Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 07
Chương 7. KAREN HORNEY THUYẾT NHÂN CÁCH TÂM THẦN
CÁC HỌC THUYẾT TÂM LÝ NHÂN CÁCH
1. Tiểu sử
Karen Horney sinh ngày 16 tháng 9 năm 1885. Cha mẹ bà là Coltidle và Berndt Wackels Danielson. Cha của bà là một thuyền trưởng, một con người sống rất ngoan đạo, song cũng là một người rất độc đoán. Các con ông thường vẫn gọi bố mình là "người hay ném cuốn kinh Thánh", vì theo lời Horney thì ông rất hay ném cuốn kinh Thánh mỗi khi bực bội.
Mẹ của bà còn được biết qua cái tên khác là Sonni, vốn là một con người khác hẳn. Bà là người vợ thứ hai của Berndt, kém chồng mười chín tuổi và được coi là một cô gái lịch sự tao nhã. Karen có một người anh trai lớn hơn cũng tên là Berndt, người mà bà đã quan tâm một cách rất sâu sắc, cùng với bốn người anh khác từ cuộc hôn nhân đầu tiên của cha bà.
Tuổi thơ của Karen Homey có vẻ mâu thuẫn khó hiểu. Ví dụ bà luôn vẽ trong đầu một hình ảnh người cha là một ông bố kỷ luật nghiêm khắc. Bà tin rằng cha mình luôn coi nặng ông anh Berndt nhưng lại đem bà cùng đi trên những chuyến vượt biển xa xôi ba lần, một điều rất hiếm hoi với những viên thuyền trưởng thời bấy giờ. Tuy thế, bà vẫn thấy thiếu thốn tình cảm nơi người cha, vì thế bà rất gần gũi với người mẹ ruột của mình và đã tự coi mình là con cừu nhỏ của mẹ.
Khi lên chín tuổi, bà thay đổi cách nhìn vào cuộc đời. Bà trở thành rất tham vọng và tỏ ra rất bướng bỉnh. Bà nói: Nếu tôi không thể xinh đẹp, tôi nhất định sẽ phải thật thông minh. Một điều khá bất ngờ là bà rất xinh. Cũng trong thời gian này bà có biểu hiện như thể bà rất yêu thương ông anh trai của mình. Quá xấu hổ về sự quan tâm lộ liễu của bà, người anh trai lúc ấy chỉ là một cậu bé ở tuổi dậy thì đã đẩy bà ra. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời bà cảm thấy trầm uất – một vấn đề bao trùm lên hết cả phần còn lại của cuộc đời bà.
Thời mới lớn là những năm tháng căng thẳng. Năm 1904, mẹ bà li dị người cha đem theo Karen và ông anh Berndt hãy còn trẻ. Năm 1906, bà thi vào trường y khoa, chống lại ý định của cha mẹ, và cả hệ thống xã hội thời bấy giờ. Trong thời gian đó, bà làm quen với một sinh viên khoa luật tên Oscar Horney, người bà đã kết hôn vào năm 1909. Qua năm sau bà sinh ra con đầu lòng đặt tên là Brigitte, và sinh thêm hai cô con gái sau này. Năm 1911, mẹ của bà qua đời. Những sự kiện căng thẳng này đã đánh quỵ Karen, và bà đã phải tìm đến dịch vụ tư vấn phân tích tâm lý.
Như Freud đã đoán, bà lấy một người chồng hoàn toàn không khác ông bố ngày xưa. Oscar là một người chồng độc đoán, luôn hà khắc với con cái như cha của Karen đã đối xử với anh em bà. Chồng bà kể lại là Karen chẳng can thiệp gì cả, nhưng chỉ đề nghị nên có một bầu không khí trong lành cho các con. Bà chỉ nhẹ nhàng khuyên chồng nên cho con cái nhiều không gian hơn để tự phát triển tính độc lập. Mãi nhiều năm sau đó những nhận thức muộn mằn ấy đã thay đổi cách nhìn của bà về việc nuôi dạy con cái.
Năm 1923, công việc của Oscar suy sụp và ông bắt đầu mắc chứng bệnh viêm màng não. Ông trở nên khánh kiệt, cáu bẳn và rất buồn bã. Cùng trong năm này, anh trai của Karen chết ở tuổi 40 do một lần bị viêm phổi và nhiễm trùng. Karen trở nên rất trầm uất và chán nản đến độ bà đã bơi ra giữa biển nhân một kỳ nghỉ hè và đã có tư tưởng tự kết liễu đời mình.
Karen và những cô con gái dọn ra khỏi nhà Oscar năm 1926, bốn năm sau đó dọn đến Hoa Kỳ và đã định cư ở Brooklyn. Vào những năm thập kỷ 30, Brooklyn là trung tâm chất xám của cả thế giới, ảnh hưởng bởi việc tất cả những nhà khoa học Do Thái di cư từ nước Đức đến Hoa Kỳ trong thời gian này. Vào thời điểm này bà đã làm quen với Erich Fromm và Hoay Stack Sullivan. Sau đó bà có quan hệ tình cảm với Fromm. Thời gian này bà xây dựng học thuyết của mình về loạn thần kinh, dựa vào kinh nghiệm suy sụp thần kinh của bà trước đó và bà như là một nhà tâm lý liệu pháp.
Bà đã làm việc, dạy học, và viết sách cho đến khi bà nằm xuống vào năm 1952.
2. Học Thuyết của Karen Horney
Học thuyết của Horney gần gũi với chứng loạn thần kinh và là học thuyết đầy đủ nhất hiện nay chúng ta có được về chứng loạn thần kinh. Trước hết, bà đã cống hiến cho chúng ta một cách nhìn mới mẻ về căn bệnh này. Bà đã nhìn loạn thần kinh như một hiện tượng liên tục xảy ra trong đời sống bình thường. Đây vốn là một cách nhìn rất khác so với những nhà học thuyết trước đây. Theo bà, loạn thần kinh là một phương pháp để giúp một cá nhân có thể chịu đựng được cuộc đời, hay là cách tiếp cận và kiểm soát những quan hệ giữa những con người. Vì thế loạn thần kinh là những cố gắng được thực hiện nhằm duy trì những sinh hoạt hàng ngày. Đấy là cách mỗi chúng ta đều cố gắng để tồn tại cân bằng. Tuy nhiên, những người loạn thần kinh là những người bị rơi vào tình trạng quá tải bởi sức ép cuộc đời để hơn những người bình thường khác.
Trong kinh nghiệm lâm sàng của mình, bà đã phân biệt ra những khuynh hướng nhu cầu của người loạn thần kinh. Đấy cũng là những nhu cầu căn bản tất cả mỗi chúng ta đều có, tuy nhiên những nhu cầu ấy đã bị biến dạng bởi một số người đã không may phải trải qua.
Ví dụ như nhu cầu được quan tâm và được chấp nhận là một nhu cầu rất thực đối với tất cả chúng ta. Vậy thì điều gì đã khiến cho những nhu cầu này trở thành biến thái dẫn đến điên loạn? Trước hết, nếu nhu cầu này quá lớn sẽ trở thành nhu cầu không thực tế, bất hợp lý, và quá chung chung.
Tất cả chúng ta đều cần được quan tâm, nhưng chúng ta không cần sự quan tâm từ mọi người chúng ta đã gặp hàng ngày. Chúng ta không kỳ vọng mọi người phải lo lắng cho chúng ta, ngay cả từ bạn bè thân thuộc và những người trong gia đình. Chúng ta không cần ngay cả người thân yêu của mình phải thể hiện tình yêu thương và quan tâm trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc họ đang bận rộn. Với người bình thường thì họ có khuynh hướng tin rằng ở một góc độ nào đó, họ sẽ có những khả năng tự mình có thể ổn định và hoàn toàn tự chủ.
Thứ hai, những nhu cầu thái quá điên loạn thường có cường độ rất lớn, và người không may mắn sẽ trải qua kinh nghiệm lo lắng lớn hơn nếu như những nhu cầu này không được đáp ứng. Nhất là khi họ hoảng sợ nghĩ rằng những đáp ứng này sẽ không bao giờ xảy ra trong tương lai: Từ đó những hoang mang liên tưởng không thực tế đã có cơ hội nảy sinh. Và như thế nhu cầu được quan tâm phải được thể hiện thật rõ, ở mọi nơi và mọi lúc, bởi tất cả mọi người, nếu không thì nỗi sợ hãi sẽ tái phát. Nói khác đi, người loạn thần kinh đã biến bất cứ những nhu cầu rất bình thường trở thành những nhu cầu quá khẩn trương như thể đấy là trung tâm có tầm quan trọng sống còn đến sự sự tồn tại của họ.
3. Những nhu cầu thái quá
1) Nhu cầu thái quá về sự được quan tâm và được chấp nhận là những nhu cầu chung chung để lấy lòng người khác và được yêu thích ngược trở lại.
2) Nhu cầu tình cảm thái quá giành cho một đối tác của mình, với người thân. Họ cho rằng tình yêu sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Tất nhiên chúng ta rất cần đến một người bạn đời để cùng chia sẻ với chúng ta, nhưng những bệnh nhân loạn thần kinh đã đi quá xa và quá sâu vào vấn đề tình cảm.
3) Nhu cầu thái quá được kiểm soát hoặc chế ngự đời sống của mình vào một khung gò bó chật chội, không đòi hỏi, không vươn lên, bằng lòng với những điều tủn mủn, chẳng muốn thể hiện. Ví dụ trong cuộc đời ta thấy có những mô hình lối sống chạy đua để đáp ứng cho nhu cầu quá hà khắc với chính mình như vẫn thấy tại các dòng tu khổ hạnh, đời sống ẩn dật. Một số đông khi đối diện với sức ép cuộc sống, họ nghĩ đến trốn tránh, muốn đi ngược trở lại vào tử cung người mẹ.
4) Nhu cầu thái quá muốn đạt được quyền lực để điều khiển và kiểm soát người khác, hay muốn có một bộ mặt đầy quyền năng. Chúng ta ai cũng muốn có và đi tìm sức mạnh, nhưng người loạn thần kinh có nhu cầu này thật cấp bách và khẩn thiết. Họ đi tìm quyền lực chỉ vì muốn như thế. Họ thường khinh ghét người yếu hơn và có một niềm tin mạnh mẽ về khả năng quyền lực của mình.
5) Nhu cầu thái quá được khai thác và bóc lột người khác và muốn lợi dụng họ. Ở người bình thường, nhu cầu này tồn tại chỉ với mục đích gây ảnh hưởng, muốn tiếng nói có trọng lượng, muốn người khác lắng nghe mình. Với người loạn thần kinh thì nhu cầu này được sử dụng để điều khiển người khác và họ tin rằng người khác được sinh ra là để phục vụ họ. Đó là lý do thỉnh thoảng ta thấy người hay nói đùa nhưng không thể chấp nhận được những câu nói đùa của người khác. Muốn hưởng thụ nhưng lại lười biếng.
6) Nhu cầu thái quá muốn có được sự công nhận của công chúng và được dư luận chú ý. Chúng ta là những sinh thể có nhu cầu xã hội rất cao, nhất ở đây chúng ta là những sinh thể có dục tính và rất muốn mình được đánh giá cao, được biết ơn. Nhưng với người loạn thần kinh, họ có vẻ quá khẩn trương và mê man trong việc đặt nặng nhu cầu này. Họ không ngừng đeo đuổi phong cách ăn mặc và muốn mình được nổi tiếng. Họ rất sợ chuyện mình bị xem nhẹ hay bị lãng quên và nhất là họ sợ mình bị coi chẳng ra gì.
7) Nhu cầu thái quá về sự tôn sng cá nhân bản thân. Chúng ta có nhu cầu tự hào về những phẩm chất mà chúng ta có được. Chúng ta có nhu cầu muốn mình là người quan trọng và được đánh giá cao. Nhưng với một người loạn thần kinh thì nhu cầu này trở thành phải thật lớn, và điều này đã trở thành gay gắt đối với họ. Họ muốn mọi người luôn luôn nghĩ về tầm quan trọng của họ. Họ rất sợ mình là người không ai biết đến, hoặc tệ hơn nữa họ luôn luôn sợ mình là người không có chút giá trị nào.
8) Nhu cầu thái quá về thành đạt cá nhân. Thực ra chẳng có gì là sai trái khi có nhu cầu muốn thành công. Tuy nhiên có nhiều người bị ám ảnh bởi thành công. Họ muốn mình phải đứng đầu, phải là hiện tượng có một không hai, họ muốn mình bất tử. Họ là những người chê bai và xem thường những lĩnh vực họ không thể thành công. Nếu họ có năng khiếu về mặt nào đó, nhất định họ sẽ thổi phồng và hăng hái về lĩnh vực ấy.
9) Nhu cầu thái quá về trạng thái tự mãn và độc lập. Tất cả chúng ta đều đi tìm và xây dựng cho mình một chút tự chủ, nhưng nhiều người có cảm giác là họ chẳng cần đến ai cả. Và như thế họ đóng cửa lòng lại, chẳng cần nhờ vả đến ai, và họ thường rất lưỡng lự trong việc gắn bó với một mối quan hệ tình cảm.
10) Nhu cầu thái quá để trở thành hoàn hảo cầu toàn và nhu cầu không bao giờ sai. Để ngày càng hoàn thiện hơn trong đời sống là phạm trù hứng thú đặc biệt của mỗi người trong chúng ta, song một số người mê man trong vòng nhạy cảm thoái hóa. Họ rất sợ phạm phải những sai lầm. Họ rất sợ người khác thấy họ làm lỗi và luôn trong tình trạng căng thẳng tránh phạm những sai sót, dù là những sơ xuất nhỏ nhặt nhất. Vì thế họ chẳng bao giờ thể nghiệm và khám phá.
Khi Horney nghiên cứu những nhu cầu nói trên, bà bắt đầu phát hiện ra rằng những người loạn thần kinh có những cách đối phó đi theo ba cụm nhóm sau:
I. Phục tùng khi các cá nhân này có những vấn đề nhu cầu 1, 2, 3.
II. Gây hấn khi các cá nhân có vấn đề với các nhu cầu 4, 5, 6, 7, 8.
III. Co cụm khi các cá nhân có vấn đề với các nhu cầu 9, 10.
Trong những tác phẩm của mình, bà sử dụng nhiều thành ngữ để diễn đạt về ba chiến lược đối phó nói trên. Ngoài phục tùng ra, bà nhấn mạnh chiến lược đầu tiên là chiến lược tiến về phía trước và là cách giải quyết tự gạt bỏ mình, tương tự như tuýp người dựa dẫm nhìn thấy ở học thuyết của Adler.
Bên cạnh tình trạng gây hấn, bà cho rằng đây là chiến lược chống đối nhằm tạo ra các hướng xử lý khác. Đây là loại nhân cách giống như tuýp người kiểm soát nhìn thấy trong thuyết của Adler. Với tính cách co cụm, bà gọi đây là chiến lược trốn chạy và lối giải quyết các vấn đề là từ chối. Giống như tuýp né tránh trong thuyết của Adler.
4. Quá trình phát triển mầm bệnh
Trong cuộc sống nhiều người đã bị lạm dụng tình dục, bị ngược đãi và bỏ rơi từ khi họ là những em bé và sau này khi lớn lên họ đã phát triển trở thành loạn thần kinh. Những gì người bình thường có thể quên thì họ không thể quên được. Nếu một em bé có một người cha bạo hành, một người mẹ có những triệu chứng thần kinh phân liệt, hoặc em bé đó bị sách nhiễu tình dục bởi một người họ xa, một người hàng xóm. Những em bé này, nếu không vượt qua được nỗi đau sẽ có nguy cơ mắc bệnh điên.
Hay một em bé được mọi người thương mến. Em được mọi người chăm sóc và quan tâm sẽ lớn lên trở thành một con người lành mạnh, hạnh phúc. Song nhiều em bé không được may mắn nên đã rơi vào những kinh nghiệm đau thương, lớn lên đã trở thành loạn thần kinh.
Vậy những em bé không hề bao giờ bị ngược đãi, bị lạm dụng và bỏ rơi thì điều gì đã khiến cho các em trở thành những người loạn tâm thần khi lớn lên? Bà gọi đó là sự độc ác căn bản, có thể do sự hờ hững lạnh nhạt của cha mẹ. Bà tin rằng các em này đã thiếu hẳn tình thương và hơi ấm. Có thể các em thỉnh thoảng bị đánh đập nặng tay hoặc trải qua những kinh nghiệm tính dục quá sớm. Những điều này sẽ có những tác hại rất lớn.
Sự hờ hững lạnh nhạt của cha mẹ, qua cách nhìn của các em bé không phải vì sự cố tình của cha mẹ. Con đường đến hỏa ngục thường được lát sỏi bởi những điều cố ý. Chẳng hạn như cha mẹ thiên vị đối xử phân biệt, chê con này khen con khác, chỉ trích và trách mắng con cái như một van xả. Lúc thì chiều chuộng và ngay sau đó dằn vặt chửi mắng, chế nhạo con cái, cấm cản con cái có bạn bè, hứa với con cái nhưng không giữ lời. Nhiều bậc phụ huynh vì có chút ít loạn tâm thần nên đã đối xử với con cái mình trong cách nhìn của họ. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ tốt vẫn khó tránh khỏi sơ suất vì sức ép căng thẳng của cuộc sống hàng ngày.
Horney đã phát hiện ra, ngược lại với thành kiến của chúng ta về trẻ em là những sinh thể yếu đuối và thụ động, thật ra phản ứng của các em về cha mẹ của mình khá giận dữ. Đây là một phản ứng mà bà gọi là sự thù địch căn bản. Các em cảm thấy bức xúc trước tiên, sau đó đưa đến những cố gắng trong việc chống lại sự bất công.
Nhiều trẻ em tìm thấy sự thù hận này như một van xả hiệu quả, và sau đó trở thành một phản ứng thói quen. Mỗi khi vấp phải những khó khăn trong cuộc sống, các em sẽ ứng dụng phản ứng thù hận này. Nói khác đi, các em phát triển một chiến lược đối phó gây hấn. Các em có thể nghĩ rằng: Nếu ta có quyền lực thì chẳng ai có thể xử ép và hà hiếp ta được.
Phần nhiều các trẻ em có thể tìm thấy chúng bị hoàn toàn bất lực và khuất phục bởi lo lắng căn bản, khi các em cảm thấy lo sợ vì nghĩ mình vô dụng và bị bỏ rơi. Để tồn tại, sự thù địch căn bản phải bị nén xuống và cha mẹ các em tiếp tục chiến thắng. Nếu đây là chiến lược mà các em cảm thấy phù hợp với hoàn cảnh, các em sẽ chọn chiến lược này – chịu phục tùng. Các em sẽ tin đây vẫn là chiến lược tốt đẹp nhất. Các em sẽ nói với mình: Nếu mình làm cho họ thích mình thì họ sẽ không hành hạ mình nữa.
Một số các em tìm thấy thù địch và phục tùng đều chẳng đem lại những giải pháp giải quyết nào trong việc cải thiện tình trạng thờ ơ lãnh đạm của cha mẹ, các em sẽ giải quyết bằng cách rút lui khỏi bức tranh sinh hoạt gia đình và co cụm trong thế giới của riêng mình, sau cùng các em tin rằng mình có thể tự lực cánh sinh bởi chính các em. Các em sẽ nói: Nếu ta rút lui, chẳng có gì có thể làm ta đau đớn nữa.
5. Thuyết Bản thân
Horney còn có một cách nhìn khác nữa về vấn đề loạn tâm thần qua khái niệm hình ảnh bản thân. Theo Horney, bản thân là điểm cốt lõi của mỗi chúng ta, là trung tâm của mọi tiềm năng. Nếu một cá nhân lành mạnh, cá nhân ấy sẽ có một cái nhìn chuẩn xác về nhận định họ là ai, và như thế họ sẽ có thời gian rảnh rỗi để nhận ra khả năng thật sự của mình. Họ sẽ đạt được tình trạng tự nhận thức về bản thân.
Những người loạn tâm thần có một cách nhìn khác về bản thân họ và cuộc sống. Khái niệm bản thân của họ bị tách ra thành bản thân đáng ghét và bản thân lý tưởng.
Bản thân đáng ghét còn được những nhà học thuyết khác gọi đây là hiện tượng bản thân nhìn qua tấm kiếng vốn là bản thân mà một cá nhân tin rằng người khác nhìn thấy nơi họ. Nhiều người trong chúng ta tin rằng người khác đang nhìn họ với những thái độ khác nhau. Nhất là họ có những suy diễn lệch lạc và tin rằng cả thế giới này đang chống lại họ. Dần dần họ phát triển một xu hướng tin vào những suy diễn sai lầm ấy, kết quả là họ tin rằng họ thật sự đáng khinh và đáng ghét (vì cả thế giới chống lại họ).
Ở mặt khác, nếu một cá nhân có vài khiếm khuyết ở một số khía cạnh trong cuộc đời, họ sẽ tin rằng phải có một bản thân lý tưởng nào đó mà họ cần phấn đấu để đạt được. Thế là cá nhân ấy sẽ thiết kế cho mình một mô hình bản thân lý tưởng từ những điều nên làm. Theo Karen, bản thân lý tưởng không phục vụ như một mô hình tích cực, mà chỉ là những điều không tưởng và hoàn toàn bất khả thi. Vì thế những người loạn tâm thần thường thay đổi giữa hai thái cực bản thân này: Vừa khinh ghét chính mình và vừa giả vờ mình là người hoàn hảo nhất.
Horney đã cho rằng chính sự kéo giãn quá mức giữa bản thân đáng ghét và bản thân lý tưởng, dưới ảnh hưởng đầy quyền lực của những điều nên làm và người loạn tâm thần cứ phải vật lộn để trở thành hoàn hảo.
Vì thế người tùng phục sẽ nghĩ: Mình cần phải thật dễ thương, hy sinh bản thân, và sống thánh thiện. Người thù địch sẽ nghĩ: Mình phải thật có quyền lực, được công nhận, và phải là người chiến thắng. Người co cụm sẽ nghĩ: Mình cần phải độc lập, xa lánh người khác, phải hoàn hảo.
Trong quá trình chuyển đổi giữa hai thái cực bản thân hoàn toàn không có thực, những người loạn tâm thần đã bỏ quên khái niệm bản thân cốt lõi của mình và hậu quả là họ đánh mất cơ hội giác ngộ và nhận ra khả năng thực sự của mình.
6. Thảo luận
Thoạt nhìn, có vẻ như Horney đã sử dụng một số những ý tưởng hay nhất của Adler, khi ta nhận thấy có sự gần gũi giữa cách mà người loạn tâm thần sử dụng để đối phó với trạng thái suy diễn lệch lạc của mình, giống như những tuýp người trang bị những cách xử lý trong học thuyết của Adler. Nhưng nếu nhìn kỹ cách bà gộp những nhu cầu thái quá có thể dẫn đến những cơ hội loạn tâm thần thành ba nhóm chiến lược: phục tùng, thù địch và co cụm. Ta có thể an tâm rằng bà đã đi đến cùng một kết luận giống Adler nhưng qua một lối tiếp cận hoàn toàn khác.
Dĩ nhiên là Adler và Horney là những người đã không chính thức được đào tạo như bác sỹ tâm thần. Họ tự cho mình là những người theo trường phái Freudian mới, tuy tên gọi này phẫn chưa chính xác. Đáng lẽ ra tên gọi của họ phải là nhà tâm lý phái xã hội vốn là một cái tên tuy chính xác nhưng lại thuộc về một ngành nghiên cứu khác.
Có thể nói Horney đã khai triển học thuyết của Adler về sự khác biệt giữa người khỏe mạnh và người loạn tâm thần trong việc phấn đấu để hoàn thiện và để tìm cách thoát ra khỏi trạng thái bất ổn của tâm thức. Tuy nhiên một điều đáng mừng về sự gặp gỡ giữa Horney và Adler là nếu như có hai người cùng có một nhận định tương đối độc lập, nhưng lại có liên hệ về chủ thuyết, dẫu sao cũng là một điều đáng quý, vì chúng ta có thể yên tâm rằng đó là điều có giá trị.
Karen Horney nêu lên được vài điểm thú vị đáng chú ý là: Trước hết bà đã phản đối Freud về hiện tượng ghen vì không có dương vật nơi phụ nữ, tuy nhiên bà thừa nhận là đôi lúc có vài thân chủ nữ đề cập đến hiện tượng này. Bà cho biết những trường hợp lẻ tẻ này vẫn không đủ vững để khẳng định đây là hiện tượng phổ cập áp dụng cho mọi nền văn hóa. Bà đề nghị rằng có thể hiện tượng ghen vì không có dương vật chỉ là một biểu tượng khi phụ nữ mô tả cảm giác về sự ghen tức của họ đối với đàn ông về mặt quyền lực trong cuộc sống.
Trên thực tế, bà đề nghị rằng, có cả những luận chứng về hiện tượng ghen không có tử cung nơi đàn ông (đối nghịch với ghen không có dương vật ở nơi phụ nữ). Bà nhận thấy có nhiều người đàn ông cảm thấy ghen vì họ không có khả năng mang thai và sinh con: Có lẽ đàn ông có nhu cầu muốn được lưu lại dấu ấn và muốn tên tuổi của mình tồn tại mãi. Phải chăng vì thế mà họ khao khát có được khả năng sinh sản mà chỉ phụ nữ mới có được.
Một ý tưởng khác nơi bà là lối quan sát từ bản thân. Những ai tôn trọng cộng đồng tâm lý học sẽ đánh giá cao hướng đi mới mà bà đã khởi xướng là đưa ra những phương pháp để các thân chủ tự phân tích. Horney viết một trong những cuốn sách để thân chủ tự giúp mình đầu tiên. Bà đề nghị rằng với những vấn đề loạn thần kinh dạng nhẹ thì các thân chủ có thể tự tháo gỡ được bằng cách tự chữa cho mình. Và đây là một trong những tư tưởng đe dọa đối với các nhà trị liệu khi họ phải kiếm sống nhờ vào số lượng thân chủ tìm đến văn phòng của họ.
Tuy nhiên nhiều người muốn nhìn thấy học thuyết của bà đừng chỉ dừng lại ở mức gói gọn vào áp dụng riêng đối với những người mắc chứng loạn tâm thần. Nhưng nếu thế, họ đã bỏ lỡ cơ bội áp dụng với những cá nhân bình thường khác. Dù sao khi bà đề cập và so sánh giữa người loạn tâm thần và đối chiếu với người khỏe mạnh, ít nhất chúng ta vẫn có cơ sở tin rằng bà nói chuyện về những người loạn tâm thần như đang nói với tất cả mọi người chúng ta.