Cùng con trưởng thành - Chương 02 - Phần 2
Ngày 8 tháng 3, con gái mặc quần áo chỉnh tề, khoác lên vai chiếc cặp sách tôi mua tặng hồi ở Thanh Đảo với đầy đồ chơi và đồ dùng học tập mới mua, tíu tít cùng cha mẹ đến trường mẫu giáo. Hiệu trưởng và cô giáo dẫn chúng tôi đi tham quan từng lớp học một. Con gái không lạ, tự nhiên như đang ở nhà vậy, đến lớp nào cũng không ngồi yên, sờ hết cài này đến cái kia, mắt không ngừng quan sát mọi thứ xung quanh, vẻ mặt lộ rõ sự vui mừng ngạc nhiên.
Sau một hồi tham quan, con gái được cô giáo phân vào lớp mẫu giáo bé. Phòng học có chừng hơn hai mươi cháu, đều lớn hơn con gái, cháu nào cháu nấy đều đang quấy khóc, vì là ngày đầu tiên đi học, những cháu bé này đa số cũng là lần đầu tiên đi mẫu giáo. Cô giáo thì vô cùng bận rộn, bế cháu này, dỗ cháu kia, nhưng tiếng khóc không hề thấy giảm mà ngược lại càng lúc càng to hơn. Tôi và vợ đứng ngoài cửa vô cùng lo lắng quan sát, con được đưa vào lớp và được xếp ngồi vào một chiếc ghế nhỏ, con cảm thấy mới lạ thích thú chứ không thấy có biểu hiện quấy khóc. Chúng tôi thấy con quan sát phòng học, khi con phát hiện ra ở góc tường có một chiếc xe, con cười toe toét rồi đứng dậy, lập tức tiến sát tới “mục tiêu” và vui vẻ “lái xe”, không hề để ý đến những tiếng khóc xung quanh. Khi một bé trai tiến đến ngăn không cho xe của con đi, con nhảy ra khỏi xe, quay mạnh tay lái, vòng qua người bé trai kia, tiếp tục “hành trình” của mình.
Tôi và vợ bớt được lo lắng phần nào, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng khi con không còn cảm thấy mới lạ nữa, liệu con có vui vẻ ngoan ngoãn chơi như vậy nữa không? Vì thế mà tôi bảo vợ về nhà trước, còn mình ở lại tiếp tục quan sát, tiện thể ghi lại những biểu hiện của con trong ngày đầu tiên đến trường mẫu giáo. Không thể ngờ rằng, những giờ sau đó, lên lớp, ăn cơm, ngủ trưa… cả ngày con đều rất ngoan, không hề biết cha đang khổ sở lấp ló bên ngoài cửa sổ quan sát con.
Chẳng mấy chốc đã đến giờ tan học, phần lớn các cháu mắt đều ửng đỏ, nấc nghẹn, nhìn thấy cha mẹ đến đón thì ôm lấy cha mẹ tủi thân òa khóc nức nở. Nhưng con gái tôi thì lại khác, từ xa con đã nhìn thấy tôi, con chạy đến như một con chim én nhỏ, vẻ mặt vẫn vui vẻ phấn khởi. Tôi hỏi con mai có muốn đi học nữa không, con nói chắc như đinh đóng cột: “Có!”.
Thời gian sau đó, ngày nào con cũng vui vẻ đi mẫu giáo, sau khi tan học về nhà đều vui vẻ hát những bài hát đã học ở trường cho cha mẹ nghe. Nghe giọng hát trong trẻo của con cất lên: “Sớm rời xa vòng tay của mẹ thì sớm trưởng thành, không rời xa mẹ thì không thể lớn lên được”, tôi cay cay sống mũi…
Chuyện con gái lên truyền hình
Cùng với sự phát triển của truyền thông, việc “lên truyền hình” đã không còn là chuyện hiếm nữa, chỉ cần muốn, ai cũng có thể xuất hiện trên truyền hình trong vài giây. Vài năm gần đây, vì học vượt cấp, xuất bản sách, thi đại học đạt điểm số cao…, con gái Y Y trở thành khách mời thường xuyên của đài truyền hình. Nghĩ lại quá trình con gái lên truyền hình, thật cũng lắm chuyện ly kỳ.
Mùa thu năm 2000, tôi từ Hàng Châu trở về Cát Lâm với một chút thành tựu, sự nghiệp của tôi lúc đó cũng đang phát triển thuận lợi.
Năm 2001, tôi trở thành tiêu điểm của các báo, tạp chí, đài phát thanh và đài truyền hình, họ mời tôi phỏng vấn, quay phim chuyên đề. Đặc biệt là Đài truyền hình Cát Lâm, đài truyền hình lớn mạnh nhất của tỉnh đã dành cho tôi nhiều ưu ái, họ quay tới tận ba bộ phim chuyên đề. Bộ đầu tiên do chương trình “Tiếng vọng tin tức” sản xuất, biên tập chương trình - Vương Diễm Đông đã lên kịch bản trước cho tôi, cuối chương trình còn sắp xếp một tiết mục biểu diễn của con gái.
Con gái nghe nói mình sẽ được xuất hiện trên truyền hình thì vui lắm, một tuần trước khi quay, con đã bắt đầu chuẩn bị tiết mục biểu diễn của mình. Con còn thông báo việc mình sắp “lên truyền hình” với cô giáo và các bạn ở trường, các bạn hàng xóm, thậm chí với những người mà con biết nhưng không thân quen lắm, tóm lại những ai có thể thông báo con đều thông báo hết.
Ngày 15 tháng 5, tôi cùng con đến trường quay của Đài Truyền hình Cát Lâm để ghi hình. Trong khi đang ghi hình, con gái không ngừng hỏi mẹ khi nào thì đến lượt con biểu diễn. Vợ tôi đã bảo với con rằng, con chú ý nghe lời của người dẫn chương trình, khi đến lượt con biểu diễn thì người dẫn chương trình sẽ giới thiệu con với khán giả, lúc đó con sẽ lên sân khấu. Nhưng đến khi người dẫn chương trình thông báo kết thúc chương trình, con gái vẫn chưa nghe được lời mời lên sân khấu biểu diễn. Nhìn thấy dưới khán đài mọi người đã dứng dậy ra về, con gái hét lớn: “Còn tiết mục của con thì sao?!”, nhưng tiếng la của con trở nên yếu ớt trong trường quay rộng lớn với nhiều âm thanh hỗn tạp từ đám đông khán giả, cảm thấy không ai để ý đến mình, con tuyệt vọng và òa khóc.
Mọi người nghe thấy tiếng khóc nên để ý xem có chuyện gì, lúc đó người dẫn chương trình mới sực nhớ ra rằng buổi ghi hình ngày hôm nay đã quên mất “nhân vật nhỏ” là con gái Y Y. Nhìn con mặt đầy nước mắt, Diêm Tuần Hồng và Vương Diễm Đông đều thấy rất có lỗi vì sơ suất của mình, hai người giải thích và xin lỗi con gái tôi. Vương Diễm Đông an ủi con: “Y Y con đừng lo, đợi đến lúc quay tiếp chương trình của cha con, dì nhất định sẽ bổ sung tiết mục của con”.
Năm tháng sau, “Tôi là nhân tài” - một chương trình rất nổi tiếng của Đài Truyền hình Cát Lâm lại mời tôi tham gia, do biên tập không có kịch bản cho tiết mục của con gái, tôi cũng ngại nên không thể đề xuất, vì thế mà lần này tất nhiên không có phần biểu diễn của con. Sau khi ghi hình xong, trong buổi liên hoan chúc mừng ghi hình thuận lợi, tôi vô tình nhắc đến việc lần trước ghi hình chương trình “Tiếng vọng tin tức” đã quên mất phần biểu diễn của con gái, người chịu trách nhiệm sản xuất kiêm dẫn chương trình Lâm Lập của “Tôi là nhân tài” nói với tôi đầy vẻ tiếc nuối: “Tại sao anh không nói sớm, hôm qua anh nói thì vẫn kịp, như vậy có thể thỏa niềm mong ước của con bé, lại vừa làm phong phú cho chương trình”. Tôi cười nói: “Không sao, không sao”. Sau đó Lâm Lập nói với biên tập Phùng Văn Huy: “Chúng ta chờ lần sau vậy”.
Không ngờ cơ hội này lại đến nhanh như vậy.
Một tháng sau, chương trình “Chuyện Tửu Quán” của Đài Truyền hình Cát Lâm lại tìm tôi để ghi hình. Người chịu trách nhiệm sản xuất Tôn Hải Bình và người dẫn chương trình Cao Sam nói với tôi là họ muốn ghi hình cả người thân, bạn bè và đồng nghiệp của tôi, xem hình ảnh Đông Tử trong mắt họ như thế nào.
Lần này, con gái, vợ, và cả em vợ tôi một lần nữa lại đến trường quay của Đài truyền hình Cát Lâm. Lần ghi hình này con gái vô cùng chăm chú theo dõi người dẫn chương trình, chỉ sợ chương trình lại quên mất mình. Khi máy quay quay đến con, con gái nhìn vào máy quay và mỉm cười, bắt máy quay rất chuyên nghiệp. Người dẫn chương trình hỏi gì con đều trả lời rất súc tích, trôi chảy. Đặc biệt khi đến cuối chương trình, người dẫn chương trình mời con nhận xét đánh giá về cha của mình, con nói: “Cha biết chơi, lại còn biết nấu đồ ăn ngon cho con…”. Khi người dẫn chương trình mời con biểu diễn một tiết mục để tặng cha, con không hề lo lắng mà còn biểu diễn một bài hát tiếng Anh rất tự nhiên.
Được xuất hiện trên truyền hình, con gái đã biết thêm được rất nhiều thứ, mở mang tầm mắt, đồng thời con cũng học hỏi được nhiều điều. Tôi thường nói với con, chúng ta luôn muốn thành công, nhưng chúng ta không nên sợ thất bại, trong cuộc sống không có ai mãi mãi là nhân vật chính, chỉ có cách “diễn” tốt vai phụ, chúng ta mới có cơ hội để trở thành nhân vật chính xuất sắc, phải có một tâm lý thoải mái đối mặt với thất bại. Bây giờ khi đã mười sáu tuổi, con lại nói những “đạo lý” này với tôi.
Được dõi theo sự trưởng thành của con gái, vừa là trách nhiệm vừa là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà tiền bạc không thể nào mua được!
Tại sao Y Y không muốn về nhà?
Khi Y Y được bốn tuổi, mỗi lần đón con từ trường mẫu giáo về vợ tôi thường than thở, gần đây mỗi lần đón con, con thường quấy không muốn về nhà, lần nào vợ tôi cũng phải dỗ dành, khuyên răn thậm chí là nổi cáu, con mới chịu theo về nhà. Kết quả là con khóc cả quãng đường về, về đến nhà vẫn không ngừng khóc. Thấy những đứa trẻ khác khi thấy cha mẹ đến đón thì vui mừng khôn xiết, vợ tôi thấy rất tủi thân, tại sao con mình lại không nhớ nhà, không nhớ cha mẹ?
Tháng 9 năm 2000, tôi cùng vợ trở về Trường Xuân, cuối cùng cả nhà đã được đoàn tụ. Để tiện cho việc đưa đón con, chúng tôi gửi con đến một trường mẫu giáo gần nhà. Lần đầu tiên đến với môi trường mới, hơn nữa hàng ngày được sống cùng cha, con gái rất vui mừng. Mấy ngày hôm đó ngày nào tôi cũng vội vàng đưa con đi mẫu giáo, buổi chiều khi đến đón con, con chỉ muốn nhanh về nhà, con nói muốn chơi cùng với cha. Về đến nhà con kể cho chúng tôi nghe chuyện về cô giáo, chuyện về các bạn ở trường mẫu giáo mới với vẻ mặt tràn ngập niềm vui. Mỗi khi nhìn thấy bóng mẹ ở cổng trường, con chạy nhanh ra cửa và gọi mẹ, có lúc còn quên cả chào tạm biệt cô giáo.
Nhưng hai tháng sau, khi vợ tôi đi đón con, con không còn chạy ngay đến bên mẹ như trước nữa. Lúc đầu con tìm mọi lý do, mè nheo để cố gắng nán lại trường một lúc, đến khi các bạn nhỏ khác đều về hết con mới miễn cưỡng cùng mẹ về nhà. Sau đó thì con dứt khoát không chịu về nhà, con nói với mẹ là con không muốn về nhà, muốn ở lại trường. Vợ tôi không hiểu tại sao con lại như vậy, trường không có ở nội trú, khi tan học tất các học sinh đều được phụ huynh đón về nhà, chỉ có một bà cụ ở lại để trông coi trường, rốt cuộc là con quyến luyến điều gì ở trường đây? Con còn nói: “Con muốn ngủ lại ở trường cùng với bà”. Mỗi lần đi đón con, vợ tôi đều phải đau cổ rát họng lôi, kéo con trước mặt những phụ huynh khác, điều này khiến vợ tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Tại sao con lại không muốn về nhà? Chúng tôi phải bắt đầu suy ngẫm về vấn đề này.
Khi còn ở Yên Đài, vợ tôi sống trong khu tập thể dành cho cán bộ giáo viên của trường, rất gần với ký túc xá của học sinh. Mỗi khi đón con từ trường về nhà, học sinh của vợ tôi thường mang con ra sân vận động chơi bóng, chơi trò chơi, cho đến khi trời tối con mới chịu về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi. Vì thế mà mỗi lần tan học, con đều nhắc là tìm các anh các chị chơi, nhìn thấy các anh các chị là con hoạt bát lên hẳn. Có học sinh chơi cùng con, vợ tôi ít chơi cùng con hẳn, cô ấy dành thời gian để chuẩn bị giáo án, chấm bài, học hành, ít quan tâm đến con.
Khi về Trường Xuân, do công việc có sự thay đổi, thời gian rảnh rỗi của vợ tôi càng ít, hầu như ngày nào cũng phải làm việc cả tối, tôi thì tối ngày đều bận rộn. Vì thế mà chúng tôi không có nhiều thời gian để chơi cùng con, khi đón con từ trường về chúng tôi mở tivi cho con xem, chuyển sang kênh phim hoạt hình cho con, chúng tôi dặn con ngồi ngoan một mình xem tivi, không được làm phiền cha mẹ làm việc. Sau đó thì hai chúng tôi ai làm việc nấy. Sau khi ăn cơm tối xong, tôi vội vàng đến tòa soạn để trực ca đêm (nghe điện thoại gọi đến “Đường dây tư vấn tâm lý”), vợ tôi sau khi tắm rửa cho con thì đặt con vào giường, nhét cho con con búp bê vải, để con ôm búp bê ngủ. Sau đó thì tắt hết đèn điện, quay trở lại phòng tiếp tục làm việc.
Vì cha mẹ bận việc, không chơi cùng nên con gái đã từng tỏ ra không vui, có lúc vợ tôi đang tập trung suy nghĩ, con đẩy cửa vào phòng làm việc ôm lấy mẹ đòi mẹ chơi cùng, nhưng vợ tôi không những không đáp ứng nguyện vọng của con mà còn mắng con vì đã làm gián đoạn mạch suy nghĩ của cô ấy, giục con đi ngủ. Không dưới một lần Y Y nhắc đến các anh các chị trước đây chơi cùng con, con nói là ghét nơi ở bây giờ, ngày nào cửa cũng đóng chặt, không có ai chơi cùng. Thậm chí con còn đòi về ở “nhà” cũ trước đây, nơi mà con thường xuyên được chơi cùng các anh các chị. Những điều Y Y nói vợ tôi đều không để ý, cô ấy cho rằng sau một thời gian con sẽ quên hết cuộc sống trước đây như thế nào.
Sau khi suy nghĩ lại, chúng tôi đã hiểu tại sao con lại như vậy. Ở thời chúng tôi cái ăn, cái mặc, đồ chơi đều thiếu thốn, chúng tôi cũng không được cha mẹ yêu thương như những đứa trẻ bây giờ. Nhưng có một điều mà chúng tôi hạnh phúc hơn, đó là chúng tôi không cô đơn. Chúng tôi còn có anh chị em, có rất nhiều bạn cùng trang lứa, hàng ngày có thể cùng các anh chị em chơi trò chơi, dọn dẹp nhà cửa, cùng ra ngoài thả diều, chơi trốn tìm, khi ấm ức thì có thể kể lể với các anh chị, khi vui vẻ có thể trêu đùa cùng các em. Nhưng trẻ con bây giờ, mặc dù cha mẹ suốt ngày ở bên cạnh, coi con như mặt trời nhỏ, coi con là tiểu hoàng đế nhưng mặt trời và hoàng đế thì chỉ có một, trong nhà các con vẫn chỉ có một mình, vẫn cô đơn. Nhìn bề ngoài thì thấy các con muốn cái gì là đều có cái đó, không thiếu thứ gì nhưng thực tế là các con thiếu người bạn nhỏ đồng hành cùng mình.
Trẻ nhỏ cần có bạn chơi cùng, nhưng trong nhà lại không có ai chơi, cha mẹ thường không để ý đến tâm lý này của trẻ, cha mẹ thường xuyên bận rộn với công việc của riêng mình, suy nghĩ những vấn đề của người lớn mà không để ý đến sự cô đơn, niềm khát vọng trong thế giới nội tâm của trẻ. Vì thế mà muốn giải quyết vấn đề con không muốn về nhà, đầu tiên phải khiến con không còn cảm giác cô đơn nữa, khiến con không còn cảm thấy nhà chỉ là cái tổ của một con kiến mà cảm thấy nhà là một nơi tràn ngập niềm vui của cả một đàn kiến. Để làm được điều đó thì những người làm cha làm mẹ như chúng ta phải dành thời gian để làm kiến chúa, dành thời gian làm bạn cùng con. Tất nhiên là công việc thì không thể bỏ, nhưng nếu dồn toàn bộ tâm trí vào công việc thì chúng ta sẽ vô tình đánh mất con.
Thời gian sau đó, mỗi tối tôi đều phải đóng vai “kiến cha”, trước khi ngủ tôi kể chuyện cho con nghe đến khi con chìm vào giấc ngủ. Cứ như thế chúng tôi lấy lại niềm tin của con, kéo con lại với gia đình.
Vì con nên mỗi ngày cắt điện một lúc
Có nhiều chuyện, kiên trì không phải là chuyện dễ dàng, ví dụ như việc chơi cùng con.
Một năm sau quãng thời gian con không muốn về nhà, vào một buổi tối, Y Y đột nhiên hỏi tôi: “Cha ơi, điện hàng ngày chúng ta vẫn dùng do ai quản lý vậy ạ?”. Mặc dù con gái chỉ thuận miệng hỏi câu này nhưng tôi vẫn trả lời con: “Sở Điện lực”.
“Vậy thì họ có thể cắt điện đúng không ạ?”. Đôi mắt con gái bỗng sáng lên. Thấy tôi gật đầu, con ngập ngừng một lúc rồi lại hỏi nhỏ: “Vậy con có thể gọi điện cho họ không ạ?”. Câu hỏi của con đã khiến tôi phải chú ý, tôi không thể không quan tâm đến điều con đang nói, tôi hỏi con có chuyện gì. Con gái nháy nháy mắt nói: “Con muốn nhờ họ cắt điện một lần..”.
“Tại sao?”. Càng lúc tôi càng thấy lạ.
“Buổi tối nếu như không có điện, chúng ta không xem được tivi, cũng không dùng được máy tính, như vậy cha và mẹ có thể chơi cùng con. Chúng ta có thể thắp một cây nến, chơi trò trốn tìm trong phòng, cha mẹ còn có thể kể cho con nghe rất nhiều câu chuyện…”. Con càng nói càng hào hứng, vừa nói vừa hoa chân múa tay. Nhưng khi ngẩng đầu nhìn thấy ánh đèn điện sáng choang, con không còn hào hứng nữa, gương mặt lộ vẻ thoáng buồn.
“Tại sao chẳng khi nào mất điện cả? Ở trường mẫu giáo cả ngày con đã không được nhìn thấy cha mẹ, tối về nhà cha mẹ lại chẳng thèm để ý đến con. Buổi tối cha mẹ người thì xem tivi, người thì đọc sách, mở máy tính viết lách, chẳng có ai quan tâm đến con, chả có gì thú vị cả”. Mắt ngấn lệ, nhưng con cố gắng kìm nén: “Mấy ngày nữa cha lại đi công tác rồi, mẹ lại bận hơn nhiều, hàng ngày đều không có thời gian chơi cùng con. Nếu như cắt điện, không phải làm gì nữa, cha mẹ có thể chơi cùng con, có đúng không ạ?”.
Tôi và vợ đều ngây người ra khi nghe con nói, những gì con nói đều đúng, từ ngày con đi học mẫu giáo, vợ chồng chúng tôi đều cho rằng con đã lớn rồi, không còn giống như hồi còn bé đi một bước trông một bước, phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc con. Vì thế mà mỗi khi đón con về nhà xong thì lại bận nấu nướng, ăn cơm, dọn dẹp, sau đó thì giục con về phòng mình để cha mẹ xem các chương trình truyền hình yêu thích hoặc là tiếp tục viết bản thảo còn dang dở. Còn con gái làm gì trong phòng, nghĩ gì chúng tôi rất ít khi hỏi han.
Nghĩ đến vẻ u sầu của con gái, tôi thấy vô cùng có lỗi với con. Ngồi đối diện với con, tôi đưa tay xoa đầu con bé và nói: “Con yêu, việc này con cứ để cha giải quyết. Tối hôm nay chúng ta sẽ cắt điện, cha và mẹ sẽ cùng con chơi trò trốn tìm!”. Con tròn mắt nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, rồi lại quay sang nhìn mẹ, nhìn thấy mẹ gật đầu trịnh trọng, con đặt đũa xuống vỗ tay tán thưởng như vừa được nghe một tin vui, con vui mừng hô lớn: “Cha mẹ tuyệt vời!”.
Chỉ một chốc con đã ăn xong cơm, còn nhanh nhẹn giúp mẹ thu dọn bàn ăn. Vừa thu dọn con vừa nháy mắt ra hiệu cho tôi, con cứ gặng hỏi: “Thật sự là cha có thể cho cắt điện được ạ? Chú quản lý đã đồng ý với cha ạ? Khi nào thì cắt điện ạ?”. Mồm miệng tay chân con không ngừng nghỉ, vẻ hào hứng của con khiến tôi cảm thấy áy náy vô cùng: Ngày thường chúng tôi đã không thực sự quan tâm đến con!
Sau khi đã dọn dẹp mọi thứ đâu vào đấy, tôi làm theo lời con miêu tả, thắp một ngọn nến rồi tắt hết đèn điện trong nhà: “Mất điện rồi, mất điện rồi!”. Con vui sướng nhảy nhót, tim tôi như cũng bay lên cùng với niềm vui của con, cả nhà cùng nhau chơi rất nhiều trò chơi. Tiếng cười, tiếng hát và cả tiếng hoan hô tràn ngập gian phòng trong ánh nến đung đưa...
Trước khi đi ngủ con vui vẻ nói với tôi: “Mất điện thật là vui, sau này ngày nào chúng ta cũng cắt điện được không cha?”. Tôi gật đầu trả lời con: “Được, từ nay về sau, mỗi tối chúng ta sẽ cắt điện một lúc!”.
Buổi tối hôm đó con ngủ rất ngon, khi ngủ môi chúm chím nụ cười. Cũng lâu rồi tôi chưa vui như thế, chưa bao giờ cảm nhận niềm hạnh phúc con gái mang lại cho tôi chân thật và gần gũi như thế.
Từ đó trở về sau, cho dù tôi và vợ có bận đến như thế nào, bất luận ban ngày làm việc mệt mỏi cần nghỉ ngơi thế nào, nhưng cứ sau bữa cơm tối, tôi đều để nhà mình “mất điện” nửa tiếng đồng hồ, dành toàn bộ thời gian cho con gái, toàn tâm toàn ý chơi cùng con, cùng con tận hưởng quãng thời gian vui vẻ.
Trong thời gian này, chúng tôi được nghe nhiều tâm sự của con, những điều mà bình thường chúng tôi không nghe được, chúng tôi cũng nói những suy nghĩ của mình, điều mà trước đây chúng tôi không có thời gian để nói với con. Vừa giải trí vừa tâm sự, tôi và con trở nên gần gũi hơn, vì thế tôi càng hiểu hơn về con gái mình.
Ngủ một mình vẫn ngon
Bậc làm cha làm mẹ ai cũng biết, nếu con được lớn lên trong sự bao bọc chiều chuộng của cha mẹ, con mãi mãi sẽ không trưởng thành, phải bồi dưỡng cho con tính độc lập, phải cho con một không gian của riêng mình. Để bồi dưỡng tính tự lập cho con gái, tôi tạo mọi cơ hội để con có một không gian của riêng mình, ngủ một mình cũng là một cách để tạo cho con tính tự lập.
Trước bốn tuổi Y Y luôn ngủ chung với cha mẹ. Ba người chúng tôi ngủ trên một chiếc giường lớn, trước khi ngủ tôi thường kể chuyện cho con nghe, con cảm thấy như vậy thật là hạnh phúc.
Sau sinh nhật lần thứ tư của con, chúng tôi quyết định cho con ngủ riêng. Chúng tôi tạm thời cho con ngủ một mình trên chiếc giường nhỏ kê cạnh chiếc giường lớn. Lúc đầu tất nhiên là con không muốn như vậy, con từng vì thế mà quấy khóc, chúng tôi vừa an ủi vừa động viên con: “Trẻ con lớn rồi đều phải ngủ một mình, hơn nữa mặc dù chúng ta không cùng ngủ trên một chiếc giường nhưng chúng ta vẫn ngủ chung một phòng”. Cuối cùng Y Y cũng đành chấp nhận phương án của chúng tôi.
Buổi tối đầu tiên là vợ tôi dỗ cho con ngủ, nhưng thế nào con cũng không ngủ được, cô ấy vừa về giường lớn là Y Y đã bám ngay theo. “Mẹ đừng bỏ con một mình, con muốn được ngủ chung với cha mẹ!”. Nhưng chúng tôi không để ý đến khẩn cầu của con, sau một hồi làm công tác tư tưởng, chúng tôi lại bế con về giường nhỏ nằm. Sau khi đắp chăn cho con, tôi nhẹ nhàng nói với con: “Rồi đến lúc con phải lớn lên, không thể ngủ chung với cha mẹ cả đời được…”. Khuyên răn một thôi một hồi, có lẽ con đã thấm mệt, chưa đợi tôi nói hết câu, con đã chìm vào giấc ngủ…”.
Sau này, trong một cuốn sách, Y Y đã viết như thế này: Từ hôm đó, mình cứ nghĩ rằng cuộc sống hạnh phúc đã kết thúc rồi. Nhưng mà chỉ sau mấy ngày, mình phát hiện ra rằng cũng không đến nỗi tệ lắm. Mặc dù mình đã mất đi niềm hạnh phúc khi được ngủ cùng với cha mẹ, nhưng chiếc giường nhỏ lại mang đến cho mình niềm vui và sự tự do, mình có thể lăn lộn thoải mái trên chiếc giường nhỏ đó và nó trở thành thiên đường vui vẻ của mình.
Con tự do và vui vẻ như thế trong thời gian một năm.
Vừa thổi tắt nến sinh nhật lần thứ năm, vợ tôi nói với con: “Y Y, cha và mẹ còn chuẩn bị cho con một món quà sinh nhật, con có muốn xem không?”. Con gái vui mừng nhảy nhót: “Con muốn ạ, con muốn ạ!”. “Cha và mẹ đã trang trí cho con một căn phòng thật xinh xắn, từ hôm nay con sẽ là chủ nhân của nó”. Mặc dù muốn có một căn phòng của riêng mình, nhưng con lại không muốn ngủ một mình ở đó, vì thế con nói: “Nhưng con không muốn ngủ ở đó”. Lúc này tôi cười nói với con: “Con yêu, đó là phòng ngủ và phòng học của con, ban ngày con có thể chơi và học, buổi tối thì nghỉ ngơi ở đó, như thế mới có thể chứng minh được là con đã lớn rồi.
Vừa nghe nói ngủ một mình ở căn phòng mới có thể chứng minh được là mình đã lớn, con liền vui vẻ đồng ý.
Buổi tối hôm đó cho dù thế nào thì con cũng ngủ không ngon, vợ tôi phải ở lại cùng con rất lâu, tôi thì kể cho con rất nhiều chuyện con mới dần dần ngủ được. Đến nửa đêm, Y Y muốn đi vệ sinh, nhưng vừa mở mắt thì không thấy cha mẹ đâu cả, con ra sức la lớn. Hai vợ chồng lập tức chạy sang đưa con đi vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh xong, Y Y nói dù thế nào mẹ cũng phải ở lại, vì thế vợ tôi đành phải ngủ lại cùng con. Mấy ngày sau đó, hai vợ chồng tôi thay nhau ru con ngủ, đợi cho con ngủ rồi, chúng tôi mới quay lại phòng mình nghỉ ngơi.
Một tháng sau đó, trước khi đi ngủ Y Y nói với mẹ: “Từ hôm nay trở đi con sẽ ngủ một mình, mẹ không cần ngủ cùng con nữa, bởi vì con đã lớn rồi”. Nghe con nói vậy, vợ tôi hôn con và nói: “Con yêu của mẹ lớn thật rồi, đã hiểu chuyện rồi”.
Sau này trong một cuốn sách, con viết:
Sau đó mỗi ngày trước khi đi ngủ, mình đều gấp quần áo gọn gàng, xếp theo trật tự để cạnh gối, chui vào trong chăn, sau đó rất nhanh mình đã chìm vào giấc ngủ. Mình phát hiện rằng ngủ một mình cũng rất hạnh phúc, rất ngon giấc.
Đến nay, cuộc sống hạnh phúc như thế, giấc ngủ ngon như thế đã theo con được mười năm rồi.