Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 08

Chương 8. ALBERT ELLIS THUYẾT NHÂN CÁCH TƯ DUY

CÁC HỌC THUYẾT TÂM LÝ NHÂN CÁCH

1. Dẫn nhập

Mặc dù học thuyết của Albert Ellis được nghiên cứu và thiết kế nặng hẵn về phía lâm sàng, phục vụ đắc lực cho công tác liệu pháp, tuy nhiên tiến sĩ C. George Boeree (2006) tin rằng học thuyết của ông phản ánh rất nhiều giá trị đối với tâm lý nhân cách và cần được mổ xẻ, trong đó những mổ xẻ của ông có sự liên hệ rất gần với nhân cách tư duy.

2. Tiểu sử

Ellis sinh ra tại Pittsburgh năm 1913 và được nuôi lớn lên tại thành phố New York. Ông đã vượt qua thời thơ ấu khó khăn của mình. Theo như lời ông nói, ông đã từng là một đứa trẻ ngang bướng nhưng xử lý các vấn đề rất cừ khôi.

Một rối loạn về bệnh thận khá nặng đã xoay chuyển những hứng thú của ông từ thể thao sang sách báo. Cộng với một thảm họa lục đục trong gia đình (cha mẹ ông li dị khi ông lên mười hai tuổi đã giúp ông hiểu ra được tâm tình khổ đau của người khác.

Khi còn học cấp hai, Ellis có dự tính trong đầu sẽ trở thành một người viết tiểu thuyết nổi tiếng của Hoa Kỳ. Lên cấp ba, ông dự tính sẽ học kế toán ở bậc đại học, kiếm đủ tiền để về hưu vào năm ba mươi tuổi, và sẽ bắt đầu sự nghiệp viết sách mà không phải bận tâm đến vấn đề tiền bạc. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 30 đã cáo chung giấc mơ trở thành nhà văn của ông. Nhưng ông vẫn tốt nghiệp Đại học năm 1934 với một bằng quản trị kinh doanh từ trường Đại học thành phố New York.

Ông lao vào làm thương mại chung với anhtrai của mình kinh doanh quần áo may sẵn. Họ lùng sục khắp thành phố New York để tìm ra những buổi bán đấu giá quần áo, mong tìm được những bộ quần áo hợp màu vải cho khách hàng của mình. Năm 1938, ông trở thành quản lý nhân viên cho một công ty chuyên kinh doanh quà tặng và đồ chơi.

Ellis dồn hết thời gian rảnh rỗi của mình để viết truyện ngắn, các vở kịch tiểu thuyết, và cả những bài thơ hài, những bài luận, cả sách tham khảo. Vào năm ông được hai mươi tám tuổi, ông hoàn thành gần hai tá bản thảo dày, nhưng không thể nào cho xuất bản chúng được. Thế là ông nhận ra rằng tương lai của ông không thể dựa vào việc viết tiểu thuyết. Sau đó ông chuyển hẳn sang viết sách tham khảo. Để thu hút bạn đọc, ông gọi tác phẩm của mình là: Cách Mạng Tính Dục Gia Đình.

Khi đã gom đầy đủ những tài liệu để bắt tay vào một sưu tập lớn cho bộ "Trường hợp tự do tính dục", rất nhiều bạn bè của ông đã tin rằng ông là người có vẻ thông thạo về đề tài này. Họ thường hỏi ông về những ý kiến và Ellis, chợt khám phá ra rằng ông thích cả tư vấn và viết lách ngang như nhau. Năm 1942, ông quay trở lại trường học, đăng ký vào một chương trình tâm lý lâm sàng tại Columbia. Ông bắt đầu làm việc ít giờ cho một văn phòng tư nhân tư vấn về gia đình và những đề tài tình dục sau khi ông nhận được bằng thạc sĩ vào năm 1943.

Tại Đại học Columbia, ông được trao bằng tiến sĩ năm 1947. Ellis đã tin rằng phân tích tâm lý là hình thức liệu pháp sâu sắc và hiệu quả nhất. Ông quyết định nhập cuộc vào chương trình huấn luyện phân tích tâm lý và đã trở thành một nhà phân tích tâm lý xuất sắc vài năm sau đó. Không dễ dàng cho ông khi gia nhập vào tâm lý phân tích vì những học viên phân tích tâm lý ngày ấy từ chối thu nhận học viên không có bằng bác sĩ y khoa nhưng ông tìm được một nhà phân tích tâm lý làm cùng với nhóm của Karen Horney đồng ý làm việc với ông: Sau đó Ellis hoàn thành chương trình phân tích tâm lý và chính thức hành nghề phân tích tâm lý cổ điển dưới sự giám sát của thầy dạy mình.

Cuối những năm thập kỷ 40, ông dạy tại trường Đại học Rutgers và Đại học New York, đồng thời thực hành như một nhà tâm lý lâm sàng lão thành tại bệnh viện vệ sinh Tâm Thần Bắc New Jersey. Rồi ông trở thành nhà tâm lý trưởng tại Trung tâm Chẩn Đoán New Jersey. Kế đến ông làm việc với các Học viện và Bộ Giáo dục Tiểu bang New Jersey.

Không lâu sau đó niềm tin vào phân tích tâm lý sụp đổ nhanh chóng. Ông khám phá ra rằng các thân chủ gặp ông hàng tuần hay nửa tháng tiến bộ không khác gì những thân chủ ông gặp hàng ngày. Ông càng cố gắng tích cực nhiều hơn nữa trong vai trò tư vấn cung cấp những lời khuyên và hướng dẫn những giải thích khi ông tư vấn cho các thân chủ về vấn đề gia đình và vấn đề tính dục. Các thân chủ của ông có vẻ tiến bộ nhanh hơn so với việc chỉ áp dụng lối phân tích tâm lý cổ điển. Cần nhớ rằng trước khi ông bắt đầu đi theo ngành phân tích tâm lý, ông đã tự giải quyết những vấn đề của cá nhân mình bằng cách đọc và áp dụng triết lý của Epictetus, Marcus Aurelius, Spinoza và Bertrand Russell. Sau đó ông bắt đầu dạy cho các thân chủ những nguyên lý căn bản đã giúp ông giải quyết các vấn đề cá nhân của ông.

Năm 1955 Ellis bỏ hẳn thuyết phân tích tâm lý hoàn toàn. Thay vào đó ông tập trung nhiều hơn nữa vào việc giúp các thân chủ thay đổi các hành vi bằng cách chất vấn những tư duy không hợp lý của họ. Sau đó ông thuyết phục họ linh động áp dụng những tư duy hợp lý. Liệu pháp mới này có vẻ phù hợp nhiều hơn với triết lý sống của Ellis và như thế ông có thể trung thực hơn với chính con người của mình. Ông nói rằng khi tôi có cảm xúc hợp lý, các phản ứng nhân cách của cá nhân tôi bắt đầu rung động.

Ông đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về REBT (một trường phái liệu pháp tư duy), có tựa đề Sống Với Một Người Loạn Thần Kinh Như Thế Nào (How to live with a Neurotic) vào năm 1957. Hai năm sau đó ông đứng ra tổ chức một Học viện Sống Hợp lý, tại đó ông giảng dạy về học thuyết của mình cho những nhà trị liệu. Cuốn sách đầu tiên thành công của ông là Nghệ Thuật Và Khoa Học Của Tình Yêu (The Art and Science of Love) xuất bản vào năm 1960. Cho đến nay – ông xuất bản 54 cuốn sách và 600 bài viết về REBT, về tính dục và hôn nhân. Hiện giờ ông là chủ tịch của Học Viện Cảm Xúc – Hợp Lý Liệu Pháp tại New York, cung cấp những chương trình huấn luyện toàn diện và có chức năng như một phòng khám tâm lý lớn.

3. Học Thuyết của Albert Ellis

REBT là viết tắt của (Rational Emotive Behavioral Therapy) có nghĩa: Liệu Pháp Hành Vi Cảm Xúc Chuẩn bắt đầu bằng ba chữ ABC. Trong đó:

– A là viết tắt của (activating experiences): có nghĩa những kinh nghiệm xảy ra trong đời sống có tác động lên tâm thức chúng ta. Chẳng hạn như các vấn đề đến từ sinh hoạt trong gia đình, chán nản trong công việc, ký ức khổ đau của thời thơ ấu, và những vấn đề thường gặp khác trong đời sống đã tạo nên những bất hạnh.

– B là viết tắt của (beliefs): đây là tư duy, là niềm tin và triết lý sống. Ellis tin rằng chúng ta thường có những niềm tin và triết lý sống sai lệch. Đây là những tư tưởng chống lại chính bản thân chúng ta. Đây chính là nguồn gốc của những đau khổ.

– C được viết tắt từ (consequences): vốn là những kết quả từ những hành vi sai lệch (hành vi không chuẩn). Đây là những triệu chứng tâm thần không lành mạnh, và là những cảm xúc tiêu cực như trầm uất, lo lắng, sợ hãi. Những kết quả trạng thái tinh thần tiêu cực nói trên đến từ niềm tin và triết lý sống sai lệch của một cá nhân khi tiếp cận với những kinh nghiệm trong cuộc sống.

Theo Ellis, những kinh nghiệm xảy đến từ sinh hoạt hàng ngày (A – activating experiences) là những nhân tố gây ra sức ép. Theo Ellis thì thính tư duy nội tại không được chuẩn của một cá nhân (B – irrational beliefs) đã biến những kinh nghiệm sinh hoạt ấy thành những nan đề, nếu không xử lý lành mạnh sẽ tạo ra những di hại nguy hiểm, càng làm cho hệ tư duy của chúng ta bị tê liệt nặng hơn, sau đó dẫn đến kết quả là những hành vi lệch lạc (C – consequences).

Ellis đã giới thiệu thêm hai phần nữa là:

– D viết tắt của (dispute): có nghĩa là bàn cãi và chất vấn với tư duy cũ để sửa đổi và cải tạo cách nhìn cũ nhằm xây dựng một cách nhìn mới. Đây là một chức năng rất quan trọng của nhà liệu pháp (tư vấn viên), nhằm giúp thân chủ cải tổ lại hệ tư duy sai lệch của họ sao cho chuẩn hơn, biến chúng trở thành hệ tư duy lành mạnh và trong sáng.

– E là viết tắt của (psychological effects) được coi là tư duy chuẩn và não trạng mới, kết quả chính thức của quá trình bàn cãi và chất vấn (D – dispute) được nhà liệu pháp và thân chủ cùng làm việc và thống nhất với nhau.

Ví dụ một người trầm uất cảm thấy buồn và cô đơn bởi vì anh ta đã có suy nghĩ sai lầm rằng mình là người vô dụng, không bình thường và bị bỏ rơi. Thực ra những người mắc phải chứng trầm uất thao tác và thực hiện mọi công việc vẫn bình thường như bao nhiêu người khác. Vì thế nhà liệu pháp cần chỉ ra cho thân chủ trầm uất thấy được khả năng và đóng góp của họ đối với xã hội. Nhà liệu pháp cần giúp họ nhận ra những sai lệch trong hệ tư duy của mình, cùng với những ám ảnh khi họ nghĩ mình là người vô dụng. Theo Ellis thì lẩn quẩn nơi cảm xúc vô dụng sẽ dẫn đến trạng thái chán nản cô đơn.

Thực ra liệu pháp này là quá trình tạo nên một hiệu ứng phản xạ có điều kiện về mặt tâm lý. Kết quả của liệu pháp này nhằm giúp các thân chủ không chỉ biết nhận dạng được các nguồn gốc sinh ra vấn đề mà còn biết xử lý chúng sao cho có hiệu quả. Ellis tin rằng trong mỗi chúng ta ai cũng được cài đặt sẵn những khuynh hướng trở thành điều kiện hóa trên bình diện sinh học.

Đây là ý tưởng đã được phát biểu rất cụ thể. Ngoài những ý thích riêng hay những đam mê bình thường, nhiều người trong chúng ta vẫn có những nhu cầu khát khao vô lý và không đúng tuyến. Nhiều người thường có khuynh hướng ép buộc mình chạy theo những nhu cầu không thể đáp ứng được. Đây chính là những lối suy nghĩ thiếu chuẩn xác mà nhiều người thường mắc phải. Những kiểu suy nghĩ sai lệch này bao gồm:

1. Né tránh hoặc bỏ hẳn những khía cạnh nhân tố tích cực trong đời sống.

2. Nghiêm trọng hóa những điều tiêu cực.

3. Suy diễn thổi phồng và kết luận một cách áp đặt trong khi không có những luận cứ.

Ví dụ, cá nhân A nhìn vào cuộc sống và nhận thấy có vài người bạn thành công, anh ta có thể không nhận ra giá trị thực và tiềm năng của mình (né tránh điều tích cực) nên chỉ nghĩ rằng mình là kẻ thất bại và chẳng có chút thực lực nào (thổi phồng những điều tiêu cực) sau đó anh ta sẽ (suy diễn lan man và rút ra một kết luận sai lệch) rằng vì các bạn ta giỏi nên họ thành công, còn mình, vì không có thực lực nên chẳng có chút thành công nào cả, và mãi mãi mình sẽ là người thất bại. Trên thực tế cá nhân A này có rất nhiều lần đã thành đạt và còn nhiều cơ hội thành đạt, chỉ có điều là anh ta không nhận ra những thành quả đóng góp của mình.

Ellis đã đưa ra mười hai ví dụ điển hình của những tư duy sai lệch. Theo ông, mười hai ý tưởng không hợp lý (không chuẩn) này đã gây ra những phản ứng loạn tâm thần ức chế để khi có cơ hội sẽ bùng lên, hoặc đã bùng lên và trở thành một bộ phận tư duy của một số người.

1. Ý tưởng cho rằng một người phải luôn được yêu thương và quan tâm bởi những người thân yêu của mình, bất luận trong những hoàn cảnh nào. Thay vì chú ý đến lòng tự trọng của mình, nhận ra cảm xúc thực tế, họ chỉ nhắm đến mình và muốn được người khác quan tâm và yêu thương một cách thái quá.

2. Ý tưởng cho rằng cuộc sống có quá nhiều người ác độc và đáng ghét, và những con người ấy đáng phải được nghiêm trị đích đáng. Những người này thường có nhiều hành vi mang tính tự hủy hoại, chống lại xã hội. Họ là người bất cần, thường có bệnh lý biến thái. Họ là những cá nhân đáng được giúp đỡ để thay đổi. Theo Ellis, hành vi tiêu cực không làm cho con người đáng ghét như ta vẫn thường nghĩ.

3. Ý tưởng có cảm giác bức xúc khó chịu khi các sự việc không diễn ra theo ý chúng ta muốn. Đáng lẽ quá lo lắng về điều tiêu cực này, chúng ta cần nhìn vào vấn đề và tìm cách nhận ra giá trị của sự kiện để có thể kiểm soát hoặc biến chúng trở thành có lợi hơn. Ít nhất một cá nhân có thể tạm thời chấp nhận, hoặc tạm quên những vấn đề ngoài khả năng xử lý, tránh ngồi nhìn và than vãn về những điều tiêu cực.

4. Ý tưởng cho rằng những đau khổ của nhân loại là không tránh được. Nhiều người tin rằng nguồn gốc của đau khổ đến từ người khác và các sự kiện họ gặp trong cuộc sống. Đúng ra một phần lớn nguồn gốc của những sự đau khổ đến từ bên trong bản thân và cách nhìn tư duy nội tại tiêu cực của mỗi chúng ta. Nhất là việc chúng ta có thói quen lẩn quẩn với những kỷ niệm không may mắn.

5. Ý tưởng cho rằng những sự kiện nguy hiểm và có hại cần được con người nổi giận và chống lại chúng. Đáng lẽ chúng ta cần nhìn vào những hành vi này một cách thật khách quan, đối diện với chúng một cách thật bình tĩnh. Ellis khuyên chúng ta không nên luôn nhất thiết coi chúng là đại diện của đe dọa. Nếu không tránh được, hãy đối diện với những thử thách. Khó khăn thử thách sẽ chẳng bao giờ giết chết chúng ta được.

6. Ý tưởng cho rằng né tránh đối diện với những vấn đề trong cuộc sống và những trách nhiệm với bản thân là cách tiếp cận ít nhất. Đáng lẽ chúng ta cần đối diện với chúng một cách có can đảm, vì con đường tránh né (đi vòng) sẽ có nhiều bất lợi trong tương lai. Vì chúng ta không thể đi vòng mãi mãi được.

7. Ý tưởng tin rằng chúng ta nhất định phải có những điều gì đó mạnh hơn và lớn hơn chúng ta để dựa vào. Theo Ellis, đáng lẽ ra ta cần can đảm đối diện với mạo hiểm, sau đó áp dụng vào tư duy và hành động một cách độc lập hơn, Tiềm năng nơi mỗi con người là rất lớn và nhiều người đã không cho mình một cơ hội để khai thác những tiềm năng đó.

8. Ý tưởng cho rằng chúng ta cần phải hoàn toàn có năng lực, phải thật thông minh, và phải đạt được nhiều thành quả trong đời sống và được mọi người tôn trọng. Đáng lẽ ra chúng ta cần nhìn kỹ hơn và chấp nhận bản thân mình với những hạn chế cố hữu gồm những giới hạn và những điểm yếu cá nhân vì chúng ta đều là những con người.

9. Ý tưởng cho rằng một kinh nghiệm một khi có tác động tiêu cực ảnh hưởng lên đời sống chúng ta sẽ mãi mãi có tác động tiêu cực lên chúng ta trong mọi hoàn cảnh sau này. Chúng ta thường có những kinh nghiệm học hỏi trong quá khứ để xử lý ở hiện tại. Tuy nhiên ta cần gạn đục khơi trong, lưu lại điều cần giữ và gạt bỏ những điều không nên giữ lại.

10. Ý tưởng cho rằng chúng ta phải có những kiểm soát tuyệt đối với mọi khía cạnh diễn ra trong đời sống. Đáng lẽ chúng ta cần nhận thức ra cuộc đời luôn có những sự kiện khả dĩ có thể xảy ra và cả những điều bất ngờ, ngoài dự tính. Đời sống là một chuỗi những biến thiên phong phú. Chúng ta cần tận hưởng cuộc sống một cách tốt đẹp mặc dù có nhiều điều chúng ta không thể nào chế ngự một cách hoàn toàn được.

11. Ý tưởng cho rằng hạnh phúc con người có thể đạt dược qua sự thụ động đóng cửa lòng và co cụm vào thế giới tĩnh lặng của riêng mình. Đáng lẽ ra con người cần phải tin rằng họ thật sự hạnh phúc qua đời sống sinh hoạt trong việc đeo đuổi những đam mê sáng tạo. Chúng ta cần sống một cuộc đời trong ý nghĩa phục vụ với những người khác. Ellis khuyên chúng ta nên tham gia vào những chương trình chung có ích cho đời sống cộng đồng xã hội.

12. Ý tưởng cho rằng chúng ta chẳng có bất cứ một kiểm soát nào về hệ thống cảm xúc của mình. Và vì thế chúng ta đã không thể kiểm soát và chế ngự được những xung động bức bối của mình. Đáng lẽ ra chúng ta phải nhận ra mình thật sự có những kiểm soát trên những cảm xúc phá hoại ấy. Một lần nữa, tiềm năng và khả năng chi phối của chúng ta đối với những vấn đề trong cuộc sống là rất lớn. Ellis muốn con người hãy khai thác những tiềm năng này.

Để đơn giản, Ellis gộp thành ba nhóm tư duy không chuẩn là:

1. Tôi phải hoàn hảo xuất sắc, nếu không tôi sẽ là người vô dụng.

2. Mọi người phải đối xử tốt với tôi, nếu không họ hoàn toàn là người xấu.

3. Cuộc đời phải luôn đem đến cho tôi hạnh phúc, nếu không thì tôi sẽ chết.

4. Áp dụng vào liệu pháp

Ellis khuyên các nhà liệu pháp nên sử dụng những kỹ năng cần thiết của mình để khéo léo chất vấn những tư tưởng sai lệch này trong quá trình liệu pháp. Tốt nhất là họ nên mời thân chủ tham gia vào thảo luận. Chẳng hạn như tư vấn viên có thể hỏi:

– Có chứng cứ gì cho tư duy này của bạn không?

– Những chứng cứ nào bênh vực cho tư duy này của bạn?

– Chuyện gì tệ nhất sẽ xảy ra nếu bạn từ bỏ lối tư duy này?

– Và nếu chuyện tốt đẹp nhất khi bạn tư duy theo lối này sẽ xảy ra thì bạn sẽ nghĩ sao?

Ngoài ra nhà liệu pháp theo phái Trị Liệu Cảm Xúc Hành Vi Chuẩn (REBT) cần sử dụng những kỹ năng giúp thân chủ thay đổi tư duy của mình. Họ có thể sử dụng tư vấn nhóm, áp dụng những cách nhìn trong việc coi thân chủ là người tốt trong mọi hoàn cảnh. Họ cần cung cấp những ví dụ tích cực giúp thân chủ đối diện với mạo hiểm, huấn luyện họ tính chủ động, tập cho thân chủ có thói quen đồng cảm với xung quanh, sử dụng các hoạt cảnh để thân chủ có khả năng nhìn thấy các hành vi mẫu, khuyến khích họ tự quản lý bản thân qua việc kiểm soát các hành vi, áp dụng kỹ năng cải tiến hành vi, và những phương pháp áp dụng tẩy xóa ký ức.

5. Chấp nhận chính mình một cách vô điều kiện

Ellis đã nhấn mạnh rất nhiều đến tầm quan trọng trong việc ông gọi là tiến trình chấp nhận chính mình một cách vô điều kiện. Trong liệu pháp REBT của mình, ông nhấn mạnh rằng không ai có thể đáng bị lên án và bị kết tội, bất kể những hành vi của họ là xấu xa và tồi tệ đến mức nào. Mỗi một cá nhân cần đón nhận những điều kiện cơ bản của chính mình chứ không phải qua những thành tựu chúng ta đạt được. Thành công của chúng ta chỉ là một bộ phận trong cuộc đời của chúng ta mà thôi. Nhiều người đã đặt quá nặng đến thành công (dẫn đến ảo tưởng) nên đã để đời sống của mình trượt vào não thức vô nghĩa.

Một lối tiếp cận ông thường nhắc đến là hãy cố gắng thuyết phục các thân chủ nhận ra được những giá trị thực chất nội tại của họ như MỘT CON NGƯỜI THẬT SỰ. Hãy sống thật sự cho mình và cống hiến cho đời tất cả những mặt mạnh mình có được.

Ông nhận xét rằng nhiều học thuyết đã nói rất nhiều về lòng tự trọng, sức mạnh của cái tôi và những ý tưởng về sức mạnh cá nhân. Ông tin rằng bản chất tự nhiên của chúng ta là thường luôn quan sát xung quanh. Chúng ta đã đánh giá những đặc tính và hành vi của mình, từ đó thiết kế cho mình một mô thức nhân cách (tuy có vẻ định hình) nhưng thực ra rất mơ hồ là mà ta gọi là bản thân. Theo ông, khái niệm bản thân ấy rất khó có thể đánh giá chính xác được? Chẳng có lợi gì nếu chúng ta cứ lẩn quẩn với khái niệm này. Với ông, khi đánh giá sai lệch về bản thân sẽ chỉ là những điều có hại cho chúng ta.

Ông cho rằng có những lý do chính đáng để thăng tiến bản thân và cái tôi của một cá nhân. Chúng ta muốn sống và muốn khỏe mạnh, chúng ta muốn hưởng thụ cuộc sống và những điều tốt đẹp dễ chịu. Song có nhiều người trong chúng ta sử dụng những phương cách thăng tiến vô tình tạo ra những tác hại (harm), được tóm gọn trong những tư duy sai lệch sau đây:

– Tôi phải đặc biệt hoặc tôi sẽ bị lên án.

– Tôi phải được yêu thương và được quan tâm.

– Tôi phải là người bất tử, được nhớ mãi.

– Nếu tôi không là người tốt thì nhất định là xấu (và ngược lại).

- Tôi phải khẳng định được chính mình.

– Tôi phải có tất cả những gì tôi muốn.

Ông tin rằng đánh giá về bản thân quá cao sẽ dẫn đến trầm cảm, co cụm dồn nén, và né tránh khi ta không đạt được những thành quả tương xứng. Những điều này sẽ ngăn cản đời sống lành mạnh. Cách tốt nhất để đạt được và duy trì một sức khoẻ lành mạnh là hãy chấm dứt đánh giá tất cả những giá trị viển vông tiêu cực

6. Thảo luận

Có người tin rằng ý kiến của ông về bản thân và cái tôi đã được nhấn mạnh quá mức cần thiết. Ellis có vẻ rất thận trọng về sự hiện diện của tính năng sự thật hay tính năng có thực của bản thân. Giống như Horney và Rogers, ông phản đối ý tưởng cho rằng sẽ có sự khác biệt mâu thuẫn giữa mô thức bản thân đã được giác ngộ so với mô thức bản thân do xã hội đề ra. Ông tin rằng lý lẽ tự nhiên của một cá nhân và qui cách vận hành của xã hội thường có quan hệ liên đới hỗ tương nhiều hơn là có những mâu thuẫn chống đối nhau.

Ông không tìm ra bất cứ một chứng cứ nào về khái niệm ngoài bản thân hay khái niệm linh hồn. Phật giáo là một ví dụ khá phong phú về khu vực này. Ông rất thận trọng về những trạng thái thay đổi của cõi ý thức và những huyền thoại truyền thống, những hiện tượng tâm lý bên ngoài con người. Ông cho rằng những trạng thái này có vẻ không có thực nhiều hơn là có tính siêu nhiên.

Ở mặt khác, ông nhìn thấy lối tiếp cận của mình đến từ truyền thống Stoic cổ xưa, ảnh hưởng bởi người Hy Lạp cổ. Ông rất chú trọng trong việc kiểm soát những hành xử của mình, vì ông chịu ảnh hưởng bởi triết gia Spinoza. Ông khám phá ra những điều tương tự giữa chủ nghĩa hiện sinh và tâm lý hiện sinh. Theo ông thì những vấn đề trong cuộc sống luôn đặt trách nhiệm lên vai mỗi cá nhân và chúng ta cần có một lối tiếp cận chuẩn, lành mạnh để sống vui sống khỏe nhiều hơn nữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3