Cùng con trưởng thành - Chương 01 - Phần 1
Chương I
CON GÁI CHÀO ĐỜI,
TÔI LÀM CHA Ở TUỔI BA MƯƠI
Con gái chào đời mang đến cho tôi sức mạnh và niềm hy vọng bất tận, tất cả mọi vấn đề đều trở nên thật nhỏ bé, tôi hăng hái và quyết tâm hơn bất cứ lúc nào. Nếu như trước đây tôi phấn đấu chỉ để thể hiện giá trị của bản thân, thì giờ đây tất cả những gì tôi làm đều vì mong muốn có thể mang đến cho con gái một cuộc sống tốt đẹp nhất!
Cha mẹ đã dạy tôi như thế nào?
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân sống trên vùng đất màu mỡ bên bờ sông Tống Hoa miền Bắc Trung Quốc vào những năm sáu mươi của thế kỷ XX.
Trước khi sinh tôi, cha mẹ tôi đã có đến năm người con trai. Mẹ tôi luôn mơ ước sinh được một cô con gái, theo lời của bà thì: “Những cậu trai ngỗ nghịch thường không nghe lời dạy của cha mẹ nhưng con gái thì khác”. Nhưng điều làm mẹ vô cùng thất vọng đó là, tôi không chỉ là con trai, mà còn là một đứa con trai khó bảo nhất trong những đứa con trai ngỗ nghịch của bà. Ba năm sau mẹ tôi lại sinh thêm, và lại là một bé trai, vậy là gia đình tôi đã hội tụ đủ “bảy con rồng”, “mơ ước có con gái” của mẹ tôi đã hoàn toàn tan biến.
Cha mẹ tôi đều là những người dân quê bình thường ở nông thôn nhưng ở họ lại có những phẩm chất mà không phải người dân quê nào cũng có.
Trước năm 1949, cha tôi được học hai năm ở một trường tư thục, ở thời điểm mới thành lập nước, đa phần người dân nông thôn đều mù chữ, như vậy có thể nói cha tôi cũng là người có chút học vấn. Hơn nữa ông cũng là người giác ngộ tốt, vì thế, tuy còn trẻ nhưng cha tôi đã được làm kế toán ở đội sản xuất, sau đó được điều làm kế toán của hợp tác xã nông nghiệp, và ông làm kế toán trong hơn ba mươi năm.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]
Trong thôn, cha tôi là một người rất có uy. Điều này cũng một phần là do công việc của ông. Trong con mắt của những người dân trong thôn, một người quản lý tài chính của một hợp tác xã lớn như vậy quả là rất tài giỏi. Hơn nữa, nhiều năm công tác, ông làm việc cẩn thận tỉ mỉ, liên tục được biểu dương, lại được lãnh đạo hết sức coi trọng, vì thế mọi người càng kính nể ông. Mặt khác, ông là người cương trực ngay thẳng, những người thân quen thường bảo ông nói quá thẳng, không kiêng nể ai, nhưng hễ có chuyện gì cần họ đều đến gặp ông xin giúp đỡ. Những người có vai vế thấp hơn đều rất sợ ông tuy nhiên trong lòng thực sự vô cùng kính phục ông.
Tôi rất tự hào về mẹ tôi. Mẹ tôi vốn là con của một gia đình giàu có, cụ ngoại không tiếc tiền cho con cái học hành, có người còn được cụ cho đi học đại học tận kinh thành. Mà trong thời đại “Con gái không tài là đức” đó, bà ngoại tôi được đi học sáu năm trời, có thể thấy gia đình cụ coi trọng giáo dục thế nào. Nhưng đáng tiếc gia cảnh ngày càng suy đốn, đến thời của mẹ tôi thì chỉ còn là một gia đình bình thường, vì thế mẹ tôi chẳng được đi học ngày nào, đến tên của mình bà cũng không biết viết.
Mặc dù không được học hành nhưng trong thôn mẹ tôi nổi tiếng là người xinh đẹp và lương thiện. Tôi không thể nào quên sự lương thiện của mẹ. Trong những năm tháng khó khăn đó, mỗi khi có người hành khất đến nhà xin ăn, mẹ đem cho cả phần cơm mà bình thường mẹ không nỡ ăn. Mẹ tôi rất quý sinh mệnh, không thích sát sinh, vì thế mỗi khi đến dịp lễ tết phải giết gà giết vịt, bà lại lẩm bẩm “A di đà Phật” để lòng thanh thản…
Khách quan mà nói, tôi được thừa hưởng tính thẳng thắn của cha và sự lương thiện của mẹ. Cha mẹ là tấm gương dạy tôi biết làm người. Nhưng cách giáo dục gia đình duy nhất của cha mẹ tôi là “yêu cho roi cho vọt” không phải là cách giáo dục khoa học. Đương nhiên, trong thời buổi đó, tư tưởng “làm cha là phải tôn nghiêm” đã ăn sâu vào tư tưởng con người, người ta cho rằng những điều cha mẹ nói đều đúng, là phận con cái phải nghe theo sự quản giáo của cha mẹ một cách vô điều kiện. Vì thế, trong một thời gian dài “giáo dục bằng đòn roi” được các bậc phụ huynh coi là biện pháp giáo dục có thể duy trì quyền uy của họ trước con cái. Nói tóm lại, đa số những đứa trẻ sinh ra vào trước những năm tám mươi của thế kỷ XX đều từng bị đánh mắng. Trong suy nghĩ của phụ huynh, con cái “không đánh không nên người”. Và đối với những đứa trẻ, bị cha mẹ đánh mắng là một chuyện quá đỗi bình thường.
Mặc dù được giáo dục bằng phương pháp như vậy, và phải chịu đựng những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần nhưng tôi không hề ghét cha mẹ mình. Bởi vì tôi biết cha mẹ yêu tôi thật lòng, chỉ là họ không biết diễn đạt tình yêu đó bằng một cách dịu dàng hơn mà thôi.
Sau này khi đã trưởng thành, đặc biệt sau khi làm công tác tư vấn tâm lý và nghiên cứu giáo dục, tôi thường tự vấn bản thân, nếu tôi ngoan ngoãn nghe lời, liệu tôi có bị đánh mắng không? Chắc là không. Nếu tôi được sinh ra trong một gia đình khác liệu tôi có phải chịu đựng những trận đòn đau như vậy không? Và câu trả lời cũng là không. Nhưng tính cách ngỗ ngược cộng với “giáo dục đòn roi” của cha mẹ đã khiến tôi đi một con đường hoàn toàn khác người. Có người nói, nếu xét về góc độ này thì phương pháp “giáo dục đòn roi” là một phương pháp giáo dục thành công. Không, tôi vẫn phải nói: Phương pháp giáo dục của cha mẹ tôi không khoa học, nếu tôi là một đứa trẻ hòa nhã, nhút nhát, nghe lời thì có lẽ mọi năng khiếu của tôi đã bị những trận đòn roi làm cho mai một. Nhưng thật bất hạnh, tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh và ngỗ nghịch, bị đánh nhiều; nhưng cũng thật may mắn, nhờ những trận đòn đó mà tôi không trở thành một đứa trẻ tầm thường.
Có người nói với tôi rằng chắc là khi nhớ đến chuỗi ngày tuổi thơ điều kiện vật chất nghèo nàn, lại còn bị đánh mắng, thật là khổ cực, cậu đều chảy nước mắt? Nhưng thực tế không phải vậy, ký ức tuổi thơ của tôi đều dừng lại ở những hình ảnh cùng bạn bè nô đùa vui vẻ. Vì thế rất ít khi tôi nói với người khác rằng tuổi thơ của tôi vất vả như thế nào, đặc biệt khi kể cho con nghe về tuổi thơ của mình, tôi thường thao thao bất tuyệt với con những câu chuyện nô đùa thú vị. Trong những giấc mơ, tôi thường mơ thấy những người bạn thuở thiếu thời, những trò chơi đã từng chơi và nụ cười hạnh phúc từ trái tim…
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, mỗi buổi chiều hoàng hôn sau khi tan học là quãng thời gian chơi đùa vui vẻ nhất, về đến nhà, vừa vứt cặp sách lên trên giường là tôi lẻn đi chơi ngay. Mấy đứa trẻ túm năm tụm ba cùng nhau chơi, mùa xuân thì chơi ném lỗ, đẩy vòng, đá cầu; mùa hè thì ra sông hồ mò cua bắt cá; mùa thu thì đi bắt chim ở ruộng, ẩn sau những bó lúa mạch to chơi trò trốn tìm; mùa đông thì có nhiều trò vui hơn nữa: trượt tuyết, chơi con quay, ném tuyết, nặn người tuyết… Một năm bốn mùa, ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào chúng tôi cũng chơi đến mờ tối, chơi đến khi thấy bóng mẹ xuất hiện ở trước hiên nhà thì mới chịu về nhà.
Cuối tuần hay vào những kỳ nghỉ, chúng tôi phải giúp đỡ gia đình làm việc nhà. Hồi học tiểu học, những công việc mà tôi phải làm nhiều nhất có lẽ là kiếm rau lợn, nhặt phân bò và kiếm củi. Rau thì để cho lợn ăn, phân bò có thể đổi lấy tiền mua bút vở, còn củi để nhà đun nấu. Mặc dù nói là làm nhưng cũng không thiếu những trò vui. Cắp theo cái rổ, mấy đứa trẻ rủ nhau ra ruộng kiếm rau lợn, đứa này đuổi theo đứa kia, vừa kiếm rau vừa hát những bài hát thiếu nhi mà không đứa nào thuộc hết lời, khi đã kiếm đủ rau, cả bọn tìm một chỗ đặt rổ xuống rồi đi bắt bọ ngựa, đuổi bướm, bắt chuồn chuồn, chơi đùa cho tới khi toàn thân mồ hôi nhễ nhại mới chịu cắp rổ rau lợn về nhà. Công việc nhặt phân bò còn thú vị hơn, mấy đứa túm lại đi dọc các bờ ruộng để tìm phân bò, khi phát hiện được mục tiêu thì tranh nhau nhặt. Có lúc vì muốn hốt được phân bò, mấy đứa cầm theo xẻng theo sát sau con bò và chỉ chực chờ nó “đại tiện”.
Đối với trẻ con thì không gì vui bằng Tết, bởi vì trước và sau Tết đều có đồ ăn ngon, ngoài ra còn có thể “kiếm” được một ít tiền mừng tuổi. Ba mươi Tết, các con cháu đều nói câu “Chúc mừng năm mới” với ông bà cha mẹ và còn quỳ gối cúi lạy để tỏ lòng hiếu kính. Tháng Giêng, khắp nơi trong thôn đều vang tiếng cười nói của trẻ nhỏ, đứa nào đứa nấy đều hoạt bát đáng yêu như những chú ngựa nhỏ xinh. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn thích Tết, mỗi khi Tết đến, dù có ở cách xa nhà bao nhiêu, tôi vẫn về quê ăn Tết. Giục giã bước chân tôi không chỉ là tình thân mà có lẽ còn là ký ức về những ngày Tết vui vẻ khi còn nhỏ.
Ôi, những câu chuyện tuổi thơ thật nhiều biết bao, nó giống như một dòng sông, một khúc hát cứ hiền hòa chảy, lắng đọng trong tâm khảm mỗi con người…
Phương xa báo tin vui: Con gái chào đời
Mấy năm nay, mỗi khi có người hỏi tôi: “Vợ cậu người ở đâu?” hoặc “Vợ cậu làm nghề gì?”, mặt tôi thường ửng đỏ hỏi lại họ: “Cậu hỏi bà vợ nào của tôi?”. Đối phương thường nhìn tôi với vẻ mặt vô cùng ngạc nhiên và nói: “Trời, rốt cuộc cậu có bao nhiêu bà vợ vậy?”. Lúc đó tôi thường giơ bàn tay ra và bắt đầu đếm: 1, 2, 3…
Người con gái đầu tiên bước vào cuộc đời tôi là một người theo nghiệp thi ca, có lẽ lúc đó tình yêu chưa ở độ chín muồi, hai bên đều không gìn giữ được tình cảm của mình dẫn đến cuộc chia tay sau chuỗi ngày hạnh phúc ngắn ngủi.
Người bạn gái thứ hai học cùng trường với tôi, cũng là học trò của tôi. Năm 1994, lúc đó tôi đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành tâm lý học tại trường Sư phạm Thiểm Tây, cô ấy là sinh viên ngành Trung Văn, sau đó cô ấy tham gia khóa học “Kỹ năng thuyết trình và phép xã giao trong quan hệ công chúng” do tôi tổ chức, chúng tôi quen, rồi yêu nhau, cô ấy trở thành vợ của tôi, cùng nhau chung sống hơn mười năm. Cô ấy cũng là người sinh cho tôi một cô con gái kháu khỉnh, người giúp tôi thực hiện giấc mơ làm cha. Cô ấy chính là mẹ đẻ của Phạm Khương Quốc Nhất (tên thường gọi là Y Y).
Do thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên và những trắc trở trong tình cảm sau đó, tôi một mình đơn độc lang bạt khắp nơi trong một thời gian dài. Vốn yêu quý trẻ con, tôi rất mong được làm cha. Tôi đã từng viết bài văn “Thật muốn có một đứa con trai”, từng câu từng chữ đều thể hiện sự khát khao chờ đợi sinh mệnh nhỏ bé mà đến tôi cũng chưa biết đang ở phương trời nào. Lúc đó tôi một thân một mình, đến bạn gái còn không có nói gì đến con cái, vì thế giấc mơ mãi chỉ là giấc mơ.
Nhưng cuối cùng tại cố đô Tây An, giấc mơ có một đứa con, giấc mơ được làm cha của tôi đã trở thành hiện thực.
Từ thuở ấu thơ, thiếu thời rồi đến tuổi thanh niên, từ quê nhà đến miền Nam rồi lại đến Tây An, tôi sống cuộc sống phiêu bạt không ổn định. Mùa thu năm 1996, tôi định cư ở thành phố trọng điểm vùng Tây Bắc - Tây An, năm ba mươi tuổi tôi thuê một phòng học ở Học viện Chính Pháp (tương đương đại học Luật) Tây Bắc, mở lớp bồi dưỡng “Kỹ năng thuyết trình và phép xã giao trong quan hệ công chúng” cho những sinh viên phía Nam Tây An để kiếm tiền mưu sinh.
Lúc đó tôi thuê trọ ở một ngôi làng nhỏ gần trường, điện thoại cũng không có chứ đừng nói đến máy tính, thời đó đồng lương của tôi eo hẹp đến nỗi máy nhắn tin cũng không mua nổi. Vợ tôi khi đó đang ở quê chờ sinh, lo lắng khi cô ấy có việc mà không có cách nào liên lạc, tôi đành xin số điện thoại ở một quán bán hàng gần chỗ ở để vợ liên lạc khi cần.
Ngày 21 tháng 10 năm 1996 là ngày tôi mong đợi bấy lâu nay, bởi theo dự tính thì ngày này vợ tôi sẽ sinh, và tôi sẽ có một vai trò hoàn toàn mới: “Làm cha”.
Buổi sáng hôm đó, khi tia nắng ban mai đầu tiên chiếu vào căn phòng nhỏ, tôi đã có một linh cảm rằng ngày hôm nay con tôi sẽ chào đời. Cả ngày hôm đó, tâm trạng tôi vô cùng tốt, mong đợi và tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc. Bận rộn cả ngày, về đến nhà tôi bồn chồn đến nỗi không thể chợp mắt, cứ tưởng tượng hình ảnh lúc con chào đời sẽ thế nào, con trông sẽ ra sao… Càng nghĩ lại càng xúc động, càng hưng phấn, chỉ muốn có thể bay ngay về nhà, đến bên cạnh vợ và cùng chứng kiến giây phút con ra đời.
Ngày hôm sau, tôi lên lớp với tinh thần phấn chấn, tuy vậy cảm giác có gì đó không yên, dạy xong lớp buổi tối, tôi về nhà với trạng thái mệt mỏi, khi đi qua quán hàng gần nhà tôi chợt nhớ ra là mình chưa ăn tối, định ghé vào quán mua gói mì về ăn. Vừa bước chân vào cửa, cậu chủ quán đã hô lớn: “Này anh, sáng nay vợ anh vừa gọi điện tìm anh, báo là đã sinh một bé gái, hai mẹ con đều khỏe”.
“Hả, chú nói cái gì cơ?”. Cho dù mấy ngày hôm nay tôi luôn mong tin này, nhưng khi nghe chủ quán báo tin, tôi vẫn cảm thấy có chút bất ngờ, nhất thời chưa bình tâm lại được.
“Vợ anh sinh rồi!”.
“Chú nói thật sao?!”.
Chủ quán cười, chắc lúc đó vẻ mặt tôi trông rất buồn cười.
“Con trai hay con gái?”.
“Con gái, hai mẹ con đều khỏe mạnh, con bé rất mũm mĩm”.
“Vợ tôi còn nói gì nữa không?”.
“Không, chỉ có thế thôi”.
Mặc dù rất ngắn gọn, nhưng đối với tôi, những thông tin đó mang ý nghĩa vô cùng lớn lao: Tôi đã là cha khi chỉ còn vài ngày nữa là bước sang tuổi ba mươi.
Ngày con gái chào đời, hai vợ chồng tôi đều giữ lại tờ lịch: Dương lịch là thứ hai ngày 21 tháng 10 năm 1996, Âm lịch ngày 10 tháng 9 năm Bính Tý.
Khi biết chính xác là vợ tôi đã sinh con gái, cả mẹ và con đều khỏe mạnh, tôi cầm gói mì chạy thật nhanh về nhà trọ của mình. Lại một đêm mất ngủ, nằm xuống rồi lại ngồi dậy, trở mình trằn trọc, không từ ngữ nào có thể lột tả hết niềm vui của tôi lúc đó. Cuối cùng tôi cũng được làm cha. Nhưng tôi chỉ có thể ở đây và tưởng tượng ra hình ảnh của con yêu, không thể ở bên cạnh vợ để làm trách nhiệm mà một người chồng nên làm, đây có lẽ là điều đáng tiếc nhất mà cả cuộc đời này tôi không có cách nào bù đắp cho cô ấy.
Vì thế, tôi quyết định viết thư cho vợ ngay lập tức, tôi muốn cho cô ấy biết lúc này đây tôi xúc động đến nhường nào.Tôi vùng dậy ngồi vào bàn viết, đầu tiên tôi thảo một bức điện gửi cho vợ, mong cô ấy biết dù cách xa ngàn dặm nhưng giờ phút này tôi và vợ có cùng niềm vui, niềm hạnh phúc. Thảo xong bức điện gửi cho vợ, tôi bắt đầu viết thư gửi cho con gái với tất cả tình yêu và sự kỳ vọng cho đứa con mà tôi chưa được gặp mặt…
Đối với tôi, ngày 21 tháng 10 năm 1996 là một ngày đáng để ghi nhớ suốt đời.
Để có thể ghi nhớ mãi ngày này, tôi lật lại lịch của ngày hôm trước, nhẹ nhàng xé tờ lịch xuống, cất giữ một cách thật cẩn thận, tôi cũng nhắc vợ giữ lại tờ lịch của ngày hôm qua, đợi đến lúc chúng tôi gặp mặt sẽ để chung hai tờ lịch đó vào nhật ký trưởng thành của con gái. Mấy năm nay, dù chuyển nhà rất nhiều lần, chúng tôi đánh mất rất nhiều thứ nhưng hai tờ lịch đó lúc nào cũng đồng hành cùng chúng tôi trong những bước trưởng thành của con gái.
Bức thư đầu tiên gửi con gái
Thời đại ngày nay là thời đại của công nghệ thông tin. Sự phát triển của điện thoại, internet đã thay thế những phương thức liên lạc truyền thống, có việc thì chỉ cần gọi một cú điện thoại, gửi một tin nhắn, một email hoặc lên QQ, MSN (những phần mềm chat trực tuyến thông dụng ở Trung Quốc) nói chuyện, nhanh và tiện hơn là viết thư. Vì thế mà ngày càng ít người cặm cụi ngồi viết thư, cái thời “thư nhà quý hơn vàng” đã trở thành quá khứ xa xôi.
Tôi đã từng rất thích viết thư. Khi mới vào quân ngũ, tôi viết thư cho bạn bè, cho các báo và tạp chí, viết cho các thầy cô, bạn bè ở trường cũ, mỗi tuần đều gửi đi và nhận được hơn chục bức thư. Về sau, tôi cũng giống như rất nhiều người khác, càng ngày càng lười viết. Nhất là khi tuổi ngày một cao, lượng công việc ngày một nhiều, chữ tôi ngày một xấu đi, tôi viết càng ít hơn. Từ khi làm phóng viên và bác sĩ tâm lý, mỗi ngày tôi đều nhận được rất nhiều thư nhưng phần lớn đều do trợ lý hoặc vợ trả lời giúp.
Nhưng khi con gái Y Y ngày một lớn, bắt đầu đi học tiểu học, thì tôi cũng bắt đầu tập lại thói quen cầm bút viết thư cho con gái.
Thực ra, tôi viết bức thư đầu tiên cho Y Y là vào đêm tôi nhận được tin con chào đời. Trong thư tôi nói cho Y Y biết cha mẹ yêu con như thế nào, từ khi biết tin có con trên đời cha mẹ đã mong chờ sự ra đời của con như thế nào. Tôi cũng nói với con, mẹ con vì sinh con đã hy sinh rất nhiều thứ, sau này con lớn lên, nhất định phải biết ơn mẹ, và mong ước lớn nhất của cha mẹ là suốt đời này con luôn được sống trong niềm vui.
Buổi sáng sau đêm biết tin con gái chào đời, tôi ra bưu điện gửi điện mừng cho vợ, bức thư gửi con gái cũng được gửi kèm với bức điện. Trong bức thư gửi con gái cũng có kèm thư gửi cho vợ tôi, ngoài những lời dặn dò vợ, tôi cũng nhắc cô ấy giữ gìn bức thư cẩn thận, đợi đến sinh nhật lần thứ mười lăm của con gái sẽ đưa bức thư này cho con. Nhưng tiếc là sau này do nhiều lần chuyển nhà, đến khi cần cho con xem thì bức thư đã thất lạc. Vì thế tôi chỉ có thể dựa vào trí nhớ của mình để kể cho mọi người nội dung đại khái của bức thư:
Con gái Y Y của cha!
Cha là cha của con đây, cha đang ở Tây An, một nơi cách xa con đến hàng nghìn cây số viết thư cho con.
Đầu tiên, chào mừng con đến với gia đình của chúng ta, cha giới thiệu gia đình ta với con nhé: Cha nghèo, cuộc sống dựa vào việc viết lách, mẹ con là giáo viên ngữ văn của một trường trung học. Cha mẹ đặt tên cho con là Phạm Khương Quốc Nhất, ở nhà gọi con là Y Y. Ngoài họ của cha mẹ ra, trong tên của con, chữ “Quốc” là chữ mà thế hệ các con đều có, chữ “Nhất” có nghĩa là đơn giản, cha mẹ mong con bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc.
Mẹ con rất trẻ, mới tốt nghiệp đại học mẹ đã kết hôn với một người đàn ông nghèo là cha, mẹ đã phải chịu nhiều áp lực để sinh con, vì con và vì hạnh phúc của cha, mẹ đã hy sinh rất nhiều, cha và con phải hiểu và cảm ơn mẹ vì điều đó. Bất cứ lúc nào, con đều phải tôn trọng mẹ, hiếu kính với mẹ.
Cha là một người có chí hướng, tích cực tiến lên nhưng lại không có thành tựu gì và cũng không tích góp được gì. Cha được thừa hưởng tính ngay thẳng, lương thiện từ ông bà nội con, cha mong muốn sẽ truyền cho con những đức tính tốt đẹp này, hy vọng con sẽ trở thành một con người có phẩm hạnh tốt. Chúng ta có thể không thành công, có thể không trở nên giàu có, nhưng chúng ta cần lạc quan tiến lên, cần có nhân cách, có tự trọng.
Con à, cha không thể cho con một cuộc sống vật chất sung túc nhưng cha có thể cho con một thế giới tinh thần mà những đứa trẻ khác đều phải ngưỡng mộ, cha sẽ bảo vệ con như bảo vệ con mắt của mình vậy, cha sẽ đồng hành với con trong mỗi bước trưởng thành, cha sẽ mang cho con niềm vui, nuôi con mạnh khỏe thành người, thành tài.
Cuối cùng cha muốn nói với con rằng: “Cảm ơn con, con yêu của cha!”
Cha của con
Tây An, sáng 23 tháng 10 năm 1996
Con gái chào đời mang đến cho tôi sức mạnh và niềm hy vọng bất tận, tất cả mọi vấn đề đều trở nên thật nhỏ bé, tôi hăng hái và quyết tâm hơn bất cứ lúc nào, nếu như trước đây tôi phấn đấu chỉ để thể hiện giá trị của bản thân, thì giờ đây tất cả những gì tôi làm đều vì mong muốn có thể mang đến cho con gái một cuộc sống tốt đẹp nhất!
“Giữ” con lại bên cha mẹ
Con ra đời sau bao nhiêu khó khăn trắc trở.
Tháng 8 năm 1995, bạn gái tôi tốt nghiệp đại học và được phân về một trường trung học chuyên nghiệp của quê nhà, thành phố Long Khẩu - Sơn Đông. Sau khi hoàn thành một năm tiến tu, tôi cũng theo cô ấy về thành phố cảng Yên Đài (Thành phố Long Khẩu thuộc Yên Đài).
Một năm trước đó, tôi từ Hải Nam đến Tây An để học tập, vốn định sau khi học xong, tôi sẽ về Hải Nam hoặc đến Thâm Quyến lập nghiệp, nhưng bạn gái không đồng ý để tôi trở về phương Nam, bởi vì sau khi tốt nghiệp cô ấy sẽ được phân về quê, vì tình yêu, tôi đành từ bỏ Thẩm Quyến và cùng cô ấy về thành phố nhỏ ven biển Yên Đài.
Trên thực tế trước khi đến Yên Đài, tôi không có một kế hoạch cụ thể nào cho việc sau khi đến Yên Đài tôi sẽ làm gì, mục tiêu tổng thể vẫn là vận dụng những gì mình đã học, tôi vẫn muốn tiếp tục công việc tư vấn tâm lý (mấy năm ở Hải Nam, tôi chuyên làm chuyên mục “Tư vấn tâm lý” của một tòa soạn). Nhưng sau khi tiến hành khảo sát tổng thể ở Yên Đài, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng tư vấn tâm lý ở Yên Đài là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Thực ra mà nói không chỉ có Yên Đài mà ở hầu hết các thành phố trực thuộc tỉnh trong nước tình hình cũng tương tự như vậy.
Để kiếm miếng cơm manh áo, tôi đành phải theo nghề cũ, giống như hồi còn ở Hải Nam, Tây An, tôi lại mở lớp bồi dưỡng, không chỉ mở lớp, tôi còn dạy cho những lớp thư ký theo lời mời của các trường đào tạo về quan hệ công chúng ở Yên Đài, vì thế mà tôi khá bận rộn, hơn nữa thu nhập cũng khá.
Vì không thể nào từ bỏ được “tư vấn tâm lý”, tôi lại thử sức một lần nữa, cuối năm 1995 tôi thành lập Văn phòng Tư vấn tâm lý Đông Tử tại Yên Đài. Văn phòng được thành lập khiến cuộc sống của tôi thêm phong phú nhưng mặt khác lại khiến cho tình trạng kinh tế vừa mới khởi sắc của tôi dần đi xuống.
Lúc đó ở Trung Quốc, những người có thể độc lập duy trì một văn phòng tư vấn tâm lý không nhiều, nguyên nhân không chỉ vì nhận thức của mọi người, mà tiền vốn cũng là một vấn đề. Đối với những người có tiềm lực kinh tế thì đây không phải là vấn đề, thậm chí còn là một cơ hội mang tính thử thách. Nhưng đối với người mà lúc nào cũng muốn làm nên sự nghiệp lớn nhưng trong tay chẳng có gì ngoài sự nhiệt tình như tôi thì quả là quá khó. Lúc đầu khi quyết định mở văn phòng, tôi đã chuẩn bị tâm lý “kháng chiến trường kỳ” nhưng tiền trong túi lại không ủng hộ. Nhìn vào tình trạng kinh tế của mình, tôi thực sự không có đủ tài lực để tiếp tục cuộc “trường chinh”, vì thế mà “thương vụ” thu không đủ chi này sớm làm tôi lỗ vốn.
Để bù lỗ, tôi đành kiếm tiền bằng những công việc khác: viết lách, mở lớp, đi thuyết trình…, gần như làm được gì tôi đều làm hết, vận dụng hết những gì mình có thể để kiếm tiền đầu tư vào “động không đáy”, miễn cưỡng duy trì văn phòng tư vấn. Cứ như thế tiền lỗ ngày càng nhiều thêm, giống như quả cầu tuyết càng lăn lại càng to.
Đúng lúc đó, tôi nhận được tin bạn gái (lúc đó chúng tôi vẫn chưa đăng ký kết hôn) đã mang thai!
Khi nghe được tin này, tâm trạng tôi vô cùng bối rối, vui buồn lẫn lộn. Lý trí bảo tôi rằng tôi không thể có con vào lúc này, một là điều kiện kinh tế không cho phép, hai là công việc của bạn gái tôi cũng không cho phép cô ấy có con. Bạn gái tôi cũng một mực bảo tôi rằng: “Lúc này không những điều kiện kinh tế và công việc không cho phép, mà quan trọng hơn nữa là chúng ta chưa đăng ký kết hôn, sinh con ra con sẽ như thế nào? Vì thế nhất định phải bỏ!”.
Nghe bạn gái phân tích cũng có lý, mặc dù tôi vô cùng mong muốn có một đứa con nhưng vẫn đành lòng thỏa hiệp. Khi đến bệnh viện, lấy số thứ tự xong, chúng tôi lặng lẽ đứng xếp hàng chờ đợi. Khi người ta gọi đến tên bạn gái, đột nhiên tôi túm lấy tay áo cô ấy: “Đợi một chút, chúng ta về nhà bàn bạc thêm”.