Cùng con trưởng thành - Chương 02 - Phần 1

Chương II

GIÁO DỤC SỚM - QUAN ĐIỂM CỦA TÔI VÀ vợ không thống nhất

Giữa việc giáo dục ở nhà trường và giáo dục ở gia đình, tôi quyết định đi theo một con đường mới, không mạo hiểm mà lại có thể giải quyết được vấn đề giáo dục con cái. Nếu việc học cũng có thể mang đến niềm vui cho bọn trẻ, liệu chúng có chán ghét việc học nữa không? Liệu chúng có còn coi việc học là một công việc khổ sai nữa không?

Con gái một tuổi đã phải phiêu dạt ba tỉnh

Mặc dù ngày nay việc thường xuyên thay đổi nơi sinh sống, làm việc là một điều bình thường, nhưng một đứa bé mới chỉ một tuổi mà đã phải lần lượt sống ở ba tỉnh Cát Lâm, Sơn Đông và Thiểm Tây thì có thể nói là hiếm có, con gái Y Y của tôi là một trong số ít những đứa trẻ đã trải qua cuộc sống như thế.

Ở phần đầu tôi có nhắc khi con gái ra đời, lúc đó tôi đang làm việc ở Tây An, không thể ở bên con giây phút đầu tiên khi con chào đời, không thể ở bên vợ lúc cô ấy cần tôi nhất. Hai tháng sau, ngày 22 tháng 12, tôi kết thúc khóa bồi dưỡng ở Tây An trước một tuần, lên chuyến tàu tối về quê, dự kiến tối ngày 24 sẽ về đến nhà. Tôi mang theo quà cho vợ và cha mẹ, lúc đó tâm trạng xốn xang, chỉ mong sớm về nhà, mở cửa và nhìn thấy con gái yêu. Trên đường về, tôi cứ tưởng tượng lúc về tôi sẽ làm gì khi gặp con, ôm lấy con hay là cúi người và hôn con, câu đầu tiên tôi nói với con là “Con yêu, ta là cha của con đây!” hay là “ Y Y, con nhớ cha không?”.

Nhưng khi đẩy cửa bước vào, trong nhà có rất nhiều họ hàng đến chơi, tôi chỉ liếc nhìn cô con gái yêu mà tôi hằng đêm mong nhớ rồi ra nói chuyện với mọi người. Không lâu sau, mẹ của Y Y đã nhắc: “Bao nhiêu ngày rồi hôm nay mới về, anh không mau đi thăm con”. Mọi người thấy thế cũng giục tôi: “Đúng rồi, đi thăm con trước đi”.

Tôi ngắm nghía thật kỹ cô con gái yêu được quấn tròn trong chiếc chăn hoa, môi mỉm cười và đang ngủ say sưa. Cô dì chú bác đều nói con bé có cái cằm giống tôi, mũi giống mẹ. Mấy lần tôi định hôn con nhưng rồi lại thôi, tôi sợ làn da thô sần của tôi sẽ làm đau làn da mỏng manh của con, hơn nữa trong nhà có nhiều người, tôi cũng thấy hơi ngại, vì thế mà vợ tôi trách móc, cho rằng tôi không yêu con, tất nhiên là chỉ một thời gian ngắn tôi đã cho cô ấy biết sự thực không phải như vậy.

Dường như con cũng biết là cha về, nên nửa tiếng sau con dậy, mỉm cười với tôi, giây phút đó tôi cảm thấy mình hạnh phúc biết bao, tôi nói với con: “Con yêu, ta là cha của con đây, cha của con đây”. Tôi nói đi nói lại vài lần, vợ tôi và họ hàng thấy vậy cũng chỉ vào tôi và nói với con: “Cha, Y Y, đây là cha của con”. Tôi đón con từ tay vợ, vì chưa quen bế trẻ con, tôi bế không được khéo nên làm con khóc, mọi người thấy vậy mắng tôi: “Nhìn cậu kìa, bế một đứa trẻ cũng không bế nổi”. Nghe mọi người mắng vậy nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Ngày hôm sau, người cha không biết bế con là tôi đã chăm chỉ học cách bế con và chính thức “nhận nhiệm vụ”: nào là thay tã, rồi pha sữa cho con. Mặc dù mẹ và vợ tôi không cho tôi làm những việc này nhưng tôi vẫn cố hết sức làm, tôi nghĩ rằng khi con còn nhỏ, những việc như thế là những việc căn bản mà người cha có thể làm, hơn nữa đó lại là một trải nghiệm đầy hạnh phúc. Hạnh phúc làm cha của tôi bắt đầu như thế đó!

Ngày 16 tháng 2 năm 1997, tức ngày 10 tháng Giêng Âm lịch, tôi cùng vợ từ biệt người thân để đến quê vợ Long Khẩu, Sơn Đông. Lúc đó con gái Y Y chưa đầy bốn tháng tuổi nhưng rất ngoan, không quấy khóc, con không ngừng quan sát xung quanh. Hai ngày sau, chúng tôi đến một bản miền núi thuộc bán đảo Giao Đông. Cả nhà vợ đón chúng tôi, ở nhà mẹ vợ mấy ngày, tôi và vợ vội quay lại Tây An để làm việc, mong có thể mang đến cho con gái yêu một tương lai hạnh phúc.

Trở về Tây An, tôi bắt đầu làm chủ nhiệm Ủy ban Công tác các trường đại học thuộc Hiệp hội Quan hệ công chúng tỉnh Tây An, tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, thành lập đội nghi thức quan hệ công chúng của sinh viên đại học tỉnh Thiểm Tây, đồng thời tôi cũng nhận lời dẫn chương trình “Tư vấn tâm lý Đông Tử” của Đài Tiếng nói nhân dân Tây An. Lúc công việc đang khởi sắc thì tôi nhận được điện thoại của em vợ nói rằng vì thời gian con gái tôi chào đời và thời gian đăng ký kết hôn của vợ chồng tôi không hợp lý (tôi và vợ bổ sung đăng ký kết hôn sau), ban kế hoạch hóa gia đình của địa phương cho rằng đứa bé thuộc diện sinh vượt kế hoạch hóa gia đình, hoặc là phải nộp phạt, hoặc đứa bé phải rời khỏi địa phương.

Vốn đã tính đến cuối năm, đợi con tròn một tuổi tôi sẽ đón con đến sống cùng và bắt đầu kế hoạch giáo dục con của mình. Nhưng chuyện này bất ngờ xảy ra khiến tôi không thể không thay đổi phương án, trước tiên phải đón con về. Vợ tôi đã tức tốc về quê nhà Sơn Đông, đón con về Tây An.

Ngày 30 tháng 7, vợ tôi mang theo cô con gái vẫn còn lạ mẹ rời quê đến Tây An, hai mẹ con phải ngồi xe đường dài đến Thanh Đảo, sau đó chuyển sang đi tàu hỏa đến Tây An. Ở ga Thanh Đảo vì không mua được vé ngồi, người con lại nổi đầy phát ban, vợ tôi lo đến phát khóc gọi điện cho tôi. Tôi bảo cô ấy đừng quá lo lắng, đến tìm trạm trưởng trực ban ở ga nhờ giúp đỡ. Cuối cùng thì cũng có được một chỗ ngồi, cô ấy cứ bế con như vậy, hai ngày một đêm thì về đến Tây An.

Giây phút nhìn thấy vợ bế con từ ga bước ra, tôi lặng người, đứa con gái mũm mĩm xinh xắn của tôi ngày nào giờ giống như một đứa trẻ ở trại tị nạn của châu Phi, người vợ xinh đẹp của tôi thì vô cùng tiều tụy, tim tôi như thắt lại, không thể thốt nên lời, người run lên. Sau khi bình tĩnh lại, tôi đến ôm vợ con vào lòng, mím chặt môi ngăn nước mắt không rơi xuống, trong lòng rất muốn nói với vợ: “Xin lỗi em!”, muốn nói với con “Xin lỗi con, con gái của cha!”.

Vậy là cả nhà chúng tôi đã được đoàn tụ. Lúc đầu khi nhận được điện của em vợ, tôi rất phẫn nộ về cách làm của ban kế hoạch hóa gia đình ở quê vợ tôi, thậm chí tôi đã nghĩ tới việc phải làm cho ra nhẽ với họ. Nhưng khi gặp con, tất cả mọi bực tức tan đi như mây khói, giờ nghĩ lại tôi thấy còn phải cảm ơn cái ban kế hoạch hóa gia đình đó, bởi vì nhờ có họ mà tôi có cơ hội được gần con gái, và khoảng thời gian hạnh phúc được làm cha của tôi dài thêm nữa.

Xa cha gần nửa năm nên khi gặp lại, Y Y của tôi đã không còn biết tôi là ai nữa, bởi vì từ “cha” chưa được ghi lại trong trí nhớ của con. Sau mấy ngày “nịnh nọt làm thân”, cuối cùng con đã chấp nhận người rất yêu con là cha, và tôi bắt đầu tiến hành kế hoạch vui học dành cho con gái...

Cô con gái yêu ốm yếu

Từ khi đón con từ Sơn Đông đến Tây An, sức khỏe của con đã không được tốt cho lắm, chúng tôi tìm mọi cách tẩm bổ cho con, vì thế mà con dần dần hồi phục. Nhưng thi thoảng con vẫn cảm cúm hoặc sốt.

Sáng sớm ngày 20 tháng 10 năm 1997, Y Y nôn thốc nôn tháo, chúng tôi cho con uống thuốc nhưng không thấy đỡ, con còn có triệu chứng sốt cao, vì vậy chúng tôi lập tức đưa con đến Bệnh viện Nhi Tây An, đến bệnh viện chúng tôi làm thủ tục nhập viện cho con, ngày hôm đó con được tiếp nước suốt nhưng không thấy giảm sốt, lúc nào cũng sốt từ 390C-400C. Đúng lúc chúng tôi đang không biết làm thế nào để con bớt đau thì có người khuyên chuyển con đến Bệnh viện Trực thuộc số 1 Đại học Y khoa Tây An, đến chập tối ngày 21 chúng tôi cho con chuyển viện.

Từ 19 giờ ngày 21 đến 8 giờ ngày 22, các bác sĩ cho con truyền dịch điều trị.

Khi nằm viện, ven của con không dễ tìm, y tá lại chỉ là thực tập sinh nên chọc kim vài lần mà vẫn không tìm được ven, trên đầu, trên tay, cả ở chân con chỗ nào cũng là vết kim tiêm. Trẻ con bị ốm thì thường rất sợ, lại đau đớn vì bị tiêm nên con cứ gào khóc mãi không nín. Để không khiến y tá cảm thấy áp lực, và không phải nhìn thấy con đau đớn, tôi ra hành lang bệnh viện tránh mặt. Chẳng biết cụ thể là bao lâu sau đó, trong phòng có tiếng vọng ra: “Tiêm được rồi”, sau đó thì tiếng khóc nhỏ dần, tôi quay lại phòng bệnh, nhìn thấy hai mẹ con người đầy mồ hôi, tôi vừa lau mồ hôi cho hai mẹ con vừa an ủi: “Xong rồi, không đau nữa, sẽ khỏi nhanh thôi”.

Con đón sinh nhật tròn một tuổi ngay trên giường bệnh, sau ba hôm thì bệnh tình thuyên giảm nên được xuất viện.Cuối năm 1997, sau một năm bận rộn, cả nhà chúng tôi lên đường về quê với thành quả của mình. Trước tiên là về quê ngoại ở Sơn Đông. Một tuần sau đó chúng tôi xuất phát từ Long Khẩu - Sơn Đông, đi qua Yên Đài, Đại Liên, ngồi ô tô, chuyển đi thuyền rồi lại đi tàu hoả, hai ngày sau thì chúng tôi về đến quê nội Cát Lâm.

Do thời tiết khác biệt, lại thêm ngồi xe đường dài chạy xóc, khi đến Sơn Đông con gái đã bị cảm cúm, đêm trước khi về đến Cát Lâm, con bị ho và nôn mửa. Nhưng vì để kịp về quê ăn Tết, chúng tôi vẫn quyết định đi tiếp cho kịp hành trình. Khi ngồi thuyền từ Yên Đài đến Đại Liên, độ ẩm trên thuyền quá cao, con sốt cao, khó chịu đau đớn và không ngừng quấy khóc. May mà có cô bác đi cùng, thuyền trưởng hết mực chăm sóc, cuối cùng con cũng hạ sốt nhưng cũng vì đợt sốt này mà con bị viêm phổi.

Buổi tối khi về đến nhà, con ho không ngừng, ngày hôm sau chúng tôi đưa con đến bệnh viện huyện để khám, bác sĩ xác định con bị “viêm phế quản cấp tính” và phải nằm viện điều trị. Trong thời gian nằm viện, bình quân mỗi ngày con phải truyền ba chai nước, con từng có hiện tượng suy tim trong thời gian ngắn, sau năm ngày bị bệnh, người đầy vết kim tiêm, nhưng rồi cuối cùng con cũng khỏe trở lại, tươi cười xuất viện.

Thời gian này con hay ốm đau, cũng là do cha, nếu không phải đi lại vất vả như vậy, con cũng sẽ không bệnh đến thế, vì vậy Đông Tử khuyên các bậc phụ huynh, khi con còn nhỏ không nên mang con đi đâu xa.

Chiếc cặp sách đầu tiên của con gái

Cho đến bây giờ con gái không biết đã dùng qua bao nhiêu chiếc cặp sách, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là chiếc cặp đầu tiên tôi mua cho con.

Lúc đó là đầu thu năm 1998, tôi rời cố đô Tây An đến thành phố biển Thanh Đảo. Tháng 7 năm đó, vợ tôi mang theo con gái về quê nhà Long Khẩu - Sơn Đông dạy học, lúc đó con chưa đầy hai tuổi. Tôi là người thường muốn khám phá những gì mới mẻ, không muốn quay trở lại những nơi mình đã từng sống để phát triển sự nghiệp, vì thế mà tôi quyết định đến thành phố của những thương hiệu - thành phố Thanh Đảo, bởi thứ nhất là tôi có thể ở gần chăm sóc vợ con, thứ hai tôi là một người rất yêu biển.

Vài tháng trước tôi từng đến Thanh Đảo công tác, tôi nhận thấy Thanh Đảo là một nơi có thể phát triển được, hơn nữa trong thời gian công tác ở đây tôi đã gặp gỡ và tiếp xúc thân tình với tổng biên tập Đổng Kiếm của báo Khoa học hành vi, lúc đó ông đang đảm nhiệm cương vị Thư ký Hội Khoa học hành vi thành phố Thanh Đảo, Đổng Kiếm cũng rất nhiệt tình mời tôi đến Thanh Đảo phát triển.

Báo Khoa học hành vi đã trở thành mái nhà mới của tôi, tôi phụ trách biên tập và chủ trì chuyên mục “Tư vấn tâm lý”. Làm ở đây tôi không phải ngồi văn phòng, ngoài thời gian làm việc tôi còn rất nhiều thời gian rỗi. Nhìn đống tài liệu “Bồi dưỡng phép xã giao trong quan hệ công chúng” tôi viết khi còn ở Tây An trong xó nhà, tôi lại có ý định tiếp tục mở lớp bồi dưỡng kỹ năng. Bởi vì đảo Đại Mạch nơi tôi ở chỉ cách đại học Thanh Đảo có một con đường, tôi muốn tận dụng điều kiện thuận lợi này để mở lớp bồi dưỡng ngay ở Đại học Thanh Đảo.

Nói là làm, sau khi bàn bạc xong vấn đề thuê phòng học với ban quản lý trường Đại học Thanh Đảo, tôi liền đi in tờ rơi quảng cáo về lớp học, một mình tôi chạy ròng rã hai ngày liền để phát tờ rơi cho các sinh viên ở trường Đại học Thanh Đảo và các trường lân cận. Hơn thế nữa, để thuận lợi cho việc mở lớp học, tôi nhận lời mời của Đại học Thanh Đảo, tổ chức buổi thuyết trình với nội dung “Trào lưu và cá tính”. Sau buổi thuyết trình, có đến 50 người ở hội trường đăng ký tham gia lớp bồi dưỡng.

Cuộc sống ở Thanh Đảo đã bắt đầu như thế…

Một tháng sau, chúng tôi chào đón sinh nhật lần thứ hai của con gái. Do ngày sinh nhật đúng vào thứ tư, vợ tôi phải lên lớp, vì thế đành phải đợi đến thứ bảy mới có thể đến Thanh Đảo đoàn tụ, cùng chúc mừng sinh nhật con gái.

Mấy ngày trước đó, tôi đã lên kế hoạch chúc mừng sinh nhật con, đầu tiên là liệt kê hàng loạt những món quà muốn mua cho con, hai là xem xét cho con đi đâu chơi và chơi cái gì. Sinh nhật thì tất nhiên là không thể thiếu bánh sinh nhật, những món quà khác như là giày, quần áo, mũ đều được đưa vào danh sách, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu thứ gì đó. Lúc này tôi đột nhiên nghĩ ra, vài ngày trước khi vợ tôi nói với tôi rằng con bé muốn đi học, mặc dù lúc đó tôi cảm thấy rất buồn cười, nhưng nghĩ đi nghĩ lại điều đó chứng tỏ con gái rất ham học, vì thế mà tôi cảm thấy rất vui. Đương nhiên tôi cũng biết, một đứa trẻ chưa đến hai tuổi muốn “đi học” không phải là “học” giống như người lớn chúng ta thường nghĩ, nhưng chúng ta vẫn phải công nhận suy nghĩ đó của con trẻ.

Tôi nghĩ đến việc mua cho con “cặp sách”, cặp sách này không phải để đựng đồ dùng học tập, mà chủ yếu là đựng đồ chơi và những thứ đồ lặt vặt của con. Sau khi đã tỉ mỉ lựa chọn một chiếc cặp ưng ý, mua một số đồ chơi, vì muốn con được hưởng niềm vui tô vẽ, tôi lại mua cho con một quyển sách tập tô và một cái bút chì. Tất cả mọi thứ đã đâu vào đó, chỉ còn chờ con đến để cùng chúc mừng.

Buổi trưa ngày 24 tháng 10 năm 1998, tôi đến bến xe đường dài đón vợ và con gái, con chưa xuống xe đã nhìn thấy tôi, hướng về phía tôi gọi lớn: “Cha ơi, cha!”. Tôi vội vàng bước tới cửa xe, con tưởng tôi muốn bỏ đi vừa khóc vừa la lớn: “Cha, cha đi rồi…”. Mẹ con an ủi con: “Cha không đi đâu cả, cha đến cửa xe chờ mẹ con mình”.

Đợi khi Y Y đến cửa xe, tôi ôm con vào lòng, lúc đó con khóc to: “Cha, cha không cần con nữa à?”. Tôi ôm chặt con vào lòng và nói với con: “Làm sao có chuyện đó được, không phải là cha đã đến đón con rồi hay sao? Con mãi mãi là con yêu của cha, chúng ta sẽ mãi mãi ở bên nhau”. Vợ tôi bế con xuống xe, rồi chúng tôi dắt tay con đến chỗ xe taxi, vừa đi vừa cười nói vui vẻ.

Về đến nhà, nhìn thấy quà tôi mua cho con, con rất vui, con khoác chiếc cặp sách trên lưng chạy quanh nhà, vừa chạy vừa nói: “Con sắp đi học rồi, con sắp đi học rồi…”.

Tôi hỏi con: “Con yêu, đi học là gì?”, con trả lời: “Viết chữ”.

“Tại sao lại viết chữ?”. “Chơi”.

“Có vui không?”. “Vui ạ”.

“Khi nào con đi học vậy?”. “Ngày mai con đi”.

Sau đó tôi cùng con chơi một số trò, giải thích cho con việc “đi học” là như thế nào, con vừa nghe vừa chơi gật gật đầu ra dáng hiểu được điều tôi đang nói.

Ngày hôm sau chúng tôi đưa con đi chơi ở cầu cảng, đảo Đoàn, quảng trường Hội Tuyền, công viên Trung Sơn, và đến khu vui chơi Hoàng Hải chơi những trò mà trẻ con thường thích chơi. Sau đó con gái đeo cặp sách, nắm tay mẹ chào tạm biệt tôi. Bốn tháng sau, Y Y đeo chiếc cặp sách tôi tặng con đi mẫu giáo, bắt đầu cuộc sống ở nhà trẻ.

Cuộc sống ở nhà trẻ của cô gái nhỏ

Trong quãng thời gian ở Thanh Đảo, tôi cảm thấy mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần. Vì muốn nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần, nên sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng đầu tiên, tôi gửi đơn xin thôi việc cho Đổng Kiếm, về sống cùng vợ con, kết thúc “hành trình” ở Thanh Đảo.

Tôi thuê một ngôi nhà ba gian gần nơi vợ tôi công tác, ngôi nhà còn có một khoảng sân nhỏ, sau khi thu dọn đơn giản, tôi bắt đầu ẩn cư vui cuộc sống điền viên. Khoảng sân nhà không lớn nhưng lại rất tĩnh mịch, yên bình. Đồ đạc trong nhà cũng rất giản dị. Nói thật là tôi vốn rất thích cuộc sống như thế này, nhiều năm bôn ba làm việc vất vả, tôi thường nghĩ đợi đến khi không phải bươn chải vì cuộc sống, tôi sẽ xây một ngôi nhà ở một vùng quê yên tĩnh, sống một cuộc sống đơn giản, không tranh giành với ai.

Bây giờ nhìn lại mọi thứ xung quanh, điều mong muốn bấy lâu nay bỗng trở thành hiện thực chỉ sau một đêm. Tôi đã thoát khỏi chốn đô thị ồn ào, huyên náo để về với thiên nhiên, ngụp lặn trong mây gió quê nhà, tôi cảm giác cơ thể mình ngay lập tức như được thả lỏng, giống như một con ngựa nhiều năm bị buộc dây cương, bị đóng yên bỗng nhiên được trút bỏ mọi sự trói buộc, cảm giác được thả lỏng thư giãn thật sự quả là vô cùng tuyệt vời!

Trong những ngày an nhàn thoải mái này, tôi dành phần lớn thời gian để đọc sách, đọc những cuốn sách trước đây muốn đọc mà chưa có thời gian để đọc. Đọc đến khi nào cảm thấy mệt, mở cửa ra ngoài đi dạo trên cánh đồng làng. Nhìn những nhánh cỏ dại úa vàng thi thoảng chồi lên những nhánh xanh non, ngắm những chú chim sẻ nhảy nhót trên những thửa ruộng nứt nẻ chân chim đang chờ vào vụ mới, ngắm những người nông dân trồng cây ăn quả đang chăm cây tỉa cành…, cả cơ thể và tâm hồn tôi hoàn toàn chìm đắm vào bầu không khí tĩnh lặng, đây quả là một sự hưởng thụ xa xỉ với tôi.

Kể từ sinh nhật lần thứ hai của con gái, hơn một tháng rồi tôi chưa gặp con. Thời gian này vì có nhiều thời gian rỗi, tôi đón con gái từ nhà ngoại về ở cùng để chăm sóc con, làm tròn trách nhiệm của một người cha, tận hưởng niềm vui giản dị. Vì thế mà ban ngày ngoài thời gian đọc sách, suy nghĩ những vấn đề trước đây không có thời gian để suy nghĩ, tôi dành thời gian chơi cùng con, dạy con học vẽ, học chữ, cùng con chơi trò chơi, đưa con ra đồng kiếm rau dại, nấu những món ăn mà con thích ăn…

Sau mấy tháng nghỉ ngơi, đầu xuân năm 1999, tôi lại bắt đầu một cuộc chinh chiến mới, mà vợ tôi lại bận rộn, thực sự không có thời gian để ý đến việc dạy con. Nghĩ đến việc con gái đã hơn hai tuổi, đây lại là thời điểm phù hợp nhất để dạy học vỡ lòng, tôi bàn với vợ việc cho con đi học mẫu giáo. Như vậy một mặt có thể giảm bớt gánh nặng cho vợ, mặt khác lại giúp con gái kịp thời được học vỡ lòng.

Qua mùng 6 Tết, chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu, đánh giá những trường mẫu giáo gần nơi ở, cuối cùng quyết định gửi con đến trường mẫu giáo Thiên Nga Nhỏ. Khi đến đăng ký học cho con, hiệu trưởng biết con gái tôi chưa đủ hai tuổi rưỡi thì lo lắng hỏi: “Cháu nhỏ như vậy đã cho đi học liệu cháu có chịu được không?”. Hiệu trưởng cho biết, 90% các cháu lần đầu tiên đến trường mẫu giáo đều quấy khóc trong nhiều ngày, có cháu khóc nhiều đến nỗi bị viêm họng. Trẻ càng nhỏ thì càng quấn cha mẹ, chưa hiểu chuyện và không nghe lời. Vì thế mà thường quấy khóc hơn các bé lớn hơn. Nhưng chúng tôi đã quyết nên hiệu trưởng đồng ý nhận con vào học thử một ngày, ông còn nhắc chúng tôi chuẩn bị cho con một ít thuốc chống viêm, thuốc thanh nhiệt.

Về đến nhà, nhìn con, chúng tôi cũng vô cùng lo lắng. Ngộ nhỡ con gào khóc la thét không muốn đi mẫu giáo thì làm thế nào? Ngộ nhỡ khi ở trường con khóc đòi mẹ thì làm thế nào? Dù sao thì con vẫn còn quá nhỏ, những việc như vậy là không thể tránh khỏi. Nhưng nghĩ tới những khó khăn thực tế, chúng tôi đành bỏ qua những trường hợp “ngộ nhỡ” như vậy. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là chuẩn bị tâm lý trước cho con, để con chấp nhận hiện thực là con sắp phải đi học mẫu giáo. Khi chúng tôi hỏi con về vấn đề này, ban đầu con vẫn chưa biết trường mẫu giáo là cái gì, nên không muốn đi, con cứ hỏi chúng tôi: “Ở trường mẫu giáo thì có những gì ạ?”. Khi nghe chúng tôi miêu tả trường mẫu giáo có rất nhiều đồ chơi và có rất nhiều bạn nhỏ, con đã vui vẻ đồng ý.