ có khả năng thành đạt.

Ta vẫn thấy có nhiều cá nhân rất nhạy cảm về một khu vực nào đó của đời sống. Nhiều người né tránh tính toán sổ sách, lẩn tránh chuyện lập gia đình, co cụm xa lánh đám đông. Đó chính là những địa hạt họ cảm thấy mình thiếu tự tin nhiều nhất. Xa hơn, nhiều người tin rằng mình không có khả năng làm một việc gì đó nhất định. Đấy là một điều rất tiêu cực. Theo Adler, chúng ta đều có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, nếu được dạy dỗ đúng cách và có những cố gắng nỗ lực. Khi hạ quyết tâm, chúng ta nhất định sẽ làm được điều chúng ta muốn. Tuy không nhận ra điều này và bị hội chứng thiếu khả năng (inferiority complex) tác động, nhiều người đã từ bỏ những cơ hội nghề nghiệp và cả những cơ hội quan hệ tình cảm cá nhân khác.

Hội chứng này thoạt nhìn tưởng như chỉ là một bộ phận của đời sống nhưng trên thực tế nó là vấn đề của cả cuộc đời. Nếu một cá nhân cảm thấy xấu hổ và co cụm, không an toàn, lưỡng lự, thiếu kiên định, nhút nhát, dễ nản, dễ thay đổi, dễ phục tùng người khác, người ấy sẽ có khuynh hướng chỉ quan hệ với những ai cung cấp cho họ những điều họ cần nghe và muốn nghe như: Cậu thông minh lắm/Cô xinh đẹp quá/Bạn mạnh mẽ thật/Cậu nói chuyện nghe hấp dẫn/Bác tốt bụng quá/Cháu giỏi thật/Anh thật hoạt bát… Nhiều người còn lệ thuộc vào sự xoa dịu của người khác. Họ thích nghe lời khen và sợ hãi những xây dựng chân thành. Có người trở nên than thở và rầu rĩ, biến mình thành gánh nặng cho người thân của mình, chỉ vì họ muốn người khác phải luôn luôn động viên họ.

Có người tiếp cận với hội chứng thiếu năng lực không phải bằng cách bù đắp mà bằng cách phát triển một hướng xử lý mới qua hội chứng siêu năng, họ tự đánh lừa mình có những khả năng siêu việt. Chẳng hạn người nhỏ bé thường tìm cách chứng minh mình là người cao lớn để khiến người khác nghĩ rằng họ cao lớn. Người sợ ma luôn chối mình sợ ma. Người sợ vợ luôn tỏ ra mình là người gia trưởng. Một cách ứng xử khác là những hành vi gây chú ý qua những kênh tiêu cực như tội phạm, những thói quen thiếu lành mạnh, có thái độ xem nhẹ người khác, hằn học và chỉ trích về bất cứ một đề tài nào đó trong cuộc sống. Nhiều người còn vay mượn những kênh ứng xử giả tạo khác nhằm tìm chút quyền lực ảo qua rượu, thuốc phiện để chôn giấu và lảng tránh vấn đề hiện thực của mình.

8. Các tuýp tâm lý

Với Adler, vấn đề thiếu những hứng khởi xã hội sẽ dẫn đến bốn tuýp tâm lý được quyết định bởi nguồn năng lượng mà một cá nhân đã sử dụng để tiếp cận với xung quanh:

– Tuýp người thích điều khiển: là người ngay từ bé đã có khuynh hướng muốn điều khiển người khác qua cách thích gây gỗ và muốn được chế ngự người xung quanh. Năng lượng của họ chủ yếu phục vụ cho quyền lực cá nhân. Họ sẵn sàng gạt bỏ tất cả mọi người sang một bên để đạt được mục đích họ muốn. Năng lượng này đã khiến họ trở thành những người giẫm đạp lên người khác vì quyền lợi riêng tư. Có người còn chống lại người khác bằng cách tự hủy hoại sức khỏe của mình như một van xả rất thiếu ý thức và nguy hiểm như sử dụng thuốc phiện, rượu chè, và tự sát. Hoặc họ có thể sẽ gây sức ép với người thân bằng cách hăm dọa.

– Tuýp người dựa dẫm: họ là những người có ít nhiệt huyết, chóng mệt mỏi mà thường có xu hướng lệ thuộc vào người khác. Khi vấp phải những vấn đề trong cuộc sống (tuy là không khó để vượt qua), họ thường có những suy nghĩ rất tiêu cực qua những triệu chứng như lo sợ vô lý, bị ám ảnh, lo lắng chung, loạn thần kinh cảm xúc, mất trí… tùy thuộc vào những hoàn cảnh đời sống cụ thể của họ. Nhìn chung họ thiếu hẳn thái độ kiên định tự chủ.

– Tuýp né tránh: là những người có ít năng lượng nhất và chỉ sống trong tiêu chí tránh né đời sống càng xa càng tốt, nhất là tránh né những người xung quanh. Khi bị dồn nén quá mức, họ sẽ có xu hướng trở thành điên loạn, cuối cùng quay trở về với đời sống co cụm của thế giới chính mình. Họ là tuýp người thích chui vào vỏ ốc của chính mình.

– Tuýp có lợi cho xã hội: là những cá nhân có suy nghĩ lành mạnh, là người có đầy đủ những hứng khởi xã hội và là người có năng lượng. Theo Adler, một cá nhân không có năng lượng thì không thể có hứng khởi xã hội được, và như thế họ chẳng làm gì được cho ai cả.

Theo Adler, ông tin rằng bốn nhóm người liệt kê ở trên giống với bốn nhóm tìm thấy trong Hy Lạp cổ đại. Trong đó người Hy Lạp tin rằng có nhóm người với não trạng rất buồn, có nhóm luôn tỏ vẻ hằn học giận dữ. Với người Hy Lạp cổ thì những loại dịch cơ thể có ảnh hưởng đến cá tính của con người gọi là humors.

Nếu có quá nhiều mật vàng, một cá nhân có thể nóng và khô. Họ thường dễ giận dữ thường xuyên. Họ là người thô bạo và thuộc tuýp người muốn điều khiển người khác.

Nếu có quá nhiều đờm dãi, cá tính có thể là lạnh và ướt. Họ ù lì chậm chạp. Họ là tuýp người thụ động và chỉ thích dựa dẫm vào người khác.

Nếu có quá nhiều mật đen (không rõ người Hy Lạp cổ đã ngụ ý nói về điều gì), cá nhân sẽ khô khan và lạnh lẽo, họ thường buồn bã quanh năm. Đây là người thuộc tuýp né tránh.

Nếu như có nhiều máu nóng so với những dịch cơ thể khác, bạn sẽ là người khôi hài, ấm áp và ẩm. Đây là tuýp người vui vẻ và thân thiện một cách tự nhiên, có ích cho xã hội.

Adler tin rằng mỗi một cá nhân là một chủ thể rất đặc trưng và vì thế họ có một lối sống phong cách rất riêng. Vì thế ý tưởng những tuýp người, theo ông, chỉ là những công cụ để khám phá. Đây là những khung chung có ích để cá nhân định hướng những luồng suy nghĩ của mình, chứ không nên coi là một công thức cá tính bất biến cứng nhắc.

9. Tuổi thơ

Giống như Freud, Adler nhìn thấy nhân cách thể hiện qua lối sống của con người được hình thành từ rất sớm khi chúng ta còn là trẻ em. Chính xác hơn, mô hình mẫu của lối sống của một cá nhân định hình vào khoảng thời gian em bé được năm tuổi. Những kinh nghiệm sống mới mẻ sau này không thể thay đổi được mẫu mô hình lối sống thời bé mà chỉ được sử dụng để cắt nghĩa và lý giải mô hình mẫu lối sống thời bé ấy: Những kinh nghiệm mới mẻ và những kinh nghiệm trong mẫu mô hình lối sống thời bé sẽ cho phép chúng ta một cơ hội đối chiếu. Từ đó họ có hướng xử lý tạo nên những khám phá phong phú lành mạnh hay những kinh nghiệm mang tính chất thành kiến độc hại.

Adler tin rằng có ba loại tình huống tuổi thơ cơ bản có ảnh hưởng trong việc thiết lập tạo ra những mẫu lối sống lệch lạc, thiếu lành mạnh:

Tình huống đầu tiên là bộ phận cơ thể khiếm khuyết, hoặc những căn bệnh thời ấu thơ. Ông gọi những cá nhân này là người trải qua tình trạng quá tải. Nếu như không có ai xuất hiện kịp thời để hướng họ ra khỏi cảm giác tù túng, họ sẽ phát triển chỉ tập trung vào bản thân của mình. Sau đó họ lớn lên và không tin mình có năng lực vì họ nghĩ mình khiếm khuyết. Một số ít người phát triển bù đắp một cách quá mức trở thành rơi vào hội chứng siêu đẳng. Họ thường muốn khẳng định mình nhưng lại sử dụng những kênh nguy hiểm. Hiểu được điều này, bằng tình thương và sự cổ vũ kịp thời của người thân, một cá nhân sẽ có thể bù đắp ở mức độ vừa phải một cách lành mạnh.

Tình huống thứ hai là trẻ con được nuông chiều quá mức. Nhiều trẻ em được người lớn nuông chiều quá mức đến độ chỉ biết đòi hỏi nhận vào chứ không bao giờ biết hy sinh cho ra. Những khao khát của họ là đòi hỏi nơi người khác. Đứa trẻ sẽ (1) không bao giờ chịu học hỏi làm một điều gì đó tho bản thân để rồi sau đó phát hiện ra mình không có khả năng thực thụ nào. Hoặc (2) trẻ đó không biết cách làm việc, thiếu khả năng hòa đồng, hội nhập kém. Hoặc các em này sẽ khó làm việc chung với người khác vì em chỉ biết ra lệnh. Thái độ dư luận xã hội thường không ưa những trẻ em đã được nuông chiều quá đáng: Vì thế các em nhận được ít hơn những cảm tình mà các em đáng lẽ nên có.

Sau cùng là tình huống bị bỏ rơi. Đây là những đứa trẻ bị bỏ rơi và bị lạm dụng hay bị sách nhiễu: Các em sẽ học những cách ứng xử như trẻ em trong tình huống được nuông chiều quá đáng. Các em thường có kinh nghiệm trực tiếp nghe quá nhiều câu nói: Mày là người vô dụng, nên các em trở thành ích kỷ vì đã phát triển một tâm thức không thể tin tưởng vào bất cứ ai (cũng như không tin tưởng vào chính bản thân mình). Nếu đã không biết đến tình thương là gì, khi lớn lên các em sẽ không thể yêu thương được. Một điều cần chú ý là những trẻ em trong các trại mồ côi, hay là nạn nhân của những vụ sách nhiễu, hoặc bị lạm dụng tình dục, hoặc chẳng bao giờ được cha mẹ giành thời gian quan tâm, hoặc được nuôi dưỡng trong một môi trường quá hà khắc, thường xuyên bị kỷ luật một cách khắt khe cứng nhắc, các em sẽ có những biểu hiện bất cần khi lớn lên.

10. Thứ bậc trong gia đình

Adler được coi là người đầu tiên đã giới thiệu ảnh hưởng vai trò của anh chị em trong gia đình lên nhân cách của một cá nhân. Người ta biết đến Adler nhiều nhất qua khám phá này. Tuy nhiên cần nhắc rằng, Adler cho rằng thứ tự sinh ra trong gia đình chỉ là một khung chung giúp các cá nhân khám phá ra những nhân cách khả dĩ có thể xảy ra chứ không hẳn là một hiện tượng áp dụng chính xác được với mọi hoàn cảnh điều kiện. Dưới đây là những đặc tính của thứ bậc trong gia đình. Con độc nhất, con một là những trẻ em được chiều chuộng, thường có những phát triển tiêu cực đã được bàn đến ở phần trên. Cha mẹ em thường đặt tất cả niềm tin và kỳ vọng nơi em. Nếu cha mẹ là người hà khắc, tất nhiên em nhỏ sẽ phải hứng chịu tất cả.

Trẻ đầu lòng bắt đầu cuộc sống như trẻ con một, với tất cả những sự quan tâm thừa mứa, và khi trẻ vừa quen với sự êm ái ấy thì người em kế của mình chào đời dẫn đến hiện tượng bị truất phế. Phản ứng tự nhiên là em sẽ tìm cách lấy lại vị trí độc tôn của mình, nhưng bị cha mẹ khuyến cáo là phải biết nhường em. Nhiều bé trở nên chống đối và rất ương ngạnh, nhiều em co cụm và lặng lẽ. Adler tin rằng con đầu lòng thường là trẻ dễ rơi vào ảnh hưởng xấu nhiều nhất. Trẻ đầu lòng có xu hướng lặng lẽ, bảo thủ và phát triển sớm hơn các anh em khác trong nhà.

Con sinh thứ hai thường sinh ra có vai trò là người ổn định các quan hệ trong nhà, bé thường rất hay cạnh tranh phấn đấu và cố gắng vượt qua anh chị cả của mình. Các bé thường thành công nhưng nung nấu mãi cảm giác cuộc đua không bao giờ kết thúc và dễ rơi vào tình trạng đuổi theo bóng của mình. Các trẻ em sinh ra ở giữa sẽ theo xu hướng này, nhưng các em có những đối thủ cạnh tranh khác nhau.

Con út là trẻ em được cưng chiều nhất trong nhà so với các anh chị khác mà không bao giờ lo lắng mình sẽ bị truất phế. Khi lớn lên, họ thường là những người dễ vướng vào phiền phức (chỉ sau trẻ đầu lòng). Trẻ út thường có cảm giác mình có ít năng lực nhất vì so với tất cả các anh chị họ là người muộn nhất trong cuộc đua, tuy nhiên một số trẻ sẽ phấn đấu để vượt mặt qua tất cả mọi người trước em.

Tuy nhiên yếu tố cách quãng giữa hai lần sinh của người mẹ sẽ thay đổi những vị trí vừa thảo luận ở phần trên. Khoảng cách năm năm cho trẻ đầu lòng không có em sẽ là trẻ con một và đứa em kế tiếp của bé sẽ trở thành con đầu lòng. Giới tính cũng có ảnh hưởng đến những điều thảo luận ở trên vì các em gái sẽ không cạnh tranh với anh trai và ngược lại. Một bé trai duy nhất trong nhà với các chị em gái khác có thể coi như là con một. Vì thế vị trí của con cái trong nhà cần được cân nhắc và vận dụng vào từng trường hợp gia đình một cách cụ thể.

11. Vấn đề chẩn đoán

Để tìm ra những khung chung cho một cá nhân vận dụng để xây dựng nhân cách của mình, Adler khuyến cáo nên nhìn vào cá nhân ấy dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Chẳng hạn như thời còn bé cá nhân ấy có bất cứ một chứng tật bệnh nào có ảnh hưởng đến phát triển của em, kể cả về những căn bệnh cơ thể lẫn những căn bệnh tâm thần.

Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, ông thường hỏi thật kỹ về ký ức của trẻ em. Nhiệm vụ của ông là tìm xem trẻ em đã được đối xử như thế nào để xác định được ảnh hưởng trong quá khứ có liên hệ nào với hiện tại. Ví dụ em được chiều chuộng quá mức sẽ dẫn đến cảm giác thiếu an toàn và luôn đi tìm quan tâm của người khác. Ông muốn biết xem có những dấu hiệu của cạnh tranh quá đáng xảy ra từ vị trí sinh ra trong gia đình vốn là nguyên nhân có ảnh hưởng. Ông muốn biết xem cá nhân ấy có khuynh hướng thuộc tuýp người thích điều khiển hay không. Nếu ký ức hồi nhỏ trẻ bị nhốt trong hầm tối, ông sẽ nghĩ ngay đến tình huống trẻ bị bỏ rơi và ngược đãi nên đã dẫn đến hiện tượng co cụm né tránh.

Ông sẽ hỏi về về những thói quen thời bé của em như những thói quen ăn uống và vệ sinh. Ông sẽ hỏi xem em có chống lại cha mẹ hay không? Hoặc nếu như khi còn nhỏ em có quá sợ bóng tối hay không, nếu có, đấy là dấu hiệu của trẻ được chiều chuộng quá đáng hoặc bị bỏ rơi. Bị nói ngọng hay nói đớt có thể là dấu hiệu của sự quá lo lắng. Quá khích và hay ăn trộm vặt có thể là dấu hiệu của hội chứng siêu năng. Tơ tưởng mơ màng, co cụm, lười biếng, và nói dối thường xuyên có thể là vài cách thức tránh né tình trạng yếm thế thiếu khả năng của mình.

Adler rất giống Freud và Jung ở chỗ cả ba người đều tỏ ra rất quan trọng đến giấc mơ của thân chủ, kể cả những lúc nửa mơ nửa tỉnh. Tuy nhiên ông đi xa hơn trong việc phân tích giấc mơ. Ông tin giấc mơ có liên hệ đến lối sống và rất trung thực với cảm giác của một cá nhân trong sinh hoạt hàng ngày, và ông tin giấc mơ là một bộ phận của ý thức. Ông cho rằng một giấc mơ sẽ phản ánh mục đích và cả những vấn đề ngăn cản cá nhân đến với những mục đích ấy. Nếu thân chủ không thể nhớ được giấc mơ của mình, Adler sẽ không bỏ cuộc, ông đề nghị thân chủ hãy tưởng tượng. Theo ông, tưởng tượng sẽ phản ánh lối sống của một cá nhân giống y như giấc mơ vậy.

Adler đặc biệt chú ý đến tư thế đứng ngồi của thân chủ. Cả cách bắt tay, những di chuyển thế ngồi và những dấu hiệu của cơ thê ông tin là người được chiều chuộng sẽ thường dựa lưng vào một vật gì đó. Hoặc ngay cả thế nằm ngủ cũng được ông chú ý đến, nhất là lối nằm im cuộn tròn như em bé hay là lối ngủ lăn lộn khắp nơi trên giường.

Adler chú ý đến cách một thân chủ phản ứng lại với những kích thích bên ngoài (exogenous factors) như các vấn đề đối với đời sống tính dục, cảm giác bấp bênh, mặc cảm, lần đầu tiên tiếp cận với giao hợp, lo lắng bất lực. Với phụ nữ ông quan tâm đến quá trình thai nghén, sinh nở và thời gian hành kinh, sinh hoạt tình cảm, quá trình hò hẹn, thời gian tìm hiểu, đời sống hôn nhân, công việc nơi cơ quan, việc học hành, thi cử, nghề nghiệp, và cả đời sống có liên hệ với sức khỏe của người thân gia đình. Ngoài ra ông còn để ý đến việc tránh phân tích và quá khoa học. Ông tin vào yếu tố nghệ thuật trong chẩn đoán. Ông khuyến cáo không nên gạt bỏ yếu tố đồng cảm, trực giác, đôi khi nếu cần hãy cứ mạnh dạn đoán xét vấn đề.

12. Liệu pháp

Sự khác biệt căn bản trong liệu pháp giữa Adler và Freud:

(1) Adler muốn thân chủ của mình phải ngồi thẳng, mặt đối mặt và tránh chuyện phân biệt đối xử giữa thân chủ và nhà liệu pháp. Ông khuyên nhà trị liệu nên tránh tình trạng để cho thân chủ nâng họ lên vị trí cao hơn vì như thế những cơ hội lập lờ và trò chơi sẽ xảy ra như thân chủ đã từng có những trò chơi như thế. Nhất là nhiều lúc thân chủ sẽ giăng bẫy và nhà trị liệu có thể sẽ để lộ ra những điểm yếu cố hữu của con người. Như thế, sẽ kéo nhà liệu pháp xuống, thân chủ sẽ có cơ hội để nâng lối sống không lành mạnh của mình lên.

(2) Adler giải thích về sự bất hợp tác của thân chủ như sau: khi thân chủ quên hẹn, đến trễ, yêu cầu những thay đổi trong liệu pháp, gàn, ương bướng… Những hành vi bất hợp tác này là thái độ chưa muốn từ bỏ lối sống thiếu lành mạnh của mình. Nhưng theo Freud thì đấy là vấn đề của đè nén, vì thân chủ không muốn bày tỏ những vẩn đề của cõi vô thức.

Theo Adler, một cá nhân cần hiểu được lối sống căn bản của họ có nguồn gốc từ những khung chung ích kỷ, và nhận thức này không thể bị cưỡng bức. Ông cho rằng nếu nhà liệu pháp nói: Này, đây là vấn đề của bạn. Thân chủ nghe thế sẽ càng xa lánh nhà trị liệu và càng tìm cách để bênh vực cho những tiểu thuyết hiện tại. Tình hình này sẽ khác đi khi thân chủ được đưa vào một môi trường họ muốn lắng nghe và khám phá, sau đó họ sẽ sống và ứng xử dưới tác động từ những gì họ đã hiểu (Ansbacher, 1956). Và như thế, thân chủ là người có quyết định tối hậu trong trách nhiệm về chọn lựa tiến trình chữa lành cho mình.

Sau cùng, nhà trị liệu cần phải động viên thân chủ bằng cách đánh thức hứng khởi xã hội và cả những năng lượng đi kèm theo. Ông khuyên nhà trị liệu cần xây dựng được một quan hệ thật thà và thân tình giữa hai bên. Nhà liệu pháp cần gieo vào lòng thân chủ hạt giống hứng khởi xã hội để họ sẽ đem những hạt giống ấy đến với người khác.

13. Thảo luận

Mặc dù học thuyết của Adler không hấp dẫn lắm như của Freud vốn có một trọng tâm là tính dục hay như của Jung có trọng tâm là thần thoại học, nhưng các sinh viên có khuynh hướng thích thú về học thuyết của Adler. Trên thực tế, một số không nhỏ các nhà tâm lý nhân cách đã rất thích học thuyết của ông. Chẳng hạn như Maslow đã từng nói rằng càng lớn, ông nhận ra rằng Adler là người rất có lý. Carl Roger có những điểm rất giống Adler và nhiều trường phái đã xây dựng nền tảng học thuyết của họ từ Adler.

Hơn nữa những điểm tích cực mà Adler đã giới thiệu qua liệu pháp của mình như: ghi chép rõ ràng và cụ thể về những vấn đề của thân chủ, những giải thích rất gần gũi, sâu sát và hợp lý về những vấn đề ấy. Học thuyết của ông tương đối đơn giản. Và niềm tin mà ông giành cho thân chủ đã khiến cho học thuyết của ông vừa gần gũi và tương đối có hiệu quả.

14. Những điểm bất hợp lý

Những chất vấn đặt ra cho Adler có xu hướng xoay quanh về tính năng khoa học của học thuyết mà ông đã đề xướng. Xu hướng chung của ngành tâm lý hiện nay là dựa trên nền tảng thực nghiệm, nghĩa là ngoài chủ thuyết, các học thuyết cần được đo đạc một cách cẩn thận và có thể được tái thực nghiệm khi cần. Điều đó cho thấy các học thuyết cần nhắm đến yếu tố sinh lý hay yếu tố hành vi của con người có thể đo đạc được.

Ta có thể thấy rõ Adler sử dụng những khái niệm cơ bản rất xa cách với sinh lý và hành vi của con người: Phấn đấu để đạt đến hoàn thiện? Chúng ta sẽ đo đạc điều đó bằng cách nào? Hay là chuyện bù đắp? Cả chuyện cảm giác về thiếu khả năng? Hay hứng khởi xã hội? Hơn nữa cách chứng minh qua thực nghiệm cần tạo ra một sự giả định cơ bản: Tất cả mọi việc đều vận hành theo cơ năng nhân–quả. Adler tin rằng trong phạm trù vật chất điều đó sẽ xảy ra nhưng với tâm lý con người thì đây là một phạm trù rất khác biệt (không thể so sánh được). Thay vào đó, Adler sử dụng ngả hướng thiện mà ông tin rằng mỗi con người sinh ra đã được cài đặt sẵn về những khung tương lai với những mô thức của mục tiêu lý tưởng, các hệ giá trị, và những khung chung sau cùng.

Hiện tượng hướng thiện đã cho phép con người hành xử theo một hướng mà không cần bất cứ một tác động đặc biệt của hoàn cảnh hiện thời trước mặt, một cá nhân có quyền lựa chọn và có khả năng tự kiến tạo cho mình một nhân cách hay là một lối sống rất riêng. Đây là những lý luận mà nhìn qua lăng kính thực nghiệm có vẻ rất ảo ảnh và như thế các nhà khoa học, ngay cả những nhà học thuyết nhân cách sẽ rất lưỡng lự khi quyết định nhập cuộc với ông.

Ngay cả với người tin vào hiện tượng hướng thiện vẫn có những chất vấn về vấn đề học thuyết của ông. Nhiều chi tiết trong học thuyết của ông có vẻ quá giai thoại, chỉ áp dụng đúng với một số trường hợp nhất định, và vì thế tính năng áp dụng rộng rãi chung lên mọi hoàn cảnh vì thế không đạt được. Chẳng hạn như các trẻ đầu lòng chưa hẳn là đã có cảm giác bị truất phế hay các trẻ sinh sau sẽ nhất định phải cạnh tranh.

Adler trả lời những câu hỏi này một cách thật đơn giản rằng: vấn đề hướng thiện có hay không vẫn là vấn đề đang được bàn cãi. Nếu chúng ta chấp nhận hiện tượng hướng thiện, vấn đề nhân cách thật ra không còn cần thiết nữa. Nhiều người cho rằng nếu như không có khung chung sau cùng, những ý tưởng trong học thuyết của ông sẽ là những cấu trúc có ích.

Tuy nhiên ít nhất Adler đã cung cấp cho chúng ta những giá trị tinh thần xã hội để con người có thể tìm thấy ý nghĩa tinh thần phục vụ trong xã hội mà chúng ta đang sống.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3