7788 Em Yêu Anh - Chương 03 Phần 1

Chương 3

Ảo giác, chú và cô giáo

“Anh út, em xấu xí lắm đúng không?”.

Đây là câu hỏi đầu tiên mà Khanh Khanh thường hỏi sau khi tỉnh dậy. Mục Tuần không đáp lại, cất tất cả gương trong phòng Khanh Khanh đi.

Phòng Mục Tuần ở cạnh phòng của Khanh Khanh, tiện cho việc chăm sóc cô. Ban ngày anh thường sang xem bệnh tình của cô đã khá hơn chưa. Khanh Khanh ngủ rất nhiều, vừa tiếp nước vừa ngủ, tỉnh được một lúc rồi lại lờ đờ. Trừ những lúc đặc biệt tỉnh táo nói một hai câu, phần lớn thời gian đều im lặng. Hai hôm sau vẫn sốt cao không hạ, người cũng gầy rộc đi. Bác ba không chỉ tiêm cho cô mà còn kê thêm rất nhiều thuốc. Khanh Khanh vùng vẫy trong ranh giới giữa thuốc bắc và thuốc tây, suốt ngày nằm lì trong phòng nghỉ ngơi, không đi xuống dưới nhà, thậm chí không đến bên cửa sổ ngắm cảnh, bị từng đợt từng đợt thủy đậu giày vò, vì chuyện uống thuốc bắc đã lặng lẽ rớt nước mắt khi được bà nội ôm vào lòng.

Thím Trương rất thương cô. Thím và mẹ thay phiên nhau chấm thuốc thủy đậu cho cô. Khuôn mặt tròn xoe của Khanh Khanh giờ biến thành mặt trái xoan. Trên khuôn mặt là những vết tích mà thủy đậu để lại, hai lúm đồng tiền cũng không thấy đâu.

Mục Tuần thấy cô buồn buồn, thỉnh thoảng nhân lúc bôi thuốc lại chọc cô: “Để xem sau này ai lấy em. Không ai thèm đâu!”. Nhưng đến lúc Khanh Khanh ngứa đến nỗi không thể chịu được chỉ muốn gãi thì anh lại là người đầu tiên kéo tay cô ra, làm tròn chức trách của một người anh.

Đến ngày thứ năm, cuối cùng thì Khanh Khanh đã hạ sốt. Những nốt thủy đậu đầu tiên đóng vảy. Mục Tuần thức đêm nhiều đến nỗi hai mắt thâm quầng, một số công việc phải tạm gác lại nhưng ban ngày vẫn kiên trì bầu bạn với Khanh Khanh.

“May mà Tiểu Tuần đã bị thủy đậu rồi”, bà nội an ủi cháu trai, tự mình bưng nước thanh nhiệt giải khát cho cháu uống. Ông nội đi ngang qua, vỗ bờ vai rộng lớn của cháu trai, hết lời khen ngợi: “Tiểu Tuần thật ngoan”.

Buổi tối Mục Tuần xuống nhà ăn cơm, gặp thím Trương ở cầu thang.

“Sao lại thế này?”, thím Trương nhìn thấy vết xước trên mặt Mục Tuần, giật nảy mình.

“Không sao, thím cứ kệ con”.

“Lại cãi nhau với Thất Thất à?”.

“Làm gì có chuyện ấy, do con sơ ý mà”.

Mục Tuần không nói gì nữa, sau khi về phòng mới chạy ra soi gương. Buổi chiều Khanh Khanh tỉnh dậy nói chuyện, nhắc đến thủy đậu không hiểu vì sao lại nổi nóng, hai anh em cãi nhau, còn động chân động tay. Dĩ nhiên là Mục Tuần không tránh khỏi thương tích, vết cào xước trên mặt chính là chứng cứ. Khanh Khanh ở trường mầm non dịu dàng, ôn hòa là thế nhưng ở nhà thì rất bướng bỉnh. Nói đến chuyện không vui là hai người lại cãi nhau, rất dễ gây chuyện nhưng cũng nhanh chóng giảng hòa, hơn hai mươi năm nay lúc nào cũng vậy. Mục Tuần quả thực cũng có đôi chút tức giận, nghĩ rằng cô vô duyên vô cớ gây chuyện, nhưng nếu bảo anh khoanh tay mặc kệ thì anh lại không nỡ. Anh và Khanh Khanh thuộc kiểu anh em khắc nhau. Thời gian Khanh Khanh chiếm thế thượng phong nhiều hơn một chút. Mục Tuần là trai chưa vợ, cũng khá nóng tính nhưng nhường em gái, rất ít khi giận thật.

Ăn cơm xong, cả hai đều đã bình tĩnh, cũng nghĩ thoáng hơn. Hai người ngồi trong phòng nói chuyện với nhau, không khí không còn căng thẳng như lúc trước nữa, người này hỏi người kia đáp, thái độ rất ôn hòa. Khanh Khanh đã đỡ sốt, có điều tình hình thủy đậu thì không lạc quan chút nào. Khắp người là sẹo thủy đậu, vẫn yếu ớt nằm trên giường. Họ nói chuyện một hồi, lại nhắc đến chuyện cãi nhau.

“Anh út, mang gương ra cho em soi đi, xấu lắm đúng không?”.

“Không xấu, xinh là đằng khác. Ngủ đi, tỉnh dậy anh cho em xem một thứ rất thú vị”.

“Thứ gì?”.

“Ngủ dậy rồi anh cho xem”.

“Em không ngủ được, khó chịu”.

“Nhắm mắt lại là được, đừng nghĩ nhiều, vài ngày nữa sẽ hết sẹo”.

“Thật không?”.

“Thật”.

Mục Tuần cảm nhận được một cách sâu sắc câu nói của ông bà, Khanh Khanh chính là nụ hoa cuối cùng của nhà họ Mục, vì thế ngay từ khi sinh ra đã khiến người ta già đi. Mấy ngày cô ốm, Mục Tuần có cảm giác mình bị giày vò đến nỗi già đi mấy tuổi, hơn nữa còn cam tâm tình nguyện già đi.

Ở trường mầm non, thủy đậu đã biến thành dịch bệnh. Tất cả các phòng học đều được khử trùng, toàn bộ học sinh đều về nhà. Phòng học bị niêm phong, trạm phòng dịch bệnh còn đặc biệt cử vài bác sĩ tới. Hai ngày đầu dịch thủy đậu rất nghiêm trọng, trong bốn lớp mẫu giáo nhỡ có ba em bị sốt, sau đó lan sang lớp mẫu giáo nhỏ, cuối cùng cô trợ giảng ở lớp mẫu giáo lớn cũng lây bệnh.

Xuất hiện sáu bảy trường hợp mắc bệnh và những trường hợp khả nghi, nhà trường hết sức chú trọng đến điều đó, đặc biệt tổ chức những tổ chuyên môn hàng ngày kiểm tra vệ sinh, thường xuyên rửa tay, khử trùng. Nọa Mễ và giáo viên trợ giảng lớp bên cạnh đã cùng nhau cọ rửa đồ chơi ba, bốn ngày dưới sự giám sát của chính tổ trưởng tổ giáo vụ Mark. Lúc không có người cũng kêu ca phàn nàn nhưng trước dịch bệnh, mọi người đều đồng tâm hiệp lực, nghĩ đến sức khỏe và sự an nguy của mấy trăm đứa trẻ, không ai dám lười biếng.

Shawn biết Khanh Khanh bị ốm. Lúc đầu anh ta thường xuyên đến lớp mẫu giáo nhỡ hỏi han tình hình, không nhìn thấy cô, muốn đến nhà thăm cô nhưng không có địa chỉ. Một ngày anh ta năm lần bảy lượt chạy đến lớp mẫu giáo nhỡ tìm Nọa Mễ. Nọa Mễ hiểu ý Khanh Khanh, tìm mọi lý do từ chối. Shawn vẫn không nản lòng, ngày nào cũng vậy, kể cả có người hay không có người anh ta cũng đến lớp học một lần. Cho dù tình cờ đi ngang qua cũng phải dừng lại nhìn vào lớp học trống trơn.

Khi Nọa Mễ gọi điện cho Khanh Khanh thông báo về tình hình ở trường mầm non, Khanh Khanh đang nằm trên giường bôi thuốc. Nghe Nọa Mễ nói về Shawn, cô chỉ thở dài.

“Mặc kệ anh ta, những chuyện khác đừng nói cho anh ta biết”.

“Vâng, em biết rồi, chị đỡ chưa?”.

“Hạ sốt rồi nhưng vẫn nổi nốt, không thể gặp ai được. Còn em, tình hình ở trường đã ổn chưa?”.

“Vẫn chưa, một số phụ huynh không muốn đưa con đến trường, có đến thì cũng chỉ đến nửa ngày. Mỗi ngày khử trùng ba lần, tay em sắp bị thuốc khử trùng ăn mòn rồi. Bây giờ khắp trường sặc mùi thuốc khử trùng, có lẽ cuối tuần lại khử trùng toàn bộ một lần nữa, tuần sau mới có thể lên lớp bình thường được”.

“Mọi người vất vả quá, thật sự xin lỗi mọi người”.

“Đừng nói như vậy, đâu phải lỗi của chị”.

“Em thế nào rồi, không sao chứ?”.

“Em vẫn khỏe, làm việc nhiều, ăn cũng nhiều, lại béo rồi”, Nọa Mễ nói xong, cả hai người cùng cười, “Chị cứ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, có chuyện gì em lại gọi cho chị”.

“Ừ, bye bye, em phải chú ý sức khỏe đấy”.

Khanh Khanh vừa cúp điện thoại, Mục Tuần ngồi cạnh ăn hoa quả ngẩng đầu hỏi Khanh Khanh: “Ai đấy?”.

“Nọa Mễ lớp em. Anh út, đầu anh cũng nổi nốt kìa!”. Khanh Khanh vứt điện thoại sang một bên lại gần anh, nhìn vào chiếc laptop trên chân anh.

“Viêm chân lông ý mà, không sao!”.

“Em bôi thuốc cho anh nhé!”.

“Đừng, khó ngửi lắm!”.

Khanh Khanh không ép anh, lấy rất nhiều thuốc bôi lên cánh tay của mình.

“Hôm nọ anh nói cho em xem cái gì?”.

“Chờ đấy, anh đi lấy cho em!”.

Mục Tuần đặt laptop lên giường, chạy về phòng lấy đồ, lúc quay lại nối ổ cứng di động vào laptop. Khanh Khanh cuốn chăn ghé sát lại. Anh mở một tập file, đều là ảnh, dùng ACDSee(*) để mở, đều là những bức ảnh giống như cuộc thi đua ô tô trên kênh thể thao, những tay đua bình thường và những chiếc xe bình thường.

(*) ACDSee là phần mềm quản lý và chỉnh sửa ảnh thông minh (ND).

“Xem gì vậy?”.

“Em nhìn người này”.

“Người nào?”.

“Nhìn vào đây, người này”. Mục Tuần chỉ tay vào bóng người mờ mờ trên bục nhận giải.

Những tay đua trong bức ảnh đều mặc quần áo đua xe, chỉ có người Mục Tuần chỉ là mặc quần bò áo jacket đen, cùng với một tay đua trong số đó ôm chai rượu champagne lớn đang chúc mừng. Xung quanh là các cô gái xinh đẹp và khán giả cổ vũ, không khí rất náo nhiệt nhưng chất lượng ảnh bình thường, phóng to thì bị vỡ nét, không nhìn rõ mặt.

“Đây là ai?”. Khanh Khanh di chuyển chuột về phía người đó, cảm thấy có chút gì đó quen quen.

“Em nhìn chiếc xe này”.

“Xe gì cơ?”.

Khanh Khanh không có cảm giác gì với xe ô tô, nhiều nhất chỉ biết phân biệt màu sắc, vì thế không nhận ra điều gì.

“Hình như em nhìn thấy rồi, trông rất giống xe tăng”.

“Dĩ nhiên là em nhìn thấy nó rồi!”. Mục Tuần kéo bím tóc của cô, “Đây là Hummer H2, việt dã cao cấp SUV, chiếc xe quân sự thời xưa của Mỹ được cải tiến lại đưa vào sử dụng, chiếc xe nguyên mẫu chạy trên chiến trường”.

“Cho em xem nó làm gì?”. Khanh Khanh ngả người vào ghế, tiếp tục bôi thuốc nhưng lại bị Mục Tuần bắt ngồi dậy.

“Vẫn chưa nhớ ra sao? Chiếc xe mà người đàn ông đứng ở cổng trường hôm ấy lái chính là chiếc xe này. Anh tìm mấy ngày mới thấy. Em cứ nhìn kỹ đi!”.

Mục Tuần nói như vậy, trong đầu Khanh Khanh hiện lên một hình ảnh, không phải là xe mà là đường nét của người ấy. Tay áo vén cao, đôi mắt màu cà phê đậm, bế Tiểu Hổ ở phía cuối hành lang.

“Lần sau gặp loại người này em không được đứng ngây ra đó, nghe rõ chưa?”.

“Anh ta đi xe gì đâu có liên quan đến em”. Khanh Khanh cãi bướng nhưng sau khi Mục Tuần ra ngoài lại thấy tò mò, thò đầu ra nhìn bức ảnh trên màn hình laptop. Bức ảnh được lấy đường link từ một trang web nước ngoài, ấn vào đường link ấy, trước mắt Khanh Khanh hiện lên một trang web mới. Toàn là thứ tiếng cô không hiểu, tìm kiếm những chữ cái La Mã dày đặc không tìm thấy thông tin có giá trị. Cô thử dùng phiên âm lên google đánh tên của anh ta, quả nhiên một dãy kết quả tìm kiếm hiện ra, nhìn thấy trang web tiếng Anh cô liền nhấp chuột vào. Đó là một bài liên quan đến xe ô tô, cuối bài viết xuất hiện tên của anh ta - Phí Duật Minh.

Tiêu đề bài viết rất kỳ lạ: Ngựa hoang hay ngựa ô?

Cho dù cái tên Phí Duật Minh có xuất hiện hay không thì Khanh Khanh vẫn lo cho bệnh tình của Tiểu Hổ. Gọi điện thoại hỏi Nọa Mễ, cô ấy cũng không rõ, lại không dám liên lạc với gia đình Tiểu Hổ. Khanh Khanh dưỡng bệnh cũng không thoải mái, mấy lần muốn đến trường nhưng đều bị người nhà ngăn không cho đi.

Dường như Khanh Khanh và Tiểu Hổ có mối liên hệ ngầm nào đó. Tối thứ sáu, Khanh Khanh vừa uống thuốc xong, đang ngồi trong phòng xoa những vết sẹo đang lên da non thì Mục Tuần bước vào, anh kéo chăn, nhét chiếc điện thoại bàn không dây vào tay cô.

“Điện thoại của em”.

Khanh Khanh thò đầu ra ngoài, trán lấm tấm mồ hôi, chỉ tay vào chiếc điện thoại, khẽ hỏi: “Ai đấy?”.

“Không biết, một người đàn ông”. Mục Tuần nói xong ngồi xuống bên cạnh, tỏ vẻ rất tò mò. Bắt đầu từ lúc còn nhỏ, chỉ cần bạn trai gọi điện cho cô là anh đều rất tò mò, đôi lúc còn có chút không yên tâm.

“Xin chào, tôi là Mục Khanh Khanh, xin hỏi anh là…”.

“Xin chào, tôi là Phí Duật Khâm, bố của Phí Tiểu Hổ”, đầu dây bên kia là giọng của một người đàn ông xa lạ, rất khách sáo, nói tiếng Trung nhưng không chuẩn, ngừng lại một lát mới nói tiếp: “Tôi không làm phiền cô nghỉ ngơi chứ, cô Mục”.

“Không ạ”, Khanh Khanh chưa kịp chuẩn bị, nỗi nhớ nhung lại trào dâng trong tim, im lặng chờ Mr Phí nói tiếp.

Thực ra cô không có ấn tượng nhiều với bố của Tiểu Hổ. Hồi Tiểu Hổ mới đến trường, cô gặp ông ta hai lần, sau đó ông ta không xuất hiện nữa, đều là cô giúp việc hoặc mẹ của Tiểu Hổ đến đón. Những trường hợp tương tự Tiểu Hổ, Khanh Khanh đã chứng kiến rất nhiều, bố bận, mẹ cũng bận, những chuyện nghe được từ cô giúp việc nhà họ Phí, Khanh Khanh đều ghi nhớ trong lòng: Công việc của ông rất bận rộn, thường xuyên phải đi công tác nước ngoài, bà vợ một mình cũng rất bận rộn, chỉ trông nom cậu con trai lớn Tiểu Long, sau đó cùng bạn đầu tư, không quan tâm tới cậu bé Tiểu Hổ ở bên cạnh ông bà nội, đợi đến khi đón Tiểu Hổ về nhà thì cậu bé đã mắc chứng tự kỷ. Tuy mọi người hy vọng người thân sum họp có thể cải thiện tình hình của Tiểu Hổ nhưng điều đó không giúp ích được nhiều. Trẻ đã khép chặt cánh cửa lòng mình, chỉ ở bên cạnh nó thì không đủ.

“Xin chào Mr Phí, Tiểu Hổ thế nào rồi ạ?”. Khanh Khanh nhớ đến Tiểu Hổ, ngồi bật dậy đẩy Mục Tuần ra ngoài rồi đóng cửa lại.

“Chính vì chuyện này mà làm phiền cô. Nếu có thể hai ngày nữa cô đến nhà tôi một chuyến được không? Tiểu Hổ muốn gặp cô. Trận ốm này kéo dài rất lâu, đến bây giờ vẫn chưa khỏi. Chúng tôi nói… nó không nghe, không muốn gặp ai, lúc nào cũng nhắc đến cô, vì thế…”.

“Tiểu Hổ ốm nặng lắm sao?”. Hình ảnh Tiểu Hổ cô đơn buồn tủi hiện lên trong đầu Khanh Khanh, thỉnh thoảng cậu bé lại ngồi một mình trong góc lớp, tay cầm đồ chơi mà bạn khác chơi rồi bỏ lại, một thời gian dài không nói chuyện với ai. Đưa cậu đến phòng học của giáo viên tư vấn tâm lý cậu cũng sợ đến nỗi không rời khỏi cô nửa bước, vừa túm chặt váy cô vừa lau nước mắt, dáng vẻ cầu xin ấy khiến người ta đau lòng.

Tiểu Hổ là một cậu bé có sự yếu đuối nhạy cảm của một cô bé, cũng có những suy nghĩ chín chắn mà những cậu bé khác không sánh được. Cậu sẽ đặt chiếc bánh đầu tiên mình nướng được trong tiết học nấu ăn lên bàn làm việc của cô, sau khi ngủ dậy gấp chăn rất ngay ngắn, mặc quần áo chỉnh tề, không để người khác giúp mình buộc dây giày, lúc cô làm vệ sinh trong ngày giá rét cậu đã lén chạy ra ngoài quàng khăn cho cô. Khanh Khanh đã từng nói với Nọa Mễ những đứa trẻ như Tiểu Hổ cần được người ta chăm sóc và đáng được người khác yêu mến. Trong lòng cậu bé có một vết thương nho nhỏ, chỉ cần vết thương ấy lành lại thì sẽ không tự kỷ nữa. Sẽ có một ngày cậu bé vui vẻ trở lại. Cậu sẽ xuất sắc hơn tất cả những cậu bé khác.

“Nghiêm trọng hơn chúng tôi nghĩ…”. Lời nói của Mr Phí làm ngắt dòng suy nghĩ của Khanh Khanh, “Dĩ nhiên nếu thực sự bất tiện cũng không sao, chúng tôi biết cô đang nghỉ ngơi, cô xem…”.

“Không sao, tôi sẽ đến, tôi có thể đến được”. Khanh Khanh không nghĩ ngợi gì mà nhận lời luôn. Cô nhanh chóng tìm giấy bút ghi địa chỉ, số điện thoại của nhà họ Phí, sau đó hỏi rất kỹ về bệnh tình của Tiểu Hổ.

“Cảm ơn cô”. Mr Phí im lặng một lúc, “Chúng tôi… sau này nhất định sẽ ở bên chăm sóc Tiểu Hổ. Cô Mục, gặp mặt rồi chúng ta sẽ nói kỹ hơn”.

“Vâng, ngài cũng đừng lo lắng quá, Tiểu Hổ sẽ nhanh chóng khỏe trở lại thôi”.

Sau khi cúp điện thoại, Khanh Khanh bất chấp việc mình vừa mới hạ sốt, liền khoác chăn nhảy xuống giường tìm quà cho Tiểu Hổ. Cô tìm trên giá sách hai cuốn truyện thiếu nhi mà mình rất thích - Where The Wild Things Are(*) và There's a nightmare in my closet(**), tìm thấy một hộp bút chì màu chưa bóc rồi xuống dưới nhà cầu xin thím Trương đến lúc ấy giúp cô làm một chiếc bánh cà rốt thật to.

(*) Lạc vào chốn hoang dã (ND).

(**) Có cơn ác mộng trong tủ vách của tôi (ND).

Thực ra thời gian hẹn gặp là tuần sau nhưng vì Khanh Khanh quá mong chờ nên hai đêm liền cô không ngủ được. Để có thể có được sự đồng ý của mọi người trong nhà, cô quyết tâm dưỡng bệnh thật tốt, uống thuốc rồi đi ngủ, không quên bôi thuốc lần nào. Đến ngày đi gặp Tiểu Hổ, bệnh tình của Khanh Khanh đã đỡ hơn. Tuy trên mặt vẫn còn vài vết sẹo mờ mờ, cũng gầy đi không ít, thỉnh thoảng vẫn còn ho vài tiếng nhưng nói chung đã khỏe hơn rất nhiều.

Trước khi đi ra khỏi cửa, cô soi gương đánh phấn rất kỹ, che đi những vết sẹo trên mặt rồi quàng khăn, đeo kính râm, trông hơi giống ninja. Mục Tuần ở trong phòng ngủ xử lý phần mềm game, đuổi theo ra tận cửa hỏi Khanh Khanh có cần anh đưa đi không. Khanh Khanh xua tay, xách chiếc làn nhỏ đựng đầy quà, chào ông bà nội rồi vội vàng lên đường.

Khu phố nhỏ rất ấm áp, trời cao và trong xanh, phảng phất chút ánh nắng ấm áp của mùa hè.

Khanh Khanh đi men theo con đường rợp bóng cây râm mát trong khu Champagne Town(*), vừa đi vừa nghĩ viển vông. Vì trận ốm này mà bao nhiêu ngày cô không nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Lúc này cô cảm thấy hết sức khoan khoái. Gió lướt qua khiến cành cây rung rinh xào xạc, mấy bông hoa quế rụng xuống người, xua đi những gợn sóng trong lòng. Khanh Khanh nhớ đến Tiểu Hổ, dường như chỗ mềm yếu nhất trong trái tim bị chạm tới, không thể quên được cảnh tượng lần đầu tiên gặp Tiểu Hổ: Mrs Phí đưa cậu bé đến, mặc quần áo đồng phục của trường mẫu giáo, đeo chiếc cặp sách bé xíu, đứng trên hành lang không chịu vào lớp học, âm thầm rớt nước mắt. Mrs Phí ngồi xuống ôm cậu bé. Hai giọt nước mắt của cậu bé lăn dài trên má, rơi xuống chiếc khăn choàng của mẹ. Tiểu Hổ là đứa trẻ thiếu cảm giác an toàn, vì thế Khanh Khanh mới chọn Where The Wild Things Are và There's a nightmare in my closet. Đây là câu chuyện kể về hai cậu bé đã chiến thắng cảm giác sợ hãi.

(*) Một khu phát triển ngoại ô của nhóm phát triển Trung Quốc (ND).

Khanh Khanh cảm thấy trong lòng vừa chua xót vừa ấm áp, đi đến đầu ngõ trán đã lấm tấm mồ hôi. Cô nới lỏng khăn quàng để gió lùa vào. Đang chuẩn bị nhìn đồng hồ thì phía xa vang lên tiếng còi ô tô.

Hướng mắt nhìn về phía phát ra âm thanh, Khanh Khanh bất ngờ nhìn thấy mái tóc đen giống như của Lỗ Tấn, không khỏi sững người. Cô không thể ngờ rằng mình lại chạm mặt chú của Tiểu Hổ nhanh như vậy. “Lái xe” mà Mr Phí nói trong điện thoại chính là anh ta? Ký ức về buổi gặp mặt lần trước giống như thủy triều trào dâng trong tâm trí: Ngã sau xe anh ta, gặp anh ta trong phòng viện trưởng, nảy sinh hiểu lầm, lại còn…

Rất nhiều ký ức đan xen nhau, Khanh Khanh hít một hơi thật sâu, thầm khích lệ mình không được làm một kẻ đào ngũ, sau đó miễn cưỡng đi về phía chiếc xe Hummer màu đen.

Phí Duật Minh không bỏ kính, vẫn lạnh lùng như thế. Cái nhìn đầu tiên khiến Khanh Khanh có ấn tượng sâu sắc rằng anh ta rất kiêu căng. Ở trường mầm non cô đã gặp rất nhiều phụ huynh có tiền, có địa vị, cho dù địa vị của người khác có cao như thế nào, quan trọng như thế nào thì một cô giáo như cô luôn coi mình giống như những người khác, tuyệt đối không xem nhẹ bản thân. Cho dù trên trang web nói anh ta là “ngựa ô” hay “ngựa hoang”, cho dù anh ta là hoàng tử hay nông dân, trong mắt cô, anh ta cũng chỉ là một phụ huynh học sinh bình thường mà thôi.

Khanh Khanh lấy lại tinh thần, lấy hết dũng khí đứng trước mặt Phí Duật Minh. Ý thức được sự khác biệt về ngoại hình, cô kiễng chân lên để trông mình cao hơn một chút. Cô đi giày bệt thì miễn cưỡng có thể đứng đến vai anh ta, lúc nói chuyện phải ngẩng đầu lên, tuy trông có vẻ yếu thế nhưng cô có sự kiên trì của mình.

Phí Duật Minh vẫn còn có chút lịch sự, anh ta bỏ kính xuống chủ động chào cô.

“Chào cô Mục”.

“Chào anh”.

Lần bắt tay này cô là người buông tay trước. Tuy không thể giải tỏa mọi hiểu lầm trước đó nhưng Khanh Khanh quyết không đánh giá người khác một cách phiến diện.

Còn Phí Duật Minh thì lại đánh giá về Khanh Khanh một cách rất tự nhiên. Bắt đầu từ cách ăn mặc của cô, càng nhìn càng chau mày.

Ban đầu anh tưởng cô là cô gái nông thôn bán hàng rong, đến tận khi phát hiện hai bím tóc đặc trưng lắc đi lắc lại mới dám chắc chắn đó là cô. Cô cầm chiếc làn nhỏ trên tay, chiếc khăn quàng cùng với hoa văn trên quần áo hỗn loạn giống như khay phối màu bị đổ, đều là những màu lạnh mà anh không thích. Lần trước cô để lại ấn tượng không tốt cho anh, một cô giáo thô lỗ và ấu trĩ, ngay cả bản thân mình cũng không chăm sóc được. Lần này cũng không khá hơn chút nào. Phí Duật Minh chú ý đến mấy nốt thủy đậu vẫn chưa bay hết trên mặt cô, trông nó thật nực cười. Nhưng trên khuôn mặt cố làm ra vẻ nghiêm nghị kia lại viết hàng chữ không được xem thường cô.

“Có thể đi được chưa?”.

“Được rồi”, Khanh Khanh thả lỏng nét mặt, muốn cười một chút nhưng lại thấy không cần thiết phải lấy lòng. Vấn đề thủy đậu có phải được lây từ người cô sang người Tiểu Hổ không tạm thời cô chọn cách gạt nó sang một bên, không nghĩ tới nó nữa.

“Lên xe đi, mọi người đang đợi cô”.

“Được”.

Khanh Khanh nâng váy chạy ra phía sau mở cửa. Phí Duật Minh khẽ ho một tiếng, giúp cô mở cửa ghế lái phụ.

“Ngồi ghế trước đi!”.

Khanh Khanh vốn định kiên quyết theo ý mình nhưng nghĩ lại ngồi sau anh ta quả thực không được tốt lắm. Tuy ngồi trên ghế lái phụ cũng hơi kỳ quặc nhưng cô vẫn nâng đuôi váy bước lại.

Chiếc xe Hummer rất đồ sộ, thành xe rất cao. Cô vốn thấp bé, lên xe phải kiễng chân, đồ trong giỏ suýt chút nữa thì rơi xuống đất. Anh ta đứng phía sau đỡ cô mới ngồi vững được. Cô muốn cảm ơn anh ta, nhưng anh ta không nói gì, đóng cửa xe rồi đi vòng sang bên kia lên xe.

Lần đầu tiên ngồi xe của một phụ huynh xa lạ, Khanh Khanh ngồi rất ngay ngắn, lịch sự, cảm giác nửa thân trên cứng đờ, không biết đặt chiếc giỏ ở đâu nên ôm vào lòng, đếm những thứ trong giỏ, không chú ý đến sự tồn tại của Phí Duật Minh.

“Thắt dây an toàn vào! Đưa đồ cho tôi!”.

Giọng nói của anh ta vang lên bên tai, vẫn là âm mũi đặc sệt, sau đó chỉ tay vào ghế bên, lấy chiếc làn nhỏ của Khanh Khanh.

Cô thắt dây an toàn, anh ta một tay bám vào vô lăng, một chân giậm ga, chiếc xe bắt đầu lăn bánh.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3