Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 02 - Phần 1

Chương 2: Mộng

“Nếu là con mẹ con cha

Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê.”

- Phu nhân, xin người mặc thêm áo vào kẻo lạnh. Trời đang đầu xuân, hãy còn chưa hết rét.

Con bé hầu tầm mười tuổi khẽ khàng lách mình qua cánh cửa gỗ bạc màu khép hờ bước vào trong, trên tay nó cầm tấm áo dệt bằng sợi thô xù xì trao cho người thiếu phụ mới ngoài hai mươi đang ngồi bên cửa sổ. Trên tay nàng cầm khung thêu với sợi chỉ màu đỏ son mỏng mảnh. Con bé không thể không ngẩn ra nhìn người phụ nữ đẹp đẽ, dịu dàng như nắng xuân ấy, không thể thôi mê mẩn nụ cười đôn hậu nở trên đôi môi hồng dịu ngọt kia. Dù thiếu phụ ăn mặc chẳng khác gì đàn bà nông thôn chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời có thể gặp ở bất kì đâu trong cái làng Đô Kỳ[1] nhỏ bé này, nhưng từ sâu trong thần thái lại toát ra vẻ thanh cao mà đứa bé gái chưa từng thấy ở bất kì ai. Người ta vẫn nói “gái một con trông mòn con mắt”, phải chăng vì lẽ ấy mà gương mặt nàng thêm ngời sáng, đôi gò má chợt ửng màu hoa đào trong ánh sáng của một ngày xuân trong trẻo, với nắng vàng buông xuống như tâm rèm mỏng qua mái hiên.

[1] Thuộc đất Diên Hà, Thần Khê, nay thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Nàng là Ngô Thị Ngọc Dao.

Không mấy người trong làng biết rõ người thiếu phụ xinh đẹp, mình hạc xương mai nhường ấy vì lẽ gì qua một đêm lại có mặt ở vùng thôn dã xa xôi này. Họ chỉ biết cách đây độ ba năm, nàng đột nhiên đến sinh con ở đây, rồi lưu lại trong trang ấp xây trên đất Đô Kỳ được hoàng đế ngự ban cho Đình thượng hầu Đinh Liệt sau chiến thắng giặc Minh. Nghe nói Ngọc Dao là con gái bà Đinh Thị Ngọc Kế[2] hiện sống trong trang ấp ấy cùng cháu nội của Đình thượng hầu. Thế thì hẳn nhiên quá rồi, con gái đến kì ở cữ, về nhà mẹ đẻ cũng là chuyện bình thường. Người ta chỉ thấy lạ vì đã vài năm trôi qua, nàng không về lại nhà chồng, cũng chưa khi nào thấy chồng nàng hay họ hàng đằng nội đến đất Diên Hà, Thần Khê thăm cháu trai bao giờ. Nhưng tò mò, thắc mắc cũng chỉ để đấy, dân làng chỉ dám đồn đại nhỏ to mà thôi vì ai chẳng sợ vạ miệng. Người ta ngầm hiểu với nhau rằng thiếu phụ sống trong nhà ấy ắt chẳng phải người thường.

[2] Con gái Đinh Lễ, cháu ruột Đinh Liệt, vợ Thái bảo Ngô Từ, ngoại tổ mẫu của Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông).

Ở chốn thôn quê, chuyện nhỏ có thể làm ra to, đồn đại đến ba, bốn đời. Chuyện to cũng có thể làm ra nhỏ rồi thành ra không có gì. Mấy tầng mờ mịt vây quanh Ngô Thị Ngọc Dao xét ra cũng chỉ có từng ấy, người ta vẫn thích nói về phẩm cách của nàng hơn. Ai cũng bảo phu nhân Ngọc Dao tuy cốt cách cao quý hơn người nhưng chưa khi nào tỏ ra khinh bạc người ăn kẻ ở trong nhà, càng không khinh thường người làng. Lúc nào, nàng cũng mỉm cười ý nhị, nói năng lại dễ nghe, lại gần gũi khiến người ta tự nhiên thấy thân thiết, thỉnh thoảng có buồng chuối ngon, mẻ tép tươi tiện chân lại qua cho nàng một ít.

Đứa con trai của Ngọc Dao mới thật làm người ta không khỏi yêu quý. Cậu bé ấy tên Hạo, mới lên ba nhưng nhanh nhẹn, thông minh, lễ độ, gặp ai cũng khoanh tay cúi chào, không vì thân phận mình cũng thuộc chốn thế gia mà làm cao kiêu ngạo. Âu cái đó người ta gọi là nhìn con biết mẹ, khéo dạy dỗ thì con cái ngoan hiền, tự làm đẹp mặt mình.

- Hạo đâu em? – Nàng ngơi tay thêu dở bông hoa, ngẩng lên hỏi, trong đôi mắt đen ánh vẻ trìu mến.

- Cậu đang chơi ngoài vườn với mấy đứa trẻ hàng xóm. Phu nhân có cần con gọi cậu vào không ạ? – Con bé hầu lễ phép thưa.

- Ta đã nói rồi, em hơn tuổi thằng bé, cứ gọi Hạo là ‘em’ theo lẽ thường, đừng một hai gọi nó là ‘cậu’ rồi xưng mình là ‘con’. – Ngọc Dao thở dài một cái, ôn tồn cất lời.

- Phu nhân, con không dám đâu. Thân phận của cậu như thế… con nào dám… – Con bé lắp bắp, bao nhiêu lần căn dặn rồi mà phản ứng của nó vẫn y như vậy.

Giơ bàn tay của mình ra cho cô bé trước mặt nhìn, Ngọc Dao cười nhẹ:

- Gái, em nhìn xem, tay của ta có khác tay của mẹ em không? Em nhìn Hạo xem nó có khác những đứa trẻ ở đây không? Chuyện thân phận đó đừng nhắc đến nữa, cứ để gió thổi mây trôi. Ta không muốn những điều phù hoa đó in vào óc một đứa trẻ mới lên ba. Em cứ coi Hạo như em trai mình là được.

Con bé tên Gái chỉ dám hơi ngẩng đầu lên nhìn đôi bàn tay của người thiếu phụ. Bàn tay ấy trước đây trắng ngần, mịn màng nhưng giờ cũng chai sạn, gầy guộc không khác gì bàn tay của những người phụ nữ làm ruộng. Bàn tay ấy cũng phải giặt giũ, làm việc canh cửi tằm tang, trồng trọt vài thức rau trong vườn nhà. Nói là tư dinh của gia đình Đình thượng hầu nhưng đây cũng không phải chốn có thể ăn trên ngồi trốc, kẻ hầu người hạ ra vào nườm nượp, sống trên gấm vóc lụa là, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu. Gái vẫn nghe mấy gia đinh trong nhà bàn tán với nhau, gọi đây chính là cái giá của trung thần, của quan thanh liêm. Đấy là còn chưa kể hồi mùa thu năm ngoái, chẳng hiểu vì lẽ gì mà cả nhà Thái phó Đình thượng hầu Đinh Liệt tại kinh thành từ trên xuống dưới bị bắt vào ngục.

- Em cứ để Hạo chơi ngoài đó. Đến bữa dặn thằng bé phải tự rửa tay chân thật sạch mới được ngồi vào mâm. Em chỉ được múc nước dưới giếng lên hộ nó, tuyệt đối không được làm gì hơn, nhớ chưa?

- Dạ phu nhân! – Con bé gật đầu, trên môi nở nụ cười bẽn lẽn rồi co chân chạy mất.

Chút ồn áo Gái mang đến trong một thoáng nhạt đi. Ngọc Dao đưa thêm vài mũi kim rồi ngồi thẫn thờ, tựa người bên khung cửa sổ. Gió xuân thổi tới vẫn mang theo hơi lạnh nhưng có lẫn mùi nắng, không còn hanh hao như lúc đông hàn. Đôi lông mày của nàng dãn ra, ánh mắt phiêu đãng đi đâu rồi chú mục vào đứa bé con trong chiếc áo sợi thô màu đỏ mận đang khom người trên sân, nhìn con quay bằng gỗ quay tít. Nụ cười tươi trên môi, gương mặt bầu bĩnh rạng rỡ, ánh mắt đen lay láy của thằng bé cuốn theo những trò đùa nghịch. Trẻ con vô tư là thế, có biết đâu rằng để có một thoáng này, trước đó bao nhiêu bão tố đã ập tới, có biết đâu rằng đổi lại một khắc nói cười, máu đã phải chảy thành sông. Một bên là đứa trẻ chưa rõ tương lai, một bên là khai quốc công thần cùng ái thiếp uyên bác, là bên nào trọng, bên nào khinh mà thế sự xoay vần đến vậy?

Buông khung thêu xuống cái rổ đầy những cuộn chỉ đủ màu xếp ngay ngắn, Ngọc Dao vẫn thấy lòng mình rối như tơ vò hệt như cái đêm xưa cũ ấy trong cung Khánh Phương.

***

Năm ấy là năm Đại Bảo thứ hai[3], cuối đông.

[3] Niên hiệu Đại Bảo (1440 – 1442) dưới thời Lê Thái Tông. Đại Bảo năm thứ 2 tương ứng với năm 1441.

Ánh đèn leo lét run rẩy trong tẩm cung lạnh lẽo của bà Tiệp dư[4] mang tội, dám ngang nghiên trước mặt rồng giở tà thuật ám hại Hoàng thái tử Bang Cơ mới lọt lòng để cầu sủng hạnh. Ngọc Dao còn nhớ mãi sự bàng hoàng đến chết đứng của nàng khi cái tội trời không dung đất không tha ấy truyền đến cùng án chết treo lơ lửng trên đầu. Ngọn lửa trong đĩa đầu đặt trên giá đèn chim loan chỉ còn là một đốm tàn, gần như sắp tắt ngấm. Nàng sao có thể quên được gương mặt của lễ nghi học sĩ[5] Nguyễn Thị Lộ vào đêm hôm ấy khi bà cúi người, thong thả khơi bấc đèn, thong thả ngồi xuống trước mặt nàng dùng bàn tay ấm áp của mình nắm lấy bàn tay run rẩy lạnh ngắt, trầm giọng nghiêm túc hỏi:

- Tiệp dư, thần hỏi Tiệp dư một câu, chuyện bùa ngải ấy người có nhúng tay vào hay không?

- Ta không làm! – Nàng đáp ngay, cuống cuồng như đẩy một thứ ghê tởm đang lăm le bò lên người mình rơi xuống đất.

[4] Đứng đầu lục chức (sáu chức cung giai), ở dưới hoàng hậu, tam phi và cửu tần.

[5] Chức nữ quan phong cho người dạy dỗ các phi tần trong hậu cung thay Hoàng đế, Hoàng hậu.

Chuyện tranh đoạt hậu cung giữa mấy phi tần đương son trẻ quây xung quanh ông vua đang tuổi thanh niên, tương lai rộng mở khiến người ngoài không biết ai phải, ai sai, ai mới thực là nạn nhân hay đó chỉ là kẻ chưa gặp dịp thuận lợi để giở trò. Lòng dạ đàn bà hẹp hòi, lòng dạ đàn bà chốn thâm cung càng hẹp hòi hơn nữa. Những lời nói ra từ những đôi môi xinh đẹp nhường kia bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần là hư để hòng quanh co chối tội cũng là một ẩn số khiến người ta phải ngờ vực, hoài nghi như một lẽ đương nhiên phải thế. Vậy mà trong một thoáng, gương mặt Nguyễn Thị Lộ lại hiện vẻ nhẹ nhõm như trút được gánh nặng trong lòng:

- Thần cũng nghĩ người như Tiệp dư không thể dám làm cái việc đại nghịch vô đạo đến vậy.

Nụ cười khô héo khó khăn lắm mới nở được trên môi úa tàn ngay khi Thị Lộ tiếp lời, ánh mắt đau đáu bồn chồn:

- Nhưng thần có nghĩ vậy cũng chỉ là ý của là mình thần. Vấn đề là quan gia[6] lại nghe theo lời Nguyễn Thần phi[7], hạ lệnh xử người bị voi giày.

[6] Từ thời Trần gọi vua là “quan gia”. Ở đây (bối cảnh thời Lê Sơ) vẫn theo lệ cũ.

[7] Thần phi họ Nguyễn tức Nguyễn Thị Anh, chức vị Lê Thái Tông sách phong sau khi bà hạ sinh Lê Bang Cơ.

- Không… không thể nào! Đứa bé chưa ra đời này là con ruột của bệ hạ, người không nỡ… không thể nỡ… – Nàng lắp bắp, nước mắt đã trào ra khỏi đôi mắt thất thần, lăn dài trên gò má nhợt nhạt. Ngọc Dao hoảng hốt đưa tay vòng quanh cái bụng dưới lớp vải lụa của mình, lắc lắc đầu như thể cố chối bỏ những điều mới nghe.

- Quan gia đã nỡ rồi! – Thị Lộ nhắm mắt thở dài, người phụ nữ đẹp nhường ấy, uyên bác, điềm tĩnh nhường ấy trong một khắc như già đi – Nhưng xin tiệp dư an lòng, việc bây giờ người có thể làm là giữ gìn sức khỏe của bản thân và long thai trong bụng. Phu quân của thần và thần sẽ hết sức giúp người.

- Liệu có thể sao?

Nụ cười ngờ vực hiện trên môi, giọng nàng chợt nghe sắc lạnh trong đêm tối tựa như đang mỉa mai số phận của mình.

- Cha giết con, nhất là khi đứa con ấy chưa chào đời là chuyện không ai có thể dung thứ. Quan gia là người thông hiểu sách thánh hiền, chắc chắn sẽ nghe ra đạo lý này. – Nguyễn Thị Lộ hơi vươn người tới trước, nói gấp nhưng từng lời vẫn rất rõ ràng – Tiệp dư từ khi nhập cung luôn luôn giữ tiết, không có điều tiếng gì. Hơn nữa, dựa vào công trạng của ông nội người, dựa vào tước Thái bảo của phụ thân người[8] cùng những năm cùng Thái Tổ Cao hoàng đế[9] nếm mật nằm gai, thần tin chưa chắc đây đã là bước đường cùng.

[8] Ông nội Ngọc Dao là Ngô Kinh chuyển cư từ Bắc vào, làm công cho hào trưởng họ Lê ở Lam Sơn. Cha bà là Ngô Từ theo hầu Lê Lợi từ khi còn nhỏ. Sau này Lê Lợi khởi nghĩa, cha con Ngô Từ hết lòng lo lương thảo, được tuyên dương công trạng. Khởi nghĩa thành công, Ngô Từ được phong chức Tả Kim ngô, Thượng tướng quân, tước Thái bảo.

[9] Tức Lê Lợi.

- Phu nhân, ta biết phải cảm ơn người thế nào cho phải? – Nàng dợm đứng dậy định hành lễ tỏ lòng cảm tạ thì bị Thị Lộ ngăn lại.

- Tiệp dư chớ nói vậy! – Người phụ nữ đưa tay ra đỡ hai cánh tay nàng, tà áo màu lam nhạt khẽ bay bay, thoảng đưa tới mùi giấy mực – Đây là chuyện bề tôi phải làm để giúp hoàng thượng giữ gìn xã tắc. Còn chuyện cháu gái của tiệp dư, đó cũng là con gái nuôi của thần, người chớ bận lòng.

Trong ánh sáng của ngọn lửa, trước khi cáo từ, Nguyễn Thị Lộ có ngoảnh lại. Trên gương mặt điềm đạm, thâm trầm điểm một nét cười nhẹ khiến lòng Ngọc Dao dịu lại đôi chút. Nàng tin vào trí tuệ, vào đức hạnh của lễ nghi học sĩ – người xét ra cũng là thầy dạy của đức vua; càng tin vào tài năng của phu quân người ấy – Hành khiển Nguyễn Trãi, bậc khai quốc công thần từ thời Thái Tổ, lại đang được đương kim hoàng đế vô cùng tín nhiệm trong triều. Nhưng dù sao đây cũng là truyện nhà của hoàng thượng, người ngoài liệu có thể tùy ý can gián? Huống hồ, bệ hạ đang sủng ái Thần phi họ Nguyễn đến vậy, huống hồ người ấy đã sinh hoàng tử nối dõi cho người?

Bao nhiêu đêm chong đèn không dám chợp mắt, bao nhiều ngày tựa cửa bồn chồn, dù Ngọc Dao có cố ăn uống cũng chỉ thấy mồm miệng nhạt thếch. Cuối cùng, vào một buổi chiều chạng vạng, nữ tỳ cuống cuồng chạy vào bẩm báo, suýt vấp ngã mấy lần. Gương mặt con bé vì lo lắng cho chủ nhân hay lo cho thân phận tôi đòi của mình mà cũng gầy đi không ít, giờ lem nhem nước mắt. Nó thưa, giọng rối rít:

- Tiệp dư… tiệp dư… Lễ nghi học sĩ đã xin bệ hạ nương tay, thu lại lệnh xử tử mẹ con người, đổi ra… lưu đày. Hoàng thượng… hoàng thượng chuẩn y rồi ạ.

Lưu đày? Vậy là rời khỏi hoàng cung? Nàng lúc ấy dường như thấy mắt mình nhòe nước. Người ta nghĩ Ngô Thị Ngọc Dao không cam tâm rời bỏ lầu son gác tía, không cam tâm chấp nhận số phận mới được sủng ái tưởng có thể hóa phượng hoàng giờ tan thành tro bụi. Đâu ai biết được rằng thành quách lâu đài đến bước đường cùng bên bờ sinh – tử đều không sánh nổi với tính mạng con người, càng không sánh nổi với tính mạng đứa trẻ chưa ra đời. Đó là suy nghĩ rất bình thường mà sống trong tranh đoạt, nhung lụa quá lâu, người ta cơ hồ như quên mất. Nguyễn Trãi và ái thiếp Nguyễn Thị Lộ của mình không những can gián được Hoàng đế, mà còn chu đáo thu xếp đưa Ngọc Dao ra tạm trú ở chùa Huy Văn. Lễ nghi học sĩ trước mặt nhà vua không thể nói thẳng chuyện gièm pha tiệp dư họ Ngô dùng bùa ngải là trò tiểu nhân, rất thiếu sức thuyết phục bởi hoàng thượng và Nguyễn Thần phi hương lửa đương nồng, thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện. Nương theo tội danh gán cho Ngọc Dao, viện đến công lao của thân phụ nàng, Thị Lộ xin Hoàng đế giam vị Tiệp dư đó ở chùa Huy Văn, ngày ngày quỳ trước tam bảo ăn năn tội mình, để đến khi sinh con xong rồi tiếp tục truy cứu.

Hẳn lúc đó ai cũng nghĩ chuyện ấy chỉ đơn giản là cứu hai mạng người vô tội, đơn giản nghĩ chuyện tranh đoạt hậu cung đến thế là xong. Tuy không thể diệt cỏ tận gốc nhưng Thần phi Nguyễn Thị Anh cũng đã có thể kê cao gối ngủ kĩ, yên tâm với thân phận mẹ Hoàng thái tử của mình. Nhưng dân gian đã có câu, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Là chủ ý của Nguyễn Thần phi hay phe cánh, họ hàng nhà bà ta muốn truy cùng đuổi tận vị Tiệp dư thất sủng mà đến chốn cửa chùa cũng không yên. Ngọc Dao lại lưu lạc ra An Bang[10] theo sự xếp đặt của Nguyễn Trãi rồi được Đinh Liệt, Nguyễn Xí cử người đón nàng về Đô Kỳ khi đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Mảnh đất này lắm lúc nàng cũng tự hỏi liệu đã là chỗ dừng chân cuối cùng hay chưa? Cuộc đời như sóng nơi cửa bể, hết lớp này đến lớp khác xô tới hãi hùng, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ bốn, năm năm mà tựa như dài đến cả một kiếp người, khiến người ta ngẫm lại trong lúc thư nhàn không khỏi rùng mình sợ hãi.

[10] Tức Quảng Ninh ngày nay

- Mẹ!