Cùng con trưởng thành - Chương 01 - Phần 2

Tôi kéo bạn gái về nhà, trên đường đi tôi không ngừng khuyên ngăn cô ấy nhưng cô ấy không hề lên tiếng. Về đến nhà cô ấy gào lên: “Anh chỉ nghĩ đến bản thân anh, tại sao anh lại không nghĩ cho em? Em vừa mới tốt nghiệp, còn trẻ, chưa kết hôn mà đã sinh con, như vậy em còn mặt mũi nào để nhìn mọi người nữa đây? Em có thể không quan tâm đến những điều này, nhưng lương của em ba cọc ba đồng, anh lại làm ăn thua lỗ như thế, chúng ta lấy gì mà nuôi con?”.

Những lời cô ấy nói như những mũi dao đâm vào tim tôi nhưng lời nào cũng đều có lý. Nhưng niềm khát khao được làm cha bấy lâu nay cộng với tình thương dành cho đứa trẻ trong bụng cô ấy khiến tôi không thể nào để cho lý trí chiến thắng tình cảm. Tôi hứa với bạn gái sẽ đi đăng ký kết hôn, tôi nhất định sẽ kiếm được tiền để nuôi con, tôi đường đường là một nam tử hán, dù có khổ có mệt đến như thế nào đi nữa, vì con tôi đều có thể chịu đựng được. Tôi khuyên ngăn nhiều, cuối cùng bạn gái tôi cũng coi như miễn cưỡng đồng ý giữ lại đứa con.

Sau đó trong một lần cãi vã, bạn gái tôi lại quyết tâm bỏ đứa bé, tôi đưa cô ấy đến cổng bệnh viện rồi lại lôi cô ấy về. Cứ như vậy vài lần, con tôi lớn lên dần trong bụng mẹ, cuối cùng bác sĩ nói cái thai đã quá to, không thể bỏ được nữa. Quãng thời gian đó tôi đã khóc rất nhiều, nhiều lúc chỉ những xúc động rất nhỏ cũng khiến tôi rơi nước mắt. Bạn gái tôi cuối cùng cũng hiểu cho tôi, cô ấy chịu đựng áp lực và đưa ra quyết định cuối cùng: Dù khổ thế nào cũng sẽ sinh con!

Qua bao lần trắc trở cuối cùng chúng tôi cũng “giữ” được con bên mình…

Trong quãng thời gian mang thai, con chưa ra đời nhưng đã cùng chúng tôi nếm trải bao đau khổ mất mát: Ông ngoại qua đời, con ở trong bụng mẹ đã phải cảm nhận nỗi đau mất người thân; công việc của văn phòng tư vấn gặp khó khăn, qua những lời than của mẹ, con cũng cảm nhận được cha gây dựng sự nghiệp khó khăn như thế nào; cho đến khi mẹ và bà nội về quê, con chưa ra đời đã phải chịu sự vất vả của một chuyến đi xa…

Thế sự bắt buộc, khi tôi quyết định đến Tây An lập nghiệp, vợ tôi (lúc đó trong lòng tôi bạn gái đã trở thành vợ) đã mang thai đến tháng thứ chín, chẳng mấy chốc con tôi sẽ chào đời. Nhưng lần này đến Tây An chưa biết sẽ thế nào, tôi đành cắn răng để vợ và mẹ già gần bảy mươi tuổi lên tàu biển trở về quê nhà Cát Lâm (mẹ tôi từ Cát Lâm đến Yên Đài để chăm sóc con dâu chờ ngày sinh nở). Nhìn vợ bụng mang dạ chửa, đi lại khó nhọc và mẹ già tuổi cao sức yếu, đi lại chậm chạp, lại nghĩ đến cảnh hai người đi tàu xa sau đó lại xuống đi tàu hỏa, rồi đi xe mới về đến Cát Lâm, nước mắt tôi lại lăn dài trên má…

Tôi biết là mình quyết định như thế không chỉ có lỗi với vợ, với mẹ mà còn có lỗi với cả đứa con còn nằm trong bụng mẹ. Con gái tôi có thể bình an chào đời, có thể nói là một sự may mắn vô cùng. Và cũng vì thế mà một người theo chủ nghĩa duy vật như tôi cũng phải cảm ơn ông trời đã ban cho tôi một ân huệ lớn lao như vậy.

Tôi nên làm một người cha như thế nào?

Thực ra trước khi chính thức lên chức cha tôi đã nghiên cứu tìm hiểu về giáo dục gia đình trong một khoảng thời gian khá dài.

Đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX, lúc đó tôi phụ trách “Chuyên mục tư vấn tâm lý Đông Tử” của báo Thanh niên Hải Nam, giải đáp thắc mắc của thanh thiếu niên, chuyên mục không những được các bạn nhỏ yêu mến mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm. Các bạn nhỏ tâm sự với tôi là các bạn không hài lòng về cha mẹ mình như thế nào, các bạn thấy cô đơn và ấm ức ra sao, còn các bậc phụ huynh lại than phiền vì con cái không nghe lời, không dễ dạy dỗ…

Một thời gian sau khi phụ trách chuyên mục tư vấn tâm lý, tôi ngày càng cảm thấy các bạn nhỏ không có niềm vui trong cuộc sống, còn các bậc phụ huynh thì cảm thấy áp lực. Tôi đã tự hỏi tại sao trong giáo dục gia đình lại tồn tại nhiều vấn đề như thế? Càng đi sâu vào tìm hiểu tôi phát hiện ra được nhiều điều hơn, và tôi cũng viết nhiều hơn về đề tài giáo dục trong gia đình. Đến khi con gái tôi chào đời, bản thân trở thành phụ huynh, tôi mới thực sự cảm nhận được nỗi lòng của những người làm cha làm mẹ.

Trước khi có con, phạm vi nghiên cứu của tôi rất rộng, từ vấn đề giáo dục rất vĩ mô đến một tình huống cụ thể về giáo dục gia đình nào đó mà tôi sưu tầm được. Nhưng sau khi Y Y chào đời thì những bước trưởng thành của con đương nhiên trở thành đề tài để tôi tìm hiểu và nghiên cứu.

Thực ra khi biết chính xác là vợ tôi đã mang thai, tôi luôn có suy nghĩ bản thân phải cố gắng mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con. Khoảng thời gian đó, tôi thường nhớ lại và suy ngẫm về tuổi thơ của mình. Tôi nhớ lại những thiếu thốn về vật chất, những trận đòn của cha mẹ, và tôi nghĩ khi làm cha, điều đầu tiên mà tôi làm cho con gái đó là không để cho con gái phải chịu đựng hai nỗi khổ này.

Tuy vậy, mang đến cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn so với tôi trước kia, không để con phải chịu những trận đòn đau, như vậy là đã cho con hạnh phúc và niềm vui chưa?

Làm công tác tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên, tôi vẫn thường nghe được những chia sẻ cũng như những u uất trong lòng của các em qua đường dây nóng, qua những bức thư các em gửi hay trong những buổi thuyết trình. Trong thư của một học sinh trung học, em tâm sự với tôi rằng em ghét đi học, trường học giống như nhà tù, thậm chí em còn không bằng một tù nhân. Một em khác bỏ nhà đi và gọi điện tâm sự với tôi: “Ngày nào em cũng phải đối mặt với một đống bài tập làm mãi không hết, em thực sự chán ghét đến tột đỉnh rồi”. Một “ông cụ non” than thở với tôi vẻ bất đắc dĩ: “Sống thật chẳng có ý nghĩa gì, không được vui chơi, không được làm những gì mình thích, cuộc sống hình như chỉ có học hành, thi cử…”.

Nghe những lời than thở như vậy từ miệng những đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ, thật khiến người lớn chúng ta đau lòng biết bao. Vốn dĩ các em phải được có một tuổi thơ với những tháng ngày vui vẻ nhưng tại sao các em lại phải lớn lên trong những lời than thở. Chỉ có một nguyên nhân đó là áp lực học hành quá lớn.

Không nơi đâu trên thế giới này, trẻ em lại phải chịu áp lực học hành lớn như trẻ em Trung Quốc.

Tôi tin chắc rằng các bậc phụ huynh đều có chung một suy nghĩ: trẻ em bây giờ sống quá mệt mỏi. Nếu được hỏi về tuổi thơ của mình trôi qua như thế nào, tôi tin rằng đa số các em sẽ trả lời tuổi thơ của mình trôi qua cùng đề thi, các lớp học thêm, áp lực và điểm số…

Mặc dù tư tưởng “đề cao giáo dục tố chất cho học sinh” đã được đưa ra nhiều năm, mặc dù Bộ Giáo dục luôn kêu gọi “giảm áp lực cho học sinh” nhưng áp lực học tập của các em không hề giảm, thậm chí ngày một tăng lên. Bởi vì chế độ thi cử không thay đổi, điểm số vẫn là điều quan trọng nhất đối với thầy cô và học sinh. Trải qua mười hai năm học phổ thông, thứ duy nhất có thể đánh giá được các em thành công hay thất bại là điểm số cao hay thấp, có đỗ được vào trường đại học trọng điểm hay không? Thành tích cũng là thước đo khả năng giảng dạy của các thầy cô giáo, hầu hết tại các trường phổ thông, việc đánh giá năng lực của các thầy cô giáo đều dựa vào tỷ lệ lên lớp và điểm trung bình của học sinh, lớp nào có học sinh thi đạt điểm cao, thi đỗ vào những trường điểm thì giáo viên của lớp đó được đánh giá là giáo viên dạy giỏi. Vì thế khi bước chân vào cổng trường, học sinh bỗng nhiên trở thành một cái máy học, sự thông minh vốn có của các em bị kìm hãm, sức sáng tạo của các em cũng bị cướp đi một cách không thương tiếc.

Chịu áp lực lớn của giáo dục đối phó, phần lớn các bậc phụ huynh đã chọn cách trở thành “trợ thủ” của nhà trường. Cũng giống như giáo viên, phụ huynh chỉ chăm chăm quan tâm đến thành tích của con cái, hàng ngày câu hỏi nhiều nhất mà họ hỏi con mình là: “Hôm nay ở trường con học gì?”, “Khi nào thì con thi?”, “Lần kiểm tra này con được bao nhiêu điểm?”.

Điều này khiến tôi nhớ đến khoảng thời gian đầu năm 2011, lúc đó tôi cùng đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục Trung Quốc có chuyến công tác đến Israel. Trong chuyến công tác đó chúng tôi thấy các bậc phụ huynh người Do Thái hỏi con cái của họ: “Hôm nay con có đặt câu hỏi không? Con hỏi mấy câu?”. Họ cổ vũ con cái tích cực nêu ý kiến, tích cực đặt câu hỏi cho giáo viên và phụ huynh. Một đứa trẻ không biết đặt câu hỏi chỉ là một con mọt sách không hơn không kém, cũng giống như một đất nước không nghe thấy những tiếng nói chất vấn từ nhân dân thì đó là một đất nước không có tương lai, những câu hỏi sẽ khiến đứa trẻ tiến bộ và chất vấn sẽ khiến đất nước phát triển.

Giáo dục Trung Quốc về căn bản vẫn chưa cải thiện được hiện trạng giáo dục nhồi nhét, học sinh học thụ động, nhưng phương pháp giáo dục của người Do Thái lại chú trọng giáo dục gợi mở, khiến học sinh chủ động tiếp thu kiến thức. Sự khác biệt quyết định kết quả cuối cùng!

Một nền giáo dục như vậy liệu có thể mang đến cho chúng ta điều gì?

Con cái đều than thở với cha mẹ: “Dậy sớm nhất để đi học là con, về nhà muộn nhất cũng là con, chơi ít nhất là con, ngủ muộn nhất là con, mệt nhất là con, cái gì cũng là con… là con… là con”. Có những đứa trẻ do không chịu đựng được áp lực đã tìm đến những cách giải quyết cực đoan, truyền thông liên tục đưa tin về các trường hợp học sinh tiểu học và trung học tự sát. Những tiếng kêu xé lòng khiến chúng ta không khỏi đau đớn, ngày càng có nhiều đứa trẻ vô tình bị cướp mất tuổi thơ, giống như những nụ hoa mới chớm chưa kịp tỏa hương khoe sắc thì đã bị người ta dùng thuốc kích thích cho tàn nhanh vậy…

Đáng sợ là chúng ta chẳng mấy quan tâm đến vấn đề này. Phụ huynh của các học sinh tiểu học và trung học bây giờ chủ yếu là những người thuộc thế hệ 7X, hễ nói đến con cái, họ đều có chung quan điểm là trẻ con thời nay được sống đầy đủ về vật chất và tinh thần: không lo ăn, lo mặc, cần cái gì có cái đó, là mặt trời nhỏ của cha mẹ, tiểu hoàng đế của ông bà, được nâng niu chăm sóc tựa như cầm một bình pha lê trên tay chỉ sợ rơi vỡ, có đàn piano để chơi, có bút màu cao cấp để vẽ, có gia sư kèm cặp… Thời đại chúng tôi thì lấy đâu ra những thứ này.

Mà xét cho cùng, ý kiến của các bậc phu huynh cũng không sai, nhưng chúng ta đã bỏ qua một thứ, đó là niềm vui, những đứa trẻ bây giờ thiếu niềm vui. Khi còn nhỏ, chúng ta được trèo cây tìm tổ chim, xuống sông bắt cá, chạy nhảy nô đùa giữa cánh đồng, lăn lộn ở bãi bùn, chơi trốn tìm, chơi ném bao cát, chơi nhảy dây, bắn bi… Trẻ con bây giờ không được tận hưởng những niềm vui này nữa.

Nếu như lấy tuổi thơ của chúng ta đổi lấy tuổi thơ của trẻ em bây giờ, chúng ta có đồng ý không?

Tuổi thơ của chúng ta là những trận đòn đau, không có sự thương yêu ân cần của cha mẹ, không có đồ chơi, không có những bộ phim hoạt hình hấp dẫn, không có truyện tranh, không có đồ ăn vặt, nhưng tại sao mỗi khi nhớ lại thời thơ ấu, trong lòng vẫn cảm thấy vô cùng vui vẻ?

Giữa đời sống tinh thần vui vẻ và cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng đời sống tinh thần thiếu thốn, chắc hẳn không ai chọn cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng khổ sở về tinh thần. Nhưng tại sao chúng ta lại để con cái phải chịu đựng những tổn thương tinh thần đó?

Khi tụ tập cùng bạn bè, nhắc lại chuyện thời thơ ấu, mọi người ai nấy đều rạng rỡ, những chuyện vui nhiều không kể xiết. Nhưng những đứa trẻ bây giờ, cả ngày chạy sô giữa nhà và trường học, phần lớn thời gian chúng bị nhốt trong những không gian nhỏ hẹp bí bách để học, học và học. Đến khi chúng trưởng thành, ngồi tụ tập lại, nhắc lại chuyện thời ấu thơ, chúng sẽ nói những chuyện gì? Ký ức toàn một màu xám xịt, có thể tìm được điều gì đáng để nói?

Cứ nghĩ đến những điều này, lòng tôi lại thấy tê tái. Vì thế, tôi quyết tâm mang lại niềm vui cho con gái, khiến con vui vẻ học hành, khỏe mạnh trưởng thành, thuận lợi thành tài! Tôi phải cho con một tuổi thơ hạnh phúc, tôi phải làm một người cha tốt - người cha có thể làm mọi điều để con lớn lên trong niềm vui.

Con đường đi đến thành công của con sẽ như thế nào?

Sự phát triển của trẻ không thể tách rời việc “học”.

Từ lúc bi bô học nói đến lúc lẫm chẫm học đi, con gái đã bắt đầu biết quan sát thế giới xung quanh bằng đôi mắt hiếu kỳ, và điều này đã khiến tôi suy nghĩ, làm thế nào để con nhận thức được việc “học”? Mục đích cuối cùng của việc giáo dục con cái là gì?

Những suy nghĩ trên của tôi bắt nguồn từ hiện trạng giáo dục hiện nay.

Ngày nay, rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng, “học” có nghĩa là cho con đi học trước tuổi, học tiểu học, trung học, học xong trung học thì thi đại học. “Học” có nghĩa là trên lớp ngoan ngoãn ngồi nghe thầy cô giảng bài, về nhà chăm chỉ làm bài tập, đạt điểm cao khi kiểm tra hay thi cử…

Tuy nhiên mục đích cuối cùng của việc giáo dục con cái chính là mong muốn con “có tiền đồ”. Nhưng làm thế nào để “có tiền đồ” đây? Tất nhiên là khi đi học phải chịu khó học hành, có thành tích học tập tốt, sau đó thi đỗ một trường đại học có tiếng, sau này làm quan to, kiếm nhiều tiền, có danh tiếng.

Chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng trên nên các bậc phụ huynh rất kỳ vọng vào việc giáo dục của nhà trường.

Vì thế mà ngay từ ngày đầu tiên đi học, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, bọn trẻ phải học dưới sự chỉ huy của những chiếc thước, hơn nữa mục tiêu chỉ có một: thi đỗ đại học, nội dung chỉ có một: những kiến thức trong sách vở thuộc phạm vi thi, phương pháp cũng chỉ có một: chăm chỉ chịu khó học thuộc lòng…

Một nền giáo dục như vậy thì “học mà chơi, chơi mà học” hay “giáo dục theo đối tượng” chỉ là những khẩu hiệu, thực chất nó giống với kiểu giáo dục mà chúng ta đang phê phán: “giáo dục để thi cử”.

Có một bức tranh có nội dung như thế này: Ô đầu tiên vẽ đầu của nhiều đứa trẻ, đứa tròn đứa vuông, đứa gầy đứa béo, chú thích “bắt đầu đi học”, ô thứ hai vẫn là đầu của những đứa trẻ đó, nhưng không còn sự khác biệt nào nữa, tất cả dường như được đúc ra từ một khuôn, hình dạng khuôn mặt giống nhau, đứa nào đứa nấy trên mũi đều xuất hiện thêm cặp kính, chú thích “khi tốt nghiệp”. Chỉ một bức tranh như vậy đã phản ánh được hết bản chất giáo dục trong nhà trường hiện nay.

Việc giáo dục theo phương thức thống nhất mang tính dây chuyền này, cộng với phương pháp giáo dục, quan niệm giáo dục cổ hủ của một số thầy cô giáo, áp lực tâm lý, áp lực bài vở đã giết chết bao nhiêu phần bản tính nhanh nhẹn, hoạt bát, tư duy nhạy bén của trẻ…

Nhiều người khen tôi thông minh, nếu không bỏ học giữa chừng, có khi có thể thi đỗ một trường đại học danh tiếng, thậm chí có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Mặc dù tôi không có cơ hội học tập bài bản ở trường chính quy, nhưng tôi may mắn khi chỉ học trong trường có sáu năm, vì thế những gì là thiên phú của bản thân mới không bị nền giáo dục để thi cử bóp chết. Vì không đi trên cầu độc mộc, nên đường dưới chân tôi thênh thang hơn.

Dường như tôi đã có được câu trả lời cho vấn đề mà mình đang tìm hiểu: học là quá trình tích lũy kiến thức, học vì muốn có năng lực sinh tồn tốt hơn. Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp trẻ có thể độc lập trong tương lai, có thái độ tích cực lạc quan, kiên cường trong cuộc sống, có một trái tim biết cảm nhận niềm vui và lúc nào cũng đầy ắp tình thương…

Vậy thì nên cho con học thế nào?

Học hành khổ sở hay là vui học, học tập linh hoạt? Hiện thực muốn chúng ta phải học hành khổ sở nhưng học sinh và phụ huynh lại muốn vui học, học tập linh hoạt. Nhìn vào thể chế giáo dục ngày nay, liệu việc vui học, học tập linh hoạt có khả quan không? Giống như việc học bơi, không xuống nước thì vĩnh viễn sẽ không biết bơi, vì thế chúng ta phải “xuống nước” thử xem sao.

Theo những hiểu biết của tôi về tâm lý trẻ em, trong giai đoạn ở trường mẫu giáo, nhiệm vụ chủ yếu của trẻ là chơi, chơi một cách vui vẻ, thoải mái, như vậy có thể phát triển tâm lý và trí tuệ của trẻ. Sau khi đi học thì phải học mà chơi, chơi mà học. Vì thế tôi muốn con gái “chơi mà học”, vui vẻ học tập. “Chơi mà học” không phải vừa học vừa chơi mà là khi chơi phải chơi hết mình, không được nghĩ đến việc học, và ngược lại khi học phải tập trung, không được nghĩ đến việc chơi; “học mà chơi” có nghĩa là tìm thấy niềm vui trong học tập, coi việc học là một việc vui vẻ.

Vì thế, tôi đã rất tâm huyết khi lên kế hoạch cho tương lai của con, tôi gọi nó là “Ba khúc ca vui trưởng thành”, chơi ở tiểu học, vui ở trung học và đi qua đại học.

Việc phân chia làm ba giai đoạn như trên căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý ở từng giai đoạn phát triển của trẻ, cộng với những kiến thức trẻ đã tích lũy được ở từng giai đoạn cũng như việc bồi dưỡng năng lực để quyết định.

Đầu tiên, về “chơi ở tiểu học”.

Tại sao lại nhấn mạnh việc “chơi” ở tiểu học?

Thứ nhất, chơi là bản tính tự nhiên và là quyền lợi của trẻ độ tuổi tiểu học. Những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học đều rất muốn được chơi, muốn tìm được niềm vui trong những trò chơi. Chơi đùa cũng giống như ăn cơm hay mặc quần áo, đều là những nhu cầu cơ bản của trẻ. Vì thế chúng ta không nên cướp mất quyền được chơi của chúng, phải cho trẻ thời gian và không gian chơi. Từ ngày Y Y biết chơi đùa, tôi đã coi việc chơi của con là điều tất yếu, là “bài tập” bắt buộc hàng ngày của con. Chỉ cần con vui là tôi không tiếc thời gian cho con chơi. Sau khi con đi học, tôi vẫn tìm cách để con vẫn có thời gian chơi, kiên trì để con “chơi ở tiểu học”.

Thứ hai, chơi cũng là một phương thức học của trẻ tiểu học. Chơi không chỉ là một phần cuộc sống của trẻ, chơi cũng là một phần trong việc học tập của trẻ. Tôi cho rằng chơi mà học là một phương pháp học rất hiệu quả và mang lại nhiều niềm vui. Suốt những năm học tiểu học, phần lớn thời gian Y Y đều vừa chơi vừa học, hoặc là học dưới hình thức những trò chơi, và thực tế chứng minh việc học của con không hề bị ảnh hưởng mà ngược lại con vui vẻ, không có áp lực trong suốt quãng thời gian học tiểu học.

Ở giai đoạn tiểu học nhấn mạnh việc “chơi” không có nghĩa là để mặc trẻ muốn chơi thế nào thì chơi, mà cần phải đúng “độ”. Phải biết cách dẫn dắt, khiến con ngoài niềm vui ra còn có thêm năng lực và kiến thức.

Tiếp theo là “vui ở trung học”.

Trẻ có thể có được niềm vui khi chơi, nhưng niềm vui cũng có thể đến từ nhiều thứ khác ngoài chơi đùa như lao động, học tập. “Vui” mà tôi nói đến ở đây là niềm vui trong học tập.

Chúng ta đều biết chơi đùa có thể mang lại cho trẻ niềm vui, nhưng rất nhiều người lại không để ý rằng việc học cũng mang lại niềm vui, và niềm vui trong học tập thì cao hơn một bậc so với niềm vui bình thường. Hiểu một cách đơn giản là coi việc học như một niềm vui, trong quá trình vui học, có thể tiếp thu được kiến thức và kỹ năng, từ đó có được niềm vui thành công.

Nhiều năm trở lại đây, tôi vẫn lên án “khổ học”, đề xướng quan niệm “giáo dục vui vẻ”. Tôi đưa ra quan điểm “vui ở trung học” là muốn con gái tôi khác với những đứa trẻ được “rèn đúc” trong môi trường giáo dục thông thường, con gái tôi sẽ không phải khổ sở trong những tập đề thi, mà khi con đã nắm được phương pháp học căn bản, con sẽ học được cách học linh hoạt, học vui vẻ, từ đó con trưởng thành hơn, tiếp thu được những kiến thức văn hóa cần thiết trong quá trình phát triển mà không phải chịu nhiều áp lực.

“Vui ở trung học” được quyết định bởi sự phát triển của trẻ và đặc điểm học tập của trẻ ở tuổi trung học. Bài vở ở trường trung học nhiều hơn ở tiểu học rất nhiều, lượng kiến thức cũng lớn, đề cập đến nhiều lĩnh vực, độ khó cũng tăng lên, yêu cầu về năng lực cũng cao hơn ở tiểu học. Vì thế bậc trung học yêu cầu người học phải đầu tư nhiều thời gian và sức lực hơn để có thể nắm vững được những kiến thức ở bậc trung học. Hơn thế nữa ở tuổi thứ 10 trở đi, “chơi” đã không còn đủ sức thu hút toàn bộ hứng thú của trẻ, sự chú ý của trẻ đổi hướng sang những lĩnh vực khác rộng hơn, trong đó bao gồm việc khám phá thế giới qua sách vở, niềm vui trong học tập, niềm vui trong việc tìm kiếm tri thức.

Căn cứ vào những đặc điểm trên, tôi rất tự tin quyết định để Y Y “vui ở trung học”. Tất nhiên, muốn con coi việc học là niềm vui không có nghĩa là không cho con thời gian để chơi. Tôi nói với con cho dù con đã vào trung học, thời gian chơi ít hơn so với hồi tiểu học, nhưng con vẫn là đứa trẻ có thời gian chơi nhiều nhất Trung Quốc. Y Y đã nắm được phương pháp học khoa học, hơn nữa con lại rất hứng thú với việc học tập, ý thức và khả năng tự học rất cao, cho dù việc học ở bậc trung học vất vả hơn nhiều nhưng đối với con đó không phải là áp lực quá lớn.

Qua mười sáu năm, con gái đã “chơi ở tiểu học”, rồi nhẹ nhàng “vui ở trung học” và bước vào cổng trường đại học.

“Đi qua đại học” là một mục tiêu cơ bản mà tôi đã hoạch định cho cuộc sống sinh viên của con gái. Trong trường đại học là quãng thời gian quan trọng để rèn giũa một con người, ở giai đoạn này sinh viên không chỉ học kiến thức văn hóa mà còn cần chú trọng bồi dưỡng năng lực, tố chất của bản thân ở mọi phương diện. Ví dụ phải học cách tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau, từ đó xử lý tốt các mối quan hệ với bạn cùng phòng, với những người xung quanh, phải tăng cường bồi dưỡng tố chất tâm lý tốt, phải có sự bình tĩnh khi đối diện với những sự việc hàng ngày, phải rèn luyện khả năng tổ chức, sắp xếp, lãnh đạo của bản thân, tích cực tham gia các đoàn hội, các hoạt động đoàn thể, cần nhận thức rõ bản thân mình, xác định được mình là ai, có quy hoạch sơ bộ cho tương lai, kế hoạch cho cuộc sống trong trường đại học cũng phải được hoạch định rõ ràng…

Trong quá trình “đi” này, con cũng sẽ có những niềm vui. Trước tiên vì con rất yêu cuộc sống sinh viên, mỗi ngày con đều sống và học hết mình, trân trọng từng ngày trong trường đại học; tiếp đó, con rất tích cực, có ý chí khi làm hay quyết định một việc gì đó.

Khi con gái bước từng bước vững chắc qua ba gia đoạn, tôi tin rằng con sẽ trưởng thành trong niềm vui, con sẽ vững vàng bước đi trên con đường đời của bản thân mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3