Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 01

Phần I: Sợi dây tơ

Một ngàn năm, một vạn năm

Con tằm vẫn kiếp con tằm giăng tơ…

Ai ơi, chín đợi mười chờ

Chờ ai, ai đợi, ai chờ đợi ai?[1]

[1] Trăng khuyết – sáng tác Huy Thục.

Chương 1: Trăng tàn

Chiếc chõng tre kẽo kẹt trong đêm. Tiếng người ú ớ như rên rỉ nghe không ra định nói gì, chỉ thấy sự hốt hoảng, sợ hãi lẩn cả vào trong giấc ngủ. Con bé con giật mình nhỏm dậy, vội nắm lấy cánh tay đang giật lên từng hồi của người đàn bà nằm sát cạnh, gọi khẽ:

- U, u ơi…

Giọng nói nhỏ nhẹ, bình tĩnh vang lên giữa màn đêm tịch mịch tựa như đứa bé đã quen với việc này. Nó lấm lét nhìn khoảng không gần như tối đen trong căn nhà, đến thở mạnh cũng không dám. Tai dỏng lên nghe nhịp thở đều đặn của những người khác, nghe thấy âm thanh vải áo xột xoạt khi đám người làm trở mình khẽ khàng.

- Nửa đêm nửa hôm rồi có để cho tao ngủ không hả? – Có người đàn bà nói sẵng trong cơn ngái ngủ.

Con bé ghét những tiếng làu bàu quở trách đổ lên mẹ mình, đành rằng ai cũng mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, sấp sấp ngửa ngửa vùi vào giấc ngủ để ngày mai, gà chưa gáy đã phải trở dậy. Bởi, sau những lời cằn nhằn ấy, họ chắc chắn sẽ nhìn mẹ nó y như nhìn một người điên.

Đôi mắt người đàn bà đang nằm trên chiếc chõng đột ngột mở lớn. Ánh trăng cuối tháng hắt một vệt sáng nhàn nhạt, tàn tạ vào gần chỗ mẹ con họ nằm, đủ để bà nhìn thấy những đường nét mờ mờ trên gương mặt đứa con gái, đủ để nhác trông thấy ánh mắt ấm áp, yên tĩnh của nó. Trong đáy mắt người đàn bà lóe lên chút ánh sáng không rõ là bình tâm hay yêu mến rồi tắt ngấm, trả lại một khoảng tối thẫm hệt như không gian xung quanh. Mái tóc xổ ra xõa xuống vai khi bà ngồi dậy, cứ ngồi thế như một bức tượng thô ráp giữa bóng đêm. Con bé con thuần thục quay người, bò xuống cuối chiếc chõng, khua tay một cái đã xách được cái ấm đất lên. Trong ánh trăng nhạt, nó chỉ cần nheo mắt một cái là thấy cái bát chiết yêu rạn một đường, miệng thì mẻ đặt gần đấy. Rót đầy nước vào bát, nó lại khom người bò trở lại chỗ mẹ, thì thào:

- U uống đi!

[Chúc các bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Cái đầu người đàn bà gật xuống một cái tựa như một lời đáp. Bóng đổ xuống gương mặt cúi gằm làm con bé không rõ mẹ nó đang mang một bộ dạng thế nào. Mà dường như nó cũng chẳng mấy bận tâm, chỉ ngồi khoanh chân lại, mắt mở to tròn như đợi được sai bảo. Đặt chiếc bát xuống gầm cái chõng tre, bà xoa đầu đứa nhỏ, thì thầm:

- Huyên, con nằm xuống ngủ đi. U đi làm việc đã nhé!

Chưa để con bé kịp gật đầu, hơi ấm của mấy đầu ngón tay mới lướt qua má đã biến mất, để trơ lại một cảm giác mát lạnh của đêm xuân có gió đông tàn thổi qua. Huyên đặt mình xuống, kéo chiếc chăn rách bằng vải xù xì lên tận cằm, mắt vẫn mở to, thấy thoang thoáng trước mắt là vạt áo cánh sờn rách màu nâu non của mẹ. Rồi con bé nghe thấy cái chõng nó đang nằm kêu kẹt một cái nỉ non rồi thôi không trĩu xuống nữa. Vọng lại là tiếng bước chân rất êm của người đàn bà bước trên nền đất, là tiếng đẩy cửa. Gió lạnh lùa vào mang theo hương hoa cau.

Hẳn nhiên, sau đó con bé chẳng còn nghe hay thấy gì nữa. Nhưng cũng chẳng sao, giờ nó nhắm mắt cũng có thể biết mẹ đang đi đến đâu, đang làm những gì. Lần nào cũng thế, mỗi khi trở dậy giữa đêm, dù là mùa hạ nóng bức hay giữa tiết đông hàn, mẹ nó chẳng bao giờ nằm xuống ngủ nữa, lại cặm cụi, im lặng đi làm việc của mình. Huyên là trẻ con, chẳng hiểu ác mộng là gì mà ám ảnh người ta đến thế, nhưng con bé biết rõ thói quen của mẹ. Bàn tay sờ sờ trong bóng tối đặt lên chỗ ban nãy người đàn bà nằm, hơi ấm đã tan, chỉ lưu lại trên những thanh tre tròn, lưu lại trên chiếc gối mỏng mùi hoa nhài nhàn nhạt.

Bóng đêm là một cái gì quá quen thuộc.

Trong bóng tối hay giữa ban ngày, mẹ cũng hệt như một cái bóng.

Trong bóng tối chập choạng, có lẽ lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bà mang một cảm xúc khác với con người lãnh đạm cố hữu là khi bàn tay gầy guộc ấy túm chặt lấy bờ vai run lên trong tiếng nức nở của đứa bé gái, lắc lấy lắc để. Bà ít khi nói gì với Huyên, có nói cũng luôn dùng một ngữ điệu nhè nhẹ đến mức nhạt nhòa, chỉ duy có lần ấy trong giọng nói thất thanh chất chứa sự run rẩy, van xin trong cuống cuồng sợ hãi:

“Giờ ai hỏi con tên là gì, phải nói con là Nguyễn Thị Huyên. Nhớ chưa?”

Mẹ nói con bé là Nguyễn Thị Huyên thì là Nguyễn Thị Huyên. Nó nào có nhớ chút gì trước cái tên đó, nó từng là một đứa trẻ thế nào. Làm trẻ con kể cũng có cái hay, nhiều điều trôi qua rồi cũng chẳng cần nhớ, cứ vô tư vô lo như thế dăm ba năm, để đến khi lớn rồi mới thấy nhớ nhung là cả một gánh nặng dai dẳng, là cả một sự ám ảnh đến kiệt quệ.

Lăn qua lăn lại trên chõng, mắt Huyên vẫn mở thao láo. Bặm môi lại sau một hồi suy nghĩ lung lắm, con bé hất chăn, vén chiếc váy rồi nhón gót bước qua đám người làm đang nằm la liệt trong nhà. Mới đầu xuân, ban đêm trời chưa hề ấm áp, đặt chân trần lên sàn đất là thấy hơi lạnh luồn lên rùng cả mình. Khép chặt hai cái áo mỏng trên người, nó lách mình qua khe cửa hẹp, mặt nhăn lại khi cánh cửa kêu lên rền rĩ. Thói đời là vậy, càng mong nó kêu khe khẽ thôi thì nó lại càng kêu to. Hình như trong nhà có tiếng lầm bầm chửi rủa rồi sau đó là tiếng ngáy đều đều.

Mưa xuân thấm ướt mặt sân. Ánh trăng bàng bạc làm hiện lên trên nền trời đen mượt như nhung những bụi nước li ti. Hơi lạnh làm Huyên so vai, hắt xì một cái hệt như con mèo. Nó khom người xuống để tránh những con gió vi vút không mạnh nhưng đủ khiến thân người sau tấm áo mỏng run lên. Len lén bước xuống thềm, con bé đứng nép sau cây cột gỗ cong queo đã mọt đỡ lấy mái nhà, nhìn xuống bếp sáng ánh lửa bập bùng. Mái tóc đen dài của mẹ nó được chải gọn gàng, chưa được vấn lên mà cuộn trong một tấm vải màu đã bạc. Ánh lửa không làm cả căn bếp sáng tỏ, chỉ hắt ra một khoảng màu cam sậm xung quanh chỗ người phụ nữ ngồi. Từ khi con bé nhớ được nhiều nhiều một chút, dường như lúc nào mẹ cũng chỉ mang một vẻ mặt tĩnh lặng tựa mặt nước ao thu, chẳng buồn, chẳng vui, càng chẳng nghĩ ngợi, càng chẳng bận lòng đến bất kì thứ gì xung quanh. Trong mắt Huyên, mẹ cũng giống mùa đông, xam xám đến mênh mông bát ngát, nói lưu lại được ấn tượng gì thì chẳng phải, chỉ có sự giá lạnh, thờ ơ dựng đứng lên như một bức tường ngăn bà với những người khác xung quanh. Nhưng mẹ Huyên đẹp, trong số tất cả đám gia nhân trong nhà quan lớn, đến cả mấy bà vợ, mấy cô con gái còn đương xuân sắc của ông cũng chẳng ai đẹp bằng mẹ nó. Con bé đã nghĩ thế, càng tin thế khi thấy ánh mắt của những người đàn ông nhìn theo bà mỗi lúc người phụ nữ ra chợ hay giặt giũ ngoài cầu ao. Nó cứ mãi như người ta, đứng ngẩn nhìn mẹ từ chỗ xa xa ấy, chẳng dám lại gần.

- Huyên! Mày lại tính ăn vụng đấy hả?

Một bàn tay vỗ bộp lên vai con bé làm nó suýt chút nữa thì nhảy dựng lên. Ngoái lại, không khó khăn gì để nhận ra đứa bé đang đứng chống nạnh trên thềm nhà chính là đứa cháu gái của bà quản gia. Con bé đó tầm sáu, bảy tuổi, tên Trinh, cao hơn Huyên những một cái đầu, giờ đang liếc xuống bằng ánh mắt khinh bỉ dù cho thân phận nó cũng chẳng cao hơn con bé là mấy. Huyên ngoác miệng ngáp một cái rồi đáp:

- Không!

Rõ ràng thái độ ấy làm đứa bé kia không vui, tựa như đang tính kiếm chuyện làm ầm thì nhận được một thái độ rõ ràng là bất hợp tác, không hề như mong đợi.

- Tao thấy mày tội nghiệp thật đấy. Đã mồ côi thì chớ, u mày lại bị ma ám, suốt ngày chẳng mở miệng nói câu nào. Mà bà ấy hình như cũng chẳng quan tâm đến mày lắm thì phải.

- Thế thì sao? – Huyên nghiêng đầu, thản nhiên hỏi lại.

- Thì… – Trinh định mở miệng tiếp lời nhưng rồi nhận ra mình chẳng biết nói gì, chẳng biết phải làm gì để con bé trước mắt khóc ầm lên tức tưởi. Giờ nó mới nhận ra cái đứa bé tên Huyên ấy từ lúc về đây, chưa từng rơi dù chỉ một giọt nước mắt, lúc nào cũng y như con mẹ nó, giương mắt nhìn đời bằng vẻ thờ ơ tuyệt đối đến mức như trêu ngươi kẻ khác.

- Đồ điên! – Huyên lầm bầm trong miệng khi nghe thấy tiếng chân cái Trinh giận dỗi dậm lên sàn đất bình bịch. Nó bắt chước người khác nói thế, nói xong vội bụm miệng lại, lấm lét nhìn về phía nhà bếp xem mẹ có nghe thấy không. Bà mà biết nó dám dùng từ như thế, chắc chắn sẽ đè ra tét cho mấy roi vào mông không chừng.

Quả tình dù làm ra vẻ bất cần nhưng Huyên đói thật. Không phải phu nhân quan lớn không lo được bữa cơm ra hồn cho đám gia nhân trong nhà, chỉ tại muốn ăn cơm thì phải làm xong việc. Mẹ nó thì lúc nào cũng có cả một núi việc đổ xuống. Không phải bà không chăm chỉ, là bà quá chăm chỉ đến nỗi việc của người khác quẳng toẹt xuống trước mặt đẩy cho bà làm chưa bao giờ bị từ chối. Thế nên người ta mới bảo mẹ con bé bị thần kinh. Nhìn mâm cơm toen hoẻn chỉ có cơm thừa canh cặn, nó cũng đã từng hậm hực nhưng rồi cũng thành quen, ngoan ngoãn cầm đũa lên và gọn ghẽ, không để rơi dù chỉ một hạt. Huyên thì không tin điều người ta mỉa mai mẹ nó nhưng tại sao bà lại nhẫn nhịn đến thế thì nó chịu.

Ánh sáng từ bếp lửa hắt ra loang trên nền sân ẩm ướt thành một màu quái dị. Hoa cau rụng trắng mặt đất. Con bé lại ngẩn ngơ làm công việc nhìn ngắm của mình, lờ mờ nhớ hình như trước đây nó cũng đã từng làm cái việc lén lút rình rập này. Huyên không có bố, cũng chưa bao giờ nghĩ có bố thì sẽ thế nào nên nó chẳng cảm thấy tủi thân hay so bì bản thân mình với những đứa trẻ khác. Người ta vẫn khen nó nhỏ người, ít tuổi nhưng ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Tất cả chẳng qua là vì nó có buồn, có khóc thì cũng chẳng ai thương xót, để tâm và nó biết, cũng như cái đêm hôm ấy, nếu nó rơi nước mắt, mẹ sẽ chẳng biết phải làm thế nào.

Vậy nên từ đó, nó chẳng khóc bao giờ nữa.

***

- Sao? Còn định đứng đấy hả? Lại đây!

Người phụ nữ từ trong bếp nghiêng người trông ra, nhìn đứa bé một hồi rồi miễn cưỡng vẫy tay gọi. Huyên chỉ chờ có thế để cười toe toét, chạy vù vào ngồi thu lu cạnh mẹ. Bà thở dài một cái, đưa tay phủi những bụi nước dính trên mái tóc tơ mềm của đứa bé, cài lại khuy áo cho nó, than:

- U bảo con thế nào? Sao bướng thể hả?

- Con không ngủ được. Hay để con lựa kén tằm cho u nhé! – Huyên ngước lên, cười toe.

Bàn tay nhỏ nhắn của con bé thoăn thoắt nhặt những cái kén vàng óng từ cái nong trước mặt xếp ra hai loại khác nhau. Đôi mắt đen láy giờ mới sáng lên những nét lanh lợi con trẻ. Trên đôi má bầu bầu ửng hồng vì gió lạnh là lúm đồng tiền mờ mờ khi Huyên nhoẻn miệng cười. Người phụ nữ gom ít rơm cho vào dưới đáy nồi rồi khơi lửa trong bếp cháy đượm hơn một chút. Lửa tí tách dưới đáy, lúc nhúc bên trong nồi những cái kén tằm. Ba năm rồi kể từ cái ngày hôm ấy, cái ngày đáng lẽ người đàn bà phải chết, những ám ảnh vẫn chưa lúc nào thôi hiện về. Đêm càng tĩnh mịch, mọi thứ càng trở nên sống động.

Ngày ấy…

Trăng sắp tròn nhưng lại ẩn sau mây trời mù mịt.

Tiếng chân người chạy sầm sập trên nền nhà. Tiếng đồ đạc rơi vỡ. Tiếng người nháo nhác giữa đêm thanh vắng đầu thu. Không cần khuôn phép, không cần thưa bẩm, bà vú xô cửa bước vào, nửa kéo nửa lôi người đàn bà trẻ đang trong cơn bàng hoàng đứng dậy, nói không ra hơi:

“Phu nhân, người phải đi thôi. Đại nhân… đại nhân và bà ba không xong rồi. Quan quân đến bây giờ, người… người phải bế tiểu thư đi ngay!”

“Ta không đi. Có chết ta cũng phải chết ở đây. Bà lớn còn ở lại, sao ta dám đi?”

“Giờ không phải lúc nói lý lẽ phải quấy!” – Bà vú nhanh tay thu dọn ít đồ trang sức chẳng mấy giá trị cùng ít quần áo cho vào tấm vải rồi buộc lại, bế xốc con bé đang ngủ say bên cạnh người phụ nữ lên – “Bà lớn nói ai chạy được thì phải chạy. Đám gia nhân trong nhà cũng mỗi người một phương rồi. Phu nhân, phu nhân còn tiểu thư. Đại nhân cũng chỉ còn có tiểu thư thôi. Người đành lòng…”

Tiếng đập cửa ruỳnh ruỳnh, tiếng giáo mác, tiếng người hạch tội, tiếng khóc than thống thiết oan uổng… Những điều ấy người đàn bà chỉ còn nghe vọng đến mờ ảo từ đằng sau, lẫn giữa tiếng người chạy trốn trong đêm. Bà không nhớ mình đã đi những đâu, đã đi bao xa trong cái đêm hỗn loạn ấy, chỉ biết bầu trời ngày đó trăng không thắng nổi mây. Hóa ra càn khôn thực sự rất dễ chuyển dời. Mới ngày trước là khai quốc công thần, tiếng tăm lừng lẫy, chỉ qua một đêm đã thoắt trở thành tội nhân thiên cổ, ba họ bị lôi ra đoạn đầu đài.

Giờ ai cười ai, ai khóc ai đây?

Chia tay nhau ở ngã ba sông, bà vú đi hướng ngược lại để đánh lạc hướng quân lính truy lùng. Bà căn dặn người phụ nữ trẻ vài câu rồi đưa trả con bé con cho mẹ nó. Hình như bà có ngoái lại, có băn khoăn chẳng yên lòng khi thấy vị phu nhân hãy còn son trẻ đứng ngây bên bờ sông. Sóng nước mênh mang, không có lấy một con đò. Đứa bé gái trong lòng cất tiếng khóc như xé rách khoảng không phẳng lặng, làm lòng người từ chỗ còn ngơ ngẩn không hiểu chuyện gì mới xảy ra mà như sấm chớp giữa trời quang thành ra rối như tơ vò. Quê ngoại giờ không thể về, họ hàng giờ không thể nhờ cậy. Là họ chẳng mặn mà gì để đang yên đang lành lại tự mua dây buộc mình; là bản thân cũng không nỡ lôi họ vào vòng lao lý. Trước mắt chỉ thấy một vùng vô định. Cuối cùng, không biết là đúng hay sai, là khôn hay dại, người phụ nữ bế đứa bé mới hơn một tuổi nhập vào đám người bị bắt sung vào làm nô tì trong các dinh quan.

Ngày rằm tháng tám, khi người ta đoàn viên lại là ngày li tán, lúc người ta cười cười nói nói, mình lại không biết phải khóc thế nào.

Trăng mười sáu chưa hề khuyết thiếu, cứ tròn, cứ đẹp. Nhưng trăng đã chết theo người vào ngày hôm ấy, mãi mãi chẳng thể tròn đầy.

Cuộc đời lúc trước chưa từng bắt đầu, cuộc đời lúc sau hẳn nhiên chẳng có. Người đàn bà vẫn nghĩ mình sống đến cái ngày mình cần phải chết, thực hiện cái điều đã được hoãn lại mà thực lòng, chưa lúc nào bà mong mọi chuyện xảy như vậy. Tâm trạng của kẻ đã chuẩn bị để chết giờ lại phải sống thực sự rất mông lung, vô định, nhạt nhòa như sương sớm.

Đôi tay kéo những sợi tơ óng ả mỏng manh lên từ nồi nước sôi, người phụ nữ thuần thục, khéo léo nhưng chẳng mấy để tâm. Ánh mắt thẫn thờ của người trượt trên sợi tơ đung đưa trong gió, ẩn sau lớp khói mỏng tỏa ra từ miệng nồi nước sủi lăm tăm. Âm thanh của tiếng lá cây quệt vào bờ tường, tiếng gió luồn qua ô cửa sổ trổ trên vách đất, ánh trăng tàn tạ dường như đều không thật, đều không chạm nổi đến tâm tư người. Thế mà, đôi đũa tre đột nhiên rời khỏi tay kêu “cạch” một cái rồi lăn tròn khiến con bé ngưng ngân nga, giật mình nhìn lên.

- U cần con giúp gì không? – Huyên chùi cây đũa vào cái áo của mình rồi đưa cho mẹ, hỏi.

Người phụ nữ lắc đầu, đăm đăm nhìn con bé lại khom người đến mức cái cằm nó tì lên đầu gối. Từ đôi môi xinh xinh vang lên âm thanh tươi vui của một khúc nhạc từ ngày xưa cũ, khúc nhạc mà giờ đến cả trong mơ người đàn bà cũng chẳng còn được nghe thấy. Những âm thanh ấy hòa cùng tiếng lép bép trong bếp lửa khiến lòng người quặn thắt nhưng chẳng có nước mắt để trào ra. Vén sợi tóc vào mang tai cho Huyên, định bảo con bé quay lên nhà ngủ thêm một chút thì người đàn bà đã thấy có người chạy vào, mặt mừng rỡ thấy rõ:

- Chị Phùng, chị lên nhà trên ngay đi. Cháu bà lớn cứ khóc ngằn ngặt không ai dỗ được. Bà bảo tôi gọi chị lên ru cậu ngủ. Nồi kén chị cứ để đó, tôi bảo cái Đào làm nốt.

Buông cây đũa xuống, người đàn bà tất tả đi ngay không để người ta nhắc đến lần thứ hai. Ra đến cửa, ngoái lại một cái, môi Phùng mấp máy:

- Ha… Huyên, con làm xong thì đi ngủ nghe chưa? Đừng ở đây làm vướng tay vướng chân chị Đào.

Những chuyện ngày trước không phải một giấc mộng đẹp đến mức khi tan vỡ thì làm người ta không chấp nhận nổi, cứ đắm chìm mãi trong hoài thương vô vọng. Cái gì vỡ rồi thì thôi, bát nước đã hắt đi thì sao gom lại được cho đầy. Đạo lý này Phùng rất hiểu. Nhìn cái bóng nhỏ bé của đứa con gái in trên nền sân, lòng người phụ nữ thầm gọi cái tên mà bản thân đã đào sâu chôn chặt nhưng thực tình chưa khi nào thôi níu kéo, cái tên chính con bé không hề biết rằng nó có.

Là Hải Triều, Hải Triều…

Vào mùa xuân năm ấy, mùa xuân tươi đẹp duy nhất nở được thành hoa trong đời người, mùa xuân một năm trước cái ngày định mệnh oan nghiệt rơi thẳng xuống nhà…

Hoa nở ngoài song. Gió động rèm trúc lướt qua bóng người.

“Nàng xem, có con gái không phải quá tốt sao?”

“Đó chỉ là một đứa bé gái. So với các công tử thì…” – Có tiếng phụ nữ đáp lại khiêm nhường.

“Con trai là con trai, con gái là con gái. Ta đã rất mong cô bé này ra đời. Có nếp có tẻ mới là viên mãn. Nàng muốn đặt tên con là gì?”

Người đã cười, nụ cười giống như ngày họ gặp nhau, lúc người phụ nữ hãy còn son trẻ, hãy còn ăm ắp mộng tưởng của tuổi xuân xanh.

“Thiếp ít chữ, mọi chuyện xin cứ theo ý đại nhân.”

“Vậy gọi con bé là Hải Triều đi, là Nguyễn Hải Triều.”

“Hải Triều? Cái tên này đặt cho con gái… không phải hơi lạ sao?”

“Con gái của ta nhất định không phải một nữ nhân bình thường, đúng không Hải Triều?”

Xuất chúng, hiển hách ư? Với con bé mà nói, giờ chỉ cần sống bình an đến đầu bạc răng long cũng đã là ông trời hậu đãi lắm rồi.

Hải Triều vươn người một cái, nhìn cái nong sạch bách trước mặt, không khỏi cảm thấy tự mãn. Mấy ngón chân con bé ngọ nguậy nghịch những sợi rơm vàng rơi đầy trên sàn bếp. Mùi của ruộng đồng, mùi của mắm muối tương cà, mùi khen khét của khói lửa rơm quyện lại thành thứ mùi vị quen thuộc, gần gũi. Lắc lắc mấy sợi tóc tơ, đôi mắt đen tròn nhìn ra ngoài ô cửa bé xíu. Trên nền trời là mảnh trăng tàn cong cong như nét bút mảnh ai vẽ lên, ngỡ chỉ một cái xoa tay sẽ biến mất ngay không để lại dấu vết.

- Em đang hát cái gì nghe hay vậy? – Đào gõ đôi đũa lên miệng nồi, tay thoăn thoắt kéo tơ, chân nhịp nhịp theo điệu nhạc vang lên từ miệng con bé ngồi cạnh.

- Em không biết! – Nó nhún vai.

- Không biết sao hát được chứ?

- Em không biết thật mà.

Điều này con bé nói thật. Nó chẳng hiểu sao mình lại có thể nhớ rành rọt giai điệu lạ lùng ấy đến thế, thỉnh thoảng lại ư ử ngâm nga một mình. Hai tuổi – cái thế giới lúc trước, kí ức chỉ còn từng ấy. Bản nhạc in hằn trong trí nhớ của Hải Triều rất hay, tươi vui, rộn ràng mà quyến luyến không rời, khi trầm, khi bổng tựa đôi bướm trắng dập dìu trong nắng xuân. Con bé còn nhớ thế, nhớ đến chết cái ấn tượng đẹp đẽ thuở xưa, lúc nó nép mình sau cánh cửa bức bàn, ghé mắt trông vào. Thế giới sau cánh cửa ấy là âm thanh, là hình bóng mờ mờ hư ảo của cha. Cha trong mắt Hải Triều chỉ vỏn vẹn có thế nên tự nhiên thành một điều gì đó xa xôi mà lớn lao. Ông trong hồi ức ấy thổi sáo rất hay, diễn tấu bản nhạc đó về sau không người sánh kịp. Có điều, cha không chơi khúc nhạc ấy cùng với mẹ nó mà với một người đàn bà khác.

Thứ âm thanh của tiếng tơ, tiếng trúc từ cái ngày xa xôi ấy quẩn lấy người, trở thành thứ định mệnh đến chết cũng không buông. Nếu như con bé ngày ấy biết rõ thứ sẽ đợi mình dằng dặc điệp trùng trước mắt, liệu nó có chọn điều gì khác không? Hải Triều an nhiên tựa đầu lên đầu gối, miệng vẫn ngân nga những âm thanh trong trẻo từ từ nhỏ dần, nhỏ dần lại khi mi mắt con bé trĩu xuống trong giấc ngủ mơ màng.

Vang lên bên tai là tiếng mưa trên mái rạ tỏa mùi ngai ngái lẫn cũng khói bếp, là tiếng nước nhỏ xuống nắp chum sành tinh tang, tinh tang…

***

- Phiền cháu quá, hôm qua phải luộc kén giúp cô, lại còn phải bế con bé Huyên về phòng – Người đàn bà lấy ống tay áo chùi giọt mồ hôi lăn trên làn da lạnh ngắt bị phơi ra dưới gió xuân còn vương giá rét, quay sang cô gái bên cạnh cười khẽ.

- Chẳng có gì đâu cô!

Đào cười tươi, khom lưng quẳng gầu nước xuống giếng rồi hì hục kéo lên. Trong nhà, chỉ có cô gái quá lứa lỡ thì này là đối xử tốt nhất với Phùng. Cơm của người làm bao giờ Đào cũng lén cất đi để mẹ con họ xong việc có cái bỏ bụng. Những lúc người đàn bà phải đi bế ẵm cháu chắt nhà quan, cô bất đắc dĩ phải trông Huyên nhưng chưa từng nửa câu than thở. Trong lòng, cô gái thầm thương hại mẹ con nhà đó, chồng không có, lại gặp phải lúc nhà chủ trước vì gia biến mà lưu lạc đến tận đây. Nhiều người thắc mắc việc tại sao người đàn bà ấy không nói tên mình cho người khác biết, chỉ xưng là Phùng Thị, lâu dần người ta gọi gọn lại là “chị Phùng”, còn Đào thì chẳng mấy quan tâm. Cô vẫn nghĩ trên đời có những việc không phải lúc nào cũng bô bô đi nói với người khác được, ví thử như chuyện cô kiên quyết ở giá không chịu lấy chồng, an phận với kiếp con ở chẳng hạn.

Nhìn cái dáng thơ thẩn chơi cạnh cầu ao của đứa bé gái, Đào bất giác mỉm cười nhưng người phụ nữ bên cạnh thì làm như không trông thấy, cứ lách cách rửa hết chiếc bát sứ này đến chiếc bát sứ khác. Con bé Huyên rất ngoan, người bé tí, mới bốn tuổi ranh nhưng bảo gì cũng làm, làm cái gì cũng tốt, lại chẳng đòi hỏi, kèn cựa với đám trẻ khác bao giờ. Mỗi tội nó rất kiệm lời y như Phùng vậy. Đến cả thân thiết với Đào là thế mà chưa lúc nào con bé tỏ ra luyên thuyên, hỏi không ngớt như những đứa trẻ lên bốn khác. Cái vẻ lặng im làm không ai dò ra trong lòng Huyên thực nghĩ gì. Mà kể cả trẻ con chẳng bao giờ suy tư cũng hiếm đứa nào trầm lặng đến thế.

- Này, hồi đầu tuần Hoàng thái hậu vừa xử chết một kẻ có họ hàng với Nguyễn Trãi đấy. Thấy bảo kẻ đó chạy thoát khỏi đợt truy bắt hồi ba năm trước nhưng vẫn bị lần ra – Mấy chị người làm thấp giọng tỉ tê với nhau, ngơi tay giặt đồ.

- Nghe ở đâu đấy? – Có người hỏi lại.

- Thấy thằng Lãnh đi với quan ngài từ kinh sư về kể vậy. Nó nói Hoàng thái hậu dụ rằng đó là nòi nhà quân phản nghịch, không thể dung thứ rồi xuống tay giết rất thảm thương để thị chúng.

Cái bát men xanh tuột xuống khỏi tay, chìm trong chậu nước. Bàn tay lạnh cóng của Phùng run lên, suýt chút nữa hất cái rá làm rơi cả tất cả bát đĩa xuống sân. Ai cũng biết người đàn bà tên Phùng từng là nô tì trong phủ của Nguyễn Trãi nên trông thấy dáng điệu bàng hoàng, sợ hãi đó chẳng lấy làm ngạc nhiên.

Đấy là câu chuyện vào mùa xuân đầu năm Thái Hòa thứ ba[2].

[2] Thái Hòa là niên hiệu từ năm 1443 đến 1453 của triều đại vua Lê Nhân Tông. Năm Thái Hòa thứ ba tương ứng với năm 1445.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3